PHẬT THUYẾT KINH DUYÊN MỆNH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT

Ngài BẤT KHÔNG TAM TẠNG phụng chiếu dịch







Chính thực tôi nghe :
Một thời, Đức Phật ở núi Gia-La-Đà cùng với chúng Đại Tỳ-Kheo một vạn hai nghìn người và ba vạn sáu nghìn vị Bồ-Tát ở đó. Lại có Chư Thiên, bộ Long, quỷ Dạ-Xoa, Người và Không-phải-Người, còn các Bộ khác nữa. Lại có vua Kim-Luân, vua Ngân-Luân và các vua Luân-Vương khác nữa, đều từ ở mười phương đi tới.

Khi đó, Đức Thế-Tôn vừa nói xong pháp Đại-Thừa Vô-Y Hành, có vua Đế-Thích tên là Vô-Cấu-Sinh bạch Phật rằng :
" Lạy Đức Thế Tôn ! Con muốn hộ đời, Phật diệt độ về sau này, chúng sinh thời mạt-pháp nên cứu giúp bằng cách nào ?"

Phật bảo vua Đế-Thích rằng :"Có một vị Bồ-Tát gọi là DUYÊN MỆNH ĐỊA TẠNG, mỗi ngày cứ buổi sáng sớm vào thiền định, rồi đi giáo hóa 6 ngã, cứu khổ ban vui. Nếu có người nào ở nơi Tam-đồ, được thấy hình tướng hoặc nghe danh hiệu Duyên-Mệnh Địa-Tạng Bồ-Tát, thì được sinh Nhân Thiên hoặc sinh Tịnh-Độ. Nếu ở 3 ngã Thiện mà được nghe tên Duyên-Mệnh Địa-Tạng Bồ-Tát thì được quả báo hiện tại, sau sinh về cõi Phật. Nghe tên còn thế nữa là chuyên lòng nhớ niệm, Tâm Nhãn sáng tỏ, quyết được thành tựu.

" Cũng thế Bồ-Tát lại ban cho Mười Phúc : một là nữ-nhân sinh nở dễ dàng, hai là thân căn đầy đủ, ba là trừ hết mọi bệnh, bốn là thọ mệnh lâu dài, năm là trí-tuệ thông minh, sáu là của báu dư dật, bảy là mọi người kính yêu, tám là thóc lúa được mùa, chín là thần minh gia hộ, mười là chứng đạo Bồ-đề ".

" Lại còn tám điều đáng sợ cũng trừ hết : một là mưa gió phải thời, hai là nứơc khác không dám khởi binh đến xâm chiếm, ba là trong nước không có giặc làm phản, bốn là không có tai nạn nhật-nguyệt thực, năm là các ngôi sao không biến điềm xấu, sáu là quỷ-thần không dám lại nhiễu hại, bảy là nạn đói khát không phát sinh, tám là nhân dân không tật bệnh ".

Phật bảo vua Đế-Thích : "Về đời sau đây, nếu có chúng-sinh nào thọ trì Kinh này và cung-kính cúng-dường Duyên-Mệnh Địa-Tạng Bồ-Tát thì chỗ người ấy ở trong 5 do-tuần không có các tai-họa như ác mộng, ác tướng và mọi sự không hay, Quỷ Thần Vỏng-lượng, Quỷ Cưu-bàn-trà không dám tự tiện làm hại. Thần Thiên-Cẩu, Thần Thổ-Công, Thần Quang Thái-Tuế, Thần Núi, Thần Cây, Thần Sông Bể, Thần Nước, Thần Lửa, Thần Đói-Khát, Thần Mã, Thần Rắn, Thần Trí-nhớ, Thần Linh, Thần Đường, Thần Nhà-bếp... Những Quỷ Thần đó nếu nghe thấy Kinh này và danh-hiệu của Bồ-Tát thì nhả các tà khí, tự ngộ được Bản Không chứng đạo Bồ-đề ".

Khi bây giờ Đế-Thích bạch Phật rằng :
" Lạy Đức Thế-Tôn ! Ngài Duyên-Mệnh Địa-Tạng Bồ-Tát ở trong sáu đường giáo-hóa chúng-sinh bằng cách nào mà chúng-sinh được độ ? "
Phật bảo vua Đế-Thích rằng :

" Thiện-nam-tử ! các Pháp không vắng không trụ ở tướng sinh-diệt, tùy duyên sinh ra, thân sắc không giống nhau mà tình-dục cũng vô lượng, đều độ khắp cả.

" Duyên-Mệnh Bồ-Tát hoặc hiện ra thân Phật hoặc hiện thân Bồ- Tát, hoặc hiện thân Bích-Chi Phật, hoặc hiện thân Thanh-Văn, hoặc hiện thân Phạm-Vương, hoặc hiện thân Đế-Thích, hoặc hiện thân Diệm-Ma-Vương, hoặc hiện thân Tỳ-Sa-môn, hoặc hiện thân Nhật Nguyệt, hoặc hiện thân Ngũ- tinh, hoặc hiện thân Thất-tinh, hoặc hiện thân Cửu- tinh, hoặc hiện thân Chuyển-Luân Thánh-Vương, hoặc hiện thân các Vua nước nhỏ, hoặc hiện thân Trưởng-giả, hoặc hiện thân Cư-sĩ, hoặc hiện thân Tể-quan, hoặc hiện thân Phụ-nữ, hoặc hiện thân Tỳ-Khưu, Tỳ- khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc hiện thân Trời, Rồng, Dạ-Xoa, Nhân và Phi Nhân, hoặc hiện thân Y-Vương, hoặc hiện thân Dược-thảo, hoặc hiện thân người đi buôn, hoặc hiện thân người nông-dân, hoặc hiện thân Tượng-vương, hoặc hiện thân Sư-tử vương, hoặc hiện thân Ngưu- vương, hoặc hiện thân Mã-hình, hoặc hiện thân Đại-địa, hoặc hiện thân Sơn-vương, hoặc hiện hình Đại-hải.

" Trong 3 cõi có 4 loài sinh và 5 hình, không loài nào không phải là thân Duyên-Mệnh Bồ-Tát biến hiện. Như thế là Tự Thể của Pháp-thân hiện ra. Hiện chân thân du hành 6 ngã độ thoát chúng- sinh, hay dùng một tâm thiện, phá 3 cõi hữu-lậu cũng bởi một thiện tâm.

" Nếu chúng-sinh đời vị-lai, không hay phát tâm tín hướng, hãy nên nhất tâm lễ-bái, cúng-dường Duyên-Mệnh Bồ-Tát thì dao gậy cũng không tới mình, thuốc độc cũng không hại nổi, bùa-chú yểm-mị, khỏi thị quỷ và những tà-thuật khác nữa, những tai-nạn ấy trở về họ phải chịu, cũng như ngữa mặt nhổ lên trời, ngược gió tung tro, hại lại bản-thân mình ".

Bấy giờ vua Đế-Thích lại bạch Phật rằng : "Lạy Đức Thế-Tôn ! Cớ sao gọi là Duyên-Mệnh Bồ-Tát ? Tướng đó như thế nào ? "
Phật bảo vua Đế Thích rằng :

" Thiện-Nam-Tử ! Bậc Chân Thiện Bồ-Tát thì Tâm sáng tỏ và viên mãn cho nên gọi là Như-Ý-Luân, Tâm không quản ngại nên gọi là Quán-Tự-Tại, Tâm không sinh-diệt nên gọi là Duyên-Mệnh, Tâm không tồi-phá nên gọi là Địa-Tạng, Tâm không biên-tế nên gọi là Đại Bồ-Tát, Tâm không sắc-tướng nên gọi là Ma-Ha-Tát. Các ông nên tín-thụ, tâm chớ phân biệt và cũng chớ quên mất ".

Bấy giờ đại-địa 6 thứ chấn động, Duyên-Mệnh Bồ-Tát từ đất xuất hiện lên, gối bên hữu quì thẳng, cánh tay và bàn tay ngang vai, gối bên tả duổi xuống, tay cầm tích-trượng mà bạch Phật rằng :

" Con mỗi ngày cứ buổi sáng sớm thì nhập thiền-định đi vào các địa-ngục, khiến cho chúng-sinh ly hết khổ nạn. Đời này và đời sau thế-giới nào không có Phật, con cũng có thể dẩn-dắt chỉ đường và tế-độ cho chúng. Nếu Phật diệt-độ về sau này, tất cả nam-nữ muốn được con ban phúc, không cần phải hỏi ngày xấu hay tốt, sạch hay không sạch, chỉ cần người ấy hiếu-dường với phụ-mẫu, kính thờ sư-trưởng, nói năng và khí-sắc lúc nào cũng thường hòa, không làm oan người dân, không giết hại sinh mệnh, không phạm tà-dâm. Nếu trong 10 ngày trai hay 6 ngày trai, ngày 18 hay 24 những nên tu-chính lấy tâm, chuyển đọc Kinh này và xưng danh-hiệu của con thì con lấy Pháp Nhãn và Uy Thần chuyển ngay nghiệp-báo khiến cho đuợc phúc-quả hiện tiền, chứng khỏi tội vô-gián lại được chứng đạo Bồ Đề.

" Con từ đời quá-khứ không biết bao nhiêu kiếp đến nay, thấy tất cả chúng sinh trong lục-đạo, đồng một thể pháp-tính, không trước không sau, không sai không khác, bởi nghiệp vô-minh mà thấy các tướng khác nhau, sanh trụ dị diệt, lúc được lúc mất, khởi niệm bất-thiện tạo mọi nghiệp ác, vòng quanh lục-thú, kiếp kiếp cùng làm cha-mẹ với nhau, đời đời cùng là anh-em quyến-thuộc hết, đều thành Phật cả.

" Sau khi con thành Phật, nếu còn sót một người nào chưa độ, con thề chưa thành Phật. Nếu chúng-sanh nào biết cái Nguyện của con, đời này và đời sau có sở-cầu điều gì, không được thỏa mản, thì con thề không thành Chánh-Giác ".
Khi đó Phật khen ngợi ông Duyên-Mệnh Bồ-Tát :

" Hay lắm thay ! Hay lắm thay ! Chân thiện-nam-tử ! Sau khi Ta diệt độ rồi, những chúng-sinh tội khổ ở đời ác mai sau phó-chúc cho ông. Đời này đời sau, dẩn-dắt khéo léo, chớ để chúng sinh sa vào ác thú bằng gảy móng tay, nữa là đọa vào địa-ngục A-tỳ vô-gián ".

Ngài Duyên-Mệnh Bồ-Tát bạch Phật rằng :

" Lạy Đức Thế Tôn ! Xin Thế-Tôn chớ lo, con sẽ cứu vớt chúng-sinh trong 6 ngã, nếu có chúng-sinh nào thống khổ, con sẽ chịu thay cho. Nếu không đúng thế, con thề không thành Chánh giác ".
Khi bấy giờ Thế Tôn lại lấy bài kệ mà khen rằng :
" Hay thay ! Hay lắm thay !
Ông Duyên-Mệnh Bồ-Tát
Coi hữu tình như bạn
Chúng-sinh lúc sống thời
Ông sẽ là mệnh chúng
Chúng-sinh lúc chết thời
Ông lại làm đạo-sư
Chúng-sinh không hiểu biết
Vô phúc mà chết yểu
Ta diệt độ về sau
Ở trong thời Mạt Pháp
Quốc-độ nhiều tai khởi
Nhân Vương bất chính loạn
Giặc phương khác tiến lại
Đao binh thời chiến hậu
Sẽ nên nhớ tưởng niệm
Ông Duyên-Mệnh Bồ-Tát
Đời này và đời sau
Cầu gì không mản nguyện
Không đúng Ta thuyết Pháp
Thực là không có lý "

Bấy giờ tam-thiên đại-thiên thế-giới 6 lần chấn động. Ngài Văn- Thù Sư-Lợi Bồ-Tát, Ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát, Ngài Kim-Cang-Tạng Bồ-Tát, Ngài Hư-Không-Tạng Bồ-Tát, Ngài Thánh Quán Tự-Tại Bồ Tát Ma-Ha-Tát, các Ngài cùng lên tiếng khắc niệm mà bạch Phật rằng :

" Lạy Đức Thế Tôn ! Chúng sinh đời vị-lai, nếu nghe thấy Kinh này và Bồ-Tát Duyên-Mệnh, là chúng con cũng đều tùy-thuận người đó và hiện ở trước người đó, làm cho Tâm Nhãn thấy rõ, có cầu việc gì cũng được viên-mãn. Nếu không được như thế, thì chúng con thề không thành Chánh Giác ".
Khi đó, vua Phạm-Vương, vua Đế-thích, Tứ Đại Thiên-Vương, mưa các thứ thiên hoa cúng-dường Như-Lai, rồi bạch Phật rằng :

" Lạy Đức Thế Tôn ! Chúng sinh đời vị-lai, nếu cứ tự chính tâm mình, không tranh phải trái, không bó sự thưởng phạt, mà trì Kinh này và niệm danh-hiệu Duyên-Mệnh Bồ-Tát, chúng con và quyến-thuộc chúng con sẽ ủng hộ người đó, không rời ngày đêm, khiến cho cõi nước trong trăm do-tuần không có các tai-nạn, nhân-dân nước ấy đều được an-ổn, lúa tốt được mùa, cầu gì cũng đầy đủ. Nếu không như thế, thì chúng con không phải là người hộ-thế và cũng không bao trở lại được tính Bản Giác "

Lúc đó có hai Vị đồng-tử đứng hầu hai bên tả hữu, một người tên là Chưởng-Thiện đứng ở bên tả, mặc áo sắc trắng cầm hoa sen : Điều-Ngự Pháp-Tánh ; một vị tên là Chưởng-Ác đứng ở bên hữu, mặc áo sắc đỏ, cầm chày Kim-Cương : Hàng-Phục Vô-Minh. Phật bảo đại chúng :

" Hai vị đồng tử : Pháp-Tánh và Vô-Minh, cũng như hai tay và hai chân của Duyên-Mệnh Bồ-Tát, trong Tâm không động, cũng như bản-thể chữ A. Nếu có chúng-sinh nào biết được tâm đó, thì quyết định thành tựu, liền diệt tam-độc và được lực tự-tại, muốn nguyện sinh vào cõi Phật nào, tùy nguyện được sinh.

" Nếu đời vị-lai, tất cả chúng-sinh cung-kính cúng-dường Duyên- Mệnh Bồ-Tát không sinh nghi, hoặc đời hiện-tại cầu gì cũng được đầy đủ, sau sinh Tịnh-độ được Nhân vô-sinh ".
Phật thuyết Kinh này rồi, tất cả đại-hội Tâm rất vui mừng, tin chịu vâng làm.
Phật nói Kinh Duyên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát xong.