-
Tiên-thiên Phương-vị đồ
TIÊN-THIÊN PHƯƠNG-VỊ ĐỒ
(Phương hướng của Bát-quái Tiên-Thiên)
Ngôi các quẻ trong bản-đồ Bát-quái tròn của Phục-Hi là ngôi của Trời đất thành theo thứ-tự trên dưới. Mặt Nhựt, Mặt Nguyệt vận hành tại khoảng chính giữa Trời đất.
Chấn vi Lôi ☳ tức là sấm động ở dưới đất.
Tốn vi phong ☴ phong là gió thổi ở trên Trời.
Đòai vi Trạch ☱ trạch là miệng, ao, ngẩng lên
Cấn vi sơn ☶sơn là núi bám vào đất.
Trời Đất phản phúc (điên đảo) mới có âm có dương. Sơn trạch thông khí mới có sanh có thành. Phong lôi đăng (xâm lấn lẫn nhau) mới có lên có xuống. Đó là biểu-tượng của Bát-quái.
Trời đất bao trùm khắp nhật, nguyệt, tinh tạo-hóa.
a/- Mặt Nhựt bắt từ bên trái mà tiến thì khí dương lên, cho nên quẻ Chấn ☳ có một dương, quẻ đoài ☱ có hai dương, quẻ Kiền ☰ có ba dương đều ở bên trái.
b/- Mặt Nguyệt bắt từ bên mặt mà thối thì khí âm sanh, cho nên quẻ Tốn ☴ có một âm, quẻ Cấn ☶ có hai âm, quẻ khôn ☷ có ba âm đều ở b ên mặt
.
Đây là khí vận của bát-quái. Khí hành thì 64 quẻ hóa-sanh.
64 quẻ tức là 8 quẻ thúc đẩy nhau biến-hóa mới có sanh (8x8=64)
Khí vận thì chạy bên trong, biểu-tượng thì chạy bên ngoài.
Như thứ-tự của khí hành theo Bát-quái cũng là nghịch đạo. Có nghịch thì mới có sanh, không nghịch thì chẳng sanh. Được vậy thì thuận sanh tức là ở trong nghịch thối mà ra.
Bản-đồ tròn là lấy ý: Tròn là để tựợng hình trời, mà trời vận-hành một khí lên xuống, giáp vòng rồi trở lại mối đầu. Tuần-huờn không biết đâu là manh mối, đó là biểu-tượng của Thái-cực lúc chưa sanh ra (vị sanh xuất).
Cái Đạo chưa sanh không làm sao mà thấy nó được. Thấy là thấy cái quẻ sanh ra kia. Đã sanh ra rồi mà nghịch vận trở lại thì cái chưa sanh tức còn ẩn ở trong đó. Cho nên theo ngôi vị của quẻ thì:
Quẻ Chấn ☳có một dương ở bên trái, phía dưới hết;
Quẻ ly ☲ có hai dương một âm, ở bên trái phía chính giữa.
Quẻ Đoài ☱ có hai dương ở bên trái gần trên;
Quẻ Kiền ☰ có 3 dương ở bên trái phía trên hết.
Kể theo thứ-tự thì: Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ.
Theo ngôi vị của quẻ thì bắt đầu từ dưới đi lên, còn theo thứ-tự quẻ thì bắt đầu từ trên đi xuống. Đủ thấy ở trong nghịch có thuận, ở trong thuận có nghịch. Còn cái đi nghịch lại với kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ đó là : Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, khôn bát.
Trong Bát-quái Phục-Hi tuy có thuận có nghịch nhưng lúc nào cũng hợp nhau từng cặp âm dương: Kiền-Khôn, Khảm-Ly, Đoài-Cấn, Chấn-Tốn. Trong đồ Tiên-Thiên đã đặt để rõ-ràng từng cặp đối nhau nhưng hòa nhau:
- Kiền hiệp Khôn (1+8=9) ngược lại Khôn hiệp Kiền.
- Đoài hiệp Cấn (2+7=9) và ngược lại
- Ly hiệp Khảm (3+6=9) và ngược lại
- Chấn hiệp Tốn (4+5=9) và ngược lại
Một khí đi thuận lên là khí dương của quẻ Chấn, Ly, Đoài, Kiền.
Một khí đi nghịch xuống là khí âm của quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.
Dương thoái tức là âm sanh. Dương tiến tức là âm thoái.
Tóm lại âm dương chỉ có một khí biến-hóa chớ không phải ngoài một khí ra lại có âm dương riêng biệt. Nhưng cái máy sanh hóa (sanh cơ) của một khí đắc diệu là tại chữ nghịch đó. Duy có nghịch khí mới lại, nếu đi nghịch lại thì khí dương thâu-liễm qui-căn rồi cũng sanh lại như trước. Vậy cho nên hệ-từ tuyệt nơi nầy.
“Sổ vãng giả thuận, truy lai giả nghịch”. Nghĩa là đếm xét cái qua rồi là thuận, biết việc sẽ tới là nghịch. Vì cớ mà dịch tức là nghịch-số là thấy Tiên-Thiên thái-dịch hoàn-toàn ở chỗ nghịch.
Ngôi-vị của “thuận sanh thứ-tự quẻ” nghịch sanh cái ý-tứ nầy thâm-thúy biết mấy. Chẳng những trong tám quẻ như thế mà trong bản đồ phương viên có 9 quẻ cũng y như thế.
Bản-đồ tròn thuộc về phép 8 quẻ phối-hợp nhau; phối-hợp nhau là một quẻ đấu mà vận-hành khí của 8 quẻ kia. Tám quẻ đẩy nhau mà vận hành khí của tất cả 64 quẻ, chớ không phải ngoài 8 quẻ ra riêng biệt có 64 quẻ khác nữa. 64 quẻ chẳng qua là 8 quẻ vận-dụng với nhau mà thành. Tám quẻ chỉ là một âm một dương vận dụng. Một âm một dương chỉ là một khí thuận nghịch vận dụng mà thôi.
Bản-đồ tròn, bản-đồ vuông cũng là khí-vận của tám quẻ. Dụng theo bản-đồ vuông thì:
Quẻ Kiền ở Tây-Bắc, Quẻ Tốn ở Đông-Nam là bởi Kiền nhứt, Đoài nhị, Ly tam, Chấn tứ, Tốn ngũ, Khảm lục, Cấn thất, Khôn bát là hành nghĩa là đi theo lối chẳng chánh. Hai bản-đồ thiệt là chẳng đồng nhau.
TRÒN tượng trời
. VUÔNG tượng hình Đất.
Cái TRÊN là DƯƠNG làm Trời.
Cái DƯỚI là Âm làm Đất
Tây Bắc cao, còn đông-nam thấp; cao tức là dương, thấp tức là âm. Bản-đồ vuông cũng lấy Kiền nhứt, Đoài nhị làm thứ tự, tức là nghịch đạo của Kinh-Dịch. Thiên biến vạn hóa đều là một chữ nghịch, không có hai lý, hay thay! Cho nên Thiệu-Tử đem bản-đồ vuông đặt trong bản-đồ tròn, thiệt là hiểu hết cái tâm-truyền của Phục-Hi đó.
Nguyên-nhân là bản-đồ tròn của Phục-Hi ngưỡng lên xem thấy Trời mà vẽ. Còn bản-đồ vuông thì cúi xuống y theo đất mà vẽ. Đất vốn vô-vi nhờ thọ khí của trời mà ra hữu-vi.
Khí của trời là ngũ-vận tức là Thập thiên-can: (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy).
Khí của đất là lục-khí, tức là Thập nhị địa chi: (Tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ ,ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi).
Vận của Trời nhập vào khí của đất thì: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy vận-hành ở ngôi Tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi.
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là khí ngũ-hành hóa làm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nóng), thấp (ẩm ướt ), táo (khô ráo), hỏa (lửa).