Dân tộc được Chúa chọn


Dân tộc được Chúa chọn


Tác giả: Maristella Botticini, Zvi Eckstein
Giá: Đang cập nhật
Số trang: Đang cập nhật
Nhà xuất bản: Lao động
Khổ: 15,5 x 24 cm




Những năm 70, người Do Thái là một dân tộc nông nghiệp và mù chữ sống chủ yếu ở vùng đất Israel và Lưỡng Hà.Nhưng đến năm 1492 người Do Thái đã trở thành một nhóm nhỏ các thành thị có học thức chuyên về hàng thủ công, thương mại, cho vay tiền, và y học khắp hàng trăm khu vực trên khắp thế giới cũ, từ Seville đến Mangalore. Vậy điều gì đã gây ra thay đổi triệt để này? Cuốn Dân tộc được Chúa chọn sẽ trình bày một câu trả lời mới cho câu hỏi này bằng cách áp dụng các ống kính của phân tích kinh tế cho sự kiện quan trọng trong150 năm hình thành của lịch sử Do Thái.Maristella Botticini và Zvi Eckstein sẽ cho thấy, trái ngược với những lời giải thích trước đó, sự biến đổi này không chỉ được thúc đẩy bởi sự ngược đãi chống Do Thái và những giới hạn pháp lý, mà còn do những thay đổi trong đạo Do Thái sau những năm 70 - quan trọng nhất là sự nổi lên của một tiêu chuẩn mới yêu cầu mỗi người đàn ông Do Thái phảiđọc và nghiên cứu kinh Torah và gửi con trai của mình đến trường.

Dân tộc được Chúa chọn đưa một lời giải thích mới cho những biến đổi quan trọng nhất trong lịch sử của người Do Thái đồng thời cũng cung cấp những hiểu biết mới cho cuộc tranh luận ngày càng nhiều về tác động kinh tế xã hội và tôn giáo.

Cuốn sách này là một cuộc hành trình ngược thời gian nhằm tìm hiểu lịch sử hình thành của người Do Thái. Cuộc hành trình bắt đầu từ Jerusalem ở Judea và từ Sepphoris và Tiberias ở Galilee trong thế kỷ thứ nhất và thứ hai. Cuộc hành trình đưa chúng tôi tới Babylon ở Mesopotamia vào thế kỷ thứ năm và thứ sáu; tới Bát-đa, Cai-rô, Córdoba và Palermo, những trung tâm đô thị mới của vùng Trung Đông và Địa Trung Hải, vào thế kỷ thứ chín và thứ mười; tới Tudela ở Tây Ban Nha và Mangalore ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ 12; và quay trở lại Bát-đa vào những năm 1250 trước khi kết thúc ở Seville năm 1492.

Mục đích của chuyến hành trình xuyên suốt 15 thế kỷ lịch sử người Do Thái này là để hỏi và trả lời một loạt các câu hỏi. Tại sao lại có ít người Do Thái làm nghề nông đến vậy? Tại sao người Do Thái lại cư trú ở đô thị làm lái buôn, doanh nghiệp, ngân hàng, tài chính, luật sư, bác sỹ, học giả? Từ khi nào và tại sao những mô hình nghề nghiệp và cư trú này trở thành những nét đặc trưng của người Do Thái? Tại sao dân số Do Thái giảm từ 5-5,5 triệu người thời Giê-xu xuống còn 1-1,2 triệu người thời Muhammad? Tại sao dân số Do Thái giảm xuống mức thấp nhất (dưới một triệu người) trước khi bị trục xuất hàng loạt khỏi bán đảo Iberia những năm 1492-1497? Tại sao người Do Thái lại trải qua một trong những cuộc bỏ xứ phiêu bạt lớn nhất trong lịch sử thế giới, sinh sống như một nhóm thiểu số ở các thành phố, thị trấn trên khắp thế giới trong hàng nghìn năm? Từ khi nào, như thế nào và tại làm sao người Do Thái lại trở thành “nhóm thiểu số có đặc quyền”?

Mục lục:

Danh sách hình minh họa

Danh sách các bảng biểu

Lời tựa

Lời giới thiệu

Chương 1

Năm 70 sau Công nguyên—1492 : Có bao nhiêu người Do Thái? Họ sống ở đâu, sống như thế nào?

Từ Giê-xu đến Muhammad (năm thứ nhất sau Công nguyên—năm 622): Thế giới của nông dân

Từ Muhammad tới Hulagu Khan (622-1258)

Từ Hulagu Khan tới Tomás de Torquemada (1258-1492): chấm dứt kỷ nguyên vàng

Lịch sử Do Thái từ năm 70 sau Công nguyên đến năm 1492: các câu hỏi

Chương 2

Người Do Thái có phải là dân tộc thiểu số bị đàn áp?

Hạn chế đối với các hoạt động kinh tế của người Do Thái

Thuế má bất công

Vốn vật chất so với vốn con người dễ mang theo

Cộng đồng tôn giáo thiểu số tự cô lập

Tính kinh tế của các nhóm thiểu số nhỏ

Tóm tắt

Chương 3

Người của sách, năm 200 trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên

Hai trụ cột của Do Thái giáo từ Ezra tới Hillel (500-50 trước Công nguyên): Ngôi Đền và Kinh Torah

Đòn bẩy của Do Thái giáo: giáo dục như là một chuẩn mực tôn giáo

Ngôi Đền thứ hai bị phá hủy: từ lễ hiến sinh tới đọc và nghiên cứu kinh Torah

Di sản của Do Thái giáo dòng giáo sỹ: Mishna và giáo dục tiểu học phổ cập, từ năm 10 đến năm 200 sau Công nguyên

Do Thái giáo và giáo dục: mối quan hệ độc đáo trong thế giới Mishna

Chương 4

Tính kinh tế của việc biết chữ Hebrew trong thế giới nông dân

Tính hỗn tạp và các lựa chọn của nông dân Do Thái khoảng năm 200

Giả thuyết kinh tế: cách sắp đặt cơ bản

Giả thuyết kinh tế: dự đoán

Cuộc sống ở một ngôi làng ởGalilee khoảng năm 200 qua lăng kính giả thuyết của chúng tôi

Phụ chương 4.A: Mô hình giáo dục hình thức và hiện tượng cải đạo trong nông dân

Chương 5

Người Do Thái thời Talmud, năm 200-650: Nhóm thiểu số có đặc quyền

Xã hội nông nghiệp ngày càng có nhiều người biết chữ

Cải đạo trong nông dân Do Thái

Tóm tắt

Chương 6

Từ nông dân tới lái buôn, 750-1150

Tính kinh tế của việc biết chữ Hebrew trong thế giới lái buôn

Kỷ nguyên vàng của người Do Thái biết chữở các vương quốc Hồi giáo
Tóm tắt
Phụ chương 6.A: Mô hình giáo dục hình thức và cải đạo của lái buôn

Chương 7

Người Do Thái lang thang có giáo dục, 800-1250

Người Do Thái lang thang trước thời Marco Polo

Di cư của người Do Thái bên trong các vương quốc Hồi giáo

Di cư của người Do Thái Byzantin

Di cư của người Do Thái tới và bên trong châu Âu Cơ đốc giáo

Chuyển dịch trung tâm tôn giáo Do Thái

Tóm tắt

Chương 8

Phân biệt hay lựa chọn? Từ lái buôn tới người cho vay lãi, 1000-1500

Tính kinh tế của tiền tệ và tín dụng ở châu Âu Trung Cổ

Động lực của nghề cho vay lãi của người Do Thái ở châu Âu Trung Cổ

Nghề cho vay lãi của người Do Thái ở nước Ý thời Trung Cổ: phân tích chi tiết

Thái độ đối với nghề cho vay lãi

Sự kiện và các giả thuyết cạnh tranh

Từ lái buôn tới người cho vay lãi: lợi thế so sánh trong công việc môi giới phức tạp

Phụ chương 8.A: Chính sách đặc quyền dành cho người Do Thái ởVienna

Chương 9

Cú sốc Mông Cổ: Do Thái giáo có thể sống sót khi thương mại và các nền kinh tế đô thị sụp đổ?

Cuộc chinh phục Trung Đông Hồi giáo của người Mông Cổ

Tình hình kinh tế xã hội ở Trung Đông thời Mông Cổ cai trị

Dân số Do Thái thời Mông Cổ và Mamluk: thí nghiệm

Tại sao Do Thái giáo không thể tồn tại khi thương mại và các nền kinh tế đô thị sụp đổ

Tóm tắt

Chương 10

Từ 1492 tới nay: câu hỏi mở

Chân dung người Do Thái thế giới khoảng năm 1492

Lịch sử Do Thái, năm 70 sau Công nguyên-1492: hồi kết

Đường đi của dân tộc Do Thái trong 500 năm qua

Cấu trúc nghề nghiệp ổn định của người Do Thái

Phụ lục

Tác giả:

Maristella Botticini: Giáo sư kinh tế, kiêm giám đốc và nghiêncứu viên của Viện Gasparini Innocenzo về nghiên cứu kinh tế (IGIER), tại Đại học Bocconi ở Milan.

Zvi Eckstein là Chủ tịch của Mario Henrique Simonson thuộc Kinh tế lao động tại Đại học Tel Aviv, là giáo sư và trưởng khoa của Trường Kinh tế của IDC Herzliya ở Herzliya, Israel


Khi Ngôi Đền thứ hai bị phá hủy, nông dân vốn chiếm đa số dân số hầu như là mù chữ.


Nông dân theo tà giáo ở Tây Âu dười thời La Mã, nông dân Cơ đốc giáo ở Judea, nông dân theo đạo song thần Zoroastrianism ở Mesopotamia, nông dân Do Thái ở Galilee, Mesopotamia và Ai Cập có chung một đặc điểm: tất cả đều mù chữ. Đối với hầu hết những người nông dân này, đầu tư cho việc học chữ của con trai là một sự hy sinh: cả chi phí trực tiếp (tiền mua sách, tiền lương giáo viên) lẫn chi phí cơ hội (thu nhập bị mất đi do gửi con tới trường tiểu học thay vì giữ chúng làm việc ở trang trại nhà) rất cao so với thu nhập trung bình (bảng 5.1).
Biết chữ không làm cho nông dân năng suất hơn hay giúp anh ta kiếm được nhiều tiền hơn. Hơn nữa, ở các nền kinh tế nông thôn nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất, có rất ít cơ hội cho người biết chữ làm nghề thủ công hay buôn bán. Do đó, với hầu hết các hộ gia đình kiếm sống bằng nghề nông thì “đầu tư” cho việc học hành của con cái chỉ là gánh nặng, không mang lại lợi ích kinh tế gì. Không có gì ngạc nhiên khi đại đa số nông dân—Do Thái lẫn không phải Do Thái—đều mù chữ giống như nông dân ở hầu hết các nước đang phát triển ngày nay những nước có nền kinh tế chủ yếu là kinh tế nông thôn, nông nghiệp.

Cam kết giáo dục

Học giả Tana ở các học viện ở vùng đất Israel trong hai thế kỷ đầu sau Công nguyên khuyến khích thành lập trường tiểu học. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh Do Thái-La Mã không tạo ra môi trường lý tưởng cho quá trình này phát triển, mù chữ vẫn phổ biến cho tới tận cuối thế kỷ thứ hai. Đầu thế kỷ thứ ba, giáo sỹ Judah haNasi, các học giả cộng sự và các thế hế giáo sỹ sau này ở các học viện ở vùng đất Israel và Mesopotamia chuyển trọng tâm sang xây dựng hệ thống giáo dục tiểu học phổ cập có tổ chức (xem chương 3).

Chúng tôi tập trung vào bằng chứng từ thế kỷ 3 đến đầu thế kỷ 7. Ba nguồn tư liệu độc lập—Talmud, thư từ phúc đáp giai đoạn đầu Gaon, ghi chép khảo cổ học—chỉ rõ rằng một tỷ lệ lớn người Do Thái đầu tư cho việc học của con trai mình. Bằng cách này, giáo dục tôn giáo phổ biến trong các cộng đồng Do Thái ở vùng đất Israel và những nơi có người Israel di cư sinh sống khác trên thế giới thời Talmud.
Bằng chứng Talmud

Talmud gồm Mishna và Gemara (Gemara có các chú giải chủ yếu về Mishna, do các thế hệ học giả, giáo sỹ học viện ở vùng đất Israel và Mesopotamia viết). Talmud của vùng đất Israel (Talmud Yerushalmi) được thể chế hóa khoảng năm 350-400; Talmud của Babylon (Talmud Bavli) được thể chế hóa khoảng năm 450-550. Talmud của Babylon vốn rộng hơn Talmud của vùng đất Israel cuối cùng trở thành trụ cột Do Thái giáo dòng giáo sỹ đối với người Do Thái trên thế giới.

Ngày nay, mỗi bộ Talmud gồm nhiều tập viết bằng tiếng Hebrew và tiếng Aram. Tranh luận trong Talmud bắt đầu bằng một đoạn Mishna (tiếng Hebrew) tiếp đến là một đoạn Gemara (thường viết bằng tiếng Aram). Hai bên lề có chú giải của hầu hết các học giả ưu tú nhất của châu Âu Trung Cổ như Rashi, các giáo sỹ Tosafist, cũng như trong một số bài viết, có chú giải của R. Hananel, người viết chú giải Bắc Phi của giai đoạn Hồi giáo.

Việc biên soạn Mishna không ngăn được các hoạt động tôn giáo, học thuật, pháp lý của các học viện. Vì Mishna trở thành Luật Nói chính thống nên hoạt động của nhóm Amora (các học giả kế nghiệp nhóm Tanna) dành chủ yếu cho việc diễn giải bộ luật này. Nhóm Amora làm công việc diễn giải bộ luật ở các học viện (yeshivot) Caesarea, Sepphoris, Tiberias ở vùng đất Israel, Nehardea, Sura, Pumbedita và các trung tâm học vấn ở Mesopotamia.

Lúc này, các học viện không chỉ là nơi học cao dành cho sinh viên xuất sắc mà còn là cơ quan lập pháp, tòa án tôn giáo để người dân thường có vấn đề liên quan đến bất cứ khía cạnh nào trong đời sống thường nhật đến để xin ý kiến hay phán quyết từ các học giả, chức sắc tôn giáo. Các vấn đề hay câu hỏi họ đặt ra rất đa dạng, từ nông nghiệp, phân chia đất cát, phân chia thiệt hại, cho đến các vấn đề về gia đình (kết hôn, con cái, ly hôn, góa bụa, di chúc), ăn uống, vệ sinh, từ thiện, lễ nghi tôn giáo. Các câu hỏi về giáo dục con cái, thực tế giáo dục nằm trong số những vấn đề quan trọng thu hút sự chú ý của các học giả, được thảo luận ở các học viện.

Hai chức năng của học viện liên quan chặt chẽ đến nhau. Mục đích chính của các bài giảng, thảo luận của học giả là tìm ra phán quyết thích hợp trong Mishna để giải quyết vấn đề của dân, diễn giải câu chữ, phán quyết thường ngắn gọn, súc tích trong Mishna, tìm ra nguyên nhân, ngọn nguồn vấn đề, dung hòa mâu thuẫn bề ngoài, so sánh luật của học viện với luật của các bậc hiền nhân không có trong Mishna, áp dụng quyết định, nguyên tắc lâu đời cho các trường hợp mới vẫn chưa có chế tài.

Phần lớn Gemara bao gồm các phân tích pháp lý. Điểm xuất phát phân tích thường là một tuyên bố pháp lý có trong Mishna. Tuyên bố này sau đó được phân tích, so sánh với các tuyên bố khác thường dưới dạng một cuộc tranh luận giữa hai người (thường ẩn danh, đôi khi ẩn dụ) gọi là makshan (người hỏi) và tartzan (người trả lời). Gemara cũng xác định cơ sở Kinh Thánh cho các luật trong Mishna, xác định quy trình lôgic kết nối hai bộ luật với nhau.

Ví dụ, Mishna (Baba Batra 20b-21a) tiết lộ thông tin liên quan đến việc giáo dục trẻ em như sau:

Nếu một người muốn mở xưởng ở sân trong, hàng xóm có thể phản đối với lý do không thể ngủ được vì người ra vào ồn ào. Tuy nhiên, anh ta có thể làm hàng trong sân để mang ra chợ bán, khi đó hàng xóm không thể ngăn anh ta với lý do không ngủ được do tiếng quai búa, tiếng cối đá, tiếng trẻ em.

Về phán quyết này, Gemara (Talmud Babylon, Baba Batra 20b-21a) nhận xét:

Tại sao quy định trong trường hợp thứ hai không giống trường hợp thứ nhất? Abaye [học giả Amora ở Babylon, thế kỷ 3-4) trả lời: Vế thứ hai hẳn phải nói đến người ở cái sân khác. Raba [học giả Amora ở Babylon, thế kỷ 3-4) nói với Abaye: Nếu thế thì Mishna phải nói là: “Ở sân khác có được phép không?”—Không, Raba nói: mấy chữ cuối nói đến trẻ em trường học, từ thời quy định của Joshua ben Gamla…. Từ lâuJoshua ben Gamla tới, ra lệnh giáo viên trẻ nhỏ phải được chỉ định ở mọi huyện, mọi thị trấn, trẻ em phải tới trường năm 6-7 tuổi.

Rab [học giả Amora ở Babylon, thế kỷ 2-3) nói với giáo sỹ Samuel ben Shilath [học giả Amora ở Babylon, nửa đầu thế kỷ 3): Không nhận học sinh trước 6 tuổi; từ 6 tuổi giáo sỹ có thể nhận bọn trẻ, nhồi kinh Torah cho chúng như nhồi vịt ấy….

Raba nói tiếp: Số lượng học sinh giao cho một giáo viên là 25. Nếu có 50 học sinh, chúng ta chỉ định 2 giáo viên. Nếu có 40 học sinh, chúng ta chỉ định một trợ lý, chi phí thị trấn trả…. Raba nói tiếp: Người dạy bọn trẻ, người trồng nho, người mổ thịt tế lễ, nhà luật học của thị trấn tất cả đều bị cho nghỉ ngay lập tức nếu làm việc không hiệu quả. Nguyên tắc chung là bất cứ ai phạm phải lỗi không thể sửa được sẽ bị cho nghỉ ngay lập tức.

Talmud không thảo luận hay tranh luận các vấn đề nặng tính lý thuyết, thần học trừu tượng mà tập trung vào các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật, biến cuộc sống thường nhật thành một nguồn thông tin quan trọng về đời sống người Do Thái ở vùng đất Israel và Mesopotamia nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Talmud cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự gia tăng số lượng sinh viên trong các học viện, về số lượng lớn các phán quyết chi tiết đối với việc cung cấp giáo dục, về việc lên lịch cho một sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo Do Thái, kallah (được thảo luận dưới đây). Việc phát triển các học viện ở Mesopotamia được ghi lại trong nhiều đoạn Talmud gián tiếp gợi ý hẳn có nhiều trẻ em Do Thái được đi học tiểu học hơn—một điều kiện tiên quyết để vào trường trung học rồi học viện.

Cả Talmud của vùng đất Israel lẫn Talmud của Babylon chứa đầy những thảo luận, phán quyết liên quan tới trường học, giáo đường, học sinh, sách vở, nghĩa vụ và lương bổng người dạy, nghĩa vụ cha mẹ chu cấp cho việc học kinh Torah của con cái, nghĩa vụ học sinh đối với người dạy họ. Những vấn đề này không thấy nói đến trong các nền văn minh nông thôn khác cùng thời kỳ.

Bức tranh hiện ra từ số lượng thảo luận, phán quyết khổng lồ này là bức tranh của một xã hội nông nghiệp đang tổ chức các công cụ kinh tế, pháp lý, xã hội để thi hành sắc lệnh tôn giáo của Joshua ben Gamla, để phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trai Do Thái. Ví dụ,Talmud của vùng đất Israel ghi rằng Hillel, con trai của Hillel đệ tam và cháu trai của giáo sỹ Judah haNasi, tìm cách thiết lập một hệ thống giáo dục bất chấp những khó khăn tài chính thời đó. Để đạt được mục tiêu này, ông yêu cầu ba học giả lỗi lạc đi nhiều nơi, yêu cầu họ chỉ định người dạy trẻ em ở nhiều thi trấn, làng mạc. Một số tranh luận, quyết định trong Talmud điều chỉnh việc tổ chức thực tế giáo dục tiểu học. Ví dụ, có một quyết định đề ra một loại thuế cộng đồng để giải quyết chuyện tiền lương cho người dạy kinh Torah và Mishna. Một quyết định khác yêu cầu người chưa kết hôn chưa có con sống ở thị trấn phải trả lương cho người dạy. Một quyết định khác cho phép cộng đồng sa thải người dạy nếu người này không làm theo yêu cầu cha mẹ học sinh.

Cả hai phiên bản Talmud đều chỉ ra cam kết thực thi cải cách giáo dục của các cộng đồng Do Thái. Tuy nhiên, các bậc hiền nhân của vùng đất Israel có quan điểm khác với các bậc hiền nhân ở Mesopotamia. Talmud của vùng đất Israel mô tả tổ chức cộng đồng của giáo dục tiểu học (bao gồm cả một loại thuế cộng đồng để trả lương cho người dạy) trong khi đó Talmud của Babylon chú trọng hơn đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc chi trả cho việc học của con như được chỉ rõ trong sắc lệnh yêu cầu các ông bố phải trả tiền cho việc học của con, phải dạynghề cho con mình hoặc thuê ai đó dạy nghề cho con mình.

Tương tự như vậy, Talmud của vùng đất Israel quy định “lương thực cho một người được quy định cho năm tới trừ chi phí mua đồ ăn cho lễ Sabbath, lễ hội…trừ những thứ tinokot [trẻ dưới 7-8 tuổi] mang tới nhà thầy làm học phí”. Cũng về vấn đề này, Talmud của Babylon có cách trình bày khác: “Toàn bộ phần chia cho một người năm đó được xác định từ ngày đầu năm mới tới ngày Chuộc tội trừ chi phí lễ Sabbath, tổ chức lễ hội, tiền dạy kinh Torah cho con”.

Sự khác biệt giữa việc cung cấp giáo dục ở vùng đất Israel và Mesopotamia phù hợp với điều kiện kinh tế khác nhau ở hai khu vực này. Ởvùng đất Israel, việc cung cấp giáo dục được cộng đồng tổ chức công khai, thuế giáo dục đánh lên tất cả mọi người, việc giáo dục trẻ em nghèo, trẻ mồ côi được trợ cấp. Ngược lại, giáo dục cho trẻ em ở Mesopotamia chủ yếu do người dạy tư nhân cung cấp cho cá nhân, nhóm hộ gia đình nên hầu như mọi gia đình phải chịu toàn bộ chi phí học hành.

Tập quán kallah cũng chỉ ra rằng ngày càng có nhiều người Do Thái biết đọc biết viết. Kallah, có lẽ bắt nguồn từ Babylon thế kỷ 3, là một trong những hoạt động trung tâm ở học viện. Vào tháng 3, tháng 4 (Elul, Adar), mọi người tập trung đông, nam giới nghiên cứu kinh Torah trong các học viện ở Mesopotamia, nghe các vị học giả, các bậc hiền nhân đọc, thảo luận một đoạn trong Talmud. Trong lễ kallah mùa xuân, ngoài một đoạn Talmud, các vị học giả còn thảo luận, trả lời câu hỏi do các cộng đồng Do Thái từ khắp nơi gửi tới. Các câu hỏi liên quan đến mọi vấn đề từ các vấn đề kinh tế, chính trị cho tới các vấn đề tôn giáo, lễ nghi. Phúc đáp viết (tiếng Hebrew là teshuvot, tiếng La-tinh là responsa) cho những câu hỏi này được gửi về cộng đồng Do Thái thông qua các lái buôn Do Thái. Phúc đáp viết này là một đặc điểm độc đáo của Do Thái giáo, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lịch sử kinh tế, xã hội của người Do Thái theo thời gian.

Bằng chứng từ phúc đáp viết Gaon đầu tiên

Phúc đáp viết tồn tại thời Talmud nhưng không phải là một phần tư liệu riêng biệt của Talmud. Phải sau khi Talmud của Babylon được biên soạn và sau khi các học giả Gaon kế tục học giả Amora làm chủ học viện thì phúc đáp viết mới trở thành một phần tư liệu riêng biệt. Trong hơn 500 năm (từ giữa thế kỷ 6 tới thế kỷ 11), thư từ phúc đáp Gaon là một trong những nguồn thông tin chính về đời sống xã hội, kinh tế, tôn giáo của người Do Thái.

Những tư liệu này cho thấy tỷ lệ biết chữ và giáo dục tiểu học rất phổ biến thế kỷ 6-7 trong các cộng đồng Do Thái ở Mesopotamia nơi hầu hết người Do Thái trên thế giới sinh sống vào thế kỷ trước khi Hồi giáo ra đời cũng như ở nhiều nơi có người Do Thái di cư sinh sống. Một số thư phúc đáp đề cập việc người dạy dạy trẻ em ở cả thị trấn và làng mạc. Một số thư khác chỉ ra rằng cùng với giáo sỹ, quan tòa, chủ học viện thì giáo viên nằm trong số những quan chức cộng đồng được liệt kê cuối thư rút phép thông công giáo sỹ Gaon gửi cho nhiều cộng đồng Do Thái trên thế giới. Người dạy cũng được tính là quan chức giáo đường cùng với học giả, bậc huynh trưởng, nhà quản lý (parnasim), người điểu khiển hát đồng ca (hazzanim), quản gia (shammashim).

Phúc đáp viết Gaon đầu tiênghi lại một sự kiện chính: ngày càng có nhiều nông dân Do Thái cho con đi học giai đoạn trước khi Hồi giáo ra đời và đô thị hóa diễn ra ồ ạt ở các vương quốc Hồi giáo mới thành lập. Đầu tư của một tỷ lệ nông dân Do Thái cho việc học của con cái họ giai đoạn này nên được xem như hy sinh tài chính nhằm tuân thủ sắc lệnh tôn giáo do lãnh tụ Pharisee ban hành. Lợi ích kinh tế không thể là nguyên nhân khiến nông dân Do Thái đầu tư cho việc học của con thế kỷ 3-7 vì biết đọc, nghiên cứu kinh Torah bằng tiếng Hebrew không mang lại lợi ích tiền bạc gì (tất nhiên ngoại trừ giáo sỹ, giáo viên, các nhà lãnh đạo cộng đồng khác, những người ủng hộ chính cho phổ cập giáo dục tiểu học).”


http://thaihabooks.com/sach-thaiha/4...uoc-Chua-chon/