Giadinh.net - Mới đây, dư luận rộ lên chuyện một người dân ở Hải Dương bắt được rùa có hình Phật Bà trên mai.
Trước đây, cũng đã xuất hiện một số hiện tượng tương tự như trên mai cua, vân đá, gốc cây cổ thụ… Để hiểu rõ hơn về sự kỳ lạ này, PV Báo GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Hà Đình Đức, giảng viên cao cấp khoa Sinh học Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, người đã có nhiều năm nghiên cứu về các loài rùa ở Việt Nam và thế giới.

Mai rùa được cho là có hình Phật Bà Quan Âm của gia đình ông Nguyễn Văn Đích.
Mặc dù chưa có điều kiện xuống tận Hải Dương để chứng kiến hiện tượng được cho là kỳ lạ mà mấy hôm nay người dân khắp nơi xôn xao nhưng dựa trên những thông tin và hình ảnh mà một số tờ báo điện tử đưa gần đây thì tôi khẳng định loài rùa này là loài rùa tai đỏ.

Loài rùa này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây nó trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một loài rùa cạn, rất dễ nuôi bởi nó tạp ăn, dễ sống trong nhiều môi trường cho nên nó được rất nhiều người dân Việt Nam mua về nuôi làm cảnh. Loài rùa tai đỏ phổ biến nhất ở Việt Nam có tên quốc tế là Trachemys Scripta Elegan, loài này lớn nhất cũng chỉ dài tới 28cm. Việc gia đình ở Hải Dương bắt được loài rùa này trên đồng cũng là chuyện dễ hiểu vì loài rùa này thường được người Việt thả rất nhiều trong các dịp phóng sinh, lễ Tết...

Còn việc mai rùa có hình Phật Bà Quan Âm cũng là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, bởi loài rùa tai đỏ là loài rùa cạn, có mai cứng, trên mai bao giờ cũng có cấu tạo ba vòng với nhiều hình thù khác nhau. Vòng trung tâm thường có tất cả 5 vẩy, vòng giữa mỗi bên 4 vẩy còn vòng ngoài cùng có tất cả là 26 vẩy. Các vẩy này ở mỗi cá thể rùa sẽ mang một hình dạng khác nhau, những hình dạng đó sẽ tùy vào cách nhìn nhận của từng người.

Rùa tai đỏ mà PGS.TS Hà Đình Đức nuôi làm cảnh trong nh

Hình trên mai rùa vừa tìm thấy lại là hình Phật Bà Quan Âm, điều này theo PGS có gì lạ không?

- Theo tôi là không có gì lạ, vì như tôi đã nói, hình Phật Bà Quan Âm hay hình gì khác thì đó là do cách nhìn của mỗi người. Nếu hình trên mai rùa hiện lên rõ ràng và đầy đủ như hình Phật Bà Quan Âm vẫn thường thấy trong các bức họa thì đó mới thực sự là điều kỳ lạ. Còn ở đây, tất cả các đường vân vẫn đang chỉ là những đường nét không rõ ràng thì không có gì đặc biệt cả. Đôi lúc do người ta chưa bao giờ nhìn thấy những hình thù như thế nên đã thổi phồng lên quá mức mà thôi.

Ông đã từng gặp hiện tượng nào tương tự như thế này chưa, thưa PGS?

- Năm 1989, ở Hà Tây cũng có hiện tượng cua có mai hình “mặt người” và tôi đã trực tiếp đến xem, chụp hình nghiên cứu nhưng kỳ thực đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Đối với các loài bò sát có mai bao giờ trên mai cũng có các đường vân, những đường vân này ở mỗi cá thể là khác nhau. Con cua có hình “mặt người” này chẳng qua là vô tình có các đường vân giống với khuôn mặt của con người mà thôi chứ không có gì là đặc biệt.

Rồi sau này ở Thanh Hóa cũng phát hiện được một con khỉ giống y như người mà người ta kháo nhau đó là “người rừng”. Người ta đồn là “người rừng” có thể hiểu được cả tiếng Kinh lẫn tiếng dân tộc và biết xem đồng hồ chẳng khác gì người. Tin đồn tung ra, người khắp nơi đổ về truy lùng “người rừng” nườm nượp cả một khu rừng. Thời điểm đó rất may là tôi đang ở Thanh Hóa, cách chỗ người ta phát hiện ra “người rừng” khoảng 20km. Tôi cũng đích thân đến tận nơi để xem rõ thực hư, khi đến nơi thì một toán thợ săn đã bắt được “người rừng” bằng bẫy dây thòng lọng. Nhìn kỹ thì ra “người rừng” mà người ta đồn thổi ầm lên chỉ là một loài khỉ mặt đỏ. Tuy nhiên, do chú khỉ này đã quá già nên phần lông sau đầu dài như tóc người, khuôn mặt nhăn nheo như mặt người, lại còn có cả lông cằm dài như râu nữa nên người ta nghĩ đó là “người rừng”.

Hay cũng vào năm 1989, ở Quốc Oai, Hà Tây người ta đồn rằng có một con gà đẻ con (đẻ con trực tiếp chứ không ấp trứng như gà thường). Người dân kéo về xem rất đông. Lúc đó, thầy tôi là GS Đào Văn Tiến và tôi đã đến tận nhà người dân có con gà kỳ lạ này để xem. Quan sát kỹ thì con gà mẹ có màu đen, do bị đứt gân chân nên nó phải di chuyển bằng đôi cánh. Theo chủ nhân của con gà này nói thì mỗi ngày có khi con gà này đẻ ra một đến hai con gà con, có khi thì đẻ trứng. Các con gà con thì vẫn sống bình thường. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học thì không bao giờ có chuyện gà đẻ ra con được. Vì thứ nhất, mỗi ngày gà mẹ chỉ rụng một trứng, trứng sau khi đã thụ tinh xong khi ra ngoài thì phải qua một đường ống dẫn trứng nhỏ, dài khoảng 20cm. Ống dẫn trứng đó không đủ lớn để có thể chứa được một con gà. Thứ hai, vì thân nhiệt của gà mái rất cao nên trứng không thể nở từ trong bụng gà mái được. Trứng chỉ nở khi đã được đẻ ra ngoài và gà mẹ ấp với nhiệt độ 37 độ, trong một thời gian dài thì mới nở được thành con. Cho nên chuyện gà đẻ ra con là hoàn toàn không có cơ sở. Tôi đã từng viết một bài báo có tựa đề là “Từ chuyện gà đẻ con ở Hà Tây đến chuyện bắt được người rừng ở Thanh Hóa” đăng trên báo Nhân Dân chủ nhật, số 17, 4/6/1989.
Thực tế thì khó có thể nói được loài rùa nào có mai đẹp và không đẹp được cả vì nó còn tùy thuộc vào môi trường sống của từng cá thể. Tôi lấy ví dụ như loài rùa vàng, nếu sống trong đầm lầy, rừng sâu thì mai của nó có màu xám, tối nhưng nếu sống ở sông suối, ao hồ nước trong thì mai rất sáng.

Năm 2000, ông Hoàng Văn Nhân – lái xe cho Tỉnh ủy Hà Tĩnh có bắt được một con rùa vàng ở vùng Quỳ Hợp, Nghệ An sau đó ông ấy mang tặng cho cụ Vũ Khiêu. Sau đó, cụ Vũ Khiêu cho mang ra thả ở Tháp rùa. Một năm rưỡi sau nó lại bơi vào trong mép hồ và tôi có đến thăm lại. Lúc đầu khi mới bắt được nó có bộ mai màu vàng sáng rất đẹp nhưng một thời gian sống ở hồ Hoàn Kiếm thì mai nó chuyển sang màu nâu.