Vì sao nàng Tây Thi giỏi quyến rũ?

Âm mưu tuyển chọn 2 người đẹp Tây Thi, Trịnh Đán để báo thù được coi là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của Trung Quốc.

Năm 494 trước công nguyên, Ngô vương Phù Sai đánh bại quân Việt ở Phù Tiêu (nay là huyện Ngô, tỉnh Giang Tô),Việt vương Câu Tiễn đem 5.000 quân rút về núi Cối Kê (nay là Nam Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang).

Bị quân Ngô bốn bề mai phục, Câu Tiễn phải xin hàng và cùng vợ làm nô lệ ở nước Ngô, nhẫn nhịn chịu nhục. Sau 3 năm, Phù Sai động lòng trắc ẩn cho Câu Tiễn về nước mà không nghe theo lời khuyên gián “thả hổ về rừng là rước họa vào thân” của tướng quốc Ngũ Tử Tư.

Theo Xuân Thu Ngô Việt của Triệu Diệp, về nước ít lâu, Câu Tiễn nghĩ ra một cách để đối phó với Ngô vương, bèn nói với Văn Chủng: “Ta quan sát thấy Ngô vương dâm đãng háo sắc, nếu để hắn đắm chìm trong sắc dục, không quan tâm đến chính sự nước Ngô thì nước Việt sẽ có cơ hội phục thù, vậy có thể coi đây là một kế sách?”.

Điều mà Câu Tiễn nói chính là kế thứ ba trong “Bảy kế đánh nước Ngô” của Văn Chủng: “ Tuyển chọn mỹ nữ, cống tặng cho quân thần nước Ngô, làm suy sụp ý chí của họ”. Văn Chủng gợi ý chọn ra hai mỹ nữ tuyệt sắc, cống tặng cho Ngô vương Phù Sai.

Câu Tiễn lệnh cho Phạm Lãi cho người đi tìm, tuyển mỹ nữ trên khắp nước Việt, cuối cùng đã chọn được hai mỹ nữ là Tây Thi và Trịnh Đán. Đây chính là “cuộc thi sắc đẹp” đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Tây Thi lúc đó là mỹ nữ nổi tiểng trong vùng. Vì gia cảnh khó khăn, quanh năm suốt tháng nàng phải mặc xiêm y bằng vải bố, nhưng vẫn không thể che lấp được vẻ đẹp tuyệt vời, tự nhiên, thuần khiết.


Vẻ đẹp trong sáng, tự nhiên của Tây Thi đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Phù Sai.



Việt vương sau khi nhìn thấy sắc đẹp như tiên nữ của Tây Thi và Trịnh Đán bèn ban cho lụa là gấm vóc, trang điểm đẹp như hoa như ngọc. Văn Chủng thì lại cho rằng: “Người đẹp đích thực cần phải có ba điều: thứ nhất dung nhan đẹp, thứ hai giỏi ca múa, thứ ba hình thể đẹp”.

Tây Thi và Trịnh Đán chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tiên. Vì vậy, Câu Tiễn lệnh cho người xây cung Mỹ Nhân ở ngoại thành Cối Kê và sai Văn Chủng phụ trách việc “huấn luyện” cho Tây Thi, Trịnh Đán. Phải mất ba năm để dạy hai mỹ nhân ca vũ, lễ nghĩa và cách thức đi đứng.

Hai cô gái chất phác có đôi chút quê mùa cuối cùng đã được Văn Chủng biến hóa thành những mỹ nhân tuyệt sắc với dung mạo, khí chất hơn người và tài quyến rũ có một không hai.

Việt vương lại lệnh may cho họ những bộ trang phục lộng lẫy, phái Phạm Lãi mang hai mỹ nữ này sang nước Ngô tiến cống. Như vậy, “cuộc thi sắc đẹp” đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Quốc được xem là chiêu mỹ nhân kế lợi hại của Việt vương Câu Tiễn để báo thù Phù Sai.

Phạm Lãi khi tấn kiến Phù Sai đã nói: “Việt vương có hai mỹ nữ mồ côi, vì nước Việt đang khó khăn, không dám lưu giữ, phái thần Phạm Lãi tiến cống, mong Đại Vương không coi khinh chê xấu, nạp làm thê thiếp”.

Vốn háo sắc, khi nhìn thấy hai mỹ nhân này, Phù Sai xúc động thốt lên: “Nước Việt cống tiến hai mỹ nữ, đó chính là biểu hiện cho lòng trung của Câu Tiễn với nước Ngô”.

Ngũ Tử Tư vội vàng khuyên nhủ Phù Sai: “Không được, đại vương không được nhận. Hiền sĩ là báu vật quốc gia, mỹ nữ là họa quốc gia. Hạ diệt vọng vì Muội Hỉ, Thương diệt vong vì Đắc Kỷ, Chu diệt vong vì Bao Tự”. Phù Sai không nghe theo lời của Ngũ Tử Tư về họa "mỹ nhân vong quốc”, đã tiếp nhận hai người đẹp.

Phù Sai có được Tây Thi, Trịnh Đán thì tâm hồn điên đảo, đã lệnh cho xây đài Cô Tô và cung Xuân Tiêu làm chốn hưởng lạc cùng các mỹ nhân: tạo hồ Thiên Trì, giữa hồ có thuyền Thanh Long, trên thuyền có âm nhạc, ca vũ để thỏa thuê vui thú.

Tây Thi rất giỏi điệu múa “gõ guốc”, Phù Sai liền xây dựng cho nàng một cái đài để Tây Thi, Trịnh Đán cùng các cung nữ nhảy điệu này. Trên người các nàng giắt thêm chiếc chuông nhỏ khi múa sẽ phát ra âm thanh, khiến Phù Sai chết mê chết mệt.

Một mặt Phù Sai đắm chìm vào sắc đẹp, không lo chuyện triều chính; một mặt Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chờ ngày trả thù...

Theo Báo Đất Việt