Tuyệt "chiêu" thổi trầu chữa gãy xương của người Thái
Thứ Sáu, 09/10/2009 --- cập nhật 08:04 GMT+7


Chỉ cần nhai một miếng trầu rồi thổi vào chỗ bị gãy xương, người bệnh đã cảm thấy rất dễ chịu và sau vài lần thổi, vết gãy tự liền. Đã bốn đời nay, gia đình mế Quyết ở xóm Mỏ, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn, Hoà Bình) dùng bài thuốc trầu cau gia truyền đó chữa bệnh cứu người.

"Mằn" miếng trầu

Ngôi nhà mái bằng ba gian rộng rãi của mế Quyết nằm lấp ló dưới tán cây rừng. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng mế còn rất nhanh nhẹn. Mế khẳng định còn khoẻ và minh mẫn đến tận tuổi đó là nhờ các bài thuốc Nam. Mẹ chồng mế là cụ Bùi Thị È - người chữa bệnh bằng thuốc Nam nổi tiếng khắp xứ Mường.


Mế Quyết nhai một lúc cho ngấm miếng trầu. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của vết thương mà mế thổi. (Ảnh: PV)


Từ ngày về làm dâu, mế đã được chứng kiến mẹ chồng chữa bệnh gẫy xương bằng cách thổi trầu rất hiệu nghiệm. Ngày nào nhà mế cũng có 2 mâm cơm khách vì người dân ở khắp nơi bị gẫy chân, gẫy tay hay sai khớp đều đến nhà mế chữa bệnh. Họ đến rồi ăn ở luôn ở nhà mế, đến khi khỏi bệnh mới về.

Người đến đông là vậy nhưng chưa bao giờ cụ È lấy của ai một đồng nào. Người Mường quan niệm, chữa bệnh là để cứu người chứ không lấy đó làm phương thức sống. Khi hỏi cách chữa bệnh bằng thổi trầu, mế không giấu giếm.

Mế mang chiếc tráp nhỏ đựng trầu và cau ra. Mế bổ cau, têm trầu, rồi lấy vôi giống hệt các cụ ở dưới xuôi ăn trầu, chỉ có khác là trước khi ăn, mế "mằn" (giống như niệm thần chú) vào miếng cau. Rồi mế nhai một lúc cho ngấm miếng trầu. Tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của vết thương mà mế thổi.

Theo mế, khi thổi trầu, người mế như mất đi một nguồn năng lượng đáng kể. Hôm nào mà chữa cho nhiều người là mế cảm thấy mệt mỏi lắm. Người được thổi đang đau sẽ cảm thấy dịu ngay.


Nặng, mất một tuần trăng

Mế Quyết đang kể dở câu chuyện thì bà Ký - người cùng xã của mế sang nhờ mế thổi trầu. Bà Ký bị gãy cổ tay trái cách đây mấy hôm.

Gia đình đã đưa bà đến bệnh viện băng bó, nhưng các bác sĩ bảo, ở tuổi bà chẳng hy vọng xương liền được. Tay đau nhức khiến bà ăn ngủ không yên. Cách đây mấy bữa, cánh tay trái của bà Ký còn sưng to như cái bánh mỳ. Vậy mà sau 3ba ngày nhờ mế Quyết thổi trầu đã xẹp hẳn.


Người được thổi trầu đang đau sẽ cảm thấy dịu ngay. Người bị nhẹ thì vài hôm, người bị nặng nhất cũng chỉ khoảng một tháng là đỡ. (Ảnh: PV)


Mế vừa chữa cho bà Ký xong thì ông Sơn - người cùng xóm đến. Ông Sơn bị bò húc rạn xương sườn. Suốt cả tuần, ông chẳng ăn uống gì được mấy, chỉ kêu đau. Đến khi gặp mế Quyết thổi cho vài miếng trầu thì ông đỡ đau hẳn. Theo ông Sơn, gia đình ông vốn khó khăn, nên không có tiền để đưa ông đi chữa trị, may mà gặp được mế Quyết.

Tiếng lành đồn xa, người dân ở khắp nơi tìm về nhờ mế Quyết chữa trị. Có những ngày cả chục người phải xếp hàng từ sáng đến chiều mới đến lượt. Một trường hợp nặng nhất mà mế nhớ là anh Thành ở Hà Đông (Hà Nội) bị gãy xương bả vai và xương đùi. Người nhà của bệnh nhân phải cáng anh đến nhà mế.

Khi đến, anh Thành ở trong tình trạng hôn mê nặng. Mế xem qua rồi động viên gia đình: "Cứ yên tâm ở với mế hết một tuần trăng. Bệnh tình của cháu sẽ khỏi.’ Hàng ngày mế liên tục thổi trầu vào chỗ đau của nạn nhân.

Sau 20 ngày thì chân và tay của anh Thành đã lành lặn. Khi khỏi bệnh, Thành sờ vào chân tay mình mà không tin nổi đó là sự thực. Anh quỳ sụp xuống lạy: "Không có mế chắc đời con không có được ngày hôm nay".

Truyền nhân chỉ là phụ nữ

Ngày nào, mế cũng phải tiếp cả chục người đến nhờ chữa bệnh. Người thì gẫy tay, người gãy chân, người bị bong gân, có người bị gãy cả xương bả vai... nói chung đủ các loại bệnh về xương.

Suốt mấy chục năm qua, mế Quyết cũng không nhớ là mình đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân bị gãy xương đến nhờ mế chữa. Ai đến cũng được mế chữa tận tình.

Cũng như mẹ chồng trước đây, chưa bao giờ mế yêu cầu bệnh nhân đến chữa phải trả tiền. Không ít trường hợp gia cảnh khó khăn đến, mế còn phải lo chỗ ăn, chỗ ở miễn phí cho họ.

Nhà mế còn nghèo lắm, nhưng chưa bao giờ các thành viên trong gia đình phàn nàn về chuyện này. Triết lý sống của mế là cứu được ai là cứu, người ta có bệnh nên mới tìm đến mình. Nhiều hôm mế mệt lắm, nhưng vẫn cố gượng dậy để cứu giúp họ.

Nhiều đêm mưa gió bão bùng, có người tìm đến mế, mế vẫn sẵn sàng dậy chữa. "Làm nghề thầy lang phải mở rộng vòng tay cứu độ chúng sinh", mế tâm niệm.

Năm nay đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nên mế cũng tính chuyện phải truyền lại nghề cho con cháu. Trong số 6 người con của mế, chỉ có mình cô con gái đầu là học được. Việc truyền nghề cũng rất đặc biệt, hậu duệ của bài thuốc này chỉ toàn là phụ nữ, chưa có một người con trai nào học được.

Con gái của mế Quyết là chị Hoà năm nay cũng đã gần 50 tuổi. Chị Hoà kể, bài thuốc này chị học vào đêm giao thừa. Chị nằm bên mẹ rồi nghe mẹ giảng giải và truyền nghề. Giờ chị Hoà cũng có thể chữa được bệnh cho nhiều người. Cũng noi gương mẹ, chị chưa bao giờ đòi hỏi người bệnh phải trả một đồng xu nào.

Theo Đông y, lá trầu có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng: Tụ cầu, subtilit và trực khuẩn coli, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm.

Nhân dân ta thường dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, sôi bụng, ợ hơi, cách làm là hơ nóng lá trầu đắp lên rốn. Dùng lá trầu để tránh gió, trị cảm mạo bằng cách vò nát lá trầu không, sau đó trộn với rượu, bọc vào miếng vải chà xát hai bên sống lưng.

Dùng lá trầu trị mụn nhọt bằng cách vò nát, đắp quanh mụn nhọt hoặc nấu nước tắm trị rôm sẩy, ghẻ ngứa. Quả cau có tính hạ khí, hành thuỷ thông đại tiểu trường. Dùng quả cau chữa các chứng thương tích, trướng khí, tạ trướng.

Trong quả cau có nhiều tanin, alcahoit, arecolin. Hạt cau làm tê liệt thần kinh giun, sán, giun sán không bám vào thành ruột được mà bị đẩy ra ngoài.

Riêng việc dùng trầu cau chữa gãy xương, cả nước mới chỉ có mình mế Quyết biết