Mông cổ du ký

Chủ nhật, 02 Tháng chín 2007, 11:48 GMT+7



Chuyến du hý Mông Cổ tự túc của năm nhà văn, mà chúng tôi tự gọi đùa: “Ngũ quái đáo Mông”, là một chuyến đi kỳ cục, vô tiền khoáng hậu.


Năm anh nhà văn, trẻ nhất là tôi, U60, còn bốn vị kia đều thuộc đội hình U70. Cao tuổi và khả kính nhất là nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn, người có sáng kiến và rất kiên nhẫn, kỳ công trong việc tổ chức chuyến đi này.

Vì sự tận tụy, cộng với đạo đức hơn người, ông được toàn đoàn nhất trí phong là Toàn Đại Nhân.

Thứ đến nhà văn Tô Đức Chiêu, cao ngoại cỡ, mũ phớt, áo xanh lá cây, ban đầu được gọi là Chiêu Đại Hiệp, sau thấy ông có thêm những nét khác người, bèn được chính thức đổi thành Chiêu Kỳ Hiệp.

Nhà thơ, kiêm hoạ sỹ, quay phim, nhiếp ảnh gia, chuyên viên internet Trần Nhương, đi đâu cũng lỉnh kỉnh compiutơ, máy móc, dây dợ, bút giấy vẽ, do quá mẫn cán với những công việc nói trên, được gọi là Nhương Tác Nghiệp.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, vừa qua tuổi lục tuần, nhưng tóc, mày râu bạc trắng, trong đầu chứa thiên kinh vạn quyển, nói giỏi hơn làm, xứng đáng mưu sĩ của đoàn, được đặt hỗn danh Phục Bạch Đầu. Em út trong đoàn, người viết những dòng này, có tên là Tường Tiểu Tử.

Đùa với nhau sẽ viết một truyện kinh dị chương hồi về chuyến đi, để Nhương Tác Nghiệp post lên mạng toàn cầu, các huynh giao cho Tường Tiểu Tử tôi chấp bút. Một đêm Liêu Trai giữa thảo nguyên tịch mịch, bốn bề lặng phắc như tờ, bèn xõa tóc, nhóm lửa trong lều da, bắt đầu “thiên du hý” này.

Hồi thứ nhất:

Ga Nội Bài, Chiêu Kỳ Hiệp nộp rượu

Giữa Bắc Kinh, ngũ tặc uống... nhân sâm


Lại nói về lai lịch chuyến đi. Số là năm 2006 Toàn Đại Nhân sang Mông Cổ dự Festival thơ thế giới, gặp lại những người bạn văn chương, trong đó có nhiều người cùng học tại Liên Xô cũ với ông.

Các bạn Mông Cổ bảo: “Muốn mời các nhà văn Việt Nam sang chơi, nhưng nhà nước không có kinh phí. Nếu các bạn tự túc, thì chúng tôi sẵn sàng đón”.

Nghe Toàn Đại Nhân thông báo lại, đám nhà văn thích rong chơi xê dịch kiểu Nguyễn Tuân bèn rủ nhau mua vé du... Mông. Dự kiến bay qua đường Seoul, Hàn Quốc chỉ mất 700 USD đi về.

Nhưng vì chờ mấy mỹ nhân văn sỹ định đi cùng, đành lỡ thời gian, phải bay đường Bắc Kinh, đắt thêm 300 USD. Nhương Tác Nghiệp, đại gia nhất trong năm quái, sờ túi áo, khẽ rùng mình, bảo mọi người:

- Đắt thế có đi không?

Phục Bạch Đầu, đại gia thứ hai, mới “trúng quả” Giải thưởng Nhà nước về sân khấu (chứ không phải về văn chương đâu nhé) 60 triệu đồng, có vẻ rủng rỉnh, sởn da gà đến vài phút, nhưng rồi chạnh nghĩ đến một loạt nhà văn vừa chớm lục tuần, đang khoẻ như vâm, bỗng rủ nhau... chầu trời vì ung thư, Phục Bạch Đầu liền xua xua tay, bảo:

- Đi thôi, đắt cũng đi. Đời bấp bênh lắm.

Thế là 7 giờ sáng ngày 5/8/2007, năm kẻ ham chơi nhờ xe Hội Nhà văn đưa ra Nội Bài.

Mỗi vị một va ly, không ai vượt quá mười lăm ký. Nặng nhất là sách, sách của từng tác giả, sách của Hội Nhà văn mang sang tặng bạn. Sách của Phục Bạch Đầu, toàn những cuốn bìa cứng, như cục gạch.

Bộ tiểu thuyết về Thăng Long của ông dự kiến hai chục tập, đang viết đến thời nhà Trần với ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Du Mông đợt này, ông quyết tìm thêm tư liệu và cảm hứng để hoàn thiện công trình dang dở.

Ngoài sách, là lương thực dự phòng. Toàn Đại Nhân chứa đầy một túi du lịch những đặc sản ẩm thực đất Việt: Cà muối, sấu tươi, nhãn lồng và hình như có cả mắm tôm nữa (!).

Thời mở cửa, kinh tế tăng trưởng, nhưng cánh nhà văn vẫn như những anh thợ cày, chất đầy va ly những mỳ tôm, thịt hộp, bánh mỳ, đường sữa...

Chiêu Kỳ Hiệp còn mang thêm hai chiếc bánh chưng to đùng gói trong giấy báo. Nhương Tác Nghiệp cảnh báo:

- Coi chừng máy soi nó tưởng hai quả bộc phá, nó ách cả đoàn lại thì khốn.

- Thì mình tôi ở lại, ăn hết hai chiếc bánh chưng, rồi về - Chiêu Kỳ Hiệp nói ngang và cười hì hì.

Ai cũng lo vì “hai quả bộc phá” bánh chưng của Chiêu Kỳ Hiệp và mấy hũ cà, sấu, như chất khủng bố sinh học của Toàn Đại Nhân. Nhưng rồi hú vía.

Đặc sản ẩm thực dân tộc được qua cửa ải hải quan. Nhưng ở phòng kiểm tra hành lý cuối cùng, hai túi xách của Phục Bạch Đầu và Chiêu Kỳ Hiệp bị ách lại.

Những “hòn gạch sách” rất khả nghi bị mở ra. Bộ ba tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” vừa tái bản như chọc vào mắt các đồng chí hải quan. May mà túi được đóng lại, cho qua. Riêng năm chai rượu Lúa Mới thượng thặng thì bị giữ lại.

Chiêu Kỳ Hiệp xuýt xoa tiếc món quà đặc sản mang sang tặng bạn. Xứ lạnh, uống thứ 45 độ cồn này mới đã. Chỉ vì ông chủ quan xách tay. Cũng mang mười chai vốtka Hà Nội, nhưng Tường Tiểu Tử, gửi theo hành lý, lại ung dung vượt qua cửa khẩu.




Lại lên chiếc máy bay của hãng hàng không Hoa Nam, Trung Quốc với những thiếu nữ da trắng bóc, váy áo màu tím hoa cà.

Nhớ mười bốn năm trước, đoàn nhà văn Việt Nam, cũng năm người, nhỏ tuổi nhất là Tường Tiểu Tử, do nhà văn Hữu Mai dẫn đầu sang thăm Hội Nhà văn Trung Quốc, nối lại quan hệ hữu nghị sau mấy chục năm gián đoạn.

Cũng chiếc máy bay của hãng Hoa Nam và những nàng tiên áo váy hoa cà. Cũng bay qua dãy Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp và cùng ngó từ tít từng không xuống và bảo nhau rằng, chỗ kia, chỗ kia là Ung Châu, Khiêm Châu, nơi cụ Lý Thường Kiệt nhà ta đã hành binh đến, phá tan âm mưu nam tiến của nhà Tống.

Sân bay Quảng Châu và sân bay Bắc Kinh hôm nay khác hẳn mười bốn năm trước. Để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh, hai sân bay hầu như đã xây dựng mới hoàn toàn.

Theo lời Chiêu Kỳ Hiệp, người đã từng đi khắp Á, Âu, Mỹ thì nhà ga Bắc Kinh còn hiện đại hơn cả Los Angeles, New York. Nhìn những chiếc máy bay đủ quốc tịch, cứ một hai phút lại lên xuống, ông bảo: “Một nghìn năm trăm máy bay lên xuống mỗi ngày, đâu phải đùa”.

Hàng nghìn máy bay lên xuống mỗi ngày, trong đó có chiếc máy bay nào của hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines?

Nhưng... Chưa kịp cảm khái, chưa kịp trầm trồ hết cái kỳ vĩ nơi đây, thì cả Phục Bạch Đầu và Tường Tiểu Tử đều kinh hoàng khi nhìn thấy hai chiếc valy của họ ở vòng xoay trả đồ đều bay biến đâu mất hai chiếc khóa đồng, thậm chí trong lúc phá khoá, chiếc valy Pôlô của Phục Bạch Đầu còn bị dứt đứt cả đầu phécmơtuya. Buồn nhất là mất mấy lon thịt hộp mà Phục huynh có ý khoản đãi bạn ở ga Bắc Kinh.

Sáu tiếng đồng hồ chờ chuyển máy bay đến Ulanbato dài dằng dặc. Nhương Tác Nghiệp xách laptop đi lùng sục điểm truy cập internet để thông báo kịp thời với thế giới về chuyến đi của đoàn.

Chiêu Kỳ Hiệp chừng như đang bị cái dạ dày ngoại cỡ hành hạ, mấy lần định giở bánh chưng ra ăn, nhưng Phục Bạch Đầu ngăn lại.

- Các đồng chí nhất quyết không được hạ thấp vị thế và hình ảnh quốc gia. Ngày xưa thi hào Nguyễn Du phải hành trình vất vả hơn một năm mới đến được đây.

Giờ ta bay có sáu giờ. Phải tìm chỗ nào sang trọng nhất tại sân bay để uống mừng sự hiện hữu của “ngũ quái” ở chốn thần kinh.

Hai chiếc xe đẩy rồng rắn chất ngất valy túi xách leo lên tầng ba, nơi có những dãy tửu lâu treo đèn lồng đỏ và những thiếu nữ xinh như mộng đon đả chào mời. Chưa kịp ngồi, tiểu nữ váy ngắn đã áp sát, chìa mơnuy ra.

Ngay cả Chiêu Kỳ Hiệp, người biết nhiều ngoại ngữ nhất đoàn, thậm chí trong một câu thoại đã vận dụng chèn đủ mấy thứ tiếng Anh, Nga, Trung, cũng không làm cách nào cho mỹ nữ hiểu nhu cầu của đoàn.

- Thì các vị cứ gọi đại một ấm trà thượng hạng đi. Tiệc tùng tính sau. Phải “tiêu” hết mấy tiếng đồng hồ ở đây với chất lượng sống cao nhất - Phục Bạch Đầu vỗ túi áo bồm bộp.

Tường Tiểu Tử từng cùng đoàn nhà văn Việt Nam đến Hàng Châu, nhưng tiếc đứt ruột cho đến bây giờ vì chuyến ấy không thăm vùng chè nổi tiếng Long Tỉnh.

Nay thấy bộ ấm trà men ngọc xanh kiểu dáng niên đại Càn Long, liền khoát tay ra hiệu nữ tiếp viên pha một ấm trà để đoàn thưởng lãm.

- Bình tĩnh đã nào - Toàn Đại Nhân bây giờ mới chứng tỏ sự chín chắn cẩn trọng của bậc trưởng lão. Ông lật giở tìm trang tiếng Anh của mơnuy và giật mình, xua tay như xua tà - 180 tệ, tức 400.000 đồng Việt Nam một ấm. Giết nhau không bằng. Uống thứ khác đi .

Phục Bạch Đầu nãy giờ như đang mộng mị với những trang tiểu thuyết lịch sử thế kỷ XIII vừa lóe trong đầu, nghe nói vậy, thì thất kinh. Lật giở mơnuy tiếp, thấy chai bia Heineken 28 tệ (55.000 đồng), ông lại khẽ rùng mình.

Nhưng với phẩm chất một nhà tiểu thuyết lịch sử, giống như phẩm chất của một sứ thần, Phục Bạch Đầu cười khẩy, nét mặt như băng:

- Không sao. Uống cả hai thứ. Trà Long Tỉnh trước. Tôi có tiền. Hôm qua mới đổi một ngàn tệ. Phải tiêu hết ở Bắc Kinh trưa nay.

Thoắt cái, các quái lại trông có vẻ như những hiền sĩ xứ An Nam, ngồi ung dung, lặng lẽ đối ẩm bên chén trà Long Tỉnh trong xanh màu lưu ly, bốc hơi ngào ngạt.

Cho tới lúc Nhương Tác Nghiệp từ phòng internet trở lại, mặt rạng rỡ vì đã post tin và hình ảnh của đoàn lên mạng, nhưng vẫn không khỏi kêu ca:

- Đường truyền chậm quá. Giá đắt kinh người. Vào mạng chỉ vài phút cũng thu 50 tệ - Vừa thông báo vừa phàn nàn như vậy, Nhương Tác Nghiệp bỗng khựng lại, khi nhìn chằm chằm vào bốn gương mặt - Sao thế ? Làm sao mà mặt cả bốn ông đều đờ đẫn và đỏ lựng lên thế? Ốm à? Xỉu vì đói à?

- Bác nhìn lại đi - Phục Bạch Đầu cười nhăn nhở , chỉ vào ấm trà Long Tỉnh đã thay đến nước thứ năm - Không thấy chúng em đang tăng... lực vì uống... nhân sâm đấy à?

Cả bọn bỗng phì cười. Bái phục ngành du lịch và thương mại Trung Hoa!

Rõ thật là:

Đã nghèo còn dám du... Mông

Muốn phong trần được... phanh trần cho coi.

Muốn biết thân phận ngũ quái trên xứ người ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

(Còn nữa)

Hoàng Minh Tường

Việt Báo (Theo_Tien_Phong)