73 cái giếng cổ ước tính hàng nghìn năm tuổi được người dân làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) xem là biểu tượng tâm linh với rất nhiều chuyện ly kỳ, khó lý giải.
Đình không xà, trong làng 73 cái giếng
Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn luôn tự hào với câu nói: "Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng". Sở dĩ có câu nói trên là bởi đình không xà và 73 cái giếng cổ là những công trình được xem như biểu tượng của làng làng Yên Sở. Trong đó, đình không xà là đình làng thờ thành hoàng rộng hơn 500m2, các cột đình dựng rất lớn, 2 người ôm không xuể. Tiếc rằng, đến năm 1947, đình không xà đã bị thực dân Pháp đốt phá, đến nay không còn một dấu vết. Đình làng không còn, song những giếng cổ vẫn còn đó như chứng tích lịch sử của ngôi làng cổ này.
Hiện tại, các giếng được xây dựng bê tông, bờ rào chắc chắn để tránh sụt lún và nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Để tìm hiểu những công trình độc đáo ở làng Yên Sở, người dân nơi đây giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Bá Hân (85 tuổi, thôn 3, xã Yên Sở), một người rất am hiểu về lịch sử các di tích của làng. Cụ Hân cho biết: "Ngày xưa, tên cũ của làng là Cổ Sở. Đến thế kỷ 15, làng Cổ Sở được chi thành hai làng là Đắc Sở và Yên Sở. 73 cái giếng cổ trước kia là ở khắp hai làng Đắc Sở và Yên Sở, tính đến nay, những cái giếng này cũng đã hàng nghìn năm tuổi". Còn về lai lịch của những chiếc giếng cổ này, theo cụ Hân, có rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Có giả thuyết rằng, giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để lấy nước ăn. Có giả thuyết lại nói, giếng được người dân làng Yên Sở đào lên để sinh hoạt. Cũng có giả thuyết, giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để cắt đứt long mạch. Với nhiều năm nghiên cứu về lịch sử làng Yên Sở, cụ Hân phân tích: "Việc quân xâm lược đào gần trăm cái giếng để dùng việc quân là không thuyết phục, bởi những cái giếng cổ này có kết cấu giống nhau và được làm rất công phu cẩn thận. Người dân tự đào giếng để lấy nước ăn cũng không đúng vì ngày đó người dân rất ít, cả làng chỉ có vài chục hộ, không cần thiết phải đào nhiều giếng như vậy". Theo cụ Hân, Cổ Sở là mảnh đất rất thiêng của Việt Nam, là nơi sản ra anh hùng hào kiệt, nơi người dân bao lần đứng lên chống quân xâm lược phương Bắc. Do vậy, quân xâm lược đào giếng để trấn yểm long mạch là rất cao.
Cụ Nguyễn Bá Hân, người rất am hiểu về 73 giếng cổ ở làng Yên Sở.
Cụ Hân lập luận: "Theo một số tài liệu cũng như con đường cái lớn đầu làng có tên đường Cao Biền cho thấy, pháp sư Cao Biền, một pháp sư nổi tiếng thời nhà Đường (Trung Quốc) đã từng đặt chân tới vùng đất này. Mảnh đất này vốn địa linh, có nhiều mạch đất quý, nơi sản sinh ra những anh hùng. Như vậy sẽ là tai họa lớn cho quân xâm lược, bởi vậy họ đã tìm mọi cách để cắt đứt long mạch bằng việc cho đào nhiều giếng sâu. Vùng đất Yên Sở không nằm ngoài địa điểm mà Cao Biền trấn yểm, bởi ở đây có vị anh hùng, một trung thần, tướng tài thời Tiền Lý, đức thánh Phạm Tu hay còn gọi là Lý Phụng Man". Cụ Hân cho biết thêm, 73 cái giếng cổ ở làng Yên Sở có cấu trúc rất đặc biệt. Giếng sâu 5 mét, đường kính khoảng 1,5 mét. Điều đặc biệt là giếng được xếp hoàn toàn bằng những phiến đá to mà không có chất kết dính nhưng vẫn rất vững chãi. Dưới đáy giếng có một tấm gỗ lim dày khoảng 15 cm, nước rất trong và sạch. Tuy nhiên, với sự phát triển của đô thị, trong 73 giếng cổ đã có nhiều giếng bị lấp đi. Theo thống kê, hiện xã Yên Sở chỉ còn gần 30 cái giếng phân rải rác ở làng Yên Sở và Đắc Sở. Ly kỳ chuyện lấp giếng
Xung quanh những cái giếng cổ còn lại ở làng Yên Sở ẩn hiện rất nhiều câu chuyện ly kì, khó lý giải. Một vài năm về trước, do muốn mở rộng đất thổ cư và tránh nguy hiểm cho người đi đường, nhiều xóm đã tự ý lấp giếng, song lấp chưa được bao lâu họ lại phải đào lên. Cụ Hân kể: "Vài năm trước, xóm Chủa đã lấp một giếng cổ. Tuy nhiên, một thời gian sau không hiểu do trùng hợp ngẫu nhiên hay do thần linh mà sau khi lấp giếng, xóm ngõ liên tục lục đục, làm ăn không thuận lọi. Có người đi xem được "thầy" bảo giếng cổ có thần linh, thổ địa và có thể bị trấn yểm nên ai mà phạm vào sẽ chuốc lấy hậu họa. Sau đó, cả xóm phải thuê máy móc hút, múc đất lên trả lại nguyên trạng và kết quả là cả xóm lại được yên bình". Cũng liên quan đến việc lấp giếng cổ, bà Nguyễn Thị Hương (SN 1959, thôn 2, Yên Sở) cho biết, trong xóm có một gia đình do đất thổ cư nhỏ nên đã xin hợp thức hóa phần đất giếng cổ. Được sự đồng ý của chính quyền, gia đình này đã bịt miệng giếng lại, còn phần đất xung quanh để mở rộng nhà. Nhưng từ khi lấp giếng, xóm đã xảy ra rất nhiều chuyện, một số thanh niên trong xóm còn rất trẻ nhưng đều chết do tai nạn giao thông".
Một giếng cổ ở xóm Ngõ Giếng được người dân lập miếu, thờ cúng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng thôn 2, xã Yên Sở cho rằng: "Đúng là những năm trước xóm có xảy ra những chuyện đó, nhưng đây có thể chỉ là sự trung hợp ngẫu nhiên mà thôi. Còn chuyện thần linh trừng phạt thì đó chỉ là tin đồn mà không có căn cứ khoa học, và cũng khó có thể giải thích". Không biết việc thần giếng hiển linh thực hư thế nào, nhưng đến giờ, người dân trong làng cũng không còn ai dám nghĩ đến chuyện lấp giếng. Dù không còn nguyên vẹn 73 giếng, nhưng những giếng cổ còn lại vẫn được người dân Yên Sở lập miếu, chăm nom cẩn thận. Tâm An
Bookmarks