Ða số Phật tử tu theo đạo Phật không nhiều thì ít đều có liên tưởng đến những hiện tượng huyền bí, đó là thần thông. Vậy thần thông có phải là cái chúng ta nương tựa, để cho chúng ta tin cậy, để cho chúng ta học hỏi luyện tập không?

*Khi Phật cón tại thế, Tôn Giả Mục Kiền Liên sau khi chứng quả A La Hán, Ngài có đủ lục thông. Song, đối với những vị chứng A La Hán như Ngài, Ngài là người ưu việt hơn cả. Nên Phật nói Tôn Giả Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử lớn của Phật. Vì thần thông siêu việt nên Tôn Giả có thể dùng thần thông đi từ thế giới này đến thế giới nọ trong chớp mắt, hoặc dùng thần thông hóa hiện tùy ý. Khi ấy Phật ngự trên một từng lầu, dưới tầng trệt các tỳ kheo nói chuyện ồn ào. Phật bảo Tôn Giả Mục Kiền Liên làm cho các tỳ kheo đó đừng làm ồn nữa. Tôn Giả liền duỗi chân ra thì cái nhà xoay tròn, chư tỳ kheo hoảng hốt không dám nói chuyện nữa.

Với sức thần thông siêu việt như thế, vì lòng hiếu thảo Ngài dùng thiên nhãn thông tìm trong lục đạo coi mẹ Ngài sinh ở đâu, Ngài thấy bà đang mang thân ngạ quỉ khổ vô cùng. Ngài thương xót mẹ, nên đi khất thực được một bát cơm liền vận thần thông đem đến dâng cho mẹ. Khi được cơm, tay trái bà bưng bát cơm, tay mặt bốc cơm để vào miệng, cơm vừa tới miệng liền hóa thành lửa. Tôn Giả Mục Kiền Liên thấy mẹ ăn cơm không được khổ sở vô cùng, Tôn Giả rơi nước mắt.

Chúng ta đặt lại vấn đề, nếu thần thông của Tôn Giả Mục Kiền Liên siêu việt thì khi mẹ Ngài ăn cơm, cơm hóa thành lửa, tại sao Ngài không dùng thần thông thổi tắt lửa để mẹ Ngài dùng cho no lòng, mà lại đứng khóc? Vậy, quý vị nghĩ sao về thần thông của Ngài và nghiệp ác mà mẹ Ngài gây ra? Ðể thấy, thần thông không cứu được nghiệp ác của người thân. Nếu tu để có thần thông, mà không cứu được ai hết thì có thần thông làm gì? Toàn chúng đệ tử Phật đều tôn xưng Ngài là người thần thông bậc nhất. Vậy mà trước cảnh khổ đau bi đát của mẹ, Ngài không có một phương tiện giải cứu, mà chỉ đứng khóc. Như vậy mới thấy thần thông không chi phối được nghiệp lực. Hai cái khác biệt nhau rõ ràng. Thần thông không đưa người đến sự an lạc vĩnh viễn mà cũng không giải cứu được ác nghiệp cho người đau khổ. Vậy, tu thiết tha mong cầu chứng đắc thần thông? hay tu cốt để đoạn các nghiệp ác, để tránh khỏi khổ đau đang chi phối cả kiếp người?

Sau đó, Tôn Giả Mục Kiền Liên trở về thuật lại cảnh khổ của mẹ Ngài và cầu xin Phật dùng phương tiện giải cứu. Phật dạy:

-Mẹ người nghiệp ác quá nặng, sức người không thể cứu được. Người phải làm lễ Vu Lan thiết đãi chư Tăng.

Sơn lâm thiền định

Thọ hạ kinh hành

Lục thông La Hán

Nhờ oai lực của các vị này cầu nguyện, thì mẹ ngươi mới thoát được kiếp ngạ quỉ.

Khi đó, Tôn Giả Mục Kiền Liên vâng theo lời Phật sắm sửa trai diên, thỉnh chư Tăng đang thiền tịnh ở núi rừng, đang kinh hành dưới cội cây, là những bậc đã chứng lục thông A La Hán cùng trợ lực cầu nguyện thì mẹ Ngài thoát kiếp ngạ quỉ. Vì lý do Tôn Giả Mục Kiền Liên không đủ sức cứu mẹ, nên phải nhờ số đông chư Tăng đã chứng A La Hán trợ lực mới cứu được mẹ Ngài.

*Thời Ðức Phật còn tại thế, có bốn ngoại đạo tu chứng được ngũ thông:

-Thiên nhãn thông là thấy tất cà người vật gần hay xa.

-Thiên nhĩ thông là nghe khắp tất cà âm thanh lớn nhỏ gần xa.

-Thiên tâm thông là biết được ý người khi mới vừa khởi nghĩ chưa nói ra lời.

-Thần túc thông là biến hóa thân hình lớn nhỏ tùy ý, thăng thiên độn thổ không ngại.

-Túc mạng thông là biết được vô số kiếp về trước.

Bốn vị này biết mình sắp bị quỉ vô thường đến bắt đi, nên mỗi người tìm cách để trốn thoát thần chết. Vị thứ nhất dùng thần thông bay lên hư không núp trong đám mây xanh. Vị thứ hai vận thần thông lặn xuống đáy biển. Vị thứ ba dùng thần thông chui vô lòng núi. Vị thứ tư thì chui trốn ở trong lòng đất. Tất cả bốn vị đều nghĩ rằng chỗ mình trốn, quỉ vô thường không thể tìm được.

Nhưng đến giờ thần chết đến thì vị thứ nhất ở trên mây hết thần thông rớt xuống nát thây. Vị thứ hai ở dưới đáy biển hết thần thông ngộp chết nổi lên. Vị thứ ba ở trong lòng núi hết thần thông đá nứt đè chết. Vị thứ tư ở trong lòng đất hết thần thông bị đất sụp chôn thây luôn.

Ðể thấy, tu chứng được thần thông muốn thoát chết vẫn không thoát được. Tu mà chứng được ngũ thông là đã trải qua quá trình tu tập không phải ngắn và dễ dàng, thế mà muốn thoát chết cũng không thoát được.

*Lại một trường hợp nữa: Có một vị tu sĩ đạt đạo chứng được ngũ thông, thuyết giảng giáo lý rất hay cho đến trời Ðế Thích cũng đến nghe. Một hôm, trời Ðế Thích nghe giảng xong ra ngồi gốc cây khóc. Vị tu sĩ ấy lấy làm lạ hỏi:

-Tại sao nghe giảng xong ông lại khóc, tôi giảng có chỗ nào ông không đồng ý?

Ðế Thích đáp:

-Không, Ngài giảng rất hay, vì tôi thấy ngài sắp chết nên tôi thương khóc.

Tu sĩ hỏi:

-Vậy phải làm sao cho tôi khỏi chết?

Ðế Thích đáp:

-Nếu Ngài muốn khỏi chết, hãy đến cầu cứu với Ðức Phật Thích Ca.

Tu sĩ hỏi:

-Ðức Phật Thích Ca là ai Ðang ở đâu?

Ðế Thích đáp:

-Ngài là một vị giác ngộ hoàn toàn sạch hết vô minh lậu hoặc, đang ở tịnh xá Trúc Lâm gần thành vương xá.

Vị tu sĩ bèn vận thần thông bay đi tìm Phật. Ði dọc đường, ông nghĩ rằng đi cầu Phật dạy nên có lễ vật để cúng dường Ngài. Ông thấy bên đường có những cây ngô đồng đang trổ hoa thật đẹp, bèn nhổ và cầm đến cúng Phật. Khi tới tịnh xá Trúc Lâm, thấy Phật đang ngồi thuyết pháp cho chúng tỳ kheo nghe, ông vào quì xuống dâng hai cây ngô đồng lên Phật và thưa:

-Thưa Thế Tôn, con xin cúng dường Ngài hai cây ngô đồng và cầu xin Ngài dạy cho con phương pháp tu để khỏi chết.

Lúc đó Phật không dạy gì hết, chỉ bảo:

-Buông !

Tu sĩ buông tay thứ nhất, ngã cây ngô đồng thứ nhất. Phật lại bảo:

-Buông !

Tu sĩ buông tay thứ hai, ngã cây ngô đồng thứ hai. Phật nói tiếp:

-Buông !

Tu sĩ sửng sốt thưa:

-Hai tay con cầm hai cây ngô đồng, lần thứ nhất Phật bảo buông, lần thứ hai Phật bảo buông, con buông cây thứ hai là hết. Phật bảo con buông nữa con không biết buông cái gì?

Phật nói:

-Ta đâu có bảo ông buông hai cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo ông buông là đừng chạy theo ngoại cảnh. Lần thứ hai ta bảo ông buông là đừng chấp sáu căn là ngã. Lần thứ ba ta bảo ông buông là không chấp sáu thức là ngã. Nếu ông buông hết ba cái đó thì ông hết chết.

Nghe Phật nói, tu sĩ nhận ra yếu chỉ, tu một thời gian chứng A La Hán. Hết chết là không còn nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử, chứ không phải thân tứ đại hiện đời không hoại, không chết, phải hiểu rõ chỗ này. Ðể thấy, dù có tu có luyện thần thông đến đâu, mà chưa buông xả được cảnh, thân và tâm thức thì cũng chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi.

*Lại một Ðạo sĩ và một Thiền sư, hai vị cùng đi chung một con đường. Ðạo sĩ hỏi Thiền sư:

-Thầy tu lâu chưa?

-Lâu rồi.

-Thầy chứng thần thông chưa?

-Tôi tu không có thần thông. Vậy đạo sĩ có thần thông không?

- Có.

Hai vị cùng đi tới một bến đò, Ðạo sĩ muốn thi thố thần thông cho Thiền sư thấy bèn rủ:

-Thôi chúng ta đi qua.

Ðạo sĩ qua sông mà không đi đò. Thiền sư nói:

-Thôi, Ðạo sĩ cứ qua đi.

Ðạo sĩ liền vén áo đi trên mặt nước qua bên kia bờ. Còn Thiền sư thì đến bến đò mua vé lên đò, qua sông. Khi qua bờ bên kia, Ðạo sĩ gặp lại Thiền sư ra vẻ tự hào, nói:

-Thầy thấy tôi không?

-Ðạo sĩ tập luyện thuật đi trên nước mất bao nhiêu năm?

-Hết hai mươi năm.

Thiền sư cười nói:

-Công phu luyện tập 20 năm của Ðạo sĩ đáng giá bằng hai xu tôi qua đò !

Tốn hai xu cũng đi qua sông được mà phải luyện tập hai mươi năm được thần thông cũng để qua sông, thì có giá trị gì??? Thiền Tông không trọng thần thông, coi đó chỉ là trò biểu diễn vui chơi, không giải cứu được khổ đau của con người. Thế mà người đời không biết, rất hâm mộ nể phục thần thông.

Tóm lại, tu theo đạo Phật chủ yếu là tránh ba nghiệp ác của thân miệng ý và tạo ba nghiệp lành. Vì nghiệp có sức mạnh đưa người tới chỗ khổ hay vui. Nếu tu mà nghiệp thức còn thì dù có chứng thần thông siêu việt đến đâu cũng không giải cứu được khi nghiệp báo đến. Vì thế đạo Phật không trọng thần thông, mà sợ gây nghiệp ác, khuyên tạo nghiệp lành. Thế nên mọi hiện tượng huyền bí lạ lùng không phải là cái đích cho người tu Phật hướng đến. Người tu Phật chân chính là tự trau sửa mình để trở thành người tốt, nhân từ đức hạnh, tâm bình an, trí tuệ sáng suốt, hằng ngày làm lợi ích cho mọi người, đó là điều cơ bản, không hiếu kỳ, không lười biếng, không ỷ vào thần quyền ma lực, tu như thế mới đúng với tinh thần của đạo Phật.