kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long

  1. #1

    Mặc định Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long

    Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long
    (09/02/2010)


    Đền Bạch Mã
    (VH)- Đã một ngàn năm trải qua với nhiều biến thiên của lịch sử, rất nhiều cấu thành của Thăng Long được xây dựng từ năm 1010 đến cuối thế kỷ XIII bị phá hủy nay chỉ còn là phế tích.

    Tuy vậy, một số dấu tích của ngàn năm Thăng Long vẫn có sức sống diệu kỳ, vượt qua mọi sự thăng trầm của lịch sử. Đó là bốn di báu mà lâu nay quen gọi là tứ trấn của Thăng Long: Đền Bạch Mã (phía Đông), đền Cao Sơn (phía Nam), đền Linh Lang (phía Tây), đền Quán Thánh (phía Bắc). Thời gian có thay đổi nhưng tính chất thờ tự vẫn còn nguyên, đặc biệt là vị trí của tứ trấn chưa bao giờ xê dịch so với thuở ban đầu.

    Tứ trấn chỉ có duy nhất ở Thăng Long Việc thờ bốn vị thần bảo vệ Thăng Long từ bốn phía là nét độc đáo của văn hóa tâm linh Thăng Long, duy nhất có ở các kinh đô nước ta kể từ khi lập quốc thời Hùng Vương cho đến tận sau này như ở kinh đô Huế thế kỷ XIX.



    Đền Quán Thánh. Ảnh: Trần Huấn

    Tuy rằng có thể có nguồn gốc từ tục thờ Thành hoàng trong văn hóa tâm linh phương Bắc. Vốn xưa ở Trung Hoa cổ đại, khi dựng đặt thành trì người ta thờ Thành hoàng để bảo vệ thành. Còn Thăng Long không thờ Thành hoàng như ở Trung Hoa mà thờ luôn bốn vị thần coi sóc bốn phía của thành, không sót một hướng nào để cho các thế lực âm không vào quấy phá Thăng Long.

    Đó là một sáng tạo rất Việt trong tục thờ Thành hoàng, làm phong phú thêm cho văn hóa tâm linh Việt. Bốn vị thần trấn giữ bốn phía của Thăng Long có lai lịch xuất xứ và vai trò vị trí khác nhau trong các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau được quy tụ về Thăng Long trong sự nghiệp cao cả là bảo vệ kinh thành.

    Đền Bạch Mã với vị trí hiện tại là số nhà 78-80 Hàng Buồm. Kiến trúc đền mang phong cách lần tu bổ lớn vào đầu thế kỷ XX, thờ Quang Lợi Bạch Mã Đại vương. Tục truyền rằng, khi Lý Thái Tổ cho xây dựng thành Thăng Long thì vừa xây xong lại đổ xuống. Vua thấy vậy bèn cho quan đến cầu đảo tại đền Long Đỗ. Xong lễ bỗng dưng từ trong đền có một con ngựa trắng đi ra, chạy một vòng rồi bay về trời. Nhà vua theo dấu chân ngựa mà xây thành, từ đó trở nên kiên cố.

    Vị thần được Vua phong làm Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần, trấn giữ phía Đông thành Thăng Long. Đền Cao Sơn được gọi là đền Kim Liên tọa lạc tại phường Kim Hoa (sau đổi thành Kim Liên), được khởi dựng từ đầu triều Lý, thờ thần Cao Sơn, vị thần núi có công trấn giữ Sơn mạch nước Việt từ ngàn xưa, từng là vị thần sát cánh cùng với Sơn Tinh hiển hách trong truyền thuyết cổ.

    Cao Sơn được chọn làm vị thần trấn giữ mặt Nam của Thăng Long. Tại đền hiện lưu giữ bia đá “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh” làm vào đầu thế kỷ XVII ở Nho Quan, Ninh Bình. Chuyện kể rằng, tấm bia này tự nhiên nổi lên ở bến Bồ Đề, dân làng Kim Liên rước về thờ ở đền.



    Đền Voi Phục.

    Đền Linh Lang hay cũng được gọi là đền Voi Phục. Đền thờ Linh Lang Đại vương, là hậu thân của thần Linh Lang từ thuở lập quốc. Linh Lang đại vương thời Lý là tước thần của Hoàng tử Hoằng Chân, con một của Hoàng đế thời nhà Lý, người đã có công trong sự nghiệp chống Tống. Linh Lang là một trong bốn vị thần tứ trấn được cai quản phía Tây thành Thăng Long.

    Quán Trấn Vũ được người dân quen gọi là đền Quán Thánh hay chùa Quán Thánh, xưa kia là Huyền Thiên Trấn Vũ. Khu vực Quán Trấn Vũ vốn xưa rất rộng, kéo dài đến tận phố Châu Long, là huyệt đất được chọn làm hậu chẩm cho Hoàng thành Thăng Long xây năm 1010 mà tiền án là gò đất xây dựng Văn Miếu. Quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế, là một trong các vị thánh kiệt xuất của đạo Lão, từng giúp dân Việt chống lại các cuộc xâm lăng của phương Bắc. Từ khi định đô Thăng Long, Huyền Thiên Trấn Vũ được cho trấn giữ phía Bắc thành, một trong tứ trấn của Thăng Long.



    Di tích lịch sử đền Kim Liên

    Chỉ với bốn vị thần trấn giữ bốn phía của Thăng Long đã cho thấy sự khác nhau về hành trạng, xuất xứ của thần để cùng làm một nhiệm vụ bảo vệ cho sự an nguy, thịnh vượng của Thăng Long, nói lên sự giao tiếp văn hóa của Thăng Long từ khởi thủy. Trấn Vũ là vị thánh của đạo Lão có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại.

    Những người theo đạo Lão tôn Lão Tử làm thế tổ, tu luyện võ thuật tức tu theo phép thần bí như phép luyện đan để đạt tới thần tiên. Dùng một vị thánh như vậy để bảo vệ cửa ngõ phía Bắc Thăng Long hẳn rằng không có một thế lực siêu phàm nào có thể xâm phạm được.

    Mà trấn yểm ở cửa Bắc cũng có nghĩa trấn yểm cả phương Bắc mà tục truyền rằng Trấn Vũ đã từng ba lần hiển linh giúp dân Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, khởi đầu là hóa thân đầu thai làm Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Cao Sơn trấn giữ phía Nam là vị thần từ thưở lập quốc đã cùng Sơn Tinh giữ yên sơn hà đất Việt. Trấn yểm phía Nam không những giữ yên cho Thăng Long mà cho cả Đại Việt.

    Bạch Mã đương thời được coi như Thành hoàng Thăng Long. Linh Lang là kiếp sau của Linh Lang Đại vương thủa lập quốc, là một anh hùng có công trong sự nghiệp chống ngoại xâm. Như vậy, để xây dựng và bảo vệ vững vàng cho Thăng Long không chỉ có sức mạnh của binh hùng tướng mạnh, của muôn dân và của cải vật chất giàu có mà còn huy động mọi sức mạnh của cõi âm từ tiền nhân liệt quốc.

    Người khai sáng Thăng Long vốn là vị quan đầu triều nhà Tiền Lê là Tả Thân Vệ Điện Tiền chỉ huy sứ, vốn coi trọng sức mạnh dương thế nhưng cũng rất sùng bái học thuyết âm dương ngũ hành, coi trọng phong thủy để tạo dựng nên một Thăng Long và bảo vệ vững vàng cho Thăng Long.

    Nhà nghiên cứu Chu Nại Thành
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định Thăng Long có bốn vị thần, bài của Nguyễn Thanh Xuân

    Để có được một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật và đậm nét văn hiến hôm nay người dân Hà Nội không bao giờ quên những truyền thuyết về các vị thần trấn giữ 4 hướng Thăng Long.

    Theo sử sách và các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Trong tín ngưỡng người Việt, ngay từ khi dựng đô, các vị vua đã tìm thấy niềm tin vào kinh thành bền vững một cách ngẫu nhiên, thấy các hướng đều có các vị Phúc Thần che chở, bảo vệ, tiêu biểu là các vị thần trấn giữ 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc dân gian quen gọi là “Thăng Long tứ trấn”, đó là thần Long Đỗ thờ ở đền Bạch Mã, thần Cao Sơn thờ ở đình Kim Liên, thần Linh Lang thờ ở đền Voi Phục và thần Trấn Vũ thờ ở đền Quán Thánh.

    Nói về “Thăng Long tứ trấn” trước hết phải kể đến thần Long Đỗ trấn giữ hướng Đông - hướng mặt trời mọc. Ông là vị thần thiêng, được chúng dân thời xưa ở Thăng Long rất tôn sùng, kính phục. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long - năm 1010 nhà vua cho xây thành Thăng Long. Nhưng thành đắp lên rồi lại bị đổ, quân sĩ đã dùng nhiều sức để đắp nhưng vẫn không được. Vua Lý liền cử vị quan to đến cầu thần Long Đỗ. Thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, tức thần núi Long Đỗ (núi Nùng). Tương truyền núi có khe sâu thông xuống lòng đất tiếp nhận khí thiêng sông núi. Long Đỗ là vị thần của linh khí núi sông thiêng liêng vào bậc nhất nước Nam.

    Do thành tâm cầu khẩn nên đã xuất hiện một hiện tượng lạ là từ trong đền tiến ra một “ngài” ngựa trắng. Ngựa không phi nước đại mà ung dung cất vó quanh một vòng thành. Dấu chân ngựa in đậm trên vùng đất thiêng chỗ xây thành. Nhà vua ra lệnh, quân sĩ cứ theo dấu chân ngựa trắng mà lấy đất đắp thành. Từ đó thành được đắp cao lên, rất vững chắc. Thành xây xong, nhà vua xuống chiếu cho chúng dân Thăng Long thờ thần làm Thành hoàng - Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương. Nhà vua lại phong tặng là “Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần”. Từ đấy ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng và đền Bạch Mã được xây ở phố Hàng Buồm.

    Từ hướng đền Bạch Mã về Hồ Tây, bên đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) là ngôi đền lớn tọa lạc bên hồ Trúc Bạch, đó là đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành. Xung quanh vị thần trấn hướng Bắc có truyền thuyết cho rằng: Ngài vốn là con một vị vua ở phương Bắc, lớn lên bỏ ngôi hoàng tử để tu luyện các phép thần linh ở hang núi Vũ Dương.

    Rồi ngài sang nước Việt giúp vua Hùng đánh giặc ngoại xâm, lập được công to nên vua Hùng rất kính trọng. Sử sách ghi lại: Dòng dõi vua Hùng gồm 18 đời. Bắt đầu từ Kinh Dương Vương đến đời vua Hùng thứ 6 Hùng Huy Vương có giặc Ân sang xâm lược nước ta.

    Thần Trấn Vũ đầu thai vào một bà mẹ ở làng Phù Đổng - bộ Võ Ninh. Bà sinh cậu bé để rồi vươn mình đứng dậy cao lớn lạ thường khi nghe sứ nhà vua rao tìm người ra cứu nước, đó là chàng trai Phù Đổng - Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của Đại Việt ta.

    Ngôi đền theo tư liệu cũ được xây dựng vào những năm đầu khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên ngôi đền là Trấn Vũ Quán vào năm 1823. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842 đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay ta quen gọi.

    Đền Quán Thánh đứng ở một địa thế rất đẹp cạnh hai hồ trên đường Cổ Ngư là hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Trong đền có một bức tượng đồng Trấn Vũ cao lớn uy nghi nặng 4 tấn. Pho tượng đồng đen lớn này là tác phẩm nghệ thuật của các tay thợ tài hoa làng đúc đồng Ngũ Xã liền kề.

    Trấn phía Tây kinh thành là thần Linh Lang Đại Vương được thờ trong đền Voi Phục (Cầu Giấy). Thần tích ghi lại rằng thần vốn là một Thiên sứ đầu thai làm con nàng phi thứ bảy của vua Lý Thái Tông, được vua cha yêu quý đặt tên là Linh Lang. Tương tự như người anh hùng làng Gióng, khi đất nước có giặc ngoại xâm, hoàng tử nhỏ vươn mình trở thành một dũng sĩ cưỡi voi xung trận, diệt tan quân xâm lược. Sau chiến thắng bỗng nhiên hoàng tử lâm bệnh, vua cha đến thăm, chàng cho biết mình không phải là người trần rồi biến thành con giao long trườn xuống hồ Dâm Đàm và biến mất. Vua cho lập đền thờ, phong là “Thượng đẳng thần”.

    Đền thờ Linh Lang được xây dựng vào năm 1065, đời vua Lý Thánh Tông. Đền nằm trên đất làng Thủ Lệ, phía Tây thành Thăng Long xưa. Ngoài cổng đắp hình hai con voi, trong đền còn lưu giữ tảng đá có vết lõm, tương truyền đó là dấu vết hoàng tử nằm gối đầu rồi hóa thành giao long và biến mất. Ngôi đền tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, ẩn dưới hàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm.
    Trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long là thần Cao Sơn. Đình thờ ngài - cũng gọi là đền ở làng Kim Liên.

    Đền Kim Liên xây trên gò đất cao, quay mặt về hướng Nam, trông ra một hồ rộng xưa gọi là hồ Đồng Lầm. Kim Liên - làng sen vàng - vốn là một làng đẹp, có nghề nhuộm vải, có phong tục lễ nghi phong phú.

    Kim Liên xưa còn có tên nôm là làng Đồng Lầm “Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng, có con sông dài”. Thời xưa Đồng Lầm là một vùng có tên đẹp Kim Hoa. Đây là một trong 23 phường thôn hợp thành tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đến khoảng đầu đời vua Thiệu Trị - Nguyễn Phúc Miên Tông tức Nguyễn Hiến Tổ (1841-1847) vì phải kiêng tên húy của bà mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi là Kim Liên, sau là tổng Kim Liên.

    Như thế, “Thăng Long tứ trấn” được tạo dựng, tôn thờ cùng lúc với việc Lý Công Uẩn xây dựng Thăng Long thành kinh đô muôn đời của con cháu Đại Việt. Đó là cách mà vị vua anh minh cùng vương triều nhà Lý dùng để tôn vinh mảnh đất của cha ông linh thiêng, vững bền muôn thuở.

    (Theo Người Hà Nội).
    Linh Tại Ngã- Bất Linh Tại Ngã!

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. đi Tìm Thăng Long Thành .
    By dienbatn in forum Các bài của DIENBATN
    Trả lời: 97
    Bài mới gởi: 19-04-2022, 03:28 AM
  2. KTS Trần Thanh Vân: Nên lấy lại tên Thăng Long?
    By KhangThien in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 31-08-2010, 01:14 PM
  3. Thăng Long: Biểu hiện ý chí vươn lên của người Việt
    By Bin571 in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 18-10-2009, 10:53 PM
  4. Võ Miếu Thăng Long, Võ Miếu Việt, tại sao không?
    By Bin571 in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 08-12-2007, 10:37 AM
  5. Thăng Long võ đạo, môn võ... trị bệnh
    By Bin571 in forum Võ VIỆT
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 17-10-2007, 04:28 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •