Phương thức mai táng & hiện vật độc đáo Sa Huỳnh

Gần 100 năm trước, năm 1909, học giả M. Vinet lần đầu tiên công bố 200 chiếc chum có chiều cao khoảng 0,8m tìm thấy ở cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ trước, Trường Viễn đông Bác cổ đã uỷ quyền cho Labarre, M. Colani và O. Janse tiến hành khai quật ở Sa Huỳnh và điều tra trên diện rộng. Thời kỳ Pháp thuộc phát hiện khoảng 10 địa điểm tập trung quanh vùng ven biển Sa Huỳnh và vùng Biên Hoà. Ngày nay đã phát hiện trên dưới 100 di tích văn hoá Sa Huỳnh, phân bố từ Quảng Bình qua các tỉnh miền Trung vào tận Đồng Nai.


Tác giả thử thực nghiệm về cách mai táng trong chum ở giồng Cá Vồ

Cái tên "văn hoá Sa Huỳnh" được định danh, có niên đại nửa sau thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên - thuộc sơ kỳ thời đại sắt với những khu mộ mà thi thể được hoả táng trong các chum, vò gốm lớn, hay chôn thành từng cụm trên các cồn cát ven giồng, bàu nước, ven biển, trên các gò đất cao ven sông. Những đồ gốm tuỳ táng rất đa dạng, trang trí bằng các đường chấm hay đường in dấu răng vỏ sò, đôi khi được tô màu vàng, đỏ hay đen ánh chì. Đồ sắt là những công cụ và vũ khí. Đồ trang sức bằng chất liệu thuỷ tinh hay mã não được chế tác tinh xảo, điển hình là khuyên tai 3 mũi nhọn hay khuyên tai hai đầu thú.


Mộ song táng ở xóm Ốc, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và nghiên cứu khoảng mấy chục địa điểm có niên đại sớm hơn thuộc thời đại đồng thau mà các nhà khảo cổ gọi là "tiền Sa Huỳnh", "sơ Sa Huỳnh" hay Sa Huỳnh sớm để phân biệt với Sa Huỳnh, Sa Huỳnh cổ điển hay Sa Huỳnh sắt. Với những phát hiện khảo cổ học mới, ngày nay người ta còn phân lập thành những văn hoá hay giai đoạn khác nhau như: Xóm Cồn, Long Thạnh, Bình Châu. Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh được tập trung trên một dải đất liền khoảnh từ đèo Hải Vân đến mũi Kê Gà, dọc theo các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, rồi kéo tới tận Xuân Lộc (Đồng Nai).

Văn hoá mai táng


Nhẫn bằng vỏ ốc

Táng tục mộ vò - chum là phương thức mai táng chủ yếu của cư dân Sa Huỳnh nói chung. Bên cạnh đó vẫn tồn tại dạng mộ nồi, vò nhỏ hay mộ huyệt đất. Tiền Sa Huỳnh với giai đoạn Long Thạnh là những mộ chum có đặc trưng hình trứng, cổ chum hơi bóp vào, miệng loe rộng, đáy tròn, cao khoảng 0,7 - 1m. Nắp đậy thường là bát mâm bồng chân thấp, có hoa văn trang trí đẹp ở ngoài thân. Một loại khác của giai đoạn này là những chum có hình cầu, cao khoảng 0,4 - 0,5m. Nắp đậy thường là một loại vò có hình dáng tương tự được úp khít lên trên. Giai đoạn Bàu Trám, Bình Châu, vẫn là loại mộ chum hình cầu, nhưng nắp có dạng gần như hình nón cụt. Một loại khác của giai đoạn này là mộ vò chôn úp ngược.


Phong tục nhổ 2 răng cửa bên hàm trên của người đàn ông ở xóm Ốc

Sa Huỳnh cổ điển với giai đoạn Phú Khương, người ta lại mai táng người thân của họ trong những chum hình trụ, vai và thân gần bằng nhau, đáy tròn, miệng loe rộng, cao khoảng 0,7 - 1m. Trong giai đoạn sớm Long Thạnh, đồ tuỳ táng chủ yếu là gốm và đá bao gồm đồ đựng, đun nấu, công cụ sản xuất và đồ trang sức, nhưng chưa có kim loại. Trong lớp trên của giai đoạn Bình Châu, tình hình cũng tương tự như vậy nhưng đã có công cụ bằng đồng thau. Đến Sa Huỳnh cổ điển, đồ tuỳ táng bằng đá suy giảm, đồ đồng tăng lên và đồ sắt phổ biến. Hiện vật đồng chủ yếu là vũ khí. Công cụ sản xuất chủ yếu làm bằng sắt. Trong mộ còn có nhiều đồ trang sức bằng đá mã não và thuỷ tinh.

Tập tục mai táng


Ốc làm đồ tuỳ táng

Một số tác giả và ngay cả sách giáo khoa về khảo cổ học cho rằng không có việc hoả táng trong các khu mộ cổ Sa Huỳnh. Chúng tôi bác bỏ nhận định này khi trực tiếp nghiên cứu chiếc răng cối lớn hàm dưới thứ nhất có dấu vết bị đốt cháy rất rõ, mà TS Đoàn Ngọc Khôi đã tìm thấy trong mộ chum ở di chỉ Gò Quê, huyện Bình Đông, Quảng Nam vào năm 2005. Nhưng 6 ngôi mộ trẻ em sơ sinh tìm thấy trong mộ nồi ở Suối Chình, huyện đảo Lý Sơn thì hoàn toàn không thấy có hiện tượng đốt cháy. Có thể nói tục hoả táng trong văn hoá Sa Huỳnh không có đối với trẻ em. Cũng tại địa điểm này, trong mộ số 6 còn phát hiện được một răng hàm của lợn non. Phải chăng đây cũng là một đồ tuỳ táng tượng trưng?


Mộ số 8 với 3 cá thể: 1 người lớn và 2 trẻ em


Quang cảnh khai quật ở Hoà Diêm năm 2007


Mộ số 7


Mộ số 1

Năm 1997, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Quảng Ngãi đã tiến hành khai quật di tích xóm Ốc, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Theo TS Phạm Thị Ninh, trưởng đoàn khai quật, tại đây có hai loại hình táng thức: 3 mộ huyệt đất và 3 mộ chum nhỏ. Có 1 mộ huyệt đất song táng, là chủ nhân của di chỉ xóm Ốc ở vào giai đoạn văn hoá Bình Châu. Khi nghiên cứu di cốt của ngôi mộ song táng này: một người đàn ông khoảng 50 - 60 tuổi và một phụ nữ khoảng 20 - 25 tuổi, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra trên bàn tay phải ở ngón tay giữa của người đàn ông có đeo một chiếc nhẫn bằng vỏ ốc. Trong suốt 43 năm công tác ở Viện Khảo cổ học, nghiên cứu khoảng 800 bộ di cốt người cổ, đây là lần đầu tiên thấy được hiện tượng này. Một điều thú vị nữa là ông ta cũng không có 2 răng cửa bên hàm trên. Có lẽ đây là di cốt lần đầu tiên có hiện tượng này trong văn hoá Sa Huỳnh. Chúng tôi đã nghiên cứu tục nhổ răng ở cư dân Việt cổ mà thấy ở các địa điểm như: Mán Bạc (Ninh Bình), xóm Rền (Phú Thọ), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc). Tới nay, ở miền Nam, chỉ có một địa điểm duy nhất có tục này là địa điểm gò Ô Chùa (Long An). Những cư dân của thời đại đá mới ở Trung Quốc và Nhật Bản... cũng có phong tục này. Có người khi xem mộ song táng xóm Ốc, hiện trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi đã hỏi tôi: "Người đàn ông chôn cùng là bố hay chồng của cô gái?". Có lẽ chỉ có thể trả lời câu hỏi đó khi chúng ta phân tích xương của họ bằng phương pháp ADN.

Địa điểm khảo cổ học ở Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, nằm gần đường Quốc lộ 1A, được thám sát nhiều lần và khai quật 2 lần vào các năm 2002 và 2007. Trong khi chỉnh lý hiện vật di cốt thu được năm 2002, chúng tôi đã phát hiện được một hiện vật độc đáo. Đây là đồ tuỳ táng của ngôi mộ chum 02HD.C4.II. Hiện vật có hình chữ nhật dẹt, dài 14,92mm, rộng 12,16mm, dày 5mm. Chất liệu là gốm (?) màu nâu nhạt. Mặt trên và mặt dưới đều được trang trí hoa văn khắc chìm là 5 vòng tròn. Cạnh dài mặt bên: phẳng; ở chính giữa có lỗ để dây xuyên sang cạnh dài đối diện. Có khả năng đây là chiếc bùa (?) hơn là đồ trang sức. Niên đại của mộ chum này cách nay khoảng 2.000 năm.

Hiện vật sinh động từ đời sống


Tiền Ngũ Thù

Từ ngày 15 - 24.1.2007, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành khai quật di chỉ Hoà Diêm lần thứ hai. Trên diện tích khai quật là 32m2, đã phát hiện được tới 13 mộ chum và 2 mộ đất thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Theo TS Bùi Chí Hoàng, trưởng đoàn khai quật, "niên đại của những mộ chum tìm thấy khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên".

Bên cạnh những đồ gốm có hoa văn đặc trưng cho giai đoạn muộn của văn hoá Sa Huỳnh, còn tìm thấy hàng trăm hạt trang sức thuỷ tinh. Đặc biệt là một bình gốm có trang trí 8 "vú đơn" (khoảng cách giữa các vú bằng nhau), rất đẹp, chưa bao giờ phát hiện được trong văn hoá Sa Huỳnh. Trước đây, tại hai địa điểm Sa Huỳnh và Long Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng đã phát hiện được những chiếc bình gốm có trang trí vú, nhưng là 4 - 5 cặp "vú đôi" (khoảng cách giữa các cặp vú, và 2 vú bằng nhau) trông không phồn thực như 8 "vú đơn" mới phát hiện ở Hoà Diêm năm 2007. Phải chăng ở đây, những nghệ sĩ vô danh của cư dân Sa Huỳnh muộn, hay nói chính xác hơn là những cư dân bản lề "Sa Huỳnh muộn - Chăm Pa sớm", đã mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ hiện thực hơn, hấp dẫn hơn?


Vẻ đẹp với phong cách rất hiện đại



Chum gốm


Mộ số 10


Chum gốm

Bên cạnh những hiện vật khảo cổ, còn có những di cốt người cổ. Đây là những bằng chứng khoa học rất quan trọng để nghiên cứu, chứng minh các vấn đề như táng tục, tỷ lệ, độ tuổi tử vong, bệnh lý, hình thể, tầm vóc, phong tục tập quán và đặc biệt là thành phần nhân chủng.

Khi phát hiện chum thứ 8, với đường kính miệng là 72cm, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy xuất hiện tới 3 hộp sọ. Một chiếc chum nhỏ như vậy làm sao lại có thể mai táng được tới 3 cá thể? Trong chum có chôn theo đồ gốm tuỳ táng và đặc biệt có tới 126 hạt trang sức bằng thuỷ tinh màu xanh và 1 hạt bằng đá mã não màu đỏ. Những hạt trang sức này tập trung nhiều nhất ở phần ngay dưới hộp sọ, cổ tay của cá thể thứ nhất và vùng sát đáy chum. Làm lộ dần xương, chúng tôi mới phát hiện được cá thể thứ nhất là của một người phụ nữ (dựa vào cấu tạo của khuyết hông lớn). Những chiếc xương sườn uốn cong ôm lấy những đốt sống và đặc biệt là 2 xương bàn chân còn gần như nguyên vẹn nằm sát đáy chum, tất cả đều đúng với vị trí giải phẫu, khiến chúng tôi có thể khẳng định ngay đây là cá thể được mai táng nguyên dạng. Ngược lại, hai cá thể kia là của các em nhỏ: một em khoảng 7 tuổi, em khác khoảng 10 tuổi, di cốt nằm lộn xộn không theo đúng vị trí giải phẫu, lại nằm ở mức cao hơn cá thể nữ. Do đó có thể rút ra kết luận: hai em bé đã được cải táng và người ta đưa xương đặt vào mộ, sau khi đã mai táng người phụ nữ. Đây có phải là hai đứa con của người phụ nữ này không? Một câu hỏi thật thú vị, nhưng chỉ có thể giải đáp được bằng phân tích ADN.


PGS-TS Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu sọ cổ tại Bảo tàng Người ở Paris

Dựa vào cấu tạo của những chiếc răng sữa, GS-TS H. Matsumura và chúng tôi lại chứng minh được ở mộ số 11 phát hiện tới 5 cá thể trẻ em và 1 người lớn. Mộ số 6 cũng có di cốt của 1 người lớn và 1 trẻ em. Hiện tượng chôn chung trong một chum 2, 3 hay thậm chí 6 người như trên chỉ mới thấy ở địa điểm Hoà Diêm. Tại địa điểm giồng Cá Vồ, giồng Phệt - mà văn hoá Sa Huỳnh có lan toả đến, trong 319 ngôi mộ chum có di cốt, chỉ luôn luôn là mộ đơn táng - di cốt của 1 cá thể. Các địa điểm khác phát hiện được mộ chum có xương người ở Việt Nam như Bình Yên, Gò Quê... cũng chỉ là những mộ đơn táng.

Các nhà khảo cổ học, nhân học sẽ tiếp tục nghiên cứu khối tư liệu đã khai quật được để bổ sung thêm những hiểu biết mới về văn hoá Sa Huỳnh cũng như chủ nhân của họ.

PGS-TS Nguyễn Lân Cường