Công phu tu tập thường phải chịu nhiều thử thách gian nan. Cần phải có lòng kiên trì, kham nhẫn và chịu đựng mọi thiếu thốn. Ta cần phải tự mình làm lấy, tự mình thể nghiệm lấy, và tự mình thực hiện lấy. Tuy nhiên, các học giả thường hay bị lầm lẫn. Thí dụ như khi ngồi thiền, vừa được chút ít an ổn thì họ liền khởi lên nghĩ rằng: "À! Đây chắc là Sơ thiền rồi!" Tâm trí họ đã hoạt động như thế đó. Và một khi các tư tưởng đó khởi sinh lên, tức thì sự an tịnh mà họ đang thể nghiệm liền bị lay chuyển. Không bao lâu, họ lại bắt đầu tưởng rằng có lẽ họ đã đạt đến Nhị thiền. Các bạn đừng nên suy nghĩ và ước đoán như thế. Không có một bản cáo thị nào thông báo cho ta biết ở giai tầng nào của thiền-na mà ta đang thể nghiệm. Sự thật lại hoàn toàn khác hẳn. Không có gì giống với các bản chỉ đường cho các bạn, "Đây là hướng đi về Wat Nong Pah Pong" cả. Đó không phải là điều mà tôi tìm đọc thấy trong tâm trí. Không có chút gì để thông báo, cáo tri cả.

Mặc dù có nhiều vị học giả uyên thâm đã viết nhiều bản tường trình mô tả Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, nhưng những gì được viết ra đó hoàn toàn là những tài liệu, chi tiết về bên ngoài. Khi tâm tư đang đi vào các tình trạng an định thâm sâu, tâm tư ấy không biết đến những gì đã được viết sẵn. Tâm ấy biết, nhưng điều mà tâm ấy biết, không phải cùng một thứ với lý thuyết đã đọc được. Nếu các học giả chụp lấy các lý thuyết và mang chúng vào trong sự thiền quán của họ, ngồi và ngẫm nghĩ: "Hừm! Cái gì đây? Phải là Sơ thiền đó chăng?" Đấy! Sự an định vừa bị lay chuyển rồi, và họ không thể nghiệm được chút gì có giá trị thực sự. Tại sao lại như vậy? Bởi vì đó là ý mong cầu, và khi đã có khát vọng, thì điều gì sẽ xảy ra? Tâm liền rút lui khỏi việc hành thiền. Bởi vậy cho nên tất cả chúng ta cần phải vứt bỏ sự suy nghĩ và ước đoán như thế. Bạn hãy dẹp bỏ chúng trọn vẹn đi. Hãy dùng lấy sắc thân, lời nói và tâm tư làm đề tài khảo sát để tu tập. Hãy quan sát các hoạt động của tâm nhưng đừng mang các sách vở viết về Chánh pháp vào trong đó với bạn. Nếu không, mọi việc sẽ trở nên rối ren, bởi vì không có gì trong sách lại tương ứng đúng với Sự Thật mà muôn sự vật đang là như thế.

Những người học nhiều quá, đầy ắp các kiến thức lý thuyết, thường không thành công trong việc thực tập Chánh Pháp. Họ bị sa lầy ở giai đoạn sưu tầm tài liệu. Sự thật là không thể đo lường được tâm trí bằng các tiêu chuẩn ngoại tại. Nếu tâm trí trở nên an tịnh, chỉ nên để cho nó an tịnh. Các giai tầng thâm sâu của sự an định quả thật là có. Riêng cá nhân tôi, trước kia, tôi không biết chi nhiều về lý thuyết thực hành. Tôi đã là tỳ khưu từ hơn ba năm mà vẫn còn một số lớn các câu hỏi về định lực thực sự ra làm sao. Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều đó và cố gắng tìm hiểu trong khi tôi hành thiền, nhưng tâm tôi lại càng bất an và xao lãng hơn lúc trước! Số lượng các sự suy nghĩ thật sự đã gia tăng lên nhiều. Khi tôi không hành thiền, thì tôi lại an tịnh hơn. Trời! Như thế, có khó khăn và bực bội chăng? Nhưng mặc dù gặp nhiều trở ngại, tôi vẫn cứ tiếp tục. Khi tôi không cố làm điều chi đặc biệt hơn, tâm trí tôi lại tương đối thoải mái. Nhưng khi nào tôi quyết tâm làm cho tâm trí tôi qui nhất lại trong định lực (samādhi), thì tâm ấy lại vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Tôi tự hỏi, "Điều gì đang xảy ra thế? Tại sao lại như vậy?"

Sau này, tôi mới nhận thức ra hành thiền có thể đem ra so sánh với tiến trình hơi thở. Nếu tôi quyết tâm ép cho hơi thở trở nên cạn, sâu, hoặc bình thường, thì rất khó mà làm được như thế. Tuy nhiên, nếu ta đi tản bộ và không để ý đến các luồng hơi thở đang thở ra, thở vào, thì lại rất thoải mái, thư giãn. Tôi chợt nghĩ: "À! Có lẽ đây là đường lối có hiệu quả đấy!"

Khi một người đi tới, đi lui bình thường suốt ngày, không cố tâm chú ý gì đến hơi thở, thì hơi thở có làm cho người ấy khổ sở không? Không, anh ta cảm thấy thư thái. Nhưng khi tôi ngồi xuống với lời nguyện quyết tâm làm cho tâm được an tịnh, tức thời sự bám chặt và đeo níu liền len vào. Khi tôi thử điều chỉnh hơi thở cho sâu hoặc cạn, thì việc đó chỉ làm cho tôi thêm căng thẳng. Tại sao vậy? Bởi vì cái ý chí, mà tôi đang dùng đây, bị nhuốm bẩn vì sự bám chặt và đeo níu. Tôi còn chưa hiểu được điều gì đang xảy ra đó. Tất cả sự cản trở, thất bại và khó nhọc đó đã nổi lên chỉ vì tôi đã đưa lòng mong cầu vào trong việc hành thiền.

Trích An bình tĩnh lặng
Bình Anson