Giá thuốc tại các TT chữa bệnh Đông y Trung Quốc khiến người bệnh sửng sốt. Thảng thốt, ông chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nói: "Xin bệnh nhân đừng vì nghe quảng cáo quá lời mà tiền mất tật mang".

Vô sinh: 20 triệu/tháng nhé!



Tôi đến phòng khám trên đường Trần Phú, Hà Đông (Hà Nội) tất nhiên là lại với căn bệnh "bịa": vô sinh. Cô lễ tân bảo tôi: "Chị có kinh thì dễ chữa lắm".



Mất 30.000đ tiền khám, tôi được bác sĩ chuyên khoa vô sinh của cơ sở Đông y Trung Quốc này bắt mạch, xem lưỡi, sờ bụng. Hỏi chữa vô sinh thì có mất nhiều tiền không, cô phiên dịch gật đầu rất quả quyết: "Nhiều. 20 triệu đồng/tháng". Tôi suýt ngất trước cái giá 20 triệu đồng/tháng. Không biết sau bao nhiêu lần 20 triệu đồng, những người phụ nữ mới đạt được ước mơ có con, nhưng số tiền đó quả thật quá lớn. Mà kết quả thì không biết đã có ai thống kê? Và cả nơi chữa bệnh nữa, không nơi nào kết luận được chính xác, bao giờ thì người bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Số tiền lớn đến khó tưởng tượng hàng ngày vẫn được nhiều người bệnh nghèo đứt ruột bỏ ra...



Tôi bước vào phòng. Bác sĩ ngồi sau bàn, có 3 cô gái nữa mặc váy hồng ngồi phía trước mặt bác sĩ. Tôi - bệnh nhân - ngồi bên cạnh bàn. Một cô váy hồng hỏi tôi: "Chị bị bệnh gì?", "Tôi đang muốn biết mình bị bệnh gì mà". "Chị phải kể triệu chứng đi", "Tôi không có triệu chứng gì, tôi bị gầy nên đi khám".



Bác sĩ vừa nói tiếng Trung Quốc, vừa nói tiếng Việt lơ lớ, vừa nhìn thấy tôi đã khen lấy khen để tôi xinh như minh tinh nổi tiếng của Trung Quốc. Mấy cô váy hồng ngồi trước mặt bác sĩ làm nhiệm vụ phiên dịch.



Bác sĩ bắt mạch hai tay tôi, bảo tôi cho xem lưỡi rồi bảo thuốc của tôi là 250.000đ/ngày, còn phải bào chế riêng cho tôi nữa. Nhẩm tính, vậy là tôi sẽ mất 7,5 triệu đồng cho 1 tháng. Số tiền quá lớn. Sau 1 tháng này, tôi sẽ lại phải tiếp tục nhiều liệu trình 7,5 triệu đồng nữa cho đến khi nào béo lên được vài cân thịt.



Thấy tôi tần ngần, nói tiền thuốc quá lớn, bác sĩ lại bảo thế thì lấy thuốc trong 20 ngày. Tôi vẫn tần ngần, bác sĩ giải thích là phải bào chế riêng thuốc cho tôi thì thuốc mới tốt. Mà bào chế thì ít nhất phải một liều trong 20 ngày mới dễ bào chế. Tôi nói hôm nay tôi không mang đủ tiền, bác sĩ lại bảo thế thì đặt cọc tiền 2 ngày thuốc, để ở đây bào chế thuốc rồi lúc nào đến thì lấy thuốc và trả nốt tiền. Tôi đành cáo lỗi rút lui. Tất nhiên, bác sĩ cũng không kê đơn cho tôi nữa.



Phần lớn những bệnh nhân sáng hôm ấy đến khám và lấy thuốc ở phòng khám này không phải là người thành phố. 100% đều trả lời họ biết đến nơi này qua quảng cáo trên ti vi. Còn có khỏi được bệnh không thì ai nấy đều cười nói chưa biết thế nào.



"Tôi về uống thuốc khác thôi"



"Choáng" với tiền thuốc 250.000đ/ngày ở phòng khám ở phố Xã Đàn vừa đưa ra, tôi quyết định đến phòng khám 58 Sơn Tây.



Cô gái trẻ tên Huyền vừa lấy thuốc dị ứng xong, quay ra bảo những người đang ngồi chờ khám, "Em uống thuốc 150.000đ/ngày mà chẳng thấy đỡ gì cả. Em cố nốt đợt này, không đỡ nữa thì thôi". Một anh ngồi đấy lè lưỡi: "Trời ơi, dùng thuốc kiểu này ngang tiền hút heroin?".



Sau khi khám, anh Nguyễn Văn Hưởng, ở Hưng Yên nán lại nói với tôi: "Họ kết luận tôi viêm hang vị, trong khi xét nghiệm Tây y lại là trực tràng. Tiền thuốc Tây y hết có 1 triệu đồng/tháng. Mà ở đây 6 triệu đồng/tháng cơ. Tôi chả có nhiều tiền thế. Tôi về uống thuốc khác thôi".



Tôi vào khám, "khai" với họ, tôi bị mất ngủ. Trong khi tối nào tôi cũng ngủ khì khì. Tôi nghĩ bệnh này có lẽ tiền thuốc sẽ nhẹ nhất, nên bịa đại ra bệnh này. Ai ngờ, sau khi bắt mạch, họ "quát" tận 180.000đ/ngày. Mà phải lấy thuốc cho cả 1 tháng. Tôi năn nỉ cho lấy trước thuốc trong 3 ngày, họ nhất quyết không nghe...



4 triệu đồng tiền thuốc, là tiền bán ruộng



Phòng khám hoành tráng với tòa nhà 5 tầng, mặt tiền tới 6,7m tại phố Xã Đàn (Hà Nội). Giá thuê chắc cả trăm triệu đồng/tháng. Tôi được hướng dẫn lên phòng 3 tầng 4 để khám sau khi đóng 30.000đ. Dọc đường lên tầng 4, tôi đếm được có khoảng gần chục khách hàng đang ngồi chờ đến lượt. Mỗi tầng là một phòng khám, xếp hai cái ghế nhựa xanh bên ngoài cho bệnh nhân ngồi chờ.



Chị Kim đang ngồi trên ghế đợi ở hành lang, tôi hỏi chuyện thì được biết hôm nay chị cùng 2 người làng nữa ở Thái Bình thuê xe ô tô lên đây để lấy thêm thuốc. Tiền xe mỗi người mất 100.000đ, chẳng thấm vào đâu so với tiền thuốc.



"Nhà tôi có 2 sào ruộng, bán cho dự án được 50 triệu đồng. Tay mình sưng do bị khớp, đã lên đây khám và lấy thuốc một lần, tính ra mỗi ngày đắp vào người 200.000đ tiền thuốc. Đắt hơn thuốc Tây nhiều.



Nhưng thấy ti vi quảng cáo ghê lắm, nên hi vọng lên đây chữa được khỏi bệnh này, để còn đi làm ô sin. Chưa biết chữa hết bao nhiêu tiền nữa, nhưng đang có tiền đền bù đất thì tranh thủ chữa. Chữa hết, cũng chưa biết trông vào đâu. 4 đứa con đang tuổi đi học nữa," chị Kim tâm sự.



Chị Lộc, người Thái Nguyên, không có kinh nguyệt, cũng đã chữa được một đợt, hết 6 triệu đồng rồi, mỗi ngày cũng hết 200.000đ tiền thuốc, cả thuốc viên và thuốc sắc, mà cũng chưa biết tình hình ra làm sao.





Theo Việt Nga

Bee.net.vn