Trang 1 trong 31 123456711 ... Cuối cùngCuối cùng
kết quả từ 1 tới 20 trên 623

Ðề tài: TOPIC 02: Tôi Đang Tiếp Xúc "Những Người Trong Thế Giới Vô Hình"

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định TOPIC 02: Tôi Đang Tiếp Xúc "Những Người Trong Thế Giới Vô Hình"

    Topic: Tôi Đang Tiếp Xúc "Những Người Trong Thế Giới Vô Hình" đã đóng rồi! Tôi xin lỗi đã không thể chào hỏi Bạn mới, nhấn nút cám ơn, và không thể trả lời comments của các Bạn.

    Tôi tiếp tục qua TOPIC 02 ... Xin chào quý Bạn.

    Tiếp theo và hết "Bịnh Tâm Thần 30 Năm Do Phi Nhân"

    Sáng thứ sáu …

    Tôi dậy sớm, nhưng không đi ra ngoài phòng thờ. Tôi giữ yên cho Thanh Như được ngủ thêm chút nữa. Những người mà có phi nhân “hành” như thế này, chỉ có thể ngủ lịm vào lúc gần sáng mà thôi. Bởi vậy, vừa chợp mắt một cái, thì cái đồng hồ báo thức nó … thức rồi! Phải “bò” dậy! Mệt ngất ngư!

    Hơn 8 giờ sáng, tôi nghe tiếng mở cửa từ căn phòng của Như. Dành thời gian cho cô tự nhiên với những sinh hoạt bắt đầu của một ngày, tôi tiếp tục làm việc. Hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn cho cô 4 cách niệm khi “mũi ngửi”, “miệng nếm”, “thân đụng chạm”, và “ý suy nghĩ’.

    Tôi đếm ngón tay: “Một, mắt thấy sắc; hai, tai nghe tiếng; ba, mũi ngửi hương; bốn, lưỡi nếm vị; năm thân xúc chạm; sáu, ý suy nghĩ.” Xong, sáu căn tiếp xúc sáu trần.

    Phải ghi nhận, phải niệm ngay cái chổ mà CĂN “xúc” TRẦN! Ghi nhận ngay chổ “xúc”, tiếp giáp, chạm, đụng giữa căn và trần! Nếu tâm kịp ghi nhận XÚC, thì tâm buông ngay – tâm không THỌ. Còn như, ngay cái chổ XÚC đó đó, tâm không kịp ghi nhận, là tâm thọ ngay. Một khi mà tâm thọ rồi là Ý THỨC lăng xăng làm việc, cái kho TƯỞNG bung cửa ra, HÀNH cũng nhấn ga chạy … cứ chăm chăm vô THỌ mà phân tích, ngắm nghía, so sánh, chọn lựa: “thích”, “không thích”; “muốn”, “không muốn”. Tâm xao động là đây. Tâm phản ứng là đây! Phiền não là đây!

    Chưa đủ. Thích thì vừa lòng toại ý - tâm vui. Không thích thì tức tối, bực bội - tâm giận. Không thích thì đẩy ra, cố gắng mà loại ra cho bằng được - TÂM SÂN. Thích thì lấy vô, cố gắng mà lấy vô, mà ôm vô cho thiệt là nhiều - TÂM THAM. Vậy là THỌ đã là duyên sanh ÁI, THỦ, HỮU!
    Phải dừng thôi! Phải dừng lại từ “xúc” thôi! Không dùng tâm ghi nhận, không dùng TÂM BIẾT: “XÚC”, là phiền não sanh lên trong tâm, rồi ÁI, THỦ, HỮU …(nói luôn, SANH, GIÀ, CHẾT)

    Vậy đi!
    Muốn tâm không sợ hãi, muốn tâm không phản ứng, muốn tâm quân bình, muốn tâm không xao động, nhất định là phải thường xuyên GHI NHẬN nơi XÚC khi CĂN tiếp xúc với TRẦN và NIỆM TÂM!

    Tôi lẩm nhẩm, tính toán: “ Lục Căn là Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý. Lục Trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Vậy, “Niệm Tâm” tính vô thành điều thứ bảy đi. Mần lại: Một, mắt thấy sắc, niệm: “thấy, thấy”. Hai, tai nghe tiếng, niệm: “nghe, nghe”. Ba, mũi ngửi mùi, niệm: “mùi, mùi”. Bốn lưỡi nếm vị, niệm: “vị, vị”. Năm, thân đụng chạm, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Sáu, ý suy nghĩ các pháp, niệm “suy nghĩ, suy nghĩ”. Bảy, niệm Tâm Phản Ứng”. Xong!

    Khi tôi ra ngoài phòng ăn, cô Như đang làm thức ăn sáng trong bếp. Vừa sắp xếp dĩa bánh mì, cô vừa nói:

    - Chào thầy. Con làm thức ăn sáng cho thầy luôn đây. Không thấy thầy ra, con tính ăn trước. Sáng nay con thấy đói bụng.
    Tôi mỉm cười:
    - Chào cô, hồi tối thức “coi hát” cả đêm, nên giờ cô đói bụng sớm há!
    - Ủa, sao thầy biết con thức cả đêm?
    - Tôi nói vui. Cô đi đâu thì đoàn làm phim kéo theo đến đó, chiếu toàn phim kinh dị cho cô coi thôi mà!
    - Thiệt thầy, con niệm quá chừng luôn. Con cũng sợ lắm, nhưng mà con ráng không có la lên, con sợ làm phiền thầy…
    - Tôi đã dặn có gì thì gọi cho tôi rồi mà …
    - Con biết … nhưng mà con cũng phải ráng …
    - Ráng … được tới sáng … là cũng đáng … lắm rồi.

    Tôi giả bộ nhấn giọng cho Như cười. Thiệt, Như buông dĩa bánh lên bàn mà kha kha kha, khà khà khà một tràng. Tội thiệt!

    Tôi bảo Như đến ngồi ăn sáng nơi chiếc bàn ăn, để tôi chỉ cho Như học và hành “chánh niệm”, “ghi nhận”, “niệm tâm” trong việc “ăn sáng” và trên … “cái dĩa bánh mì”. Tôi nói:

    - Rồi. Bây giờ Như bắt đầu ăn đi. Nhớ, “cái gì vô mắt, niệm thấy”, “cái gì vô tai, niệm nghe”, “cảm giác ra sao, niệm cảm giác”. Ba điều hôm trước đó, “thấy, thấy”, “nghe, nghe”, “cảm giác, cảm giác”. Như thực hành “trong lúc ăn bánh mì” nghe! Một, hai, ba.

    Nhìn vẻ mặt của Như “ngớ” ra khi nhìn vô … cái dĩa bánh mì. Tôi nín cười.

    Tôi chăm chú với phần ăn sáng. “Biết”, “Biết”, “Biết” rất nhanh.

    Như cầm bánh mì lên, ngần ngừ trước khi đưa lên miệng. Cắn một miếng, cô để bánh trở lại dĩa, rồi nhai … Cái vẻ mặt “đi tìm” “thấy”, “nghe”, “cảm giác” của cô làm tôi phì cười. Như cũng cười lỏn lẻn:
    - Hi hi … Con không biết “niệm” thầy ơi …
    - Không sao. Ăn cho đỡ đói đi, rồi tôi sẽ nhắc lại cho Như niệm.

    Tôi chờ cho Như ăn được hai phần ba ổ bánh mì rồi, tôi bắt đầu nhắc nhở:

    - Tôi sẽ nói từ từ, để cô Như suy nghĩ điều này: Như làm những việc “ăn” trong đời đã quá là quen thuộc, quen thuộc đến mức độ Như ăn mà Như “không biết” “ta đang ăn”. Khi Như không biết Như “đang ăn”, thì trong lúc đang ăn đó, Như suy nghĩ cái gì?
    - Ư …con … cũng không nhớ nữa? Hình như con nghĩ: “Ở đây đỡ sợ hơn ở nhà”
    - Rồi gì nữa?
    - Rồi … “… mà đâu có phải ở đây hoài được đâu, về nhà rồi … làm sao ta?”
    - Như suy nghĩ như vậy rồi có thấy sợ không?
    - Dạ có.

    - Vậy đó. Khi mà Như không biết ngay bây giờ, ngay tại đây, ngay hiện tại, HIỆN TẠI ĐANG LÀ, thì suy nghĩ của Như lập tức rời hiện tại, trở về QUÁ KHỨ, hướng tới TƯƠNG LAI. Nếu Như biết cách giữ tâm, kiểm soát tâm, BIẾT, biết ĐANG LÀ, ý thức không khởi, không suy nghĩ. KHÔNG SUY NGHĨ thì không có chuyện quá khứ, không có chuyện tương lai (ở trong tâm). Tâm biết “cái đang là”. Tâm sống nơi “hiện tại”. Tâm không buồn. Tâm không vui. (theo quá khứ và tương lai). HIỆN TẠI LẠC TRÚ là vậy.

    Nhìn Như đang chăm chú lắng nghe, vẻ mặt cô từ đăm chiêu chuyển sang thư thái, tôi biết tâm cô vừa nhận ra một điều mới lạ … Tôi mỉm cười:

    - Bây giờ … “xé nháp” làm lại. Như để bánh mì vô dĩa đi. Bây giờ Như nhìn vô dĩa bánh mì. Như thấy gì?
    - Thấy … bánh mì.
    - Có niệm: “thấy, thấy” không?
    - Ủa, thấy bánh mì là niệm: “thấy, thấy” hả thầy?
    - Mắt thấy sắc, niệm: “thấy, thấy”. “Sắc” bây giờ là bánh mì đó!
    - À … con biết rồi.
    - Vậy đó… Tiếp nghe. Như thấy gì nữa?
    - Cái dĩa.
    - Niệm đi.
    - “thấy, thấy”
    - Gì nữa?
    - Cọng ngò.
    - Niệm đi.
    - “Cọng ngò” … cũng niệm nữa hả thầy.
    - Ha ha … thì “cọng ngò” là “sắc”. “Mắt thấy Sắc niệm: “thấy, thấy”. Có một “bài” thôi. Nói chữ “Mắt thấy Sắc” cho dễ nhớ, chứ thật ra phải là “Mắt tiếp xúc với Sắc”.
    - Ha ha … vui há thầy. Trời! Hồi đó giờ mắt mình nhìn biết bao nhiêu thứ, mà mình đâu có biết mình “thấy” trời!
    - Ha ha … còn nhiều cái vui nữa. Tiếp nghe. Như nhìn vô dĩa bánh mì đi, nói cho tôi nghe Như thấy được những gì …
    - Bông trên cái dĩa. Miếng khét trên bánh mì. Miếng dưa chuột… Hết rồi thầy.

    - Đúng rồi. Vui không. Có cái dĩa đựng khúc bánh mì, mà tới bao nhiêu “sắc” cho mắt tiếp xúc rồi đó. Mỗi một tiếp xúc giữa “mắt” với “sắc”, hành giả, là Như đó, “ghi nhận”, hay là “niệm”, hay là “biết” sự tiếp xúc đó. “Biết” cái này là “bánh mì”, “cái dĩa”, “cọng ngò”, “bông”, “miếng khét”, “dưa chuột” là cái biết của NHÃN THỨC, tức là “tâm nhận biết sắc qua cửa mắt”.

    - Hay há thầy. Con bắt đầu “hiểu hiểu” ý của thầy dạy con “niệm thấy” để làm chi rồi …
    - Tốt. Bây giờ Như lấy bánh mì lên đi.

    Như cầm bánh mì lên tay, nhìn tôi chờ đợi. Tôi cười:

    - Như biết Như “đang cầm bánh mì” không?
    - Dạ biết.
    - Nói cho tôi nghe Như “biết” gì?
    - Dạ thì … con biết con … cầm bánh mì thôi.
    - Cầm là giữ bánh mì nằm trên tay là xong há!
    - Dạ … chứ … sao nữa thầy?
    - Như chú ý “tay cầm bánh mì” đi. Như “biết” gì?
    - Bánh mì … cứng cứng, nhám nhám trong tay con.

    - Phải rồi. Như “biết” “cứng cứng”, “nhám nhám”. Đó là cái biết của THÂN THỨC, tức là “tâm nhận biết xúc qua cửa thân”. Nguyên khối thân này gọi là “Thân”. Bất cứ cái gì chạm vô thân, tạo nên cảm giác, gọi là “Xúc”. Bánh mì chạm vô lòng bàn tay. Lòng bàn tay là “thân”, bánh mì là “xúc”. Thân đụng chạm, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Vậy, Như vừa nhận ra “cứng cứng”, nhám nhám” thì niệm “cảm giác, cảm giác”, niệm ngay chổ “chạm” giữa tay và bánh mì đó. Như hiểu chổ này chưa?
    - Con hiểu rồi. Thì ra là vậy … Hồi đó giờ, con làm cái gì cũng hời hợt quá, không chú ý vào việc mình đang làm một chút nào cả …

    Như ngã lưng vô ghế, thở cái khì. Mắt nhìn vô bàn tay cầm bánh mì, Như khám phá “bí mật” kiểm soát tâm …

    - Nó “nặng nặng” nữa thầy.
    - Đúng rồi, Như niệm đi.
    - “cảm giác, cảm giác”.
    - Gì nữa?
    - Hết rồi thầy.
    - Hết rồi thì thôi.
    - Ha ha …
    Như khoái chí cười ha ha. Hiện tại lạc trú.

    Tôi cười:

    - Bây giờ, tôi sắp xếp những điều “Ghi Nhận”, mà tôi hướng dẫn cho Như hôm thứ hai tuần trước và buổi sáng hôm nay, vô thành một bài thực tập. Tôi đặt tên là: “Niệm Tâm: Hiện Tại Lạc Trú”. Tôi dùng vài thuật ngữ Phật Học cho Như làm quen với chúng. Những chữ này là Ngũ Uẩn, Danh Sắc, Tứ Đại, Thân và Tâm, Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức, Tứ Niệm Xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp, và Chánh Niệm. Tôi cố gắng chỉ lấy những ý nghĩa nào áp dụng được vào “Niệm Tâm”, mà nói với Như thôi. Sau này, Như có nghe thuyết pháp hay đọc kinh sách, Như sẽ hiểu rỏ hơn những ý nghĩa của chúng.

    Như đặt khúc bánh mì vào dĩa, sửa lại dáng ngồi, nghiêm túc chờ đợi. Tôi hoan hỷ bắt đầu:

    - Nguyên khối “con người” này đây thường được gọi với hai cách là thân Ngũ Uẩn, hay thân Tứ Đại. “Ngũ” là năm, “Uẩn” là khối. Thân người do 5 khối họp lại, đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Từ “Danh Sắc” dùng để chia Ngũ Uẩn ra hai phần: Danh và Sắc. Phần Danh gồm có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Phần Sắc, gọi là “Tứ Đại”, gồm bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa hợp thành. Cô Như hiểu được những chữ này chưa?
    - Dạ, con có biết thân Tứ Đại là đất, nước, gió, lửa. Nhưng con chưa biết về Ngũ Uẩn.
    - Đúng rồi, chúng ta thường nói “tấm thân tứ đại” để nói đến sự dễ dàng thay đổi, dễ mất, dễ vỡ tan, vô thường, biến hoại của tấm thân này. Còn Ngũ Uẩn là để nhận thức tấm thân này nó hoạt động được là nhờ cái gì.
    - Vậy, nhờ cái gì thầy.
    - Dạ, nhờ vào TÂM.
    - Tâm. Con nghĩ tâm là để nói lên cái vui, buồn, giận, ghét, hỷ, nộ, ái, ố. Làm sao thân này hoạt động là do tâm hả thầy?
    - Đúng vậy. Hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não là những TRẠNG THÁI TÂM. Để tôi nói tiếp phần Ngũ Uẩn, rồi từ từ Như sẽ biết trạng thái tâm từ đâu mà có nghe.
    - Dạ thầy.

    - Ngũ Uẩn là Danh Sắc. Danh là “Tâm”. Sắc là “Thân”, cho nên Như sẽ nghe hai chữ “Thân Tâm” trong thực hành Tứ Niệm Xứ. “Tâm” giảng giải theo Vi Diệu Pháp có nhiều tên gọi. Chúng ta không cần phải biết tất cả các loại tâm đó. Chúng ta chỉ hiểu trong giới hạn là tâm làm cho thân này hoạt động. Thân này có đi, đứng, nằm, ngồi được đều do tâm. Thân này có thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, suy nghĩ được đều do tâm. Không có tâm, thân bất động. Một người gọi là chết, tức là tâm đi ra khỏi thân, tâm rời khỏi thân, thân nằm xuống, bất động.

    Tôi ngừng lại, xét chừng Như hiểu đến đây chưa. Thấy cô im lặng, tôi tiếp:

    - Tâm hoạt động ở trong thân, và ta nhận biết được tâm với những chữ Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỉ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức - được gọi là Lục Thức. Hiểu nôm na “Thức” là “Biết”. Vậy “tâm biết” gì nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý? Khi mắt thấy sắc, tâm biết “sắc”, gọi là Nhãn Thức. Khi tai nghe tiếng, tâm biết “âm thanh”, gọi là Nhĩ Thức. Khi mũi ngửi mùi, tâm biết “hương”, gọi là Tỉ Thức. Khi lưỡi nếm vị, tâm biết “vị”, gọi là Thiệt Thức. Khi thân xúc chạm, tâm biết “xúc”, gọi là Thân Thức. Và, khi ý suy nghĩ, tâm biết “pháp”, gọi là Ý Thức. Sáu chữ Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp gọi là Lục Trần. Đơn giản, khi “Lục Căn” tiếp xúc với “Lục Trần” TÂM BIẾT tại 6 nơi, đó gọi là Lục Thức. Cô Như đã hiểu Lục Căn, Lục Trần, Lục Thức là như vầy chưa?

    - Con hiểu rồi thầy. Hay quá thầy. Mình sống thì mình cứ thấy đủ thứ, nghe lung tung thôi, chứ đâu có để ý tại sao mình thấy, tại sao mình nghe, cứ tưởng có con mắt thì là thấy, có lổ tai thì là nghe thôi, chứ đâu có biết có phần tâm làm việc để mà thấy, để mà nghe đâu há thầy.

    - Đúng vậy đó cô Như. Đức Phật dạy cho chúng ta thấy rỏ về cái Tâm và sự hoạt động của tâm, và TU TÂM. Chứ còn cái thân này … chỉ là một tập hợp đất, nước, gió, lửa, không có gì hết!

    - Vậy, hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não là những trạng thái tâm, mà khi nãy thầy nói đó, từ đâu mà có trong tâm vậy thầy?

    - Đó là do khi “căn” tiếp xúc với “trần”, mà ta không kiểm soát nơi “tiếp xúc” đó cô Như. Một khi ta không kiểm soát ngay nơi tiếp xúc (giữa căn và trần), thì tâm sẽ “thọ” trần, tâm sẽ “suy nghĩ” về trần, tâm sẽ phản ứng với “cảm thọ”, rồi từ đó sanh lên hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não trong tâm.
    - Không kiểm soát là sao hả thầy?
    - Mấy hôm nay cô làm sự kiểm soát rồi đó.
    - Con làm …

    - Đúng rồi. Mấy hôm nay cô đang làm 3 sự kiểm soát “thấy”, “nghe” và “xúc chạm”. “Ghi Nhận”, hay “Niệm” trong thực hành Tứ Niệm Xứ, gọi là “Chánh Niệm”. Tôi dùng thêm chữ “Kiểm Soát” cho nó mạnh hơn. Kiểm soát ngay, để “trần” không lọt vô tâm! Chánh niệm: “thấy, thấy” là tâm kiểm soát “tiếp xúc” giữa mắt và sắc, là chánh niệm “sự thấy”. Chánh niệm: “nghe, nghe” là tâm kiểm soát “tiếp xúc” giữa tai và âm thanh, chánh niệm “sự nghe”. Chánh niệm: “cảm giác, cảm giác” là tâm kiểm soát “tiếp xúc” giữa thân và xúc, chánh niệm “sự xúc chạm”… Cô hiểu thế nào là Chánh Niệm chưa?

    - Con hiểu rồi thầy. Chậc, thiệt là … lạ há thầy!

    - Lạ vậy đó! Còn 3 sự kiểm soát nữa: “ngửi”, “nếm”, và “suy nghĩ”, là đủ cho 6 phận sự Chánh Niệm khi Lục Căn tiếp xúc với Lục Trần. “Niệm Tâm” cũng là niệm tại 6 chổ này - niệm Lục Thức - mà Niệm Tâm cũng là niệm Tâm Phản Ứng (nếu có). Tôi tính “niệm tâm phản ứng” thành số 7 trong bài: “Niệm Tâm: Hiện Tại Lạc Trú”. Nhưng, bây giờ chúng ta làm 6 việc thôi. Khi nào Như có tâm phản ứng, tôi sẽ chỉ chổ đó cho Như thấy và chỉ cho Như niệm cái tâm phản ứng. Như theo kịp không? Tôi nói có nhanh quá không? Điều gì Như chưa nắm rỏ, thì cứ dừng tôi lại, mà hỏi nhé!

    - Dạ, con theo kịp. Thầy nói tiếp đi.

    - Tuần tự có sáu sự ghi nhận:

    Một, mắt thấy sắc, niệm: “thấy, thấy”.

    Hai, tai nghe tiếng, niệm: “nghe, nghe”.

    Ba, mũi ngửi mùi, niệm: “mùi, mùi”.

    Bốn lưỡi nếm vị, niệm: “vị, vị”.

    Năm, thân đụng chạm, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Sáu, ý suy nghĩ các pháp, niệm “suy nghĩ, suy nghĩ”.

    Hành giả phải ghi nhận luôn cả 6 điều này trong Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp khi thực hành Tứ Niệm Xứ. Trong Thiền Viện hay trong các khóa thiền, thiền sư khuyên thiền sinh làm chậm chậm. Làm chậm chậm là để chánh niệm cho được 6 cái chút chút này đó! Tôi lấy phần “Niệm Tâm” làm chính, tại vì khi sống trong đời, chúng ta luôn luôn phải tiếp xúc. Tôi là một khối Lục Căn. Tôi tiếp xúc với Như thì Như là một khối Lục Trần (đối với tôi rồi). Lục Căn tiếp xúc với Lục Trần, tâm luôn luôn phản ứng. Tâm phản ứng là tâm xao động, là phiền não. Niệm Tâm để bắt kịp sự phản ứng của tâm, để kịp “nhìn” tâm, để kịp cho tâm trở về sự quân bình. Một khi quen rồi thì đối với mọi tiếp xúc… tâm ít có “nhúc nhích”, tâm ít có phản ứng! Lỡ tâm bị nhúc nhích, thì chỉ cần “nhìn” tâm một cái thôi, là tâm yên trở lại rất nhanh! Phiền não qua rất nhanh!

    - Bây giờ … Như tiếp tục ăn bánh mì và “Chánh Niệm trong khi ăn”! Như chú ý vô ba điều còn lại là “ngửi”, “nếm” và “suy nghĩ” nhé! Bắt đầu.

    Như thận trọng cầm miếng bánh trở lên, thận trọng đưa lên miệng, thận trọng cắn bánh …

    Tôi cũng tiếp tục phần ăn của mình. Tôi nhớ lại một kinh nghiệm “Niệm Tâm” khi tôi đang thực hành Vipassana, tại Thiền Viện Shwe Oo Min, Miến Điện. Lúc đó vị phó Thiền Sư là Ven. Sayadaw U Tejaniya trực tiếp hướng dẫn phương pháp Cittanupassana Vipassana Meditation Method (Tâm quán niệm pháp) cho thiền sinh.

    Buổi tối hôm đó khoảng 8 giờ, tôi đi từ trong Dhamma Hall ra ngoài cửa trước. Tôi chăm chú vào từng bước chân đi. Đặt chân xuống bậc tam cấp, tôi bước dọc theo bậc thang, tiến về bên tay phải. Dừng chân, tôi ngước mặt nhìn lên trời. Miệng tôi bật liền: “Wow!". Ngay lập tức, tôi quay lại “nhìn” trạng thái tâm “vui” nơi lồng ngực. Nhìn thôi! Vui qua ngay. Chờ thêm một chút cho tâm hoàn toàn lặng yên, không còn một chút “vui” nào nữa hết, tôi “khởi tác ý” nhìn lên bầu trời, khởi tác ý hỏi tâm: “Tại sao tâm nói wow?”. Hỏi xong lặng yên. Không suy nghĩ. Tâm trả lời: “Nhiều sao, đẹp”. Không suy nghĩ. Tôi nhìn. Bầu trời đầy sao. Khởi tác ý, tôi hỏi: “Đẹp tại vì nhiều sao?”. Lắng yên. Tâm trả lời: “Phải". Khởi tác ý, tôi hỏi: “Ít sao thì không đẹp phải không?”. Lặng yên. Tâm trả lời: “Phải”. Trong khi “đang” đối thoại đó, tôi kiểm soát trạng thái tâm. Tâm lặng yên. Vậy đó. “Mắt thấy sắc” là tâm phản ứng ngay, “thích” “không thích” chi phối tâm ngay, và “cái giai đoạn từ mắt nhìn bầu trời, buột miệng wow, tâm vui” đã có một chuỗi nhân quả nhân quả nhân quả sanh diệt sanh diệt sanh diệt. Dừng lại nơi “Thấy”, ý thức không sanh! Tâm không sanh, không xao động, không phiền não. Thấy chỉ là thấy thôi!

    Tôi dừng sự hồi tưởng, quay qua nhìn cô Như. Miệng thì nhai nhai, mắt thì nhìn vào khúc bánh mì, vẻ mặt Như nghĩ ngợi. Tôi mỉm cười: “Cái mặt như vầy là đang lạc vào mê hồn trận của quá khứ, tương lai rồi đây". Tôi cười nói:

    - Rồi, “học trò” trả bài đi.

    Tiếng tôi nói nhỏ, nhưng làm Như hơi giựt mình. Ký ức là vậy. Một khi vô tình làm bung ổ khóa cái kho ký ức là tâm chui vào, tâm tìm tòi, lục lọi mọi thứ tư tưởng củ, kiến thức mới, lý thuyết học, kinh nghiệm hành. Tâm như một đứa trẻ trốn mẹ, chui vào cái kho sau nhà, rồi tha hồ lục lọi, tìm tòi, tha hồ cầm, nắm, săm soi, bưng lên, bỏ xuống mọi món đồ củ, mọi thứ đồ mới mà mẹ đã mang cất vào kho. Đứa trẻ vui buồn với những món đồ củ, mới ở trong kho như thế nào, thì tâm vui buồn theo suy nghĩ về quá khứ và tương lai cũng dường thế ấy, miên man, … bất tận, …

    Như nhỏ giọng:

    - Con xin lỗi thầy, sao con cứ suy nghĩ hoài về những chuyện đã đi qua. Con không tập trung vào hiện tại được. Con chạy vạy mấy mươi năm rồi, mà không gặp nơi nào cho con được bình yên. Hôm nay ngồi chổ này, chung quanh êm ắng, tâm con cũng được một chút nhẹ nhàng. Ít nhất là nãy giờ con không có thấy tụi nó ra phá con. Mọi ngày không có được như vầy đâu. Con vô tới tiệm, ngồi làm móng tay cho khách, mà tụi nó còn chui ra nhảy nhót la hét nữa mà … Bởi vậy, con cứ suy nghĩ lang mang từ chuyện này, sang chuyện khác …

    - Tôi hiểu mà cô Như. Suy nghĩ là một chức năng của tâm. “Ý thức” đó cô Như. Dùng chữ “chức năng” cho dễ hiểu nghe cô Như. Tâm có những chức năng làm cho thân và tâm hoạt động. Đi, đứng, nằm, ngồi gọi là Tứ Oai Nghi của thân. Xoay người, cúi người, giơ tay lên, đưa chân xuống, gật đầu, cười, nói, … gọi là Tiếu Oai Nghi của thân (theo tứ oai nghi). Còn nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức là 6 chức năng của tâm. Như vậy, tuy tâm không hình tướng, chúng ta vẫn nhận ra “tâm” được, chúng ta vẫn “thấy” “tâm hoạt động” được qua những oai nghi (của Thân) và lục thức (của Tâm) đó cô Như. Sự hoạt động này gọi là Hành trong Ngũ Uẩn, nhưng mà chúng ta không cần biết điều đó. Chỉ cần biết “thân đây”, “tâm đây” là đủ rồi!

    Như cúi mặt suy nghĩ. Biết cô hối hận vì cứ mãi để tâm vương vấn với những chuyện quá khứ u buồn, tôi cười:

    - Rồi, mần lại … Như chú tâm cắn một miếng bánh mì, chú tâm nhai một hồi đi, tôi sẽ hỏi, cho Như nhận biết “chánh niệm trong khi ăn” là như thế nào.

    Như cười rồi đưa bánh mì lên miệng …

    Tôi thầm nói: “Sức mạnh của tâm ghi nhận, của chánh niệm, chính là lưỡi dao bén cắt đứt ngay sợi dây phiền não - nối giữa căn và trần – “Căn” là căn thôi. “Trần” là trần thôi. “Xúc” là xúc thôi. Không “nối” thì không ý thức! Không nối thì không “sanh”! Không sanh thì không “diệt”! Không sanh thì không phiền! Có mà không! Không mà có!”

    Tôi hỏi Như:

    - Như quan sát được điều gì trong lúc “nhai bánh mì”? Chú tâm nhai đi, ghi nhận được điều gì, nói ra điều đó. Thực tập thôi, không có gì làm Như phải lo lắng.
    - Dạ, con thấy … bánh cứng.
    - Đúng rồi, niệm: “cảm giác, cảm giác”
    - “Cảm giác, cảm giác”
    - “Nóng”, “lạnh”, “cứng”, “mềm” đều là cảm giác xúc chạm của “thân căn” với “xúc trần” do Thân Thức nhận biết trong miệng. Cho nên ghi nhận “cảm giác, cảm giác” thôi, không phân biệt cứng, mềm gì hết. Rồi gì nữa?
    - Dưa chuột có mùi thơm.
    - Đúng rồi, Như niệm sao?
    - Ư … “mùi, mùi” … Đúng không thầy?
    - Đúng rồi. Mũi ngửi hương, niệm: “mùi, mùi”. Tiếp tục …
    - Dòn, dòn … dòn, dòn niệm sao bây giờ hả thầy?
    - Như biết dòn qua lưỡi hay qua tai?
    - Con biết dòn qua lưỡi trước, khi thầy hỏi thì con nghe dòn qua tai.
    - Đúng rồi, dòn dòn mà là “cứng cứng nơi răng cắn vào” là Thân Thức, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Dòn, dòn mà là “âm thanh rạo rạo nghe nơi tai” là Nhĩ Thức, niệm: “nghe, nghe”.
    - Mèn ơi, hay quá há thầy. Con thấy khoái khoái mấy cái chánh niệm này rồi đây. Chú ý vô mấy cái niệm này riết rồi, đâu có thì giờ mà suy nghĩ quá khứ nữa há thầy.

    - Sàdhu. Đúng là như vậy. Chánh niệm, “chú ý vô mấy cái niệm” là để tâm luôn ở trong hiện tại, ngay bây giờ. Tâm “chơi” với những cái “đang là”. Tâm không có thì giờ quay về quá khứ. Tâm không có thì giờ hướng tới tương lai.

    - Hay quá! Để con tìm tiếp nghe thầy … Cay. Thầy ơi cay. Con niệm … “vị, vị”. Xuýttt … Con nhai nguyên miếng ớt, cay quá, è!

    Như nói xong, vội đưa tay lấy ly nước, đưa lên miệng uống … Tôi cười:

    - Cô Như uống nước có chánh niệm không?
    - Hả … con lo uống cho nhanh … con có chánh niệm gì đâu … Ái dà …

    - Khi có ý khởi “muốn uống nước”, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”. Đưa tay “chạm” vào ly, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Tay mát, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Bưng ly “chạm” vào môi, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Nước “chạm” vào lưỡi, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Nước “mát”, niệm: “cảm giác, cảm giác”. “Nuốt” nước, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Nước “mát trôi” xuống cổ, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Tất cả đều phải ghi nhận như vậy, để tâm luôn biết “hiện tại đang là”. Thực hành chánh niệm dễ mà khó, khó mà dễ là vậy. Tâm làm việc khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Tâm muốn làm điều này, tâm không muốn làm điều nọ. Tâm thích người này, tâm kéo họ vô. Tâm không người kia, tâm đẩy họ ra. Tâm lung tung, lang tang, chạy nhảy khắp nơi trong cái thân này. Tâm tự tung, tự tác, tạo ra mọi hành động thân, khẩu, ý của chúng ta. Kiểm soát được sự hoạt động của tâm là ta nắm được tâm, như tay nài chụp được giây cương, kềm lại con ngựa chứng vậy. Tâm trầm tĩnh, hành động trầm tĩnh, ngôn ngữ trầm tĩnh. Chúng ta kiểm soát được tâm từng ly, từng tí, chỉ qua “lục căn tiếp xúc lục trần”. Đơn giản vậy thôi!

    Tôi cười cười, nói:

    - Có một bài tập thôi. Tôi nhai qua, nhai lại như bò nhai cỏ vậy. Lúc nào tâm cũng no.

    - Dạ con hiểu. Đơn giản mà không đơn giản, tại vì mình làm cái gì cũng theo thói quen, làm cho nhanh, làm cho xong. Tay rửa chén mà cái đầu nghĩ "lát nữa đi chợ mua chai xà bông". Ngồi ăn cơm mà cái đầu nghĩ "hôm qua ăn cái bánh xèo mua ngoài chợ dỡ ẹt". Mình chẳng bao giờ chú ý vào việc làm ngay trước mắt, … Con hiểu nhiều rồi thầy. Con cám ơn thầy đã tận tâm, tận tình dẫn dắt cho con. Con sẽ cố gắng chú ý ngay trong những việc đang làm. Con sẽ cố gắng nhớ những lời thầy dạy.

    - Cố gắng lên cô Như. Tôi vươn lên trên đau khổ và vượt tâm sợ hãi cũng từ phương pháp Niệm Tâm này đây. Tôi đúc kết kinh nghiệm thành một bài thực tập ngắn cho cô. Tôi đi con đường này dài rất dài mới tới nơi. Đi qua rồi, tôi chỉ “ngỏ tắt” lại cho cô. Mong cô đi cho mau tới. Chỉ có vậy thôi.

    - Dạ, con cám ơn thầy.

    - Rồi. Trở lại cái chổ: “Cay. Thầy ơi cay. Con niệm … “vị, vị”. Xuýttt … Con nhai nguyên miếng ớt, cay quá, èee ...” Tôi chỉ cho cô Như thấy cái “tâm phản ứng” chổ này nghe.

    - Ngay cái chổ “lưỡi nếm vị, không kịp chánh niệm với vị, biết vị - Thiệt Thức – sanh tâm phản ứng, tâm xao động". Cô chú ý nghe.

    - Tâm phản ứng sanh lên rất nhanh. “Cay”. Khi vừa biết “Cay”, niệm: “vị, vị”; “Xuýtt” là “tiếng nói của tâm, nói là tâm nhận biết vị quá mạnh rồi”, đã là Thân Thức, niệm: “cảm giác, cảm giác”; “Cay quá” là tiếng tâm than lên “chịu không nổi rồi” trong suy nghĩ, đã là Ý Thức, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”. Chữ “èee”… là “phản ứng tâm” đối với tất cả Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức; cho biết “tâm không thích cái vị đó”, “tâm không thích cái cảm giác đó”, “tâm không thích suy nghĩ” đó; Và “èee” là tâm muốn loại bỏ vị, loại bỏ cảm giác, loại bỏ suy nghĩ đó ra … khỏi tâm!

    - Cô Như nhận ra được chổ tâm phản ứng này không? Chỉ “một miếng ớt nhỏ làm miệng cay” thôi mà tâm phản ứng ra (qua một luồng tâm thức như vậy). Sống đụng chạm với thế gian này … tâm còn bị đốt cháy đến thế nào nữa!

    Như gật gật đầu. Tôi thầm mong cô ghi nhớ được bài thực tập này, để cô chụp bắt được tâm, ngay khi mắt cô tiếp xúc với những hình ảnh. Cho dù hình ảnh có là hình thù của yêu ma, quỷ quái, kinh dị, khủng khiếp đến như thế nào đi nữa, thì “sắc chỉ là sắc thôi”, và “thấy chỉ là thấy thôi”. Tâm không phản ứng khi mắt thấy sắc, tâm bình yên …

    Suốt ngày thứ sáu, tôi để cô Như tự nhiên nghĩ ngơi. Tôi chỉ khuyên cô: “Trong khi đang làm bất cứ công việc gì, cũng phải chánh niệm và xem tâm phản ứng”.


    Sáng thứ bảy …

    Ngày hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn cô Như thực tập thiền hành và tọa thiền theo Tứ Niệm Xứ. Ngoài việc phải chánh niệm, kiểm soát tâm trong sinh hoạt đời thường - giữ tâm tịnh trong Động, cô Như còn cần phải tọa thiền cho tâm được nghĩ ngơi - tịnh lâu hơn trong Tịnh.

    Có tiếng cửa mở nơi phòng cô Như. Nhìn đồng hồ đã hơn 9 giờ sáng. Tôi quen sống với tâm ít để ý đến thời gian, cho nên tôi thường quên bữa ăn. Đến khi nào cái bao tử “xuống đường đòi quyền tự do thực phẩm”, tôi mới biết là tôi quá là chủ nhân ông với nó …

    Tôi đi ra phòng ăn. Như chưa xuống bếp. Tôi bước ra phòng thờ, thắp nhang lễ Phật. Hôm nay thứ bảy, có lẻ sẽ có phật tử đến viếng chùa đây. Phật tử thường mang bông hoa và trái cây đến cúng Phật. Tôi mang trái cây trên bàn thờ xuống bếp. Sắp xếp dĩa trái cây tươm tất trên bàn ăn, tôi xắt mấy trái táo ra từng miếng mỏng, mang ra ngoài sân. “Sóc ơi sóc, ăn táo nè con”, tôi kêu mấy con sóc đang cong đuôi phóng qua, phóng lại trên những nhánh cây. Mấy chú nhỏ này nghịch lắm, cứ chơi “bịt mắt, bắt dê” trên nóc nhà. Khách mới đến Tu Viện cứ hết hồn bởi tiếng chân rầm rầm của chúng.

    Tôi trở vô nhà. Như đang đứng nơi bàn thờ Phật. Sắc mặt cô tươi tĩnh. “Bạn bè” cô có lẻ cũng hoan hỷ với chúng tôi … Yên được lúc nào, hay lúc đó!

    - Con chào thầy.
    - Chào cô Như. Cô ngủ được không?
    - Dạ con ngủ được đâu khoảng từ 10 giờ đêm. Đến khoảng 4 giờ sáng thì tụi nó kêu con dậy. Tụi nó nói: “Tụi tao muốn đi chơi. Tụi tao muốn mày đi theo”. Con nhớ rồi thầy. Hồi đó, con hay chạy trốn trong chùa, là tại vì có những ngôi chùa, khi con vào bên trong chánh điện, là tụi nó không vô được, tụi nó phải ở bên ngoài. Con trốn trong chánh điện cả ngày, không dám đi ra, không dám về nhà. Con xin đến chùa ở mà không được chấp nhận. Con khổ biết là bao nhiêu …

    - Từ từ cô Như. Từ từ mọi chuyện sẽ qua. Phần của cô là làm theo những gì tôi hướng dẫn để tự bảo vệ chính mình. Phần tôi, tôi làm được gì cho cô, cho chúng phi nhân, tôi sẽ làm. Nhẫn nại thì mới hòa giải được oan gia, oán thù. Họ có vui vẻ, có hoan hỷ xóa bỏ mọi oan trái cho cô, hoan hỷ xóa sổ nợ cho cô, thì họ sẽ ra đi thanh thản, họ không quay lại tìm cô nữa. Bây giờ, nếu tôi nóng ruột, nếu tôi muốn cô mau hết bịnh, tôi muốn cho xong chuyện, tôi muốn không mất nhiều thời giờ. Được. Tôi làm được. Họ đi ngay. Nhưng, kết quả cho tôi và cho cô mai này sẽ ra sao? Tôi kết oan trái với họ. Sợi dây oan trái giữa cô và họ đã rối một nùi, đến phiên tôi thắt thêm vô mấu gút. Chiến tranh giữa cô và họ chưa ngã ngũ, tôi đi gây chiến nữa rồi. Họ tính sổ cô trước. Mai này họ tính sổ với tôi sau. Bây giờ tôi đánh đuổi họ. Được. Họ đi, họ rời cô là tại vì họ thua tôi. Mai này thân tôi già, sức tôi yếu, là họ quay lại “thăm hỏi sức khỏe” tôi đó. Sống dỡ, chết dỡ đó cô! Phần của cô thì sao? Họ đòi mạng cô chưa được, mà họ đã bị đánh đuổi. Phải buông cô ra, thì họ buông. Ngày nào, cô không còn trong sự bảo vệ của tôi, thì họ sẽ làm cô điêu đứng gấp mấy lần họ đang làm từ trước đến nay. Thôi, cho là tôi có thể bảo vệ cô cho tới khi cô chết đi. Cô tái sanh nơi nào thì họ đến tìm cô nơi đó. Họ giết cô đời này không được, thì đời sau họ sẽ tìm giết cô. Xen vào bằng bạo lực, không hòa giải được oán thù truyền kiếp, cô Như à!

    Như im lặng. Tôi hiểu. Tâm tánh cô hiền hòa, chân chất, cô không có ý muốn hại chúng phi nhân. Ba mươi năm qua, cô chưa từng có ý nghĩ đi tìm thầy pháp thuật trị phi nhân. Cô chỉ tìm về Tam Bảo …

    Sau buổi điểm tâm, tôi bảo Như:

    - Hôm nay tôi hướng dẫn cho cô Như đi, đứng, ngồi, nằm trong chánh niệm nghe. Kiểm soát mọi hành vi thân, khẩu, ý thì tâm luôn luôn ở trong thân. Chủ nhà ngồi yên trong căn nhà của mình. Từ từ những “người” không có quyền sở hữu căn nhà phải đi ra thôi.

    Tôi bảo Như đi ra ngoài phòng khách. Tôi ngồi xuống ghế sofa, bảo Như ngồi nơi ghế đối diện. Tôn trọng pháp, cô ngồi xuống sàn, tựa lưng vào chiếc ghế sofa dài, bên tay phải của tôi. Tôi nhắm mắt, tìm lời diễn giải “Chánh Niệm Trong Tứ Oai Nghi” sao cho cô dễ dàng nắm bắt, hiểu lời giảng, đi vào thực hành. Tôi bắt đầu:

    - Tôi nhắc lại vài câu trong bài thực tập sáng hôm qua. Tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm là bốn sự di chuyển chánh của thân. Tứ Niệm Xứ là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Trong tứ oai nghi, tâm được biết rỏ qua Thân Thức, cho nên chánh niệm, ghi nhận tâm cũng nơi Thân Thức, tức là “sự xúc chạm của Thân với bất cứ cái gì làm cho thân cảm giác (Xúc)”. Hiện giờ Như đang ngồi. Như chú ý vào sự tiếp xúc giữa bàn tọa và nền nhà, Như ghi nhận được điều gì không?
    - Dạ, con thấy nóng nóng.
    - Gì nữa?
    - Nặng nặng của thân xuống nền nhà.

    - Đúng rồi. Như ghi nhớ điều này: “Khi ngồi, chú ý ghi nhận sức nặng của thân, nơi bàn tọa, tiếp xúc với chổ ngồi. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi trong khi ngồi. Ngồi lái xe, ngồi đánh máy, ngồi bán hàng, ngồi coi thể thao, ngồi làm sổ sách, ngồi nhổ cỏ, ngồi đọc sách, ngồi xem phim, ngồi nói chuyện, ngồi trong nhà vệ sinh, ngồi gội đầu, ngồi đánh răng, ngồi rửa mặt, ngồi lặt rau, ngồi vo gạo, ngồi nấu cơm, ngồi ăn cơm, ngồi rửa chén, ngồi rầy con, ngồi nghe pháp, ngồi thiền, … Trên căn bản oai nghi Ngồi, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”. Như nắm được không?

    - Hồi nãy, Như nói thấy nóng, vậy Như niệm sao?
    - “cảm giác, cảm giác”
    - Đúng rồi. Như có cảm giác là “mình đang ngồi vững vàng” không? Tâm đang ở trong Thân không?
    - Dạ có. Con cảm thấy mình rỏ ràng đang ngồi đây, đang nói chuyện với thầy, đang nhìn thầy, đang nghe thầy nói.
    - Tốt, đang gì nữa?
    - Ư … hết rồi thầy?
    - Đang hiểu tôi nói gì.
    - À … phải rồi thầy.

    - Như nhận thấy không? Ngồi mà “biết” ngồi, thì “biết”, “biết”, “biết” rất nhanh, “thấy”, biết; “nghe”, biết; “nói”, biết; “suy nghĩ”, biết. Chánh niệm rất nhanh phải không?
    - Dạ phải thầy.
    - Bây giờ đứng lên.

    Tôi đứng lên. Như đứng lên.

    - Như chú tâm vào hai bàn chân chạm xuống nền nhà. Như ghi nhận điều gì?
    - Con cũng thấy nặng nặng, trĩu trĩu xuống dưới hai bàn chân chạm trên nền nhà.

    - Đúng rồi đó. Như ghi nhớ điều này: “Khi đứng, chú ý ghi nhận sức nặng của đôi bàn chân tiếp xúc với chổ đứng. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi trong khi đứng. Đứng bán hàng, đứng tính tiền, đứng giảng bài, đứng giảng thuyết, đứng chờ xe, đứng đợi bạn, đứng nói chuyện, đứng coi thể thao, đứng vệ sinh, đứng đánh răng, đứng rửa mặt, đứng tắm, đứng rửa rau, đứng vo gạo, đứng nấu cơm, đứng rửa chén, đứng rầy con, đứng nghe pháp, …Trên căn bản oai nghi Đứng, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”. Như nắm phần này chưa?

    - Con hiểu rồi thầy. Rỏ ràng quá thầy. Không có khó thầy à!
    - Đúng là không có khó. Giống như chơi thả diều vậy. Nắm sợi dây trên tay rồi, thì kiểm soát diều bay thôi.

    - Bây giờ bước đi. Cũng như oai nghi đứng. Khi di chuyển chân, chú ý ghi nhận mỗi bàn chân đặt xuống đất, chân trái, chân phải. Như bước đi đi, ghi nhận được gì?

    - Con thấy chân phải đặt xuống nhà cũng nặng nặng ở trong bàn chân, chân trái bước lên, đặt xuống cũng nặng nặng như vậy. Chân dỡ lên thì nhẹ hơn lúc chân đặt xuống.

    - Chính xác là như vậy. Nhắc qua thân tứ đại có bốn yếu tố Đất, Nước, Gió Lửa. Thiền Sư khuyên thiền sinh đi, đứng, nằm, ngồi chậm chậm, là để ghi nhận được bốn yếu tố này trong thân tứ đại đây. “Nhẹ” là gió. “Nặng” là “đất”, là “nước”. “Nóng, nóng” là lửa. Vậy đó. Cô Như hiểu Đất, Nước, Gió, Lửa là như vậy nghe. Mai này có đi vô khóa thiền, thì cô Như cũng biết Chánh Niệm đi kinh hành là đi làm sao.
    - Dạ, con biết rồi.

    - Vậy, Như ghi nhớ điều này: “Khi đi, chú ý ghi nhận sức nặng của từng bàn chân tiếp xúc với chổ đặt chân xuống. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi trong khi đi. Đi chợ, đi shopping, đi gánh nước, đi bán hàng rong, đi từ bãi đậu xe vô nhà, đi từ bãi đậu xe vô hãng, đi lên cầu thang, đi qua lại trong nhà, đi bộ thể dục, đi dạo phố, đi dạo công viên, …Trên căn bản oai nghi Đi, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”. Như thấy dễ dàng chánh niệm quá phải không?

    - Dạ phải. Nhưng mà … nếu không được nghe thầy chỉ ra, thì thiệt là con không biết …

    - Hầu hết chúng ta đều KHÔNG BIẾT, không để ý chính cái Thân Tâm của mình. Mình lăng xăng gần hết đời người, mình biết đủ thứ chuyện trên đời, vậy mà chuyện xảy ra từng giờ, từng phút nơi cái thân, cái tâm của mình thì mình không biết. Đi vấp chân vô cái ghế, đau, tức, cằn nhằn: “Ai mà vô duyên, để cái ghế giữa đường”, mà không nhận ra “cái chân là cái chân”, “cái ghế là cái ghế”, “cảm giác là cảm giác”. Hết rồi. Tại sao lại giận? Ai giận? Tại sao phải la mắng ai kia? Ai … là ai? …

    - Phải đó thầy. Mấy con em ở trong tiệm, suốt cả ngày con nhức cái đầu vì nghe tụi nó la: “Đứa nào để cái thau nước ở đây?”, “Ai mang cái rổ tới chổ này, “Cái bà này khó chịu”, “Cái bà kia hà tiện”… Tụi nó chỉ có thấy người khác, chứ không có thấy bản thân mình.

    - Bây giờ cô Như biết cách Niệm Tâm, nghe cái gì cũng niệm: “nghe, nghe”, kiểm soát “tâm giận”, kiểm soát “tâm không thích”, kiểm soát “tâm khó chịu”. Chánh niệm quen rồi, thì tâm chỉ ghi nhận “biết” thôi, nhanh hơn “niệm” nữa. Rồi, cái cuối cùng. “Oai nghi nằm”. Ngồi xuống đây đi cô Như.

    Tôi ngồi xuống đất. Quen rồi. Trước khi làm việc gì tôi cũng khởi tác ý. Tác ý như luồng sức mạnh đẩy thân, khẩu, ý làm việc. Như cũng đã ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi bắt đầu:

    - Thường là trước khi nằm xuống, ta ở tư thế ngồi rồi mới nằm, cho nên khi đang ngồi, Như chú ý sức nặng của thân. Thông thường, ta thường nghiêng người để nằm xuống. Vậy, nếu Như nghiêng người bên tay phải, thì Như chú ý vào nguyên phần vai và bắp tay bên phải, vai vừa chạm xuống chổ nằm, là Như ghi nhận ngay sức nặng của vai chạm xuống. Ngược lại, cho phần bên tay trái, thì Như chú ý nguyên phần vai và bắp tay bên trái. Rồi, Như bắt đầu nằm xuống đi.

    Như chú ý vào thân vai bên phải, ngã người nằm xuống. Cô cười:
    - Hi Hi … đúng rồi thầy. Nó trì nguyên phần thân bên phải xuống đất luôn … hi hi …
    Tôi vui với cái “hi hi” của Như. Đức Phật dạy khám phá “thế gian này” là vậy đó! Thân tâm là thế giới tự ngã! Quay lại với chính mình mà khám phá Thân Tâm!
    - Hi hi đã chưa. Tôi nói điều ghi nhớ cuối cho oai nghi nằm đây.
    - Dạ …

    Như vui vẻ ngồi lên. Chỉ còn “một trận cuối” trong ngày mai, là Như qua được khổ nạn này. Cô đâu biết, tôi đang giúp cô trang bị vũ khí lợi hại nhất, để vượt qua tâm sợ hãi: Niệm Tâm!

    - Như ghi nhớ điều này: “Khi nằm, chú ý ghi nhận sức nặng của một bên vai ngã xuống chạm vào chổ nằm. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi trong khi nằm. Nằm đọc sách, nằm xem phim, nằm coi Ti -Vi, nằm nghe nhạc, nằm chơi game, nằm nói điện thoại, nằm nghe băng thuyết pháp, …Trên căn bản oai nghi Nằm, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”. Xong. Như có thắc mắc gì không?
    - Dạ không. Con theo kịp những lời thầy nói, tại vì con chú ý thân ngồi rồi con nghe, cho nên con hiểu rỏ lời thầy nói. Con nhìn thầy, con nghe, con biết được hết.
    - Rất tốt. Bây giờ đi chuẩn bị cơm trưa nghe. Cơm trưa xong, Như tự nhiên muốn nghĩ ngơi hay xem kinh sách gì cũng được. Đến 4 giờ, tôi hướng dẫn cho Như tọa thiền. Tọa thiền là cơ hội cho tâm nghĩ ngơi tĩnh lặng nhất. Tâm được nghĩ ngơi, tâm sẽ gom sức mạnh, rồi tâm sẽ làm được nhiều chuyện lớn. Một trong những chuyện lớn mà tâm làm là cho suy nghĩ sáng, sáng thành đèn trí tuệ xóa tan bóng đêm vô minh. Trước mắt tâm phải làm một chuyện là … đi nấu cơm!

    Kha kha kha … Như ngớ mặt ra rồi bật cười … Tôi cũng kha kha kha …

    Buổi cơm trưa Như ăn được ngon miệng. Miếng ăn, miếng uống có vẻ ngoan ngoãn trôi xuống cổ, Như và cơm, nhai, nuốt ngon lành. Cho cô thưởng thức bữa ăn, tôi không nhắc cô giữ chánh niệm. Nhìn cô, tôi biết chúng phi nhân cũng đã phần nào được hoan hỷ. Sắc mặt cô bớt màu sạm đen ở hai bên gò má. Đôi tròng trắng nhạt bớt màu vàng. Đôi tròng đen cũng sáng lên một chút. Cũng giống như cái bong bóng, một khi đã thổi phồng lên rồi, khi bong bóng xẹp xuống, cũng khó có thể trở lại kích cở ban đầu. Thân người có phi nhân nương trú cũng vậy, họ ở càng lâu thì thân càng thay đổi. Họ ra đi rồi vẫn để lại trên thân những tổn thất khó chỉnh trang.

    Sau buổi cơm trưa tôi trở về phòng. Ngã lưng xuống tấm trải giường trên đất, tôi nhắm mắt, hồi tưởng lại buổi trình pháp, sau khi tâm tôi nói tiếng: “Wow!" nơi Thiền Viện Shwe Oo Min …

    Ngày hôm sau tôi có giờ trình pháp với Thiền Sư. Trong buổi trình pháp, tôi trình bày, tôi đã niệm tâm qua tiếng “Wow”. Sư cười nói: “Con biết cách niệm tâm rồi đó!"…

    Tôi tiếp tục trình bày nhận thức của tôi về lợi ích của Niệm Tâm: “Teacher, con nhận ra được điều này. Trong đời sống giữa người với người, chúng ta luôn luôn phải tiếp xúc. Lục căn luôn luôn phải tiếp xúc với lục trần, rồi tâm phản ứng ra đối với những tiếp xúc đó. Tâm lúc nào cũng “nhảy ra” nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thấy một cái là tâm nhảy tới mắt. Nghe một cái là tâm nhảy tới tai. Ngửi một cái là tâm nhảy tới mũi. Nếm một cái là tâm nhảy tới lưỡi. Xúc chạm một cái là tâm nhảy tới thân. Suy nghĩ một cái là tâm nhảy tới ý. Tâm làm việc suốt, suốt, suốt. Rất là mệt mỏi. Vậy mà … chỉ ngay cái chổ biết thấy, tâm dừng; biết nghe, tâm dừng; biết ngửi, tâm dừng; biết vị, tâm dừng; biết suy nghĩ, tâm dừng. Chấm dứt ngay tại chổ BIẾT. Cho nên, con nhận ra rằng, tuy Tứ Niệm Xứ là phải luôn luôn ghi nhận, luôn luôn niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp. Nhưng Niệm Tâm là quan trọng nhất, để kiểm soát được sức phản ứng của tâm. Nếu như con ghi nhận (note) không kịp ngay chổ thấy, là tâm phản ứng (irritate) ngay. Con lập tức nhìn (look), nhìn vào cái tâm phản ứng. Lúc đó con tuyệt đối không suy nghĩ. Càng suy nghĩ bao nhiêu là sức phản ứng của tâm càng tăng cường độ bấy nhiêu. Tâm xao động, nhảy lên, nhảy xuống theo dòng suy nghĩ. Con phát hiện: “Không được suy nghĩ trong lúc đang có một trạng thái tâm xao động”. Tâm xao động như một ngọn lửa đang cháy. Suy nghĩ là bổi, là gổ, là củi. Suy nghĩ điều xấu, ác, bất thiện ví như củi mục, gổ hư. Suy nghĩ điều tốt, hiền, thiện ví như củi quế, gổ trầm. Lửa đang cháy mà đút thêm củi, quăng thêm gổ vào … chỉ làm tăng thêm sức hủy hoại của ngọn lửa. Gổ mục cháy tiêu. Gổ trầm cũng cháy tiêu. Tâm đang xao động, mà có tâm suy nghĩ, (ý thức) làm việc nữa, thì không khác nào bỏ thêm củi vào lửa. Cho nên, trong lúc niệm tâm phản ứng, con luôn luôn kiểm soát ý thức, tuyệt đối không dùng suy nghĩ! Có suy nghĩ khởi lên là con niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”, rồi con quay lại nhìn tâm phản ứng. Cứ như vậy … Thưa thầy, chỉ “nhìn” thôi, đừng suy nghĩ … nhìn … nhìn … tâm phản ứng dịu dần … dịu dần … rồi biến mất (disappear). Con nhìn “theo” thêm một chút nữa. Tâm hoàn toàn yên trở lại. Tâm bằng (equal) trở lại. Một trạng thái tâm xao động đến (arise) , hiện diện (stay), rồi đi (go away, disappear). Tùy “cái nhìn bén hay không bén” mà tâm xao động hiện diện “lâu hay mau”. Sự “hiện diện của xao động trong tâm” chính là phiền não thưa thầy!". Sư cười: “You are on the right way. Keep going!”

    Rời Thiền Viện, tôi về sống giữa tiếp xúc đời thường. Đụng biết đụng. Chạm biết chạm. Tôi vượt qua mọi đụng chạm. Tiến bước.


    Đồng hồ báo 4 giờ chiều.

    Chỉ còn một phương pháp nhẹ nhàng về hơi thở, để cho Như quán sát lúc tọa thiền nữa thôi, là tôi xong những việc cần phải làm cho cô ấy.

    Tôi và Như đến ngồi xuống nền nhà, trước bàn thờ Đức Phật. Tôi bắt đầu:

    - Hôm trước, tại nhà Như, tôi có hướng dẫn cô Như tư thế ngồi tọa thiền và phương pháp quán hơi thở rồi. Hôm nay, tôi nói cho Như thực hành tọa thiền Tứ Niệm Xứ, cũng chỉ có quán sát hơi thở vậy thôi, nhưng chú trọng đúng Thân, Thọ, Tâm Pháp. Hôm qua nay, Như đã biết, đã kinh nghiệm nhiều với Tứ Niệm Xứ rồi, chỉ còn nhắm mắt tọa thiền nữa là xong. Tôi lập lại những hướng dẫn hôm trước và sắp xếp tất cả những gì Như đã thực hành theo thứ tự, thành một bài thực tập, tôi đặt tên là: “Tọa Thiền Tứ Niệm Xứ”

    - Khi tọa thiền, hành giả ngồi xếp bằng, chân phải đặt trên chân trái; giữ lưng thẳng, không ưỡn, không khòm, cho khí lưu thông; đầu thẳng, bằng ngang hai vai, không hất lên, không cúi xuống; tay phải đặt trên tay trái, hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Hít một hơi thở vô rồi thở ra mạnh, ép hết khí ra ngoài. Làm 3 lần như vậy để tống trược khí ra ngoài. Kiểm lại tư thế ngồi cho thoải mái. Nhắm mắt, chú tâm vào nơi chót mũi. Hít vào, thở ra. Bình thường thôi. Không cố gắng hít vào. Không cố gắng thở ra. Chỉ chú ý hơi thở ra, hơi thở vô nơi hai cánh mũi. Tôi giới hạn: chú tâm một khoảng nơi hai cánh mũi và nhân trung thôi. Hơi gió theo hơi thở vô chạm cánh mũi. Hơi gió theo hơi thở ra chạm cánh mũi. Chú tâm nơi chạm đó mà “biết” cảm giác (feeling) hơi gió chạm vào mũi. Không chú tâm theo chuyển động gió (movement) ra vào.

    - Lúc mới bắt đầu thực tập quán sát hơi thở, hành giả chú tâm nơi “cảm giác” hay “sự chuyển động”, đều kinh nghiệm những pháp, những ấn chứng giống nhau. Nhưng, cho đến một giai đoạn, quán sát “cảm giác” là Minh Sát; theo “chuyển động” là Thiền Định. Giống như chữ “Y”, lúc bắt đầu thì chung một điểm, đến một lúc chia hai hướng phải, trái rỏ rệt. Cho nên hành giả thực tập Tứ Niệm Xứ - Vipassana, phải làm phận sự rỏ ràng: Quán sát cảm giác hơi gió qua mũi thôi!

    - Hành giả làm việc quán sát hơi thở theo Tứ Niệm Xứ cũng niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp. Tất cả 4 niệm này cũng từ quán sát nơi Lục căn tiếp xúc Lục Trần, mà có đủ. Vậy, phận sự hành giả Minh Sát lúc tọa thiền có 6 đối tượng quan sát; tôi nhấn mạnh đề mục chính, đối tượng chính của hành giả trên hơi thở là 7; tôi thêm vào Niệm Tâm Phản Ứng nữa là 8.

    Vậy, người thực hành Minh Sát có 8 phận sự:

    Thứ nhất: Chánh Niệm, ghi nhận khi mắt thấy sắc, Nhãn Thức, niệm: “thấy, thấy”.

    Thứ nhì: Chánh Niệm, ghi nhận khi tai nghe tiếng, Nhĩ Thức, niệm: “nghe, nghe”.

    Thứ ba: Chánh Niệm, ghi nhận khi mũi ngửi hương, Tỉ Thức, niệm: “mùi, mùi”.

    Thứ tư: Chánh Niệm, ghi nhận khi lưỡi nếm vị, Thiệt Thức, niệm: “vị, vị”.

    Thứ năm: Chánh Niệm, ghi nhận khi thân đụng chạm (xúc), Thân Thức, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Thứ sáu: Chánh Niệm, ghi nhận khi ý suy nghĩ (các pháp), Ý Thức, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”.

    Thứ bảy, Chánh Niệm, ghi nhận hơi gió ra vào nơi mũi: Quán sát cảm giác nơi mũi.

    Thứ tám: Với sự quán sát của tất cả 7 điều trên mà sanh tâm phản ứng: Chánh Niệm, ghi nhận tâm phản ứng, với ba bước:

    Bước thứ nhất:Chánh Niệm, ghi nhận khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Nếu tâm không phản ứng thì thôi. “Tiếp xúc chỉ là xúc thôi”.

    Bước thứ nhì: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Xúc chỉ là xúc thôi”, Ý Thức sanh khởi. Chánh niệm trên ý thức vừa sanh, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”. Suy nghĩ mất, ý thức diệt. “Ý thức chỉ là ý thức thôi”

    Bước thứ ba: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Ý thức chỉ là ý thức thôi”, sanh tâm phản ứng - hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não phát sanh trong tâm. Một trạng thái tâm xao động đâu đó … trong lồng ngực, đâu đó … tận đáy trái tim. Lập tức, chú tâm, chánh niệm, ghi nhận “trạng thái” tâm đang hiện diện. Nhìn vào trạng thái tâm thôi … Đừng suy nghĩ. Không để ý thức sanh khởi và làm việc. Nhìn. Nhìn… Nếu bất cứ suy nghĩ nào sanh lên, lập tức niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”, rồi trở lại nhìn trạng thái tâm. Chỉ có lặng yên mọi suy nghĩ mà nhìn trạng thái tâm. Tâm sanh. Tâm trụ. Tâm diệt. Một trạng thái tâm đi qua. Bình yên.

    - Cô Như đã làm quen hết tất cả những điều tôi vừa nói ra rồi đó. Không có cái gì mới hết. Khi tọa thiền, nhắm mắt, là cơ hội cho tâm không phải làm việc nhiều nơi mắt. Ngồi trong nơi im lặng, thì tâm cũng bớt làm việc nơi tai Tâm cũng bớt làm việc nơi mũi. Ngậm miệng lại cũng làm cho tâm bớt làm việc nơi lưỡi. Tâm quán sát hơi thở là tâm làm việc nhiều nơi Thân. Niệm Thân là quán sát hơi thở. Niệm Thọ là niệm tất cả mọi cảm giác có nơi thân và có nơi tâm. Niệm Tâm là niệm biết nơi Lục Thức và niệm Tâm Phản Ứng. Niệm Pháp là biết tất cả những điều trên, rỏ nhất là “phóng tâm” và “buồn ngủ” trong lúc tọa thiền. Thân, Thọ, Tâm, Pháp là bấy nhiêu đó thôi!

    - Trong tọa thiền, hành giả thường gặp bị đau chân, tê chân, phóng tâm, và buồn ngủ, cho nên, tôi nói luôn về căn bản cách niệm ba điều này. Xong rồi thì cô Như có thể yên tâm thực tập tọa thiền. Bình thường thôi:

    Tê chân, đau chân: Chú tâm vào cảm giác đó, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Phóng tâm: Niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ” hay “phóng tâm, phóng tâm”. Tôi dùng “suy nghĩ, suy nghĩ”, tại vì phóng tâm cũng từ ý thức.

    Buồn ngủ: Chú tâm vào cảm giác đó, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    - Khi vào những khóa thiền tích cực, thì trở ngại của bị đau chân, phóng tâm, buồn ngủ sẽ tăng, cho nên lúc đó cần có những phương pháp mạnh hơn. Chúng ta không cần phải nói đến những điều đó.

    - Rồi, Như có gì thắc mắc không?
    - Dạ … Con cứ nhắm mắt tham thiền thôi, khi nào con không biết phải làm điều gì, con sẽ hỏi thầy. Chứ bây giờ con cũng không biết hỏi gì …

    - Phải rồi. Tôi cố gắng cho Như thực hành từng câu, từng chữ của pháp hành Tứ Niệm Xứ. Như không cần phải biết cho hết pháp học, hay là phải biết cho hết lý thuyết của pháp hành. Chỉ có thực hành thôi, mới biết “cái chữ có cái nghĩa” như thế nào. Nói hoài pháp học hay lý thuyết …cũng vậy thôi.
    - Dạ, con sẽ cố gắng.

    - Cô Như nghĩ ngơi một chút, rồi bắt đầu tọa thiền. Ngồi bao lâu không quan trọng. Quan trọng là làm đúng phận sự Chánh Niệm mà thôi.

    Khoảng 6 giờ, Như bắt đầu tọa thiền. Cô có vẻ an lạc trong giờ thiền tọa.

    Sau buổi tọa thiền, tôi hướng dẩn cho cô đi kinh hành, hay gọi là thiền hành:

    - Như áp dụng oai nghi “Đứng” và oai nghi “Đi” trong lúc đi kinh hành. Chân trái bước, chân phải bước. Muốn đi chậm thì đi chậm. Muốn đi nhanh thì cứ đi nhanh. Hay là cứ đi khoan thai như người đi dạo mát vậy. Như ghi nhận được những cảm giác như hồi sáng: “nóng, nóng”, “nặng, nặng”, “nhẹ, nhẹ” trong oai nghi đi kinh hành là được rồi. Còn một số cảm giác nữa, Như ghi nhận được điều gì thì chánh niệm ghi nhận điều đó. Chỉ có vậy thôi. Nhớ niệm Lục Thức và Tâm Phản Ứng nữa.

    Để cho Như một mình với những thực tập, tôi ngồi nơi ghế sofa móc nón len.

    Cô chăm chú với những bước chân đi. Đi vài vòng quanh phòng, cô trở lại chiếc ghế sofa dài, gần bên tôi, ngồi xuống đất tham thiền. Cô có vẻ tĩnh lặng. Mừng cho cô!

    Như về phòng ngủ lúc 9 giờ. Tôi móc cho xong chiếc nón luôn, rồi mới đi về phòng. Mấy anh sóc thức khuya, đang còn đùa giỡn trên mái nhà. Xa xa vẳng lại tiếng đàn ca từ buổi tiệc ngoài trời của dân thành phố …


    Sáng chủ nhật …

    Hôm nay, đã 7 giờ sáng rồi mà trong phòng còn tối. Tôi bước đến cửa sổ, nhìn lên trời. Mây đen kéo về, tụ nơi hướng Bắc của Tu Viện. Bầu trời u ám. Tôi biết hôm nay là trận chiến cuối cùng của Thanh Như. Không có gì. Tâm của cô sẽ vượt thoát sợ hãi. Tôi đọc nhỏ những lời kinh:

    “Nguyện cầu tám hướng mười phương Chúng sanh muôn loại hãy thường an vui Dứt trừ oan trái nhiều đời Bao nhiêu đau khổ đến hồi duyên tan Hại nhau chỉ chuốc lầm than Mê si, điên đảo vô vàn lệ châu Chúng sanh vô bệnh, sống lâu Nguyện cho thành tựu phước sâu, đức dầy Nguyện cho an lạc từ nay Dứt trừ thống khổ, đắng cay, oán hờn Dứt trừ kinh sợ, tai ương, Bao nhiêu phiền não đoạn trường, vĩnh ly, Nguyện cầu Tam Bảo chứng tri Sống đời thanh tịnh từ bi vẹn toàn”

    Thanh Như ra khỏi phòng cũng hơi sớm. Tiếng ly tách khua ngoài nhà bếp.

    Hôm trước, Như có nói với tôi là cô không uống được trà và cà-phê. Điều này cũng là triệu chứng chung của những người có phi nhân theo. Họ bị hồi hộp bất cứ lúc nào, cho nên họ tự tránh xa trà và cà-phê, tại vì họ nghĩ đó là nguyên nhân sanh ra hồi hộp. Sau này, Như sẽ dùng trà và cà-phê lại bình thường thôi!

    Tôi ra ngoài, phần ăn sáng của tôi đã có trên bàn. Như tươi tĩnh hơn rất nhiều. Tâm ở trong thân là vậy. Thần sắc cô sáng, khác hẳn với những khi cô ngơ ngác, lạc tâm. Tôi bảo Như chánh niệm trong khi ăn. Không có nói chuyện.

    Ý thức luôn luôn làm việc. Suy nghĩ nối đuôi nhau mà tuôn chảy trong đầu. Im lặng không thôi thì tâm cũng nói một mình rồi. Im lặng mà nghe tâm nói. Chánh niệm, im lặng, giữ tâm quân bình, kiểm soát ý nghĩ. Ý nghĩ đúng, sai, tốt, xấu, thiện, bất thiện khởi sanh liên tục khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Chánh niệm, im lặng, giữ tâm quân bình, sàng lọc ý nghĩ. Tâm quân bình hình thành chánh định ở trong tâm. Chánh niệm trong lúc suy nghĩ sẽ nhận biết được ý nghĩ nào đúng, tốt, thiện. Chánh niệm trong lúc suy nghĩ nhận biết được ý nghĩ nào sai, xấu, bất thiện. Với tâm quân bình, khi phải nói, lời nói sẽ diễn tả những ý nghĩ đúng, tốt, thiện. Với tâm quân bình, khi phải làm, việc làm sẽ đúng, tốt, thiện. Biết Hiện Tại Đang Là (Chánh Niệm) giữ được tâm quân bình (Chánh Định). Luôn luôn cố gắng kiểm soát tâm và giữ tâm quân bình (Chánh Tinh Tấn). Giữ được tâm quân bình nên suy nghĩ đúng (Chánh Tư Duy), chọn lựa đúng (Chánh Kiến), nói đúng (Chánh Ngữ), làm đúng (Chánh Mạng), tạo nghiệp thân, khẩu, ý đúng (Chánh Nghiệp). Con đường chơn chánh có tám chi: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Bát Chánh Đạo là đây! Bát Thánh Đạo là đây!

    Sau buổi điểm tâm, cô Như cười cười:

    - Thưa thầy, thầy cho phép em được đi kinh hành vòng vòng ở phòng ăn và nhà bếp, rồi thầy cho em ngồi thiền gần thầy, chổ cái ghế hôm qua. Hì hì, em không dám ngồi thiền trước bàn thờ Phật, mà em cũng không dám ngồi thiền … xa thầy …hì hì …

    Tôi cũng giả bộ:

    - Hì hì … tôi thì muốn ngồi gần Phật, ngồi gần Như thì … tôi không dám … hì hì …
    - Kha kha kha … mấy hôm nay thầy chưa bỏ con chạy mất dép là con biết con gặp đúng thầy, đúng thuốc rồi …hì hì … hì hì …
    - Ở trong nhà, đi chân không, có gì chạy cho nó dễ …
    - Kha kha kha …

    Tuy tôi đang nói cười với cô Như, nhưng tôi đã kịp nhìn thấy con mắt trái của cô thoắt dại. Bắt đầu rồi đây …

    Tôi đi vô phòng lấy bịch chỉ len. Trở ra ngoài, tôi bước đến, để bịch len vào chiếc ghế sofa. Không gian trong phòng đã có khí lạnh lạnh. Tôi đến thắp 5 cây nhang lên bàn thờ Đức Phật, hướng tâm về “vị thủ lãnh”: Hòa nhé!
    Như đang đứng rửa chén. Tôi ngồi vào ghế sofa, rút hai chân lên, chọn một thế ngồi thoải mái, tôi bắt đầu … móc nón len. Thú tiêu khiển của tôi là móc các kiểu nón len và khăn quàng cổ tự chế, không theo mẫu có sẵn; nón to, nón nhỏ, nón nam, nón nữ đủ kiểu, trang nhã cũng có, màu mè cũng có. Tôi mần cho một đống, có khi lên tới con số trăm luôn. Mùa đông đến, ai thích thì lấy về mà đội. Nhìn các cháu tranh nhau một cái nón, trong khi cả đống nón đang nằm kia, tôi bật cười. Trẻ con vui thật!

    Như vừa đi lên nhà, vừa lau tay. Tôi nhắc cô:

    - Hôm nay, Như phải thật là chánh niệm trong mọi sinh hoạt đi, đứng, ngồi, nằm nghe. Luôn luôn niệm tâm. Luôn luôn biết tâm đang ở trong thân. Hôm nay là thực hành, không có nói lý thuyết pháp hành nữa, mà lý thuyết cũng hết rồi, không còn gì để nói. Bấy nhiêu thôi, đủ cho Như sống an vui, tâm quân bình, không xao động, không sợ hãi rồi. Cố gắng thực hành nghe Như!

    - Dạ thầy. Sao sáng nay … con thấy trong ngưòi không được khỏe như hôm qua thầy à, con thấy trong bụng nó bồn chồn, lo sợ … sao sao đó! Hồi tối thì con ngủ không được, tụi nó không có ra phá, nhưng con ngủ cũng không được. Con nằm niệm Phật rồi lăn qua, lăn lại. Con thấy mệt!

    Tôi mỉm cười:

    - Mỗi ngày mỗi khác thôi cô Như, cái gì cũng thay đổi, thay đổi. Cho nên, chúng ta cần phải biết “ngay bây giờ”, chấp nhận với “cái đang là”, chúng ta mới không khổ. Nếu cô cần ngủ, thì đi ngủ đi. Thân an, tâm lạc. Không quá gắng sức làm cho thân mệt mỏi, yếu đuối. Khi nào thấy khỏe thì thực tập.

    - Dạ, không sao. Con đi kinh hành trước nghe thầy.
    - Sao cũng được hết.
    - Dạ, con đi kinh hành đây.

    Như đứng lại. Cô chuẩn bị chánh niệm trong lúc đi. Duyên may của cô là cô chưa bị chiếm hết “nhà thân” … Xong trận này, cô sẽ phải nằm mẹp mấy ngày, rồi từ từ phục hồi sức khỏe. Tội cho những người mang bịnh phi nhân. Họ đau thân mà còn đau tâm. Người thân không hiểu cho họ. Chính cái lúc họ rất cần người thân thông cảm, thì họ bị hiểu lầm. Chính cái lúc họ cần người thân chia sẻ, thì họ bị cô lập. “Chết là hết”, họ thường nghĩ như vậy. Không. Chết là xóa thời gian đã qua. Kiếp sau bắt nguồn lại từ đầu. Delete? Start from the beginning!

    Tôi quay lại với công việc móc len. Độ nữa tiếng sau thì Như bước đến, ngồi xuống, tựa lưng sát vào ghế sofa dài. Mặt cô hướng về cửa sổ nơi phòng thờ Phật, vai trái hướng về tôi.

    - Con ngồi thiền nha thầy.
    - Chú tâm nơi mũi, quán sát hơi gió ra vào nơi hai cánh mũi. Làm vậy nghe Như.
    - Dạ.

    Như ngồi nhằm mắt. Tôi ngồi móc nón.

    15 phút … 30 phút … Yên lặng …

    - Thầy ơi thầy … Rắn!
    - Niệm: “thấy, thấy”.
    - “thấy, thấy”.
    - Tôi nói lời nhắc Như thôi. Như niệm trong tâm: “thấy, thấy”. Không cần nói ra miệng nghe.
    - Dạ.

    - Thầy ơi, … con rắn to quá!
    - Niệm: “thấy, thấy”.

    - Còn thấy rắn không Như.
    - Dạ không.

    - Thầy ơi, rắn … rắn … rắn nhiều quá … nó bò tới …
    - Niệm: “thấy, thấy”.
    - Nó … nó … bò tới … gần … tới con rồi …
    - Như sợ không?
    - Sợ.
    - Chú tâm nơi tâm sợ, niệm: “cảm giác, cảm giác”

    - Hết sợ chưa Như.
    - Hết rồi.

    - Như chánh niệm cho nhanh vào “thấy thấy”. Thấy một con rắn hay thấy nhiều con rắn đang bò, cũng đều niệm “thấy, thấy”. Chỉ một cách niệm khi mắt thấy thôi!
    - Dạ.

    - Nó nữa thầy ơi … nó bò nhanh tới con … nó chạm bàn tay con …thầy …
    - Chú ý vô bàn tay, niệm: “cảm giác, cảm giác”. Tâm sợ, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    - Rắn đâu rồi Như.
    - Mất rồi. Con vừa chú tâm vô bàn tay, niệm: “cảm giác, cảm giác” là nó biến mất. Ghê quá thầy!
    - Có niệm “suy nghĩ” trên câu nói “Ghê quá thầy” không?
    - Hi hi … con quên.
    - Miệng nói “ghê quá” mà tâm có sợ không?
    - Dạ có.
    - Tâm sợ thì niệm làm sao?
    - “cảm giác, cảm giác”
    - Một bài thôi vậy thôi. Học cho thuộc nghe. Quên là tâm sợ ngay.
    - Dạ, hi hi …

    Như còn “hi hi” được với “rắn bò lên tay” là cô khá lắm rồi. “Vị thủ lãnh” cũng rất là nương tay đây … Cám ơn “người” …

    - Con xả thiền nghe thầy.

    - Chờ chút. Cô Như khởi “Tác Ý”: “muốn mở mắt”, rồi mở mắt ra. Khởi tác ý: “muốn buông tay”, rồi từ từ buông hai tay ra. Trong khi buông tay, theo dõi mọi cảm giác trong tay mà chánh niệm: “cảm giác, cảm giác”. Làm như vậy cho đến khi cô đứng lên. Ghi nhận từng chút, từng chút, giữ tâm ở trong thân.
    - Dạ.

    Như chăm chú làm từ từ với mỗi động tác mở mắt, đưa hai tay ra, đưa lên mặt, xoa mặt, … cho đến khi cô đứng thẳng người. Thở cái khì, Như nói:

    - Trời ơi, phải chi con gặp thầy sớm. Có mấy cái “niệm niệm” như vầy mà rắn biến mất tiêu, mà con cũng không cảm thấy sợ quýnh, sợ quáng như hồi trước nữa. Trời, phải chi con tìm ra thầy sớm. Mà … thầy, mười mấy năm trời, con chạy “bấy” các chùa gần xa, mà sao con không gặp thầy, thầy?
    - Thì tôi ở … trong chùa, ha ha …
    - Hì hì … hì hì … thì con biết thầy ở trong chùa, nhưng mà chùa nào? Con nghe Hưng nói là thầy mới đến trụ trì Tu Viện này mấy tháng nay thôi?
    - Dạ phải. Trước khi tới đây, tôi ở chùa Pháp Hương, gần ngôi chùa … mà cô vô trong chánh điện, cô nói ma quỷ ngồi đầy trên chổ chư tăng đó. Cách xa độ 1 tiếng lái xe.
    - A, chùa Bình An. Hi hi … hi hi. Con … bậy thiệt!
    - Giờ cô mới biết cô “bậy” hả. Tôi nói vui thôi. Không có gì đâu. Quý thầy, quý sư cũng không nỡ lòng trách cô đâu. Mai này khỏe lại rồi, cô đến thăm chùa, mà nói sám hối với chư tăng. Chư tăng biết cô khỏe, có lẻ cũng sẽ mừng cho cô. Cô tiếp tục thực tập đi. Tôi đi nấu cơm. Nấu nướng đơn giản, tôi làm một mình được rồi.
    - Hi hi. Sướng quá. Con cám ơn thầy.
    - Không có chi. Mà Như có chánh niệm trong lúc “hi hi” không vậy?
    - Ha ha ha, dạ … không có!
    - Biết ngay mà!

    Tôi cười rồi đứng lên. Thầm nghĩ: “Xong tập một”, tôi đi vô bếp làm cơm trưa.

    Đứng xắt cải bẹ xanh, tôi “biết” mọi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, tại vì tôi chánh niệm căn bản “oai nghi đứng” vào hai chân. “Cần tái, cải nhừ”, tôi nhớ đến câu nói nấu ăn về rau cải. Tay cầm dao, tay nắm cải, tôi xắt cải màu xanh, mũi ngửi hương thơm nồng, đầu suy nghĩ … Thân tâm như bong bóng bay, chánh niệm nắm dây cột rồi …

    Bữa cơm trưa chỉ có cơm trắng, nấm kho tiêu, canh cải bẹ xanh và tàu hủ mềm thoảng hương gừng, chén nước tương dầm ớt. Chúng tôi ăn cơm thật thoải mái, nói cười vui vẻ. Tôi cho Như vui với thành tích “chánh niệm thắng rắn” của cô. Tội.

    Dùng cơm xong, tôi đứng lên. Tay bưng chén đủa, tôi rời bàn ăn, bước vô bếp, để chén đủa vô trong bồn rửa chén. Lúc tôi còn ở chùa Tổ, với Sư Phụ, cuộc sống đơn giản, không mâm cao, không cổ đầy, cho tôi thói quen tự túc, tự lập. “Muốn ăn phải lăn vào bếp”, không ăn trên, ngồi trước, không chờ người rót nước, bưng cơm, không khen chê cơm canh ngon dở. Biết ngon, biết dở rỏ ràng; ngon cũng ăn, dở cũng nuốt. Có bữa ăn tô mì, nước súp nêm mặn ơi là mặn, tôi “liếc liếc” nhìn Sư Phụ. Sư phụ vắt chanh vô tô tới hai, ba lần, rồi im lặng ăn hết tô. Có bữa ăn tô bánh canh lạt ơi là lạt, Sư Phụ chan hết chén nước tương vô tô, nước súp đậm đen, vắt thêm miếng chanh, rồi cũng ăn cho đến hết. Sư Phụ dạy tôi nhiều bài học, nhưng không nói bằng lời …

    Như cũng đang thu dọn bàn ăn. Hai tay cô bưng hết mấy cái tô, dĩa, chén đi vô bếp. “Vị thủ lãnh” vẫn đang ở nơi cô. Như bước tới, đặt chén vào bồn, mở nước, lấy xà bông, rửa chén. Tôi hết việc làm rồi, nhưng tôi không đi về phòng. Tôi đứng bên cạnh bàn, cạnh bạn đối diện thì ở phía sau lưng cô Như. Úp chén dĩa vào khay chén, Như quay lại. Cô bước tới bên cạnh bàn, mặt nghiêm. Tôi nói:

    - Bây giờ cô đi nghỉ trưa đi, đêm nào mà không ngủ được, thì trưa hôm sau cô nên nghỉ trưa. Nhắm mắt, vừa cho mắt đỡ mỏi, vừa định thần trở lại. Ở thiền viện thì Thiền Sư không khuyến khích hành giả ngủ trưa, làm gián đoạn sự chánh niệm …

    Cô Như dường như không nghe lời tôi nói. Cô đang nhìn lên dãy ngăn tủ, đóng sát lên tường nhà bếp. Tôi nói thầm: “Tập hai”. Vài phút sau, miệng Như lắp bắp:

    - Tụi nó … tụi nó kìa thầy … đó đó … nó chui ra từ trong tủ …đó đó … nó đi từ nóc nhà xuống … thầy thấy không … thầy … thấy không thầy …
    - Như niệm: “thấy, thấy”. Thấy hình ảnh là thấy “sắc”. Niệm cho kịp: “thấy, thấy”.

    - Trời …trời …tụi nó bò qua tường … qua phòng khách rồi thầy … đó đó …

    Vẻ mặt vô hồn, Như xoay người hướng mắt nhìn từ vách tường nhà bếp qua vách tường nơi phòng khách.

    - Như chỉ niệm: “thấy, thấy” thôi. Tâm có sợ không?
    - Có. Con sợ.
    - Sợ thì niệm sao?
    - “cảm giác, cảm giác”
    - Đúng. Sợ, vui, buồn, giận, là để diễn tả trạng thái tâm. Tất cả đều là cảm giác mà tâm đang thọ, cho nên, tôi chỉ muốn lấy chữ “cảm giác” thôi.

    - Nhiều quá thầy, xe tăng, dây xích, nòng pháo, đứa ôm lựu đạn, đứa vác súng, đứa chạy, đứa bò …tụi nó đánh nhau thầy ơi …

    - Như niệm: “thấy, thấy”, niệm cho nhanh với từng hình ảnh, “thấy”, “thấy” “thấy”, “thấy”liên tục. Xem tâm sợ không, tâm có sợ thì niệm tâm sợ. Niệm cho nhanh nhanh! Cố gắng lên Như!

    - “Thấy”, “thấy”, “thấy”, “thấy”, “thấy” …

    Như lẩm bẩm với những hình ảnh cô đang nhìn thấy …Tôi chỉ lặng im …

    5 phút sau …

    - Hết rồi thầy. Tụi nó đi hết rồi thầy …

    Như quay lại nhìn tôi … “Vị thủ lãnh” đi rồi … Mô Phật!

    - Thầy, con thấy thiệt đó thầy, mà sao tụi nó bỏ đi nhanh vậy … hay là con tưởng tượng …Con thấy thiệt mà phải không thầy?
    - Đúng, cô Như nhìn thấy thiệt.
    - Thầy, mai mốt con đi về nhà rồi mà tụi nó có tới, con niệm như vầy, tụi nó có đi không thầy?

    Tôi cười:

    - Hình ảnh chỉ là hình ảnh. Cô Như tinh tấn ghi nhận “biết”, “biết”,”thấy”, “thấy” với tất cả hình ảnh nào lọt vào mắt. Mai này, dù họ kéo đến đông gấp mấy lần đi nữa, thì cô chỉ cần thực hành một bài tập nhỏ này thôi. Điều quan trọng là cô đã biết niệm tâm, niệm tâm sợ, niệm tâm phản ứng. Sẽ vững vàng thôi cô Như à! Tôi nghĩ là họ không trở lại nữa đâu. Mà họ có trở lại thì cô Như nhớ trà nước đãi khách nghe!
    - Hi hi …

    Như đã trở lại được tâm vui vẻ. HIỆN TẠI LẠC TRÚ. Niệm tâm có sức mạnh như vậy đó!

    Có tiếng điện thoại …

    - Xin chào. Tôi nghe đây.
    - Dạ, con chào thầy, Hưng đây. Thưa thầy, con được tin cô Hoa, cái cô mà bị phi nhân nhập, rồi người nhà đưa tới trị bịnh ở Đạo Tràng Huệ Quang đó thầy. Mấy tháng trước, con có kể cho thầy nghe đó, thầy nhớ không?
    - Dạ, tôi nhớ, rồi sao nữa anh Hưng?

    - Con hay tin là người chồng của cô Hoa sẽ đưa cổ vô bịnh viện tâm thần. Thứ hai này đây thầy. Mấy vị ở Huệ Quang cản không được. Mấy năm nay, cô Hoa đã vào bịnh viện tâm thần hai lần rồi. Bịnh viện có nói trước, là nếu gia đình đưa cô Hoa vô lần thứ ba, họ sẽ đưa cô vào nơi tâm thần luôn, cả đời không cho ra ngoài. Hai vợ chồng lấy nhau được đâu khoảng 6 năm. Có đứa con gái 4, 5 tuổi. Cô Hoa lên cơn cách dây 3 năm. Cổ nói cổ là công chúa thủy tề. “Công chúa thủy tề” gì mà dắt con người ta leo cột nhà, ngêu ngao, lang bang ngoài đường. Viện chủ ở Huệ Quang đang trị cho Hoa, hai, ba năm nay cứ bớt bớt đi rồi thì tái đi, tái lại hoài. Thứ hai này người chồng đưa cô Hoa đi bịnh viện. Con được biết là mỗi ngày, chiều nào hai vợ chồng cũng tới Huệ Quang hết. Thầy xem có giúp được cho Hoa không thầy?

    - Để tôi suy nghĩ xem sao. Bây giờ có tới tận nơi, mới biết rỏ tình trạng của Hoa. Anh Hưng nhắn text message cho tôi xin địa chỉ Huệ Quang đi. Bỏ cô Hoa vô trại tâm thần thì “người kia” xuất ra, tội cho cô Hoa phải sống với những người điên, mới là điên thật, còn đứa bé gái nữa … Chiều tôi đi anh Hưng. Thôi kệ, tới đó rồi … xin lỗi vị Viện Chủ sau cũng được.

    - Dạ con cám ơn thầy. Con sẽ gửi địa chỉ ngay. Con cúp nghe thầy.
    - Dạ, không có chi. Cám ơn anh Hưng.

    Tôi suy nghĩ rồi nói với Như:
    - Chiều nay, tôi có việc cần gấp, phải đi lúc 6 giờ. Cách xa đến 1 tiếng rưỡi lái xe. Cho nên, tôi về lại đây chắc cũng hơn 10 giờ tối. Cô Như ở đây bình thường thôi …
    - Dạ thôi …

    Như vội ngắt lời:

    - Con ở đây không tiện cho thầy. Thầy đi làm việc bên ngoài, rồi tâm trí lại phải lo cho con ở đây. Với lại, ở đây một mình con cũng sợ. Con xin phép thầy cho con về nhà. Thầy đi cho được an tâm. Mai mốt, khi nào con cần lên đây ở nữa, thầy vui lòng cho con đến nữa nghe thầy. Ở đây con thấy được bình yên.
    - Sẵn sàng. Chuyện cứu người, tôi không chần chờ được. Cám ơn cô. Cô vượt qua được mà. Thứ hai này làm Lễ Cầu Siêu. Như sắp đặt lễ phẩm giống như lần tụng Kinh An Lành. Chỉ cần thêm hoa, quả, 5 nhang, 5 đèn, và một mâm cơm đặt nơi bàn ăn, để mời chúng phi nhân. Tôi sẽ đến lúc 10 giờ rưỡi nhé! Thắc mắc gì, Như cứ tự nhiên gọi cho tôi.
    - Dạ, để con gọi anh Quang đón con.
    - Dạ. Tôi vào phòng làm việc một chút. Có cần gì, cô Như cứ gọi.

    Khoảng 4 giờ thì anh Quang đến đón vợ. Lúc đưa hai vợ chồng ra sân, Như quay lại, đứng nhìn vào ngôi nhà với ánh mắt như cám ơn và lưu luyến. Bỗng nhiên … cô nói như reo:

    - A … con nhớ ra rồi. Mấy lần trước tới đây là đi tuốt vô nhà, tới khi ra về thì trời đã tối, cho nên con không để ý. Con thấy ngôi nhà này trong mơ rồi. Hôm đó, con nằm mơ, thấy có mấy người đàn ông đưa con đến một ngôi nhà màu đỏ, nằm giữa những cây to. Con đứng nhìn vào mặt tiền căn nhà, giống như con đang đứng bây giờ đây. Đúng rồi, con tới đây rồi, ngôi nhà gạch đỏ này … giống y ngôi nhà trong mơ …chung quanh có nhiều cây to … Con tới nhà thầy trong mơ rồi!
    - Thì … có người đưa cô tới đây là phải rồi. Cô có đi một mình đâu?

    Hai vợ chồng cùng cười và chào tôi, ra về …

    Tôi trở vào nhà, ngã người vào ghế sofa. Hết phim kinh dị rồi!

    “Nếu ai lấy oán báo thù
    Oan oan tương báo,
    thiên thu hằng sầu.
    Từ tâm định luật nhiệm mầu.
    Lấy ân báo oán,
    còn đâu oán thù!”

    Tôi nhắm mắt. Không suy nghĩ gì nữa hết. Tâm cần trống, tối nay làm việc … Nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng. Tất cả nhẹ nhàng …
    Last edited by CUUBAOLONG; 22-03-2012 at 03:04 PM.

  2. #2

    Mặc định

    Sáng thứ hai …

    Vừa dừng xe trước nhà, tôi đã thấy Như đang đứng chờ tôi ngoài cổng. Nhìn lên trời, tôi thầm reo: “Ô! Mưa tan, mây tạnh, trời trong xanh”. “Copy” câu này từ bài thơ nào, tôi không còn nhớ nữa …

    - Con chào thầy. Thầy mệt lắm hả thầy. Thiệt là con cám ơn thầy hết sức. Con hết thấy gì nữa rồi thầy.

    Vừa bước vô nhà, tôi vừa cười cười:

    - Hết thấy gì là … đui rồi hả!
    - Hì hì … hổng phải. Con hết thấy phi nhân rồi!
    - Tôi nói vui thôi.
    - Con chuẩn bị xong hết rồi. Thầy xem con đặt có đúng không?
    - Dạ. Tôi vào lễ Phật, rồi sẽ xuống xem mâm cơm nơi bàn ăn.

    Tôi vào phòng thờ. Hoa, quả, nhang, đèn đều tươm tất. Tôi sắp 3 đèn cầy trước bát nhang. Tôi quỳ xuống, đảnh lễ Tây Phương Tam Thánh. Thắp 5 cây nhang, tôi đi ra ngoài cửa trước, cắm xuống đất bên trái: “Hoan hỷ, hoan hỷ!”

    Trở vào nhà, tôi đi thẳng vô phòng sinh hoạt.
    - Em chào thầy.
    Anh Quang bưng tô canh, từ dưới bếp đi lên, chào tôi.
    - Chào anh Quang. Anh Quang làm bếp à?
    - Hì hì …dạ, em ra ngoài sân chiên chả giò phụ bà xã. Bả kêu làm cái gì thì em làm cái nấy … vậy thôi thầy.
    - Vậy là vui rồi.
    - Dạ. Em xin phép trở ra sân.
    - Dạ, anh Quang.

    Trên cái bàn ăn đã có hoa, quả, 5 nhang, 5 đèn, ly nhang, cùng cơm và thức ăn chay. Có lẻ … sẽ có thêm món chả giò. Vừa đủ. Tôi bảo Như:

    - Cô Như chuẩn bị làm lễ nhé!
    - Thưa thầy, có ông xã con ở nhà, nhưng mà ổng không có …
    - Không có sao đâu cô Như. Niềm tin, tín ngưỡng, không phải do cưỡng cầu mà có. Tự nhiên đi cô Như. Tôi làm những việc cần phải làm. Tôi không đợi người phải tin. Anh Quang tin hay không tin, không phải là việc của tôi. Rồi, vào phòng thờ nghe.

    Tôi thắp đèn cầy, thắp 3 cây nhang dâng lên Đức Phật. Tôi quỳ xuống:

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Hôm nay tôi thiết Lễ Cầu Siêu, nhưng không phải tôi cầu xin cho chư hương linh được siêu sanh về nhàn cảnh. Tôi tụng đọc Kim Ngôn của Đức Phật. Mong chư hương linh nhận thức về sự cấu thành đời sống của một chúng sanh, rồi phải bị chi phối bởi Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã. Chư hương linh hãy chấp nhận cuộc luân hồi, chấp nhận cảnh giới của chư vị đang sống. Hãy quy y Tam Bảo, hãy tác tạo Thiện Nghiệp, hãy hộ trì chúng sanh. Cuộc luân hồi lại tiếp diễn. Đường Người và đường Trời rộng mở. Đức Thế Tôn có dạy: “Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Chỉ có tình thương diệt được tâm sân. Đó là định luật trường cửu”. Mong chư vị hãy buông xuống oán hờn từ muôn kiếp.

    Xưng Tán

    Trước Tam Bảo uy linh tối thượng,
    Ðèn, trầm, hương tâm nguyện chí thành,
    Cầu cho pháp giới chúng sanh
    Khắp cùng ba cõi muôn phần phước duyên,
    Mãi tấn hóa trên đường thiện nghiệp,
    Mãi vun bồi hạnh phúc vô dư.
    Liên hoa nở khắp biển từ,
    Trần sa vô nhiễm huyễn hư đoạn lìa.

    Kỳ Nguyện

    Hôm nay tại tư gia của phật tử Lê Thị Như, chúng con thành tâm hướng về Tam Bảo, cúi đầu kính lễ Tam Thế Phật Bảo, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Chánh Pháp vi diệu, tôn Thánh hiền Tăng.

    Chúng con kính dâng Hoa, Quả, Hương, Đăng cúng dường lên Đức Thế Tôn, Phật, Pháp, Tăng - Tam Bảo. Gia chủ đồng thiết lễ Cúng Dường Thực Phẩm đến chư Tăng Ni, gọi là Cúng Dường Vô Phân Biệt - Dakkhinadànà. Nguyện hồi hướng quả phước này đến chư hương linh, Cửu Huyền Thất Tổ, Nội Ngoại hai bên, thân bằng quyến thuộc của gia chủ đã quá vãng, cùng tất cả chúng sanh, chư hương linh oan gia, trái chủ với Lê Thị Như đã quá vãng.

    “Những bậc Trí Tuệ được ở trong nước nào, thường cung thỉnh các bậc Trì Giới Cao Thượng, là bậc thu thúc, đến thọ thực trong nước. Chư Thiên đã hội tại chỗ cúng dường, thì bậc Trí Tuệ nên hồi hướng quả Dakkhinàdàna đến Chư Thiên ấy. Chư Thiên đã tiếp rước quả Dakkhinàdàna, mà bậc Trí Tuệ hằng cúng dường, thì hằng tiếp rước bậc Trí Tuệ. Bởi bậc Trí Tuệ hồi hướng quả Dakkhinàdàna đến Chư Thiên, thì Chư Thiên hộ trì lại bậc Trí Tuệ, cũng như Cha Mẹ tiếp dẫn con ruột của mình vậy. Chư thiện tín được Chư Thiên hộ trì rồi, thì hằng thấy rõ các nghiệp lành.” Do lời thành thật này, cầu xin Chư Thiên vận chuyển phước lành này đến chư hương linh, cầu xin cho các vị ấy được kết quả làm Người, quả Trời cùng quả Niết Bàn, do theo ước muốn.

    Nguyện dâng phước lành này đến chư Bồ Tát khắp tam thiên, đại thiên thế giới, cầu xin quý Ngài an vui trong pháp hành Ba-La-Mật, hướng đến quả vị Phật: Toàn Giác, Độc Giác và Thanh Văn Giác trong ngày vị lai.

    Nguyện dâng phước lành này đến Tứ Đại Thiên Vương hộ trì 4 châu thiên hạ: một là Đức Vua Trì Quốc Thiên - Kuvera, hai là Đức vua Tăng Trưởng Thiên - Dhatarattha, ba là Đức Vua Quảng Mục Thiên - Virùpakkha, bốn là Đức Vua Đa Văn Thiên -Virulhaka, là Chúa cả chư thiên có đầy đủ sự sang cả, cầu xin quý Ngài cho chúng con thấy rõ sự Thiện Lai, Thiện Báo.

    Cầu xin phước lành Bố Thí này hóa thành thực phẩm thấu đến chư hương linh nơi đây, cùng tất cả chúng sanh trong các khổ cảnh. Cầu xin cho chư vị ấy hằng được no lòng. Cầu xin cho chư vị ấy hằng được sự an vui. Ngưỡng nguyện chư Long Thần Hộ Pháp từ bi tiếp dẫn chư hương linh tái sanh nhàn cảnh.

    Do nhờ đức của Tam Bảo, Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo - tất cả tật bịnh, sự lo sợ, sự tai hại, điều mộng mị xấu xa, điều chẳng lành của người, xin được mau tiêu diệt.

    Do nhờ đức của Tám Muôn Bốn Ngàn Pháp Môn - Do nhờ đức của Tam Tạng - Do nhờ đức của Tám Thánh Đạo - Do nhờ đức của Tứ Diệu Đế - tất cả tật bịnh, sự khổ não, điều oan kết của người, xin được mau tiêu diệt.

    Do nhờ đức của chư Thánh Thinh Văn đệ tử Phật - Do nhờ đức của Tứ Vô Lượng Tâm - tất cả tật bịnh, sự uất ức, nghịch cảnh của người, xin được mau tiêu diệt.

    DÂNG HOA

    Dâng hoa cúng dường Phật,
    Bậc thương xót muôn loài.
    Dâng hoa cúng dường Pháp,
    Ðạo nhiệm mầu cứu khổ.
    Dâng hoa cúng dường Tăng,
    Ruộng phước không gì bằng.
    Hoa tươi đẹp sẽ tàn.
    Thân giả hợp sẽ tan.
    Nguyện tu mau chứng đạt
    Quả chân thường giải thoát.

    TAM QUY

    Ðệ tử qui y Phật,
    đấng Thiên Nhơn Ðiều Ngự
    bi trí vẹn toàn. Ðệ tử qui y Pháp,
    đạo chuyển mê, khai ngộ, ly khổ, đắc lạc.
    Ðệ tử qui y Tăng,
    bậc hoằng trì Chánh Pháp,
    vô thượng phước điền.
    Lần thứ hai
    đệ tử qui y Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.
    Lần thứ ba
    đệ tử qui y Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.

    THỈNH CHƯ THIÊN

    Ðạo tràng thanh tịnh bồ đề,
    Mười phương thiên chúng hội về nghe kinh,
    Pháp Mầu diệt tận vô minh,
    Pháp Mầu cứu khổ sinh linh vạn loài.
    Từ Dục Giới, vân đài sáu cõi,
    Ðến thiên cung Sắc Giới hữu hình,
    Chư Thiên đã tạo nghiệp lành
    Do theo phúc quả thiện sanh đến giờ.
    Các Ngài ngự bến bờ, đồng, ruộng,
    Hoặc hư không, châu quận, thị phường,
    Non xanh, rừng rậm, đất bằng,
    Hoặc nơi quán cảnh, xóm làng gần xa.
    Xin đồng thỉnh Dạ Xoa chư chúng,
    Càn Thát Bà, Long Chủng nơi nơi,
    Đầm, ao, thành quách lâu đời,
    Hoặc là sông nước, biển khơi trùng trùng.
    Pháp Vi Diệu nghìn thân nan ngộ.
    Đạo Thậm Thâm muôn thuở khó cầu.
    Ngày tàn tháng lụn qua mau,
    Ðắm say trần cảnh, vùi đầu tử sinh.
    Nay là giờ chuyển Kinh Vô Thượng.
    Nay là giờ đọc tụng Pháp Âm.
    Lời Vàng lý nghĩa cao thâm,
    Xin chư hiền giả lắng tâm thọ trì.

    LỄ BÁI PHẬT BẢO

    Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn,
    Bậc Chánh Biến Tri đáng cúng dường,
    Con nguyện thân tâm thường thanh tịnh,
    Làm lành, lánh dữ, lợi quần sanh.
    Cội bồ đề trang nghiêm thiền tịnh,
    Thắng thiên ma, vạn chướng trùng trùng.
    Con xin lạy đấng Ðại Hùng,
    Rọi vô biên trí tận cùng thế gian.

    Từ quá khứ vô vàn Phật hiện.
    Ở tương lai vô lượng Phật thành.
    Hiện tiền Chư Phật độ sanh.
    Con xin kính lễ tâm minh nguyện cầu.

    ÂN ĐỨC PHẬT BẢO

    Mười Phật hiệu nhiệm mầu: Ứng Cúng,
    Chánh Biến Tri, Minh Hạnh đủ đầy,
    Ân Đức Thiện Thệ cao dày,
    Bậc Thế Gian Giải chỉ bày chơn tâm,
    Vô Thượng Sĩ pháp thân tịnh diệu,
    Bậc Trượng Phu Ðiều Ngự chúng sanh,
    Trời người ba cõi Cha Lành,
    Phật Ðà Toàn Giác, Thế Tôn trong đời.

    QUY Y PHẬT BẢO

    Phật là nơi nương nhờ tối thượng,
    Cho chúng con vô lượng an lành.
    Qui y Phật Bảo từ ân,
    Nguyện lời chân thật tác thành thắng duyên.

    SÁM HỐI PHẬT BẢO

    Gieo năm vóc trần vi sám tội,
    Những lỗi lầm tham, giận, mê si
    Cúi xin Phật Bảo chứng tri,
    Con nguyền tinh tấn viễn ly não phiền.

    LỄ BÁI PHÁP BẢO

    Bát Thánh Đạo con đường chánh giác,
    Ðưa chúng sanh vượt thoát bờ mê.
    Con nay một niệm quay về
    Quy y Chánh Pháp bồ đề tự tâm.

    Từ quá khứ vô vàn Diệu Pháp.
    Ở tương lai vô lượng Pháp Mầu.
    Hiện tiền Phật Pháp thâm sâu.
    Thuyền từ phương tiện bắc cầu độ sanh.

    ÂN ĐỨC PHÁP BẢO

    Pháp vi diệu Cha Lành khéo dạy,
    Lìa danh ngôn giác ngộ hiện tiền,
    Vượt thời gian chứng vô biên,
    Sát na đại ngộ hoát nhiên liễu tường,
    Ðạo vô thượng đến rồi thấy rỏ,
    Hướng thượng tâm thoát ngỏ vọng trần,
    Trí nhân tự ngộ giả, chân,
    Diệu thường tịnh lạc Pháp Ân nhiệm mầu.

    QUY Y PHÁP BẢO

    Pháp là nơi nương nhờ tối thượng,
    Cho chúng con vô lượng an hòa,
    Tự quy lý đạo bao la,
    Minh tâm, kiến tánh, thắng ma não phiền.

    SÁM HỐI PHÁP BẢO

    Gieo năm vóc vô biên sám hối,
    Những sở hành lầm lỗi vô minh.
    Cúi xin Pháp Bảo chứng minh,
    Con nguyền Chánh Đạo tâm linh quay về.

    LỄ BÁI TĂNG BẢO

    Tăng là bậc từ hòa nghiêm tịnh,
    Dứt trần lao, đạo quả viên thành,
    Lục căn tịnh lặng, vô sanh,
    Ứng cúng cao thượng phước lành thế gian.

    Từ quá khứ vô vàn Tăng Chúng.
    Ở tương lai vô lượng Thánh Hiền.
    Hiện tiền Tăng Bảo phước điền.
    Con xin kính lễ gieo duyên Niết Bàn.

    ÂN ĐỨC TĂNG BẢO

    Bậc Diệu Hạnh thinh văn đệ tử,
    Bậc Trực Hạnh pháp lữ tăng già,
    Như Lý Hạnh thánh Phật Đà,
    Bậc Chơn Chánh Hạnh tăng già Thế Tôn.
    Ấy là Tăng bốn đôi, tám chúng,
    Ðệ tử Phật ứng cúng tôn nghiêm,
    Cung nghinh, kính lễ một niềm,
    Thánh chúng vô thượng phước điền thế gian.

    QUY Y TĂNG BẢO

    Tăng là nơi nương nhờ tối thượng,
    Cho chúng con vô lượng an lành.
    Qui y Tăng Bảo tịnh thanh,
    Nguyện lời chân thật tác thành thắng duyên

    SÁM HỐI TĂNG BẢO

    Gieo năm vóc tội rày tâm sám,
    Những lỗi lầm ngã mạn, kiêu căng.
    Cúi xin chư Thánh Hiền Tăng,
    Con nguyền tinh tấn tham sân đoạn lìa.

    LỄ BÁI BẢO THÁP, XÁ LỢI, KIM THÂN PHẬT, ĐẠI THỌ BỒ ĐỀ

    Ngàn xưa lưu dấu Cha Lành
    Bảo Tháp, Xá Lợi, Kim Thân Phật Ðà,
    Bồ Đề khắp cõi ta bà,
    Nhất tâm kính lễ, hương hoa cúng dường.

    KARAṆĪYA METTĀ SUTTAṂ
    TỪ BI KINH

    Người khôn có đủ đức tài,
    Hằng tìm lợi ích tương lai cho mình.
    Dọn lòng an tịnh, thanh bình,
    Tiến vào Cực Lạc, Vô Sinh Niết Bàn.
    Giữ lòng chánh trực, đoan trang,
    Nhu hòa, lương thiện, chẳng màng khoe khoang,
    Thanh bần, thủ phận an nhàn,
    Không ham thế sự, tịnh an cõi lòng.
    Lục căn chế ngự, nghiêm phòng,
    Không cho liều lĩnh, luyến mong dục trần.
    Không làm nhơ bẩn tinh thần,
    Tránh lời chê trách Thánh Nhân phê bình,

    Mong cầu tất cả chúng sinh,
    Dồi dào hạnh phúc, hòa bình sinh nhai.
    Cầu cho ba giới, bốn loài,
    Chúng sanh yếu, mạnh, vắn, dài, bình, trung,
    Béo, gầy, nhỏ, lớn không cùng,
    Hữu hình, vô tướng muôn trùng gần xa,
    Chưa sanh, hoặc đã sanh ra,
    Thảy đều cộng hưởng hà sa phước lành.

    Nguyện không lừa gạt, dối manh,
    Khinh người, miệt chúng, hư danh trang hiền.
    Dầu cho thân thuộc, xóm giềng,
    Người dưng, kẻ lạ các miền xa xăm.
    Trong cơn phẫn nộ, giận thầm,
    Cũng không lo nghĩ mưu thâm hại người.
    Như lòng từ mẫu thanh tươi,
    Trăm cay, ngàn đắng, vui cười vì con.
    Dầu cho một mất, một còn,
    Bảo tồn con trẻ vuông tròn, ăn chơi.
    Tình thương ghi tạc đời đời,
    Từ Bi rộng lớn bầu trời thênh thang.
    Học đòi từ mẫu gương vàng,
    Mở lòng thương xót bủa tràn gần xa.
    Chúng sanh trong cõi Sa Bà,
    Thoát vòng khổ não, vượt ra luân hồi.
    Hằng ngày rải khắp các nơi,
    Bốn phương, tám hướng gầm trời bao la.
    Tấm lòng Bác Ái, Vị Tha,
    Gội nhuần tư tưởng, đậm đà tình thương.
    Lòng Từ trong sạch như gương,
    Không pha ác cảm, không vương tư thù.
    Cố tâm niệm niệm, công phu,
    Khi đi, khi đứng, chuyên tu tham thiền.
    Nằm, ngồi mặc niệm thường xuyên,
    Sưu tầm Đạo Quả, gieo duyên Niết Bàn.
    Ðó là phương pháp thế gian,
    Ðó là hạnh kiểm đưa Đàng Vô Sanh.
    Thánh Nhân ca tụng tán thành,
    Xuôi dòng Thánh Vức, lữ hành Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn).
    Vượt lên đến mức thắng ưu,
    Khai thông Tuệ Nhãn, tầm sưu đỉnh đầu.
    A Hàm đạo tuệ gươm mầu,
    Ðoạn tuyệt tà kiến, xả câu dục tình.
    Bất Lai cảnh giới hữu hình,
    Phạm Thiên tạm ngự, nghiêm minh Niết Bàn.

    Anattalakkhaṇasutta
    KINH VÔ NGÃ TƯỚNG

    Như vầy tôi nghe:

    Một thời Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giả, gần thành Ba Ra Na Si. Ðức Phật giảng cho năm thầy Tỳ kheo nghe như vầy:

    Này các Tỳ kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là vô ngã, không phải là của ta. Này các Tỳ kheo, nếu các uẩn thật là của ta, thì chúng không bị đau khổ. Lại nữa, người đời có thể nói xin cho các uẩn của ta như thế này hoặc đừng như thế kia. Này các Tỳ kheo, các uẩn thật là vô ngã nên hằng bị đau khổ. Lại nữa, người đời không có thể nói xin cho các uẩn của ta như thế này hoặc đừng như thế kia.

    Này các Tỳ kheo, các ngươi cho sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường?
    Bạch Đức Thế Tôn, các uẩn là vô thường.
    Vật chi vô thường, vật ấy là khổ hay vui?
    Bạch Đức Thế Tôn, vật ấy là khổ.
    Vật chi vô thường là khổ, có sự biến hoại theo lẽ thường, thì nên cho vật ấy là của ta, là ta, là tự ngã của ta chăng?
    Bạch Đức Thế Tôn, chẳng nên.

    Này các Tỳ kheo, cho nên sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô thiển,vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa, các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi. Các ngươi nên nhận thức chân lý ấy bằng chánh trí đúng theo thực tướng như vầy: đó chẳng phải là của ta, chẳng phải là ta, chẳng phải là tự ngã của ta.

    Này các Tỳ kheo, bậc thinh văn được nghe và thấy như thế rồi, liền sanh tâm nhàm chán đối với sắc, đối với thọ, đối với tưởng, đối với hành, đối với thức. Do Nhàm Chán vị ấy ly tham. Do Ly Tham, tâm được giải thoát. Khi Tâm được Giải Thoát vị ấy chứng đắc Tuệ Giải Thoát và biết rõ sự sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm và không còn tái sanh nữa.

    Ðức Phật thuyết giảng như vậy, năm thầy Tỳ kheo hoan hỷ tín thọ. Khi Đức Phật giảng dạy kinh này, thì tâm của năm thầy Tỳ kheo được giải thoát các vi tế phiền não không còn chấp thủ nữa.

    KINH DUYÊN SINH
    Paṭiccasamuppāda

    Bởi không tường diệu đế
    Hữu tình tạo nghiệp duyên,
    Chính Vô Minh nguồn cội
    Là nhân tạo nên Hành.

    Từ hành vi thiện ác
    Gieo chủng thức tái sanh.
    Như vậy chính do hành
    Kiết Sanh Thức tập khởi.
    Thức chủng tử đầu đời
    Tạo hiện hữu thân tâm.
    Bởi do ý nghĩa nầy,
    Gọi thức duyên Danh Sắc.

    Vật chất và tâm thức
    Biến hiện sáu giác quan.
    Như vậy do danh sắc
    Lục Nhập được hiện thành.
    Sáu giác quan năng động,
    Tiếp xúc sáu cảnh trần.
    Như vậy do lục nhập
    Hiện tượng Xúc khởi sanh.

    Sáu căn gặp sáu cảnh,
    Khổ, lạc, xả phát sanh.
    Như vậy do duyên xúc,
    Cảm Thọ được tạo thành.
    Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả
    Nhân sanh mọi chấp trước.
    Phật dạy chính cảm thọ
    Duyên tạo nên Ái Dục.

    Tham muốn nên dính mắc,
    Dục lạc cột mê tâm,
    Nên gọi nhân ái dục
    Là duyên sanh chấp Thủ.
    Khi tâm trần hệ lụy
    Biến hiện muôn sở hành
    Như vậy do duyên thủ
    Tác động Hữu khởi sanh.

    Có tạo tác có quả,
    Có chủng tử luân hồi.
    Như vậy do duyên hữu
    Sanh quả được hiện thành.

    Có thân hẳn phải già.
    Có sanh ắt có diệt.
    Chính do ý nghĩa nầy,
    Gọi sanh duyên Lão Tử.
    Cũng chính do duyên sanh,
    Sầu, bi, khổ, ưu, não
    Toàn bộ Khổ Uẩn nầy,
    Ðược hiện thành tập khởi.

    Không vô minh không hành.
    Không hành thời không thức.
    Không thức không danh sắc.
    Không danh sắc không lục nhập.
    Không lục nhập không xúc.
    Không xúc thời không thọ.
    Không thọ thời không ái.
    Không ái dục không thủ.
    Không chấp thủ không hữu.
    Không hữu thời không sanh.
    Không sanh không lão tử,
    Sầu, bi, khổ, ưu, não
    Toàn bộ khổ uẩn nầy,
    Không hình thành tập khởi.

    KINH HỒI HƯỚNG VONG LINH
    Duyên khởi

    Vua Bim Bi Sa Ra
    Nằm mộng thấy thân nhân
    Bị khổ quả đói lạnh,
    Ðến bạch hỏi Thế Tôn,
    Ðức Ðiều Ngự bi mẫn,
    Chỉ dạy cách tạo phước
    Hồi hướng các vong linh
    Thoát ly mọi khổ ách.

    Chánh kinh

    Các hương linh quá vãng
    Thường đến nhà thân nhân,
    Ðứng ngoài vách tựa cửa,
    Ngã đường hay cổng thành,
    Trông chờ hưởng phước thí,
    Nhưng vì kém phước duyên,
    Hương linh bị quên lãng.
    Thân nhân tạo phước lành.
    Do công đức bố thí,
    Nên phát nguyện bằng lời:
    “Nguyện thân nhân quá vãng
    Thượng hưởng công đức nầy
    Ðược thọ sanh lạc cảnh.”
    Idaṃ vo ñātīnaṃ hotu
    Sukhitā hontu ñātayo

    Những thân nhân quá vãng
    Vân tập các đạo tràng,
    Nhận được phước hồi hướng,
    Thường thốt lời cảm kích,
    Mong ân nhân của mình
    Ðược trường thọ, phúc lạc.
    Người đã tạo công đức
    Chắc chắn được quả lành.

    Trong cõi khổ ngạ quỷ
    Không có các sinh kế,
    Trồng trọt hoặc chăn nuôi,
    Bán buôn hay trao đổi.
    Chúng sanh cảnh giới này
    Hằng mong đợi phước báu
    Do thân nhân hồi hướng.

    Như nước trên gò cao
    Chảy xuống vùng đất thấp,
    Phước lành đã hồi hướng
    Có diệu năng cứu khổ,
    Như trăm sông tuôn chảy
    Cùng hướng về đại dương.
    Nguyện công đức đã tạo
    Thấu đến chư hương linh.

    Khi người nhớ ân trước,
    Do tình nghĩa thân bằng,
    Do tương duyên quyến thuộc,
    Hãy cúng dường trai Tăng,
    Hồi hướng phước đã tạo.

    Sự khổ sầu, thương cảm
    Trước tử biệt, sanh ly,
    Không có lợi ích gì
    Cho thân nhân quá vãng.
    Cách trai Tăng hợp đạo,
    Gọi Ðắc Khi Na Ða Ná (Dakkhinādāna)
    Cúng dường vô phân biệt
    Ðến đại chúng Tăng Già,
    Bậc phạm hạnh giới đức,
    Bậc vô thượng phước điền,
    Ðược vô lượng công đức,
    Là thắng duyên tế độ
    Hương linh trong cảnh khổ.

    Do thiện sự đã làm,
    Do hồi hướng đã nguyện,
    Do Tăng lực đã cầu,
    Xin tựu thành phúc quả.

    SAMVEJANĪYA GĀTHĀ
    KỆ ÐỘNG TÂM

    Pháp nào có tên gọi là Vô Thường là pháp có trạng thái thay đổi không thường. Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhân loại, súc sanh, luôn đến Chư Thiên, Ma Vương, cùng Phạm Thiên cả thảy.

    Pháp nào có tên gọi là Khổ Não là pháp có trạng thái đau đớn buồn rầu. Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhân loại, súc sanh, luôn đến chư Thiên, Ma Vương, cùng Phạm Thiên cả thảy.

    Pháp nào có tên gọi là Vô Ngã là pháp có trạng thái không phải là của ta. Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhân loại, súc sanh, luôn đến chư Thiên, Ma Vương, cùng Phạm Thiên cả thảy.

    Thân này chẳng tồn tại bao lâu đâu, khi tâm thức lìa bỏ rồi, thì để nằm trên mặt đất, như đống tro tàn, tìm sự lợi ích chẳng có.

    Tuổi thọ, chất lửa hoặc tâm thức, khi lìa bỏ thân này trong giờ nào rồi, (thân này không nên hoàn để trong nhà) (người đời) họ đem liệng bỏ nằm (trên mặt đất) trong giờ ấy, như đống tro tàn tìm sự lợi ích chẳng có.

    Tất cả chúng sanh chỉ sẵn dành để chịu chết đều nhau cả, vì sanh mạng (của tất cả chúng sanh) chỉ có sự chết là nơi cuối cùng. Tất cả chúng sanh đều phải chịu quả phước cùng quả tội, vừa theo cái nghiệp của mình đã tạo, rồi đi thọ sanh trong kiếp sau. Chúng sanh nào làm việc dữ, phải chịu khổ trong cõi địa ngục. Chúng sanh nào làm việc lành, được thọ vui trong cõi thiên đàng. Cho nên (người đời) cần phải hối hả, làm việc phước đức, mà các bậc trí tuệ hằng thân thiết, cho đặng làm của để dành, dính theo trong đời vị lai (vì) các việc phước đức là nơi nương nhờ của tất cả chúng sanh trong ngày vị lai.

    Các Pháp Hữu Vi thật không bền vững, nó có tánh sanh diệt là thường, vì nhơn sanh rồi diệt, diệt rồi sanh (nên thường hay có sự khổ não), chỉ có Niết Bàn là Pháp tịch diệt, dứt cả Pháp Hữu Vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối.

    KINH VÔ ÚY

    Nguyện cầu Uy Đức Phật Bảo.
    Nguyện cầu Uy Đức Pháp Bảo.
    Nguyện cầu Uy Đức Tăng Bảo.

    Xin những điều chẳng lành,
    Hoặc những điều bất hạnh,
    Những hiện tượng bất tường.
    Những mộng mị xấu xa,
    Và những điều trở ngại.
    Những khổ đau sợ hãi,
    Những phiền muộn ưu sầu,
    Hãy được mau tiêu diệt.

    Xin Chư Thiên hoan hỷ
    Công đức chúng con làm,
    Để tựu thành phúc quả,
    Rồi hộ trì chúng sanh,
    Những người tu Giới Hạnh,
    Bố Thí và Tham Thiền.
    Xin oai đức vô biên
    Chư Toàn Giác, Độc Giác,
    Và Thanh Văn Thánh Chúng
    Hộ trì cho tất cả
    Được an lành tịnh lạc.

    KỆ TỈNH THỨC

    Lẽ tử sanh xưa nay thường sự,
    Khổ biệt ly muôn thuở đương nhiên,
    Khách hồng trần trăm nỗi đảo điên,
    Bậc thiện trí vượt ngoài hệ lụy.
    Cuộc trầm luân khởi từ vô thủy,
    Nước mắt nhiều hơn bốn đại dương,
    Ðã bao đời dâu bể tang thương,
    Xương trắng trải phủ đầy đại địa.
    Dù một kiếp trọn vui không dễ,
    Những phù du, hưng phế đổi thay,
    Tuổi thanh xuân gẫm có bao ngày,
    Già, đau, chết hỏi ai tránh khỏi.
    Kìa bao cuộc thăng trầm danh lợi,
    Những nhục, vinh kết nối liền nhau,
    Khi qua rồi còn lại niềm đau,
    Gió đời thổi phàm tâm xao động.
    Kìa yêu thương, buồn, vui huyễn mộng,
    Tình thân nhân, bằng hữu, phu thê,
    Thương phải xa, ghét phải gần kề.
    Ai trọn kiếp không điều ngang trái.
    Kìa sự nghiệp, bạc vàng, của cải,
    Ðổ mồ hôi, nước mắt dựng xây,
    Vật ở đời tay lại qua tay,
    Buông tất cả khi tàn hơi thở.
    Kìa kiến chấp hữu vô ngã sở,
    Bao tị hiềm cùng chuyện can qua,
    Lắm đổi dời trong mỗi sát na,
    Hạnh phúc đó não phiền cũng đó.
    Người trí hiểu căn nguyên thống khổ,
    Tìm hướng đi thoát ngõ quẩn quanh,
    Ngược dòng mê, chánh đạo thực hành,
    Chứng Thánh Quả đoạn mầm sanh tử.
    Nương Phật Ðà Chí Tôn Chí Thánh,
    Nương Pháp Mầu đại hạnh đại duyên,
    Nương Tăng Già vô thượng phước điền,
    Nguyện uy đức cao dầy tiếp độ.

    Nam mô Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.
    Nam mô Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.
    Nam mô Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.

    KINH PHÁP CÚ

    148.
    Thân này sẽ bị suy già,
    Thường hay tật bệnh,
    lại hòa uế nhơ,
    Mỏng manh mạng sống từng giờ,
    Tử Thần bên cửa,
    đợi chờ mang đi!
    149.
    Mùa thu, nhìn trái bầu khô
    Người ta quăng bỏ,
    vất vơ xó đường,
    Như bồ câu trắng - trắng xương,
    Quý gì? thích thú,
    mà trương mắt nhìn?!
    147.
    Nhìn kìa! thể xác"mê hồn”!
    Một đống thịt thối,
    một hòm đớn đau!
    Bận tâm tính việc đâu đâu,
    Có chi bền vững mà cầu trường sanh?!
    150.
    Thành trì ngoài đựng thịt xương,
    Ðắp thêm máu thịt,
    tô hường, quét son!
    Mang thêm tật bệnh, tử vong,
    Chứa đầy Ngã Mạn,
    lại gom dối lừa!
    *******
    246.247.
    Kẻ nào Vọng Ngữ, Sát Sanh,
    Trộm của thiên hạ,
    Đành Hanh vợ người,
    Rượu say, Ma Túy dễ duôi,
    Là tự đào lỗ
    chôn vùi thế gian
    309.310.
    Tà Dâm, tà vạy vợ người,
    Bốn điều bất hạnh
    đến thời phải vương:
    Một, chịu họa hại, tai ương.
    Hai là khó ngủ,
    dạ thường lo âu.
    Ba, đời phỉ nhổ ngập đầu.
    Bốn, đọa Địa Ngục,
    đâm xâu, cột đùm!
    Tội đầy, phải vác, phải bưng,
    Bất hạnh chạy đuổi,
    còng lưng mà bò!
    Khoái lạc mảnh tợ đường tơ,
    Lại hoảng, lại sợ,
    vui so thấm gì!
    Luật vua hình trọng kéo đi!
    Gặt quả khốc liệt,
    dính chi vợ người!
    *******
    46.
    Thân như bọt nước đầu ghềnh,
    Rỗng không, huyễn ảo,
    diệt sinh vậy mà!
    Trượng phu bẻ gãy tên hoa,
    Vượt lên tầm mắt
    Tử Ma khó tìm!
    47.
    Ai còn thu nhặt hoa hương,
    Ðắm Si Tham Nhiễm,
    bên đường, biết hay?
    Tử Thần mang kẻ ấy ngay,
    Như cơn lũ cuốn
    ngủ say cả làng!
    48.
    Ai còn thu nhặt hoa hương,
    Ðắm say Tham Nhiễm,
    bên đường chẳng thôi?
    Coi chừng Thần Chết tới nơi,
    Bắt làm nô lệ,
    rồi đời kẻ ngu!
    *******
    235.
    Thân người chiếc lá úa tàn,
    Hái đao Diêm Sứ
    hiện đang đón chờ.
    Than ôi! cái chết đến giờ,
    Ðường xa
    chẳng có dự hờ tư lương!
    236.
    Tự xây hòn đảo mà nương,
    Tinh cần gấp rút
    dọn đường tuệ tri,
    Gỡ bao nhơ bợn, ngu si!
    Mở cửa Thánh Địa,
    ra đi nhẹ nhàng!
    237.
    Ðời người sự sống sắp tàn,
    Cứ thêm mỗi bước, mỗi gần tử vong!
    Bên đường chỗ nghỉ cũng không
    Xa xăm chẳng có dự phòng tư lương!
    238.
    Tự xây hòn đảo mà nương,
    Tinh cần gấp rút
    dọn đường tuệ tri.
    Gỡ bao dục vọng, mê si,
    Tử sinh quyết chẳng lộn đi, trở vào!
    *******
    287.
    Những ai say đắm thế gian,
    Bám vào con cái,
    vào đàn vật nuôi.
    Sự chết cũng cuốn theo người,
    Như làng mê ngủ,
    lũ trôi chẳng ngờ!
    286.
    Mùa mưa ta sống ở đây,
    Hạ này cũng vậy,
    thu rày đi đâu?
    Người ngu tính chuyện dài lâu
    Có nghe sự chết
    gõ đầu, hỏi thăm?
    *******
    155.156.
    Trẻ không sớm biết tu hành,
    Chẳng lo tài sản
    để dành mai sau!
    Cò già ủ rủ bên ao,
    Cá tôm chẳng có,
    xanh xao, chết mòn!
    Trẻ không sớm biết tu hành,
    Chẳng lo tài sản
    để dành mai sau.
    Như cung vô dụng gãy đầu,
    Nhìn về dĩ vãng
    rầu rầu thở than! (Tâm Cao)
    280.
    Tuổi trẻ sức lực dồi dào
    Lại sống buông thả,
    lao chao biếng lười!
    Tinh thần suy nhược, rã rời,
    Làm sao có tuệ
    mà soi Con Đường?
    316.317.318.319.
    Thẹn thùa những việc quàng xiêng!
    Lại không hổ thẹn chuyện nên thẹn thùa!
    Ai người Tà Kiến vậy kia?
    Bàng Sanh ác thú,
    cởi hia nhảy vào!
    Sợ hãi những chuyện gì đâu,
    Lại không hãi sợ
    lo âu đáng điều.
    Ôm ấp Tà Kiến ấy nhiều,
    Người Ngu đọa khổ,
    chẳng "siêu" được nào!
    Không chi, lại thấy lỗi lầm
    Lỗi lầm lại nghĩ tầm ngầm là không!
    Người Ngu Tà Kiến, si ngông
    Rơi vào cảnh khổ,
    đi tong cuộc đời!
    Việc sai thì bảo rằng sai,
    Việc đúng, thấy đúng
    ai ngoài Trí Nhân?
    Ði đâu Chánh Kiến theo chân,
    Khói sương khinh khoát -
    nhàn vân gót hài!
    281.
    Giữ gìn lời nói chánh chơn,
    Hộ phòng tâm ý
    trắng trơn sạch làu,
    Thân quen hành ác, dứt mau!
    Ba nghiệp thanh tịnh,
    đạo mầu chứng tri!
    *******
    146.
    Sao còn thích thú vui cười?
    Ðắm say khoái lạc, khi đời lửa thiêu?
    Bao trùm tăm tối muôn chiều,
    Không tìm ánh sáng
    tiêu diêu mà về?
    288.289.
    Lấy ai để bảo trợ ta?
    Họ hàng, con cái,
    hay cha mẹ mình?
    Khi mà sự chết rập rình,
    Cô đơn chịu nghiệp, vắng thinh, chẳng người!
    *******
    273.274.275.276.
    Tối cao: Bát Chánh Con Đường!
    Tối cao: Tứ Đế
    tỏ tường khổ ai!
    Tối cao: Chẳng Đắm Trong Ngoài!
    Tối cao: Pháp Nhãn
    giữa loài hai chân!
    Ðó là ''duy nhất con đường''
    Chẳng lối nào khác:
    "thanh lương kiến phần"!
    Ma Vương nhìn ngắm, than thầm,
    Lo âu, sợ hãi
    thế nhân đi vào!
    Lối này nếu quyết đi theo,
    Ái hà khô cạn,
    rêu bèo tang thương!
    Như Lai chỉ dạy Con Đường,
    Chặt lìa gai chướng,
    thanh gươm "tuệ phần"!
    Ra đi nỗ lực tầm tư,
    Như Lai là Bậc Đạo Sư chỉ bày.
    Ai người giới hạnh đủ đầy,
    Ma Vương đâu dễ
    buộc dây kéo hoài!
    151.
    Xe vua đẹp đẽ dường bao,
    Trang hoàng lộng lẫy -
    hư hao đến kỳ.
    Thân này đến lúc lão suy,
    Pháp từ bậc thiện,
    vô vi chẳng già!
    Pháp của đức Gotama,
    Sáng tỏ giáo pháp,
    chan hòa thiện nhân!
    ******
    277.278.279.
    Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
    Các hành vốn dĩ Vô Thường xưa nay,
    Thoát ly khổ não, đọa đày,
    Là Thanh Tịnh Đạo,
    ai rày chớ quên!
    Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
    Các hành vốn dĩ
    đau thương, Khổ Nàn.
    Thoát ly phiền não chán nhàm,
    Là Thanh Tịnh Đạo,
    Niết Bàn tìm đâu?
    Khi tuệ quán chiếu tỏ tường
    Các pháp Vô Ngã
    chẳng thường là ta.
    Thoát ly phiền não, Ác Ma
    Là Thanh Tịnh Đạo,
    chẳng xa lối về!
    *******
    188.189.190.191.192.
    Loài người hoảng hốt, hãi kinh,
    Ði tìm nhiều chỗ
    cho mình tựa nương,
    Vào nơi cây cối, ruộng vườn,
    Hoặc là đền tháp, núi rừng, miếu hoang!
    Ấy đâu phải chỗ an toàn
    Là nơi nương tựa
    cho hàng trí nhân?
    Chẳng đâu thoát khỏi mê trần,
    Chẳng đâu ẩn trốn
    dấu chân khổ hình!
    Quy y Phật Bảo quang vinh,
    Quy y Pháp Bảo
    cao minh rạng ngời,
    Quy y Tăng Chúng ba đời,
    Quy y như vậy -
    chính nơi hướng về! Chánh tri đâu khổ, đâu mê!
    Chánh tri Tứ Đế,
    Bồ đề tự tâm!
    Lần theo Bát Chánh, giác phần,
    Vượt qua khổ nạn,
    mê tân đời này!
    Quy y ấy quả cao dày,
    Quy y tối thượng
    đâu tày mà so!
    Quy y tận khổ, vô lo!
    Quy y chánh tuệ,
    vẫy đò sang sông!

    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
    Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

    KINH ĐÁO BỈ NGẠN
    Dasapāramī

    Ðường tu Bố Thí đứng đầu,
    Vị tha là tánh, vô cầu là tâm
    Không vì thương, ghét, sơ, thân,
    Bàn tay ban bố nào phân biệt gì.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Thiện nhân giới hạnh nghiêm trì, (Trì Giới)
    Nói, làm, suy nghĩ luôn khi giữ gìn,
    Nuôi ý lực, dưỡng tâm lành,
    Cắt dây kiết phược, phá thành mê si.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn,
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Xuất Gia vốn hạnh ly trần,
    Quyết ra nhà lửa, bỏ thân luân hồi,
    Lợi, danh, quyến thuộc xa rời,
    Ðộc cư, thanh tịnh, sống đời xả ly.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Ðèn tâm Trí Tuệ sáng ngời,
    Bởi vô lượng kiếp vun bồi huệ căn,
    Phân minh thiện, ác, giả, chân,
    Ðiều hay chuộng học, bạn lành tương tri.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Chính do nghị lực tinh cần, (Tinh Tấn)
    Vượt qua bể ái, chứng thân Đại Hùng,
    Kiên trì giữa cuộc lao lung,
    Càng nhiều chướng nghịch, thêm công tu trì.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Ðức tu Nhẫn Nại vạn năng,
    Nuốt điều cay đắng, nuôi phần tinh anh,
    Chông gai khéo tạo tâm thành,
    Xưa nay nguyện lớn hành trình gian nguy.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Thiện hiền Chân Thật, không ngoa,
    Quí gìn lẽ thật như là bảo châu,
    Chân tâm ấy đạo nhiệm mầu,
    Nói, làm nhất quán, cho dù hiểm nguy.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Bởi do chí nguyện dẫn đường, (Quyết Định)
    Biết nơi cứu cánh mà nương lối về,
    Bờ kia là đạo bồ đề,
    Tự lòng đã quyết bến mê phải lìa.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Hạnh lành từ ái bao la, (Từ)
    Chúng sanh bốn loại chan hoà tình thương,
    Lòng như cam lộ, suối nguồn,
    Rải ban phúc lạc, lệ tuôn quản gì.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa Pháp Độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    An nhiên hành Xả giữa đời,
    Khen, chê, đặng, thất, khổ, vui, thường tình,
    Ðiều tâm, giữ ý quân bình,
    Trong cơn bão loạn biết gìn chánh tri.
    Hy sinh ngoại vật, tứ chi,
    Hoặc luôn mạng sống, sá gì huyển thân.
    Phật xưa pháp độ vẹn toàn.
    Chúng con nguyện bước theo chân Ðại Từ.

    Từ trong bể khổ cuộc đời
    Ðại hùng lập nguyện, cứu người, cứu thân,
    Ba la mật hạnh vẹn toàn,
    Dám quên mạng sống, quyết tâm thực hành.
    Nhờ ân Thiện Thệ Cha Lành,
    Muôn loài vượt thoát tử sanh, luân hồi.

    HƯƠNG LINH QUY Y

    Hương linh qui y Phật,
    Đấng Thiên Nhơn Ðiều Ngự
    bi trí vẹn toàn.
    Hương linh qui y Pháp,
    đạo chuyển mê khai ngộ
    ly khổ đắc lạc.
    Hương linh qui y Tăng,
    bậc hoằng trì Chánh Pháp
    vô thượng phước điền.
    Lần thứ hai
    hương linh qui y Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.
    Lần thứ ba
    hương linh qui y Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo.



    Tôi dừng lại. Đi ra ngoài mâm cơm dành mời chư hương linh. Trang trọng thắp 5 đèn cầy, dâng 5 nén nhang, tôi chú nguyện Paritta – An Lành đến tất cả chúng sanh …

    Trở lại trước bàn thờ Phật, tôi thành tâm hồi hướng:

    KINH TỤNG RẢI TÂM BÁC ÁI ĐẾN TẤT CẢ CÁC HƯỚNG

    Nguyện cầu tám hướng, mười phương,
    Chúng sanh, muôn loại, hãy thường an vui,
    Dứt trừ oan trái nhiều đời,
    Bao nhiêu đau khổ đến hồi duyên tan.
    Hại nhau chỉ chuốc lầm than,
    Mê si, điên đảo, vô vàn lệ châu.
    Chúng sanh vô bệnh, sống lâu.
    Nguyện cho thành tựu phước sâu, đức dày.
    Nguyện cho an lạc, từ nay
    Dứt trừ thống khổ, đắng cay, oán hờn,
    Dứt trừ kinh sợ, tai ương,
    Bao nhiêu phiền não đoạn trường, vĩnh ly.
    Nguyện cầu Tam Bảo chứng tri
    Sống đời thanh tịnh, từ bi, vẹn toàn.

    KINH CHÚC NGUYỆN

    Nguyện phước lành sung mãn
    Hồi hướng chư hương linh,
    Như muôn sông ra biển.
    Xin tất cả nguyện lành
    Ðược kíp thời viên đắc.

    Xin ý thiện tâm thành,
    Thường trong sáng sung mãn,
    Như trăng tỏ ngày rằm,
    Như ma ni ngọc báu.

    Cầu uy đức Phật Bảo.
    Cầu uy đức Pháp Bảo.
    Cầu uy đức Tăng Bảo.
    Cầu chư thiên gia hộ.
    Tất cả điều phúc lành
    Luôn tựu thành như nguyện.

    HỒI HƯỚNG PHƯỚC ÐẾN CHƯ THIÊN

    Nguyện công đức tu trì
    Hồi hướng khắp chư thiên,
    Bậc thiện thần hộ pháp
    Nhiều oai đức thần lực,
    Ngự khắp cả trần hoàn,
    Hư không giới, thiên giới,
    Xin các ngài tùy hỷ
    Công đức đã thể hiện,
    Rồi hộ trì Phật pháp,
    Mãi soi sáng nhân, thiên,
    Quốc độ hưởng thái bình,
    Muôn người sống lạc nghiệp,
    Mẹ cha và thầy tổ,
    Quyến thuộc, cùng chúng sanh,
    Ðược hạnh phúc dài lâu,
    Thiểu bệnh, dứt khổ sầu,
    Ngày ngày vui tu tập,
    Tinh tiến trong đạo mầu,
    Nhất tâm cầu giác ngộ.

    KINH HỒI HƯỚNG

    Con xin hồi hướng phước lành
    Khắp cùng pháp giới chúng sanh gội nhuần,
    Mẹ cha, thầy tổ, thân nhân
    Hiện tiền, quá vãng, trọn phần phước duyên.
    Cầu xin hộ pháp, chư thiên,
    Phát tâm hoan hỷ báo truyền gần xa,
    Cầu cho mưa thuận, gió hoà,
    Pháp luân thường chuyển, nhà nhà an khương,
    Chúng sanh ba cõi, sáu đường,
    Do nhờ thực phẩm bảo tồn mạng căn,
    Nghiệp lành từ khẩu, ý, thân,
    Hoá thành phúc quả, tùy nhân sở cầu.

    PHỤC NGUYỆN

    Nguyện công đức đã làm
    Kết duyên lành giải thoát,
    Đoạn nghiệp chướng não phiền,
    Quả Niết Bàn chứng đạt.
    Nguyện chánh pháp lưu truyền,
    Phổ cập khắp thế gian,
    Chúng sanh thường tịnh lạc,
    Phật đạo chóng viên thành.
    ___
    ...

    Từ ngày hôm đó trở đi, Như không còn nhìn thấy chúng phi nhân nữa. Cô trở về với đời sống bình thường, ngày ngày đi làm trong tiệm của các cô em gái. Niệm Tâm đã mang đến cho Như cuộc sống bình an. Tôi ghi lại những lời cô nói để kết thúc câu chuyện:

    “Con hết luôn rồi thầy. Con hết thấy ma, thấy quỷ. Con cũng nhận biết là con hết sợ nhiều thứ. Mười mấy năm nay thầy ở đâu, mà thầy không giảng cái bài tập này cho chúng sanh “nó” nghe hả thầy. Con qua được cái bịnh điên này, con nghĩ đến mấy người bị tâm thần trong mấy cái nhà thương điên. Trong số họ, ai điên thiệt, ai điên giả vì có phi nhân giống như con đây. Con hết bịnh. Con ra tiệm, con khoe với mấy đứa em con là con gặp được thầy, thầy trị cho con hết bịnh. Con khuyên tụi nó ăn chay, niệm phật, ráng bố thí, ráng đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe thuyết pháp, ráng kiếm chút phước mà hộ thân. Mai này, còn phải thành ma, thành quỷ nữa, chứ không phải chết là hết, hay là chết rồi, được trở lại làm người nữa đâu. Tụi nó hổng có tin con nghe thầy. Tụi nó nói: Bà bị tưởng tượng thôi, thầy bà nào mà trị được cái bịnh điên của bà. Mấy ổng, mấy bả mà trị được bịnh điên, thì mấy cái nhà thương điên đóng cửa rồi. Bác sĩ thất nghiệp hết rồi. Tui cứ sống vậy, tui không đụng tới ai, thì cũng đừng có ai đụng tới tui. Làm gì phải đi vô chùa … Con nín luôn thầy. Chúng sanh nó vô minh thiệt, có những việc sờ sờ trước mắt, con mắt nó thấy đó chớ … mà cái miệng nó cứ nói không tin. Hèn gì, ông Phật ổng sợ cái vô minh của chúng sanh, mà ông Phật niết bàn luôn, ông Phật chạy vô niết bàn luôn, bỏ cái đám vô minh ở lại thế gian này …”


    Ngày 21 tháng 03 năm 2012
    Trân trọng
    CUUBAOLONG
    ____

    Tôi hoan hỷ sắp xếp những phần hướng dẫn Tứ Niệm Xứ và bài thực tập ghi nhận, mà tôi đã hướng dẫn cho Thanh Như, thành một trình tự, mong thuận tiện, dễ dàng cho quý Bạn tham khảo.

    “Lời nói” đặt vô “văn tự” thật không dễ. Tôi cố gắng viết “lời” thành “văn”, cho nên tôi cần đến mấy ngày mới viết xong phần kết thúc câu chuyện “Cô Như”. Mong quý Bạn hoan hỷ!

    Bài thứ nhất: “Chánh Niệm Trong Tứ Oai Nghi”

    1- ĐI:
    Khi đi, chú ý ghi nhận sức nặng của từng bàn chân tiếp xúc với chổ đặt chân xuống. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó, mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi TRONG KHI ĐI. Đi chợ, đi shopping, đi gánh nước, đi bán hàng rong, đi từ bãi đậu xe vô nhà, đi từ bãi đậu xe vô hãng, đi lên cầu thang, đi qua lại trong nhà, đi tưới rau, đi bộ thể dục, đi dạo phố, đi dạo công viên, …Trên căn bản oai nghi đi, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”.

    2- ĐỨNG:
    Khi đứng, chú ý ghi nhận sức nặng của đôi bàn chân tiếp xúc với chổ đứng. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó, mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi TRONG KHI ĐỨNG. Đứng bán hàng, đứng tính tiền, đứng giảng bài, đứng giảng thuyết, đứng nghe ông chủ la, đứng chờ xe, đứng đợi bạn, đứng nói chuyện, đứng coi thể thao, đứng hốt rác, đứng vệ sinh, đứng đánh răng, đứng rửa mặt, đứng tắm, đứng rửa rau, đứng vo gạo, đứng nấu cơm, đứng rửa chén, đứng rầy con, đứng nghe pháp, …Trên căn bản oai nghi đứng, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”.

    3- NGỒI:
    Khi ngồi, chú ý ghi nhận sức nặng của thân, nơi bàn tọa, tiếp xúc với chổ ngồi. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi TRONG KHI NGỒI. Ngồi lái xe, ngồi đánh máy, ngồi bán hàng, ngồi coi thể thao, ngồi làm sổ sách, ngồi họp hành, ngồi coi sách, ngồi học bài, ngồi xem phim, ngồi nói chuyện, ngồi trong nhà vệ sinh, ngồi gội đầu, ngồi đánh rắng, ngồi rửa mặt, ngồi nhỏ cỏ, ngồi lặt rau, ngồi vo gạo, ngồi nấu cơm, ngồi ăn cơm, ngồi rửa chén, ngồi rầy con, ngồi nghe pháp, ngồi thiền, … Trên căn bản oai nghi ngồi, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”.

    4- NẰM:
    Khi nằm, chú ý ghi nhận sức nặng của một bên vai ngã xuống chạm vào chổ nằm. Thân Thức. Chánh niệm nơi thân thức đó mà ghi nhận mọi tiểu oai nghi TRONG KHI NẰM. Nằm đọc sách, nằm xem phim, nằm coi Ti -Vi, nằm nghe nhạc, nằm chơi game, nằm nói điện thoại, nằm nghe băng thuyết pháp, …Trên căn bản oai nghi Nằm, chánh niệm lục căn tiếp xúc lục trần và niệm tâm phản ứng”

    Bài thứ hai: “Tọa Thiền Tứ Niệm Xứ”

    - Khi tọa thiền, hành giả ngồi xếp bằng, chân phải đặt trên chân trái; giữ lưng thẳng, không ưỡn, không khòm, cho khí lưu thông; đầu thẳng, bằng ngang hai vai, không hất lên, không cúi xuống; tay phải đặt trên tay trái, hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau. Hít một hơi thở vô rồi thở ra mạnh, ép hết khí ra ngoài. Làm 3 lần như vậy để tống trược khí ra ngoài. Kiểm lại tư thế ngồi cho thoải mái. Nhắm mắt, chú tâm vào nơi chót mũi. Hít vào, thở ra. Bình thường thôi. Không cố gắng hít vào. Không cố gắng thở ra. Chỉ chú ý hơi thở ra, hơi thở vô nơi hai cánh mũi. Giới hạn: chú tâm một khoảng nơi hai cánh mũi và nhân trung thôi. Hơi gió theo hơi thở vô chạm cánh mũi. Hơi gió theo hơi thở ra chạm cánh mũi. Chú tâm nơi chạm đó mà “biết” cảm giác (feeling) hơi gió chạm vào mũi. Không chú tâm theo chuyển động gió (movement) ra vào.

    - Lúc mới bắt đầu thực tập quán sát hơi thở, hành giả chú tâm nơi “cảm giác”, hay “sự chuyển động”, đều kinh nghiệm những pháp, những ấn chứng giống nhau. Nhưng, cho đến một giai đoạn, quán sát “cảm giác” là Minh Sát; theo chuyển động là Thiền Định. Giống như chữ “Y”, lúc bắt đầu thì chung một điểm, đến một lúc chia hai hướng phải, trái rỏ rệt. Cho nên, hành giả thực tập Tứ Niệm Xứ - Vipassana, phải làm phận sự rỏ ràng: Quán sát cảm giác hơi gió qua mũi thôi!

    - Hành giả làm việc quán sát hơi thở theo Tứ Niệm Xứ cũng niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp. Tất cả 4 niệm này cũng từ quán sát nơi Lục căn tiếp xúc Lục Trần mà có đủ. Vậy, phận sự hành giả Minh Sát lúc tọa thiền có 6 đối tượng quan sát; tôi nhấn mạnh đề mục chính, đối tượng chính của hành giả trên hơi thở là 7; tôi thêm vào Niệm Tâm Phản Ứng nữa là 8. Vậy, người thực hành Minh Sát có 8 phận sự:

    Thứ nhất: Chánh Niệm, ghi nhận khi mắt thấy sắc, Nhãn Thức, niệm: “thấy, thấy”.

    Thứ nhì: Chánh Niệm, ghi nhận khi tai nghe tiếng, Nhĩ Thức, niệm: “nghe, nghe”.

    Thứ ba: Chánh Niệm, ghi nhận khi mũi ngửi hương, Tỉ Thức, niệm: “mùi, mùi”.

    Thứ tư: Chánh Niệm, ghi nhận khi lưỡi nếm vị, Thiệt Thức, niệm: “vị, vị”.

    Thứ năm: Chánh Niệm, ghi nhận khi thân đụng chạm (xúc), Thân Thức, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Thứ sáu: Chánh Niệm, ghi nhận khi ý suy nghĩ (các pháp), Ý Thức, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”.

    Thứ bảy, Chánh Niệm, ghi nhận hơi gió ra vào nơi mũi: Quán sát cảm giác nơi mũi.

    Thứ tám: Với sự quán sát của tất cả 7 điều trên mà sanh tâm phản ứng: Chánh Niệm, ghi nhận tâm phản ứng, với ba bước:

    Bước thứ nhất: Chánh Niệm, ghi nhận khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Nếu tâm không phản ứng thì thôi. “Tiếp xúc chỉ là xúc thôi”.

    Bước thứ hai: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Xúc chỉ là xúc thôi”, Ý Thức sanh khởi. Chánh niệm trên ý thức vừa sanh, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”. Suy nghĩ mất, ý thức diệt. “Ý thức chỉ là ý thức thôi”

    Bước thứ ba: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Ý thức chỉ là ý thức thôi”, sanh tâm phản ứng - hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não phát sanh trong tâm. Một trạng thái tâm xao động đâu đó … trong lồng ngực, đâu đó … tận đáy trái tim. Lập tức, chú tâm, chánh niệm, ghi nhận “trạng thái” tâm đang hiện diện. Nhìn vào trạng thái tâm thôi … Đừng suy nghĩ. Không để ý thức sanh khởi và làm việc. Nhìn. Nhìn…. Nếu bất cứ suy nghĩ nào sanh lên, lập tức niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”, rồi trở lại nhìn trạng thái tâm. Chỉ có lặng yên mọi suy nghĩ mà nhìn trạng thái tâm. Tâm sanh. Tâm trụ. Tâm diệt. Một trạng thái tâm đi qua. Bình yên.

    - Khi tọa thiền, nhắm mắt, là cơ hội cho tâm không phải làm việc nhiều nơi mắt. Ngồi trong nơi im lặng, thì tâm cũng bớt làm việc nơi tai, tâm cũng bớt làm việc nơi mũi. Ngậm miệng lại, cũng làm cho tâm bớt làm việc nơi lưỡi. Tâm quán sát hơi thở là tâm làm việc nhiều nơi Thân. Niệm Thân là quán sát hơi thở. Niệm Thọ là niệm tất cả mọi cảm giác có nơi thân và có nơi tâm. Niệm Tâm là niệm biết nơi Lục Thức và niệm Tâm Phản Ứng. Niệm Pháp là biết tất cả những điều trên, rỏ nhất là “phóng tâm” và “buồn ngủ” trong lúc tọa thiền. Thân, Thọ, Tâm, Pháp là bấy nhiêu đó thôi!

    - Trong tọa thiền, hành giả thường gặp bị đau chân, tê chân, phóng tâm, và buồn ngủ. Căn bản cách niệm ba điều này, bình thường thôi:

    Tê chân, đau chân: chú tâm vào cảm giác đó, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Phóng tâm: niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ” hay “phóng tâm, phóng tâm”. Tôi dùng “suy nghĩ, suy nghĩ”, tại vì phóng tâm cũng từ ý thức.

    Buồn ngủ: chú tâm vào cảm giác đó, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    - Khi vào những khóa thiền tích cực, thì trở ngại của đau chân, phóng tâm, buồn ngủ sẽ tăng, cho nên cần có những phương pháp mạnh hơn. Chúng ta không cần phải nói đến những điều đó.


    Bài thứ ba: "Đi Kinh Hành" hay gọi là "Thiền Hành"

    Hành giả áp dụng oai nghi “Đứng” và oai nghi “Đi” trong lúc đi kinh hành. Chân trái bước, chân phải bước. Muốn đi chậm thì đi chậm. Muốn đi nhanh thì cứ đi nhanh. Hay là cứ đi khoan thai như người đi dạo mát vậy. Ghi nhận được những cảm giác: “nóng, nóng”, “nặng, nặng”, “nhẹ, nhẹ” trong oai nghi đi kinh hành là được rồi. Còn một số cảm giác nữa, "lướt, lướt". Ghi nhận được điều gì thì chánh niệm ghi nhận điều đó. Chỉ có vậy thôi. Nhớ niệm Lục Thức và Tâm Phản Ứng.

    Bài thứ tư: “Niệm Tâm: Hiện Tại Lạc Trú”.

    Một, mắt thấy sắc, niệm: “thấy, thấy”.

    Hai, tai nghe tiếng, niệm: “nghe, nghe”.

    Ba, mũi ngửi mùi, niệm: “mùi, mùi”.

    Bốn lưỡi nếm vị, niệm: “vị, vị”.

    Năm, thân đụng chạm, niệm: “cảm giác, cảm giác”.

    Sáu, ý suy nghĩ các pháp, niệm “suy nghĩ, suy nghĩ”.

    Bảy, niệm tâm phản ứng.

    Với sự quán sát của tất cả 6 điều trên mà sanh tâm phản ứng: Chánh Niệm, ghi nhận tâm phản ứng, với ba bước:

    Bước thứ nhất: Chánh Niệm, ghi nhận khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Nếu tâm không phản ứng thì thôi. “Tiếp xúc chỉ là xúc thôi”.

    Bước thứ nhì: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Xúc chỉ là xúc thôi”, Ý Thức sanh khởi. Chánh niệm trên ý thức vừa sanh, niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ”. Suy nghĩ mất, ý thức diệt. “Ý thức chỉ là ý thức thôi”

    Bước thứ ba: Nếu không kịp Chánh Niệm, ghi nhận: “Ý thức chỉ là ý thức thôi”, sanh tâm phản ứng - hỷ, nộ, ái, ố, sầu, bi, khổ, ưu, não phát sanh trong tâm. Một trạng thái tâm xao động đâu đó … trong lồng ngực, đâu đó … tận đáy trái tim. Lập tức, chú tâm, chánh niệm, ghi nhận “trạng thái” tâm đang hiện diện. Nhìn vào trạng thái tâm thôi … Đừng suy nghĩ. Không để ý thức sanh khởi và làm việc. Nhìn. Nhìn ... Nếu bất cứ suy nghĩ nào sanh lên, lập tức niệm: “suy nghĩ, suy nghĩ” rồi trở lại nhìn trạng thái tâm. Chỉ có lặng yên mọi suy nghĩ mà nhìn trạng thái tâm. Tâm sanh. Tâm trụ. Tâm diệt. Một trạng thái tâm đi qua. Bình yên.

    Chúc quý Bạn an lành.

    Ngày 22 tháng 03 năm 2012
    Trân trọng
    CUUBAOLONG
    Last edited by CUUBAOLONG; 22-03-2012 at 08:36 PM.

  3. #3

    Mặc định

    Cám ơn thầy đã post bài cho chúng em đọc, vì em đến từ tôn giáo khác nên về Phật pháp vốn rất ít hiểu biết so với đa số Phật tử ơ đây. Nhưng em có 1 niềm tin mãnh liệt muốn thay lời cô Như nói ở đoạn kết, thưa thầy : " Phật không có nhập niết bàn, Phật vẫn ở tại thế gian này, và Phật pháp sẽ mãi mãi trường tồn như những ngọn đèn soi đường không bao giờ tắt ah.

    Kính chào thầy.

  4. #4

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi TheVu Xem Bài Gởi
    Cám ơn thầy đã post bài cho chúng em đọc, vì em đến từ tôn giáo khác nên về Phật pháp vốn rất ít hiểu biết so với đa số Phật tử ơ đây. Nhưng em có 1 niềm tin mãnh liệt muốn thay lời cô Như nói ở đoạn kết, thưa thầy : " Phật không có nhập niết bàn, Phật vẫn ở tại thế gian này, và Phật pháp sẽ mãi mãi trường tồn như những ngọn đèn soi đường không bao giờ tắt ah".

    Kính chào thầy.
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

    Chào Bạn TheVu,

    Chúc Bạn an lành.

    Trân trọng
    CUUBAOLONG

  5. #5

    Mặc định

    Chúc bạn CUUBAOLONG ,khai minh tuệ sáng cho hết thảy chúng sanh A DI ĐÀ PHẬT
    rose4rose4 Chúc mọi người vạn sự bình an

  6. #6

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi minh đài Xem Bài Gởi
    Chúc bạn CUUBAOLONG ,khai minh tuệ sáng cho hết thảy chúng sanh A DI ĐÀ PHẬT
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

  7. #7

    Mặc định

    Cho dù ai đó vào đây quấy quả, và topic nầy có bị đóng cửa, xin Thầy hãy từ bi mở topic nnn thầy nhé!
    Kính xin tam bảo phò trợ cho thầy đặng sự sáng suốt đi trên con đường chánh pháp, phổ độ chúng sanh
    Lành thay tứ niệm xứ, con đường đi tới giác ngộ và giải thoát trong một đời.
    Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật
    Last edited by Tâm_định; 22-03-2012 at 03:38 PM.
    Lang thang trong cỏi luân hồi
    Cùng nhau suy ngẫm chuyện đời, chuyện tu
    Pháp Phật là pháp tự tu
    Xa rời nhân thế, sao tu đây người?

  8. #8

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Tâm_định Xem Bài Gởi
    Cho dù ai đó vào đây quấy quả, và topic nầy có bị đóng cửa, xin Thầy hãy từ bi mở topic nnn thầy nhé!
    Kính xin tam bảo phò trợ cho thầy đặng sự sáng suốt đi trên con đường chánh pháp, phổ độ chúng sanh
    Lành thay tứ niệm xứ, con đường đi tới giác ngộ và giải thoát trong một đời.
    Nam mô Bổn Sư Thích Ca mâu Ni Phật
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

    Có lẻ tại vì topic trước đã quá hạn số trang thôi.
    Tôi hoan hỷ viết bài. Tôi sẽ cố gắng ít nhất mỗi tuần sẽ có một bài viết. Quý Bạn hoan hỷ nhé!

    Mô Phật
    CUUBAOLONG

  9. #9

    Mặc định

    Thưa Thầy CUUBAOLONG,

    Thầy có blog hay facebook lưu lại những câu chuyện này không vậy Thầy? Sẽ tiếc lắm nếu những bài viết hay như vậy thực tế như vậy và chứa đựng nhiều kiến thức như vậy bị trôi tuột xuống rồi mất luôn như số phận các topic bị khóa khác...

  10. #10

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi karendttv Xem Bài Gởi
    Thưa Thầy CUUBAOLONG,

    Thầy có blog hay facebook lưu lại những câu chuyện này không vậy Thầy? Sẽ tiếc lắm nếu những bài viết hay như vậy thực tế như vậy và chứa đựng nhiều kiến thức như vậy bị trôi tuột xuống rồi mất luôn như số phận các topic bị khóa khác...
    Chào Bạn,
    Tôi không có blog hay Facebook. Bạn PucaQuynhNga hoan hỷ mang những bài viết như thế này vào blog của QuynhNga, xem như chúng đã được Lưu lại rồi vậy.
    Cám ơn Bạn karendttv.
    Hoan Hỷ!

    Mô Phật
    CUUBAOLONG

  11. #11

    Mặc định

    Cảm ơn thầy CUUBAOLONG. Bài viết này của thầy thật là dễ hiểu, dễ nhớ, vô cùng có ích đối với chúng con trong quá trình tu tập.

    Sincerely thanks

  12. #12

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Being Nobody Xem Bài Gởi
    Cảm ơn thầy CUUBAOLONG. Bài viết này của thầy thật là dễ hiểu, dễ nhớ, vô cùng có ích đối với chúng con trong quá trình tu tập.

    Sincerely thanks
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

    Chào Bạn Being Nobody.
    Hoan hỷ, hoan hỷ.

    Chúc Bạn an lành.

    Mô Phật
    CUUBAOLONG

  13. #13

    Mặc định

    chào thầy, nếu mình kg tu thiền, nhưng tụng bài kinh này trướba2a2n phật được không hả thầy? và tụng luân phiên hai bài kinh khác nhau được không thầy. Mong thầy hoan hỷ cho .
    Nam mô a di đà phật.

  14. #14

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi minhkieu Xem Bài Gởi
    chào thầy, nếu mình kg tu thiền, nhưng tụng bài kinh này trướba2a2n phật được không hả thầy? và tụng luân phiên hai bài kinh khác nhau được không thầy. Mong thầy hoan hỷ cho .
    Nam mô a di đà phật.
    Chào Bạn,
    Dạ được. Từ từ, tôi sẽ post lên những bài kinh tụng hàng ngày, kinh dùng để cầu an, kinh dùng để cầu siêu để Bạn tham khảo và tùy nghi chọn lựa.

    Mô Phật
    CUUBAOLONG

  15. #15

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi CUUBAOLONG Xem Bài Gởi
    Chào Bạn,
    Dạ được. Từ từ, tôi sẽ post lên những bài kinh tụng hàng ngày, kinh dùng để cầu an, kinh dùng để cầu siêu để Bạn tham khảo và tùy nghi chọn lựa.

    Mô Phật
    CUUBAOLONG
    Kính thưa Ni Sư, mấy bữa nay con du hành vào lòng địa cầu, thấy toàn lửa rừng rực, nhưng lên nơi đây đọc những bài của ni sư pot từ topic số 1, con cảm thấy như tìm được cái phao của cuộc đời. Con nổi lên được rồi thì trân trọng cảm ơn ni sư, và cho con dâng lòng thành kính đảnh lễ Tam Bảo và Đức Thế Tôn luôn.

    Con phải nổi lên thôi, nếu không nổi lên thì vừa phải bị chìm mãi trong vô minh, vừa lại sợ bị người ta kiu là anh hùng núp lùm, trốn chui trốn nhủi. Có gì nếu người ta ghẹo con là anh hùng núp lùm, kính xin ni sư từ bi cho con núp dưới tà áo màu vàng của ni sư nha. Nhưng mà nói thiệt, con chưa phải anh hùng gì đâu vì vẫn còn dưới sự quản thúc của gd con. Con trai vậy thì chưa gọi là anh hùng. Con nói trước để không lại bị cái chị Mơ Mơ dễ thương gì đó móc ra ghẹo.

    À, cho con hỏi ni sư mặc áo màu vàng hay màu lam phải không?

    Ni sư có thể nhận con làm đệ tử được không? Con nghe nói tu thiền gì cũng vậy, phải nên có một người thầy, nhất là người thật từ bi như ni sư.

    Trân trọng cảm ơn ni sư rất nhiều. Hi vọng ni sư không nỡ từ chối không nhận đệ tử này.

    Dạ chào ni sư của con.

  16. #16

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi HoangTuMongMo Xem Bài Gởi
    Kính thưa Ni Sư, mấy bữa nay con du hành vào lòng địa cầu, thấy toàn lửa rừng rực, nhưng lên nơi đây đọc những bài của ni sư pot từ topic số 1, con cảm thấy như tìm được cái phao của cuộc đời. Con nổi lên được rồi thì trân trọng cảm ơn ni sư, và cho con dâng lòng thành kính đảnh lễ Tam Bảo và Đức Thế Tôn luôn.

    Con phải nổi lên thôi, nếu không nổi lên thì vừa phải bị chìm mãi trong vô minh, vừa lại sợ bị người ta kiu là anh hùng núp lùm, trốn chui trốn nhủi. Có gì nếu người ta ghẹo con là anh hùng núp lùm, kính xin ni sư từ bi cho con núp dưới tà áo màu vàng của ni sư nha. Nhưng mà nói thiệt, con chưa phải anh hùng gì đâu vì vẫn còn dưới sự quản thúc của gd con. Con trai vậy thì chưa gọi là anh hùng. Con nói trước để không lại bị cái chị Mơ Mơ dễ thương gì đó móc ra ghẹo.

    À, cho con hỏi ni sư mặc áo màu vàng hay màu lam phải không?

    Ni sư có thể nhận con làm đệ tử được không? Con nghe nói tu thiền gì cũng vậy, phải nên có một người thầy, nhất là người thật từ bi như ni sư.

    Trân trọng cảm ơn ni sư rất nhiều. Hi vọng ni sư không nỡ từ chối không nhận đệ tử này.

    Dạ chào ni sư của con.
    Chào Bạn HoangTuMongMo,

    Tôi mặc Y áo theo chư tăng Nam Tông Bạn à, màu vàng đậm.

    Tôi biết tâm bạn chân thành, nhưng, như thường lệ, tôi "lắc đầu" trước việc nhận đệ tử. Bao nhiêu năm qua, tôi luôn luôn khuyến khích mọi người tìm đến quy y với chư Tăng, những bậc Tôn Túc. Phần tôi, tôi chỉ muốn làm một Người Bạn Lành của tất cả, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tu tập với tất cả mà thôi.

    Mong Bạn hoan hỷ.
    Trân trọng
    CUUBAOLONG

  17. #17

    Mặc định

    Chào Thầy!

    Chúc Thầy thân tâm an lạc.

    Con xin dán lại link cho các vị đạo hữu dễ dàng tham khảo các bài cũ trong link trước của Thầy: http://www.thegioivohinh.com/diendan...d.php?t=100677

    A Di Đà Phật _()_
    Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn Tịnh Độ thệ nguyện học. Như Lai vô biên thệ nguyện sự. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

  18. #18

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Nhất Niệm Xem Bài Gởi
    Chào Thầy!

    Chúc Thầy thân tâm an lạc.

    Con xin dán lại link cho các vị đạo hữu dễ dàng tham khảo các bài cũ trong link trước của Thầy: http://www.thegioivohinh.com/diendan...d.php?t=100677

    A Di Đà Phật _()_
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

  19. #19

    Mặc định

    Chưa bao giờ con thấy lời Phật dạy lại dể hiểu dễ cảm nhận đến thế, con đã tìm đọc tứ niệm xứ , đọc rồi lại quên , không biết cách thực hành , Đọc bài của Thầy hôm nay con đẵ reo lên nhiều lần sung sướng !! tuyệt vời quá Thầy ơi , Bài viết của THầy hôm này con đã đọc trong 2 tiếng đồng hồ , con thấy vui lắm
    Lần đầu tiên con hiểu chánh niệm như thế nào , "cảm" ra sao , và con thực hành luôn khi đang đọc , con kể Thầy nghe
    Con có một nỗi lo lắng là mỗi khi con nhìn thấy số 11:11 ( 11 giờ 11 phút) là chắc chắn rằng trong ngày hôm đó con sẽ có chuyện gì lo lắng , bất hòa , phiền muộn, xui gì đó xảy ra cho con hay cho Chồng con , nên con luôn luôn tránh , cứ gần đến 11 giờ là con tránh coi vi tính , tránh cái free box nó có cái giờ bằng số , cái microwaze , bất kể cái nào có hiện số giờ là con tắt , hoặc con đi lung tung để né tránh k thấy, nếu con thấy nó là nguyên 1 ngày con chờ hồi hộp lo lắng , hôm nay con đang đọc bài viết của Thầy đến gần 11 giờ , vừa đọc còn vừa để ý , 11:3 , rồi 11:7 con định gập máy xuống đi làm gì đó rồi đọc tiếp , nhưng rồi con đẵ vừa đọc và chờ để Nhìn , và con đẵ nhìn , con Thấy thấy , con quan sát tâm , tâm yên con lại nhìn và Thấy thấy , thấy thấy , tâm vẫn yên , qua đên phút 11:12 con tư nhiên Oah đã quá , con cảm giác !! con vui lắm thưa Thầy , mọi khi con tránh nó như tránh tà ấy , con vượt qua cảm giác sợ khi thấy nó rồi , còn nguyên 1 ngày hôm này nữa nếu có chuyện buồn , xui gì thì con cũng cố 'tỉnh thức' hihih
    Con cảm tạ Thầy vô cùng , những bài viết của Thầy thực sự lay chuyển con nhiều lắm!!
    Con kính lễ Thầy ,

  20. #20

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi NGỌC TƯỜNG Xem Bài Gởi
    Chưa bao giờ con thấy lời Phật dạy lại dể hiểu dễ cảm nhận đến thế, con đã tìm đọc tứ niệm xứ , đọc rồi lại quên , không biết cách thực hành , Đọc bài của Thầy hôm nay con đẵ reo lên nhiều lần sung sướng !! tuyệt vời quá Thầy ơi , Bài viết của THầy hôm này con đã đọc trong 2 tiếng đồng hồ , con thấy vui lắm
    Lần đầu tiên con hiểu chánh niệm như thế nào , "cảm" ra sao , và con thực hành luôn khi đang đọc , con kể Thầy nghe
    Con có một nỗi lo lắng là mỗi khi con nhìn thấy số 11:11 ( 11 giờ 11 phút) là chắc chắn rằng trong ngày hôm đó con sẽ có chuyện gì lo lắng , bất hòa , phiền muộn, xui gì đó xảy ra cho con hay cho Chồng con , nên con luôn luôn tránh , cứ gần đến 11 giờ là con tránh coi vi tính , tránh cái free box nó có cái giờ bằng số , cái microwaze , bất kể cái nào có hiện số giờ là con tắt , hoặc con đi lung tung để né tránh k thấy, nếu con thấy nó là nguyên 1 ngày con chờ hồi hộp lo lắng , hôm nay con đang đọc bài viết của Thầy đến gần 11 giờ , vừa đọc còn vừa để ý , 11:3 , rồi 11:7 con định gập máy xuống đi làm gì đó rồi đọc tiếp , nhưng rồi con đẵ vừa đọc và chờ để Nhìn , và con đẵ nhìn , con Thấy thấy , con quan sát tâm , tâm yên con lại nhìn và Thấy thấy , thấy thấy , tâm vẫn yên , qua đên phút 11:12 con tư nhiên Oah đã quá , con cảm giác !! con vui lắm thưa Thầy , mọi khi con tránh nó như tránh tà ấy , con vượt qua cảm giác sợ khi thấy nó rồi , còn nguyên 1 ngày hôm này nữa nếu có chuyện buồn , xui gì thì con cũng cố 'tỉnh thức' hihih
    Con cảm tạ Thầy vô cùng , những bài viết của Thầy thực sự lay chuyển con nhiều lắm!!
    Con kính lễ Thầy ,
    SÀDHU, SÀDHU, SÀDHU!

    Bạn chánh niệm "trạng thái tâm vui" nữa nhé!
    Last edited by CUUBAOLONG; 22-03-2012 at 08:31 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 112
    Bài mới gởi: 21-05-2019, 08:28 AM
  2. Hành trình một linh hồn
    By TuTam in forum Thông thiên học
    Trả lời: 33
    Bài mới gởi: 18-10-2013, 02:27 PM
  3. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 30-09-2013, 07:34 AM
  4. Trả lời: 20
    Bài mới gởi: 06-04-2012, 11:22 PM
  5. Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 24-11-2011, 12:30 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •