KHÁI QUÁT VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO:


Theo quan điểm chúng ta hiện nay, thế giới này gồm có trái đất xoay quanh mặt trời, Thái dương hệ nằm trong hệ ngân hà, Ngân hà nằm trong hệ Thiên hà và vô số Thiên hà trong vũ trụ luôn di chuyển và biến dịch và ngành thiên văn học hiện đại đã phát hiện ra số lượng vô cùng lớn “lỗ đen” trong vũ trụ, được đánh giá là nhiều hơn thế giới quan sát được.

Tổng hợp từ Kinh Phật, các thiền sư, luận sư (Đức Dalai Lama)…chúng ta có thể trình bày mô hình thế giới đó như sau, toàn bộ thế giới này (Pháp giới chúng sinh) được chia làm ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Toàn bộ chúng sinh của ba giới này vẫn phải sinh tử luân hồi, còn những chúng sinh đã tu luyện đủ công đức sẽ thoát vòng luân hồi từ Tứ Thánh, quả vị Bồ tát và cho đến khi đạt được sự toàn giác (quả vị Phật).

Có một cách trình bày khác là Dục giới có 6 cõi, Sắc giới có 4 tầng (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền & tứ thiền chia ra đến 18 cõi. Cõi Vô sắc giới gồm 4 cõi là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cõi Tứ Thánh gồm có: Tư đà hoàn (Nhập lưu,thất lai),Tư đà hàm(Nhất lai),A na hàm (bất lai) và A la hán chia ra khoảng 17 đến 18 tầng khác nhau, 55 cõi Bồ tát và vô số Phật sái (Cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, cõi Lưu ly của Lưu ly Quang Vương Phật, cõi Ta bà của Đức Phật Thích ca …)

Nay ta sẽ điểm qua các thế giới mà các chúng sinh sẽ sống tương ứng với tâm thức của mình và cũng cần nói rõ theo quan điểm đạo Phật các chúng sinh theo kết quả của nghiệp mình đã tạo mà sinh ra trong các thế giới theo bốn cách khác nhau: sinh từ trứng gọi là noãn sinh, từ bào thai gọi thai sinh, từ ẩm ướt tăm tối sinh ra gọi là thấp sinh và do biến hóa sinh ra gọi là hóa sinh, Tam hữu hay còn gọi là Tam giới được trình bày như sau:

I/- DỤC GIỚI: Chúng sinh trong cõi này chưa đoạn được ái dục gồm sáu cõi:

1/- Cõi Thiên: gồm 6 bậc nữa khác nhau thường gọi là lục dục thiên được diễn đạt bằng các từ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán:
- Tứ Thiên vương Thiên.
- Tam thập tam Thiên.(Đao lợi Thiên)
- Tu diệm ma Thiên. - Đâu xuất Đà Thiên.
- Lạc biến Hóa Thiên.
- Tha hóa tự tại Thiên.

2/- Cõi Atula: gồm bốn giống:
- Từ trứng sinh ra, Thuộc loài quỷ.
- Từ thai sinh ra, thuộc loài người đã lên cõi trời nhưng đức kém
phải sa đọa.
- Từ biến hóa sinh ra, thuộc về loài trời.
- Từ thấp khí sinh ra, thuộc về loài súc sinh.

3/- Cõi Nhân(Người):

4/- Cõi Súc vật:

5/- Cõi Ngạ quỷ:

6/- Cõi Địa ngục: Theo Kinh Lăng Nghiêm mô tả khái quát có : Nặng nhất có Ngục A-Tỳ, 8 Địa ngục vô gián, Địa ngục hữu gián, Thập bát địa ngục(10), Tam thập lục địa(36) ngục, nhất bách linh bát địa ngục(108), còn Kinh Địa Tạng mô tả chi tiết hơn nữa các hình phạt của các địa ngục khác nhau khiến ai nghiên cứu đến đều cảm khái cho thân phận của các chúng hữu tình.

II/- SẮC GIỚI:

Các chúng sinh do tu thiền định mới đạt cảnh giới này, chúng sinh trong cõi này do Hóa sinh mà thành tựu, vẫn còn mang hình dạng thân người, kết cấu được Mật tông miêu tả bằng Tứ đại vi tế (Bốn chủng tử Đất, Nước, Gió, Lửa vi tế), gồm 04 bậc chia 18 cõi khác như sau:

a/-Sơ thiền: (Ly sinh hỷ lạc địa) có các cõi:
- Phạm chúng thiên.
- Phạm phụ thiên.
- Đại phạm thiên.

b/-Nhị thiền: (Định sinh hỷ lạc địa)
- Thiểu quang thiên.
- Vô lượng quang thiên.
- Quang âm thiên.

c/- Tam thiền: (Ly hỷ diệu lạc địa)
- Thiểu tịnh thiên.
- Vô lượng tịnh thiên.
- Biến tịnh thiên.

d/- Tứ thiền: (Xả niệm thanh tịnh địa)
- Phúc sinh thiên.
- Phúc ái thiên.
- Quảng quả thiên.
- Vô tưởng thiên.

Ngang cõi tứ thiền có năm cõi gọi là Tịnh cư thiên hay Bất hoàn thiên, là chỗ ở của các chúng sinh tu luyện đạt quả vị Thánh, bậc nhị thừa gọi là A na Hàm (Bất lai- không quay lại),Nghĩa là không sinh tử luân hồi nữa. gồm có:

a/- Vô phiền thiên.
b/- Vô nhiệt thiên.
c/- Thiện kiến thiên.
d/- Thiện hiện thiên.
e/- Sắc cứu kính thiên.


III/- VÔ SẮC GIỚI:

Từ cõi trời cao nhất của Sắc giới, các chúng sinh có hai đường trẽ:

- Các chúng sinh phát minh trí tuệ sáng suốt viên thông ra khỏi cõi trần đắc A-la-hán, vào Bồ tát thừa gọi là Hồi tâm Đại A-la-hán hoặc Bất hồi tâm độn Ala hán

- Còn lại có 4 cõi cho các chúng sinh chưa thoát sinh tử luân hồi, gồm có

1/- Không vô biên xứ.
2/- Thức vô biên xứ.
3/- Vô sở hữu xứ.
4/- Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ngoài ra, theo Kinh Lăng Nghiêm còn liệt kê mười dạng Tiên (72 động, ba mươi sáu đảo), gồm có:

1/- Địa hành Tiên.
2/- Phi hành Tiên.
3/- Du hành Tiên.
4/- Không hành Tiên.
5/- Thiên hành Tiên.
6/- Thông hành Tiên.
7/- Đạo hành Tiên.
8/- Chiếu hành Tiên.
9/- Tinh hành Tiên.
10/- Tuyệt hành Tiên.


Mật tông Tây Tạng còn liệt kê và xem trọng một cõi nữa là cõi Trung giới hay còn gọi là Cõi Âm, nơi chuyển tiếp các tâm thức sau khi thác và trước khi tái sinh vào các cõi nêu trên.

Tóm tắt vũ trụ quan Phật giáo: “Thế giới này có nhiều chiều không gian khác nhau, các chiều không gian đó tương ứng với kết quả hành động (thân, khẩu ý) của từng cá nhân (biệt nghiệp), tập thể (cộng nghiệp) ; và chủ yếu là từng tâm thức của các chúng sinh, loài người của chúng ta là một trong những cõi đó, mỗi cõi đều có những quy luật, định luật khác nhau nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, thế giới chúng ta nhận thức hiện tại bằng các giác quan(lục nhập:nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý) hoặc bằng trợ lực của máy móc thiết bị hiện đại…kính thiên văn, hiển vi,gia tốc …chỉ là những kiến thức “người mù sờ voi”".

(Trích Từ VŨ TRỤ QUAN VÀ NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI TRONG NGÀNH SINH HỌC
Thích Thông Kinh)