kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Ðề tài: Các món ăn độc đáo và hiếm của Việt Nam

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Các món ăn độc đáo và hiếm của Việt Nam

    Cá heo sông Hậu


    Cá heo kho quéo
    Món cá heo chúng tôi đề cập trong bài viết này hoàn toàn không phải làm từ thịt của loài cá heo to lớn thường được huấn luyện biểu diễn nhào lộn. Đây là cá heo sông, giống cá chép, miệng kêu éc éc như tiếng heo, thường thấy ở vùng sông Hậu.

    Cá heo sông Hậu là những con cá mình dẹp, bự nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài chừng một tấc. Thân cá màu xanh đen, đuôi vi kỳ cá màu đỏ cam đẹp mắt. Khi lặn dưới nước, người ta nghe tiếng chúng kêu éc éc và khi bị bắt lên bờ chúng giẫy giụa cũng phát ra âm thanh giống tiếng heo kêu nên người dân lưu vực sông Hậu đặt tên chúng như vậy.

    Muốn thưởng thức đặc sản mới này, tại các quán ăn ở Long Xuyên hay Châu Đốc có bán với giá khá bình dân. Cá heo ký: 180.000 đồng, lẩu cơm mẻ cá heo 60.000 đồng, cá heo kho thố 25.000 đồng, cá heo nướng 60.000 đồng, cá heo kho lạt 30.000 đồng.

    Ngày xưa người ta xem cá heo sông là loài vô dụng, khi chài lưới được thường loại bỏ không thương tiếc. Nhưng mới đây, thật bất ngờ khi nó được xuất hiện trong thực đơn ở một số nhà hàng lớn tại thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang. Không biết người ta đánh bắt ra làm sao mà số lượng cá heo được chế biến thành thực phẩm ở địa phương này rất phong phú.

    Cũng giống như cá kèo, cá chốt, cá linh - những loài cá bị người dân địa phương xưa kia coi thường - cá heo bây giờ cũng đã trở thành đặc sản. Cá heo được chế biến thành bốn món. Giản tiện nhất là cá heo nướng. Bếp than với cái vỉ nhôm được đặt trên mặt bàn. Những con cá heo tươi xanh tuần tự gắp để trên vỉ nhôm dưới sức nóng của than đước tỏa mùi đặc trưng mà bếp gas không có được. Trở mặt cá lần nữa, trong chốc lát màu sắc đẹp của cá trở thành màu vàng rộm tỏa mùi thơm nức. Chúng được gắp ra chấm vào chén cơm mẻ giằm ớt xanh, ăn kèm với rau thơm các loại, xà lách, dưa leo, khóm, chuối chát. Thịt cá ngọt được điểm xuyết vị cay của ớt thật khoái khẩu.

    Cầu kỳ hơn một chút là cá heo kho thố. Vị cay của tiêu bột, vị ngọt của thịt cá, vị béo của mỡ heo, vị mặn, ngọt của muối, nước mắm, đường hòa nhau trong khẩu cái trở thành thứ hương vị tuyệt vời. Món này dùng để ăn cơm thì khó biết chừng nào no bụng! Lẩu cơm mẻ cá heo cũng là món vừa để ăn cơm vừa để lai rai khi có bạn bè. Món này ăn kèm với loại "rau sạch" là bông điên điển thật ăn ý làm sao. Vị cá ngọt, vị giòn nhẩn của bông điên điển hòa trong vị chua của cơm mẻ, tạo nên bữa ăn thú vị. Nhưng bông điên điển bóp nhẹ giấm lại hợp cá heo kho lạt với me non đầu mùa. Đây cũng vừa là món ăn cơm vừa là món nhậu rất "bắt mồi" khiến khách phương xa ngẩn ngơ lòng dạ! Món nào cũng đều khiến thực khách ưng ý với xương và đầu cá giòn mềm trong răng, vị đắng nhẹ của mật và ruột cá heo lan lan mặt lưỡi vì khi chế biến thành thức ăn người ta chỉ rửa sạch cá là xong, không moi bỏ ruột.

    ''Pa Pỉnh Tộp'' - Món ăn cổ truyền của dân tộc Thái

    Từ ngàn xưa, người Thái đã định cư ở những thung lũng lớn, màu mỡ ven các con sông, con suối, nơi có những cánh đồng lúa phì nhiêu nổi tiếng như Mường Tấc, Mường Thành, Mường Lò...
    Hệ sinh thái thung lũng đã tạo nên định hướng sản xuất truyền thống của dân tộc Thái là trồng trọt lúa và đánh bắt, nuôi cá để kiếm kế sinh nhai.

    Việc chế biến các món ăn hợp khẩu vị không những trở thành nhu cầu hàng ngày không thể thiếu được đối với đồng bào Thái, mà còn là một tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá con người, nhất là đối với thanh niên nam nữ mới đi làm dâu, làm rể. Cơm nếp thơm, ăn cùng với các món ăn được chế biến từ thịt, cá và các loại rau rừng là những món ăn ngon đặc sắc của người Thái thể hiện sự hoà quyện giữa thiên nhiên với lòng kiên trì, nhẫn nại, tính sáng tạo tuyệt vời của cư dân Thái. Về hình thức, các món ăn Thái nhìn chung không cầu kỳ kiểu cách nhưng khi đã được thưởng thức thì không dễ quên được, trong đó đặc biệt là món '' Pa Pỉnh Tộp" (tức là cá nướng úp) đậm đà bản sắc dân tộc.

    Tục ngữ Thái có câu: '' Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: '' Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho''. Người ta đánh giá món cá nướng này sang trọng không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi sự ước lượng chuẩn xác và bàn tay kehó lép của người làm ra nó. Từ xa xưa, cá và các loại thuỷ sản khác đã là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Thái. Khi đứa con mới đẻ người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn. Đối với đồng bào Thái, ''Cơm trắng, miếng cá bạc'' là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc.

    Để làm được món '' Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép khoảng 0,5 kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều vào cá, không mổ cá đằng bụng mà phải mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Dao mổ cá phải là dao sắc lẹm, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần gây nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị.

    Các món ăn Thái mang hương vị đặc trưng khó quên cũng là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, riềng, mắc khén và các loại rau thơm, trong đó đặc biệt là ớt và tỏi là hai thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nói về các gia vị của người Thái để chế biến món cá Pỉnh Tộp cũng như các món đặc sản khác thì vô cùng đa dạng phong phú. Pa Pỉnh Tộp phải ướp bằng ớt bột khô thì khi nướng cá mới thơm ngon và ướp đậm muối hơn một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5-10 phút, người ta nhồi vào bụng cá những loại rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (Hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng (Híp Pỉnh) phải bằng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Người ngồi nướng cá cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.

    Khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách chủ nhà sẽ chia phần '' Pa Pỉnh Tộp'' cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên! Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt đầu sàn nhà mẹ, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng - tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên. Cơm xôi ăn với '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy.

    Vừa là món ăn giành đãi khách quý, nhưng cá Pỉnh Tộp cũng còn là món ăn đời thường, rất thuận tiện cho việc gói cơm đi làm nương rẫy, đồng áng. Cơm xôi ăn với cá nướng, chấm muối ớt giã (chẳm chéo), cùng với can nước mát đã đủ sức làm ấm lòng những người cày cuốc trên nương, ngoài ruộng.

    Có thể nói, bữa ăn dân tộc Thái là tấm gương trung thực phản chiếu môi trường tự nhiên, cách thức và trình độ chinh phục môi trường đẻ tạo ra nguồn thức ăn đặc sắc, hợp khẩu vị. Món '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái là món ăn đã trở thành nổi tiếng, là nhu cầu đòi hỏi đối với du khách khi tới thăm bản của người Thái.

    Huyền thoại gia vị miền Tây Bắc
    Điều kiện trên núi cao, cùng với cuộc sống cơ bản dựa vào núi rừng khiến mỗi dân tộc đều có phương thức sống riêng biệt, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán..., cho tới cách chế biến món ăn.
    Một dải núi rừng hoang sơ bí hiểm, khởi đầu từ mạn Mộc Châu, Yên Châu, nối tới Thuận Châu, rồi trải miên man tới những địa danh xa xôi với người miền xuôi như Nghĩa Lộ, Sơn La, Điện Biên...là nơi cư trú ngàn đời của dân tộc người Thái, Hà Nhì, La Hủ, Mông...Điều kiện cư trú trên núi cao cách trở cùng với cuộc sống cơ bản dựa vào núi rừng đã khiến mỗi dân tộc đều có phương thức sinh sống riêng biệt, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoa văn thổ cẩm, kỹ thuật trồng trọt cho tới cách chế biến món ăn. Lẽ dĩ nhiên đa số các tộc người vùng cao đều có cách ăn uống cơ bản giống nhau, song nổi bật là những món gia vị kỳ lạ, những điểm xuyết vào thức ăn đôi khi lại thành dấu ấn mạnh mẽ trong nền văn hóa của từng vùng.
    Nhắc tới gia vị miền Tây Bắc, phải nói tới một loại gia vị đã đi vào huyền thoại, sau này còn chinh phục cả người kẻ chợ.



    Cá nướng ướp mắc khén.
    Mắc khén - loại gia vị dường như chỉ người Thái đen hay chế biến cho những bữa ăn của mình, tới nay cũng không rõ dịch ra là gì.

    Theo tiếng Thái đen hay chế biến cho những bữa ăn của mình, tới nay cũng không rõ chính xác dịch ra là gì. Theo tiếng Thái, “mắc” có nghĩa là quả. Nhưng còn “khén” thì không hề có chữ gì đồng nghĩa ngay cả trong ngôn ngữ bản địa. Bởi vậy, mắc khén sẽ mãi mãi là một tên riêng, tự nhiên tồn tại như chính bản thân núi rừng hoang dã, bí hiểm mà cũng quá đỗi quen thuộc với con người. Bản thân mắc khén là một loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Người chốn sơn lâm chỉ việc lên sườn núi, tìm những cành mắc khén chín về phơi khô rồi xoa cho rời cành. Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được mắc khén, hệt như một dạng muối vừng với người Kinh vậy. Song để chế biến thành gia vị cũng phải kỳ công. Rang nóng trên chảo, mắc khén được giã thành bột mịn, nhưng gia vị thơm phức chuyên dùng để ăn với xôi nếp nương thơm ngon chắc dẻo này còn phải qua nhiều công đoạn nữa. Ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang khô, tất cả cùng giã thành bột mịn và trộn đều cùng bột mắc khén. Tới lúc đó thì một loại gia vị hoàn toàn quen thuộc đã thành hình. Đó là chéo một thứ bột thành phẩm tỏa mùi thơm hăng hắc, dịu như vị ô mai, nhưng cũng phảng phất chất núi rừng thơm cay nồng nàn như hương hồi, hương quế. Chéo thông dụng nhất dùng để chấm xôi, những chõ xôi nếp nương mà nếu thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ dưới chân đèo Khâu Phạ chia đôi Nghĩa Lộ- Than Uyên thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng. “Nếp Tú Lệ - Tẻ Mường Lò – Xòe Kinh Bạc”.
    Thời xa xưa, khi những cánh rừng đại ngàn còn che chở bản làng, khi thú rừng rong chơi và những người thợ săn vẫn đêm đêm lặn lội theo dấu con mồi, thì chéo nhất quyết không thể thiếu trong túi đồ thợ săn. Một bộ phận người Thái đen cho tới nay vẫn tin con thú sẽ được Thần Rừng cho sống lại sau khi chết, bởi vậy mỗi khi bắn được con mồi, họ không bao giờ lấy bộ lòng. Xả thịt con mồi ngay giữa rừng, thợ săn sẽ đặt lại toàn bộ tim, gan, ruột...của nó lên tảng đá và khấn khứa, đại ý: “Thưa Thần Rừng, hôm nay tôi mượn một con vật của Thần. Tôi đã để lại bộ lòng, xin Thần Rừng cho nó cái vỏ khác để nó có quyền chạy nhảy...”. Bài khấn xong là lúc những người đi săn có quyền đánh chén. Và tục lệ bắt buộc phải ăn hết con mồi tại chỗ đã khiến việc sử dụng chéo xát vào bên trong, bên ngoài con vật trước khi nướng trở thành thông dụng.



    Bột chéo giúp thịt thú rừng trở lên ngon đặc biệt. Cũng không chỉ dùng cho các loài thú săn trên rừng, chéo còn được người Thái đen sử dụng trong cách nướng cá “pa pẻng toh” có nghĩa là “cá nướng gập” đầy quyến rũ. Cá mang về nhà rửa sạch ruột, xát chéo cả bên trong và bên ngoài, sau đó banh cá ra gập ngang thân cho đầu gặp đuôi, kẹp que nướng trên lửa. Người chưa ăn bao giờ cũng phát thèm khi tưởng tượng, huống gì khách đã ăn quen. Kiểu gập cá độc đáo này giúp cá nướng chín đều, bản thân nước bên trong được giữ lâu hơn và khiến thịt cá không bị cháy. Hương vị của chéo tỏa ra thơm phức, vị dịu của mắc khén, vị cay nồng nàn của ớt, vị mặn mòi của muối.
    Cũng trên vùng Tây Bắc này, khách miền xuôi luôn luôn được người dân bản địa giới thiệu đầy tự hào về nậm pịa, thứ đồ chấm phổ biến mang mầu sắc hoang sơ vào bậc nhất núi rừng. Cũng là cách lấy phần ruột non trong con vật như cách lấy phèo lợn theo phong tục người Kinh, nhưng nậm pịa còn ly kỳ hơn bởi khâu chế biến. Cũng khá thú vị nếu biết rằng, nậm pịa chỉ được lấy ở những con vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và các loài ăn cỏ khác ở rừng, trong đó dê được đánh giá cao nhất chính bởi khả năng dê có thể hồn nhiên chén rất nhiều loài lá có độc mà các con vật khác tránh xa. Dường như năng lực tự nhiên đã khiến dê tạo nên những chất có khả năng kháng độc trong cơ thể, từ đó nậm pịa dê có tính năng tiêu độc, giúp cơ thể con người tiêu hóa tốt hơn.
    Nếu người miền xuôi chủ yếu lấy phèo lợn để luộc lên ăn như món thời trân thượng hạng, thì nậm pịa lại đòi hỏi công phu hơn. Phần ruột non ngay sau khi được lấy ra phải dùng lạt thắt chặt hai đầu ngăn cách với ruột già và dạ dày, để chất nhũ tương trong ruột non không pha tạp. Chất dịch nhũ tương trong ruột non là phần tinh túy nhất, là thức ăn đã được chuyển hóa chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời mang vị đắng của mật, vị ngọt của protein. Phần ruột non đó sau đó sẽ được cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tầu, tỏi, ớt...tất cả đều băm nhỏ rồi đun sôi, cho tới khi trở thành sền sệt thì thành món nậm pịa trứ danh. Theo phong tục, người Thái mỗi khi mổ trâu, bò, dê...đều thiên về món nướng và phần thịt khi đặt trên mâm sẽ hơi tái để giữ vị ngọt tự nhiên. Nậm pịa chuyên dùng như thứ đồ chấm thịt nướng sẽ khiến miếng thịt trở nên thơn ngon đặc biệt, nổi bật hương vị của đồ nướng hòa quyện các vị cay, mặn, ngọt, thơm...Ngày nay nậm pịa đúng kiểu cách xưa thì e rằng hơi khó, khó bởi chính từng công đoạn tỉ mẩn, cũng khó bởi không phải lúc nào chủ nhân cũng hào phóng chiêu đãi khách nậm pịa đặc không pha. Song nếu có khi nào được thưởng thức nậm pịa đặc chính tông kiểu dân tộc Thái, chắc hẳn sức quyến rũ miền núi rừng sẽ khiến nhiều bước chân trở nên quyến luyến hơn.
    Bao bọc trong làn sương gió, xứ sở Tây Bắc mỏng manh cánh hoa Ban lúc nào cũng có những loại gia vị độc đáo, như thế đấy, những gia vị góp phần tạo nên huyền thoại chốn sơn lâm.

    Gỏi rết, món sơn hào miền bảy núi

    Phần đông cư dân từng ăn gỏi gà, gỏi vịt, chớ ít ai được thưởng thức gỏi thịt rít, món ăn dân dã, khá lạ miệng do con người đi khai phá vùng đất mới để định cư buổi đầu chế biến cho thích nghi với hoàn cảnh môi trường núi rừng hoang dã để sống.
    Thực tế, ai đã đọc truyện võ hiệp của Kim Dung, nhà văn lớn Trung Quốc từng mô tả nhân vật Hồng Thất Công, vị trưởng lão trong đội ngũ Cái bang đã bắt rít luộc, xé phay trộn gỏi “nhậu rượu” phà phà. Dân Trung Quốc nổi tiếng khắp hoàn cầu về nghệ thuật chế biến ẩm thực ngon hết chỗ chê, đến nỗi tục ngữ dân gian từng ca ngợi “ ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật” là 3 đặc điểm thượng sách; chẳng hóa ra cũng từng ăn thịt rít trộn gỏi,chớ lạ gì xứ sở của ta đâu!
    Tỉnh An giang, đặc biệt có dãy Thất Sơn, gồm nhiều ngọn núi, nơi ẩn náu và sinh trưởng của nhiều loài bò sát, nhất là loại rít sinh sản nhanh và dồi dào ở núi Dài, núi Bà Đội Om, núi Két, núi Côtô . . . dẫn dài đến núi Sập, núi Ba Thê , núi Chóc, núi Chọ… tương truyền rằng, thuở xa xăm, vùng Thất Sơn còn hoang vu, cây cỏ rậm rịt, thú dữ tha hồ hoành hành. Còn bọn du thủ du thực cũng lợi dụng địa thế núi non hiểm trở ẩn núp chiêu la dụ đảng làm điều phi pháp. Vào một đêm, có bọn cướp núi vào bắt bò của cư dân trong xóm dắt về sơn trại, giấu trước cửa hang chờ trời sáng để bán. Nào ngờ bầy rít to tướng cỡ con trăn, bò đến quấn chặt thân bò, rít vận dụng cả chục đôi chân, xé tét da bò để ăn thịt. Rạng sáng hôm sau, bò chỉ còn trơ lại nắm xương trắng. Nhân dân mất bò lùng sục, truy tìm, loan tin khớp nơi... Qua đó, không ai bén mãng đến vùng này coi như vùng “cấm địa” nên núi dài còn có tên là núi Cấm. Từ đó thịt rít đã trở thành món đặc sản dành chiêu đãi khách sang trọng. Muốn bẫy rít: người ta sắm lồng bằng lưới giống y lồng bẫy chuột, nhưng lớn hơn gấp nhiều lần, năm phía cửa lồng kết liến nhau chỉ chừa cửa miệng có nắp đậy căng lò xo, bên trên làm chốt gài. Họ dùng con mồi thích hợp để bẫy rít là thịt gà sống, chặt từng miếng cỡ ngón chân cái gài trên tấm vĩ khớp với cái chốt gài. Rồi chọn chỗ bụi rậm kín đáo hoặc hốc đá để đặt bẫy. Rít bắt mùi thịt gà tìm đến chui vào giương càng ra kẹp mồi, cửa lồng xập xuống nhốt rít vào lồng. Nhiều con to cỡ con lươn, hay con rắn hổ hành. Mỗi bữa đặt vài chục cái bẫy, ngày nào hên kiếm được mươi con rít... Đem về, bắc nước sôi hé miệng lồng trút rít vào. Màu nước sôi đang trong, rít tiết chất độc từ từ thành màu đen sẩm. Đợi cho nước sôi vài dạo khoảng mươi, mười lăm phút vớt rít ra để nguội, chặt bỏ đầu, đuôi, tuốt luôn lớp da giòn cứng ra, để lộ các thớ thịt phồng lên trắng phau từng khoảng tựa hồ thịt tôm luộc. Dùng mũi dao nhọn rạch bụng vứt bỏ bộ lòng xé thịt ra từng sớ hoặc chặt khúc vừa miếng ăn. Xong bẻ bắp chuối hột xắt ghém làm gỏi, nếu không có bắp chuối thay bằng đu đủ mỏ vịt hoặc ngó sen, bắp cải, dưa leo, cà rốt xắt nhuyễn trộn chung vào. Để cho ráo nước cho hành tiêu ngâm giấm, đường, muối, bột ngọt, nước mắm, ớt nêm vừa ăn, rắc rau răm trộn đều, rồi đem thịt, rít trải lên trên mặt đĩa gỏi, thêm một ít đậu phộng giòn giã dập tăng độ béo và thơm. Lúc ăn, chấm với nước mắm hòn với tỏi, ớt, chanh mới thấy đậm đà hương vị. Mời các bạn thử ăn một lần cho biết mùi vị sâu lắng của đất rừng phương Nam. Tuy là món ăn sơn hào dân dã của miền Thất Sơn, nhưng hiện nay rất quí hiếm. Chắc gì nhà hàng sang trọng đã có ?!

    http://dulichvietnam.asia
    Last edited by dienthoai; 12-01-2012 at 12:21 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 112
    Bài mới gởi: 21-05-2019, 08:28 AM
  2. Tổng hợp về PHỞ - Món ăn Quốc Hồn của VN
    By Bin571 in forum Văn hóa Ẩm Thực
    Trả lời: 59
    Bài mới gởi: 02-12-2017, 06:38 PM
  3. Bí ẩn cuộc sống sau khi chết!!! (Tổng hợp)
    By dc_bac in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 17-12-2012, 11:36 AM
  4. Trả lời: 12
    Bài mới gởi: 20-04-2012, 09:16 AM
  5. Đối thoại với thương đế
    By Itdepx in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 27-01-2012, 05:37 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •