Thăng Long: Biểu hiện ý chí vươn lên của người Việt
Ngày đăng: 10/10/2009 07:31 GMT+7

Hai chữ Thăng Long vẫn ở sâu trong tâm thức người Việt Nam chúng ta, nhất là khi gợi nhớ đến bề dày lịch sử và quá khứ hào hùng. Câu thơ “Từ thủa mang gươm đi mở cõi - Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đã nói lên cái tâm thức ấy...



LTS: Gần đây, trong dư luận, có một số gợi ý, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nên trả lại tên Thăng Long cho Hà Nội. Theo sử gia Dương Trung Quốc, đây là thời điểm thích hợp để đưa vấn đề này ra lấy ý kiến rộng rãi, tìm giải pháp có sự đồng thuận cao. Ông bộc bạch: “cái tên Thăng Long rất đẹp, vừa có bề dày lịch sử nghìn năm vừa là biểu tượng đầy sức sống, thể hiện ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam. Về cảm xúc tôi rất ủng hộ việc đổi tên, nhưng về lý trí thì tôi chưa thật tự tin để đưa ra chính kiến về vấn đề này, và rất mong được dư luận chia sẻ ”.

Để đảm bảo thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Thăng Long: Cái tên chứa đựng nhiều ý đẹp



Địa danh Thăng Long ra đời gắn liền với việc dời đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra vùng đất Đại La. Trong Chiếu dời đô có nói, về thế núi, thế nước, thế sông, và đây đã là một vùng đất trù phú.

Như trong sách sử, tên Thăng Long gắn liền với truyền thuyết Lý Công Uẩn liên hệ hình ảnh “Rồng Bay Lên” gắn với thế nước Đại Việt với nền tự chủ đang được củng cố. Đây là một cái tên quá đẹp. Nhất là con rồng không chỉ thể hiện sức mạnh cho một vương triều mà còn thể hiện sức sống của đất nước. Hơn thế nữa, đối với một quốc gia nông nghiệp như nước ta, rồng là con vật linh thiêng gần gũi với nền văn minh lúa nước. Tóm lại, cái tên “Thăng Long” là cái tên đẹp, vừa có bề dày lịch sử nghìn năm vừa là hình tượng đầy sức sống, thể hiện ý chí vươn lên của người Việt.

Trải qua đời Lý, đời Trần, đến thời Lê có một sự đứt đoạn khi giặc Minh xâm lược và đô hộ trong hai thập kỷ thì đổi tên thành Đông Quan. Sau này, khi Lê Thái Tổ giành lại đất nước đổi tên thành Đông Đô, nhưng tên gọi “Thăng Long” vẫn tồn tại trong đời sống chính trị, trong sách vở và trong tâm thức người dân.

Cho đến đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn lên, do nhiều lý do nên lấy Phú Xuân (Huế) làm kinh đô. Tên Thăng Long vẫn còn giữ nhưng đã mang nghĩa khác. Chữ “Long” bây giờ không còn nghĩa là “Rồng” nữa mà có nghĩa là “Thịnh Vượng”. Vùng đất kinh kỳ xưa, nay dù không còn là kinh đô nữa nhưng vẫn là nơi thịnh vượng về kinh tế, vẫn là nơi tập trung trí tuệ và bảo lưu văn hiến quốc gia.

Đến thời vua Minh Mạng mới tìm cách tăng cường hơn nữa cho vai trò của kinh đô Huế và không chấp nhận phân chia quyền lực của Nhà nước Trung ương nên cái tên Thăng Long chuyển gọi là “Bắc Thành” (trong nam là “Gia Định Thành”. Rồi vua Minh Mạng còn phá thành cũ xây thành mới có quy mô nhỏ hơn. Và cuối cùng để “hoà tan” cái vị thế vốn có của một kinh đô, không gian của Thăng Long xưa được mở rộng về lãnh thổ (tăng gấp 3 lần) để trở thành đơn vị hành chính của một “tỉnh” như mọi tỉnh khác trong vương quốc Đại Nam và lấy tên là tỉnh “Hà Nội” .

Ngay cách đặt tên này cũng có phần khác thường, không theo thông lệ mang tính truyền thống là sử dụng các mỹ tự xoay quanh mấy ý nghĩa như thể hiện khát vọng: ví như sự yên ổn (An, Yên, Bình, Định, Ninh, Thuận...), sự giàu có, lâu bền (Phú, Quảng, Vĩnh...)... Còn Hà Nội là tên đặt theo định vị địa lý (khá phổ biến ở Trung Hoa). Chưa kể “Hà Nội” có thể hiểu như nằm bên trong (giữa) 2 con sông Hồng và sông Đáy; lại cũng có người giải thích là nó được ôm gọn vào trong cái vành tai của con sông Hồng còn có tên gọi là “Nhĩ Hà” (sông có hình tựa cái vành tai).

Dường như hoàn cảnh và ý nghĩa của sự chuyển đổi từ cái tên rất đẹp là “Thăng Long” thành cái tên “Hà Nội” chứa đựng sự giảm thiểu, sự hạ cấp vị thế và ý nghĩa của tên gọi cái không gian vốn được Lý Công Uẩn xác lập như một sự khai mở cho thời đại phát triển của kinh đô một quốc gia đang tự chủ và tự tin vươn lên bên cạnh một quốc gia và cũng là một nền văn minh khổng lồ ở phương Bắc.

Hà Nội: những giá trị mang tính thời đại

Tuy 143 năm đứt đoạn khiến Thăng Long - Hà Nội dưới triều Nguyễn (1802-1945) không còn là kinh đô của đất nước. Và triều Nguyễn có hẳn một ý đồ hạ thấp vị thế của nó để tập trung quyền lực hơn cho chính quyền trung ương đặt kinh đô tại Huế. Ngay như những mô tả của người Pháp sau khi chiếm được Hà Nội đều mô tả sự tàn lụi của một đô thị, đặc biệt là về hạ tầng nhưng cũng ghi nhận những di sản và tiềm năng văn hoá của mảnh đất này.

Có một dấu mốc chúng ta cần lưu ý là năm 1888 vua Đồng Khánh ban sắc dụ giao Hà Nội cho thực dân Pháp làm nhượng địa, thực ra chỉ là không gian tương đương với Thăng Long xưa chứ không phải đã mở rộng gấp 3 thành tỉnh Hà Nội. (Việc giao đất nhượng địa này cùng lúc với Hải Phòng, Đà Nẵng-Tourane). Sau đó Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập “thành phố” Hà Nội và đó là sự kích hoạt mạnh mẽ cho sự hình thành một đô thị theo mẫu thức hiện đại (kiểu Âu Tây-Pháp)...

Tuy người Pháp không gọi Hà Nội là thủ đô, nhưng trong hành xử, chính quyền thực dân đặt hành phố này như một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Dương. Tuy không phải là duy nhất (vì phủ Toàn quyền còn đặt ở Sài Gòn và có thời gian ở cả Đà Lạt) nhưng có thể thấy Hà Nội có một vị thế đặc biệt phần nào thể hiện ở những di sản vật thể và phi vật thể mà Hà Nội “thời thuộc địa” để lại.

Có thể nói, trong suốt thời thuộc địa, Hà Nội thực sự trở lại một trung tâm kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam trong tương quan với Sài Gòn và nhất là Huế bị mất vị thế vì nền chính trị mang tính chất tượng trưng và ngày một lạc hậu của triều đình.

Hơn thế nữa, những biến cố chính trị vào thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ 2 và nhất là với những tình thế diễn ra của cuộc Cách mạng Giải phóng dân tộc, đầu não của tổ chức cách mạng tập trung ở chiến khu Việt Bắc, trong khi Trung ương Cục miền Nam gần như bị thực dân huỷ diệt sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã tạo ra một vị thế chính trị quan trọng cho Hà Nội.

Đại hội Quốc dân ở Tân Trào đưa ra những quyết định rất căn bản sau này được thể hiện trong Hiến Pháp là việc xác lập lại thủ đô của nước Việt Nam một khi độc lập sẽ là Hà Nội. Đó là một quyết định sáng suốt mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có dịp tìm kỹ ngọn nguồn cho quyết định quan trọng này. Chắc chắn ở đó có vai trò của nhà cách mạng sau đó là Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập.

Vì thế, với cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 mà chính phong trào diễn ra ở Hà Nội đã thể hiện như ngọn cờ, hiệu lệnh cho Tổng khởi nghĩa diễn ra trên cả nước đã mang đến cho địa danh “Hà Nội” một giá trị lịch sử đặc biệt, tiếp đó là quyết định của Quốc hội thể hiện trong bản Hiến pháp đầu tiên xác lập Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thực sự tạo nên một nội hàm thiêng liêng cho “Hà Nội”.

Cuộc chiến đầu 60 ngày đêm mở đầu kháng chiến toàn quốc khiến vị thế hai tiếng “Hà Nội” trở nên một cái gì như Nguyễn Đình Thi đã thể hiện trong bài ca “Người Hà Nội” - nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Những năm tháng tiếp theo với các sự kiện Hà Nội giải phóng (1954), Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (1972)... đã biến Hà Nội thành một địa danh quen thuộc đối với các thế hệ hiện đại và với cả thế giới hiện đại. Tuy nhiên hai chữ “Thăng Long vẫn ở sâu trong tâm thức người Việt Nam chúng ta, nhất là khi gợi nhớ đến bề dày lịch sử và quá khứ hào hùng. Câu thơ “Từ thuở mang gươm đi mở cõi - Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đã nói lên cái tâm thức ấy...

Tất cả điều đó cho thấy cả 2 cái tên “Thăng Long” và “Hà Nội” đều chứa đựng những giá trị chung của một mảnh đất nhưng cũng lại có những giá trị riêng của những thời kỳ lịch sử mang tính liên tục và kế thừa.

Thăng Long hay Hà Nội - một lựa chọn đầy băn khoăn



Đã có một thời, ngoài cái tên “Hà Nội” còn có một “biệt danh” (không biết dùng từ này có chính xác không) là Thành Hoàng Diệu, giống như Đà Nẵng là “Thái Phiên”, Sài Gòn là “thành phố Hồ Chí Minh” (trước quyết định có tính pháp lý sau ngày thống nhất 1976).

Nhưng ý kiến muốn trở lại cái tên “Thăng Long” cho Hà Nội cũng không phải mới mẻ, hình như đã có lần nó được đưa lên Quốc hội(!?). Nhưng có thực tế là gần đây, càng gần đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ý kiến này được nhiều người đưa ra. Trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã có người nêu.

Riêng tôi cũng nhận được không ít những lời đề nghị tương tự với rất nhiều ý giải trình khác nhau và đều chứa đựng những thiện ý tốt đẹp như một sự biểu dương thủ đô của đất nước hơn là sự hạ thấp tên gọi “Hà Nội”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Danh dự của Hội Sử học cũng từng có văn bản nêu vấn đề yêu cầu giới sử học và những giới liên quan thử nghiêm túc đặt ra để phân tích thật sâu, cân nhắc thật kỹ trên cơ sở đó đưa ra quan điểm nên hay không nên đổi Hà Nội thành "Thăng Long” hoặc có giải pháp nào hợp lý để có thể điều hoà thành nguyện vọng chung...

Đương nhiên ai cũng nhìn thấy việc đổi tên một địa danh, một thành phố lớn, lại là thủ đô không đơn giản chỉ nhìn từ góc độ giấy tờ hay quản lý hành chính. Sau nữa là cái tên “Hà Nội” nó cũng đã ăn sâu vào tiềm thức, ghi dấu trong biết bao di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rồi.

Nhưng dẫu sao vẫn không ít người có lòng mong muốn trở lại với tên gọi Thăng Long không đơn giản chỉ là cái địa danh thuần tuý quá khứ như rạp Múa rối Thăng Long, cầu Thăng Long... hay thật là tệ khi Hà Nội đã lấy tên “Thăng Long” đặt cho một quận, trên địa bàn chẳng mấy có liên quan ...

Quả thật với cảm xúc, tôi rất ủng hộ cái tên “Thăng Long” được tái lập lại như để nối mạch cho một dòng chảy liên tục ngàn năm. Nhưng nghĩ đến tên gọi Hà Nội với bề dày tuy chỉ hơn một thế kỷ rưỡi trong đó có hơn 60 năm là Thủ đô của nước Việt Nam hiện đại, tất cả gắn với một thời kỳ lịch sử đầy thử thách nhưng cũng vinh quang… thì việc thay thế nó không hề đơn giản.

Chính từ cái nỗi băn khoăn ấy mà tôi muốn bày tỏ trên Tuần Việt Nam vì nghĩ rằng nếu có nhiều người quan tâm và có cùng chung một mong muốn tốt đẹp cho Thủ đô chúng ta vào dịp này, biết đâu đó loé lên được những ý hay giải tỏa được những băn khăn đó. Và vào thời điểm mnột năm còn lại trước Đại lễ Nghìn năm, những ý kiến đóng góp ít nhất nó tạo nên một mối quan tâm chung, tại nên những cảm hứng hay làm chúng ta gắn bó hơn với mảnh đất này cũng như những tên gọi đã từng có trong quá khứ cũng như hiện tại...

Dương Trung Quốc