"Giờ ngọ ba khắc" trong hình pháp Trung Hoa
09/01/2012 1532

- Hầu hết trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đời Minh, Thanh, khi nói về hành hình thường có chi tiết đưa phạm nhân ra pháp trường xử trảm, lăng trì hay giảo (thắt cổ)... vào thời điểm "giờ ngọ ba khắc". Khi nghe tiếng hô rằng "giờ ngọ ba khắc!", quan giám trảm sẽ hô "Giờ hành hình đã đến!", đao phủ thủ lập tức ra tay. Vậy "Giờ ngọ ba khắc" là gì? Tại sao lại xử đại hình vào giờ này?

"Thời" và "Khắc"

Theo lịch pháp cổ đại Trung Hoa, "thời" và "khắc" là 2 đơn vị tính thời gian, một ngày đêm chia thành 12 thời (mỗi thời tương đương 2 giờ hiện tại), phân làm 100 khắc ("khắc" là chỉ vạch khắc trên thùng nhỏ nước tính giờ, một ngày đêm thì nhỏ hết 1 thùng, mỗi khắc tương đương 15 phút). Giờ ngọ tương đương 11 giờ đến 13 giờ trưa, giờ ngọ ba khắc là gần đến 12 giờ trưa, là lúc mặt trời ở vào đỉnh điểm, bóng trên mặt đất thu lại ngắn nhất. Theo quan niệm cổ, đây là lúc "dương khí" cực thịnh trong ngày.


Người Trung Hoa cổ luôn cho rằng hành hình lúc dương khí thịnh nhất thì âm hồn sẽ bị trấn áp, không dám xuất hiện.

Người Trung Hoa cổ luôn cho rằng việc giết người là "âm sự", dù người bị giết có đáng tội hay không thì âm hồn của y luôn bám theo những người có liên quan đến việc xử tử y như phán quan, quan giám trảm, đao phủ. Vì vậy, hành hình lúc dương khí thịnh nhất thì âm hồn sẽ bị trấn áp, không dám xuất hiện. Đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên thói quen hành hình lúc "giờ ngọ ba khắc".

Theo quan niệm "xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng", trong 4 mùa có hai mùa thu và đông tiết trời se sắt, cảnh vật thê lương, chính hợp với "sát lệnh" của trời đất nên phạm nhân thường bị hành hình vào mùa này, trừ những trường hợp đặc biệt.

Trong "Nguyệt lệnh" có quy định những việc làm của thiên tử theo bốn mùa, không được sai phạm. Mùa đông, "truyền hình bộ kiểm tra hình án, sửa sang ngục tù, sắm sẵn gông cùm, phân xử hình án cho công minh, trừng phạt tội nhân cho xứng đáng, thưởng người có công, chăm lo người già yếu". Nếu mùa xuân mà hành động như mùa đông thì khí lạnh bất thường, cây cỏ héo khô; Mùa hạ mà hành động như mùa đông thì cây cỏ khô héo, thủy tai xảy ra; Mùa thu mà hành động như mùa đông thì âm khí sẽ thắng, gió lạnh sẽ nổi, sấm sẽ động sớm, mất mùa, có giặc... Ngược lại, tháng mùa đông mà hành động như mùa xuân sẽ có nhiều dịch bệnh, dân ly tán; Hành động như mùa hạ thì sẽ có gió mạnh nhiều, hạn hán; hành động như mùa thu thì hoa quả không đậu, có thủy tai.

Theo quy định của hình luật thời Đường, Tống: Mỗi năm từ tiết Lập xuân đến Thu phân, các tháng giêng, tháng 5, tháng 9, các ngày đại tế, trai giới, ngày rơi vào 24 tiết khí, ngày mùng một, rằm, thượng huyền, hạ huyền, những ngày "cấm sát" trong tháng (mùng một, mùng tám, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30) thì không được thi hành tử hình. Ngoài ra, còn quy định khi gặp thời tiết "mưa chưa tạnh, mặt trời chưa mọc" cũng không được tử hình.

Như vậy, theo quy định này, triều Đường, Tống mỗi năm có chưa đến 80 ngày thi hành án tử hình. Hình pháp triều Minh, Thanh cũng quy định thời gian hành hình như triều Đường, Tống, không quy định giờ giấc cụ thể. Như vậy trong tiểu thuyết Minh, Thanh, cách nói hành hình lúc "giờ ngọ ba khắc" là theo thói quen của quan phủ đương thời, hoặc là quan niệm phổ biến của người viết sách chứ không phải theo hình luật.

Như trong "Tỉnh danh hoa" chép: "Bây giờ là cuối thu đầu đông. Phàm trong lao ngục của các phủ, châu, huyện, những trọng phạm thuộc vào dạng "thập ác bất xá" đều đưa ra xử quyết. Hôm ấy tri huyện Song Lưu là Cao Tiệp, tiếp được thánh chỉ, bèn cho đưa mấy phạm nhân có tên ra ngã tư phố hành hình vào lúc canh năm". Như vậy, thời điểm hành quyết không phải là giữa trưa.

Quan niệm báo ứng
Trên thế giới hầu như các quốc gia cổ đại khi thi hành án tử hình đều tiến hành vào ban ngày. Các quốc gia châu Âu trước thế kỷ XX cũng phổ biến thi hành tử hình vào lúc mặt trời mọc ở chỗ đông người nhằm mục đích răn đe chứ không phải chịu ảnh hưởng bởi các thuyết âm hồn, dương khí... như Trung Quốc và một số nước châu Á.


Sau khi hành hình xong, tất cả phải đến miếu thành hoàng đốt hương để tránh oan hồn ám ảnh.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc chú trọng việc "báo ứng", được "phúc báo" là do tích lũy việc thiện, bị "ác báo"là do làm việc ác. Do rất lưu tâm vấn đề "hương hỏa truyền thừa, sợ "đoạn tử tuyệt tôn" nên "báo ứng" là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi con người. Sau khi Phật giáo truyền vào, thuyết "nhân quả luân hồi" kết hợp với quan niệm "báo ứng" càng thêm ăn sâu trong dân chúng. Ngạn ngữ nói "thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, do giờ chưa tới", đó là quan niệm điển hình nhất và nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như quy trình thi hành án tử hình.

Theo "Công môn yếu lược"- sách hướng dẫn chốn công đường của Trường Tùy đời Thanh, đương thời khi phán quan ký tên vào lệnh chấp hành tử hình, viên thư lại thuộc hình bộ sẽ dâng ngược tấm thẻ bài ghi họ tên tử tội lên, phán quan cầm bút đưa lên, viên thư lại sẽ thuận thế đẩy phần họ tên tử tội lên đụng vào ngấn bút như tình cờ, đây được coi là chiếc bút ấy phát lệnh chấp hành án tử chứ phán quan không trực tiếp phụ trách, sau đó vứt cây bút ấy đi, không dùng nữa.

Còn quan giám trảm coi việc thực hiện tử hình thì phải mặc quan phục, đội nón lớn có bọc vải đỏ để tránh tà. Đao phủ trước khi ra tay luôn kêu lớn "Ác Sát đến rồi!" là để làm cho hồn người chết nhớ rằng tính mạng mình là do thần Ác Sát lấy đi, đừng quấy rầy đao phủ.

Sau khi hành hình xong, tất cả phải đến miếu thành hoàng đốt hương để tránh oan hồn ám ảnh. Kiệu quan về phủ phải đốt pháo, lính vệ hàng ngũ nghiêm chỉnh, vũ khí sẵn sàng để trấn áp tà khí... Có thể thấy, trong hình pháp Trung Hoa, sắc thái tôn giáo không nặng lắm, nhưng trên thực tế nhân tố "hồn ma" cũng như quan niệm "báo ứng" vẫn luôn hiện diện trong sinh hoạt thường ngày. Thời điểm hành hình "giờ ngọ ba khắc" thường được sử dụng trong tác phẩm văn học là ví dụ điển hình nhất về vấn đề này.

Những hình phạt tàn khốc thời cổ Trung Hoa
Từ thời Nghiêu Thuấn, rợ Tam Miêu đã áp dụng " ngũ ngược chi hình" gồm các hình phạt chính là cắt tay, cắt mũi, hoạn (cắt bộ phận sinh dục), chạm vào mặt. Đời Hạ dụng ngũ hình là chặt đầu, chặt chân, hoạn, cắt mũi, chạm mặt. Đời Chu cũng vậy. Qua thời Xuân Thu chiến quốc, Tần, Hán, các mục hình phạt đã có biến đổi, như giết thì có phanh thây (dùng xe, ngựa xé xác), chém đầu, chém ngang lưng, nhưng vẫn thuộc phạm vi ngũ hình. Thời Nam Bắc triều áp dụng "lăng trì"( xẻo thịt đến chết) trong tử hình và hình phạt dã man này còn tồn tại ở Trung Quốc đến cuối đời Thanh. Ngoài tử hình, các hình phạt khác thường thấy là đánh bằng gậy (trượng, côn), roi (tiên)... Những hình phạt khác như lưu đày, sung quân tuy không thể xem là tàn khốc nhưng người thụ hình phải chịu thêm hình phạt phụ như chặt ngón chân, chạm vào mặt, đánh bằng gậy... Đưa các hình phạt tàn khốc trên vào văn bản pháp luật chính thống, giai cấp thống trị đã thể hiện uy quyền cũng như tính chất tàn bạo của mình.
Thiên Tường