Đối chiếu sự dị đồng giữa Ta bà và Cực lạc


Thich Phuoc Thai






Khi đối chiếu so sánh giữa hai thế giới Ta Bà và Cực Lạc, ta thấy ngay nơi danh xưng đã là khác nhau một trời một vực rồi. Thế thì đối chiếu so sánh để làm gì cho phí sức. Thật ra, có đối chiếu so sánh giữa đời sống và cảnh vật của hai thế giới, thì ta mới phát khởi tín tâm nhiều hơn. Và như thế, đâu không phải là điều thú vị lắm sao! Như thế, thì việc làm nầy đâu phải là vô ích.





Hôm nay, tôi xin nêu ra một số vấn đề về cảnh vật và đời sống của hai thế giới Ta Bà và Cực Lạc, để chúng ta chiêm nghiệm giữa hai đời sống khác nhau như thế nào. Đã gọi là thế giới, tất nhiên, đó là phần vật chất hình tướng. Đã là vật chất hình tướng, thì tất cả đều là hư ảo huyễn mộng. Tuy nhiên, tuy huyễn mộng, nhưng cũng có mộng đẹp và mộng xấu. Nói cách khác là thiện mộng và ác mộng, tức mộng khổ và mộng vui. Thế thì ta nên chọn mộng nào? Chắc ai cũng thích chọn mộng đẹp và vui. Có ai ngu dại gì mà lại chọn mộng xấu khổ bao giờ?





Đứng về mặt sự tướng mà nói, thì Ta Bà hay Cực Lạc, tất cả đều tùy tâm hiển hiện. Không có vật nào ngoài tâm. Đúng vậy. Nhưng hiện tại, thử bình tâm xét lại tâm ta như thế nào? Tâm ta có được an ổn không? Hay luôn luôn bất an xáo trộn, loạn động không dừng. Vẫn biết, khi tâm tịnh, thì mọi vật đều tịnh. Nhưng ngặt nỗi, tâm ta chưa an tịnh thì sao? Mọi vật có an tịnh hết không? Hay là tối ngày phan duyên theo trần cảnh, chưa từng ngừng nghỉ. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu giữa hai thế giới người và cảnh khác nhau thế nào.





Thứ nhứt, xét về danh xưng, tức tên gọi: Ta Bà và Cực Lạc. Ta thấy, ngay trong danh xưng thực chất của nó đã là khác nhau rất xa rồi. Một bên là thuần vui không khổ. Ngược lại, một bên là thuần khổ không vui. Cho nên gọi là Ta Bà và Cực Lạc.

Ta Bà là cực kham khổ. Cực lạc, thì cực thuần vui. Khổ như thế nào? Và vui như thế nào? Về khổ thì cõi nầy, xét về mặt tục đế, hay sanh diệt Tứ đế, thì đời sống của con người không một ai thoát khỏi bốn nỗi khổ lớn: “sanh, già, bệnh, chết”. Bốn nỗi khổ phụ là: “ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội và ngũ ấm xí thạnh khổ”. Ngược lại, cõi Cực lạc, thì không có những nỗi thống khổ nầy. Lý do tại sao? Lần lượt đối chiếu, chúng ta sẽ thấy rõ.

Thứ hai, khác nhau về cảnh vật. Theo kinh Di Đà diễn tả cho chúng ta biết, thì cõi Cực Lạc, tất cả cảnh vật đều kết thành bằng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.


  1. Đất báu ( bảo địa ) toàn bằng lưu ly ( thuộc loại ngọc xanh ) trong suốt sáng ngần.
  2. Ao báu ( bảo trì ) đáy ao và chung quanh ao, đều kết hợp bằng 7 thứ báu tạo thành. ( tượng trưng cho thất thánh tài. Thất thánh tài gồm có: Tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, định huệ ). Dưới đáy ao toàn bằng cát vàng, khác hẳn với ao ở cõi trần toàn là bùn lầy. Ao sâu và rất rộng. Nước thì có tám thứ công đức: 1.Vắng lặng. 2. Mát mẻ 3. Ngon ngọt 4. Nhẹ nhàng 5. Bóng lộng 6. Ôn hòa 7. Uống vào khỏi đói 8. Uống vào nuôi lớn các thiện căn. Nước trong ao khi uống vào mát mẻ và khỏe khoắn lạ thường. Nước thuần một vị trong mát, không có mặn lạt hay nhơ bẩn như nước cõi nầy.

  3. Cây báu (bảo thọ ) cây tự nhiên không do ai trồng. Có nhiều loại cây tên gọi khác nhau. Tất cả đều ngay hàng thẳng lối. Cây chiên đàn hương, cây kiết tường quả v.v… nhánh lá, bông, trái đều đặn chỉnh tề. Thân lá bông trái đều kết tụ bằng thất bảo. Ngược lại, cây ở cõi nầy có vô số loại và tên gọi khác nhau. Có những loại mọc tự nhiên, có nhiều loại do người ta trồng. Loại trồng theo hai bên đường, cũng giống như cõi Cực Lạc, cũng ngay hàng thẳng lối, trông rất đẹp mắt. Song có điều không phải do các thứ báu kết tụ thành. Dĩ nhiên, thân và tàn cây không cao lớn và sum sê mát mẻ như cây ở cõi Cực Lạc.

  4. Lầu báu ( bảo lâu ) các tòa lâu đài cũng do các thứ báu tạo thành. Những cung điện có rất nhiều từng. Dĩ nhiên, là sang trọng cao quý hơn ở cõi nầy rất nhiều. So với những cung điện, lầu các của các cõi trời ở cõi Dục giới, thì lâu đài, cung điện ở cõi Cực Lạc sang trọng đẹp đẽ hơn nhiều.

  5. Tòa sen báu ( bảo tòa ) Màu sắc rực rỡ đẹp lạ thường. Màu nào phát ra ánh sáng màu nấy. Phật, Bồ tát và các người dân ở cõi Cực Lạc đều ngồi trên tòa sen báu cả. Tòa sen có nhiều cỡ loại lớn nhỏ cao thấp khác nhau. Sự khác biệt nầy, tất cả đều do công đức niệm Phật tu hành sâu cạn của người ở cõi nầy mà có những tòa sen khác nhau.

Ngoài ra, còn có những thứ khác nữa như lưới cũng bằng báu. Ở đây, cũng có lưới, nhưng lưới kết lại bằng dây nhợ.

Đến như các loài chim, như chim Khổng tước, chim Ca lăng tần già, chim Cọng mạng v.v… cũng đều do đức Phật A Di Đà biến hóa ra. Ngày đêm phát ra những tiếng pháp nhiệm mầu. Rồi đến gió thổi, suối reo, nước chảy, nhạc trời v.v… cũng đều phát thành tiếng nói pháp, ai nghe đến cũng đều phát khởi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Về cảnh vật, chúng tôi chỉ xin đơn cử lược bày đại khái như thế. Tất cả những cảnh vật nêu trên, ở cõi nầy cũng đều có. Nhưng chỉ khác nhau ở chỗ một đằng thì kết tụ bằng báu vật, một đằng thì không phải vật báu, mà toàn bằng những thứ xấu uế.


http://www.quangminh.org.au/index.ph...giao&Itemid=10