"Thần y" chữa bệnh dại

KTNT - Gần 40 năm hành nghề chữa bệnh cứu người, tuy đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng lương y Nguyễn Đức Chính ở xã Bắc Sơn (Ân Thi - Hưng Yên) vẫn cần mẫn chữa trị cho hàng trăm người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cảm cái ân đức cao cả ấy, người dân địa phương gọi ông là “thần y” chữa bệnh dại.

Lương y Nguyễn Đức Chính đang khám bệnh.

Duyên nghề

Vòng vo qua vài ngõ nhỏ, chúng tôi đến nhà lương y Nguyễn Đức Chính vào một ngày cuối tháng Tám. Ngôi nhà ngói ba gian nhỏ bé lọt thỏm trong vườn thuốc. Trong nhà, ngoài hiên, hàng chục bệnh nhân từ khắp các tỉnh lặn lội đến nhờ ông cứu giúp.

Anh Nguyễn Văn Toàn, một trong những bệnh nhân bị chó dại cắn, được thầy Chính cho uống thuốc, giờ đã tỉnh táo nói với chúng tôi: “Bệnh viện trả về, em tưởng mình không qua khỏi, cũng may có thầy Chính cứu giúp nếu không em đã xanh cỏ rồi”.

Phải chờ khá lâu, ông Chính mới có thời gian tiếp chúng tôi. Trong khói chè nghi ngút quyện với mùi thơm của thuốc Bắc, ông trầm tư kể cho chúng tôi nghe về con đường đến với nghề y. Ông ví đó là định mệnh, là cái duyên thầm kín.

Sinh năm 1938, từ khi tóc còn để chỏm, cậu bé Chính đã được ông bác dạy cho cách bốc thuốc và trị bệnh dại. Lớn lên, Chính nhập ngũ, chiến đấu tại các chiến trường ác liệt nhất. Thuở ấy, bên đất bạn Lào không ít chiến sĩ của ta bị chó dại cắn khi hành quân qua những vùng chảo lửa. Sẵn có chút kiến thức, lại biết cách pha chế phương thuốc bí truyền cha ông để lại, Chính đã ra tay cứu hàng chục đồng đội thoát khỏi cái chết. Cũng vì thế mà đồng đội gọi ông là “chiến sĩ chữa dại”. Thậm chí, đến tận bây giờ, khi đã mấy mươi năm xa cách, gặp lại nhau, bạn bè vẫn gọi ông như vậy.

Năm 1970, phục viên trở về quê hương, trên người mang bao thương tích của bom đạn chiến tranh nhưng ông Chính vẫn cố gắng giúp ích cho đời bằng những bài thuốc chữa bệnh dại. Ông kể: “Lẽ ra tôi không theo nghề thuốc, nhưng vì những năm mới về quê hương, thấy nhiều người làng chết vì bị chó dại cắn, tôi không cầm lòng được. Những cái chết tức tưởi, đau đớn đã làm tôi day dứt. Tôi quyết tìm ra phương thuốc mới cứu người”. Sau nhiều tháng cặm cụi nghiên cứu, thử nghiệm trên chính thân thể của mình, lương y Chính bắt đầu nghiệp thuốc giành lại sự sống cho những bệnh nhân bị dại dù họ đang đứng ở ngưỡng cửa đối mặt với tử thần.

Lương y như từ mẫu


Lương y Nguyễn Đức Chính pha chế thuốc cho
bệnh nhân uống.




Gần 40 năm theo nghề, lương y Nguyễn Đức Chính không nhớ mình đã cứu bao nhiêu bệnh nhân. Trong số hơn chục bệnh nhân đang được ông chữa trị tại nhà, chị Hoàng Thị Doan ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) là một trong những bệnh nhân nặng nhất. Hôm mới bị chó cắn, chị lên cơn sốt rồi co giật, sùi bọt mép... Gia đình lo lắng tưởng chị trúng độc liền đưa chị lên Hà Nội chữa trị. Đến nơi, các bác sĩ trả lời không thể chữa được và khuyên gia đình đưa chị về. Biết tin, ông Chính đã lặn lội đạp xe đến tận nhà chị Doan để khám bệnh, sau khi xác định độc tố, ông cho chị uống thuốc với liều lượng cực mạnh do chính ông pha chế để kìm hãm sự phát tác của chất độc. Sau 2 ngày uống thuốc, chị Doan đã thoát khỏi hiểm nguy và đang được điều trị chung với các bệnh nhân khác.

Anh Vũ Lê Hoàng (Hải Phòng) bị chó dại cắn cuối tháng 7/2008, chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn bị sốt cao. Nghe tin lương y Chính chữa được bệnh dại, gia đình tức tốc đưa anh về Hưng Yên nhờ ông cứu chữa. Mới uống thuốc được 3 ngày, bệnh anh đã đỡ hẳn, không còn sốt và co giật nữa. Chị Trần Thị Duyên - một trong những bệnh nhân đã được lương y Nguyễn Đức Chính chữa khỏi, cảm động nói: “Cũng may có thầy Chính cứu chữa, tôi coi thầy như người cha thứ hai của mình”.

Nói đến cái Tâm của lương y Nguyễn Đức Chính, người trong ngoài huyện Ân Thi không ai không cảm phục. Nổi tiếng nhờ trị bệnh cứu người, nhưng lương y Chính không hề màng đến danh lợi. Ông nói: “Nhiệm vụ của mình là chữa bệnh cứu người, không nên đặt đồng tiền làm mục đích chữa bệnh”.

Có một điều đặc biệt là, trong suốt thời gian chữa bệnh dại, lương y Chính chưa hề để xảy ra sơ sẩy. Bệnh nhân nào đến cũng được ông chữa trị tận tình. Ông thật xứng đáng với danh hiệu mà bà con nơi đây vẫn gọi: “Thần y”.

Trần Thế Hoà