Chiến trường K: Cuộc chiến bắt buộc

Cập nhật lúc 50 AM, 07/01/2012

(ĐVO) Chiến tranh biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh vệ quốc mà cũng là một hành động nghĩa hiệp của nhân dân và quân đội Việt Nam giúp đỡ nước láng giềng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng

Bí mật cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
Chiến tranh biên giới Tây Nam là một cuộc chiến tranh vệ quốc mà cũng là một hành động nghĩa hiệp của nhân dân và quân đội Việt Nam giúp đỡ nước láng giềng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Mặc dù vậy, cuộc chiến này còn nhiều góc khuất chưa có nhiều người biết.

Việt Nam từng bị lên án oan là xâm lược Campuchia, nhưng sự thực cuộc chiến đó là người Việt bị ép phải tiến hành để tự vệ trước hành động xâm lấn lãnh thổ và tàn sát người Việt ở biên giới Tây Nam của Pol Pot.

Sự phản bội của Khmer Đỏ
Ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, ngày 4.5.1975, chính quyền Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm đảo Phú Quốc của nước ta. 6 ngày sau, chúng lại tấn công đảo Thổ Chu và giết hại hơn 500 dân thường ở đảo này. Ngay sau đó, quân đội Việt Nam đã phản công chiếm lại được đảo nhưng sự kiện này đã mở đầu cho sự trở mặt của tập đoàn Khmer Đỏ đối với Việt Nam.



Tấm bia ghi tội ác bọn Pol Pot thảm sát nhân dân Việt Nam ở Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tháng 4.1978.
Cho đến tháng 4.1977, Khmer Đỏ huy động quân chính quy đánh sang An Giang, Tây Ninh của Việt Nam vượt qua biên giới đến hơn 10 km. Quân đội Khmer Đỏ đi đến đâu là đốt phá làng mạc và tàn sát người Việt vì lệnh từ trung ương Khmer Đỏ đã ghi rõ: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.

Trong một góc độ khác, Khmer Đỏ đã có dấu hiệu chống đối và phá hoại Việt Nam khi từ năm 1973. Chúng bắt giết người gốc Việt sinh sống trên đất Campuchia và thậm chí giết cả những người Campuchia có cảm tình với Việt Nam.

Những sự thực này được chính cựu hoàng Sihanouk đề cập trong hồi ký của ông: “Từ năm 1973 Khmer Đỏ đã tàn sát hàng vạn kiều dân Việt Nam, tố cáo họ là “gián điệp”. Khmer Đỏ còn giết hại cả những đảng viên cộng sản có thiện cảm với Việt Nam. Trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973, Khmer Đỏ đã trục xuất những đơn vị quân đội Việt Nam (giúp Campuchia đánh Lon Nol) đóng trên đất Campuchia về nước. Sau chiến thắng ngày 17.4.1975, Khmer Đỏ còn mưu toan đánh chiếm những vùng có người Khơme Khom trên lãnh thổ Việt Nam, phạm nhiều tội ác kinh tởm đối với dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ em”.

Cuộc chiến bị bắt buộc
Sau những vụ khiêu khích của Khmer Đỏ, tháng 12.1977, 6 sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam đánh sang đất Campuchia đến tận Niek Luong. Cuộc tấn công này được Việt Nam xem là lời "cảnh cáo" cho Khmer Đỏ. Ngay sau đó, phía Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối, và giao tranh tiếp diễn.



Biên đội trực thăng UH-1A của QĐND Việt Nam chi viện chiến trường Campuchia
Sự kiện này cũng được cựu hoàng Sihanouk thừa nhận. Ông viết: “Khmer Đỏ khước từ mọi đề nghị thương lượng, đàm phán hoà bình của Việt Nam. Vì vậy, đến cuối năm 1977, những người Việt Nam quá bực tức vì Khmer Đỏ tiến công khiêu khích đã đánh lại bọn Pol Pot trên nhiều mặt trận suốt dọc biên giới hai nước. Xe tăng Việt Nam có lần chỉ cách Phnom Penh 50 kilômét nhưng đến hôm sau lại rút ngay về phía bên kia biên giới.

Chính phủ Việt Nam đề nghị dàn hoà, đồng thời đề nghị thiết lập một khu phi quân sự dọc theo biên giới hai nước có chiều rộng 10 kilômét (ăn sâu vào lãnh thổ mỗi bên 5 kilômét). Một đội giám sát quốc tế do hai nước cử ra sẽ tuần tiễu trong khu phi quân sự đó để bảo đảm hoà bình lâu dài giữa hai nước.

Suốt mấy tháng liền, Đài Hà Nội liên tục nhắc đi nhắc lại đề nghị này. Nhưng các thủ lĩnh Khmer Đỏ, thông qua Pol Pot, đã bác bỏ mọi đề nghị của Việt Nam. Những cuộc tàn sát người Việt Nam do hằn thù dân tộc, bắt đầu diễn ra từ thời kỳ ngự trị của Lon Nol, nay lại tiếp tục dưới thời Pol Pot.

Do kiêu ngạo và quá ngu dốt, Pol Pot đã cố tình gạt cái sào mà Hà Nội đã chìa ra, do đó Pol Pot đã chuốc lấy sự sụp đổ của chính bản thân cùng với sự sụp đổ của chế độ Pol Pot”.

Không thể nói chuyện hòa bình với Pol Pot, ngày 23.12.1978, quân đội Việt Nam phản công trên toàn tuyến biên giới. Ở tất cả các phòng tuyến, quân đội Khmer Đỏ đều vỡ trận và bỏ chạy trước sức tấn công mãnh liệt của bộ đội Việt Nam.

Chỉ 2 tuần sau khi chiến dịch phản công bắt đầu, ngày 7.1.1979, quân đội Việt Nam đã vào được Phnom Penh, tập đoàn Khmer Đỏ bỏ chạy khỏi thủ đô lên vùng rừng núi tây bắc giáp với Thái Lan. Cho đến tháng 4.1979 khi quân đội Việt Nam tỏa ra khắp lãnh thổ Campuchia thì người dân nước này chính thức thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ.

Những người chiến thắng cao thượng
Khác với nhiều cuộc chiến tranh, trong cuộc chiến tranh này những người chiến thắng lại là những người thiệt thòi nhất. Từ chỗ đấu tranh tự vệ để bảo vệ lãnh thổ và nhân dân, quân đội Việt Nam quyết định tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot để vừa bảo vệ mình vừa giải phóng nhân dân Campuchia. Trong toàn bộ cuộc chiến ấy, hàng chục ngàn bộ đội Việt Nam đã bị thiệt mạng, bị thương tật.



Bộ đội Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7.1.1979
Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua 2 cuộc kháng chiến mấy chục năm vừa được hòa bình thì lại phải tiếp tục ném nhân tài vật lực vào cuộc chiến này. Không kể những tài sản mất đi trong chiến tranh thì chỉ riêng nguồn nhân lực là thanh niên trai tráng khi hết chiến tranh bị hy sinh, thương tật cũng đã là một tổn thất rất lớn cho công cuộc xây dựng kinh tế đất nước. Thêm vào đó, 10 năm quân đội Việt Nam phải đồn trú trên đất Campuchia để bảo đảm an ninh cho chính quyền nước bạn còn non trẻ. Với hàng chục ngàn quân phải duy trì ở đất bạn khiến cho kinh tế trong nước gặp khó khăn rất lớn.

Một điều thiệt thòi hơn nữa là vì cuộc chiến tranh này, nhiều nước đã lớn tiếng vu oan cho Việt Nam là xâm lược Campuchia khiến một thời gian Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế. Nhưng sự thực là người Campuchia cần bộ đội Việt Nam ở lại đất nước họ để giữ gìn an ninh.

Chính thủ tướng Hun Sen bộc lộ trong cuốn sách “Hun Sen – Nhân vật xuất chúng của Campuchia” rằng: “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân lại, phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có Pol Pot sẽ không có lực lượng vũ trang nào của Việt Nam trên đất Campuchia”.

Cho đến nay, khi những xấu xa của tập đoàn Pol Pot bị phơi bày ra thế giới và Tòa án quốc tế đưa ra xét xử tội phạm diệt chủng của chúng thì chẳng mấy ai nhắc tới Việt Nam với công lao ngăn chặn nạn diệt chủng ấy, ngoài chính quyền và nhân dân Campuchia.


“Hoạt động của quân tình nguyện của Việt Nam tại Campuchia là từ sự yêu cầu của nhân dân Campuchia. Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin chỉ có Tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, Thủ tướng Hun Sen trả lời báo giới Việt Nam ngày 3.1.2012.

(Còn nữa)