kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: THIỀN ĐỊNH -AN CHỈ JHANAS

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định THIỀN ĐỊNH -AN CHỈ JHANAS

    LT xin giới thiệu Quý ban cuốn sách quý giá về thiền có tên là
    the JHANAS by Bhikkhu Brahmavamso
    Translate into Vietnamese by Phạm Doãn

    Lời nói đầu:

    Khi Thiền của Đạo Phật ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới tân tiến, điều cần thiết phải có là một hướng dẫn chính xác và rõ ràng. Trải qua một thời gian rất lâu, chúng ta đã không may mắn để có được một chỉ dẫn hoàn chỉnh bằng Anh ngữ về những trạng thái định sâu gọi là Định an-chỉ (Jhana). Mặc dầu, Định An-Chỉ là đề tài được Đức Phật nhắc lại rất nhiều lần trong kinh Nikaya và được các vị thày cao niên thuộc thiền lâm Thái Lan khích lệ, thuyết giảng, chỉ dạy, nhưng một mô tả về sự triển khai những Định An-Chỉ thì chưa thấy có.
    Cuốn sách nhỏ này nhằm bổ sung sự thiếu sót những thông tin thực tế về Định An- Chỉ (Jhana). Nó tiếp nối cuốn sách nhỏ mà tôi vừa viết trước đây, Phương pháp căn bản hành thiền (the Basic method of meditation). Cuốn sách này nhằm mô tả đạo lộ dẫn đến Thiền-Định (jhana), các đặc điểm của Thiền-Định và sự cần thiết của Thiền-Định để phát triển Tuệ và Giác ngộ.
    Nếu không thấu hiểu Định An-Chỉ (Jhana) sự hiểu biết về Đạo Phật sẽ bị thiếu sót.


    Với tâm từ
    Ajahn Brahmavamso
    BODHINYANA MONASTERY, MAY 2546 A
    PHẦN I
    I. GIỚI THIỆU
    Trong kinh điển nguyên thủy của Đạo Phật, chỉ có một chữ để chỉ về thiền. Định An- Chỉ (Jhana) chỉ về một trạng thái thiền đúng, khi tâm trí người hành thiền yên tĩnh không ý nghĩ, tách biệt khỏi hoạt động của năm giác quan và chiếu sáng bởi an lạc ngoài thế gian. Nói thô kệch một chút, nếu không phải là Định An-Chỉ (Jhana), thì đó không phải là thiền của Đạo Phật. Có lẽ yếu tố cao nhất của Bát Chánh Đạo, cái gọi là Chánh Định không gì khác hơn là Jhanas (An-Chỉ Định).

    [Vì chữ PaLi "Jhana" có hàm chứa một nghĩa riêng, nên nếu dịch là Định An-Chỉ thì vẫn như không đủ nghĩa, do đó trong suốt bài này, người dịch dùng chữ "Định Jhanas" thay vì dùng chữ Định An-Chỉ].

    Sự tái phát hiện của Đức Phật

    Trong các văn bản cổ của Phật giáo, Đức Phật được cho là đã phát hiện Định Jhana (Tăng chi bộ kinh 2, 7). Sự xác nhận này được lập lại với giải thích đầy đủ của thượng tọa Ananda trong một kinh khác (Tăng chi bộ kinh 9, 42). Sự kiện Đức Phật tái phát hiện ra Định Jhana không nên được xem xét qua loa, vì sự tái phát hiện đã là một màn chính trong vở kịch Giác ngộ.

    Khi nói Đức Phật đã phát hiện Định Jhana, điều đó không nên hiểu như là chưa có ai đã từng trải nghiệm Định Jhana trước đó. Ví dụ trong thời kì của Phật Ca Diếp (Kassapa) trước đó, vô số người nam và người nữ đã đạt được định Jhana và lần lượt thực hiện được sự giác ngộ. Nhưng ở Ấn Độ hai mươi sáu thế kỉ trước, mọi kiến thức về định Jhana đã biến mất. Đây là một lí do khiến không có bất cứ đề cập nào về định Jhana trong mọi văn bản tôn giáo trước thời Đức Phật Gautama.

    Một vài người sẽ phản đối rằng hai vị thày Alara Kalama và Udaka Ramaputta đã từng thuyết giảng về Jhana, vì kinh điển nói rằng họ đã dạy Đức Bồ Tát (tức Đức Phật sắp thành của chúng ta) các chứng đạt về Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tuy nhiên hai chứng đạt đó không thể có liên hệ với định Jhana, bởi vì Đức Bồ Tát, ngay trước lúc ngồi xuống dưới cây Bồ Đề, đã nhớ lại lần duy nhất trong đời, ngài đã trải nghiệm định Jhana khi còn là một cậu bé, lúc ngồi dưới cây mận, khi cha cậu làm lễ cày cấy đầu năm (Trung bộ kinh 36). Trải nghiệm sớm và ngẫu nhiên về định Jhana đó không do chỉ dạy, không được dự tính trước và rồi cũng bị quên đi từ khi ấy. Nếu đó là trải nghiệm duy nhất về Jhana của Đức Bồ Tát trước khi ngài ngồi dưới cội Bồ đề thì hai vị thày Alara Kalama và Udaka Ramaputta không thể đã có dạy về định Jhana.

    Thực vậy, trong kinh Mahasaccaka (MN 36), Đức Bồ Tát phủ nhận những trải nghiệm do hai vị thày đã dẫn tới Giác Ngộ, và rồi ngài cũng đã kiệt sức với mọi phép tu khổ hạnh trước khi kết luận rằng chúng cũng không đưa tới Giác Ngộ.

    Nhớ lại trải nghiệm trước đây khi còn là một cậu bé, Đức Bồ tát suy nghĩ: “Có lẽ định Jhana này là con đường dẫn tới Giác Ngộ (Boddhi)”. Do vậy Đức Bồ Tát đã thực hiện định Jhana dưới cội Bồ Đề và tiến từ đây đến Giác Ngộ toàn mãn, chứng đạt quả vị Phật.

    Một trong những lí do tại sao không có sự thực hành định Jhana trước khi Phật Giác Ngộ là vì người ta chỉ theo đuổi sự tìm cầu khoái lạc và thoải mái của cơ thể hoặc một cái gì khác theo loại tôn giáo hành hạ cơ thể. Cả hai khuynh hướng đều gắn kết với cơ thể và năm giác quan, không buông xả từ năm giác quan. Cũng không tạo ra sự an tĩnh kéo dài cho cơ thể, tức cái cần thiết cho cơ sở của định Jhana.
    Khi Đức Bồ Tát bắt đầu cách thực hành “dễ dãi” dẫn đến an tĩnh cho cơ thể, năm đệ tử đầu tiên của ngài đã từ chối ngài trong sự khinh bỉ.. Một kiểu thực hành như thế được họ xem là vô giá trị. Bởi thế nó đã không được thực hành và cũng bởi thế Định Jhana đã không xảy ra.

    Sau khi Đức Phật Đại Giác Ngộ, điều mà Ngài dạy đầu tiên, trước cả Tứ Diệu Đế, là khai mở con đường Trung Đạo. Con đường này chưa từng có trước đây (trừ rất lâu trong những kỉ nguyên của các vị Phật trước đó nữa). Con đường này tự động dẫn đến định jhana và sau đó là Giác Ngộ.
    Đức Phật nói rằng, dường như ngài đã tái phát hiện một con đường dài đã thất lạc, dẫn đến một thành phố cổ (SN 12, 65). Thành phố cổ đó là Níp Bàn (Giác Ngộ) và con đường dài đã thất lạc là con đường Bát Chánh với đỉnh cao là Định Jhana.

    Vì Đức Phật đã tái phát hiện con đường này, ta có thể nói rằng Đức Phật đã tái phát hiện Định Jhana.

    Ta có thể bị Định Jhana trói buộc hay không?

    Khi Đức Bồ Tát có tuệ giác rằng định Jhana là con đường đi đến Giác Ngộ, ngài liền nghĩ, “Tại sao ta lại sợ điều khoái lạc mà cái này chẳng có liên hệ gì đến năm giác quan và cũng không có liên hệ với những điều bất thiện? Ta sẽ chẳng sợ cái khoái lạc đó (của định Jhana) !” (Trung bộ kinh 36).

    Ngay cả đến ngày hôm nay một vài người hành thiền lầm lẫn tin rằng những trạng thái khoái lạc cực độ như Jhana không thể nào dẫn đến sự chấm dứt của mọi sự khổ. Họ vẫn còn sợ định Jhana. Tuy nhiên trong kinh điển Đức Phật nhắc lại rằng trạng thái sung sướng trong định Jhana là cái “phải đi theo, phải làm cho nó phát triển và làm cho nó có nhiều hơn. Đây là không phải là điều nên sợ hãi” (Trung bộ kinh 66).

    Bất kể lời khuyên rõ ràng từ chính Đức Phật, một vài thiền sinh đã được hướng dẫn sai bởi những người chống đối định Jhana bằng lý luận rằng ta có thể bị trói buộc, chấp thủ vào định Jhana và như thế sẽ không bao giờ có thể giác ngộ. Nên chỉ rõ ra rằng lời Đức Phật nói về chấp thủ, upadana, chỉ ám chỉ các trói buộc, bám níu vào sự thoải mái và khoái lạc của năm giác quan hay trói buộc, bám níu vào các hình thái khác nhau của tà kiến (ví dụ như quan điểm về Ngã). Nó không bao giờ có nghĩa trói buộc vào những điều thiện ví dụ như định Jhana.

    Một cách hiểu đơn giản, các trạng thái Jhana là các giai đoạn của buông xả. Ta không thể bị trói buộc vào buông xả. Cũng giống như ta không thể bị giam cầm bởi tự do. Ta có thể tìm vui nơi định Jhana, trong cái an lạc của buông xả, và đây là điều mà vài người do hướng dẫn sai nên phải sợ hãi. Trong kinh Pasadika (kinh Trường bộ 29, 25) Đức Phật đã nói rằng ai theo đuổi khoái lạc của định Jhana chỉ có thể nhận bốn hậu quả: Nhập Lưu, Nhất lai, Bất Lai và Giác Ngộ viên mãn! Nói cách khác theo đuổi định Jhana chỉ dẫn tới bốn trạng thái của Giác Ngộ. Vậy, bằng lời của Đức Phật “Ta không nên sợ định Jhana” (kinh Trung bộ 66).

    * Tham khảo upadana trong Tự Điển Phật Học: Manual of Buddhist Terms and Doctrines, Venerable Nyantiloka (Fourth Revised Edition), Kandy, Buddhist Publication Society, 1980.

    Với những người còn xa cách với định Jhana

    Với một số thiền sinh, định Jhana là một khoảng cách còn xa, nên tự cho mình không thích hợp. Không phải vậy! Bằng cách bàn luận về những trạng thái thăng hoa, ta có thể tạo nên niềm hứng khởi, cũng như hình dung những cõi miền trước mặt giúp ta biết định hướng đúng. Chủ yếu hơn, nó giúp ta thông tin về việc gì phải làm khi ta đến gần những trạng thái sâu về tự do. Cuối cùng nó giúp ta hiểu sâu hơn về Pháp, đặc biệt về Diệu đế thứ ba, đó là đoạn diệt tất cả khổ đau để đến Níp bàn. Vì sự mê say và an lạc của định Jhana có mối liên hệ trức tiếp với số lượng của luân hồi được buông xả, dù có tính tạm thời. Vậy, thảo luận về định jhana là việc có gía trị, ngay cả khi bạn thấy mình còn rất xa cách.

    Với những người đã gần gũi với định Jhana

    Một vài độc giả có thể đã đến đủ gần để thấu hiểu việc thảo luận này bằng chính trải nghiệm của mình, và cuốn sách này có thể giúp họ thực hiện cú nhảy cuối cùng vào định Jhana. Hơn thế nữa, khi một người hành thiền thực sự trải nghiệm một trạng thái sâu của thiền, họ rất muốn tìm hiểu chính xác đó là gì, để nhận ra trạng thái đó bằng những từ ngữ mà chính Đức Phật đã dùng để mô tả. Vì thế việc phân biệt đúng các mức sâu của thiền là rất quan trọng.
    Việc tạo cảm hứng cho một thành tựu của ai đó cũng là quan trọng. Cảm xúc tích cực sẽ khích lệ việc buông xả. Mong ước của tôi là được trình bày với các bạn, rằng những trạng thái của định Jhana sâu xa và tuyệt vời đến dường nào, và minh họa thế nào là trải nghiệm chính yếu trong sự kiện Giác Ngộ.
    Đôi khi những chủng tử, gieo vào khi bạn đọc bài thảo luận về định Jhana này, sẽ trổ quả một ngày nào đó. Khi bạn nhận ra những yếu tố tâm (thiền chi) thực tế xảy ra như thế nào, bạn sẽ biết sự quan trọng của việc thu thập thông tin và cảm hứng như thế này, về định Jhana, từ nguồn bên ngoài. Rồi vào đúng thời điểm, tâm trí sẽ tự động biết nó phải làm gì.
    Ví dụ, khi Nimitta xuất hiện, tâm trí tức thì biết cách phản ứng như thế nào. Về sau, có thể đôi khi bạn lại nghĩ: “Sự chủ động đó đến từ đâu?” Câu trả lời là vận động của tâm trí lúc đó đến từ việc đọc những thảo luận như thế này. Đôi khi nó cũng đến từ những điều bạn được học từ kiếp trước.
    Đó là những nguyên nhân sinh ra các hướng dẫn thoáng qua tâm trí trong trạng thái lặng yên của thiền định. Chúng không sinh ra từ bạn. Nếu bạn bị lôi cuốn vào và cố gắng làm điều gì đó, thiền định sẽ bị quấy nhiễu và an bình sẽ mất.
    Vì thế, xin hãy thôi nghĩ rằng bạn hiện chưa ở thời điểm này, thảo luận này không có ích gì cho bạn. Sự thực là nó rất có ích cho bạn. Nhưng bạn chỉ nhận ra lợi ích của nó sau khi bạn đạt được một trong những định Jhana và hồi tưởng lại để thấy rằng những chỉ dẫn này, cái bạn tưởng đã quên, lại thể hiện đúng lúc để dẫn tâm trí bạn đến định jhana.
    Last edited by linh_tinh_85; 06-12-2011 at 12:10 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Năm giai đoạn khi ngồi thiền
    By Mr.ALI in forum Thiền Tông
    Trả lời: 37
    Bài mới gởi: 31-08-2011, 01:46 AM
  2. Thiền định trong Ngành Nhân Điện
    By Ivan_vanbinh in forum Luân xa, Nhân điện, Cảm Xạ, Yoga, Thôi miên học.
    Trả lời: 60
    Bài mới gởi: 25-08-2011, 05:53 PM
  3. thực hành thiền định
    By phúc minh in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 25-04-2011, 04:23 PM
  4. KHO BÁU CỦA DÒNG TRUYỀN SAKYA
    By phúc minh in forum Mật Tông
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 25-03-2011, 08:15 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •