Nghi án Thái sư hóa hổ và hơn 30 đạo sắc minh oan


Báo GĐ&XH đã từng có bài viết về nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh (sinh năm 1038, chưa rõ năm mất) – người được xem là vị tiến sĩ đầu tiên của nền khoa bảng Việt Nam, từng làm đến chức Thái sư dưới thời vua Lý Nhân Tông, là người đã bị mang “án oan” dài nhất lịch sử.
Ông bị quy vào tội “hóa hổ giết vua” nhân một lần hộ giá vua Lý dong thuyền ngoạn cảnh hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay) trong một buổi sớm mai. Trải qua hơn 9 thế kỷ, nỗi oan khiên của ông vẫn chưa được làm sáng rõ. Tuy nhiên, qua những đạo sắc mới phát hiện được trong các đình đền ở Bắc Ninh mới đây cho thấy thực chất ông đã được “minh oan” từ khá lâu trước đó.


Tượng thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại đền thờ thôn Bảo Tháp, làng Đông Cứu, Thuận Thành, Bắc Ninh.


Nỗi oan xuyên thế kỷ

Chúng tôi tìm về thôn Bảo Tháp, làng Đông Cứu – quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh, làng quê xứ núi yên ả và vắng lặng đến lạ thường. Hỏi một cụ già về đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh thì may mắn gặp đúng ông thủ từ Nguyễn Đức Đam. Không chỉ vui vẻ dẫn chúng tôi đến tận đền thờ mà dọc đường đi ông còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện liên quan đến vị Thái sư mang án oan nổi tiếng trong lịch sử này.

Theo ông Đam (73 tuổi) thì vào năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) cho mở khoa thi Nho học đầu tiên để chọn người tài làm quan. Trong khoa thi ấy Lê Văn Thịnh vốn là người làng Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Gia Bình đã đỗ thủ khoa. Hiện trong đền thờ còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối chứng minh ông là người mở đầu cho nền khoa bảng Việt Nam, trong đó đáng lưu ý nhất là bức hoành phi “Đỉnh giáp khai khoa” (Đệ nhất giáp khoa thi đầu tiên) và đôi câu đối:

“Bắc triều phụng sự vô song sư
Nam quốc khai khoa đệ nhất nhân”

Lần dở lại lịch sử, vào tháng 6 năm 1084, sau khi làm quan được một thời gian Lê Văn Thịnh được cất nhắc lên làm Thị lang bộ Binh. Ông được vua Lý Nhân Tông cử đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới. Tuy binh lực nhà Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, song vua quan nhà Tống chỉ đồng ý trả lại đất đai do người Tống xâm lược tại nơi biên thùy còn các đất đai do thổ dân nộp để thần phục nhà Tống là hai động Vật Dương và Vật Ác, họ không chịu trả lại. Viện lý những đất ấy là của thổ dân “tự ý” đem sát nhập vào nhà Tống chứ không phải là họ chiếm. Lúc này, Lê Văn Thịnh dại diện cho Đại Việt đã đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục khiến nhà Tống phải trả lại 6 huyện, 3 động cho Đại Việt. Một năm sau đó, ông được vua Lý Nhân Tông phong làm Thái sư - một chức quan quan trọng bậc nhất trong triều Lý thời bấy giờ (theo “Đại Việt sử ký toàn thư”).

Tuy nhiên, 11 năm sau, vị Thái sư này mắc tội “hóa hổ giết vua” và dính kiếp lưu đày.


Ông Lê Viết Nga - Giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, người đã tìm thấy hơn 30 đạo sắc "minh oan" thái sư Lê Văn Thịnh.


Sự việc này được “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại như sau: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm (Hồ Tây ngày nay), ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang (Phú Thọ ngày nay)... Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.

Nỗi oan này kéo dài đến gần 10 thế kỷ. Trong gần 10 thế kỷ, không ít nhà sử học tin theo sách cũ, cho rằng việc ông có ý giết hại vua để thoán ngôi mà chỉ bị lưu đày là quá nhẹ. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên từng có lời bàn trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Người làm tôi định cướp ngôi giết vua mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng Phật giáo”. Còn vua Tự Đức dưới thời nhà Nguyễn thì có hẳn một bài thơ “kết tội” Thái sư Lê Văn Thịnh: “Văn học đô vi tiến thủ tư/ Man nô tư súc nhật căng kỳ/ Thần qua nhất kích hôn phần tán/ Yêu hổ nguyên lai thệ Thái sư”.

Hơn 30 đạo sắc “minh oan”

Cũng trong 10 thế kỷ, không ít người cố tìm cách minh oan cho ông nhưng vẫn chưa người nào thực sự đưa ra được những minh chứng thuyết phục. Hầu hết họ đều không tin câu chuyện có tính hoang đường “người hóa hổ”. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần từng lý giải, vào thời điểm xảy ra biến cố là vào tháng 3, sương mù xuất hiện dày đặc ở Hồ Tây là một việc dễ hiểu. Trong sương mù, vua quan nhìn gà hoá cuốc, Lê Văn Thịnh bởi thế mà mang tội không ngờ tới là một điều có thể xảy ra.

Cũng có nhà sử học cho rằng, thời của Lê Văn Thịnh cùng triều đại với Vương An Thạch ở Trung Quốc. Vương An Thạch là người đã hăng hái cải cách, đụng chạm đến quyền lợi của quan lại trong triều nên bị nhà Tống hiềm ghét. Lê Văn Thịnh có lẽ cũng có những tư tưởng cái cách lớn nên đã bị bọn quan lại nịnh thần ganh ghét, hãm hại.

Tuy nhiên, một bằng chứng mới đây được ông Lê Viết Nga – Giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tìm thấy đó là hơn 30 đạo sắc phong cho Lê Văn Thịnh qua các triều đại cho thấy ông thực chất đã được “minh oan” từ rất lâu trước đó.

Ông Nga cho biết: “Dù chưa có một sự kiện minh oan nào mang tên “Lê Văn Thịnh” nhưng danh tiếng và công lao của ông đã được bà con vùng Bắc Ninh tôn thờ từ lâu. Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi hiện ở Bắc Ninh có tới 9 nơi thờ phụng ông (còn gọi là nội đình và ngoại đình) và tôn ông làm thành hoàng làng. Trong 9 nơi thờ tự này hiện còn lưu giữ được hơn 30 đạo sắc mà các triều đại đã sắc phong cho ông. Trong đó đại đa số sắc phong có niên đại thời Nguyễn, kể cả các đạo phong cho Lê Văn Thịnh với các vị thần khác và đạo phong riêng cho ông đều ghi mỹ tự rất ngắn và tương tự nhau: “Linh phù dực bảo trung hưng bản cảnh thành hoàng chi thần” (Dực bảo Trung hưng Linh phù Bản cảnh Thành hoàng Lê Thái Sư tôn thần)”.


Một trong số 30 đạo sắc còn được giữ gìn khá nguyên vẹn.


Riêng các sắc phong ở đình Đình Tổ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) thì có cả các đạo niên đại phong tặng vào thời Lê và thời Nguyễn - đều ghi mỹ tự cho Lê Văn Thịnh rất dài và nội dung khác với các sắc phong của 8 nơi thờ khác.

Các đạo sắc này đều bằng giấy rồng xưa, có ấn chỉ của nhà vua và hiện được giữ gìn gần như nguyên vẹn.

Trong đó, đáng chú ý nhất là 6 đạo sắc của vua Tự Đức. Tự Đức là ông vua duy nhất dưới triều Nguyễn từng làm thơ “lên án” thái sư Lê Văn Thịnh rất quyết liệt. Thế nhưng, sau này chính ông lại là vị vua đã ban tới 6 sắc phong cho Thái sư Lê Văn Thịnh để ghi nhớ công lao của ông. Hầu hết các sắc phong này đều có câu “Các ngài có công giúp nước, giúp dân tỏ rõ linh ứng, trải các tiết lễ đã được ban sắc phong cho phép phụng thờ” nghĩa là ông cũng đồng lòng với dân ghi nhận công lao đóng góp của Thái sư Lê Văn Thịnh và tôn Ngài làm thành hoàng của các làng.

Ngoài ra, với hai đạo sắc mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và Cảnh Hưng thứ 44 (1783) tìm thấy ở đình làng Đình Tổ cho thấy ngay từ thời Lê, Thái sư Lê Văn Thịnh không chỉ được dân chúng tôn thờ mà triều đình cũng ghi nhận công lao và tôn thờ ông như một vị thần. Điều đó chứng tỏ từ thời Lê “vụ án hồ Dâm Đàm” đã không còn mấy người tin.

Hà Tùng Long