Cuộc chiến của Hai Bà Trưng và những điều suy ngẫm

24/03/2012 0705

- Chúng ta vừa kỷ niệm lễ giỗ lần thứ 2070 hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị. Trong bài viết nhỏ này tôi chỉ mong cung cấp một vài tư liệu sử sách để chúng ta suy ngẫm thêm về Vua Trưng và sự nghiệp chiến đấu bảo vệ dân tộc.


Hình ảnh minh họa về Hai Bà Trưng.
Năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, thu lại 65 thành và xưng vương, lập ra triều đại họ Trưng. Đến năm 43, triều đại Hai Bà bị Mã Viện tiêu diệt. Về sự kiện to lớn ấy, bộ chính sử Việt Nam - Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi sơ sài có mấy dòng:

"Nhâm Dần, năm thứ ba (42 dương lịch), (Hán Kiến Vũ Đế năm thứ 18). Mùa xuân Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với vua. Vua thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê. Quân chúng cũng cho vua là đàn bà, sợ không đánh nổi địch, bèn tan chạy. Quốc thống lại mất".

Bằng cảm quan tiếp cận với Văn học cổ Việt Nam, tôi có cảm nghĩ cách ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư có phần khinh bạc. Có thật lực lượng của Hai Bà chỉ là toán quân ô hợp bạc nhược, mới nghe danh Mã tướng đã sợ hãi mà tự tan rã? Khai thác kỹ những tư liệu ít ỏi có lẽ cũng có thể tìm ra câu trả lời bước đầu.

Trước hết, Đại Việt sử ký toàn thư tuy ghi tóm tắt nhưng cũng có một chi tiết cho phép nghĩ rằng nhà Hán không hề xem thường cuộc chiến này: "Mùa xuân Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với vua".

Theo An Nam chí lược, Tô Đông Pha gọi đây là cuộc "khởi binh rung động hơn sáu mươi thành"; Còn Ngô Thì Sĩ thì nói "chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp dọc ngang trời đất". Hán Quang Vũ phải "hạ chiếu cho các quận chuẩn bị thuyền bè, sửa cầu đường, mở rộng khe hói, tích trữ lương thực rồi cử Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phó Lạc hầu Lưu Long làm Phó, Đoàn Chí giữ chức lâu thuyền tướng quân, do thủy lục hai đường cùng tiến". Tiếp đó, Mã Viện theo đường ven biển tiến quân, vất vả phá núi, khơi cảng đến hơn 1.000 dặm, nhân công chết hàng vạn người. Cuối cùng, trận Lãng Bạc là cuộc giao tranh lớn rất ác liệt, Mã Viện đã bị cầm chân.

Mặc dù sau trận này quân Hai Bà không còn nhiều sức chiến đấu, đã bị thua, nhưng muốn đánh giá đúng cục diện cuộc chiến và khí phách của hai vị nữ anh hùng dân tộc có lẽ lại phải qua chính tâm trạng vị "mãnh tướng" họ Mã.
(còn nữa)
Băng Thanh