Ai giúp tôi giải nghĩa cụm từ "cậu ấm, cô chiêu với"!
Printable View
Ai giúp tôi giải nghĩa cụm từ "cậu ấm, cô chiêu với"!
Bạn mang chủ đề này sang viethoc.org hỏi, hy vọng có người trả lời cho bạn . Ở đây chắc thua rồi. Kính
Cụm từ "cậu ấm, cô chiêu" này ngày nay dùng cho con nhà khá giả. Nhưng nguồn gốc của nó thì chỉ dùng cho con quan, mà phải là quan lớn nữa mới được đó bạn! :-)
Ngoài ra, không như mọi người thường nghĩ, 2 chữ ...Cô Chiêu...là để dùng cho con gái mà thôi. Bởi lẽ thật sự thì vẫn có ....Cậu Chiêu!
Trước hết xin nói về ...Cậu Ấm....nhé!
Ấm là một đặc ân mà triều đình dành cho con cháu (tử tôn) của các quan đại thần. Đó là một hình thức để khuyến khích người ta ra sức cho triều đình, để có thể như là ...một người đào giếng, cả họ được nhờ...vậy!
Không những con, mà ngay cả vợ của các quan đại thần cũng được hưởng lộc của triều đình qua chế độ đãi ngộ được gọi là ...Phong Thê, Ấm Tử...
Con cháu của quan lớn có thể được ...Ấm Thụ (thụ hưởng công lao của ông cha mình)...mà nhận được một chức tước hay công việc nào đó mà không phải qua thi tuyển, sát hạch.
Con được Ấm Tập (Tập là kế thừa, tiếp nhận) thì gọi là ...Ấm Tử. Cháu được Ấm Tập thì gọi là ...Ấm Tôn. Riêng con của các vị Học Sĩ thì khi được Ấm Tập thì gọi là ...Ấm Sinh.
Lẽ dĩ nhiên, trong thời phong kiến thì chỉ cho con trai đi học và làm việc, nên Ấm Tập này chỉ dành cho phái nam. Vì thế mà người ta thường gọi ...Cậu ấm ...chứ không ai gọi ...Cô ấm bao giờ!
Bây giờ, nói về ...Cô Chiêu...nhé!
Thực sự thì vì thói quen nói cho có nam, có nữ cho đầy đủ của dân ta nên mới gọi ...cậu ấm, cô chiêu...như vậy. Vì con trai các quan đại thần thì được Ấm Tập mà ra làm quan nên thường được gọi là...cậu Ấm. Nhưng ở nhà thì con cái các quan đại thần nói chung (nam, nữ) đều được gọi là ...Chiêu.
Cụ thể như Nguyễn Du là con Quận Công Nguyễn Nghiễm, ở nhà và ngoài đời thường gọi là ...Chiêu Bảy (vì ông là con thứ 7 trong gia đình).
Phạm Đình Hổ là con quan Tham Tri Phạm Đình Dư, thường được gọi là ...Chiêu Hổ.
Phạm Thái là con Thạch Trung Hầu Phạm Đạt, thường được gọi là ...Chiêu Lỳ.
....v...v....
Do vậy, ta nên hiểu 2 chữ ...cậu Ấm...là dùng để chỉ người được hưởng tục Ấm Tập của triều đình.
Còn 2 chữ...cậu Chiêu...mới là dùng để gọi những người đó.
Từ đó mà người ta gọi chung con quan lớn là ...cậu ấm, cô chiêu...
...Thân ái,
-Thiên Vương-
Câu hỏi này của bạn hay quá nên tới nay vẫn không thấy ai trả lời. Do vậy, TV xin có ý kiến như vầy, bạn xem thử nhé!
- Thình lình và bất thình lình thì đồng nghĩa với nhau. Việc có thêm chữ Bất ở đây có lẽ gọi theo thói quen do hàng loạt từ đồng nghĩa với thình lình mà phải có bất như:
Bất ngờ, bất đồ, bất kỳ, bất ý, ...v...v...
- Chữ Bất được thêm vào chỉ mang tính nhấn mạnh chứ không mang lại nghĩa phủ định. Điều này ngoài ...thình lình...còn có 1 trường hợp khác là ...Chợt (nhiên).
VD:
Lúc cô ta đi tới góc phố, thình lình hắn xuất hiện.
Lúc cô đi tới góc phố, chợt hắn xuất hiện.
Lúc cô đi tới góc phố, bất thình lình hắn xuất hiện.
Lúc cô đi tới góc phố, bất chợt hắn xuất hiện.
Cái kiểu nói như vầy là kiểu nói dư và sai thường thấy trong tiếng Việt. Vì Bất là từ Hán Việt, thông thường thì không bao giờ đi chung với từ thuần Việt như Thình Lình và Chợt. Mà có lẽ cách nói ngày xưa là:
Bất ngờ, thình lình hắn xuất hiện.
Bất đồ, chợt hắn quay qua tôi.
Kiểu nói đó là nói chữ rồi diễn Nôm cho người ta hiểu. Kiểu như...Thiên trời, Địa đất, Cử cất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba....v...v....
VD: Hôm nay gạo còn tồn bao nhiêu trong kho? (dùng thêm chữ Tồn là dư)
- Mối tình mẫu tử mẹ con của họ thật khiến cho người ta xúc động!
- Thời giờ là vàng bạc! [Thời (Hán)= Giờ (Việt)]
- Không còn nghi ngờ gì nữa, chính hắn là tên sát thủ! [Nghi (H) = Ngờ (V)]
Khi ta nghe những kiểu nói như vầy, có tính lặp lại nên cũng có tính nhấn mạnh, tăng thêm sự chú ý của người nghe.
Theo nguyên tắc là như vậy, nhưng dùng riết thì bị ...rớt chữ...cho gọn mà thành ra ...bất chợt, bất thình lình....Sự rút ngắn cho gọn trong tiếng Việt thường thấy như sau:
VD: - Trắng như trứng bóc vỏ -> trắng bóc.
- Đen như gỗ mun -> đen mun.
Những kiểu nói chữ rồi diễn Nôm thì rất phổ biến, nhưng đối với trường hợp trạng từ như Bất Thình Lình thì thật rất hiếm, vì đơn giản trạng từ thường không có nhiều như danh từ, động từ, tính từ ...v..v....
*Chú ý:
- Đúng theo chữ gốc Hán Việt thì ...Bất Ngờ...phải gọi là ...Bất Ngu.
Ngu có nghĩa là dự liệu, ước đoán. Đồng thời cũng có nghĩa là ...nghi ngờ. Có lẽ vì vậy mà người ta xào xáo riết rồi cho ra ...Bất Ngờ. Chứ Ngờ là từ thuần Việt thì không thể đi chung để cộng nghĩa với Bất.
...Thân ái,
-Thiên Vương-
Cảm ơn sư huynh, sư huynh giải thích hay quá!
Thưa các bác cho em hỏi từ "Thiện tai" mà các bậc tu hành thường dùng, ý nghĩa là gì và dùng trong trường hợp nào ạ?
Kính!
Nhân đề tài "cậu ấm cô chiêu", đệ muốn hỏi thêm bản nghĩa của chữ "ấm" và "chiêu" là gì. Chữ ấm có đồng nghĩa với ngũ ấm trong đạo Phật không? Chữ ấm trong ấm lạnh là từ Việt hay Hán? Chữ ấm trong cái ấm có phải từ nghĩa ấm lạnh mà ra không? Chữ chiêu trong "chiêu một ấm trà" từ đâu ra? Chữ "tích" trong "ấm tích" là xuất xứ từ đâu? Có phải như tích chứa, như phép nhân (tích, quỹ tích).
Thưa bạn Ma Dieu, "thiện tai" có nghĩa là lành thay. Thiện = Lành, Tai là chữ cảm thán. Như ta thường nghe "Ô hô ai tai" có nghã là "Ôi, buồn thay".
Đệ thắc mắc vì sao chư kinh nhật tụng toàn dùng tiếng Hán Việt, đọc thì oai thật đấy nhưng chẳng hiểu rõ, trong khi người ta hoàn toàn có thể Việt hoá, có lẽ ngại thay đổi truyền thống chăng. Hôm trước có nghe 1 đoạn tụng kinh bát nhã Việt hoá thì lại thấy hơi buồn cười vì người ta dịch "bát nhã tâm kinh" là "kinh trái tim tuệ giác vô thượng". Quán tự tại = người tỉnh giác bình yên, Xá lợi tử = người con dòng Sari. Sắc = hình thể, thọ = cảm xúc, tưởng = niệm lự, thức = tư duy. Dịch kiểu word by word, lúc ghép lại rất là buồn cười.
@ tnkhong: lâu rồi , bác vào CƯỜIIIIIIIIIII tiếp với chúng em đi
Quả là Hảo kiến thức ! thật tình khâm phục .
Nhân tiện xin Bác cho Thông góp 1 câu hỏi vui nhé :
Tại sao con người SAI TRÁI liền bị chỉ trích , còn cây SAI TRÁI thì lại được trầm trồ khen ngợi vậy Bác ?