1. Theo một vài cuốn sách sưu tầm văn học dân gian Phú Yên xuất bản những năm gần đây, ở Phú Yên có 3 truyện kể về Cao Biền:

Truyện thứ nhất: Mả Cao Biền ở Phú Yên

Sau khi dẹp yên quân Nam Chiếu, Cao Biền được vua phong làm Tiết độ sứ nước ta. Biền thông hiểu thiên văn, địa lí, nhận ra vùng biển dọc dải Hoành Sơn có “long mạch phát đế vương”. Vì cho rằng, nếu tán hài cốt của cha vào “hàm rồng” của “long mạch” ấy thì mình sẽ làm nên nghiệp đế ở phương Nam, nên Biền bèn sai một học trò thân tín về nước bốc hài cốt của cha mình đưa sang nước Nam. Không ngờ, gã học trò của Biền biết được mưu đồ của thầy. Về nước, hắn không chỉ bốc hài cốt của cha thầy mà còn bốc hài cốt của cha mình, gói thành hai gói đưa sang.

Khi được sai mang gói hài cốt của cha Cao Biền lặn xuống biển đặt vào “hàm rồng”, gã học trò cũng mang theo gói hài cốt của cha mình và hắn đã đặt gói hài cốt của cha hắn vào chỗ cần đặt, ném gói hài cốt của cha Cao Biền vào biển sâu. Cao Biền không những không biết việc đánh tráo như vậy của gã học trò mà còn giao cho hắn công việc là mỗi ngày thắp một nén hương. Nếu hương được thắp đủ 100 nén trong 100 ngày thì từ dưới lòng đất sẽ hiện lên một đội quân hùng hậu. Cao Biền sẽ điều khiển đội quân ấy để xây dựng nghiệp đế, hùng cứ phương Nam. Tuy nhiên, mục đích của việc thắp hương như thế, Cao Biền không tiết lộ cho gã học trò biết.

Sau ba tháng, gã học trò thắp được 90 nén hương thì vợ của hắn sinh ra hai đứa con trai có hình thù kì dị. Vì cho rằng, Cao Biền đã biết được hành vi phản trắc của mình, “hoá phép” ngầm hại mình nên gã học trò bèn giết hai đứa con và cùng một lúc thắp 10 nén hương còn lại. 10 nén hương vừa tàn thì bỗng xảy ra một sự việc lạ lùng: từ dưới đất hiện lên một đội quân đông đảo, nhưng vì thiếu ngày nên thân xác của những tên lính hãy còn non yếu, run lẩy bẩy rồi lăn ra chết sạch. Từ việc này, dân gian có câu tục ngữ:


Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non

(hay: Lẩy bẩy như quân Cao Biền dậy non)

Mưu lớn không thành, Cao Biền thất vọng cưỡi diều giấy đi khắp nơi và tìm các huyệt đất tốt ở nước ta để trấn yểm. Ngày kia, đến làng nọ, Biền phát hiện “long mạch đại kiết” và “con mắt rồng” của “long mạch” đó ở trong một cái giếng, y phóng cây bút thần vào lòng giếng. “Con rồng” bị mù mắt, đau đớn, vùng quẫy, gây ra nạn cháy làng làm nhiều người chết. Dân chúng bắn rách nát cánh diều. Diều không bay được nữa, Biền rơi xuống đất.


Sau khi yểm huyệt đất ở thành Đại La bị thần sông Tô Lịch triệt phá, Cao Biền sợ hãi linh khí phương Nam, trở về đất Bắc. Biền đi bộ và bị lạc đường về phía nam đến tận Phú Yên. Phát hiện một làng nhỏ ven biển có “long mạch” tốt, y quyết định không về Bắc nữa và sinh sống tại làng đó. Thời gian sinh sống ở đây, Biền có giúp dân làng những việc như xem đất xây nhà, để mả,... Về già, Biền nhờ dân làng, nếu ông chết thì hãy chôn xác vào chỗ đất mà ông đã chọn. Vì vậy nên ở thôn Năm, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên có mả Cao Biền. Sự kiện này, từ bao đời nay, đã được phản ánh trong ca dao Phú Yên:


Nhìn ra thấy mả Cao Biền
Nhìn vào thấp thoáng Ma Liên, Chóp Chài.

(Lược ghi theo Truyện dân gian và truyện cổ Phú Yên)(1)



Truyện thứ hai: Dấu chân và mả Cao Biền

Thuở các nước phương Nam bị giặc xâm lược phương Bắc đô hộ có một trận đánh ác liệt giữa quân Cao Biền và quân Lâm ấp diễn ra.

Trận đánh ấy, quân Cao Biền bị quân Lâm ấp đánh cho đại bại. Cao Biền cùng một nhóm tàn quân tháo chạy đến gành Cây Sung (thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên ngày nay). Quân Lâm ấp truy kích, bao vây gành Cây Sung. Vòng vây ngày càng thu hẹp. Biết khó lòng thoát chết, Cao Biền đứng trên một tảng đá, ngửa mặt lên trời gào thét: “Trời hỡi! Trời đã hại ta” và giậm mạnh chân xuống tảng đá.

Kêu trời, giậm chân xong, Cao Biền lên ngựa. Nhưng lạ lùng thay! Con ngựa của y không chịu cất vó cho dù Biền có giật mạnh dây cương, ra roi, la hét. Tức giận, y rút kiếm chém đứt bốn chân con chiến mã. Máu của bốn chân con chiến mã vọt ra thành vòi vạch ngang vào vách đá của gành Cây Sung rồi nó ngã gục.

Ngựa đã chết, Cao Biền bỏ đám tàn quân liều chết phá vòng vây, chạy bộ về phía biển và y đã kiệt sức, tắt thở trên một bãi cát thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Dân gian cho rằng, trên một tảng đá ở gành Cây Sung ngày nay có dấu vết giống như một bàn chân khổng lồ. Đó là dấu chân Cao Biền giậm vào đá lúc kêu trời thuở trước. Vách đá của gành Cây Sung có một tầng đá đỏ. Đó là vết máu từ bốn chân ngựa của Cao Biền. Cao Biền chết không được chôn cất. Nơi xác y nằm, qua bao năm tháng, gió, mưa vun thành một mô đất cao và được gọi là mả Cao Biền (theo Văn học dân gian Sông Cầu)(2).



Truyện thứ 3: Sự tích mả Cao Biền

Ở một vài địa phương của tỉnh Phú Yên lưu truyền câu chuyện: Cao Biền là một vị tướng của quân xâm lược phương Bắc. Lúc sang Việt Nam, Cao Biền rất “thương yêu” dân ta. Biền làm bất kì việc gì có thể làm được nhằm “mang lại lợi ích” cho người Việt Nam. Do làm trái lệnh triều đình phương Bắc, nên Cao Biền sợ rằng, một ngày kia, sau khi mình qua đời, rất có thể mả của mình sẽ bị người Hán quật lên. Vì thế, khi đã già yếu, trước lúc chết, Cao Biền dặn dò những người dân Việt thân thiết với ông rằng:



- Khi ta chết phải chôn sấp ta để phòng khi người Hán có quật mồ, lật ngược lại tư thế ta nằm lúc chết thì xác ta sẽ nằm ngửa. Có như vậy, người Việt mới còn xuất hiện nhiều người tài giỏi (!).


Dù Cao Biền đã căn dặn như vậy, nhưng vì thiện cảm dành cho Cao Biền và còn vì phải làm theo tập tục chôn cất của người Việt nên khi Cao Biền chết, những người chôn cất ông vẫn cứ chôn ngửa. Sau đó, đúng như sự tiên đoán của Cao Biền, người Hán đã tìm mả ông, quật lên, lật ngược quan tài lại. Từ đó, một tai hoạ gieo xuống đất nước ta là nhân tài hết sức hiếm hoi (!).

Mả Cao Biền là một mô đất cao trên một ngọn đồi ở thôn Năm, thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên hiện nay. Dân gian còn có cách giải thích rằng, mả Cao Biền là do trời vun đắp một cách tự nhiên mà thành. Không hiểu sao đây là nơi tập trung nhiều mèo. Vì thế, dân gian còn cho rằng, hằng năm vào thời điểm chỗ mả Cao Biền có nhiều mèo là lúc “nhà họ mèo” tổ chức cúng giỗ Cao Biền. (Theo Văn học dân gian Sông Cầu)(3)


Ba truyện dân gian vừa kể đều đề cập đến sự tích mả Cao Biền, nhưng nội dung cụ thể và hình thức thể hiện lại có một số điểm khác xa nhau. Chẳng hạn, cùng nói về cái chết và sự chôn cất Cao Biền: trong truyện thứ nhất và truyện thứ ba, Cao Biền già, đau bệnh chết; ngược lại, ở truyện thứ hai, Cao Biền chết trong chiến trận. Trong truyện thứ nhất, Cao Biền chết được người dân Việt chôn cất. ở truyện thứ hai, xác Cao Biền không được chôn cất mà theo năm tháng, gió, mưa vun đắp thành mồ. Truyện thứ ba, vừa cho rằng, người dân Việt chôn cất Cao Biền, vừa cho biết: mồ Cao Biền là do gió, mưa theo năm tháng tạo nên.…

Sự khác nhau giữa các truyện nêu trên còn biểu hiện ở một số khía cạnh khác nữa và đó là những minh chứng về sự vận động đa dạng, phức tạp nhưng cũng độc đáo và thú vị của sáng tác folklore. Đặc biệt, từ sự khác nhau ấy, ta nhận ra tác giả dân gian đã có nhầm lẫn khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền. Tác giả bài viết này xin nêu một vài suy nghĩ về hiện tượng vừa nói.


Trong các truyện kể về Cao Biền đã dẫn, ta thấy tác giả dân gian đã có hai thái độ và cách đánh giá trái ngược nhau đối với Cao Biền. Lúc thì khinh bỉ, lên án khi thì gần gũi, tôn trọng thậm chí Cao Biền còn được tô vẽ trở thành kẻ có liên quan mật thiết với nguyên khí của núi sông. Biền rất “thương yêu” dân ta. Biền làm bất kì việc gì có thể làm được nhằm “mang lại lợi ích” cho người Việt Nam. Biền làm trái lệnh triều đình phương Bắc đến mức sau khi y chết, có khả năng triều đình cho người quật mồ của y. Có nghĩa rằng, Biền đã hoàn toàn đứng về phía dân Nam để chống lại sự đô hộ của phương Bắc. Vì vậy mà việc chôn sấp hay chôn ngửa thi thể của y có ảnh hưởng đến sự xuất hiện hiền tài của đất nước (!). Vô tình, dân gian đã ca ngợi tên xâm lược: Cao Biền. Và đây là sự nhầm lẫn chứ hoàn toàn không phải là sự mâu thuẫn trong nhận thức, cũng không phải là sự sáng tạo nghệ thuật của tác giả dân gian khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền.

Vấn đề cần bàn là vì sao chỉ có thể nói là tác giả dân gian nhầm lẫn? Và vì sao đã có sự nhầm lẫn ấy?

2. Xưa nay, ở ta đã có sách cho biết: Cao Biền là danh tướng đời Đường(4). Năm Hàm Thông thứ 6, vua Đường ý Tông sai Cao Biền làm đô hộ tướng quân, đem binh sang đánh quân Nam Chiếu. Lúc Biền trở về, nhà vua đặt Tĩnh hải quân ở thành Lĩnh Nam, cho Biền làm tiết độ sứ(5). Cao Biền là dòng dõi con nhà võ lại thêm xuất thân nho học, nên y thông lí số, hiểu biết thiên văn địa lí và có nhiều mưu mẹo thâm hiểm. Phàm khi đi đến đâu xem hình thế đất đai, thấy nơi nào “linh thiêng” y liền dùng thuật pháp yểm bùa huyệt để triệt “nhân kiệt”. Thuật pháp chủ yếu của Biền là lừa bắt một người con gái chưa chồng đem mổ bụng moi ruột rồi nhồi cỏ bấc vào. Đoạn y mặc quần áo cho tử thi theo trang phục quan tước rồi đặt lên ngai. Y đem các thứ đến huyệt định yểm rồi giết thịt trâu bò tế cúng và đọc thần chú. Hễ khi nào tử thi cử động, tức là thần linh ở đất ấy đã nhập vào, y lập tức dùng kiếm chém đầu. Như thế có nghĩa là y đã trừ yểm xong... Tuy vậy, với mọi người, bao giờ Biền cũng nói là dùng pháp thuật để tiễu trừ tà ma(6). Biền cai trị Giao Châu trong 8 năm (866 – 874) rồi sau đó được triệu hồi về nước(7) và bị giết(8).

Những thông tin về Cao Biền trong sách vở xưa nay đã giúp chúng ta hình dung ra được một số nét cơ bản về con người Cao Biền trong lịch sử. Biền là danh tướng nhà Đường, từng làm quan cai trị nước ta vào giai đoạn cuối thời kì Bắc thuộc; y có “pháp thuật” và là tên quan cai trị tàn bạo, thâm độc. Quá trình sáng tạo ra nhân vật Cao Biền trong tác phẩm folklore, tác giả dân gian phải giữ lại một cách trung thực những nét cơ bản ấy của con người Cao Biền trong lịch sử. Và chỉ khi nào làm được điều đó thì tác giả dân gian mới sáng tạo ra được tác phẩm folklore có giá trị đích thực. Bởi vì, chắc chắn rằng, trong tác phẩm folklore được sáng tạo theo cách như vậy, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với con người Cao Biền trong lịch sử mới được thể hiện một cách rõ ràng và chính xác nhất. Những truyện kể về Cao Biền được lưu truyền trong dân gian và được ghi lại trong sách vở của ta xưa nay đã thể hiện được thái độ và cách đánh giá đó của nhân dân.

Truyện Truyện sông Tô Lịch trong sách Lĩnh Nam chích quái đã cho ta thấy hình ảnh Cao Biền ngoan cố nhưng hèn nhát: hồi đó giữa tháng sáu, nước mưa lên cao: Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông con, đi khoảng một dặm bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kì, tắm ở giữa dòng sông, cười nói hớn hở. Biền hỏi tên. Đáp: ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: nhà ở đâu? Đáp: nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.

Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía đông thành Đại La, thấy một trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một quãng trời, chập chờn lên xuống trong khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây vẫn còn chưa tan, Biền rất kinh dị muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?”. Biền kinh hãi.

Sáng hôm sau, Biền lập đàn niệm chú, lấy kim đồng hồ thiết phù để yểm. Đêm hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dầm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng hồ thiết phù bật ra khỏi mặt đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền kinh hãi, than rằng: “Xứ này có thần linh dị, ở lâu ắt chuốc lấy tai vạ(9)”.

Từ bao đời nay, nhân dân ta lưu truyền câu truyện nhằm giải thích nguyên nhân hình thành câu tục ngữ Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non với cốt truyện như sách Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ ghi lại đã phác hoạ chân dung Cao Biền với bản chất: tàn bạo, thâm độc, nhiều cuồng vọng và kết cục thất bại thảm hại: Cao Biền là danh tướng đời Đường (865), được phong Tiết độ sứ và cử sang cai trị nước ta. Tương truyền, Cao Biền có tài bắn một phát trúng hai con chim điêu nên thời đó có tiếng là “xạ lạc song điêu”. Đặc biệt, danh tướng này còn giỏi nghề địa lí, phù thuỷ. ở nước ta Cao Biền đã đi khắp mọi chốn đó đây để yểm hết huyệt rồng vàng, những mong muốn khí thiêng đất nước ta lụi tàn để dễ bề cai trị. Lại nữa, Cao Biền còn kì tài trong việc luyện âm binh. Với phép thuật cao nghệ, những âm binh bằng giấy của y có thể trở thành binh lính thật. Việc luyện âm binh cũng có thời hạn, có quá trình cụ thể. Nếu luyện âm binh đủ ngày, đủ tháng thì quân lính ra đời mới khoẻ mạnh, cứng cáp. Ngược lại, không trọn ngày, đủ tháng là dậy non, kết quả cho ra một “mẻ” quân lính yếu ớt, run lẩy bẩy. Từ câu chuyện này, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ lẩy bẩy như Cao Biền dậy non để chỉ những trạng thái run rẩy, yếu ớt, đứng không vững.

Con nhạn chắp cánh bay chuyền

Chồng em lẩy bẩy như như Cao Biền dậy non(9).


Trong những hiện tượng folklore vừa đề cập, tác giả dân gian cho dù có nói tới tài xạ lạc song điêu, luyện âm binh, giỏi nghề địa lí, phong thuỷ của Cao Biền; cho dù có nói tới việc Cao Biền đặt tên con sông Tô Lịch và cho dù có nói tới sự kiện trọng đại: Cao Biền xây thành Đại La thì cũng hoàn toàn không phải với thái độ tôn trọng, ca ngợi Cao Biền mà luôn luôn với thái độ vạch trần bản chất tàn bạo, thâm độc, nhiều cuồng vọng, nhưng cuối cùng phải chuốc lấy thất bại thảm hại của y. Rõ ràng, từ thời đại cách thời đại chúng ta đang sống khá xa, nhân dân ta đã nhận thức được một cách đầy đủ bản chất xâm lược của Cao Biền. Nhận thức ấy biểu hiện ở thái độ và cách đánh giá của nhân dân cũng chính là của tác giả dân gian đối với y và đã được phản ánh trong tác phẩm văn hoá dân gian mà trước hết và chủ yếu là trong các truyện kể dân gian như chúng ta đã nói.

Mặt khác, về thể loại, truyện Truyện sông Tô Lịch các truyện kể về Cao Biền sưu tầm ở Phú Yên và kể cả truyện Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non vừa có tính chất truyện cổ tích, vừa có tính chất truyền thuyết nhưng tính chất truyền thuyết đậm nét hơn. Vì vậy, nếu có thể phân loại cho các truyện kể dân gian về nhân vật Cao Biền, cụ thể là những truyện đang khảo sát, thì chúng ta nên xếp chúng vào thể loại truyền thuyết. Từ đó, vấn đề chúng ta đang bàn có nhiều liên quan đến chức năng thể loại truyền thuyết. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Chức năng của truyền thuyết là đánh giá các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử(11). Nhân vật truyền thuyết, xét chung, là do lịch sử tạo ra. Đó không phải là nhân vật hư cấu. Nhưng cũng không phải là bản sao của nhân vật lịch sử. Công việc của các tác giả dân gian khi sáng tác truyền thuyết, nhất là những truyền thuyết sau thời cổ không phải là hư cấu ra những nhân vật như là khi sáng tác truyện cổ tích mà lựa chọn những sự kiện, những nhân vật có thật trong lịch sử, dựng lại diện mạo và tầm vóc của những sự kiện và những nhân vật ấy, đồng thời lí tưởng hoá những người, những việc cần được ngợi ca, khôi phục lại những sự thật lịch sử bị che lấp, bị bỏ qua hoặc bị xuyên tạc... Tìm hiểu nhân vật truyền thuyết nhất thiết phải tường giải được “thái độ và cách đánh giá riêng” của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện mà nhân vật này làm trung tâm(12).


Với tất cả những điều vừa phân tích, việc ta tìm thấy một vài truyền thuyết sưu tầm ở Phú Yên thái độ tôn trọng, ca ngợi nhân vật Cao Biền, chỉ có thể nói, đó là sự nhầm lẫn, chứ hoàn toàn không phải là sự mâu thuẫn trong nhận thức, cũng không phải là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật của tác giả dân gian khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền. Vấn đề quan trọng đối với chúng ta là phải tường giải cho được “thái độ và cách đánh giá” nhầm lẫn ấy để góp phần khôi phục lại những sự thật lịch sử bị che lấp (Trần Đình Sử) trong những tác phẩm truyền thuyết đã đề cập.


3. Trong phần 2 bài viết này, chúng tôi đã đưa ra một vài khía cạnh chủ yếu của cách lí giải vì sao chỉ có thể nói là tác giả dân gian đã nhầm lẫn khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền. Phần này, chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ ban đầu về nguyên nhân sinh ra hiện tượng nhầm lẫn ấy.


Xét cho cùng, sự nhầm lẫn của tác giả dân gian khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền là biểu hiện hay nói đúng hơn là kết quả của quá trình vận động, biến đổi “trong không gian và qua thời gian” của hiện tượng folklore này.


Ở nước ta, từ rất sớm, các nhà Nho đã có người đề cập đến Cao Biền trong sách vở của họ. Nếu nửa đầu thế kỉ XIV, ở sách Việt điện u linh(13), Lý Tế Xuyên có thoáng nhắc đến sự kiện Cao Biền xây thành Đại La thì đến cuối thế kỉ XV, trong Truyện sông Tô Lịch của sách Lĩnh Nam chích quái, Vũ Quỳnh và Kiều Phú đã tạo ra được đôi nét phác thảo mang tính chất văn chương về nhân vật Cao Biền(14). Và chắc chắn, cũng từ rất sớm, truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” đã được lưu truyền trong đời sống nhân dân.

Căn cứ vào điều nói trên, căn cứ vào đặc điểm thi pháp thể loại truyền thuyết biểu hiện trong các truyện kể dân gian về Cao Biền đã dẫn và đặc biệt căn cứ vào lịch sử khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt, chúng tôi cho rằng, các truyền thuyết về Cao Biền sưu tầm ở Phú Yên ra đời muộn hơn rất nhiều so với những truyện có đề cập đến Cao Biền trong các sách của nhà Nho thời phong kiến và cũng muộn hơn truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” từng được nhân dân lưu truyền từ bao đời nay.


Nếu các truyền thuyết về Cao Biền được sưu tầm ở Phú Yên ra đời một cách muộn màng như vậy thì nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn của tác giả dân gian khi lưu truyền các truyện kể về Cao Biền như đã đề cập có thể có nhiều và chắc rằng, hầu hết nguyên nhân ấy đều liên quan đến buổi đầu lịch sử khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt.


Cho dù chính sử thời trước thường bỏ quên Phú Yên(15), chúng ta vẫn có thể dựa vào một số ít tư liệu đã có để dựng lại đôi nét về đặc điểm lịch sử khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt như sau:

Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển X viết: Xưa là đất Việt Thường thị; đời Tần thuộc Tượng Quận; đời Hán là đất Lâm ấp, đời Tuỳ là quận Lâm ấp; đời Đường đổi làm Châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Bà Đài và Đà Lãng(16). “Nước ta đời Lê, năm Hồng Đức thứ nhất (1970) đánh được Chiên Thành, mở đất đến núi Thạch Bi, chia đất này làm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Li và Tuy Viễn, đặt phủ Hoài Nhân, lệ vào Quảng Nam thừa tuyên, nhưng từ núi Cù Mông về nam vẫn là người Man người Lạo ở, chưa có thì giờ kinh lí đến. Bản triều Thái Tổ Gia dụ hoàng đế năm Mậu Dần thứ 21 (Lê Quang Hưng năm thứ 1 - 1578) ông Lương Văn Chính làm tri huyện Tuy Viễn, để dẹp yên biên trấn và chiêu tập dân xiêu tán đến ở Cù Mông và Bà Đài (nay là Xuân Đài), lại khai khẩn ruộng hoang ở sông Đà Diễn(17).

Gần đây, tại Hội thảo khoa học xác định mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên, Trần Viết Ngạc cho biết: năm 1597, chúa Nguyễn Hoàng có sắc lệnh:

Thị Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:

Liệu xuất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng ứng vụ, nhưng suất thủ khách hộ nhân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Điểu, Đà Niễu đẳng xứ, thượng chí nguồn Di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư, địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ để thu nạp thuế như lệ.

Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội tư thị.
Quang Hưng, nhị thập niên nhị nguyệt sơ lục nhật

Dịch:
Dạy Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên rằng:

Hãy liệu đem số người trục vào dân xã Bà Thê và các khách hộ thôn phường tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số nhân dân khách hộ đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn Di, dưới tới cửa biển, thành lập địa phận gia cư; khai khẩn ruộng đất hoang nhàn tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường.

Nếu vì lo việc mà nhiễu dân, nay xét ra sẽ bị xử tội.

Nay dạy
Quang Hưng, năm thứ hai mươi (1597), ngày mồng sáu, tháng hai(18).

Dựa vào những tài liệu trên, ta có thể nói rằng, cho dù năm 1578, người Việt đã xuất hiện trên vùng đất từ Cù Mông đến núi Thạch Bi thì cũng đến 20 năm sau (1597) mới thực sự định cư và thiết lập làng xã ở đó.

Vấn đề cần tìm hiểu trước hết ở đây là tầng lớp nào của dân Việt, đầu tiên, vào khai phá đất Phú Yên? Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Đó là dân xiêu tán, sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng ghi rõ: dân khách hộ (không phải chính hộ) ở các tỉnh phía bắc, chủ yếu là vùng Thuận Hoá... Ngày nay, trong tài liệu tham khảo tương đối phong phú, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong dân chúng khai phá vùng đất này từ rất sớm có những can phạm bị án lưu hình bị cưỡng bách di cư vào Nam để khẩn hoang; có những người bất mãn với chính sách cai trị của địa phương mình cư ngụ hoặc vì nghèo khổ phải tự tìm kế mưu sinh miền đất mới; có những tù binh quân chúa Trịnh mà quân chúa Nguyễn bắt được trong những trận giao tranh và có cả những người Hán ở Trung Nguyên không chịu sống dưới chế độ cai trị của người Mãn, đã bỏ nước di cư sang cư trú ở nhiều nơi trên dải đất xứ Đàng Trong...(19).


Mặt khác, dải đất từ Cù Mông đến núi Thạch Bi, núi rừng tươi tốt, đất đai màu mỡ, sông biển có nhiều sản vật. Chúa Nguyễn Hoàng lúc sắp lâm chung dặn dò Nguyễn Phước Nguyên rằng: Đất Thuận Quảng này phía bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía Nam có Hải Vân sơn và Thạch Bi sơn bền vững. Núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối... thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ(20). Nhận xét của chúa Nguyễn Hoàng về sự giàu có của đất Thuận Quảng, trong đó có Phú Yên. Tuy nhiên, đối với người Việt buổi đầu khai phá, gần như tất cả mọi sự ưu đãi của tự nhiên còn ở trong tiềm năng. Hầu hết đất đai cần cho canh tác bị chìm ngập, bị bao vây trong sông hồ, đầm lầy và rừng núi. Sông hồ Phú Yên có thể cá sấu không nhiều bằng sông hồ Nam Bộ, nhưng núi rừng Phú Yên có thể cọp nhiều không thua kém bất cứ nơi nào. Phải lao động trong điều kiện tự nhiên như vậy và chắc rằng, người đi khẩn hoang công cụ thô sơ, lại ít ỏi; kĩ thuật sản xuất lạc hậu; chưa thể nắm bắt một cách chắc chắn quy luật tự nhiên của vùng đất mới. Sự chi viện, tiếp sức của cộng đồng người Việt phía bắc lại xa xôi, cách trở bởi núi đèo. Trong khi đó, người Chiêm Thành ở phía nam đâu để người Việt yên ổn khẩn hoang, sinh sống, lập ấp dựng làng...(21). Hoạ quấy phá của quân đội Chiêm Thành chỉ chấm dứt khi đất Khánh Hoà thuộc về Đại Việt năm 1653; đất Bình Thuận thuộc về Đại Việt năm 1693(22).

Về lịch sử, năm 1597, người Việt mới thực sự bước vào giai đoạn khai phá vùng đất Phú Yên, nhưng đến năm 1611 xảy ra biến cố; người Chiêm nổi dậy, chúa Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong đánh dẹp(23). Năm 1629 một biến cố khác xảy ra. Sử chép là Chủ sự Văn Phong liên kết với người Chiêm Thành làm phản, Chúa Sãi sai phó tướng Nguyễn Phước Vinh vào ổn định(24). Trong thời kì Trịnh Nguyễn phân tranh, Phú Yên xa cách địa bàn chiến trận giữa hai thế lực cát cứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhưng cũng là nơi đóng góp máu xương, của cải cho cuộc tương tàn dai dẳng đó(25). Từ nửa cuối thế kỉ XVIII trở đi, cùng với nhân dân cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, nhân dân Phú Yên sống trong bao dữ dội của lịch sử. Năm 1771, chống lại chính sách thuế khoá, bóc lột hà khắc của chúa Nguyễn, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra. Từ năm 1773 Phú Yên nằm trong vùng do nhà Nguyễn Tây Sơn kiểm soát. Năm 1793 Nguyễn Vương ánh đánh lấy Phú Yên. Nhưng thực sự từ năm 1773 đến năm 1993 và mãi đến năm 1801 sau khi Nguyễn Vương ánh đã chiếm được Phú Yên, Phú Xuân là nơi tranh chấp dai dẳng giữa hai họ Nguyễn vì nằm nơi vị trí nghiệt ngã: phía bắc, Bình Định là đất thang mộc của Tây Sơn tam kiệt; phía nam, Diên Khánh là căn cứ vững chắc của Nguyễn Vương. Phần lớn danh tướng của hai bên đều lấy Phú Yên làm địa bàn thử lửa xây dựng binh nghiệp, trong cuộc chiến đẫm máu nhân dân Phú Yên phải tiêu hao bao nhiêu sinh mạng và tài sản(26).


Trên đây là những nét cơ bản về đặc điểm lịch sử của người Việt khai phá vùng đất Phú Yên. Nhìn chung, lịch sử người Việt khai phá vùng đất này, vừa có đặc điểm giống với lịch sử khai phá của xứ Đàng Trong, vừa có nét đặc thù. Chính những nét đặc thù của người Việt khai phá đất Phú Yên là bối cảnh lịch sử, xã hội đã tác động và làm cho văn hoá dân gian người Việt nơi đây vừa giàu bản sắc truyền thống, vừa thấm đượm sắc thái địa phương. Vì vậy nên cũng có thể nói: những nét đặc thù của lịch sử người Việt khai phá đất Phú Yên là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những biến đổi khác thường cho một số tác phẩm dân gian trên vùng đất này mà truyền thuyết về Cao Biền là minh chứng tiêu biểu nhất.


Để phù hợp với bối cảnh lịch sử, xã hội ở vùng đất mới, người Việt vừa duy trì những giá trị văn hóa truyền thống, vừa trên cơ sở những giá trị văn hoá truyền thống đó mà sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới. Riêng lĩnh vực văn hoá dân gian, ngoài những tác phẩm được sáng tác ngay trên vùng đất mới còn không ít những tác phẩm cư dân khẩn hoang mang đi từ đất cội nguồn - phía bắc. Nhưng khi lưu truyền các tác phẩm đó, vì không còn nhớ một cách chính xác và đầy đủ nên dân chúng đã tái tạo – sáng tác ra những tác phẩm có sắc thái mới, thậm chí xa lạ với chính nó ban đầu. Nếu đó là truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao – dân ca thì có nhiều khả năng trở thành các dị bản, và được coi là sáng tạo nghệ thuật có giá trị, nhưng nếu điều đó xảy ra đối với tác phẩm truyền thuyết thì rất dễ rơi vào tình trạng làm sai lệch bản chất lịch sử của nhân vật và sự kiện lịch sử được đề cập.

Ở Phú Yên, hiện nay vẫn có người kể chuyện Cao Biền gánh núi, Cao Biền đào sông. Người ta hiểu Cao Biền như một vị thần. Thêm nữa, đất này từng có nơi lưu truyền câu chuyện: Trạng Quỳnh bị chúa Trịnh đầu độc. Trước khi chết. Trạng căn dặn người nhà hãy chôn sấp thi thể của mình phòng khi chúa Trịnh có cho người đào mồ, lật ngược tử thi, Trạng nằm ngửa thì nước ta vẫn còn nhân tài xuất hiện, giúp ích cho đời. Từ đó, chúng ta không thể thừa nhận một thực tế rằng, trong dân chúng đã có hiện tượng lẫn lộn, đồng nhất nhân vật truyền thuyết Cao Biền với những vị thần núi, thần rừng, thần sông, thần biển... mà chính mình đã tạo ra trên mảnh đất này; cũng có hiện tượng lẫn lộn, đồng nhất nhân vật truyền thuyết Cao Biền với nhân vật truyện cười Trạng Quỳnh. Vì vậy mới có sự ngộ nhận và ghép nối hồn nhiên (chúng tôi nhấn mạnh – NĐ) (bởi vì khi lưu truyền, dân chúng không biết, mà thực ra cũng không có nhiều điều kiện để biết, thậm chí dân chúng không vướng bận những câu hỏi đại loại: Cao Biền là ai? Cao Biền là con người thế nào? Hành trạng ra sao?...): truyền thuyết về Cao Biền đã ghép vào nó những chi tiết hoặc những nguồn gốc từ một mẫu truyện Trạng Quỳnh, hoặc có nguồn gốc từ các mẫu truyện có màu sắc thần thoại như đã nói để cho ra đời một vài truyện kể có nội dung tôn trọng, ca ngợi và kể cả thánh hoá nhân vật Cao Biền mà chúng ta đã tìm thấy trên quê hương Phú Yên.



4. Tóm lại, nội dung tôn trọng, ngợi ca nhân vật Cao Biền trong một vài truyền thuyết sưu tầm ở Phú Yên là do tác giả dân gian nhầm lẫn. Nguyên nhân sinh ra sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ nhiều phía, nhưng sâu xa và quan trọng nhất là nguyên nhân gắn liền với lịch sử người Việt khai phá vùng đất Phú Yên. Vấn đề quan trọng đối với giới folklore học khi sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Phú Yên là phải tường giải cho được sự nhầm lẫn ấy để góp phần khôi phục lại sự kiện lịch sử bị che lấp (Trần Đình Sử) trong những tác phẩm truyền thuyết đã nêu.

-------------
Sưu tầm