"Ông nối xương"

Ông Tuyển xếp xương bó thuốc cho Kim Anh.
KTNT - Bốn đời gia truyền, hơn chục năm làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, ông Bùi Văn Tuyển đã nối liền hàng trăm cánh tay, ống chân cho nhiều người, chính vì lẽ đó ông có biệt danh “ông nối xương”. Không chỉ nổi tiếng ở làng Cun Láo, xã Điền Trung (Bá Thước - Thanh Hoá), ông còn được nhiều người ở các tỉnh khác biết đến.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Ngay từ khi còn nhỏ, ông Tuyển đã được bác Lang Cả trong họ quý mến, truyền cho nghề nắn xương. Những năm 1970 - 1980, khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, hệ thống bệnh viện chưa phát triển, nên khi chẳng may gãy chân, tay..., người dân thường tìm đến Lang Cả chữa trị. Năm 1982, bác Lang Cả mất, nhiều người không biết vẫn tìm đến. Khi đó ông cũng đã thạo nghề nhưng do tuổi đời còn quá trẻ, nên từ chối. “Nhưng khi họ về, trong lòng tôi áy náy vô cùng”, ông nhớ lại. Mãi đến năm 1998, ông mới thực sự bắt tay vào nghề. Ông kể: “Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp, anh Bùi Văn Xuân ở thôn Ngán Sen, xã Điền Trung đi chợ sắm đồ Tết. Đang xuống dốc, xe đứt phanh, anh luống cuống đâm vào hòn đá ngã gãy xương quai xanh. Bệnh viện thì ở xa, vả lại năm hết Tết đến nên anh đến nhờ tôi chữa. Đến nước này tôi đành nhận lời. Tôi đắp lá hơn 1 tháng thì khỏi. Từ đó người dân cứ mách nhau, hễ bị tai nạn gãy chân, tay, trật xương khớp họ lại tìm đến. Họ đã tin tưởng mình, mình làm được mà không giúp là có tội”. “Tiếng lành đồn xa”, từ việc chữa trị cho người dân trong xã, huyện, đến nay ông đã chữa cho nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình.

Đang nằm trên giường bệnh, anh Nguyễn Văn Điểm ở Cẩm Thành (Cẩm Thuỷ - Thanh Hóa) tâm sự: “Em đắp thuốc được một tuần rồi. Em đi xuất khẩu lao động rồi bị tai nạn bên Malaysia, cánh tay em bị gãy thành 2 đoạn. Chữa bên đó hơn 5 tháng nhưng không khỏi, em buộc phải về nước, nằm ở bệnh viện tỉnh gần 2 tháng nữa nhưng vẫn không thuyên giảm. Nhớ cách đây vài năm anh Cao Văn Rạng cùng thôn, bị gãy lìa ống chân lên nhờ thầy Tuyển chữa, giờ đã khỏi hẳn, đi lại bình thường, nên em lên đây nhờ thầy”.


Ông Tuyển đang thái thuốc phơi.




Bà Vân ở Đồi Xướng, Lương Trung (Bá Thước) vượt hơn 5km đường rừng vừa được bó thuốc, chen vào: “Thầy Tuyển nổi tiếng khắp vùng nhờ tài nắn xương khớp nên đa số dân chúng tôi đều tìm đến thầy. Xã tôi có mấy người chữa ở đây đều khỏi cả”.

Nghề làm phúc

“Trước đây, trong mỗi chuyến đi chữa bệnh cùng bác, ngoài việc học cách thăm khám trực tiếp bệnh nhân, tôi còn phải học cách nhận biết và tìm lá thuốc, cũng như các bài thuốc, cách pha chế đối với từng dạng bệnh có liên quan đến xương”, ông Tuyển cho biết. Với cách truyền dạy đặc biệt của người bác ruột, từ lý thuyết đến thực tiễn, ông đã lĩnh hội được tất cả những tinh hoa y thuật trong nghề gia truyền chữa bệnh xương, khớp của gia đình.

Ông Tuyển cho biết, mỗi thang thuốc phải có ít nhất 12 - 16 vị. Tuỳ từng bệnh mà có thể phân chia theo tỷ lệ khác nhau. ông bảo, chỉ cần dùng tay sờ nắn chỗ đau là có thể biết bệnh nhân bị gãy đoạn nào, gãy làm mấy mảnh, bị sai khớp, lệch cột sống hay rạn xương... Không giống như những thầy thuốc khác, cắt thuốc cho bệnh nhân theo phương pháp rang vàng hạ thổ, thuốc của ông được băm nhỏ rồi trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp, phơi khô rồi cho vào nồi đun sôi sền sệt. Sau khi nắn gân khớp, sắp xương xong, cho lá thuốc vào đắp quanh vết thương, rồi dùng nẹp tre cố định lại. Nếu gãy xương giữa ống chân, tay thì chỉ đắp thuốc 20 - 25 ngày là liền. Gãy xương quai xanh, cổ chân hay xương sườn, cột sống có thể kéo dài 1 - 2 tháng.




và soi phim bệnh nhân chụp.



Thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh, ông luôn tâm niệm rằng: “Người thầy thuốc phải có cái Tâm và không bao giờ được nghĩ đến chuyện làm giàu trên nỗi khổ của người khác”. Bởi bệnh nhân của ông đa số là những người đang trong độ tuổi lao động và có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, họ đến với ông không bao giờ phải lo nghĩ đến tiền nong, chữa xong, ai muốn đưa bao nhiêu cũng được, người thì cân cam hay con gà, đĩa xôi để ông báo với gia tiên là xong. Người dân nơi đây kháo nhau, thầy Tuyển có đôi bàn tay vàng, bó xương, nắn khớp nhanh liền và chuẩn xác. Càng đáng quý hơn là tấm lòng của ông với người bệnh.

Ông cho biết, phương thuốc của ông hoàn toàn là thuốc Nam, Đông y, được chữa trị theo phương pháp gia truyền. Thuốc chủ yếu được hái trên rừng, nhưng nguyên liệu ngày càng hiếm, có vị thuốc ông phải đi cả trăm cây số mới kiếm được. Thiếu một vị là thang thuốc giảm đi tác dụng.

Ông Cao Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Điền Trung khẳng định: “Hơn 10 năm nay, ông Tuyển làm nghề chữa bệnh xương khớp, nhưng không hề có mục đích kinh doanh. Ông đã chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn người”. Trưởng thôn Cun Láo, ông Hà Minh Tăng cho biết, nhiều năm liền gia đình ông Tuyển đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, gương mẫu, được bà con kính trọng.

Việt Tùng