Bốn thời thực hành giấc ngủ được làm trong những thời kỳ thức trong đêm, như thực hành giấc mộng. Tuy nhiên trong yoga giấc ngủ tất cả bốn thời là cùng một cái như nhau.

Hãy nằm theo thế sư tử, như đã giải thích trong chương về thực hành giấc mộng : đàn ông bên phải, đàn bà bên trái. Hãy quán tưởng bốn cánh hoa sen xanh trong trung tâm tim. Ở trong trung tâm là dakini Salgye Du Dalma, được quán tưởng trong tinh túy của ngài như là một khối cầu bằng ánh sáng thanh tịnh rực rỡ và trong sáng, một tiglé trong suốt như pha lê toàn hảo. Tiglé trong sáng và không màu sắc, phản chiếu màu xanh của những cánh hoa và trở thành một màu xanh trắng rực rỡ. Hãy hòa lẫn sự hiện diện của bạn trọn vẹn với tiglé sáng rỡ cho đến mức bạn trở thành ánh sáng xanh sáng rỡ.

Mỗi một cánh hoa xanh là một tiglé, với tiglé trung tâm là năm tiglé. Ở trước là một tiglé vàng, tượng trưng phương đông. Bên trái bạn, phương bắc, là tiglé lục. Đằng sau là tiglé đỏ của phương tây. Và bên phải là tiglé xanh của phương nam (xem hình vẽ trang 156). Những tiglé tượng trưng cho bốn dakini được quán tưởng trong tinh túy sáng rỡ của các vị, ánh sáng có màu sắc. Chớ quán tưởng những hình tướng của các vị khác hơn là những khối cầu của quang minh. Bốn tiglé giống như một đoàn tùy tùng của Salgye Du Dalma. Hãy phát triển cảm thức rằng bạn được sự che chở của những dakini bao quanh ; hãy cố gắng cảm thấy thực sự sự hiện diện từ ái này cho đến khi bạn được an toàn và thư giãn.

Hãy cầu nguyện đến dakini, cầu mong bạn có giấc ngủ của tịnh quang hơn là những giấc mộng hay giấc ngủ của vô minh. Làm cho lời cầu nguyện của bạn mạnh mẽ và đầy sùng mộ, và cầu nguyện trở đi trở lại. Lời cầu nguyện sẽ giúp làm mạnh sùng mộ và ý định. Không quá nhấn mạnh đâu khi cho rằng ý định mạnh mẽ là nền tảng của thực hành. Phát triển sùng mộ sẽ giúp làm cho ý định được nhất tâm và uy lực đủ để xuyên thủng những đám mây của vô minh chúng che đậy quang minh của tịnh quang.

ĐI VÀO GIẤC NGỦ

Dù kinh nghiệm ngủ là liên tục, nó được chia thành năm giai đoạn như một giúp đỡ để đem tỉnh giác vào tiến trình. Trong bản dưới đây, cột bên trái liệt kê một sự mất nối kết tiệm tiến khỏi những giác quan và những đối tượng của giác quan cho đến khi có một “vắng bặt cái nhìn thấy” toàn diện, nó có nghĩa là một sự vắng mặt hoàn toàn kinh nghiệm giác quan.

Bình thường, nhân cách dựa vào thế giới của những giác quan. Vì thế giới này biến mất trong giấc ngủ, cái nâng đỡ cho ý thức sụp đổ và kết quả là “rơi vào giấc ngủ”, đó có nghĩa là chúng ta trở nên vô thức. Yoga giấc ngủ dùng những tiglé để nâng đỡ ý thức khi sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài đã bị mất. Tương ứng với sự tan biến tiệm tiến của kinh nghiệm giác quan, hành giả nối kết theo thứ tự với năm tiglé, cho đến khi, với thế giới hoàn toàn biến mất, chủ thể tan biến vào quang minh thanh tịnh bất nhị của tịnh quang. Chuyển động từ một tiglé qua một tiglé khác cần phải êm nhẹ, thông trơn càng nhiều càng tốt để phù hợp với chuyển động liên tục và không ngắt quãng đến giấc ngủ.

a. Sau khi bạn nằm trong thế thích hợp, kinh nghiệm giác quan vẫn đầy đủ : bạn thấy bằng mắt, bạn nghe, bạn cảm thấy cái giường... Đây là lúc của cái nhìn thấy. Cái ngã quy ước được nâng đỡ bởi kinh nghiệm giác quan. Hãy bắt đầu chuyển hướng sự nâng đỡ này đến ý thức thanh tịnh mà những tiglé đại diện. Bước thứ nhất là hòa tan sự tỉnh giác của bạn với tiglé đằng trước, một ánh sáng đẹp đẽ, ấm áp, màu vàng trong đó tâm thức ý niệm có thể bắt đầu tan vào.

b. Khi hai mắt nhắm lại, sự tiếp xúc với thế giới giác quan bắt đầu giảm sút. Đây là điểm thứ hai, cái nhìn thấy giảm bớt. Vì sự nâng đỡ bên ngoài đã mất, hãy hướng tỉnh giác đến tiglé lục bên trái. Hãy để cho nhân cách bắt đầu tan biến khi kinh nghiệm giác quan giảm.

c. Vì kinh nghiệm giác quan trở nên bị chặn im hơn, hãy hướng tỉnh giác đến tiglé đỏ. Tiến trình vào giấc ngủ thì quen thuộc – sự êm dịu và mờ nhòa của những giác quan, sự mất dần những cảm giác. Thông thường khi những nâng đỡ bên ngoài mất đi, bạn mất đi chính bạn, nhưng giờ đây bạn đang học cách hiện hữu mà không có bất kỳ cái nâng đỡ nào.

d. Khi kinh nghiệm giác quan hầu như tắt mất, hãy hướng tỉnh giác vào tiglé màu xanh bên phải. Đây là thời kỳ khi mọi kinh nghiệm giác quan ngừng dứt. Tất cả các giác quan rất thanh tĩnh và không có bất cứ tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài.

e. Cuối cùng, vì thân thể hoàn toàn đi vào giấc ngủ và mọi tiếp xúc với những giác quan đã mất đi, tỉnh giác hoàn toàn trộn lẫn với tiglé trung tâm màu xanh trắng. Tới điểm này, nếu bạn thành công, tiglé sẽ không thực sự là một đối tượng của tỉnh giác ; bạn sẽ không quán tưởng một ánh sáng xanh cũng không xác định kinh nghiệm bằng vị trí. Hơn nữa, bạn sẽ là chính bản thân tịnh quang ; bạn an trụ trong đó suốt giấc ngủ.

NHỮNG GIAI ĐOẠN DỪNG TẮT CỦA GIÁC QUAN

Kinh nghiệm giác quan
Tiglé
. Màu Hướng Vị trí
a. Cái nhìn thấy
b. Cái nhìn thấy giảm
c. Cái nhìn thấy giảm nhiều
d. Cái nhìn thấy dừng tắt
e. Cái nhìn thấy vắng mặt Vàng
Lục
Đỏ
Xanh
Xanh trắng Đông
Bắc
Tây
Nam
Trung tâm Trước
Trái
Sau
Phải
Trung tâm
Hãy ghi nhận rằng năm giai đoạn này không ám chỉ đến những hình tướng xuất hiện của tâm thức bên trong, mà là đến sự dừng tắt theo thứ lớp của kinh nghiệm giác quan. Bình thường người ngủ đi qua tiến trình này một cách vô thức ; với sự thực hành này tiến trình này xảy ra trong tỉnh giác. Những bước trong tiến trình không cần phải phân định ranh giới một cách rõ ràng. Khi các thức rút khỏi các giác quan, hãy để cho tỉnh giác di chuyển êm băng qua những tiglé cho đến khi chỉ còn là tánh tỉnh giác bất nhị – tịnh quang của tiglé trung tâm. Chính khi thân thể xoáy chìm vào giấc ngủ thì bạn xoáy chìm vào tịnh quang. Hơn là dựa vào những quyết định ý niệm để di chuyển từ một tiglé này sang một tiglé khác, và hơn là cố gắng làm cho tiến trình xảy ra, hãy cho phép ý định khai mở tiến trình trong trải nghiệm.

Nếu bạn hoàn toàn thức dậy ở giữa sự thực hành, hãy bắt đầu trở lại. Bạn không cần phải quá cứng ngắc với hình thức của sự thực hành. Tiến trình xảy ra nhanh hay chậm không thành vấn đề. Đối với một số người rơi vào giấc ngủ thì nhẹ nhàng ; những người khác rơi vào giấc ngủ vài giây sau khi đầu họ chạm xuống gối. Cả hai đều đi qua một chuyển di như nhau. Một cái kim may hầu như tức khắc xuyên qua một xấp năm thứ vải mỏng nhưng cũng còn năm khoảnh khắc để nó xuyên qua từng thứ. Chớ có phân tích quá đáng về những giai đoạn nào là cái gì hay phân chia rạch ròi tiến trình thành năm. Sự quán tưởng chỉ là một nâng đỡ cho tỉnh giác lúc ban đầu. Tinh túy của sự thực hành phải được hiểu và áp dụng hơn là chìm mất trong những chi tiết.

Theo kinh nghiệm riêng của tôi, tôi thấy sự thực hành cũng hiệu quả khi những tiglé được đi vào theo chiều ngược lại. Lúc đó bạn quán tưởng tiglé vàng trước mặt, tượng trưng cho đất ; tiglé xanh bên phải, tượng trưng cho nước ; tiglé đỏ đằng sau, tượng trưng lửa ; tiglé lục bên trái, tượng trưng không khí ; và cuối cùng tiglé xanh trắng ở trung tâm, tượng trưng không gian. Trình tự này tương đương với trình tự mà những nguyên tố tan biến khi chết. Bạn có thể thí nghiệm để xác định trình tự nào tốt nhất cho bạn.

Như trong thực hành giấc mộng, tốt nhất là thức dậy ba lần trong đêm, cách khoảng độ hai giờ một lần. Khi kinh nghiệm được phát triển, bạn có thể dùng những lúc tỉnh dậy tự nhiên trong đêm hơn là ba thời kỳ tỉnh dậy theo chương trình. Hãy lập lại cùng một thực hành trong mỗi thời thức dậy. Mỗi lúc bạn thức dậy, hãy khảo sát kinh nghiệm về giấc ngủ từ đó bạn thức dậy : Bạn có mất tỉnh giác và như thế giấc ngủ của vô minh ? Bạn có mộng, đánh mất mình trong giấc ngủ sanh tử ? Hay bạn ở trong tịnh quang, an trụ trong tánh giác thanh tịnh bất nhị ?


4 Tiglé
Tiglé có nhiều định nghĩa khác nhau, mỗi cái thích hợp trong những bối cảnh khác nhau. Trong bối cảnh của thực hành này, nó là một khối cầu nhỏ bằng ánh sáng tượng trưng những phẩm tính đặc biệt của Thức, hay trong trường hợp tiglé trung tâm, tượng trưng cho rigpa thanh tịnh. Dù rốt ráo tỉnh giác phải được ổn cố mà không dựa vào một đối tượng nào, cho đến khi nào khả năng này được khai triển thì ánh sáng vẫn còn là một nâng đỡ, một chỗ dựa hữu ích. Ánh sáng thì sáng rỡ và trong sáng, và dầu cho nó còn trong thế giới hình tướng, nó thì kém chất thể hơn bất kỳ hình tướng có thể tri giác được nào khác. Sự quán tưởng những tiglé là một cái cầu, một cái nạng ích lợi cho đến khi ánh sáng có thể tri giác được có thể được từ bỏ và hành giả có thể an trụ trong tỉnh giác trống không, không có hình ảnh, trong quang minh là tinh túy của ánh sáng.

Khi tiglé được quán tưởng trên bốn cánh hoa màu xanh trong luân xa tim, không cần thiết cố gắng xác định nơi chốn chính xác theo khoa giải phẩu. Điều quan trọng là cảm giác trung tâm thân thể trong vùng trái tim. Hãy dùng tỉnh giác và tưởng tượng để tìm ra chỗ đúng, chỗ trong đó có kinh nghiệm thật sự.

Những màu của những tiglé không được chọn tùy ý. Màu sắc ảnh hưởng phẩm tính của ý thức, và những ánh sáng có màu là để gợi ra những phẩm tính đặc biệt được đưa vào sự thực hành, cũng như những luân xa, màu sắc và chữ đặc biệt tạo thành một tiến bộ trong yoga giấc mộng. Những phẩm tính khác nhau có thể được kinh nghiệm khi chúng ta di chuyển từ một tiglé đến một cái khác – vàng, lục, đỏ, xanh – đến mức chúng ta cho phép mình nhạy cảm với những khác biệt.

Đây không phải là một thực hành chuyển hóa, trong đó chúng ta chuyển hóa cá tính bản sắc của chúng ta ; trong yoga giấc ngủ, cá tính bị buông bỏ hoàn toàn. Nó không phải là ở yên với sự quán chiếu, như trong một thực hành tantra. Nhưng tâm thức phải có cái gì để nắm ; nếu không có ánh sáng, nó sẽ túm lấy cái gì khác.

Trước khi chúng ta có kinh nghiệm về rigpa, khó mà hình dung làm sao chúng ta có thể duy trì cái biết mà không có chủ thể cũng không có đối tượng nào của tỉnh giác. Thông thường ý thức đòi hỏi một đối tượng, điều này có nghĩa là ý thức được “nâng đỡ” bởi một hình tướng hay một thuộc tính. Những thực hành trong đó đối tượng được quán tưởng hay cá tánh chủ thể được làm tan biến huấn luyện cho hành giả duy trì tỉnh biết khi những nâng đỡ, những chỗ dựa nhị nguyên cho ý thức đã biến mất. Chúng chuẩn bị cho chúng ta thực hành yoga giấc ngủ nhưng chúng không giống như bản thân yoga giấc ngủ. Ngay cả “thực hành” là một sự nâng đỡ, một chỗ dựa, và trong yoga giấc ngủ thực sự không có chỗ dựa cũng không có thực hành : không có việc yoga có được hoàn thành hay không, vì tâm thức dựa vào một chỗ dựa tan biến vào trong nền tảng.


5 Tiến Bộ

Thường thường khi người ta lái xe trên một con đường quen thuộc, tỉnh giác về hiện tại bị quên mất. Ngay trong chuyến đi hàng ngày kéo dài bốn mươi lăm phút hay một giờ, không có cái gì được thực sự thấy bằng tỉnh giác mạnh mẽ. Người lái xe thì tự động, chìm mất trong những tư tưởng về công việc hay những tưởng tượng về một kỳ nghĩ hay bận tâm về những hóa đơn hay những kế hoạch cho gia đình.

Rồi người ta quyết định trở thành một hành giả và quyết định càng ở trong hiện diện tỉnh thức càng tốt suốt đường về nhà, dùng thời gian như một cơ hội làm mạnh tâm thức cho sự thực hành. Điều này rất khó làm, vì sự điều kiện hóa. Tâm thức trôi nổi đi xa luôn luôn. Hành giả đem nó trở lại – để cảm nhận tay lái, màu cỏ dọc xa lộ – nhưng điều này chỉ kéo dài một phút trước khi hoạt động của tâm thức mang sự chú ý đi xa trở lại.

Thực hành thiền định cũng như vậy. Tâm thức được dặt vào một hình ảnh của một bôn tôn, hay một chữ A, hay vào hơi thở ; một phút sau nó lang thang trở lại. Có thể một thời gian lâu, có khi hàng năm, trước khi sự hiện diện có thể được duy trì liên tục trong nửa giờ đồng hồ.

Khi thực hành giấc mộng bắt đầu, một tiến bộ tương tự theo sau đó. Hầu hết những giấc mộng là những thời kỳ của phóng dật hoàn toàn ; giấc mộng hầu hết bị quên mất cũng nhanh chóng như nó đã xảy ra. Với thực hành, những giây phút của trạng thái sáng sủa minh bạch khởi lên, dần dần kéo dài nhiều phút hiện diện minh bạch trong giấc mơ. Bấy giờ, thậm chí sự minh bạch có thể mất đi, hay giấc mơ tới có thể lại mất sự minh bạch. Tiến bộ có thêm, nó là chắc chắn và có thể nhận biết, nhưng nó cần sự cần cù và quyết tâm mạnh mẽ.

Thực hành giấc ngủ thường phát triển chậm hơn. Nhưng nếu sau một thời gian dài thực hành mà không có tiến bộ – sự hiện diện không tăng, không có những thay đổi tích cực có thể nhận ra trong đời sống – sẽ không tốt khi chấp nhận tình trạng sự việc như vậy. Hơn nữa, hãy làm những thực hành tịnh hóa, xem xét và chữa lành những cam kết (samaya) đã bị phá vỡ, hay làm việc với khí và năng lực của thân thể. Những thực hành khác có thể cần để xóa sạch những chướng ngại và được dùng như một căn bản cho thành tựu của yoga giấc mộng và yoga giấc ngủ.

Hành giả giống như một cây nho chỉ có thể lớn lên nơi nào có sự nâng đỡ. Những hoàn cảnh bên ngoài có một ảnh hưởng mạnh mẽ vào phẩm chất của đời sống, thế nên hãy dùng thời gian trong những môi trường và với những người nâng đỡ cho sự thực hành hơn là làm giảm sút nó. Hữu ích khi đọc những cuốn sách Pháp, thực hành thiền định cùng với những người khác, chú tâm vào những giáo lý, và sống với những hành giả khác. Những hành giả có trách nhiệm đánh giá một cách thành thật sự thực hành và những kết quả. Nếu không làm điều này, dễ dàng bỏ phí nhiều năm để tin rằng có tiến bộ trong khi chẳng có gì thực sự xảy ra.


6 Những Chướng Ngại

Yoga giấc ngủ không chỉ là một thực hành cho giấc ngủ. Nó là sự thực hành ở lại trong tánh tỉnh giác bất nhị một cách thường trực, qua suốt bốn trạng thái thức, ngủ, thiền định và chết. Như thế, những chướng ngại được kê ra dưới đây thực ra chỉ là một chướng ngại độc nhất là bị đưa khỏi tịnh quang và vào trong kinh nghiệm nhị nguyên sanh tử. Những chướng ngại là :

1. Mất sự hiện diện của tịnh quang tự nhiên của ban ngày khi phóng dật bởi những hiện tượng thuộc cảm giác hay tâm trí

2. Mất sự hiện diện của tịnh quang của giấc ngủ khi bị phóng dật bởi những giấc mộng

3. Mất sự hiện diện của tịnh quang của Samadhi (định trong khi thiền định) khi bị phóng dật bởi tư tưởng

4. Mất sự hiện diện của tịnh quang của cái chết khi bị phóng dật bởi những cái nhìn thấy của trung ấm

1. Mất sự hiện diện của tịnh quang tự nhiên của ban ngày. Chướng ngại trong đời sống lúc thức là hình tướng ở bên ngoài. Chúng ta bị chìm mất trong trong những kinh nghiệm, những cái nhìn thấy của những đối tượng giác quan. Một âm thanh đến và đem chúng ta đi xa, một mùi hương đến và chúng ta mất vào trong một giấc mộng ban ngày của ổ bánh mì nóng hổi, gió mơn nhẹ tóc trên cổ và chúng ta mất sự tỉnh giác không trung tâm của rigpa và lại trở thành một chủ thể kinh nghiệm cảm giác. Nếu chúng ta ở lại trong sự sáng tỏ của rigpa, kinh nghiệm thì khác. Một âm thanh khởi lên nhưng chúng ta nối kết với sự im lặng trong âm thanh đó và không mất hiện diện. Một cái nhìn thấy đi qua trước chúng ta nhưng chúng ta cắm rễ trong tĩnh lặng và ở lại trong tâm bất động. Cách để thắng được chướng ngại của hình tướng bên ngoài là khai triển sự vững chắc trong tịnh quang tự nhiên.

Tịnh quang tự nhiên là tịnh quang của ban ngày, cùng một tịnh quang của ban đêm. Biết tịnh quang của ban ngày chúng ta cũng có thể tìm thấy tịnh quang trong giấc ngủ. Sự thực hành là nối kết tịnh quang tự nhiên của đời sống lúc thức với tịnh quang của giấc ngủ và tịnh quang của samadhi, cho đến khi chúng ta liên tục ở trong rigpa thuần khiết.

2. Mất sự hiện diện của tịnh quang của giấc ngủ. Chướng ngại để chứng ngộ tịnh quang của giấc ngủ là giấc mộng. Khi một giấc mộng khởi lên, chúng ta phản ứng với nó một cách nhị nguyên và dấn thân vào sự tưởng tượng là một chủ thể trong một thế giới của những đối tượng. Cái này tương tự với chướng ngại thứ nhất, nhưng bây giờ là bên trong hơn là bên ngoài. Chúng ta nói những hình ảnh làm mờ tối tịnh quang, tuy nhiên không phải giấc mơ thực sự làm mờ tối sự sáng tỏ, mà là chúng ta bị phóng dật khỏi sự sáng tỏ. Điều này là tại sao khi bắt đầu của thực hành, chúng ta cầu nguyện không có giấc ngủ của vô minh cũng không giấc ngủ của mộng. Khi sự vững chắc đã phát triển đủ, giấc mộng không làm chúng ta phóng dật nữa và kết quả là giấc mộng của tịnh quang.

3. Mất sự hiện diện của tịnh quang của samadhi. Tịnh quang của samadhi là tịnh quang khi thiền định. Đây là rigpa trong khi thực hành thiền định. Những tư tưởng là sự che ám của tịnh quang của thiền định trong những giai đoạn đầu của thực hành. Khi sự vững chắc trong ripa được phát triển qua thực hành, bây giờ chúng ta có thể học hội nhập tư tưởng với rigpa. Cho đến khi ấy, khi một tư tưởng khởi lên chúng ta bám nắm nó hay xua đuổi nó và bị phóng dật khỏi rigpa.

Điều này không nên được xem như là một chỉ dẫn rằng tịnh quang thiền định chỉ được tìm thấy sau nhiều năm thực hành. Có nhiều khoảnh khắc của đời sống trong đó tịnh quang tự nhiên có thể được tìm thấy ; thật ra nó có thể được tìm thấy vào bất cứ khoảnh khắc nào. Điều then chốt là bạn có được giới thiệu vào nó và có thể nhận biết nó hay không.

4. Mất sự hiện diện của tịnh quang của cái chết. Tịnh quang của cái chết bị che ám bởi những cái nhìn thấy trong trung ấm. Sự sáng tỏ của rigpa bị mất khi chúng ta phóng dật với những cái nhìn thấy khởi lên sau khi chết và đi vào một tương quan nhị nguyên với chúng. Như với ba chướng ngại kia, cái mất này không xảy ra nếu có đủ vững chắc để trụ trong tịnh quang.

Trung ấm không nhất thiết che ám tịnh quang của cái chết. Những tư tưởng không nhất thiết che ám tịnh quang của samadhi. Giấc mộng không nhất thiết che ám tịnh quang của giấc ngủ. Những đối tượng bên ngoài không nhất thiết che ám tịnh quang tự nhiên.

Nếu chúng ta bị mê lầm bởi bốn chướng ngại này, chúng ta sẽ không ra khỏi sanh tử ; chỉ có việc rơi trở lại vào những cái bẫy sanh tử. Hoàn thành những thực hành giấc ngủ và giấc mộng, chúng ta sẽ biết làm thế nào để chuyển hóa những che ám này vào con đường.

Thực hành giấc ngủ không chỉ để cho giấc ngủ, mà là sự thực hành hội nhập tất cả mọi giây phút – thức và ngủ, mộng và trung ấm – vào tịnh quang. Khi điều này được làm, giải thoát là kết quả. Những kinh nghiệm và nội quán huyền diệu, cũng như mọi tư tưởng, cảm nhận và tri giác, có thể khởi lên trong sự hiện diện của rigpa. Khi chúng khởi lên như vậy, hãy cho phép chúng tự giải thoát một cách tự nhiên, tan biến vào tánh không, không để lại dấu vết nghiệp nào. Bây giờ tất cả mọi kinh nghiệm đều trực tiếp, tức thời không trung gian, sống động và viên mãn.