Làng trồng thuốc nghìn tuổi biến mất?
Giadinh.net - Làng thuốc nam Đại Yên từ bao đời nay nổi tiếng khắp đất Thăng Long - Hà Nội. Người dân Đại Yên tự hào rằng hầu hết những người bán lá thuốc ở các chợ khắp Hà Nội đều là người làng của họ. Nhưng chúng tôi đi tìm những dấu vết ngôi làng cũ đã gần nghìn năm, chỉ còn lại chiếc cổng làng, ngôi đình và chợ lá nhỏ ngay chân cổng làng.
Truyền thống nghìn năm…

Xuôi ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, ngay tay phải cuối con ngõ này là cổng làng Đại Yên. Ngôi làng cổ thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Gần 1.000 năm nay dân làng đã sống bằng nghề làm và bán thuốc nam. Có những gia đình gần chục đời cha truyền con nối nghề này.

Cổng làng "tụt" lại phía sau "cơn lốc đô thị hóa".

Trong thần tích của làng Đại Yên còn ghi lại: Bà Ngọc Hoa công chúa chính là tổ nghề, người đem thuốc nam phổ biến cho dân làng. Để tưởng nhớ công lao, người dân tôn bà là thành hoàng làng, đời đời bảo trợ cho nghề và hàng năm cứ đúng dịp 13 đến 15 tháng Ba âm lịch, hội làng được tổ chức linh đình, con cháu dù ở xa cũng tề tựu đông đủ.

Vào thời nhà Lý thế kỉ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân của Thái úy Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh nên cô đã chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa. Nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã quay trở lại quê, làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Người trong làng ghi nhớ công ơn và tôn bà là thành hoàng làng và lập đình thờ.
Như vậy theo thần phả thì nghề trồng cây thuốc nam ở làng Đại Yên đã có đến gần 1.000 năm.

Theo lời kể lại của các bậc cao niên, trước đây ở Đại Yên, gia đình nào cũng có một vườn cây lá thuốc. Những thập niên 70- 80 của thế kỷ XX, cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ ở Đồng bằng Bắc bộ.

Tìm đến đình làng Đại Yên, tình cờ chúng tôi gặp được một người trồng cây thuốc lâu năm. Trong ngôi nhà của mình ngay sát cửa đình ở số 73, tổ 42, phường Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Chinh cho biết cả cái làng này, gần như ai cũng biết được tác dụng của những loại thuốc lá. Họ truyền khẩu cho nhau. Ngược dòng thời gian mấy chục năm về trước, bà Chinh kể rằng trước đây đất làng Đại Yên rất rộng. Mỗi gia đình đều có vườn trồng cây thuốc. Rào dậu nhà nào cũng um tùm cây lá thuốc. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, gần trọn cuộc đời bà Chinh gắn liền với mảnh đất trồng thuốc, tiếp tục bám nghề với tâm niệm: " Với mảnh vườn nhỏ dùng để trồng thuốc, tuy không sinh ra nhiều tiền như những hình thức kinh doanh khác nhưng nghề của ông cha thì phải cố gắng giữ gìn".

Bà Chinh: "Cả 4 vườn còn lại của làng đang nằm trong khu vực giải tỏa".

Hết đất trồng thuốc!

Quanh quẩn trong làng với mong mỏi tìm cho được vườn thuốc lá, bà cụ có mái tóc bạc trắng, ngồi bán thuốc ở cổng làng, miệng bỏm bẻm nhai trầu cười hiền từ: "Làm gì còn đất vườn mà trồng thuốc hả con".

Đúng là bây giờ Đại Yên nhà cửa san sát, tìm mỏi mắt mà không thấy nhà nào còn được một vườn thuốc nam xanh tươi như chúng tôi tưởng tượng. Làng Đại Yên là một khu dân cư gồm 10 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Hà. Dọc con kênh chảy ven cổng đình làng, sót lại 4 khu vườn nho nhỏ nằm chênh vênh bên những đống rác thải to lù lù. Vẫn còn vài ba hộ sống bằng nghề trồng và bốc thuốc nhưng những "mảnh hồn" lá thuốc Đại Yên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang có nguy cơ chết dần theo tốc độ đô thị hóa.

Vườn thuốc của bà Chinh, một trong 4 gia đình trồng thuốc còn lại của ngôi làng lại đang nằm trong... diện giải tỏa. Bà buồn rầu: "Rồi đây Đại Yên chẳng có lấy một thước đất để trồng thuốc. Nghề truyền thống ông cha sẽ chấm hết. Không buồn sao được khi đứng trước nguy cơ biến mất nghề. Như nhà bà Quế có vườn bên cạnh nhà tôi đã 6 đời trồng bán thuốc nam ở làng. Cả nhà sống bằng nghề của ông cha truyền lại. Cái nghề ấy chỉ đủ sống mà chẳng thể giàu, nhưng được tiếng là làm phúc cho đời...".

Khu vườn nhà bà Chinh có diện tích khoảng 500m2, là nơi trồng các cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, sài đất... Như một nhà đông y lành nghề, bà không chỉ thông thạo cách chăm sóc, đặc tính chữa bệnh của từng loại cây, mà còn có thể nghe kể bệnh để bốc thuốc. Bà Chinh nhớ lại: "Ngày trước, một trong những trò chơi của trẻ con trong làng là đố nhau các loại thuốc lá. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng rồi gọi tên. Lên 8 - 9 tuổi đã biết đi cắt lá đem về sao bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức của bà và trở thành những vốn kiến thức phong phú nhưng nó trở nên quá xa lạ với lũ trẻ bây giờ".

"Nghề trồng cây thuốc nhìn qua có vẻ nhàn nhã nhưng ngày nắng hay mưa cũng phải có mặt ở vườn. Để kiếm được đồng tiền từ cây thuốc nam đâu có nhẹ nhàng như mọi người tưởng. Người làng gọi nghề trồng cây thuốc vất vả như việc bới đất, kiếm ăn".

Hình ảnh quen thuộc ở Đại Yên.

Chị Thu một người bán lá ở cổng làng chia sẻ: "Nghề bán thuốc nam tuy thu nhập không cao nhưng cái tâm được thanh thản, chẳng phải suy nghĩ hay tính toán phức tạp. Ngày trước lấy lá ngay ở trong làng, nhưng hiện nay, dân hết đất trồng, chúng tôi thường phải lấy hàng ở Canh, Thường Tín, thậm chí có những thứ lá phải nhập từ vùng Tây Bắc".

Giờ đây, làng đã lên "phố", thay vào những vườn lá thuốc là những khu nhà cao tầng mọc san sát. Nhưng những mảnh vườn ít ỏi đang đứng trước nguy cơ giải tỏa vẫn được người dân chắt chiu chăm sóc, gợi cho nhiều người nhớ lại mùi hương của lá thuốc như thấm vào đất làng, khiến cho không ít người nuối tiếc mà không biết phải làm gì để gìn giữ.

Quá trình đô thị hóa đã khiến những vườn cây lá thuốc xanh non dần bị thu hẹp và biến mất. Người ta chẳng còn mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà lại thu nhập thấp này bởi ngoài phố giờ có nhiều việc nhàn nhã mà thu nhập lại cao hơn. Cũng như bao nhiêu nghề thủ công truyền thống khác ở Hà Nội, nghề làm thuốc nam ở làng Đại Yên đang dần bị mai một, quên lãng.

"Cần bảo vệ tinh hoa của cha ông để lại"

"Phải hiểu những người làm thuốc nam ở Đại Yên với tư cách những nghệ nhân đang nắm trong tay vốn văn hoá phi vật thể của ông cha truyền lại từ gần 1.000 năm qua. Vốn kiến thức y học của người Đại Yên là những tinh hoa văn hoá được ông cha ta đúc kết qua bao thế hệ với những thăng trầm của lịch sử. Sự mai một của vốn văn hoá phi vật thể là không thể định lượng. Nó có thể nhanh chóng mất đi vì sự quên lãng của con người. Chúng ta đã có nhiều bài học đau xót về vấn đề này. Đã đến lúc cần có một chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người làm thuốc nam ở Đại Yên. Nếu không sớm muộn gì thì nghề thuốc nam nơi đây cũng biến mất trong xã hội hiện đại". - PGS.TS Nguyễn Văn Huy-Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Quang Thành