TỘI ÁC LỚN NHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ SÁT SINH, ĂN THỊT, UỐNG MÁU



Nguyên Điền
Ngài Ấn Quang Đại sư, vị Tổ Liên Tông đời thứ 13 có dạy chúng ta rằng: Phóng Sinh là trả nợ, trả vô số nợ sát sinh từ nhiều đời nhiều kiếp tới nay.
Trong Luận Đại Trí Độ cũng dạy: “ Chư dư tội trung, Sát nghiệp tối trọng, Chư Công đức trung, Phóng Sinh đệ nhất”. Cho nên đối lại trọng tội Sát sinh hại mạng là Công đức thù thắng của việc Phóng sinh cứu mạng. Đức Phật cũng đã đưa giới Cấm Sát Sinh cho hàng đệ tử tại gia và xuất gia lên hàng đầu thì như vậy chúng ta cũng thấy được sự kinh hoàng của tội sát sinh và phước vô lượng của việc Phóng sinh.
Trong Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Nếu như ác nghiệp mà có hình tướng thì tận hư không giới không thể nào dung chứa hết được”
Con người chúng ta, từ ngay trong kiếp này, chỉ riêng cái tội sát cũng đã gây ra bao nhiêu là sát nghiệp huống chi là nhiều đời nhiều kiếp cộng lại.

Một chân lý chắc thật không thể trốn tránh vào đâu được tức là có nợ thì phải trả, có tội thì phải báo. Nghĩ đến thân mình, to thân, đẹp mã, đại đa số cũng vì nuôi bằng thân mạng chúng sinh mà thành thì chẳng lấy làm hổ thẹn lắm ư. Nếu như mang hết tất cả các sát nghiệp ấy mà trải đều trên đất thì chẳng còn chỗ nào mà dung chứa hết. Thế mới biết tội sát sinh nhiều lắm, nhiều đến vô cùng vô tận không thể tính đếm nổi, nó sinh ra từng ngày từng giờ cùng khắp ở thế gian này. Ví như ăn một miếng thịt cũng là đã vướng mắc vào tội sát sinh chứ chưa nói đến hành động sát sinh hoặc thỏa ý mà sát sinh.
Vì vậy cho nên, chúng ta cần nên tỉnh thức mà kịp thời sám hối, phát nguyện phóng sinh để đền trả túc trái tiền khiên từ đời này và từ muôn đời trước, một việc làm cấp thiết chẳng được hững hờ. Phần nhiều các Kinh điển, chư Phật đều luôn luôn khuyến tấn hàng đệ tử phát nguyện phóng chư sinh lọai để trả nợ oan gia, giải thù liễu óan để tăng trưởng được Bồ đề tâm mà tiến tu trên con đường Thánh đạo. Kinh Dược Sư Bổn nguyện công đức dạy rằng: “ Phóng chư Sinh mạng, Bịnh đắc trừ dũ. Chúng nạn giải thóat, Phóng sinh tu phước, linh độ khổ ách, bất tao chúng nạn” Có nghĩa rằng: Phóng các lòai chúng sinh thì mọi bịnh đều trừ được, các tai nạn đều tiêu tan, nhẫn đến người quá vãng cũng được thóat ly đường khổ không còn vướng vào các ác nạn.
Trong Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện của Kinh Hoa Nghiêm cũng viết:
“ Chúng sinh yêu thương nhất là thân mạng. Chư Phật yêu thương nhất là chúng sinh, cứu được sinh mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của Chư Phật”
Do vậy, đạo lý của việc phóng sinh nằm ngay trong đạo lý về nhân quả, bởi vì Nhân quả báo ứng thì như bóng theo hình chẳng hề sai khác. Đã trồng Thiện nhơn thì ắt sẽ được thiện quả, bằng ngược lại nếu trồng Ác nhơn tất sẽ gặp Ác quả. Vả lại, Trời đất vạn vật đều có linh tánh, đều biết hướng lành, lánh dữ, đều biết tham sống sợ chết, đều có buồn vui mừng giận. Trong muôn lòai chúng sinh cũng đều có Phật tánh. Chỉ vì trái giác tánh sai túc nghiệp nên tội báo đọa lạc của các loài có chỗ khác nhau, một ngày nào đó, khi báo nghiệp trả xong thì vẫn có thể chứng thành phật quả, Vậy nên phóng sinh cũng còn mang ý nghĩa như cứu một vị Phật tương lai vậy.
Trong đời mạt pháp này, không ít những chướng ma ngăn cản, hủy họai chánh pháp, bóp méo lời Phật dạy, khuyến khích sự sát hại như là đánh bắt cá và ăn vào cho được phước, bởi vì khi ăn vào trong bụng rồi thì chúng sinh ấy nương vào phước của người đã ăn sinh mạng đó, nhất là người ấy lại người tu hành giữ giới, họ không ngừng cổ xúy cho việc sát hại, coi chúng sinh chỉ là một lọai thực phẩm cũng như hành động bắt giết tức là đã làm đúng chức năng của nó. Đây là chướng ngại ngăn cản việc Phóng sinh. Là con người, chúng ta hết sức cẩn thận, là đệ tử Phật chúng ta lài cần phải Trí tuệ hơn để hướng dẫn bạn mình không nghe những lời xúi bậy của tổn hữu ác đảng mà hủy họai tâm từ bi và gieo trồng Ác quả.
Kinh Kim Quang Minh, Phẩm Lưu thủy trưởng giả tử có viết: Tiền kiếp Đức phật có lần Ngài đã là Lưu Thủy trưởng giả. Vì không nỡ nhẫn tâm thấy hàng vạn lọai cá bị chết khô bèn sai gấp 20 con Voi đem nước đến cứu. Cứu sống hàng ngàn con cá xong, Ngài còn thuyết pháp và niệm Phật. Hàng ngàn con cá do được công đức này thì ngay trong ngày mạng chung, thi thể số cá này đã tích tụ bên bờ ao, thần thức của chúng vãng sinh lên cõi trời Đao lợi. Kinh văn như sau: “ Nhĩ thời kỳ địa, tốt đại chấn động, thời thập thiên ngư, đồng nhật mạng chung, tức mạng chung dĩ, sinh đao lợi thiên”
Từ phẩm kinh trên, chúng ta cần biết thêm một yếu tố vô cùng quan trọng là dùng công đức Quy Y, Niệm Phật để hồi hướng cho chúng sinh trước khi Phóng sinh. Bởi vì, khi phát khởi Từ bi Tâm cứu chuộc sinh mạng, trước sự thành tâm. Thanh tịnh của đại chúng, việc Quy Y, Niệm Phật sẽ rót đầy vào “Bát Thức Điền” của những chúng sinh ấy và tạo thành đạo chủng. Khi bỏ đi báo thân, chuyển kiếp được làm người thì nhờ vào đạo chủng trong Bát thức điền ấy mà tái sinh trong môi trường gặp được Chánh Pháp, gặp được bạn lành, tấn tu để viên thành đạo quả, được vãng sinh về Tây phương cực lạc vĩnh viễn thóat khỏi luân hồi lục đạo. Kết quả này là Đại Phóng sinh trong việc phóng sinh.
Xin hồi hướng công đức này đến với những ai thấy nghe, đều phát lòng Bồ đề, hết một báo thân này, đồng sinh Cực lạc Quốc
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Đại Từ Bi Phụ, Tiếp dẫn Đạo Sư, A Di Đà Phật

Nguyên Điền

NHÂN ÁC LỚN NHẤT LÀ SÁT SINH, ĂN THỊT
Một số hình ảnh về tội ác Sát sinh

(Vạn Phật Thành ngày 29 tháng 8 năm 1982)

Mỗi người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình. Hễ tạo nghiệp gì thì chịu quả báo đó. Không những chỉ có loài người là phải chịu quả báo mà tất cả chúng sanh cũng vậy; tạo nghiệp từ xưa, ngày nay gặt quả. Ðiều đó không dễ hiểu đâu. Ví như bị đọa làm súc sinh hoặc ở nơi ác đạo thì rất khó khôi phục lại thân người; nên nói rằng:

Nhất thất nhân thân,
Vạn kiếp nan phục.

Nghiã là:

Thân người mất rồi,
Vạn kiếp khó tìm.

Trên thế gian, có hai loại nhân: một là nhân thiện, hai là nhân ác. Khi mình trồng nhân thiện thì gặt quả thiện, khi trồng nhân ác thì gặt quả ác.

Người trồng nhân thiện đi đâu cũng biết "khắc kỷ phục lễ" (tự ghép mình theo lễ nghĩa), "khuất kỷ đãi nhân" (hạ mình mà đối đãi với người); lúc nào cũng không chiếm đoạt tiện nghi của kẻ khác, luôn luôn sẵn sàng chịu thua thiệt. Hễ ai gặp điều gì khó khăn thì mình lập tức giúp đỡ. Lúc nào cũng có chí làm điều thiện, lập công tu đức, chứ không phải như kẻ chỉ biết lợi cho mình mà không nghĩ tới lợi ích của kẻ khác. Khi công đức thiện của mình đầy đủ thì tự nhiên mình sẽ thăng tiến, cho nên nói: "Chủng thiện nhân, Kết thiện quả." Từ nơi loài người mình có thể thăng lên cõi trời, rồi từ cõi trời có thể thăng lên cõi A La Hán, cõi Bích Chi Phật, cõi Bồ Tát, từng bước từng bước mà thăng tiến. Ðó là khí thế hết sức hưng thạnh. Hễ tạo công đức gì thì nhất định có được quả báo nấy, công đức không bao giờ mất đặng.

Thế nào là trồng nhân ác thì tương lai sẽ gặt quả xấu? Tức là nếu mình tạo ra oan nghiệt, phạm đủ thứ lỗi lầm, thì tương lai sẽ thọ quả báo của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ai bảo mình làm nhân ác như vậy? Chẳng có ai bảo cả mà tự mình tạo lấy. Có câu rằng: Tự tác nghiệt, Bất khả hoạt. (Tự mình tạo ra điều oan nghiệt, không ai có thể tha thứ cho mình được.) Trồng nhân ác thì sẽ đọa vào ba ác đạo. Tóm lại, làm điều thiện thì được thăng lên, mà làm điều ác thì bị đọa xuống. Do đó, mọi thế giới đều do mình tạo ra, tự mình phải làm chủ, đừng ỷ lại vào kẻ khác.

Song, cái nhân ác lớn nhất là gì? Tức là sát sinh! Con người nếu phạm Ngũ Giới (sát, đạo, dâm, vọng, tửu) thì sẽ rất dễ đọa vào ba ác đạo và cũng rất dễ thành kẻ đầy dẫy tri kiến sai lầm, tà vọng, không tin Phật Pháp, không kính Tam Bảo. Ðọa vào ba đường ác rồi thì khổ không cách gì nói được.

Tội lỗi lớn nhất mà mình đã phạm là gì? Tức là sát sinh, ăn thịt. Nếu bạn ăn thịt của người thì sau đó người sẽ ăn thịt của bạn lại. Hỗ tương ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương chém giết, rồi hỗ tương đọa lạc. Một khi đã đọa lạc thì khó mà tiến lên được, đó là điều hết sức nguy hiểm, là đi vào "hiểm lộ" vậy. Có câu rằng:

Tam Giới vô an,
Do như hỏa trạch.

Nghĩa là:

Ba cõi không an,
Giống như nhà lửa.

Ðáng tiếc là tuy nhà cháy mà người ở trong đó vẫn thản nhiên coi thường!

Ngày hôm nay cử hành pháp hội Vu Lan, các vị thử nghĩ xem: Chúng ta và Tôn giả Mục Kiền Liên, ai là người có đạo đức tu hành cao hơn? Tuy công đức của Ngài cao như vậy mà còn phải thỉnh Phật siêu độ mẹ Ngài; sau đó Phật đặt ra Pháp hội Vu Lan để siêu độ cho cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời. Ðem mình so sánh với ngài Mục Kiền Liên thì mình không thể nào bì được. Song phụ mẫu, tổ tiên của mình thật là đang chờ mình cầu xin siêu độ cho họ đó. Bởi vậy chúng ta đừng lãng phí thời gian, và đừng quên bổn phận làm người. Một khi mất thân này thì có hối hận cũng đã quá trễ!