Làng “săn” nhà sàn cổ


KTNT - Không phải ở miền núi xa xôi mà ngay giữa đồng bằng có một làng buôn gỗ đã “phát minh” ra nghề mới: Nghề săn lùng nhà sàn cổ. Đó là làng Cổ Bản, xã Đồng Mai (Thanh Oai - Hà Tây). Trong vai người đi mua nhà sàn, chúng tôi được ông chủ tên Tuấn - một tay buôn nhà sàn “khét tiếng” giới thiệu hàng trăm căn nhà cổ được lưu lại trong cuốn album... “chuyên nghiệp” như bất cứ một nghề thời thượng nào.

Lên rừng săn nhà



Khi mốt “chơi” nhà sàn cổ lên ngôi, người dân làng Cổ Bản cùng đội ngũ chân rết đi “săn” khắp các huyện lị của tỉnh Hoà Bình như: Lạc Thuỷ, Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn; thậm chí sang cả Sơn La, Lai Châu... để lùng nhà sàn cổ. Và rồi từ bản làng xa xôi, hẻo lánh, hàng chục chiếc xe tải lặng lẽ nối đuôi nhau chở những bộ khung nhà sàn từ khắp các ngả rừng Tây Bắc dọc theo Quốc lộ 6 đổ buôn cho các ông chủ ở Cổ Bản.

Tuấn cho biết: “Vài năm trước, để kiếm một ngôi nhà sàn cổ chỉ cần lang thang vài ngày ở Hoà Bình là có ngay. Nhưng nay, phải ngược lên Yên Bái, Lào Cai, Sơn La... lặn lội vào chốn rừng thiêng nước độc may ra mới “tăm” được một cái”. Hai bên Quốc lộ 6 đoạn qua Cổ Bản chất từng đống cột, kèo, xà, ván... Đó là những nhà sàn được dỡ từ các tỉnh mang về với hàng ngàn mét khối gỗ. Tuấn khẳng định: “Em đảm bảo “săn” bằng được cho khách những nếp nhà sàn theo ý muốn, chỉ có điều thoả thuận bằng miệng thì không đủ tin cậy nên em phải chụp ảnh để khách lựa chọn. Nếu đồng ý thì mới bàn bạc tới giá cả”. Tuấn cho biết thêm: “Chơi loại hàng này phải có đường dây mới làm được, bây giờ hàng lại hiếm, biểu giá thay đổi từng ngày...”. Nói xong, Tuấn mở tủ lôi ra cuốn album có ảnh hàng chục ngôi nhà chụp ở mọi góc độ rồi chỉ tay vào một tấm, Tuấn “thuyết minh”: “Ngôi nhà này nằm ở tận một làng sát biên giới Việt – Lào. Nhà trưởng bản đấy, gần 400 tuổi rồi, được dựng bằng gỗ chò, gụ, táu... có giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2. Nếu các anh đồng ý em mới dám kêu đường dây làm lễ, dỡ nhà”. Chúng tôi tỏ ý không thích, yêu cầu giới thiệu cho một nhà sàn khác. Tuấn động viên chúng tôi đợi, anh ta hứa sẽ “săn” bằng được một ngôi nhà ưng ý cho chúng tôi.

Kiểu làm ăn có một không hai

ở Cổ Bản hiện nay, nhiều người mang danh ông chủ xưởng gỗ, nhưng thực chất là “trùm” đường dây chuyên buôn bán nhà sàn cổ từ miền núi về xuôi, từ những “phi vụ” này, họ kiếm tiền tỷ một cách dễ dàng. Trong số những cái tên như Đình Đối, Duy Hải, Văn Tính, Văn Mậu..., đáng mặt “đại gia” hơn cả là “trùm” Nguyễn Văn Mậu. Mậu vốn là “dân thổ” nhà sàn ở Hoà Bình dạt về Cổ Bản, đóng đô ở đây gần 10 năm nay, hiện đang nắm cả trăm “chân rết” cắm khắp miền Bắc. Công ty của ông chủ này lúc nào cũng chất hàng trăm khối gỗ dưới dạng rui, mè, xà, kèo, cột, ván... Mỗi ngày, gần 20 công nhân phải luôn tay đục, đẽo, cưa xẻ, chạm trổ, kẻ vẽ... Phương châm của “trùm” Mậu là không từ chối bất cứ yêu cầu nào của khách, từ ngôi nhà vài ba chục năm tới vài trăm năm; diện tích căn nhà từ 60 – 70m2 đến những loại nhà ngũ đại đồng đường 200 – 250m2. Mấy năm nay, một hoạ sỹ “kiêm” dân chơi cổ vật có tiếng ở Hà Nội cũng về đây dụng đất làm ăn, hiện đang làm chủ một “công trường” gần chục nhà sàn, nhà cổ, nhà rường, nhà bức bàn các loại.

Còn ông chủ Đối cũng đang “nắm” một xưởng mộc lớn với hơn chục thợ mộc tinh nhuệ. Toàn bộ gỗ trong xưởng là các chi tiết được tháo ra từ hàng trăm nhà sàn cổ, nhà cổ Bắc Bộ. Các thợ mộc ở đây chỉ là một mắt xích trong đường dây làm ăn, họ làm nốt những công đoạn cuối cùng là “mông má”, đục đẽo, chạm trổ... rồi dựng lại nếp nhà sau khi tiếp nhận đồ gỗ từ đội quân vận chuyển ở rừng về. Từ khi có “cơn sốt” nhà sàn đến nay, các ông “trùm” ở Cổ Bản đã cất hàng ngàn ngôi nhà từ khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”.

Một ông chủ cho biết, mỗi nếp nhà sàn mua tại gốc chỉ có giá 20-30 triệu đồng. Nhưng khi chở về đây, sau khi “mông má”, tỉa tót, lắp ghép, các ông chủ bỏ túi cả trăm triệu đồng như chơi. Nhà sàn không có biểu giá nhất định vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất liệu gỗ, công vận chuyển, tuổi thọ của nhà... Hiện nay, các ông chủ ở Cổ Bản đang ráo riết săn lùng nhà sàn cổ, không chỉ dừng lại ở những ngôi nhà bình dân giá 100-200 triệu đồng mà còn hướng tới những kiểu nhà “độc” với giá bán 600-700 triệu đồng/ngôi, nếu là gỗ lim và pơmu thì giá 1 – 2 tỷ đồng/ngôi. Để săn cho được loại nhà độc trên, các “trùm” còn dám trả trên 1 triệu đồng/người/tháng cho đám “tay chân” và trích phần trăm cho từng người nếu họ tìm được những ngôi nhà “độc”.

Không ít hộ dân tộc Thái, Mường, Tày thấy dân Cổ Bản trèo đèo lội suối lên trả ngôi nhà cũ kỹ đang bị mối mọt gặm nhấm từng ngày với giá 20-30 triệu đồng thì gật đầu bán liền. Nhưng bán xong rồi chính họ lại cầm búa vào rừng đốn cây về dựng nhà mới. Không chỉ khiến vốn rừng ngày một cạn kiệt, nạn buôn bán nhà sàn cổ còn làm bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Bắc bị mai một. Thực trạng đáng buồn này, đến bao giờ chấm dứt?

Thu Huệ