Khoa học kỳ bí: Những Khả Năng Kỳ Lạ!

Phạm Thái Lai

Trong những thập niên gần đây nhân loại đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực y khoa, thiên văn, điện toán... Tuy nhiên, cho đến nay, các khoa học gia vẫn phải thừa nhận tất cả những tiến bộ đó chưa giúp được con người giải thích một số những hiện tượng huyền bí từng hiện hữu trên trái đất từ nhiều thế kỷ, thậm chí nhiều thiên niên kỷ.

Khả Năng Thôi Miên

Một trong những hiện tượng huyền bí được các khoa học gia ghi nhận là khả năng thôi miên của một số nhà thôi miên học. Theo những công trình nghiên cứu về thôi miên của một số khoa học gia trên thế giới, từ thôi miên trong Anh Ngữ đã bắt nguồn từ tiếng Hypnos, tên của Thần Ngủ trong truyền thuyết Hy Lạp cổ đại.

Nhưng thực tế, toàn bộ tiến trình thôi miên của một nhà thôi miên học đối với người cũng như loài vật không hẳn là một quá trình đưa người hay vật vào trong giấc ngủ vô thức.

Trái lại, khi một người được thôi miên, người đó vẫn có thể có những hoạt động bình thường như biết nghe những câu hỏi, biết trả lời một cách hợp lý.

Thậm chí có nhiều trường hợp người được thôi miên còn biết viết, biết đọc, biết hồi tưởng những kỷ niệm đã xẩy ra trong quá khứ.

Tuy ảnh hưởng cùng những khả năng của thôi miên là một điều có thật từ nhiều thiên niên kỷ, đông đảo mọi người vẫn nghi ngờ và coi nghệ thuật thôi miên là những sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng hoặc tà giáo.Trong những năm tháng dài thời Trung Cổ ở Châu Âu đã có nhiều nhà thôi miên học tài ba có khả năng mổ xẻ khiến người bệnh không những không biết đau mà còn có thể không chẩy máu. Nhưng vì những thành kiến xã hội, những hiểu biết không thấu đáo của nhiều vua quan thời bấy giờ nên nhiều nhà thôi miên học đã trở thành đối tượng bị chụp mũ phù thủy, bị khủng bố và thậm chí bị hỏa thiêu.

Phải mất nhiều thế kỷ và qua những nghiên cứu công phu của nhiều khoa học gia danh tiếng trên thế giới, con người ngày nay mới chấp nhận sự hiện hữu cùng những khả năng huyền bí của thôi miên.

Đặc biệt, trong những thập niên gần đây, nghệ thuật trình diễn thôi miên ngay trên sân khấu với sự tham gia trực tiếp của khán giả đã trở thành một hiện tượng giải trí tương đối phổ biến ở Châu Âu, Châu Mỹ cũng như Châu Á.

Để có thể mô tả một cách rõ ràng thôi miên là gì, ta hãy tưởng tượng nếu bình thường có người bảo "bạn là một con mèo đang bò trên đất và kêu meo meo", chắc chắn bạn sẽ tức giận hoặc cười trừ vì cho đó là một người điên.

Nhưng nếu như bạn gặp một nhà thôi miên học tài ba, cũng câu nói đó của nhà thôi miên sẽ khiến bạn tự nguyện bò dưới đất bằng cả hai tay hai chân và bạn sẽ kêu meo meo giống như một con mèo.

Nói như vậy có nghĩa là một người trong trạng thái bị thôi miên, người đó sẽ ngoan ngoãn làm một cách vô thức tất cả những gì nhà thôi miên học khuyên bảo.

Thực tế, trong một cuộc trình diễn về thôi miên tại California, Hoa Kỳ vào năm 1972, một nhà thôi miên học theo trường phái Franz Mesmer đã mang đến cho cử tọa, trong đó có nhiều khoa học giả nổi tiếng thế giới, những ngạc nhiên lớn lao đến mức khó có thể ngậm miệng được.

Cụ thể nhà thôi miên học đã mời khoảng hai chục khán giả lên sân khấu trình diễn những ảnh hưởng của thôi miên. Sau khi nhà thôi miên học nói thì thầm những ngôn ngữ như rót vào tai những người trên sân khấu, cử tọa ngạc nhiên thấy ngót hai chục người ăn mặc chỉnh tề cổ cồn cà vạt, bỗng nhiên cùng ngơ ngác trong một hai phút đồng hồ trước khi bò ra đất và cùng thi nhau kêu "gâu gâu", bất chấp những hỗn loạn, hò hét, cười la của mấy ngàn khán giả hiện diện trong rạp hát.

Bên cạnh việc điều khiển người khác hành động theo ý muốn, các nhà thôi miên học còn có khả năng “cấy” vào thần kinh hệ của một người những mật mã nhất định. Một khi gặp hoàn cảnh và điều kiện tương ứng với những mật mã đã cấy, người đó sẽ có những hoạt động đúng như lời “dậy bảo” của nhà thôi miên học.

Một trong những người có công theo đuổi nghệ thuật thôi miên là Franz Anton Mesmer, một bác sĩ người Áo xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 18. Chính những công trình nghiên cứu và hệ thống hóa nghệ thuật thôi miên của ông đã đưa thôi miên học trở thành một hiện tượng tuy huyền bí nhưng được ứng dụng một cách rộng rãi trong việc trị bệnh, giải phẫu bệnh nhân, điều tra tội phạm, nghiên cứu khoa học, sáng tác thơ văn...

Mới đây, những nhà thôi miên học tài danh còn đi xa hơn một bước khi cho trình diễn những màn thôi miên khiến người bị thôi miên trải qua những cảm giác nóng lạnh thực sự tùy theo lời “khuyên nhủ” của nhà thôi miên học.
Thậm chí có người còn nghe lời nhà thôi miên dí ngón tay vào ngọn lửa đèn cầy mà không hề cảm thấy đau đớn và ngón tay cũng không hề bị bỏng.

Trong khi đó có những người tuy không hề nhúng tay vào nước sôi hay dí tay vào lửa nhưng lại bị bỏng sau khi chịu ảnh hưởng của thôi miên.

Trong một công trình nghiên cứu về thôi miên học được một nhóm khoa học gia Hoa Kỳ thực hiện gần đây nhất đã đi đến đúc kết, thôi miên học không những có khả năng giúp người trị bệnh mà còn gia tăng khả năng thần giao cách cảm (telepathy) cũng như khả năng thiên lý nhãn (claivoyance).

Các nhà khoa học cũng nhìn nhận nhiều nhà thôi miên học có khả năng giúp con người nhớ lại những kỷ niệm, những hình ảnh đã từng bị lớp tro thời gian bao phủ từ nhiều thập niên về trước.

Nhận thức được giá trị của thôi miên mặc dù không đi đến một giải thích thỏa mãn nào ở thời điểm hiện nay, tại Hoa Kỳ cơ quan cảnh sát đã cho thành lập một ban nghiên cứu đặc biệt chuyên ứng dụng khả năng thôi miên trong việc điều tra tội phạm.

Các khoa học gia còn cho rằng, khả năng thành công của thôi miên học không những tùy thuộc vào nhà thôi miên mà còn tùy thuộc một cách quan trọng vào niềm tin của người được thôi miên.


Thôi Miên Hay Đầu Thai?

Trong thời gian trên dưới một năm trời thực hiện những cuộc thí nghiệm cho chương trình truyền hình Los Angeles, khoa học gia Emile Franckel đã thành công trong việc thuyết phục khán giả tin tưởng, một khi được thôi miên, con người sẽ có khả năng nhớ lại những sự kiện, những nhân vật, những tên người và địa danh, bình thường không thể nhớ trong cuộc sống thường nhật.

Cùng chung quan niệm với Emile Franckel, nhiều khoa học gia trên thế giới, nhất là các nhà thôi miên học, cũng đã cho rằng trí nhớ của con người trải qua thời gian sẽ là những lớp phù sa được bồi đắp, lớp sau bao phủ lên lớp trước.

Chính quá trình bồi đắp trí nhớ theo thời gian đã khiến cho những sự kiện trước bị những sự kiện hiện tại bao trùm nên con người trong một hoàn cảnh bình thường khó có thể nhớ lại cho dù những sự kiện đó vẫn được lưu trữ trong các tế bào của não bộ. Một khi con người ở trong trạng thái bị thôi miên, tất cả những lớp phù sa tư tưởng sẽ được đào xới và con người lúc đó sẽ nhớ lại những gì đã bị chôn vùi.

Trong khi thực hiện những thí nghiệm về thôi miên học, các khoa học gia trên thế giới đã không thể nào ngờ, cùng với những hồi tưởng kỳ lạ của người bị thôi miên về quá khứ, đôi khi có những trường hợp người bị thôi miên đã kể lại những câu chuyện, nhắc đến tên tuổi những nhân vật và mô tả những sự kiện không phải chỉ xảy ra một vài thập niên về trước mà có thể nói tới vài thế kỷ.

Căn cứ vào hồ sơ lưu của Hiệp Hội Nghiên Cứu Tâm Linh Anh Quốc, ngay từ năm 1906 các khoa học gia đã thí nghiệm thôi miên cho một người con gái khiến người con gái kể lại những tình tiết đã xảy ra dưới thời vua Richard Đệ Nhị.

Điều kỳ lạ hơn là tất cả những tình tiết do người con gái kể lại, bao gồm tên người, địa danh, quần áo thời trang, các loại món ăn ở cung đình... đều hoàn toàn đúng với những tài liệu lịch sử mặc dù trong suốt cuộc đời, người con gái đó không hề đọc hay nghe những chuyện đó cho dù là một lần.

Trong những trường hợp hồi tưởng những sự kiện kỳ lạ sau khi được thôi miên trong thời gian mấy thập niên gần đây ta không thể không kể đến trường hợp nổi tiếng của người thiếu phụ 29 tuổi tên là Virginia Tighe.

Căn cứ vào công trình nghiên cứu khoa học được các khoa học gia ghi nhận thì trong thời gian từ tháng 11 năm 1952 cho đến tháng 10 năm 1953, một nhà thôi miên học Hoa Kỳ tên là Morey Bernstein đã tiến hành thực hiện một loạt những cuộc thôi miên đối với bà Virginia Tighe trước khi nghe bà tâm sự.

Bà Virginia Tighe sinh ra tại Maddison, Wiscosin và lớn lên tại Chicago từ năm lên ba cho đến khi lập gia đình. Trong suốt thời gian đó, bà không hề bao giờ viếng thăm Ái Nhĩ Lan và cũng không mấy khi tiếp xúc với người Ái Nhĩ Lan.

Vậy mà khi được thôi miên, bà Virginia Tighe đã không những nói tiếng Anh với giọng Ái Nhĩ Lan mà còn cho biết chính bà là Bridget Murphy, con của ông bà Murphy, theo đạo Protestant và sinh sống tại Meadaws, thuộc vùng Cork, Ái Nhĩ Lan.

Trong những cuộc thôi miên kế tiếp, bà Virginia Tighe cũng còn cho biết anh trai của bà tên là Duncan sinh năm 1796, đã thành hôn với Aimée, con gái của bà Strayne, người trước đây từng dạy bà khi bà 15 tuổi. Đến năm 1818, bà thành hôn với một người theo đạo Công Giáo tên là Brian MacCarthy và cả hai đã dọn đến Belfast sinh sống.

Ngoài ra, trong những buổi bị thôi miên, bà Virginia Tighe còn ca hát những bài dân ca trữ tình của người Ái Nhĩ Lan dù những bài dân ca đó đã xưa đến mức ngay cả những con gái sinh ra và lớn lên tại Ái Nhĩ Lan cũng ít khi nghe.

Thậm chí, có lần bà Virginia Tighe còn say sưa nhảy một khúc luân vũ giống hệt như khúc luân vũ cổ điển của người Ái Nhĩ Lan.

Toàn bộ những kỳ diệu về câu chuyện của bà Virginia Tighe đã được nhiều khoa học gia Hoa Kỳ, trong đó có một số nhà nhân chủng học, nghiên cứu và điều tra trong suốt một thời gian dài. Đặc biệt, tạp chí Empire cũng đã đặc cử một số phóng viên tên tuổi thực hiện cuộc điều tra và phối kiểm tất cả những gì bà Virginia Tighe đã nói trong hôm mê với những thực tế đã xảy ra tại Ái Nhĩ Lan.

Kết quả, những sự kiện được ghi nhận trong thời gian một năm trời đúc kết trong một báo cáo bao gồm 19 ngàn chữ đã cho thấy có những sự kiện được thừa nhận hoàn toàn chính xác bao gồm tên tuổi và lý lịch của dòng họ mà bà Virginia Tighe tự nhận.

Qua trường hợp của bà các khoa học gia đã không ít thì nhiều phải thừa nhận khả năng đầu thai của con người là chuyện có chứ không phải không.


Thôi Miên & Tội Ác

Nhưng bên cạnh những người dùng thôi miên trị bệnh cứu người, cũng còn có người dùng thôi miên để thực hiện tội ác. Một bác sĩ nổi tiếng về tài thôi miên tên là Andre Lescoeur đã bị truy nã về tội cưỡng hiếp ít nhất là 100 nữ bệnh nhân. Đại đa số các nữ bệnh nhân khi bị hiếp đều không biết chuyện đã xảy ra vì tất cả đều bị bác sĩ Andre Lescoeur thôi miên mê man trước khi y dở hành động đồi bại “con heo”.

Phẫn nộ hơn nữa là sau khi hiếp, bác sĩ Andre Lescoeur còn bắt mỗi bệnh nhân phải trả số tiền 200 đô la cho cái gọi là “thôi miên trị bệnh cứu người” y đã làm. Kỳ quái hơn là tất cả những lần y bậy bạ với nữ bệnh nhân, y đều thu băng video. Sau một thời gian bí mật theo dõi, cảnh sát đã ập vô phòng mạch của bác sĩ Andre Lescoeur tại Marseilles. Tuy nhiên, Andre Lescoeur đã khôn ngoan trốn thoát.


Nhầm Lẫn Của Khoa Học!

Trong cuộc sống chung quanh chúng ta xưa cũng như nay có rất nhiều những hiện tượng kỳ bí vượt khỏi sự nhận thức của con người. Vì không thể giải thích được những hiện tượng kỳ bí đó bằng kiến thức khoa học nên phần đông các khoa học gia đều từ chối không chịu tin chúng hiện hữu. Rõ ràng đó là quan niệm cố chấp, hẹp hòi và rất sai lầm của những người làm khoa học.

Đồng ý, khoa học là một công cụ quyền lực giúp con người phát hiện những kỳ bí, ảo diệu trong đời sống tự nhiên. Tuy nhiên, kiến thức khoa học mà con người thu lượm được trong giai đoạn vài ngàn năm không thể nào là một chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở cửa tất cả mọi kho tàng nhiệm màu của tự nhiên.

Bằng cớ như chúng ta đã thấy trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, có những tư tưởng, học thuyết được coi là khuôn vàng thước ngọc trong một giai đoạn nhưng rồi cùng với thời gian và sự phát triển của khoa học, nhân loại mới nhận ra những sai lầm rất ấu trĩ của những tư tưởng và học thuyết đó. Sau đây là một vài bằng chứng cụ thể chứng minh những sai lầm điển hình của các khoa học gia.

Thứ nhất, người ta còn nhớ vào thế kỷ 18, chính nhà hóa học nổi tiếng người Pháp tên là Antoine Lavoisier đã lớn tiếng tuyên bố, chuyện những tảng thiên thạch rớt xuống trái đất là chuyện hoàn toàn phi lý, không bao giờ xảy ra. Vì uy tín của ông lúc đó quá lớn và những bằng cớ ông đưa ra “rất khoa học” nên một loạt các viện bảo tàng tại Châu Âu lúc bấy giờ đã quyết định “thu hồi các tảng thiên thạch đang được triển lãm và đem vứt vào xọt rác”.

Thứ hai, vào năm 1850 một nhà vật lý sinh vật người Đức tên là Johannes Muller đã khẳng định, vĩnh viễn khoa học nhân loại không thể nào đo được tốc độ của một tín hiệu thần kinh trong cơ thể con người. Vậy mà không đầy hai năm sau, Hermann von Helmholtz đã chứng minh lời khẳng định của Jhannes Muller là sai lầm.

Thứ ba, khi nhà vật lý Ernest Rutherford thành công trong việc phân giải một nguyên tử, ông tự tin tuyên bố môn vật lý đã đạt đến biên cương cuối cùng của vật chất. Thực tế cùng với sự phát triển của thuyết lượng tử và sự phát minh ra quark cho thấy nguyên tử không phải là đơn vị nhỏ nhất của vật chất như ông Rutherford tuyên bố.

Nói tóm lại, hành trình tìm kiếm những bí mật trong tự nhiên của nhân loại cũng giống như những người đi dạo trên bãi biển. Dù cho họ có may mắn nhặt được một vài vỏ sò, hến, phát hiện được một vài con cua, con ốc hay những ghềnh đá, vũng nước, họ cũng chẳng thể nào reo lên tự cho mình là đã phát hiện ra tất cả bí mật của đại dương.

Nhận thức được những hạn chế của “khoa học chính thống” đối với những hiện tượng siêu tự nhiên nên trong những thập niên gần đây, trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nổi tiếng quay sang nghiên cứu những hiện tượng mệnh danh là “phi bình thường” (paranormal) trong tự nhiên và những khả năng “phi bình thường” của con người.

Về khả năng phi bình thường của con người, các khoa học gia chia làm hai loại chính.

Loại thứ nhất là ESP, viết tắt của chữ Extra Sensory Perception. Loại ESP nghiên cứu về ba dạng khả năng kỳ bí của con người: Một là thần giao cách cảm (telepathy) biết được những suy tư của người khác; Hai là thiên lý nhãn (clairvoyance) thấy được những chuyện xảy ra cách xa hàng trăm cây số; Ba là khả năng tiên tri (precognition) biết trước những chuyện sắp xảy ra.

Loại thứ hai là PK, viết tắt của chữ Psycho Kinesis. Những người dạng PK là người có khả năng vận dụng trí óc điều khiển vật chất hoặc tạo ảnh hưởng đối với các đồ vật và con người.


Phạm Thái Lai