kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Bí ẩn tháp Chăm Bình Định!

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Bí ẩn tháp Chăm Bình Định!

    NC News - Tháp Chăm Bình Định là một dạng kiến trúc tôn giáo mang bản sắc rất riêng của dân tộc Chămpa. Theo các sử liệu thì trong quá trình trị vì đất nước, các triều đại Chămpa cổ đã cho xây dựng khá nhiều đền đài, nhưng trải qua nhiều thời gian đấu tranh tồn tại, cộng thêm sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh, con người... cho đến nay trên vùng cư trú xưa của họ chỉ còn lại một số dạng kiến trúc đền đài là các tháp. Bình Định là địa phương thứ hai, sau Quảng Nam sở hữu được nhiều tháp Chăm nhất nước ta, với 8 cụm di tích tháp với 14 tháp rải ra trên địa giới ba huyện và một thành phố: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn. Niên đại của các tháp Chăm được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót 1.000 năm. Khi định niên đại của các tháp Chăm thuộc phong cách Bình Định, P. Stec đưa ra giả thuyết như sau: phong cách bắt đầu từ tháp Bánh Ít - còn gọi là tháp Bạc (nửa đầu thế kỷ 12); tháp Dương Long (đầu thế kỷ 13); tháp Hưng Thạnh (nửa đầu thế kỷ 12); tháp Thủ Thiện Cánh Tiên (hay tháp Đồng); tháp Phú Lốc hay tháp Vàng (thuộc thế kỷ 13); và bắt đầu suy thoái ở tháp Po Klung Garai, Ninh Thuận.
    Tháp Chăm được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ thần Siva, một trong tam vị nhất thể của đạo Bà La Môn, Siva - tượng trưng cho sự hủy diệt, hai vị thần kia là Visnu - tượng trưng cho sự bảo tồn và Brahma - tượng trưng cho sự sinh thành. Cả ba nằm trong một vòng luân chuyển không ngừng. Người Chăm thờ thần Siva là chính, vì người Khmer thờ thần Visnu là chính. Tín ngưỡng này của người Chăm kết hợp với tục thờ cúng tổ tiên tạo thành bản sắc trong đời sống tinh thần của họ.

    Tháp Chăm, trong Ấn Độ giáo người ta gọi là Sikhara, một dạng kiến trúc tiêu biểu của Bà La Môn giáo. Từ Sikhara có nghĩa là đỉnh nhọn, đỉnh núi nhọn, biểu thị của núi Mêru trong Bà La Môn giáo. Núi Mêru là núi thần thoại có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau. Vị thần tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần tùy theo các bậc cao thấp khác nhau mà ngự trị ở những đỉnh núi thấp hơn trên cùng một dãy Mêru. Núi Mêru được biểu hiện thành kiến trúc Sikhara, người Chăm gọi là Kalan, có nghĩa là đền thờ. Đúng ra là Kalan Chăm chứ không phải là tháp Chăm, nhưng người ta quen gọi là tháp Chăm, đồng thời từ tháp đã trở thành một thuật ngữ kiến trúc chỉ loại hình cao tầng đế nhỏ. Cho nên người ta chỉ dùng từ "tháp" để gọi loại hình kiến trúc này.

    Tháp Chăm Bình Định đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, và dung hòa được trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng. Nói đến tháp Chăm là nói đến sự độc đáo của chất liệu xây dựng nên chúng: gạch Chăm. Gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác, nhưng nó bí ẩn đến mức chúng ta không biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi ta chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn tháp đã truyền cho ta niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một loại chất liệu. Không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất. Vì sao trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên, bao tai họa mà những ngọn tháp đất nung này vẫn tồn tại? Những đền tháp Chăm này được đặt trong sự gắn kết với cộng đồng cư dân, thể hiện bằng một trung tâm chính trị, kinh tế quân sự và tôn giáo cổ (thành Đồ Bàn), với hoạt động kinh tế (đồ gốm Gò Sành), và trung tâm thương mại (cảng Thị Nại, thành Thị Nại). Trải qua hàng nghìn năm với chất liệu đất vẫn còn trường tồn là một bí ẩn và độc đáo mà chỉ có ở tháp Chăm.

    Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần về thăm tháp Chăm Bình Định đã lưu lại mấy câu thơ bất hủ: Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chăm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu huyền thoại . Chính vì tính cách nhỏ giọt của "bản đồ" mà tháp Chăm Bình Định đã cho Văn Cao những suy nghĩ ấy. Vì bao giờ tháp Chăm Bình Định cũng đều được xây trên những ngọn đồi ở vị trí cao nhất, ở những vùng đất mà nó ngự trị.

    Tháp Chăm Bình Định là nguồn cảm hứng của nhiều du khách đến thăm bởi sự hùng vĩ và trải qua hàng nghìn năm nó tồn tại một cách ngạo nghễ với thời gian. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong một lần đến thăm tháp Chăm Bình Định, suy nghĩ về sự đổi thay dâu bể của lịch sử và số phận của những người Chăm đã có cảm hứng: Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi; Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn/ Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy!

    Bình Định ngày nay, Vijaya xưa là vùng định đô của vương quốc Chămpa cổ từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Đây là giai đoạn phát triển văn hóa rực rỡ của Chămpa. Trên vùng đất này, văn hóa Chămpa đã để lại di tích khá đậm đặc với nhiều loại hình và số lượng phong phú, tiêu biểu trong số này là hệ thống các tháp Chăm ở Bình Định.

    Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo mà UBND Bình Định, Viện Khảo cổ học đang xúc tiến xây dựng hồ sơ, khuyến nghị Chính phủ, đề nghị UNESCO công nhận: "Hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là di sản văn hóa thế giới". Tuy nhiên, lộ trình đi từ di tích đến di sản còn nhiều việc phải làm đối với mọi người. Nếu thấy rằng hệ thống tháp Chăm Bình Định thực sự là quý báu, thực sự là có giá trị của nước ta, di tích trải qua 1.000 năm, thì vì sao không đề cử tháp Chăm Bình Định là Di sản văn hóa thế giới?

    Theo baobinhdinh.com.vn, 23.12.2007, và Theo TS ĐINH VĂN LIÊN/SGTT
    Last edited by sackhong; 16-11-2009 at 01:23 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Bí ẩn Giếng Chăm cổ
    By KhangThien in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 14-11-2009, 07:02 AM
  2. Điều kỳ lạ về pho tượng Chăm ngàn tuổi
    By macssv in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 20-04-2009, 01:35 PM
  3. Tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận
    By Tourism Manager in forum Sách Tôn Giáo
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-06-2008, 12:09 AM
  4. Văn hóa Chăm
    By Tourism Manager in forum Văn Hóa
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-06-2008, 12:08 AM
  5. Giao thoa văn hóa Việt Chăm
    By Tourism Manager in forum Văn Hóa
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-06-2008, 12:02 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •