SVCZ YouTube Player
ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


PHƯƠNG PHÁP ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO
ĐĐ. THÍCH VIÊN TRÍ giảng
Tại khóa tu Phật thất lần thứ 41 ở chùa Hoằng Pháp

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư tôn đức, tăng ni hiện diện tại chùa Hoằng Pháp.
Kính thưa toàn thể quý Phật tử trong đạo tràng Phật thất.
Hôm nay thầy sẽ chia sẻ tới quý Phật tử một bài kinh.
Qua nội dung bài kinh này, thầy hi vọng rằng quý Phật tử sẽ vận dụng được những lời dạy của đức Thế Tôn vào trong cuộc sống của 7 ngày tịnh thất này để chế ngự phiền não.
Và để đạt được những bước thanh tịnh trong quá trình quý Phật tử kết duyên với đạo tràng Phật thất này.
Thưa quý Phật tử, đề tài hôm nay thầy nói chuyện với quý Phật tử là:
“PHƯƠNG PHÁP ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO”

Vì sao vậy?
Quý Phật tử hôm nay phát nguyện tu Phật thất 1 tuần là mong kết duyên với Phật địa, với cảnh giới của chư Phật.
Mong được sau khi mà chúng ta vãng sinh, chúng ta được sinh về thế giới của đức Phật, mà đặc biệt là đức Phật A Di Đà.
Cảnh giới ấy là cảnh giới Tịnh Độ. Một cảnh giới thanh tịnh hoàn toàn.
Một cảnh giới được xây dựng bằng bảy báu.
Một cảnh giới không có phiền não, không có tham lam, không có sân hận, không có si mê.
Không có bất cứ nhân tố nào gây khổ đau cho chính mình và cho người.
Nếu như chúng ta muốn sinh về một thế giới như thế thì điều quan trọng nhất và cốt yếu nhất là bây giờ chúng ta làm thế nào để gieo nhân vào Phật địa.

Làm thế nào đoạn trừ tất cả các nhân tố mà ngăn cách với Phật địa, ngăn cách với cảnh giới Phật.
Những nhân tố đó quý Phật tử thường nghe gọi là PHIỀN NÃO.


Phiền não LUÔN LUÔN hiện diện trong mỗi chúng ta.

Quý Phật tử hiện giờ đang ngồi tại đạo tràng này có phiền não không?
Bây giờ đây có ai sầu, bi, khổ, ưu, não không?
Vậy thì thành Phật hết chưa?
Phiền não chạy đâu cả rồi. Quý Phật tử biết không?
Hiện tại tâm quý vị đang rất trang nghiêm và thanh tịnh, rất hoan hỷ đón nhận những lời giảng dạy từ chư Tăng.
Những phiền não vốn có ấy, quý vị nói có nhưng nó không hiện hữu mà nó tiềm ẩn trong tâm chúng ta, phải không ? Đang ngủ yên trong tâm mọi người.
Khi nó ngủ yên như thế này gọi là tùy miên.
Phiền não đang tùy miên, đang ngủ yên.
Nhưng ngủ yên không có nghĩa là nó biến mất.
Mà hễ mà ra khỏi Phật thất này, bảy ngày, thậm chí ra khỏi phòng giảng này sau khi nghe pháp, mà có nhân duyên thì cái phiền não liền bùng cháy liền, phải không?

Và khi nó bùng cháy như vậy thì từ trong tâm chúng ta rỉ chảy ra những chất dơ của tâm.
Làm cho mình khổ đau, làm cho mình phiền muộn. Làm cho mình sầu, bi, khổ, ưu, não. Làm cho những người trong đạo tràng chúng ta bị ảnh hưởng.
Bởi vì khi chúng ta sầu, bi, khổ, ưu, não thì những người sống chung quanh môi trường chúng ta cũng bị ảnh hưởng.

Và cái phiền não mà nó bùng cháy, nó rỉ chảy như thế này trong kinh Đức Phật gọi là LẬU HOẶC.
Lậu hoặc là gì thưa quý Phật tử? Lậu là rỉ chảy. Nó rỉ ra.
Nếu như mình có một cái lu bằng đất mà nó bị nứt, nó rỉ nước ra thì gọi là “lậu”.
“Hoặc” là những phiền não, những chất dơ, những nghi ngờ, những tâm tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Nó chảy ra thì gọi là LẬU HOẶC của tâm, cấu uế của tâm.

Bây giờ quý vị không có bị cấu uế của tâm rỉ chảy, lậu hoặc rỉ chảy vì quý vị đang trang nghiêm tâm.
Nhưng khi chúng ta không có cách trang nghiêm, không có cách để đoạn trừ thì những phiền não này nó sẽ rỉ chảy. Làm khổ chúng ta và làm khổ mọi người.

Như quý vị đều có cảm nghiệm, thân chúng ta có lậu hoặc rỉ chảy không?
Thân chúng ta cũng có lậu hoặc rỉ chảy.
Mắt chúng ta rỉ chảy lậu hoặc gì? _Ghèn, phải không.
Tai chúng ta rỉ chảy gì? _Lậu hoặc là ráy tai.
Mũi chúng ta rỉ chảy cái gì? _Mủ.
Miệng chúng ta rỉ chảy lậu hoặc gì? _Nước đàm, nước dãi, nước miếng.
Thân chúng ta rỉ chảy lậu hoặc gì? _Mồ hôi và nhiều thứ nữa.

Cũng như thế, bất tịnh, cấu uế của tâm chúng ta cũng rỉ chảy những thứ mà làm chúng ta cảm thấy khó chịu, thấy bất an và làm cho những người chung quanh ta cũng cảm nghiệm như vậy.

Và lậu hoặc của tâm đó là gì?
Đó là những tư duy, những suy nghĩ, những ác ý tà vạy.
Những tâm ghen tỵ, tâm đố kỵ, tâm ganh ghét, tâm hận thù.
Tâm thực dụng, tâm danh lợi, tâm hơn thua.
Luôn luôn nó khởi trong tâm chúng ta.
Nó xâm chiếm tâm chúng ta rồi nó phát triển ra ngoài.
Đó gọi là cấu uế, lậu hoặc của tâm.
Phải không quý vị?

Hàng ngày khi thức dậy vào buổi sáng, thầy và quý Phật tử làm việc gì đầu tiên?
Rửa mặt, đánh răng, phải không ạ? Vì sao vậy?
Vì nếu không đánh răng, rửa mặt thì lậu hoặc sau một đêm, bất tịnh của thân rỉ ra nơi mặt, nơi tai, nơi miệng làm cho mình thấy bất an, bất tịnh, làm cho những người xung quanh cũng sợ.
Nên chúng ta luôn luôn phải trừ cho sạch những cấu uế của thân.
Mỗi ngày chúng ta phải tắm rửa bởi vì cấu uế của thân xuất ra.
Mà nếu ta không rửa, không tắm, không lau chùi cho sạch sẽ thì sẽ làm cho chúng ta khó chịu, bất an và chung quanh ai cũng sợ mình cả.
Không ai dám ngồi một bên cả, phải không?

Nhưng mà mỗi ngày những tâm bất thiện, những tâm bất hiếu
Những tâm đố kỵ, tâm ganh ghét, tâm hận thù.
Những tâm làm khổ mình, khổ người, làm khổ cha mẹ, làm khổ con cái.
Nó rỉ chảy, nó phát khởi
Thì có ai rửa không, có ai để ý không? Có ai lo làm cho tâm thanh tịnh không?
Đó là điều mà chúng ta cần phải để ý.

Thực tế trong mỗi ngày chúng ta, luôn luôn một khối lượng tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu, não nó tuôn chảy.
Nó hiện diện trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Và nếu không có những thứ đó thì quý Phật tử có đến chùa Hoằng Pháp để tu Phật thất không?
_Chắc chắn là không phải không.
Và đến chùa Hoằng Pháp này là để làm gì?

Để tu tập, để học lời Phật dạy để đoạn trừ những nhân tố gây ra sinh tử, khổ đau. Những nhân tố làm khổ chính mình và làm khổ mọi người.

Giống như thân chúng ta, quý Phật tử biết là những bất tịnh không phải ra chỉ một chỗ. Bất tịnh không chỉ ra ở miệng, nó hôi thối.
Mà mắt thì ra ghèn, tai thì ra chất bẩn của tai, mũi thì ra chất bẩn của mũi, thân thì ra chất bẩn của thân, đầu thì ra chất bẩn gàu, chất dơ dáy.
Mỗi thứ chúng ta có một cách, một loại thuốc, có một loại để tẩy gội phải không?
Dùng xà phòng chưa chắc gội đầu đã sạch phải không quý vị.
Quý vị và chúng tôi thấy là phụ nữ hay dùng thuốc gội đầu phải không.
Và có nhiều thứ thuốc, người thích hợp thuốc này, người thì thích hợp thuốc kia.
Người gội thuốc này thì gàu nó hết nhưng người khác gội thì gàu lại ra, phải không quý vị?

Cho nên, dù là bất tịnh của thân như thế nhưng mà đòi hỏi nhiều loại, nhiều chất liệu khác nhau mới có thể gội rửa sạch sẽ.

Cũng như thế, nói rằng gốc của phiền não là tham, sân, si nhưng mà nó cũng đa dạng phong phú như cái bất tịnh của thân.
Do vậy không chỉ một phương pháp mà có thể đoạn trừ tất cả phiền não, sầu bi khổ ưu não của tâm.
Mà có rất nhiều phương pháp để đoạn trừ những bất tịnh, những cấu uế, những phiền não của cuộc sống chúng ta.

Hôm nay, thầy dựa trên một bài kinh Trung bộ Đức Phật dạy, thầy chia sẻ với quý vị 7 phương pháp để đoạn trừ phiền não, đoạn trừ những rắc rối.
Và hy vọng sau kì Phật thất này, trong kì Phật thất này, quý Phật tử sẽ khéo vận dụng những lời dạy này vào trong chính những giờ quý vị đang tu, sẽ tu.
Sau giờ quý vị tu xong về tiếp tục vận dụng để thấy lợi ích thực tế lời Phật dạy như thế nào. Đem đến lợi ích ra sao cho mỗi chúng ta.

Quý Phật tử có biết, Đức Phật dạy thế này.
Có những loại phiền não, sầu bi
do vì không thấy biết một cách đúng đắn,
nó tạo nên cho chúng ta khổ đau.

Thầy ví dụ, một ví dụ cụ thể rất đúng và rất là thật với thầy.
Quý Phật tử có biết hồi thầy đi học năm 1988 đến 1992 ở Học viện Phật giáo Việt Nam bây giờ, ngày xưa gọi là Cao cấp Phật Học.
Trong nhóm bạn của thầy gồm 7, 8 anh em chơi chung với nhau, có 1 thầy rất thông minh mà rất nghịch. Quý thầy thân nhau lắm cho nên hay thử nhau.
Sáng hôm đó trong lớp thầy có 120 tăng ni, 60 tăng, 60 ni.
Quý vị biết, giờ học là 7 giờ.
7 giờ thiếu 5’ thầy đi vào lớp, lúc đó tăng ni đã ở đầy lớp rồi, thì người bạn của thầy nói một câu.
Quý vị thấy thầy có cao không? Hơi thấp phải không?
So với người Việt thì chiều cao thầy có khiêm tốn phải không? _1 thước 54.
Thế là khi bước vào lớp, thầy bạn của thầy nói:
_Ê lùn, mi mới ra đó à?
Quý vị ơi biết không, nếu như chỉ có chư tăng với nhau không thì dễ chịu phải không, đây có 60 ni nữa, mà kêu mình là “Lùn, mi mới ra đó”.
Ôi trời, rằng buồn ạ!
Buồn quá, như thế là quá buồn, phải không?

Quý vị mà nghe ai nói “Trông chị bữa ni xấu rứa.” là quý vị có buồn không?
Bực phải không ạ, phiền não phải không?
Mà đó là phụ nữ nói với phụ nữ, nói trước mặc nam giới còn khó chịu hơn nữa.
Vậy mà bạn thầy nói với thầy “ Ê lùn, mới ra đó à?”
Ôi trời, sáng hôm đó thầy buồn.

Quý vị biết không, buồn cả buổi sáng luôn.
Thầy ngồi trong lớp mà cứ ôm “cái lùn của thầy”.
Vì sao hắn kêu mình lùn? Vì sao hắn nói mình lùn?
Vì sao hắn nói như thế? Hắn làm nhục mình như thế?
Như thế, quý vị có biết, thầy cứ ôm “cái lùn” thầy trăn trở.
Thầy ăn, thầy ngủ với “cái lùn”.
Sáng hôm đó, quý vị có biết, thầy không hề học được gì cả.
Trưa hôm đó, thầy cũng không ngủ được vì thầy ôm “cái lùn” thầy tư duy.
Tối hôm đó thầy cũng trăn trở với “cái lùn” này.
Và thầy cứ khởi tâm nghĩ đến “cái lùn”.
Vì sao nó nói mình lùn? Vì sao nó nói mình lùn?
Mắc chi mà nói mình lùn?
15 ngày như thế, quý Phật tử, 15 ngày. Đó là thực tế.

Và mỗi đêm như thế là quý vị biết, thầy có hành thiền, ngồi thiền trước khi ngủ.
Nhưng 15 đêm thầy không hề định tâm mà hành thiền được.
Bởi vì thầy khởi tâm cứ nghĩ đến cái gì là nghĩ đến chữ “lùn” trước. Vì sao…?

Có một đêm, thầy ngồi thở vô thở ra xong thầy hỏi:
_Người ta nói mình lùn, mà mình có lùn không?
Thì mình 1 thước 54 là lùn chứ, phải không.
Nam giới phải 1 thước 60 phải không. 1 thước 54 là mình lùn.
Mà nếu người ta nói mình lùn thì mình lùn đúng rồi. Vì sao mình buồn?
Vậy thì mình tôn trọng sự thật ở đâu?
Sau khi thầy đặt câu hỏi thầy thấy được sự thật.

Thầy nhận ra rằng người ta nói đúng. Mắc chi mình buồn? Như vậy là chấp thủ.
Thầy cởi bỏ được tâm lý đó.
Và sáng hôm sau thầy ra, thầy rất hoạt bát. Thầy ra nói liền với người bạn thầy, giữa đám đông thầy nói: “Ê anh bạn, lùn ra đây!”
Và lúc đó người bạn thầy rất là vui vì biết là thầy đã vượt qua được tâm lý mà rất khó vượt.
Đây là một trắc nghiệm giúp nhau tu học.

Nhưng người bạn thầy vẫn chưa tha thầy. Hai, ba hôm sau ra.
Quý vị thấy thầy có trắng không? Hơi đen phải không?
Hôm sau ra, người bạn thầy nói:
_Ê đen, mày mới ra hả đen.
Ôi chao, là nó buồn.

Lại thêm một thời gian trăn trở với “cái đen” này nữa.
Quý vị có biết, buồn ghê lắm!
Nói thì dễ nhưng hành thì khó lắm phải không quý vị.
Khổ đau lắm!
Mắc cỡ với các cô quá!
Thế là thầy trăn trở phải hơn một tuần lễ.

Rồi hằng ngày thầy cũng thiền quán.
Thầy tự hỏi mình có đen không?
Thầy nói ừ mình đen.
Mình đen, người ta kêu mình đen, thì mình chịu chứ sao mình buồn.
Người ta có nói trật đâu?

Vả lại, thầy nhận ra được một sự thật.
Cái đen, cái lùn về cơ thể của thầy không làm cho tư cách của thầy lùn, đen.
Mà hành động, cách sống của thầy đạo đức hay không đạo đức, phạm giới hay đúng giới, sống có trí tuệ hay không trí tuệ nó mới làm cho nhân cách mình lùn, đen.
Giá trị của mình ở chỗ là cái mình sống, không là cái mình có.
Khi nhận ra được sự thật như vậy, thầy cảm thấy rất là hạnh phúc, rất là an lạc.

Trở lại bài kinh của chúng ta.
Do đâu mà thầy trăn trở, khổ đau hết gần 1 tháng.
Bởi vì do thầy không thấy rõ sự thật, không biết rõ sự thật, không chấp nhận sự thật.
Cho nên thầy khổ đau.

Trong kinh nói thế này.
Do vì mình thiếu học, do vì mình ít nghe, do vì mình không gần gũi các bậc đạo đức, cac bậc trí thức, các bậc tu tập.
Do vì mình không học các lời dạy của bậc đạo đức, của những người trí, của những người tu hành. Do vì mình không thực hành những lời dạy ấy.
Cho nên chúng ta không rõ biết, không thấy rõ những vấn đề cần phải thấy.

Chúng ta chỉ tác ý, suy nghĩ những sự việc không cần phải suy nghĩ, không cần phải tác ý.
Do vì cái cần phải nghĩ, chúng ta lại không nghĩ.
Cái cần niệm tưởng, chúng ta lại không niệm tưởng.
Cái không cần nghĩ, không cần niệm tưởng, không cần tác ý thì chúng ta lại tác ý, lại niệm tưởng.
Cho nên sầu, bi, khổ, ưu, não nó phát sinh.
Cho nên lòng tham sinh khởi.
Lòng sân sinh khởi.
Và lòng si sinh khởi.
Cái đó Đức Phật gọi là phiền não và lậu hoặc.
Do tri kiến, do thấy biết mà đoạn trừ.
Quý Phật tử có thấy như thế không?

Hằng ngày quý Phật tử cứ thấy người nào đó, nghĩ đến người nào đó là phiền não. Nhưng ngày nào cũng tác ý đến người đó hết. Phải không?
Có những chuyện khiến tâm mình luôn luôn rối loạn.
Mình cứ hay nghĩ về chuyện đó.
Trong kinh Đức Phật dạy là:
Do không rõ biết, không thấy rõ việc cần phải nghĩ , cần phải thấy.
Và do chúng ta nghĩ , tác ý những chuyện không cần tác ý.
Cho nên sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi.

Do vậy, quý vị muốn đoạn trừ phiền não, không phải chỉ cầu nguyện suông.
Không phải chỉ niệm Phật suông.
Mà phải biết cách để suy nghĩ, để tác ý về việc mình làm.
Nhờ như thế, những phiền não chưa sinh thì nó không sinh.
Phiền não đã sinh thì nó sẽ đoạn diệt.
Giống như thầy vậy.

Hàng ngày, quý vị có suy nghĩ là không biết kiếp trước mình làm gì, có không?
Không biết kiếp trước mình sinh ra có đẹp không, có không?
Không biết kiếp trước mình có nhân duyên với Phật pháp, có không?
Thầy cũng hay nghĩ như vậy.

Không biết có đời trước không? Không biết đời trước mình sinh ra, mình sống như thế nào, làm việc như thế nào?
Rồi ngày nay quý Phật tử có nghĩ rằng là không biết kiếp sau, sau khi mình trăm tuổi, mình sinh về đâu? Có không?
Đến đây là để cầu sinh Tịnh Độ phải không ạ? Đúng không?
Vậy thì đang không biết có kiếp sau không và không biết mình được sinh về Tịnh Độ không? Phải không?
Tất cả những tư duy đó, nó tồn tại trong cuộc sống của mình.

Và do chúng ta không biết cách suy nghĩ.
Cho nên có những điều ta không cần suy nghĩ mà chúng ta suy nghĩ.
Có những điều cần suy nghĩ mà chúng ta không suy nghĩ.
Cho nên chúng ta gặp rối ren, phiền não.
Phiền não hàng ngày mà quý thầy và quý Phật tử đang đối diện là gì?

Trong kinh Nhất dạ hiền, Đức Phật dạy thế này:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã qua rồi
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây

Tại sao chúng ta không truy tìm quá khứ, Đức Phật không cho mình truy tìm quá khứ?
Tại sao Đức Phật không cho quý Phật tử và thầy mong ước tương lai mà chỉ sống với hiện tại. Bởi vì sao?

Các vị và thầy hay truy tìm quá khứ.
Các bà hay nói ngày xưa tôi còn trẻ tôi đẹp lắm phải không?
Mắt tôi là mắt bồ câu. Mũi tôi là mũi dọc dừa.
Có đâu bây giờ miệng mũi sụp sụp ri.
Mắt tôi ngày xưa đẹp lắm. Mắt tôi mắt bồ câu.
Mặt tôi là mặt trái xoan. Có mô mà hóp hóp ri.

Và chúng ta thường nghĩ về quá khứ.
Ngày xưa tôi, chị biết không, giàu có lắm.
Của tiền nhiều lắm, tài sản vật chất nhiều lắm. Bây giờ mất cả rồi.
Và mỗi lần chúng ta nghĩ về quá khứ như vậy là chúng ta bị đắm chìm trong quá khứ.
Và chúng ta đánh mất hiện tại.

Và do đắm chìm trong quá khứ, do chúng ta tiếc nuối với quá khứ cho nên sầu muộn, buồn bã nó khởi lên trong tâm của chúng ta. Có không quý vị?
Cái đó, Đức Phật gọi là “truy tìm quá khứ”.

Có nên truy tìm quá khứ không? Rõ ràng là không nên truy tìm quá khứ.
“Mơ ước tương lai”. Bây giờ ngồi đây mà mơ ước.
Ước chi ngày mai mà tôi có ngôi nhà thật đẹp. Ngày mai tôi trúng số.
Ngày mai tôi thế này. Ngày mai tôi thế kia.
Cứ ngồi đây mà mơ mộng hão huyền thì có có không quý Phật tử? _Không.
“Đánh mất thế giới hiện tại.”

Cái đó Đức Phật gọi là
Không truy tìm quá khứ.
Không mơ ước tương lai.
Chỉ sống với hiện tại.
Và sống với hiện tại là sống với chính mình.

Vậy hiện tại này là gì?
Quá khứ có mặt trong hiện tại không? Tương lai có mặt trong hiện tại không?
Thưa quý vị có cả.
Vì hôm nay quý vị gieo một cái nhân Tịnh Độ, tưới nước, bón phân.
Quả có ra không?

Bây giờ thầy ví dụ thế này. Trong kinh Đức Phật ví dụ thế này.
Có con gà mẹ đẻ ra một cái trứng.
Nó đẻ đúng ngày tháng, nó ấp đúng cách, đúng phương pháp, đúng ngày, đúng tháng đầy đủ.
Thì con gà mẹ đó có cần cầu, mong rằng con gà con nó đập vỏ nó ra?
Không cần cầu thì nó có ra không? _Nó ra.
Mà nếu con gà mẹ đẻ trứng mà không ấp, không nuôi, không dưỡng gì cả.
Cầu nó có ra không?

Vậy thì bây giờ mình đang gieo nhân Tịnh Độ.
Mình đang nuôi dưỡng cái nhân Tịnh Độ, đang tưới cái nhân Tịnh Độ.
Mình có cần cầu sanh Tịnh Độ không?
Không cầu thì Phật cũng tiếp dẫn.
Nhưng nếu như mình ngồi đây, mình cứ nuôi dưỡng cái tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu, não mà mình cầu thì Phật có dám tiếp nhận không?
Tịnh Độ làm sao dám tiếp nhận những chúng sinh mà tâm đầy sầu, bi, khổ, ưu, não.
Nếu những chúng sinh mà tâm đầy sầu, bi, khổ, ưu, não qua bên đó thì làm Tịnh Độ mất thanh tịnh luôn, phải không?

Cho nên chúng ta nếu như sống với nhân hiện tại tốt thì ngày mai chúng ta không cầu cũng sinh về Tịnh Độ.
Vì vậy, Đức Phật nói không truy tìm quá khứ, nghĩa là không tác ý trong quá khứ. Không mơ ước tương lai. Mà chỉ sống với hiện tại.
Vì quá khứ thì qua rồi mà tương lai thì chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại.

Đó là người ít học, người thiếu nghe Đức Phật gọi là vô văn phàm phu.
Hạng người thứ hai Đức Phật ca ngợi đó là bậc nghe nhiều, học nhiều, thuần thục pháp của chư Phật, chư Bồ tát, thuần thục lời dạy của các vị hòa thượng, các vị thánh tăng.
Sau khi nghe nhiều, thuần thục rồi, quý Phật tử chúng ta phải áp dụng lời dạy vào trong cuộc sống.
Và hàng ngày chúng ta chỉ tác ý những điều cần phải tác ý, suy nghĩ những điều cần phải suy nghĩ.

Hàng ngày, cần suy nghĩ những gì quý Phật tử?
Đó là phải cần suy nghĩ về những lời Phật dạy.
Suy nghĩ về những điều Đức Phật gọi là từ, bi, hỷ, xả.
Khi quý vị nghĩ về lòng từ, nuôi dưỡng lòng từ thì cái tâm mà hại người có xuất hiện không? _Không.
Khi quý vị suy nghĩ lòng bi, quý vị có làm hại người không?
Khi quý vị tác ý về cái tâm hỷ, quý vị có ganh tỵ với ai không?
Khi quý vị nghĩ về cái tâm buông xả, quý vị có chấp thủ không?
Vậy thì điều quý Phật tử cần làm nhất trong khóa Phật thất này và sau khóa Phật thất này đó là hàng ngày phải tác ý đến những điều gì?
Từ, Bi, Hỷ, Xả. Quý Phật tử làm được không?

Chừng nào quý Phật tử tác những ý này trong cuộc sống thì quý vị có khổ đau không?
Thân nhân quý vị có khổ đau không?
Gia đình, quyến thuộc có khổ đau không?

Sở dĩ chúng ta khổ đau, thân nhân, con cái chúng ta khổ đau, thân bằng, quyến thuộc chúng ta khổ đau là bởi vì chúng ta nuôi dưỡng những tâm VỊ KỶ, những tâm HƠN THUA, những tâm Sân hận, những tâm Đố Kỵ, những tâm Ganh ghét.
Phải không quý vị? Mà tu là như thế.

Có người đi chùa nhiều năm tháng nhưng đụng một cái là nổi sân, nổi si lên.
Đụng một cái là CHỬI, là Bới.
Vậy thì biểu hiện của việc đi chùa và tu đó nó ở chỗ nào?

Có người nói tôi tu làm sao thầy biết. Thầy tu làm sao quý cô biết.
Biết chứ sao không biết. Biết không quý vị? Tu là gì?
Là dùng lời Phật dạy để đoạn trừ tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Để tâm vô tham, vô sân, vô si nó BIỂU HIỆN, xuất hiện.
Để cho những người sống xung quanh chúng ta được lợi ích.
Xin thưa trước với quý Phật tử, sáng hôm nay thầy nói được bao nhiêu thì thầy nói. Đề tài này rất dài, nhưng thầy sẽ nói những phần chính để quý Phật tử có lợi ích.

Để cho dễ nhớ hơn, thầy ví dụ.
Quý Phật tử có thích gần hòa thượng Thanh Từ không?
Có thích gần hòa thượng Làng Mai không?
Có thích gần các bậc thánh tăng không?
Các vị đó có già không, có bệnh không, có không?
Vậy quý vị có thích những người cư sĩ già, bệnh không, có không?
_Không rồi phải không.
Vì sao những hòa thượng, những ni sư tu tập cũng già, cũng bệnh mà quý vị thích gần còn những vị cư sĩ tại gia cũng già, cũng bệnh mà quý vị lại không thích gần?

Lí do vì sao vậy?
Thầy xin nói. Nói ra để biết rằng người có tu là biểu hiện nội tâm, khiến cho mình dễ dàng cảm nhận được.
Khi mình gần bên một vị hòa thượng, vị chân tu, lòng mình có lo sợ không, có buồn phiền không, có hoan hỷ không? Bởi vì sao?
Bởi vì vị tu sĩ ấy, bởi vì vị hòa thượng ấy phát ra lòng Từ, lòng Bi, lòng Hỷ, lòng Xả.
Mà ở mình thì đầy dẫy lòng tham, sân, si.
Nhờ lòng từ, bi, hỷ, xả của ngài mà nó làm cho dịu, như trời mà đang nắng có cơn mưa đổ xuống vậy, làm dịu xuống. Phải không quý vị?
Cho nên lòng chúng ta cảm thấy An tịnh, thích thú muốn gần những người chân tu.
Còn khi mình gần người già thấy CÁI TƯỚNG già, tướng bệnh làm cho mình sợ hãi, phải không, có không?
Các vị bệnh hoạn rên hừ hừ, mình thấy có vui không? Cho nên mình sợ.
Bởi vì người thiếu tu thì thân đau mà tâm cũng đau.
Mà tâm đôi khi đau nhiều hơn thân.
Còn người có tu thì thân đau nhưng mà tâm không đau.
Đó là biểu hiện của người có tu và không có tu.

Cho nên bây giờ quý Phật tử ở chung với nhau, xem thử bà nào, ông nào, Phật tử nào mà hay nổi sân, hay la lối, hay giận dữ biết người đó tâm chưa tu.
Thân tu tập mà TÂM chưa tu tập.
Phật tử đến khóa Phật thất này, về làm thế nào con cái thấy, sau kỳ Phật thất mình tu về, là lòng từ, bi, hỷ, xả của mình TỎA RA với con cái.
Dễ dàng tha thứ những gì mà con cái phạm lỗi.
Sống với TÂM hỷ xả thì con cái nó suy nghĩ: À, mẹ mình, cha mình, em mình, chị mình đi chùa về, nhờ Phật pháp nên tâm hiền thuận ra.
Như thế là đã giúp cho nó nghĩ tốt về đạo Phật.
Còn đi tu về gặp đâu sân đó, hở đâu chửi đó, hở đâu la đó.
Con cái nó không hiểu sao tu chi mà về dễ sân si rí! Phải không ạ.

Lúc này thầy có cảm nghiệm thế giới chúng ta răng mà ai cũng nóng giận cả hè.
Hở đâu là sân si đấy thì sức mạnh của Phật pháp biểu hiện ở ĐÂU?
Đúng không quý vị.
Cho nên thầy hy vọng là quý vị sau khi dự khóa tu Phật thất này về, làm thế nào hàng ngày phải quán tưởng, suy nghĩ, tác ý về điều gọi là Từ, Bi, Hỷ, Xả, và buông bỏ những tham, sân, si.
Lúc đó mình sẽ hạnh phúc.
Và những người xung quanh mình sẽ hạnh phúc.
Cái đó Đức Phật gọi là phiền não nhờ thấy, biết, rõ ràng mà đoạn trừ.
Vậy thì ai đang bị những cái khổ, những cái trói buộc làm cho mình khổ đau thì phải biết cách tác ý để đoạn trừ nó.
Được không quý vị.
Đó là phương pháp thứ nhất Đức Phật dạy trong bài kinh Nhất thiết lậu hoặc.

Phương pháp thứ hai Đức Phật dạy, bởi vì không phải khi nào mình suy nghĩ cũng đoạn trừ được đâu.
Có những loại phiền não, những rắc rối mà phải do phòng hộ mới đoạn trừ.
Vì sao vậy?

Ví dụ như khi một vị nữ thấy nam giới,các cô thấy các chàng là con mắt nhìn cái sắc đẹp.
Chà, cô này đẹp quá.
Bà này sao già mà đẹp quá, đẹp tướng, đẹp lão quá.
Ông này sao đẹp quá.
Khi mắt thấy sắc do vì chúng ta không PHÒNG HỘ con mắt, không PHÒNG HỘ cái tâm cho nên chúng ta tác ý, chúng ta nghĩ đến cái sắc đẹp chung.
Con người đó sao mà đẹp, lỗ mũi sao mà dễ thương, đôi mắt sao mà hiền từ, rồi cái miệng sao mà có duyên.
Cái đó gọi là tác ý riêng, tác ý chung.
Do chúng ta không PHÒNG HỘ con mắt, không PHÒNG HỘ tâm cho nên chúng ta tác ý như vậy.

Và khi chúng ta thấy đẹp như vậy, dễ thương như vậy thì chúng ta muốn thương, muốn sở hữu.
Sở hữu không được, thương không được thì làm gì?
Sầu-bi-khổ-ưu-não sinh khởi. Có không?

Khi tai nghe tiếng. Các ông thì ưu nghe ông thầy này tụng kinh.
Ông thầy này tụng kinh nghe sao hay quá.
Ông thầy kia tụng kinh sao khó nghe quá. Tụng chi mà nghe khó chịu.
Bà này thì lại nghe ông thầy khác.
Ông thầy này tụng mới hay, ông thầy kia tụng không hay.

Khi tai nghe tiếng, chúng ta không PHÒNG HỘ lỗ tai và tâm cho nên chúng ta bị cái ngôn ngữ làm cho chúng ta ái luyến, chúng ta thích thú.
Chúng ta bị cuốn chìm trong cái âm thanh đó.
Chúng ta muốn sở hữu cái cảm giác đó.
Nhưng mà chúng ta không có được nó, chúng ta mất đó.
Và chúng ta liền sầu muộn, gọi là sầu-bi-khổ-ưu-não.

Khi lưỡi nếm vị. Ăn món này ngon quá phải không.
Không ăn được thì tiếc.
Không ăn được thì buồn.
Tham sinh khởi.
Sầu-bi-khổ-ưu-não sinh khởi.

Rồi khi mũi ngửi hương, quý vị có thích mùi hương không.
Mùi này sao khó chịu quá. Mùi này sao bực bội quá.
Rồi thì bắt đầu phiền não.
Mùi này sao thơm quá. Mùi này sao nó dễ chịu quá.
Và không có nó thì khó chịu.
Thành ra chấp thủ cái mùi, chấp thủ cái lổ mũi.
Và do không có được cái chúng ta muốn, chúng ta sầu-bi-khổ-ưu-não khởi.

Nói chung là khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, mũi ngửi hương, thân cảm xúc rồi chúng ta chấp thủ cái chúng ta thích.
Chúng ta ghét cái chúng ta không thích.
Do vậy, cho nên sầu-bi-khổ-ưu-não.
Cho nên, phiền não sinh khởi.
Đức Phật gọi là những phiền não do không PHÒNG HỘ cho nên nó sinh khởi.

Quý vị có tụng bài sám gọi là gì:
“Thế Tôn đã đinh ninh di giáo.
Mà con còn đắm đuối mê say.
Mắt ưu xem huyễn cảnh hàng ngày.

( _Ưa không, ưa quá đi chứ! )
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh.
( _Có thích không?)
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh.
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go.
Thân tham dùng gấm vóc sa-sô.
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ.”


Phải không?
Đức Phật dạy rõ ràng.
Vì chúng ta không nghe lời Phật dạy.
Chúng ta khổ.
Mà muốn bớt khổ thì làm gì?
Bớt tham, bớt sân, bớt si.
Biết cách PHÒNG HỘ khi mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng, khi mũi nếm vị,…

Vì sao?
Đức Phật nói thế này.
Ta thấy rằng, này các đệ tử, không có cái sắc nào trói buộc người đàn ông bằng sắc của người đàn bà. Đúng không quý vị?
Đức Phật dạy không có cái sắc đẹp nào trói buộc người đàn bà bằng sắc đẹp của người đàn ông. Đúng quá.
Không có âm thanh nào hấp dẫn người đàn bà bằng âm thanh của người đàn ông.
Và ngược lại không có âm thanh nào hấp dẫn người đàn ông bằng âm thanh người đàn bà.

Các vị đã cảm nghiệm rõ ràng.
Chính vì quý vị chấp thủ cái sắc của người đàn ông, cái âm thanh của người đàn ông, cái hương vị của người đàn ông rồi mọi thứ của người đàn ông.
Và không có nó, mất nó đi chúng ta khổ đau.

Nhưng mà quý vị hãy nghĩ thế này.
Đức Phật dạy mắt không bị sắc trói buộc, phải không quý vị?
Sắc không trói buộc con mắt.
Khi thầy nhìn các cô, các Phật tử như thế này, thầy có bị trói buộc không?
_Thưa, không.
Sắc không làm cho mắt bị trói buộc, mắt không trói buộc sắc, mà cái gì trói buộc?
Lòng tham của con mắt nhìn sắc nó trói buộc. Phải không?

Cho nên chừng nào mà quý vị nhìn cuộc đời này mà không bị đắm chìm trong đó thì quý vị hạnh phúc.
Quý vị không bị lôi cuốn trong đó, thì quý vị hạnh phúc.
Mà bằng ngược lại, mình nghe cái âm, cái giọng ông này dễ thương quá, là coi như thua rồi.
Nghe cái giọng gì mà nó hay quá, là bị đắm chìm rồi.
Mà đắm chìm ở đây, bị cột ở đây không phải mắt hoặc sắc mà do bởi tâm THAM ái.

Vậy đoạn trừ khổ đau là đoạn trừ cái gì?
Đoạn trừ tâm THAM ái.


Ngài Trần Nhân Tông dạy thế này:
“Sống đời vui đạo hãy tùy duyên.
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh không chấp hỏi chi thiền.”

Cứ sống nhưng mà đừng có chấp, đừng bị lún chìm, bị lôi cuốn trong đó thì đó là đạo.
Quý vị nhớ thế này, có câu chuyện.
Có 1 vị tu sĩ thời còn Đức Phật, bạch Đức Thế Tôn:
_Thế Tôn cho con lên rừng để độc cư tu tập.
Đức Phật nói được, cho ngài lên rừng ngài tu.
Ông lên trên rừng ở 1 mình, thiền sao mà ngày càng ốm o gầy mòn.
Ở một mình thôi. Mà trong vấn đề tu tập thì không có tiến bộ chi cả.
Ông về ông nói:
_Bạch Thế Tôn, sao mà con vâng lời Phật dạy, con lên trên rừng con tu mà con không thấy có tiến bộ chi cả. Con thấy lòng con sao mà buồn phiền.
Đức Phật nói:
_Bởi vì ông đi lên rừng tu mà ông có “đem theo quyến thuộc”.
(Ông đi 1 mình mà Đức Phật nói ông có đem theo quyến thuộc.)
_Dạ bạch Đức Phật, không, con đi 1 mình.
_Có đấy chớ.
“Quyến thuộc” của ông là lòng tham. “Quyến thuộc” của ông là ái thủ.
“Quyến thuộc” của ông là cái say mê.

Cũng giống như quý vị lên đạo tràng Hoằng Pháp đi tu ri đây nhưng mà không biết ở nhà con ra sao.
Không biết mấy đứa ở nhà tối có đóng cửa không.
Không biết nhà hôm nay có mất mát chi không?
Vậy là đi tu ở Hoằng Pháp cũng “đem theo quyến thuộc”.
Ở đây ai không “đem theo quyến thuộc” đưa tay thầy coi thử.
Ai không đem theo thầy chúc mừng.

Không đem theo quyến thuộc nghĩa là biết phòng hộ tâm, không chấp thủ.
Cho nên tu tập pháp thứ 2 để đoạn trừ phiền não, để đi ra khỏi những rắc rối cuộc đời, đó là chúng ta phải biết phòng hộ cái tâm của ta khi sống giữa cuộc đời, khi đối diện các pháp mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày.

Khi mắt thấy sắc thì không bị cái sắc nó cột, không để tâm cột sắc với mắt.
Tai nghe tiếng đừng để cái ngôn ngữ đó làm cho chúng ta ái luyến.
Khi mũi ngửi hương đừng có bị đam mê cái hương đó.
Khi lưỡi nếm vị, đừng có bị cái vị đó làm cho chúng ta thích thú.
Và khi thân mặc quần áo, quần chi cũng được, áo chi cũng được, chứ đừng phải đồ soa, đồ suýt, đồ láng, đồ bóng, phải không?
Mà muốn có những đồ đó đâu phải dễ có phải không ạ.
Phải làm lụng cực khổ mới có tiền phải không?
Cho nên phải biết phòng hộ tâm đối với 5 căn khi tiếp xúc với trần.
Phòng hộ tâm khi ý tiếp xúc với pháp.
Thì như vậy phiền não không sanh, chưa sanh thì nó sẽ không sanh.
Phiền não sanh rồi thì sẽ được đoạn diệt.

Vậy phương pháp thứ 2 ở đây mà Đức Phật dạy cho chúng ta là gì?
Đó là chúng ta phải biết sống PHÒNG HỘ thân và tâm chúng ta khi tiếp xúc với sự vật.
Chừng nào quý vị khi 6 căn tiếp xúc 6 trần mà quý vị biết PHÒNG HỘ thân tâm, không chấp thủ thì chừng đó là hạnh phúc có mặt, giải thoát có mặt.

Có không?
Không có à?
Giải thoát, hạnh phúc là gì, thầy xin định nghĩa một tí.
Người ta định nghĩa:
Hạnh phúc là sự vắng mặt các cảm giác khổ đau, khó chịu và sự có mặt các cảm giác thoải mái, dễ chịu. Đó là hạnh phúc.
Hiện tại có ai thấy khó chịu không, có ai đang cảm nhận khổ đau không?
Vậy thì quý vị giải thoát chưa?

Giải thoát bây giờ chứ còn đi đâu mà hỏi. Phải không?
Hạnh phúc là sự vắng mặt các cảm giác khổ đau và có mặt các cảm giác dễ chịu.
Bây giờ ai ở đây thấy bực bội đưa tay thầy coi. Cười cả mà. Vậy thì đang là hạnh phúc. Mà hạnh phúc này là giải thoát.
Đây là nhân tố giải thoát, và nuôi dưỡng nhân tố này thì có cần cầu sanh Tịnh Độ không?
Nếu nhân tố này có mặt trong cuộc sống chúng ta mỗi ngày thì đó là Tịnh Độ, đó là giải thoát.
Mà muốn như thế chúng ta phải PHÒNG HỘ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Và nếu PHÒNG HỘ được 6 căn khi tiếp xúc với 6 trần thì sầu-bi-khổ-ưu-não có khởi không? _Không khởi.
Đó là phương pháp thứ 2 Đức Phật dạy, gọi là “phiền não do PHÒNG HỘ mà được đoạn trừ”.

Phương pháp thứ 3 Đức Phật dạy gọi là “phiền não do thọ dụng, do sử dụng mà được đoạn trừ”.
Có một lần thầy đến một chùa trên núi thăm đạo tràng.
Đạo tràng đó làm đông lắm, cũng nhiều ngàn người như thế này.
Khi ra khỏi, tiễn thầy về, thì có quý sư cô nói với thầy thế này:
_Thưa thầy, vì chùa của con ở xa quá, khó khăn quá, còn thiếu phương tiện quá. Chỗ ngủ, chỗ ăn cũng chưa đủ.
Cũng như Hoằng Pháp đây, bây giờ quý Phật tử đến 2, 3 ngàn người thế này chỗ ngủ, chỗ ăn cũng thiếu phải không ạ.
Cho nên cảm thấy bất tiện.

Thầy có nói thế này:
_Chùa này là chùa núi, Phật tử từ thành phố họ tìm đến đây mà 5, 7 ngàn người họ tu.
Nếu họ đi tìm phương tiện thoải mái, tắm rửa thoải mái, ăn uống thoải mái thì ở ngoài thành phố chớ vô trong núi làm chi?
Họ ở thành phố chớ họ xuống Hoằng Pháp làm chi?
Đến Hoằng Pháp này, đến chùa núi đó không phải để tìm phương tiện đầy đủ, không phải để tìm phòng tắm sang trọng.
Mà đi tìm môi trường sống tâm linh an lạc, giải thoát. Phải không?

Nếu chùa mà đầy đủ quá, nếu sung túc vật chất quá mà nội tâm ở đây rối loạn thì quý Phật tử có đến không?
Đến đây mà chỉ thấy hơn thua, tranh giành.
Đến đây chỉ thấy sầu-bi-khổ-ưu-não thì quý vị đến 1 lần rồi lần sau bao giờ đến nữa không? Phải không?

Vậy thì mục tiêu của người Phật tử đến chùa là gì?
Không phải vì mục đích ăn ngon. Không phải mục đích mặc đẹp.
Không phải mục đích có giường cao, ghế rộng mà ngủ.
Quý Phật tử đến đây tu ngủ giường hay ngủ đất. Phải không?
Quý Phật tử đến đây không phải để có những thuốc men làm cho đẹp người lên, cho trẻ người ra. Phải không?
Mà quý Phật tử đến chùa, đến những đạo tràng Tịnh Độ là để sống, để tu tập, để nuôi dưỡng tâm.
Cho nên nhờ vậy mà lòng tham của mình có sinh khởi không?
Sân ở đây có điều kiện sinh khởi không? Si có điều kiện sinh khởi không?
Nhờ chúng ta biết tiết dục, biết hạn chế lòng tham đối với ăn, mặc, ở rồi thuốc men, mọi thứ mà những phiền não, lòng tham đối với những thứ đó được giới hạn, được đoạn trừ.
Đức Phật gọi là phiền não do thọ dụng về y phục, về thức ăn, về giường mặc, về thuốc thang nhờ có biết phòng hộ mà được đoạn trừ, biết cách thọ dụng mà được đoạn trừ.

Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay có dễ dàng như thế không quý vị?
Một vật chất sung mãn, đầy đủ. Muốn cái này, được cái này xong là muốn cái kia. Phải không?
Lòng tham con người nó vô đáy.
Và vì không bao giờ thỏa mãn với những điều đó cho nên chúng ta cứ thấy khổ.
Rằng tôi sao nhà lầu chỉ có 2 tầng chị ơi. Sao mà chị có cái nhà 5 tầng?
Không biết nhà 5 tầng ngủ một đêm mấy tầng không biết?
Nhà 50 giường không lẽ một đêm chạy 50 giường mà ngủ.
Vậy mà không bao giờ chịu dừng cái lòng tham ở những thứ đó.
Ở chỗ ngủ, ở nhà cửa, ở quần áo, ở vật thực, ở thuốc men.

Do không biết hạn chế, tiết dục đối với những thứ đó cho nên nó làm chúng ta quay cuồng trong cái lòng THAM.
Trở thành nô lệ cho cái lòng tham chúng ta.
Và cuộc sống chúng ta luôn luôn cảm thấy khổ.

Chúng ta như những người khát nước mà cứ nhè nước biển mà uống, có khi nào hết khát không quý vị?
Khi chúng ta khát nước mà uống nước muối thì có đỡ khát không?
Càng uống càng khát.
Cái lòng dục của chúng ta cũng vậy, hễ càng chạy theo chừng nào thì càng cảm thấy thiếu thốn chừng đó.

Cho nên đạo Phật dạy câu gì?
Thiểu dục tri túc. Biết ít là vừa đủ.
Khi mình biết vừa đủ rồi thì bao nhiêu cũng đủ cả.
Mà nếu không vừa đủ thì quý Phật tử biết không, ngồi Thiên đàng mà vẫn cứ thấy thiếu. Phải không nào?

Cho nên quý Phật tử hôm nay đến Hoằng Pháp này thấy đủ cho nên nằm dưới đất cũng đủ.
Có nhiều người từ Mỹ về đây tu, ăn cơm hộp cũng thấy hạnh phúc. Phải không?
Có nhiều người từ xa đến đây nằm giữa đất, lạnh, đau lưng mà thấy giải thoát.
Bởi vì sao? Bởi vì mình biết tiết dục, biết đủ với những điều kiện thức ăn, y phục, giường ngủ, thuốc men, những thứ hàng ngày trong cuộc sống.

Cho nên tu là gì?
Tu là phải biết tiết dục, biết làm chủ cái tâm.
Đừng để tâm tham làm chủ mình.

Và đối với người tu, thưa quý Phật tử, thọ dụng y phục.
Người đời mặc y phục để làm gì?
Để làm đẹp phải không, để thân thể này trở nên huy hoàng phải không.
Vô đây tu, một màu lam không à, người nào như người nấy. Phải không?
Như vậy là mình dùng y phục làm gì?
Không phải làm đẹp mình mà để cho thanh tịnh, trang nghiêm thân để mình dễ tu tập.
Đó là mục tiêu thứ nhất của người Phật tử.

Mục tiêu thứ 2.
Khi Phật tử đến chùa tu tập thì không phải đến đây để cầu ăn ngon.
Mà đến đây để làm gì?
Ăn để mà sống, ăn để nuôi dưỡng thân này mạnh khỏe có điều kiện tu tập.
Chứ không phải sống để mà ăn.
Đó là tiêu chí thứ 2 của người Phật tử.

Tiêu chí thứ 3.
Chúng ta đến chùa là ngủ đâu cũng được, ngủ bằng thứ gì cũng được, miễn là cái tâm mình an tịnh, thư thái là thấy đủ rồi phải không.
Không cần phải nệm Kim Đan, không cần phải giường cẩm lai, phải không?
Đó là tiêu chí thứ 3: ngủ đơn giản.

Và cuối cùng thuốc men là khi nào đau mới uống thuốc.
Chứ không phải sáng ngủ dậy thấy tóc tôi hơi bạc, dùng thuốc bôi cho nó đen, da tôi nơi này có mụn, bôi một cái cho nó đỡ thấy.
Đến chùa có ai có tâm lý đó không?
Đến chùa mà có tâm lý đó thì chưa phải đến đây để tu tập Phật thất.

Hạn chế mọi thứ.
Nhờ làm như thế cho nên lòng THAM đối với những thứ đó nó được hạn chế, được kiểm soát và nó triệt tiêu.
Khổ đau là do lòng THAM.
Khi lòng tham được hạn chế, được kiểm soát, được triệt tiêu thì nhân tố khổ đau đã được đoạn trừ.
Vậy hạnh phúc có mặt không? _Có mặt.

Bây giờ tôi biết ở đây không ai đang bị phiền não làm khổ mà quý vị đang được tưới mát với lời Phật dạy, đây là nhân hạnh phúc.
Mà quý vị NUÔI DƯỠNG cái này giờ phút nào thì cái quả hạnh phúc có mặt trong cuộc sống quý vị giờ phút ấy.
Đó là phương pháp thứ 3 Đức Phật dạy, gọi là “phiền não do thọ dụng mà được đoạn trừ”.

Phương pháp thứ 4 Đức Phật dạy, “phiền não do kham nhẫn mà được đoạn trừ”.
Kham nhẫn là kiên nhẫn, nhẫn nại, là chìa khóa quan trọng nhất để thành công mọi lĩnh vực cuộc sống.
Tu tập kham nhẫn quan trọng hơn nhiều.

Quý Phật tử có tụng kinh Pháp Hoa không?
Có nhớ ngài Thường Bất Khinh Bồ tát không?
_”Tôi không dám khinh quý ngài vì quý ngài sẽ thành Phật.”
Và khi nói như thế, dù bị chửi, mắng, bị la, bị đập, bị đánh, bị rượt thì ngài cũng đứng từ xa mà nói rằng:
_”Tôi không dám khinh quý ngài vì quý ngài sẽ thành Phật.”

Quý vị có học hạnh đó không?
Có, nhưng mà sau khi nghe ai nói: “Cái bà đó răng mà dữ!” là bắt đầu nổi sùng lên..
Người ta mới vô lấy lộn cái gối là nói “Gối này gối tui không phải của anh.”
Rứa thì học hạnh ở chỗ nào? Kham nhẫn thể hiện ở ĐÂU?
Quý vị có thấy mắc cỡ với ngài Thường Bất Khinh không quý vị?
Hễ người nào mà sân hận, người nào mà hở chút nổi giận thì hãy nhớ đến Bồ tát Thường Bất Khinh.

Đức kham nhẫn, kiên nhẫn là chìa khóa để đạt được mọi thành công tốt đẹp.
Biểu hiện của Phật tử, tăng ni ngày nay khiến cho người đời nghi ngờ về giáo lí Đức Phật. Bởi vì chúng ta sao mà chấp quá!
Sao mà dễ sân quá! Sao mà hay nổi giận, nổi cáu quá!
Đôi khi chúng tôi thấy cũng lo lắng, phải không quý vị?
Quý vị có lo lắng không? Sao tôi thấy lo lắng.
Và học hạnh ngài Thường Bất Khinh Bồ tát là phải KIÊN NHẪN, KHIÊM TỐN, NHẪN NẠI.
Vì đây là chìa khóa để thành tựu.

Muốn về Tịnh Độ mà không có đức tính này thì ngài A Di Đà, ngài dứt khoát không cho vào đâu!
Không cho cái thẻ mà vào đâu!
Không cho cái vé mà đi sang Cực Lạc đâu!
Phải nhớ như thế.

Do vậy tu tập là phải kham nhẫn nóng lạnh, kham nhẫn thiếu thốn, kham nhẫn thời tiết. Kham nhẫn gì nữa quý vị?
Có nhiều cái ở đây mà không kham nhẫn được đây này.
Đó là kham nhẫn những lời nói khó chịu. Kham nhẫn được không?
Kham nhẫn những lời phỉ báng. Kham nhẫn được không?

Đang tu ở đây chứ ai mà nói nặng vô mặt cái là dám đập tại chỗ đấy, nổi sân tại chỗ đấy.
Mà tu là phải kham nhẫn lời phỉ báng, lời nặng nề. Đó gọi là tu.
Giống như thầy rứa. Như thầy đã nói với quý vị, người ta nói thầy lùn, thầy ngồi kham nhẫn, chứ như người khác là đánh tại chỗ.
Không, mình phải kham nhẫn trầm tư, chịu đựng. Như thế mới gọi là tu.

Và quý vị phải KHAM NHẪN những cảm thọ, những cảm giác khó chịu về tâm về thân.
Mình phải chịu đựng, trải qua và vượt qua nó mới gọi là tu tập.
Một cá nhân sau một kỳ tu tập Phật thất như thế này, có tiến bộ hay không, mỗi người có thể làm được bài toán cho mình.
Trước khi tu mình nóng nảy quá, tu về thấy hiền bớt.
Cái đó gọi là có tính kham nhẫn.
Trước khi tu chấp nhiều quá, bây giờ tu rồi một tuần, cái lòng chấp của mình nó mòn dần, nhẹ dần. Đó là tiến bộ.

Quý vị nhớ rằng, vấn đề tu tập không phải dễ đâu, khó lắm!
Muốn biết có tiến bộ hay không hãy lấy thước đo kham nhẫn, kiên nhẫn, chịu đựng này để xem ta có tiến bộ hơn ngày hôm qua với chính ta hay không, chứ đừng so sánh với người khác.
Thường thường, hôm nay tôi tu, tôi thấy những người chung quanh không tu, là tôi ra tôi nói: “Răng những người này không tu chi cả hè”. Phải không quý vị?
Rồi: “Vô tu răng mà nói chuyện nhiều quá, tu không nói chuyện.”
Có vị thì nói: “Tu sao ngủ nhiều quá, tôi tu tôi không ngủ.”

Những cái đó là bản ngã, là thiếu khiêm tốn, là thiếu kham nhẫn, thấy mình hơn người. Đó là biểu hiện của nội tâm thiếu kham nhẫn, thiếu kiên trì.
Tất cả thứ đó là nhân tố của khổ đau.

Cho nên quý vị biết, kham nhẫn là yếu tố để đoạn trừ tâm sân hận, kiêu ngạo, tâm cống cao.
Ai nghĩ rằng sân hận sẽ là hạnh phúc xin đưa tay lên cho coi.
Chắc chắn SÂN là sẽ khổ, phải không quý vị?
Sân hận sẽ làm khổ mình, khổ người phải không quý vị?

Ngài hòa thượng thiền sư nói thế này:
“Một chút giận
Hai chút sân
Lận đận cả đời
Ri cũng khổ.
Trăm điều nhịn
Ngàn điều lành
Thông dong tất dạ
Rứa mà vui.”


Phải không?
Bây giờ, muốn hạnh phúc, viết 2 câu đó để trước mặt.
Hàng ngày cứ như thế mà trầm tư quán tưởng, dứt khoát là hạnh phúc.
Bởi vì sao? Bởi vì trong kinh Hoa Nghiêm có dạy thế này:
“Nhất niệm sân tâm khởi
Năng thiêu công đức lâm.
Thực hành bồ tát hạnh
Nhẫn nhục hộ vi thân.”

Nghĩa là gì?

Một niệm sân khởi lên, bao nhiêu công đức tạo được mình đốt cháy hết.
Và muốn thực hành hạnh bồ tát, thì hạnh nhẫn nhục là áo giáp để bảo hộ thân mình.
Quý Phật tử nhớ cho, phiền não là do thiếu nhẫn nhục.
Phiền não được đoạn trừ nếu như chúng ta biết kham nhẫn, biết nhẫn nhục.
Đó là phương pháp thứ 4.

Loại thứ 5 gọi là phiền não nhờ né tránh mới được đoạn trừ, còn không là sẽ khổ đau.
Khi quý vị gặp con voi dữ, con chó dữ, việc làm cần thiết của chúng ta là gì quý vị? Đi thẳng tới hay né đi?
Tốt nhất là chúng ta tránh né.

Phương pháp tránh né, Đức Phật nói tránh né những người dữ, voi dữ, chó dữ, thú dữ,..đó là loại thứ nhất.
Sẽ không làm cho chúng ta khổ đau, không làm cho chúng ta phiền não.
Loại thứ hai là những chỗ mà gai góc, hố hầm, vũng nước, ao nước chúng ta nên bước vào không? _Nguy hiểm!
Phải tránh né những môi trường như thế.

Rồi những chỗ quý ông, quý bà cần tránh né nữa, đó là gì?
Đó là quán nhậu, là vũ trường, những nơi đánh bạc, tụ điểm hút sách,…là những nơi mà chúng ta cần phải tránh né.
Đi vào đó là khổ đau.
Đi vào đó là vui một chút mà khổ rất lâu. Phải tránh né.

Và chúng ta phải tránh né chỗ những người bạn xấu, những người bạn ác, những người mà chúng ta gặp tạo cho chúng ta phiền não, làm cho chúng ta thấy khó chịu là chúng ta phải tránh né.
Không giao du với bạn xấu.
Quý Phật tử có nhớ vua A Xà Thế không?
Vua A Xà Thế do kết bạn với ai mà phạm tội ngũ nghịch, Đề Bà Đạt Đa.
Do vì kết bạn với người xấu, người ác cho nên A Xà Thế đã nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa, bỏ tù cha là Tần Bà Sa La.

Cho nên Đức Phật bảo phải tránh né những người dữ, người xấu.
Đó là pháp, nếu ai biết tránh né như thế thì sẽ không chiêu phiền não, không gặt hái phiền não.
Và chúng ta cần tránh né những người giận dữ, những người sân hận, những người hung dữ. Cần tránh né.

Các bà cần tránh các ông khi các ông buổi tối về mà say rượu.
Lúc đó đừng càm nhàm, để sáng mai ông tỉnh rồi hãy nói.
Rồi các ông phải tránh né các bà khi các bà về mà mặt hầm hầm, buôn bán thất bại sao đó. Tránh né đi, đụng vô cái là coi chừng mang họa.
Những người sân hận, giận dữ, những người đang có tâm lí bất an thì mình cần phải tránh né. Đừng có lí lẽ lúc đó, đừng có hơn thua lúc đó.
Mình chỉ chuốc phiền não cho mình mà thôi.

Đức Phật dạy, những phiền não nhờ tránh né như thế mà chúng được đoạn trừ.
Những phiền não chưa sanh thì nó sẽ không sanh trong tâm chúng ta.
Những phiền não đã có mặt mà chúng ta biết cách để tránh né thì chúng ta sẽ đoạn trừ được nó.
Đó là phương pháp thứ 5 gọi là “phiền não nhờ tránh né, nhờ biết tránh né mà được đoạn trừ”.

Phương pháp thứ 6, đó là “sầu muộn, phiền não nhờ biết trừ diệt mà đoạn trừ được”.
Là sao?
Khi tâm tham khởi lên, chúng ta biết ngay tâm này sẽ làm cho chúng ta khổ đau.
Chúng ta trừ diệt tâm tham.
Khi ý niệm dục lạc khởi lên, ý niệm muốn hưởng thụ khởi lên, chúng ta biết rằng cái tâm niệm này sẽ làm cho ta khổ đau thì chúng ta đoạn trừ khi nó khởi.
Chúng ta không cho nó khởi.
Chúng ta không cho tâm tham, tâm hưởng thụ dục lạc, tâm liên hệ đến dục tồn tại.
Chúng ta phải đoạn trừ nó.
Nếu nó đang tồn tại thì đoạn trừ nó.
Nó khởi lên thì không cho nó khởi.
Nhờ chúng ta biết trừ diệt như thế.
Chúng ta biết cách xử lí cái tâm tham của chúng ta như thế thì phiền não không sinh khởi, đã sinh khởi thì được đoạn trừ.

Khi tâm sân khởi lên. Cuộc sống hàng ngày chúng ta đối chọi với khó khăn, tâm sân dễ sinh khởi.
Khi thấy tâm sân khởi thì lập tức làm chủ, không cho nó sinh khởi.
Nếu như chúng ta thấy chúng ta đang sân, tâm sân đang làm chủ thì ta phải trừ diệt nó.
Đừng để nó phát triển, bùng phát lên.
Không chỉ đốt cháy mình mà đốt cháy cả gia đình chúng ta, xã hội chúng ta.

Khi tâm si khởi lên, tâm tà kiến khởi lên cũng vậy, chúng ta phải biết khi nào tà kiến, tà vạy khởi lên, chúng ta làm chủ, đoạn trừ nó.
Nếu tâm lí đó đang tồn tại trong mỗi chúng ta thì phải biết cách mà đoạn trừ nó, không để tồn tại.
Và chỉ có cách như thế thì việc tu tập của quý vị mới có kết quả.

Chứ đừng chiều theo tâm lí nó sinh khởi, tâm lí sinh sao chịu vậy.
Khi chúng ta nóng giận. Rằng “Tôi nóng giận có lí.”
Nóng giận có lí không quý Phật tử?
Đã nóng giận mà có lí, tức cười quá phải không?
Nóng giận là không có lí rồi.
Không có lí mà cứ như vậy, cứ cãi. Như vậy mà sân.
Có trí hay không có trí? _Không có trí.
Chúng ta sẽ hạnh phúc hay không hạnh phúc?
Chắc chắn không hạnh phúc.

Cho nên khi nào tâm tham khởi lên, tâm sân khởi lên, tâm tà kiến khởi lên, quý Phật tử nên biết rằng chúng ta đang đi vào đạo lộ sai lầm, đi vào con đường phiền não.
Chúng ta phải đoạn trừ những cái đó.
Đức Phật gọi là những lậu hoặc, phiền não nhờ tu tập mà đoạn trừ.

Trong bài thơ ngài Trần Nhân Tông viết thế này:
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.”

Niệm thị phi hãy để nó rơi rụng như hoa buổi sáng.
Khi nào quý vị một niệm thị phi khởi lên, hãy để nó rơi như hoa sứ rơi buổi sáng.
Tâm danh lợi, khi nào nó khởi lên hãy làm cho lạnh như cái lạnh, giá lạnh sương đêm.
Chừng ấy mới hiệu quả tu tập.

Hàng ngày quý Phật tử làm thế nào có chánh niệm, có định.
Phải tu tập định.
Hàng ngày phải quán tưởng.
Mỗi ngày quý Phật tử phải có thời gian mà ngồi nhiếp tâm, niệm Phật.
Nhiếp tâm một chỗ gọi là tu định.
Và hàng ngày, điều quan trọng nữa là quý vị biết xả bớt những chuyện thị phi, chuyện hơn thua, xả bớt những sự đời.

Chừng nào quý Phật tử vận dụng 7 phương pháp này trong tu tập thì chừng ấy quý Phật tử sẽ an lạc.

Thưa quý Phật tử, thời gian có hạn, thầy chỉ nói bấy nhiêu.
Hôm nay thầy đã giới thiệu cho quý Phật tử phương pháp để quý vị làm chủ tâm, không để tham, sân, si sinh khởi.
Nếu tham, sân, si đã sinh khởi thì dùng 7 phương pháp chúng ta đã trao đổi với nhau để đoạn trừ.

Thầy hi vọng sau Phật thất này, Phật tử sẽ ứng dụng lời dạy qua 7 pháp môn này vào trong cuộc sống. Thầy tin chắc quý Phật tử sẽ có pháp lạc, có hỷ lạc trong cuộc sống hàng ngày.
Hỷ lạc, pháp lạc trong cuộc sống hàng ngày là nhân giải thoát, khi Phật tử trăm tuổi, vãng sinh chắc chắn là quả sẽ kết.

Xin cầu chúc cho khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp được nhiều lợi lạc.
Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ tát Ma ha tát.