"Rút ruột" đức tin


Hàng ngày, những người trần mắt thịt đã phải nhiều lần sửng sốt với những công trình 'treo móng', 'rút xương', 'khoét lõi'; những thuật ngữ cả người đọc lẫn người viết đều cảm thấy tê đắng. Thế nhưng cảm giác tê đắng ấy giờ đây những đấng linh thiêng cũng phải nếm trải...

Chữ tâm nhem nhọ


Những ngày này, khi phiên tòa 'tượng đài Điện Biên' đang diễn ra, dư luận lại có dịp hướng sự chú ý về Điện Biên, nơi có công trình tượng đài bằng đồng lớn nhất từ trước đến nay, nhưng cũng "đau khổ" nhất khi chưa hoàn thành đã bị chính những người thực hiện rút ruột cả trăm tấn đồng.

Chưa có lúc nào, cụm từ "khổng lồ" được phổ biến như hiện nay. Khắp nơi nơi người ta đua nhau trưng ra những thứ khổng lồ nhất: bức tranh dài nhất, chiếc bánh lớn nhất... Nếu cần phải bắt căn nguyên một hội chứng xã hội nào đó, có lẽ cần phải đưa cuốn sách Guiness Việt Nam ra làm "tội đồ" chăng? Bởi nó đã và đang rập khuôn ra một trào lưu xã hội chạy theo hình thức.



Tượng đài Điện Biên cũng nằm trong những sản phẩm khổng lồ đó. Báo chí theo sát diễn biến quá trình đúc tượng, ngày bức tượng được khai trương là ngày hội lớn. Bao ngôn từ đẹp đẽ ngợi ca làm nức lòng người sống, và những người nằm xuống có linh thiêng hẳn cũng mát lòng. Đó thực sự là một sự kiện đẹp đẽ để tôn kính quá khứ, đồng thời để lại cho đời một tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu.

Nhưng chao ôi, chỉ vài ngày sau người ta đã phát hiện bên trong sự tôn kính ấy là sự giả dối, phản trắc lọc lừa mà ai đó đã lợi dụng chiếc áo đức tin phủ ngoài để toan tính những vụ lợi cá nhân đê hèn nhất. Một khối lượng 'ruột' bị rút lõi 'khổng lồ'; từ những thủ đoạn và sự vô liêm sỉ 'khổng lồ'. Một trăm tấn đồng vật chất - quy đổi bằng niềm tin của xã hội, đức tin của tâm linh, máu xương người nằm xuống - phải là bao nhiêu tấn?


Cũng tương tự như chuyện cách đây vài năm người ta dâng bánh dầy khổng lồ bằng xốp và lõi sắt lên các Vua Hùng. Khi được xuất phát từ tâm không thành, lễ lạt biến thành xúc phạm. Đức tin chỉ còn là chiếc áo "khổng lồ" nặng hình thức, màu mè giả dối; giả dối ngay với tổ tiên và với linh hồn người đã khuất. Nếu đây không phải là một sản phẩm chỉ để lòe loẹt phô trương mà là một chiếc bánh dâng vua thực sự thì tội ấy bao người sẽ rơi đầu?

Hàng ngày, những người trần mắt thịt đã phải nhiều lần sửng sốt với những công trình 'treo móng', 'rút xương', 'khoét lõi'; những thuật ngữ cả người đọc lẫn người viết đều cảm thấy tê đắng. Thế nhưng cảm giác tê đắng ấy giờ đây những đấng linh thiêng cũng phải nếm trải, mới thấy lòng tham con người là khôn cùng.


Chiếc áo lòe loẹt


Cũng chỉ mới đây thôi, người ta cũng tranh cãi ồn ào quanh một ngôi trường chỉ vì cái tên của nó. Chuyện tưởng nhỏ nhưng hóa ra lại kinh động đến cả các bậc mang trọng trách 'quốc gia đại sự'. Ngôi trường vốn được sinh ra từ một hợp tác quốc tế đã gắn bó với bao thế hệ học sinh thủ đô. Thế nhưng người ta nhất định đòi đổi tên ngôi trường ấy chỉ để chào mừng một dịp kỷ niệm, chỉ vì 'người ta' ấy đã bỏ tiền xây ngôi trường khi nó đã đến lúc phải nâng cấp di dời.
Chao ơi, khi người ta đưa ra những dự định quá lớn lao vĩ đại rồi vì đủ thứ lý do đến lúc thật cấp bách rồi vẫn không làm được gì cả, để rồi người ta phải tận dụng cả một cái tên để điền vào, cũng như cách người ta đã từng làm với một tòa nhà cao tầng Hàn Quốc. Chưa khi nào câu thành ngữ 'Đầu voi đuôi chuột' lại đúng đắn và thấm thía như thời đại 1000 năm Thăng Long này. Lại một hoạch định 'khổng lồ', với những con số về thời gian tiền bạc ban bệ vô cùng vĩ mô, để rồi người ta phải dùng những thứ 'vi mô' như cái tên để đưa vào '1000 năm Đại cáo'.

Cũng chưa bao giờ những cụm từ Đại lễ, quốc lễ... lại trở nên HOT như hiện nay, thậm chí trở thành ám ảnh. Thế nhưng còn nhiều thứ khác như 'quốc nạn; 'quốc khố' 'quốc dân' hay đại hạn, đại hung... từ những nguy cơ mất rừng đầu nguồn, từ những con sông đang cạn kiệt trơ đáy; từ những khoản vay mượn quốc tế để lại cho cháu con ngày một nặng lên; hay từ những đường phố lùng nhùng không lối thoát hoặc chẳng bao giờ thoát lại chưa thành cụm từ HOT.
Rồi gần đây - cũng 'trên đà' hướng về ngày Đại lễ của dân tộc - người ta lại lên kế hoạch bỏ ra vài chục tỷ để chỉnh trang các tuyến phố thủ đô, trong đó nhiều dãy phố sẽ được sơn màu giống nhau.

Chưa biết vài chục tỷ đó có phải là cách chi tiêu hợp lý hay không, nhưng sau bao thời gian công sức thảo luận về giữ gìn di sản và bản sắc, người ta lại lựa chọn cách đánh đồng già trẻ gái trai vào một kiểu đồng phục, trong khi còn bao nhem nhọ trên mặt mũi chân tay họ chẳng được giải quyết.

Một số tiền lớn chỉ để phủ lớp phấn son bề ngoài, còn những xấu xí khuyết tật bên trong vẫn nguyên như cũ. Chẳng lẽ đây là cách hay nhất để người hậu thế bày tỏ sự cung kính tiên tổ, trọng vọng tiền nhân chăng?

Đã có lúc người ta định đập bỏ cầu Long Biên, lúc người ta lại đòi bán biệt thự cổ, rồi người ta tính đủ phương cách để 'phát triển' 'văn minh' đô thị, nhưng cuối cùng càng tính đô thị càng trở nên rối rắm, phát triển kiểu hỗn mang năm bề bốn phía chen chúc. Thế là người ta tìm được một cách giải quyết thật hoàn hảo: may cho nó tấm áo mới, khoác lên nó bộ mặt hân hoan cung nghinh tiên tổ trong ngày trọng đại.

Chỉ sợ chưa đến lúc cung nghinh, chiếc áo đã tơi tả trôi tuột trơ ra đủ thứ ghẻ lở.

Cái cần sự 'khổng lồ' nhất là Tâm thì nhỏ hẹp quá, mà chiếc áo kia thì quá rộng. Chao ơi!


Tác giả: Đoàn Hoàng Đan