BÍ-PHÁP CẦU-NGUYỆN TRONG GIÁO LÝ ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Nam-mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.
Lời Đức Hộ-Pháp:
"Qua chỉ cho mấy em một Bí-pháp là khi nào các em quá thống-khổ quá đau-đớn tâm-hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quỳ xuông giữa không-trung các em cầu nguyện với Bà Mẹ Thiêng-liêng một lời cầu-nguyện. Bần-đạo quả-quyết răng: Bà chẳng hề khi nào từ-chối cùng mấy em.
Qua thử-nghiệm rồi . . ."
Thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp
ngày rằm tháng tám Nhâm thìn / 1952 - tại Cửu long đài.
PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN ĐỂ CÓ HIỆU-QUẢ!
PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN ĐỂ CÓ HIỆU-QUẢ!
Tất cả các tôn-giáo đều khuyên giáo-đồ nên cầu nguyện, mà nhơn-sanh càng tội-lỗi điêu-linh thì lại càng phải cầu-nguyện, Thánh Gandhi đã nói rằng:
“Tôi chẳng làm một điều chi viên-mãn mà không cầu-nguyện.”
Nhà hiền-triết Pythagore đã khuyên rằng:
“Khi ngươi khởi công tu-luyện thì nên cầu-nguyện Thần-minh luôn luôn để nhờ ơn giúp sức” .
Chúa Jésus đã phán rằng:
“Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gỏ cửa sẽ mở cho. Bởi vì ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gỏ cửa thì được mở” (Ma-thi-ơ 7:7)
Vậy chúng ta phải cầu-nguyện như thế nào để được sự đáp-ứng của Thượng-Đế và Thần-linh ?
– Muốn cầu-nguyện hiệu-quả, con người phải có một đời sống đạo-hạnh cao-thượng, một tín-ngưỡng mạnh-mẽ, một tinh-thần tập-trung cao-độ, tức là phải có đầy-đủ đức tin và kỉnh-thành.
Nên Kinh Thi có câu:
“Trời không thân với ai chỉ thân với người hay kính… Thần-linh không chứng-giám cho ai chỉ chứng-giám cho người có lòng thành” (Duy Thiên vô thân, khắc kính duy thân… Thần-linh vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành / Kinh Thi / thiên Thái-giáp hạ) .
Cầu-nguyện không có nghĩa là ỷ-lại vào thần-quyền mà không chịu cố-gắng hết sức mình, cứ cầu xin rồi ngồi yên bất động. Khi cầu nguyện muốn được đáp-ứng thì những điều cầu xin phải vị-tha không tư-dục, phải thánh-thiện, hợp với Thiên-ý. Nên đức Pythagore khuyên đệ-tử rằng:
“Trong khi cầu nguyện con đừng xin điều gì vị-kỷ, thì mới mong đạt được kết quả mỹ-mãn”.
Nho gia có câu:
“Người muốn điều lành, thì Trời ắt chiều theo” (Nhơn hữu thiện-nguyện Thiên tất tùng chi).
Theo Nho-giáo có thể nói cầu-nguyện đồng nghĩa với làm điều lành, quan-niệm nầy trong đạo Nho rất rõ-ràng: Khi đức Khổng-Tử đau nặng Thầy Tư-Lộ xin cầu nguyện để Ngài chóng khỏi, Ngài trả lời rằng:
“Ta cầu nguyện đã lâu rồi” (Khâu chi đảo cửu hỷ / Luận-ngữ / Thuật-nhi).
Ý Ngài nói rằng: chung thân Ngài đã theo lẽ Trời làm việc nhơn-nghĩa, như thế lúc nào Ngài cũng cầu-nguyện. Chứ không phải như người phàm-tục đợi đến khi gặp nguy-biến mới nguyện vái làm lành :
“Khi nguy nguyện vái làm lành,
Tai qua rồi lại dạ đành phụ vong” (Kinh Sám-hối).
Thượng-Đế luôn luôn ngự trong tâm của mỗi người, nếu lòng dạ tín-thành thì chỉ cần cầu-nguyện một cách vắn-tắt cũng đủ linh-nghiệm, nên Đức Jésus đã phán rằng:
“Khi cầu-nguyện chớ thốt lời dông-dài, đừng tưởng rằng hễ cầu xin nhiều thì mới được nhận lời. Ngươi đừng làm như vậy, vì Cha ngươi biết trước người thiếu thốn sự gì trước khi ngươi cầu xin Ngài” (Ma-thi-ơ 6:9).
Nhiều tôn-giáo không thờ-phụng hình-tượng, không dùng áo-mão cân-đai khác thường, mà chỉ thờ-phụng Thượng-Đế trong tâm, nhưng tín-đồ lại thực-hiện cầu-nguyện rất tích-cực, đối với họ sự cầu-nguyện cần-thiết như hơi thở để sống, nên vẫn tạo cho giáo-đồ có một đời sống tâm-linh rất cao, như vậy chúng ta thấy rằng sự cầu-nguyện có ẩn-tàng phần tâm-pháp bên trong rất mầu- nhiệm.
Trong nhiều lần thuyết giáo về sự cầu-nguyện Đức Hộ-Pháp Phạm-công-Tắc đã dạy rằng:
“Sự cầu-nguyện có cảm-ứng với chánh-trị Thiêng-liêng tức là các Đấng Vô-hình …” (Thuyết đạo tại Báo-ân từ đêm 24-12 Bính-tuất / 1946) .
Nên Đức Ngài đã khuyên chúng ta nên cố-gắng thành-tâm cầu-nguyện cho Đạo và Đời :
“Từ đây chư chức sắc và chức-việc cùng đạo-hửu nam nữ gắng thành tâm cầu-nguyện cho nền Đạo và cơ Đời…” (Thuyết-đạo tại Đền-Thánh đêm 24-12 Bính-tuất /1946).
Đức Hộ-Pháp khuyên chúng ta khi cầu-nguyện hãy đặt trọn tâm-hồn và đức-tin vững chắc vào Đức Chí-Tôn thì sẽ đạt được kết-quả:
“Chúng ta hãy cầu-nguyện để trọn tâm-đức chắc-chắn nơi Chí-Tôn, thì Chí-Tôn chẳng hề khi nào hẹp lượng” (Thuyết-đạo tại Đền-Thánh đêm 24-12 Đinh-hợi /1948).
Vì Đức Ngài quả-quyết rằng Đức Chí-Tôn luôn luôn ở chung với chúng ta, nên chúng ta phải định-tâm cầu nguyện để được ban ơn:
“ Bần-đạo dám cả quyết rằng giờ phút nầy Đại Từ-phụ đã ở chung với chúng ta. Ấy vậy toàn-thể con cái của Ngài định-tâm cầu nguyện đặng cho Ngài ban ơn…” (Thuyết-đạo tại Đền Thánh đêm 30-12 Tân-mão /1952) .
Cầu nguyện là một bí-pháp nhiệm-mầu,nếu chúng ta đặt hết lòng thành-tín vào đó. Nên khi thuyết-giảng về quyền-năng Phật-Mẫu, Đức Hộ-Pháp đã nói về kết-quả của sự cầu-nguyện, theo kinh-nghiệm tâm-linh của Đức Ngài như sau:
“Qua chỉ cho mấy em một bí-pháp là khi nào mấy em quá thống-khổ, quá đau đớn tâm-hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quỳ xuống giữa không-trung, các em nguyện với Bà Mẹ Thiêng-liêng ấy một lời cầu-nguyện, Bần Đạo quả quyết rằng Bà chẳng khi nào từ chối cùng mấy em, Qua thử-nghiệm rồi … ” (Thuyết đạo ngày rằm tháng tám Nhâm-thìn / 1952 tại Cửu-long Đài).
Đức Chí-Tôn là Đáng Cha lành luôn luôn cứu vớt chúng ta, sự cứu vớt nầy đôi khi không cần qua trung-gian của bất-cứ một quyền-lực nào, hay hình-thức nào, mà chỉ cần một “đức-tin” vững chắc của chính mình đặt-để nơi Đức Chí-Tôn . Nên khi thuyết-giảng về sự cứu rỗi Đức Hộ-Pháp đã dạy rằng:
“Đức Chí-Tôn đã để trong phương-pháp cứu-rỗi của Ngài đã nói rằng: Tội tình các con dù đầy dẫy nơi mặt địa-cầu nầy, mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu. Thầy đem bí-pháp giải-thoát để trong tay các con, đặng cho các con đạt chơn-pháp mà giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là niệm Nam-mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-ha-Tát” ( Trích thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp về Con đường Thiêng-liêng hằng-sống tại Đền-Thánh đêm 12/02 Kỷ-sửu / 11-03-1949).
Một buổi cầu-nguyện đầy đủ ý-nghĩa, ngoài sự bày tỏ điều mình mong muốn đang thực-hiện, chúng ta có thể xưng-tụng, ca ngợi công ơn của Thượng-Đế thi-thố cho chúng ta, còn hứa với Ngài làm những điều đúng với Thiên-ý. Cầu-nguyện tức là chúng ta còn tự nhắc-nhở chính mình nữa, như vậy sẽ giúp cho tâm-hồn chúng ta xa lánh những tư-tưởng trần-tục, những cảm-xúc chán-nản tiêu-cực, xua đi những cảm-nghĩ thấp hèn, thù oán, tham-lam, ích-kỷ, đang ám-ảnh mình trong sinh-hoạt hàng ngày. Khơi dậy những tư-tưởng thanh-cao thánh-thiện. Chúng ta cầu-nguyện là tự đặt mình trong mối hổ-tương mật-thiết với Thượng-Đế, khiến cho sinh-lực sống động siêu-nhiên và cái quyền-năng tối-thượng đang ngự-trị và điều-hành vũ-tru,ï luôn ảnh-hưởng và chi-phối trong đời sống hàng ngày của chúng ta, rồi từ đó mọi hoạt-động của chúng ta sẽ có được sự chỉ-đạo chặc-chẽ của Thiêng-liêng, khiến cho chúng ta vô-hình- trung đi đúng theo quỷ-đạo của Thiên-cơ, vì chúng ta luôn có sự quan-phòng và phối-hợp yểm-trợ của Thương-Đế và Thần-linh.
Ngày nay chúng ta đang ở giữa một xã-hội mà con người luôn bị cuốn hút với nhịp sống cộng-đồng, nên đối với mỗi tín-đồ hàng hạ-thừa khó có thể sắp xếp thì giờ cố-định cho việc công-phu, lễ-bái tu-tập của mình đúng giờ giấc, nên sự cầu-nguyện cũng là pháp-môn để cho họ có dịp gần-gủi với Thương-Đế, đón nhận thần-lực, ân-điển của Ngài để bồi-bổ cho tâm-linh, vì thực-hiện cầu-nguyện, không đòi hỏi những chi-tiết lễ-nghi phức-tạp , phải có giờ giấc nhứt-định, mà chỉ cần có một tâm-hồn vắng lặng hướng về Thượng-Đế thì bất kỳ ở đâu, lúc nào chúng ta cũng có thể thực-hiện một cuộc tiếp-xúc đối-thoại với Ngài và lắng nghe được những huyền-âm vi-diệu của Ngài.
NHỮNG TÁC-ĐỘNG NHIỆM-MẦU CỦA SỰ CẦU-NGUYỆN
NHỮNG TÁC-ĐỘNG NHIỆM-MẦU CỦA SỰ CẦU-NGUYỆN!
Theo kinh-nghiệm tâm-linh của nhiều nhà Thần-học cho biết, nếu một câu đặc-biệt nào đó được duy-trì liên-tục trong một thời-gian , chắc-chắn nó sẽ chạm sâu vào cung-bậc ẩn-tàng sâu-thẳm, đúng nơi mà chúng ta đang cần để kích-thích nhiều tư-tưởng tích-cực, đồng thời diêu-động đến tâm-tư cùng khối huệ-quang luôn luôn chực bùng lên trong nội tâm của con người.
Cũng tương-tự như vậy, trong khi đề lời Tựa quyển Giáo-lý Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ của Ngài Tiếp-pháp Trương văn Tràng, Giáo-sư Nguyễn Đăng Thục Khoa-trưởng Đại-học Văn-khoa Sài-gòn đã viết rằng:
“Một đạo-sĩ danh tiếng Ấn-độ bảo: Nếu ai ngồi trong một hang núi hẻo-lánh, ngày đêm tâm tâm niệm niệm một ý niệm, thì ý-niệm đó sẽ tập-trung hết năng-lực tinh-thần, trở nên một ý-tưởng lực xuyên sơn quá hải, như một điện-lực sẽ tràn vào xã-hội , tìm nhập vào những tâm-hồn đồng-điệu, như tia chớp bắt vào ngọn thu-lôi mà ảnh-hưởng tất-cả” .
Ngoài ra sự lặp đi lặp lại một lời nguyện-cầu, còn là một mệnh-lệnh ban cho xác-thân, nếu miệng luôn luôn cầu mong những điều tốt lành, thì thân-thể cũng sẽ tuân-hành làm điều tốt lành, mà ngoài miệng cầu những lời ác-độc, dù là mình cầu cho người khác, nhưng thân-thể mình cũng tự-động làm theo, như một quán-lực một quán-lực, ngoài sự kiểm-soát của tri-thức, thật là nguy-hiểm. Vì người xưa có câu:
“Thần khẩu buộc xác phàm”.
Nên trong Bí-pháp Ngôn-ngữ, và phương-pháp Lập-ngôn Đức Hộ-Pháp đã khuyên chúng ta phải cẩn-trọng giữ-gìn lời nói, chớ nói đến những điều xui-xẻo dù là chỉ để khuyên-lơn nhắt-nhở cho người khác. Mỗi lời nói ra là phải thật chơn-chánh, dễ thương và hữu-ích, nếu không hội đủ ba yếu-tố đó thì nên giới khẩu, tức là làm thinh là tốt nhất.
Tất cả các hiện-tượng nêu trên theo giải-thích của khoa Yoga thượng-thừa thì con người có một luồng hoả-xà (Kundalini) nằm cuộn khúc ở đốt xương sống vùng eo lưng của cơ-thể tương-đương với đám rối thần-kinh vùng huyệt mạng-môn của khoa châm-cứu học. Con rắn lửa nầy nhờ thiền-định, cầu-nguyện sẽ thức-tỉnh nó trường lên lần lần cho đến đỉnh-đầu, thì con người sẽ đạt được sự minh-triết thiêng-liêng, lúc ấy một luồng năng lương khủng-khiếp sẽ tràn dâng trong khắp cơ-thể, khiến con người có được những quyền-năng siêu-phàm.
Ở con người mỗi lần cầu thành tâm nhất, mỗi câu nguyền mãnh-liệt nhất, mỗi ám-ảnh thường-xuyên nhất, đều có cơ khai-triển sự hoạt đôïng của luồng hoả-xà nầy. Luồng hoả-xà này cũng có thể được lay-động dậy bởi một chấn-thương dữ-dội nào đó và nó sẽ xuất-hiện những hoạt-đôïng siêu-việt trên một lãnh-vực nào đó. Nên chúng ta thường thấy có những người không hề tu-luyện, bổng dưng bị một tai nạn, đưa tới một thương-tật, làm cho họ đạt được những phép thần-thông kỳ-diệu, mà đối với khoa-học duy-lý không thể giải-thích được.
Luồng hoả-xà này có thể gọi là Thần-lực hay điểm Linh-quang của Thương-Đế ban cho con người. Nên sự đáp-ứng của những lời cầu-nguyện ngoài quyền-năng thần-lực từ cỏi trên, nó còn được hổ-trợ trực-tiếp của Thượng-Đế nằm ngay trong con người. Vì mỗi người ví như một giòng nước, một con sóng, trong cái đại-dương vô-biên của tri-thức và quyền-năng. Nên có thể nói những khát-vọng và nhu-cầu chính-đáng, phát-xuất nơi con người, thì phương-tiện thoả-mãn cũng chính ở nơi con người. Bởi thế chúng ta thường thấy đối với một bệnh-nhân được lành bịnh nhờ lời nguyện-cầu tại một đền điện nào đó. Sự chữa lành nầy không chỉ nhờ thần-lực của Thượng-Đế hoặc Thần-linh từ cỏi trên, xúc động một cách quá dễ-dãi trước lời nguyện-cầu vì mục-đích cá-nhân của họ, mà ra tay ban phép lành tế-độï cho họ lành bệnh, mà chính-yếu là do điểm linh-quang của Thượng-Đế, hay có thể nói chính Thượng-Đế ngự từ bên trong họ, theo Yoga là cái năng-lực vô-biên của luồng Hoả-xà trong họ đã được lay tỉnh bởi cường-độ mãnh-liệt của đức-tin phát-xuất từ tâm-linh của chính họ, toát ra trong lời nguyện-cầu của họ đã độ-trì phù hộ cho họ.
MƯỜI HAI LỜI NGUYỆN CẦU TU-CHƠN GIẢI THOÁT!
MƯỜI HAI LỜI NGUYỆN CẦU TU-CHƠN GIẢI THOÁT!
Kính lạy Thầy!:not_worthy:
Chúng con xin thành-kính cảm-tạ ơn Thầy, đã tạo-dựng nên chúng con theo hình-ảnh và khuông-linh của Thầy. Thầy hằng ngự nơi chúng con, và ban cho chúng con sự khôn-ngoan sáng-suốt và vinh-hiển hơn muôn loài.
Thầy là Đấng tự có, hằng có và hằng còn, là Đấng Chí-linh, Chí-diệu quyền-phép vô-biên. Thầy là Đấng Cha Lành Thiêng-liêng cao-cả, với tình-yêu muôn thuở, Thầy đã hằng thương-xót, tha-tội, che-chở và cứu-vớt chúng con.
Từ nghìn xưa, chúng con đã rời vòng tay yêu-thương của Thầy, xuống thế-gian dấng thân trong vòng luân-hồi sanh-tử để mưu-cầu sự tấn-hoá, hầu được vinh-hiển trở về với Thầy… Nào ngờ ác-tập vô-minh, xây thành tự-ngã, dưới nhiều hình-thức và danh-nghĩa tinh-vi, khiến cho chúng con mê-luyến hồng-trần, cuốn hút chúng con trong cơn say nhân-thế, làm cho chúng con trở nên xa-lạ với Thầy, mà quên rằng dù khác-biệt bao-nhiêu, xa gần ngăn-cách thế nào, mỗi chúng con là một phần-tử bất-khả phân-ly của một Thánh-thể duy-nhứt, là hiện-thân của Thầy tại thế, chỉ một biến-động nhỏ của chính bản-thân con, cũng làm ảnh-hưởng đến toàn khối Thánh-linh.
Giờ này chúng con xin đến với Thầy, với anh chị em và trở về với chính con, với một thân-thể tuân-hành, với một tấm-lòng thành-tín, với những lời chân-thành tha-thiết nguyện-cầu:
1. – Nguyện quyết-tâm tu-học, hành-đạo và quyết-chí đi theo con đường trở về với Thầy cho đến hơi thở cuối-cùng, dù cho phải trải qua bao-nhiêu gian-nan thử-thách. Cầu xin Thầy soi-dẫn dìu-dắt chúng con cho đến ngày hội-hiệp cùng Thầy.
2. – Nguyện Lập-đức, Lập-công, Lập-ngôn, lấy tam-lập làm nền-tảng trong tu-chơn luyện-kỷ. Cầu xin Tam-bảo hộ-trì cho chúng con được trí-não quqng-minh, tinh-thần mẫn-huệ, mạnh-mẽ trong nguyện-lực giác-ngộ, hoàn-thiện và giải-thoát.
3. – Nguyện đến với anh chị em, nguyện hộ-trì anh chị em và được anh chị em hộ-trì trên bước đường tu-học, để đạo-tâm mỗi ngày càng thêm tăng-trưởng, đạt đến tự-giác, giác-tha. Cầu xin Thầy thêm sức cho chúng con, vượt qua gian-nan thử-thách, không thối-chí ngã-lòng, trong công-phu tu-tập khỏi bị ảo-giác đánh-lừa, hay lạc vào bàng-môn tả-đạo.
4. – Nguyện không riêng mình trong sạch, lỗi của con, con xin ngay-thật xét mình ăn-năn sửa-đổi, lỗi của anh chị em chúng con xin chung lòng sám-hối, vì chúng con con vốn là một, nên nghiệp-quả cùng chung chia sẻ. Cầu xin sự yêu-thương tha-thứ đến từ Thầy, từ anh chị em, giúp cho con thấy được tội-lỗi mà đoạn-trừ, làm người có Đạo, sống Đạo với anh chị em, những anh chị em hiện-tại đã qua và sắp đến.
5. – Nguyện dứt phân-biệt giữa ta và người, không còn kỳ thị thân-sơ, đoạn-tuyệt thị-phi ân-oán, đoàn-kết tương-thân, dìu-dắt lẫn nhau trong công-phu, công-quả, công-trình, thể-hiện từ, bi, hỷ, xả. Cầu xin Thầy ban cho huệ-kiếm để đoạn-tuyệt trái-căn, giảm-tiêu nghiệp-chướng, giải-thoát oan-khiên, sớm bước vào cương-quốc huyền-linh nơi Thầy hằng ngự-trị.
6. – Nguyện giữ chơn-tâm chí-thành thuần-chơn vô-ngã, để không bị tự-kỷ đánh lừa, làm nhiễu-loạn hoà-khí anh em đảo-điên huynh-đệ. Cầu xin Thầy hằng ngự nơi chúng con, thức-tỉnh chúng con khỏi sa vào chước cám-dỗ của lục-dục thất-tình, lợi-danh bất-chính, chung xây Thánh-thể, phụng-sự nhân-sanh.
7. - Nguyện luyện-tập thân-thể mạnh-khoẻ, khương-cường, không để sa-đà vào lục-dục; gìn-giữ khí-lực cường-thịnh, thanh-bai, không để thất-tình làm tẩu-tán; nuôi-dưỡng linh-tâm định-tĩnh từ-hoà, không để cho tội-tình làm mờ ám. Cầu xin ân-điển ban xuống từ Thầy, giúp cho chơn-thần hoàn-nguyên, Tinh Khí Thần hoà-hiệp.
8. - Đại-đạo của Thầy đã ban truyền được kế-thừa từ ông cha đến chúng con và miêu-duệ mai sau, chúng con nguyện gieo-rải hạt thánh-cốc của Thầy khắp thế-gian, để giác-ngộ chúng sanh. Cầu xin Thầy từ-bi xá-tội cho những anh chị em sa-ngã, thất-thệ, phản-bội sư-môn, cứu-độ họ trở lại với Đạo với Thầy để cùng nhau lập-công bồi-đức. Cầu cho những người hung-ác, nghịch-tử, côn-đồ, biết thức-tỉnh hồi đầu theo lành lánh dữ.
9. - Nguyện mở rộng lòng yêu-thương tha-thứ đến muôn loài, tôn-trọng mạng sống của chúng-sanh, đúng theo ba mục-tiêu Bảo-sanh bằng con đường Nhân-nghĩa để đi đến Đại-đồng. Cầu xin Thầy che-chở cho những người thế cô sức yếu, lở bước sa-cơ, đang bị tai-ương thống-khổ. Cầu cho các loài chim bay thú chạy khỏi sa vào lưới rập của kẻ bất-lương.
10. – Nguyện lánh xa tội-ác, chiêu-tập điều lành, tích-đức bồi-công để hồi-hướng cứu chuộc cửu-huyền thất-tổ. Cầu xin Thầy từ-bi ân-xá cho cha mẹ, sư trưởng, lục-thân quyến thuộc, cố-hửu thân-bằng của chúng con dầu tiền-vãng, hậu-vãng hoặc đương sanh, cùng lịch-đợi tiên-vong đồng đăng giác-ngạn.
11. – Chúng con nguyện hiến-dâng cả thể-xác, trí-não và linh-hồn để phụng-sự cho chương-trình phổ-tế chúng-sanh, xoay-cơ chuyển-thế, bảo-tồn vạn-linh của Thầy. Cầu xin Thầy ban ơn cho vạn-vật thái-bình, sinh-linh thoát khỏi nạn đao-binh khói-lửa, dịch-hoạ thiên-tai, cho mưa thuận gió hoà vạn-loại no ấm.
12. – Nguyện trở nên một trong Thánh-thể Chí-Tôn, đồng chịu trách-nhiệm, cùng nhau bảo-thủ chơn-truyền chánh-pháp. Cầu xin Thầy cho các Đấng Thiêng-liêng gìn-giữ, hộ-trì, để chúng con vững bước trong sứ-mạng thực-thi một Thiên-đạo công-bình giải-thoát, một Thế-đạo nhơn-nghĩa đại-đồng.
Một lần nữa chúng con xin thành-kính cảm-tạ ơn Thầy và nguyện-cầu cho sở-vọng của chúng con được đắc-thành viên-mãn.
Nam Mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn
Nam-mô Cao-Đài Tiên-Ông Đại Bồ-tát Ma-ha-tát.rose4
Nguồn: http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/