I. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM của KHOA HỌC HIỆN ÐẠI

Ở trong trạng thái của Sơ Thiền Hữu Sắc, người ta có cảm giác khác thường, dễ chịu, ngây ngất. Có cái gì tràn qua cơ thể như một trận mưa rào, dường như lông tóc dựng lên, ngứa ngáy vừa khó chịu vừa dễ chịu. Người ta thích thú với những cảm giác này. Vật chất và tinh thần dường như tắm trong sự ngây ngất, tràn trề hạnh phúc.

Theo khoa học hiện đại Tây phương, đó là hệ quả của việc “Chú tâm vào một vật duy nhất” hay “Chánh Định theo Phật Giáo Nguyên Thủy”. Chính tại thời điểm này, chất dẫn truyền thần kinh Dopamin xuất hiện. Chúng tôi xin phép nhắc lại một số chi tiết của những bài viết trước. Trong tiến trình Thiền Định, Dopamin xuất hiện một cách từ từ, thời gian Thiền Định càng lâu, hàm lượng Dopamin càng tăng cao. Dopamin có lẽ kích hoạt cơ chế sản xuất ra Noradrenalin. Cuối cùng Dopamin và Noradrenalin dường như có tác dụng cộng hưởng.

Một số nhà Khảo Cứu và Thiền Định Tây Phương, cũng chia Thiền ra làm 9 giai đoạn:

1. Trí tuệ.
2. Logic Lãnh vực tri thức.
3. Hiểu biết.
4. Lý trí.

5. Thông minh.
6. Trực giác Lãnh vực nhận thức.
7. Cảm hứng.
8. Hiểu thấu.

9. Thông thái Bậc giác ngộ.

Có tài liệu cho là các lớp Thiền có sự tương ứng với việc phát triển của não bộ. Sau đây là phần giải thích sơ lược về 9 lớp Thiền nói trên:

1 & 2: Thu thập kiến thức.
Nhận biết các quy tắc.
3 & 4: Hiểu biết.
Lý trí hạn chế ý nghĩ lan man.
(Ðây là 4 bậc Thiền cơ bản).

5 & 6: Thông minh và trực giác.
Trực giác xử lý như một khối, không xé lẻ.
7 & 8: Cảm hứng và hiểu thấu.
9: Thông thái có nghĩa là giác ngộ.

II. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM và MÀU SẮC của ÐẠI THỪA TRUNG QUỐC

Một vị thiền sư Trung Quốc, có đưa ra một phát biểu về thiền định nói chung như sau: “ Thiền có sâu có cạn, giai cấp khác nhau. Như người thích điều kì dị, thích trên đè dưới mà tu, là thiền ngoại đạo. Tin sâu luật nhân quả, cũng thích trên đè dưới mà tu, là thiền phàm phu. Ngộ được lý chỉ có ngã không mà tu, là thiền tiểu thừa. Ngộ được chân lý ngã và pháp cả hai đều không, là thiền đại thừa. Nếu đốn ngộ được tự tâm xưa, nay vốn thanh tịnh , không hề có phiền não, trí tính vô lậu xưa nay vốn đầy đủ, tâm này tức là Phật… đây là thiền tối thượng, còn gọi là Như Lai thanh tịnh thiền, còn gọi là chân như Tam Muội.”

Theo quan điểm Phật Giáo Trung Quốc, thì Thiền Định có thể chia ra làm 11 giai đoạn:

1. Dục Giới Định.
2. Ðáo Địa Định.
3. Sơ Thiền.
4. Nhị Thiền.
5. Tam Thiền.
6. Tứ Thiền.
7. Không Vô Biên Xứ.
8. Thức Vô Biên Xứ.
9. Vô Sở Hữu Xứ.
10. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.
11. Diệt Tận Định.

Trong khuôn khổ của tài liệu này, chúng ta chỉ tìm hiểu về 3 giai đoạn, trong đó có Sơ Thiền Hữu Sắc.

Dục Giới Định.
Vi Đáo Địa Định.
Sơ Thiền Hữu Sắc.

A. Dục Giới Định:

Có 3 hiện tượng trong Dục Giới Định:
- Thô Trụ Tâm: Tâm từ từ ngưng kết lại, không còn rong ruổi tán loạn, trụ trong cái thô.
- Tế Trụ Tâm: Tâm trí tùy tiện an trụ khi mong muốn, Tâm trở nên vi tế hơn.

- Dục Giới Định: Tâm trở nên trong sáng, tương ứng với Định, nhưng chưa có khả năng buông bỏ tất cả những Tâm của Dục Giới. Do đó, mặc dù Tâm đã Định, nhưng vẫn gọi là Dục Giới Định. Ðịnh ở Cảnh Dục Giới, rất dễ bị thoái hóa.

a. Thối Định do tác động ở bên ngoài.
b. Thối Định do yếu tố chủ quan, những tâm sau đây làm cho người tu Thiền Định ở Cảnh Định Dục giới Thối Định: Hy vọng, nghi ngờ, kinh sợ, vui mừng, yêu nặng, hối tiếc …

B. Vi Đáo Địa Định:

Cảm thấy Thân Tâm trống rỗng. Mất đi cảm giác về thân thể vật lý, thấy như mình lọt vào hư không. Ở trạng thái này, Sơ Thiền Hữu Sắc có thể xuất hiện. Vi đáo địa định chính là cái gạch nối.

Người tu Thiền Định ở Cảnh Giới này thường thấy: Thắng cảnh bên ngoài, màu sắc rực rỡ, mặt trăng, mặt trời. Tuy nhiên có khi lại thấy Tâm mình quá tối tăm, không biết gì, mê đi, hôn trầm.

C. Sơ Thiền Hữu Sắc:

Cảm giác Nhập Định từ từ sâu thẳm, Thân Tâm rỗng không. Bỗng nhiên Thân Tâm ngưng đọng, rồi như gió nổi lên, ở đâu đó không biết, tràn đầy khắp toàn thân.

Vẫn theo trường phái Phật giáo Trung Quốc, Sơ Thiền Hữu Sắc có 10 Thiện Pháp:

1. Ðịnh: Chuyên tâm vững chắc, không loạn động.
2. Không: Không còn chướng ngại.
3. Minh tinh: Thanh tịnh, đẹp đẽ, sáng sủa, chắc chắn.
4. Mừng: Tâm sinh ra vui mừng.
5. Vui: Tâm khoan khoái.
6. Thiện Tâm: Hổ thẹn, kính, tín. Hổ thẹn vì lúc trước không biết hiện tượng này.
7. Tri kiến rõ ràng: Không còn hôn mê.
8. Giải thoát: Không còn phiền lòng vì bị che mờ do: Tham, Sân, Si, Hối, Nghi.
9. Cảnh giới hiện tiền: Cảnh Sơ Thiền Hữu Sắc hiện ra trước mắt.
10. Tâm hòa diệu: Tâm nhu nhuyến, dễ bảo.

Có 16 cảm giác khác gọi là Xúc được ghi nhận:

Ðộng, ngứa, mát, ấm, nhẹ, nặng, nhám, trơn, lắc, tựa, lạnh, nóng, nổi, trầm, cứng, mềm.
Mỗi xúc đều có Thiện Pháp riêng, cộng lại là 160 Pháp.

Sơ Thiền có 5 Thiền Chi:

1. Giác Chi: Biết được các xúc, 16 xúc, 160 pháp. Chính mình kinh ngạc vì sự hiểu biết khi hiện hữu ở cảnh sơ thiền hữu sắc, có cảm giác nóng nực được tắm ở một cái ao mát mẻ.
2. Quán Chi: Tâm có khả năng phân biệt. Cụ thể là phân biệt 16 xúc, 160 Pháp.
3. Hỉ Chi: Ơû trạng thái sơ thiền hữu sắc, tâm lý người tu thiền định cảm thấy vui mừng, phân biệt được các thiện pháp.
4. Lạc Chi: Qua lúc vui mừng, tâm trở nên bình tĩnh, cảm thấy khoái lạc, hưởng thụ sự khoái lạc đó.
5. Nhất Tâm Chi: Tâm không phân tán, an định, tịch tịnh.

III. SƠ THIỀN HỮU SẮC theo QUAN ÐIỂM PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Tiến trình tu Thiền Định của Phật Giáo Nguyên Thủy được các tài liệu ghi lại thì có lẽ có 2 tiến trình. Không ai dám chắc tiến trình nào là chính thống, tiến trình nào là không chính thống. Trong tài liệu Luận có lẽ của Trường Phái Nhất Thiết Hữu Bộ, có chỗ thì cho là có 5 tiến trình, có chỗ thì ghi là có 9 tiến trình. Thật ra từ trước tới nay, người ta cũng chưa có cơ hội được biết ý kiến của một nhà khảo cứu nào về vấn đề chia chẻ các lớp Thiền Định của Phật Giáo Nguyên Thủy. Chúng ta sẽ liệt kê cả hai giả thuyết, để rộng đường dư luận.

A. Liệt kê 5 giai đoạn Thiền Định:

1. Ðệ Nhất Thiền.
2. Ðệ Nhị Thiền.
3. Ðệ Tam Thiền.
4. Ðệ Tứ Thiền.
5. Ðệ Ngũ Thiền.

B. Liệt kê 9 giai đoạn Thiền Định:

Thiền Hữu Sắc:
1. Sơ Thiền.
2. Nhị Thiền.
3. Tam Thiền.
4. Tứ Thiền.

Thiền Vô Sắc:
1. Không Vô Biên Xứ.
2. Thức Vô Biên Xứ.
3. Vô Sở Hữu Xứ.
4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.

Diệt Thọ Tưởng Định.

Theo thông tin của cuốn Tạp Thư, thì tiến trình 9 giai đoạn của Thiền Định có lẽ là hợp lý nhất. Lý do cũng khá đơn giản, có thể hiểu được là vì nó phù hợp với thực tế khách quan. Nếu chúng ta công nhận tiên đề của Vi Diệu Pháp cũng như là kiến thức dân gian: Con người là một tổ hợp của vật chất và tinh thần hay còn gọi là tổ hợp của Danh và Sắc; thì việc tu Thiền Định cũng phải giải quyết từng giai đoạn một. Bốn giai đoạn Thiền Hữu Sắc lấy sắc làm đối tượng để giải quyết vấn đề vật chất. Bốn lớp Thiền Vô Sắc để giải quyết vấn đề Tâm của con người. Sau khi giải quyết xong tổ hợp con người là Sắc và Tâm, thì bước thứ 9 mới có điều kiện để xuất hiện.
Phật Giáo Nguyên Thủy sử dụng một đối tượng là Sắc Pháp, có nghĩa là vật chất. Vật chất có nghĩa là cái bàn, cái ghế … làm đối tượng để chú Tâm vào. Việc chú Tâm vào một đối tượng duy nhất nào đó, Bát Chánh Đạo gọi là Chánh Định.

Người tu Thiền Định, sau khi điều thân, điều tức, bế lục căn (có nghĩa là cắt đứt cái gạch nối giữa giác quan và thế giới bên ngoài), chăm chú quan sát vào đối tượng một cách mạnh mẽ và liên tục, đối tượng này gọi là Sơ Tướng (Parikamma Nimitta). Sau đó nhắm mắt vô vẫn nhìn, nghe đối tượng rõ ràng, gọi là Thô Tướng (Uggaha Nimitta). Tiếp tục Quán Tưởng như vậy, người tu Thiền Định thấy đối tượng Quán Tưởng trở thành một vầng sáng hay vầng tối, gọi là Patibhaga Nimitta.

Bảng tóm tắt các tâm của Sơ Thiền Hữu Sắc:

1. Tâm Vương: Sơ Thiền Hữu Sắc.
2. Thiền Chi: Tầm, Tứ, Nhất Tâm, Hỉ, Lạc.
3. Bản chất của Sơ Thiền Hữu Sắc:
Thiền Thiện Tâm / Tịnh quan tâm.
4. Khả năng của Sơ Thiền Hữu Sắc:
Thiền Dị Thục Tâm / Duy Tác Tâm.
5. Có 35 tâm sở phối hợp:
13 Đồng, Bất Đồng Tâm Sở + 22 Tịnh Quan Tâm Sở

CTR.