Huyền thoại "bọc trăm trứng" trong các sách sử
21/04/2010 1125

- Tương truyền rằng Âu Cơ lấy Lạc Long Quân được một thời gian thì sinh ra Bọc trăm trứng, trứng nở ra 100 người con, là tổ tiên của dân tộc Việt. Đây chỉ là một câu chuyện truyền thuyết, nhưng đó là có thể nói đây là câu chuyện vĩ đại, mang triết lý sâu sắc mà qua đó cha ông chúng ta đã gửi gắm những hàm ý lớn lao: Lý giải nguồn gốc dân tộc, thể hiện tinh thần tự tôn coi mình có xuất xứ cao quý đáng tự hào (con Rồng cháu Tiên); nêu cao tinh thần đoàn kết, coi những dân tộc khác đều là anh em một nhà, cùng một mẹ sinh ra (đồng bào-cùng bọc)...

Câu chuyện phản ánh khát vọng của dân tộc trong buổi ban đầu, muốn có một hình thức sinh sôi, nảy nở một cách thần kỳ, có đủ nhân lực nhằm đối phó với thiên nhiên, địch họa để bảo tồn nòi giống, xây dựng đất nước. Thực là:

Một mẹ trăm con gánh núi sông
Đảm đang gây dựng giống Tiên Rồng
Văn Lang một cõi vươn tay đắp
Ngũ Lĩnh bao vùng để mắt trông
Văn hiến Hùng Vương, trau chuốt ngọc
Thuần phong Lạc Việt, điểm tô hồng
Năm châu phụ nữ trong truyền thuyết
Quốc mẫu Âu Cơ đẹp nét hùng.
(Quốc Mẫu Âu Cơ -Vương Sinh)

Huyền thoại này được ghi trong một số thần phả, thần tích về đời Hùng Vương nhưng được biết đến nhiều nhất qua truyện Hồng Bàng thị (truyện họ Hồng Bàng), một trong các tích được chép tại sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XV). Phần nội dung về Bọc trăm trứng được viết như sau:

“Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc.

Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng:

- Bố ở nơi nào mà để mẹ con thiếp cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này!

Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói:

- Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình.
Long Quân nói:

- Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lá. Ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên.

Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang…”.

Trong Hùng triều ngọc phả (tức Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng) mà ngày nay chúng ta thường gọi là Ngọc phả đền Hùng thì có ghi chép cụ thể, sinh động hơn về huyền thoại này:

“Bấy giờ nàng Âu Cơ mang thai, trải ba năm, ba tháng, mười ngày, thấy trên núi Nghĩa Lĩnh có mây lành ngũ sắc xán lạn. Đến giờ Ngọ, ngày 25 tháng 12 năm Giáp Tý, Âu Cơ thấy bào thai chuyển động. Đến giờ Ngọ, ngày 28, hương lạ đầy nhà, hào quang khắp phòng, bà sinh một bọc bạch ngọc, hương lạ giáng xuống. Bắt đầu sinh ở núi Ngũ Lĩnh, đất Thổ Thứu phong, ao sen đỉnh ngọc.

Hiền Vương thấy bà sinh ra bọc lạ, cho là xưa nay chưa có, việc lạ trong nước, bèn triệu văn võ bách quan trong triều vào chầu chính điện. Lúc ấy, giờ Ngọ, bỗng thấy trong thành giữa trời có ba tiếng hiệu lệnh làm chuyển động trời đất, sông núi, cỏ cây, vạn vật kinh sợ. Mây lành ngũ sắc sáng đầy khắp ba nghìn thế giới. Trên thượng điện, vạn chim bay; ngư, lân tụ hội theo gió mưa cống triều.

Vua thấy quốc gia có điềm lạ khác thường, xuống chiếu cho các quan văn võ chỉnh đốn ý mạo, chay khiết lòng thành, tề tựu tại điện Kính Thiên, thắp hương đèn phùng chầu triều bái Hoàng thiên Thượng đế đến Tứ phủ vạn linh.

Tới giờ Thân hôm ấy, bỗng thấy một áng mây xanh từ hướng Tây kéo đến, tụ tại thềm rồng của điện Kính Thiên, tự nhiên có bốn vị tướng xuất hiện kỳ lạ, cao hơn trượng rưỡi, đầu đội mũ hoa, thân mặc bào xanh gấm vóc, eo thắt đai ngọc, chân đi hài sắt, miệng cười như hào quang sáng rực, mây tuôn cuồn cuộn, tay cầm một chiếc long bài (sắc) của Ngọc Hoàng thượng đế: Ban cho Hiền Vương của Nam Miên một bọc trăm trứng, sinh nơi ngọc khuyết, thành trăm người con trai trị nước. Nay sai bốn vị Đại Thiên vương giúp đỡ, che chở cho nước. Vậy ban sắc!

Hiền Vương chiếu theo long bài, truyền các quan văn võ ngẩng mặt bái tạ trời, bái tạ Thiên vương. Thiên vương nói:

- Trăm trứng ngọc bào do điềm rồng giáng sinh, thiên sứ báo cho Hiền Vương biết, hãy đặt vào bàn vàng, mang đến chùa Cổ Viễn Sơn, tên là Từ Sơn Thiên Quang Hòa Thượng Thiền Thứu Lĩnh (về sau đổi là Thiên Quang Thiền tự) đặt ở trong chùa, chọn lấy vị quan trai giới chầu trực, thắp hương không dứt.

Bọc đó vỡ ra, Hiền Vương bèn đỡ lấy thì bốn vị Đại Thiên Vương tự nhiên biến hóa, Hiền Vương càng thành tâm cầu đảo. Đến giờ Ngọ, ngày rằm 15 tháng Giêng, trăm trứng vỡ ra đều thành trăm người con trai; rồng thành năm sắc, điềm ứng sáng ngời, hương trời giáng xuống, đầy khắp núi sông. Được khoảng một tháng, không phải bú mớm mà tự trưởng thành. Tất cả các con đều có hình dáng đẹp lạ, tướng mạo phương phi, anh hùng nổi tiếng ở đời, cao lớn ba thước bảy tấc.

Hiền Vương triệu 6 nàng cung phi, giao phát gấm lĩnh, cắt may thành trăm bộ áo mũ cấp cho trăm người con trai. Cả ngày trăm con vui cười, thường lấy lá hoa ao sen đùa nghịch. Sau 100 ngày, các con khôn lớn, không nói mà hay cười. Qua 200 ngày, đến giờ Thìn ngày 20 tháng 7, cả trăm người con trai đều cười to, nói rằng:

- Trời sinh Thánh vương trị nước, giúp bốn biển thanh bình, quốc gia yên vui, là trăm hoàng tử đều ở thềm rồng điện thượng.

Bỗng thấy một đóa mây ngũ sắc từ không trung giáng xuống thềm rồng. Hiền Vương thấy tám vị Thiên tướng, đầu đội mũ đồng, mình mặc thiết giáp, chân đi hài bạc, eo thắt dải rồng, dung mạo sán lạn, mắt sáng như sao, miệng xuất hào quang, tay cầm thần kiếm, linh trượng, bảo trữ, thiết phủ, đứng hầu hai bên tả hữu; hai bên đối chầu, hư không biến hóa, gió mưa ập đến, bay vượt nhiễu không trung trong điện Ngũ Lĩnh, rồi núi non thất hình, sông hồ sóng dâng trào, không thể lượng cơ biến hóa.

Sau ba giờ sáng láng, tám vị tướng mới xưng danh làm tám bộ Kim Cương, vâng sắc của Thượng thiên chư Phật, Bảo Đế lệnh sai giáng xuống che chở cho trăm người con trai. Nay tất cả đã trưởng thành, hiểu biết nên tám vị tướng phụng mệnh đưa các vương tử đến cửa khuyết bái tạ Hoàng phụ, cai trị trong nước.

Tám vị tâu xong, bay lên trời biến mất. Tám vị ban cho Hiền Vương một chiếc long bài, một chiếc thiên bảo thần ấn, một viên bạch ngọc, một chiếc thần kiếm, một quyển thiên thư, một chiếc thước ngọc, một chiếc bàn vàng đặt ở trong điện. Hiền Vương nhận lấy, cho đây là trời ứng điềm lành, giúp yên trong nước.

Vua thấy trăm người con trai bỗng nhiên cao lớn, thân dài bảy thước ba tấc, mỗi người cầm một vật thiên bảo thần khí chia nhau đứng hầu hai bên tả hữu, bái tạ Hoàng phụ. Hiền Vương xuống chiếu rằng:Trời sinh trăm người con trai, đều văn võ thánh thần, anh hùng tài lược giúp nước yên bình, thiên hạ cậy nhờ bởi ơn giáo hóa, phụ tử quân thần cùng nhau vui hưởng”.

Trên đây là nội dung cơ bản về huyền thoại Bọc trăm trứng, mặc dù mang những tình tiết phi lý nhưng huyền thoại này lại có sức sống mãnh liệt, là nguồn động viên to lớn đối với dân tộc Việt Nam trong bước đường phát triển đầy cam go, thử thách nhưng cũng rất anh dũng, hào hùng suốt mấy ngàn năm lịch sử của mình.

Do đó không chỉ ngày nay người ta mới có những băn khoăn về huyền thoại này, mà các nhà sử học thời phong kiến cũng thấy những điểm bất hợp lý và cho rằng đó là thuyết “hoang đường, quái dị”; nhưng cao hơn hết vẫn là ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện, là lòng tự hào về cội nguồn dân tộc.

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết: “Thánh hiền sinh ra, tất có cái khác thường... Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà sinh ra trăm con trai. Chẳng phải cơ nghiệp nước Việt ta là gây dựng nên vì thế sao? ” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ngô Thì Sĩ trong sách Việt sử tiêu án thì viết: “Có người hỏi đẻ ra một bọc trăm trứng, việc ấy có chăng? Xin trả lời rằng: con rồng sinh ra tự nhiên có cái khác phàm tục thì việc đẻ ra trứng có gì là lạ, nhưng cũng là một thuyết không theo lẽ thường”.

Các sử thần triều Nguyễn trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì cho rằng đó chỉ là một lời chúc cho dân tộc mau phát triển và sống trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt: “Kinh Thi có câu: Tắc bách tư nam (hàng trăm con trai). Đó là chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi, xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy, huống chi lại nói là đẻ ra trăm trứng!”.

Thế nên: “Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lý quanh chuyện mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng? Xin bạn chớ bận tâm, bởi vì có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế ?... Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời ký tải cái tâm của tổ tiên về cội nguồn dân tộc: đi từ trứng nước đi lên và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ. Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt ngàn năm còn mãi” (Nguyễn Khắc Thuần - Việt sử giai thoại).

Còn vì sao không sinh ra người ngay mà lại sinh ra bọc trăm trứng ? Đó là vì trong cái phi lý cũng có cái logic của nó: người Việt được hợp nhất từ hai tộc Âu Việt (sống ở vùng núi) và Lạc Việt (sống ở đồng bằng), hai tộc người này có tín ngưỡng của mình, đó là tín ngưỡng thờ vật tổ (tôtem giáo – coi một con vật nào đó là tổ tiên của mình, đây là tín ngưỡng thời sơ khởi) đó là con chim và con Rồng.

Chim ở trên núi tượng trưng cho Mẹ Âu Cơ, rồng ở miền xuôi (được hình tượng hóa chủ yếu từ con cá sấu và con rắn ở vùng đầm nước, sông biển) tượng trưng cho Cha Lạc Long Quân. Khi hợp nhất về chủng tộc đã dẫn tới hợp nhất về vật tổ, tạo nên bộ đôi Rồng – Chim (Tiên), đây là điểm khác biệt lớn với các dân tộc khác trên thế giới khi họ chỉ có một vật tổ, riêng người Việt lại là hai.

Duyên kỳ ngộ của cha Rồng mẹ Tiên đã sinh ra bọc trăm trứng, như ta thấy hình tượng tiêu biểu là Chim, Rồng (rắn và cá sấu) đây là những loài đẻ trứng chính vì vậy đó là lời lý giải tại sao câu chuyện truyền thuyết xây dựng mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trứng trước rồi từ đó mới nở ra những người con.

Từ câu chuyện huyền thoại đó, trong tâm khảm mỗi người Việt Nam luôn nhắc nhở nhau phải biết nhớ ơn tổ tiên, những người đã khai mở ra giống nòi dân tộc, đất nước; phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, bởi tất cả chúng ta đều là con cháu từ một gốc, sinh ra từ một bọc:

Đã sinh cùng giống, cùng nòi
Cùng trong đất nước là người đồng thân
Phải xem ruột thịt cho gần
Phải thương, phải xót quây quần lấy nhau
Phúc cùng hưởng, họa cùng đau
Một gan, một ruột ghi sâu chữ đồng
May ra trời có chiều lòng
Đời đời để giống Lạc Hồng này cho
Gió thu hiu hắt song hồ
Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây
Mấy câu mượn bút giãi bày
Xin người trong nước non này cùng nghe.

(Ngô Quý Siêu)

Có thể nói, qua huyền thoại “Bọc trăm trứng” ta thấy được cái tuyệt tác của trí tuệ dân gian đã sáng tạo nên hình tượng rất độc đáo, tưởng như hoang đường mà lại rất thực tiễn, giàu ý nghĩa sâu xa. Chính trí tuệ dân gian trong hồi quốc sơ ấy đã nhân cách hóa hình tượng 50 người con theo cha về miền biển, 50 người con theo mẹ lên miền núi để khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, điều có một không hai của văn hóa dân gian Việt Nam.

Lê Thái Dũng