Lễ hội Đền Thánh Tản Viên

Ngày 06/02/2012 là rằm tháng Giêng, thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ hội đền Và. Đây là ngôi đền thờ Đức thánh Tản Viên (Sơn Tinh), đứng đầu trong Tứ Bất Tử - "Người anh hùng văn hóa sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thủy, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc".



Đền Và rêu phong cổ kính và uy nghi tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, hình con rùa hướng về phía mặt trời mọc trong rừng lim cổ thụ, thuộc thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây.

Theo truyền thuyết, Đức thánh Tản Viên sau khi giúp dân chống giặc ngoại xâm, khai sơn, trị thủy, vào ngày xuân (14 tháng Giêng), đất nước thanh bình, cây nảy lộc biếc, trăm hoa đua nở, ngài từ núi Tản du ngoạn đến đồi Và thuộc phường Trung Hưng, thấy đây là một thắng địa, phong thủy hữu tình, hội tụ khí thiêng đất trời nên lập hành cung, gọi là Đông cung. Trải bao năm tháng thăng trầm của thời gian và lịch sử, lòng người luôn thành kính hướng về đức ngài linh thiêng nên đã không ngừng hưng công để đền Và ngày một xứng với nơi thờ vị thần chủ của các vị thần trời Nam.

Ngày xuân con én đưa thoi, khách hành hương đến vùng đất cổ linh thiêng này, bằng tấm lòng hướng thiện, ngoài việc cầu Đức thánh Tản Viên phù trì phúc lộc, bình an cho gia đình, người thân, còn được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc rất đẹp của cha ông. Đền nằm trong rừng lim già, tạo một không gian xanh hài hòa, lại u tịch linh thiêng, như hội tụ linh khí của đất trời. Ngày xuân du ngoạn đền Và, mọi người sẽ được đắm mình trong một không gian lễ hội trang nghiêm, một nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng của vùng đất cổ xứ Đoài.

Ghi nhớ dấu tích và công đức của Ngài, người dân tại khu vực đền Và, dựa vào sự tích đám mây lành (chữ Hán là Vân già) xuất hiện trên bầu trời quê mình mà đặt tên là làng Vân Gia. Từ đó, dân thôn làm ăn phát đạt, càng chăm sóc việc hương khói thờ phụng Thánh Tản. Lễ hội đền Và diễn ra hai lần mỗi năm: mùa Xuân mở vào tháng Giêng, mùa Thu mở vào tháng Chín. Hội hằng năm mở vào ngày rằm tháng Giêng, từ ngày 14 đến 17 âm lịch. Cứ 3 năm thì tổ chức lễ hội lớn một lần vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu. Năm lễ hội lớn ở đền Và có lệ tục rước nước do dân làng Di Bình thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm. Cũng vào năm tổ chức lễ hội lớn, các làng có liên quan tín ngưỡng ở đền cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn. Tất cả có 8 làng tham gia, gồm Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc phường Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trở thành nép đẹp văn hóa truyền thống, năm 2012, theo nguyện vọng của nhân dân và du khách thập phương, UBND phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ hội đền Và. Lễ hội năm nay diễn ra trong không gian rộng, được tổ chức chặt chẽ. Ngoài phần lễ trang nghiêm còn có phần hội với các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, kéo co, thổi cơm thi, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu, cùng các tiết mục văn nghệ với các bài dân ca mang đậm nét đặc trưng văn hóa xứ Đoài... Để lễ hội diễn ra trang trọng, người dân thôn Vân Gia cùng với các lực lượng của địa phương đã lên đền dọn dẹp, trang trí cờ hội. Các phương án chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng của thị xã Sơn Tây và địa phương lân cận khá chặt chẽ, bảo đảm lễ hội diễn ra vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, tệ nạn cờ bạc, trá hình trộm cắp, ăn xin, truyền bá mê tín dị đoan...

Xuân Nhâm Thìn dự kiến trung bình mỗi ngày khoảng 3.000 lượt khách thập phương về đây dâng hương lễ thánh. Riêng đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng, số lượng du khách lên tới hàng vạn người. Khách thập phương về với đền Và cảm thấy an toàn, vui tươi, tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm sáng trong hơn nơi mảnh đất cổ, tụ hội linh khí ngàn năm của dân tộc.

(hanoimoi)