Phải Giác chứ không Mê!!!
Thật sự quán thành công chuyện này. Tôi vừa mới thưa cùng quý vị. Sự quán thành công thì chẳng có gì hy hữu, lạ lùng! Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng, quý vị phải hiểu đạo lý này. Hôm nay, có một người học trò hỏi tôi: “Trước đây không lâu, con gặp một vị lạt-ma Tây Tạng có thần thông, vừa gặp mặt liền biết rất nhiều chuyện của con, chuyện này là như thế nào?” Tôi bảo anh ta: “Ông ta có tiểu thần thông, biết một chút những chuyện nhỏ nhặt, chứ không có đại thần thông!”
Nhưng người trong thế gian ham chuộng chuyện quái lạ, cho rằng ai có một chút thần thông nhỏ nhoi bèn là phi phàm, người ấy là siêu nhân rồi! Kinh Lăng Nghiêm có nói trong thời kỳ Mạt Pháp những hiện tượng như vậy rất nhiều, yêu ma quỷ quái dựa vào thân người ta, người ấy (tức người bị yêu ma dựa vào) bèn có thần thông. Sau khi yêu ma quỷ quái rời đi, kẻ ấy mất sạch năng lực. Bởi lẽ, thứ năng lực mà kẻ ấy có chẳng phải là năng lực chính mình vốn có, mà do tinh linh quỷ thần dựa vào thân. Kẻ ấy đến khắp nơi trong thế gian bịa đặt, gạt gẫm, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp; tạo tội nghiệp như thế nào, chính kẻ ấy chẳng biết. Chính kẻ ấy mê hoặc, điên đảo, tạo tội nghiệp dường ấy, mà vẫn ngỡ mình đã tạo rất nhiều công đức, làm nhiều chuyện tốt, oan uổng quá! Đến ngày nào đó, chạm mặt vua Diêm La thẩm vấn, vua Diêm La chỉ ra từng chuyện một, kẻ ấy mới hiểu chính mình đã phạm sai lầm, đến khi ấy, có hối cũng chẳng kịp.
Phật dạy cho chúng ta chánh pháp, giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm, chẳng dạy chúng ta tin tưởng những kẻ có thần thông. Đức Phật dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, trọn chẳng đem những thứ kỳ quái mê hoặc chúng sanh. Đức Phật có năng lực ấy, nhưng tuyệt đối chẳng dùng. Bồ Tát, A La Hán đều có năng lực ấy, đức Phật vẫn dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, nhất định chẳng đề xướng những thứ ấy. Do vậy, [người nào] thị hiện một chút thần thông mà đã coi người ấy là phi phàm, gạt chánh pháp qua một bên, chẳng đếm xỉa tới, đó gọi là “tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”. Đấy là điềm báo sẽ gặp kiếp nạn! Trong Tả Truyện, cổ nhân Trung Quốc có nói: “Quốc gia tương hưng, thính ư dân”, [tức là] nghe theo ý kiến của bá tánh để cai trị, quốc gia ấy sẽ hưng vượng. “Quốc gia tương vong, thính ư thần”, nghĩa là suốt ngày từ sáng đến tối hỏi ý thần thánh, quốc gia ấy sắp diệt vong. Hai câu này của sách Tả Truyện quả thật đã được chứng thực trong lịch sử Trung Quốc. Khi một quốc gia nào đó hưng vượng thì đều là do con người mưu tính, tập hợp ý kiến đại chúng: Chúng ta phải làm theo cách như vậy! Đời Thanh, Từ Hy Thái Hậu bất luận chuyện lớn hay nhỏ đều cầu cơ, xin thần giáng bút, nghe theo lệnh thần, bà ta vong quốc!
Chúng ta nghĩ đến tương lai, phải dựa vào Lý Tánh của chính mình để quyết định, gắng sức nỗ lực thì mới có tương lai, chứ quý vị suốt ngày từ sáng đến tối dựa dẫm thần thánh, tiền đồ của quý vị sẽ là một bầu hắc ám. Quý vị dựa dẫm vị thần ấy, ngày nào đó, thần bỏ đi, hết thảy mọi chuyện xong luôn! Gia đình quý vị muốn hưng vượng thì người trong nhà hòa thuận, cả nhà hợp tác, cùng nỗ lực tạo dựng cơ nghiệp, tương lai của gia đình quý vị mới sáng sủa. Cả nhà quý vị đều nghe lệnh quỷ thần, nhà ấy chẳng thể nào không diệt vong, làm sao không suy sụp cho được? Chớ nên nghe theo lời thần!
Phật dạy chúng ta tin vào chính mình, chứ không dạy chúng ta nghe lệnh Ngài. Phật dạy chúng ta tự giác. Do có đồng học tạc tượng Phật, tôi đặc biệt nêu lên ý nghĩa khai quang tượng Phật, đừng hiểu lầm. Phật dạy con người tự giác, dạy con người tự tin, chỗ vĩ đại của Phật khác với các thần giáo chính là ở chỗ này. Bất cứ tôn giáo nào [cũng đều phải là] “các ngươi đều phải nghe theo lệnh ta, quyết định chớ nên trái nghịch ta”. Phật chẳng vậy, Phật dạy chúng ta nghe lệnh của chính mình, quý vị phải tự giác. Phật không có cách nào độ quý vị, Phật chẳng độ chúng sanh; nói rõ ràng, minh bạch như thế. Phật chỉ làm Tăng Thượng Duyên cho chúng ta, chính quý vị tự độ. Lục Tổ nói rất hay: “Phật pháp là tự ngộ, tự tu, tự chứng, tự độ”. Trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã giảng về tín tâm, món thứ nhất là Tín Tự (tin vào chính mình). Đây là điều kiện trọng yếu nhất, phải tin tưởng chính mình; kế đó, điều thứ hai là Tín Tha (tin vào người khác), chữ Tha chỉ những bậc đã từng trải, những người ấy có thể thành Phật thì ta cũng có thể thành Phật. Họ có thể khai ngộ, ta cũng có thể khai ngộ, phải tin tưởng điều này. Tin tưởng con đường do người từng trải đã đi, đáng cho chúng ta tham khảo, bắt chước, đấy là Tín Tha. Do vậy, đệ tử Phật chẳng nương dựa, ỷ lại bất cứ ai, mà hãy nương cậy chính mình, Phật chẳng dạy chúng ta dựa dẫm Ngài. Do vậy, [người tu học] Phật pháp là một “vô y đạo nhân” (người tu đạo không dựa dẫm) độc lập, tự chủ. Đấy là chỗ khác biệt giữa Phật pháp và tất cả các tôn giáo. Phật dạy chúng ta phải tin vào chính mình, kiến lập tín tâm nơi chính mình thì mới có thể thành tựu. Do vậy, Sự Quán thật sự có thể thành tựu, trong Duy Thức gọi đó là “cảnh chuyển theo tâm”. Mười sáu phép Sự Quán này đều dựa trên lý luận này để kiến lập.
(Trích Kinh A Di Đà sớ sao diễn nghĩa)
Bookmarks