LỜI MỞ ĐẦU


Chỉ có đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tượng hình một quả Càn khôn đặt giữa tòa Bát Quái. Trên quả Càn khôn, chúng ta thấy ngôi Bắc Đẩu, trên đó vẽ một con mắt bên trái để cho nhơn sanh sùng bái với ý nghĩa thờ Trời, cũng là thờ Người. Đây là nguyên lý độc nhứt vô nhị.

Bởi Đức Chí Tôn đến lập Đạo Kỳ ba, muốn bảo tồn triết lý nhơn sanh trong đạo pháp nên dạy thờ Thiên Nhãn tức là thờ thần Thiên lương của nhơn loại.

Bao quanh Thiên Nhãn là khung mây hình tam giác tiêu biểu cho lý Thái cực, bao trùm cả Thiên Nhãn, ở bên trong thể hiện vòng vô cực, chính giữa có nhứt điểm thần. Ở người là con ngươi.

Còn ở trời đất là cái Tròn với cái Vuông của hai đấng Chí Tôn. Quả Càn Khôn tượng cái bản thể viên dung ở lý đạo, vốn con số "không" (0), chớ thuở Hồng Mông đạo sanh nhứt là Phật, nhứt sanh nhị là Pháp, nhị sanh tam là Tăng, nên giữa khoảng không phát một tiếng nổ thì khí hư vô biến sanh ngôi Thái Cực tức là phần Tăng của nguơn vô thỉ, liền có Đức Chí Tôn hiện nơi khối lửa Thái Cực, ngự trị cả Phật, Pháp, Tăng. Đức Chí Tôn chuyển vận linh tánh biến xuất ba nguơn khí là : 1)ø Lý phản phục, 2) Pháp thu liễm, 3) Cơ định vị, rồi mới khởi thỉ tạo Càn Khôn Thế giới. Xong, khối lửa ấy tắt không còn nữa tức làThái Cực nhi Vô Cực.

Từ cái không hình thành cái có. Từ cái có trở lại cái không đều do đạo pháp hư vô. Nên cơ Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ, Thái Cực là khởi

thỉ, Vô Cực là nhi trị, ở trời đất cũng như ở con người tư tưởng của tâm, còn hành động ở tánh, nhưng tâm cũng là tánh.

Thờ quả Càn Khôn với Tôn giáo Cao Đài là thờ cái lý âm dương của trời đất, ấy là đạo, bởi âm dương hòa sanh hóa Càn Khôn vạn vật và chư Thần Thánh Tiên Phật cũng do đó mà ra. Nói về Pháp, cái phần siêu thể để tượng lý nguơn khí của Chí linh tức là thờ Trời. Còn về vật thể là hình ảnh của Vạn linh ấy là đất nên thờ quả Càn Khôn có nghiã là thờ Chí linh và Vạn linh. Ta nhìn vào Chơn Pháp của Đức Chí Tôn dạy phải đốt trong lòng quả Càn Khôn một cây đèn , thay cho ngọn huệ đăng chiếu rực Tam Thập Lục Thiên, còn ở chúng ta tâm cũng thuộc hoả làm điểm dương của lý Thái Cực để vận hành tiểu thể thiên địa nầy, Thái Cực ở Trời tức là Tam Tài nên triết lý Cao Đài đã thể hiện khung hình tam giác nơi ngôi thờ Đức Chí Tôn là một đấng chủ tể Càn Khôn nắm quyền Phật, chủ cả Pháp và Tăng.

Với cơ năng ba hào dương, tạo hóa đã tượng hình tam giác bằng ba ngọn đèn Thái Cực và Lưỡng Nghi khi hành lễ, để phát huy ba điểm dương của Đức Chí Tôn trong cơ khởi thỉ Càn Khôn. Từ Thái Cực, Lưỡng Nghi gác tréo sanh tứ tượng không tính số toàn là dương. Chừng biến tứ âm thành Bát Quái là cơ chưởng giải của đại Vũ Trụ, nên nơi tòa Bát Quái thờ quả Càn Khôn có đủ lý âm dương. Bên trong quả Càn Khôn có ba mươi sáu cọng sườn nằm theo chiều dọc, thể hiện cho Tam Thập Lục Thiên là con số cửu của Trời, mặt ngoài có Thất Thập Nhị Địa là con số cửu của đất, Bề kính tâm 3 thước 3 tấc, 3 nhân với 3 lại là 9, thành ra ba hào dương của cung Càn là Trời. 3 lần 9 là 27 cũng từ 9, là con số định vị cho Càn Khôn. Nếu lấy số chín mà cộng với "tam" của Tam Thiên Thế Giái là con số mười hai, vốn số Thập Nhị Địa Chi của Phật Mẫu, với Đức Chí Tôn ba là con số khởi thỉ, 9 là con số định vị tức thị con số Thập Nhị Khai Thiên vì lẽ đó mà cả chúng sanh phải vận hành theo qui luật tạo đoan giữa không gian và thời gian của một chu kỳ. Chẳng vật thể gì ở ngoài pháp can chi của trời đất biến dịch, Chi là hệ ngang, Can là hệ dọc cũng như pháp tứ tượng ở nơi tiểu Vũ Trụ của chúng ta, trí là hệ thống âm, tâm là hệ thống dương, người có cả hai không thể thiếu, nếu thiếu chiều dọc là con người quên hẳn nguồn gốc Thiên lương, thảng họ được chiều ngang thì giỏi phần tấn hóa, dầu có tài trí, nhưng tánh ý không hiền.

Đại Đạo là một triết lý duy nhân. Do đó, chúng ta muốn hiểu đạo học phải tầm gốc ở nhơn sinh chỗ tình người, bởi nhơn sinh là một phần tối linh của Thượng Đế, không phải duy thiên duy địa mà bỏ nhân, nên mọi sự sống nhất tịnh nhất động với hệ thống có qui luật nhịp nhàng do máy hành tàng... "các hữu Thái Cực". Cái của Chí Linh ở trong Vạn Linh giữa Chí linh và Vạn linh, nên Cao Đài giáo đã thể hình hai chữ Thiên Thượng và Thiên Hạ,ï riêng chúng ta là phẩm tối linh phải gìn còn cái thiên lương để xử kỷ tiếp vật, tất nhiên chúng ta thật hành cái triết lý Trời Người đồng trị, nên phần nhơn sinh nhìn vào bản thể là một tiểu Vũ Trụ, phải kết tụ cái pháp thân bằng thần của Vạn linh. Nhờ vật loại cộng sinh vào đó để làm hình ảnh thiên lương của Chí linh tức là Trời.

Chúng ta muốn hiệp được cùng Trời thì tâm tu không xa rời bổn thiện, về phần nội tại ta nên nhận thức Đại Đạo là cơ qui nhứt của Đức Chí Tôn với chơn pháp đồng nguyên thì sự luận giải về triết lý Vũ Trụ phải gắn liền với triết lý nhơn sinh ở mặt tâm linh và đạo pháp.


Thánh Địa Cao Đài, ngày 6-5 (nh) Canh Ngọ
(DL 28-6-90)
Soạn giả : HUỆ PHONG


http://www-personal.usyd.edu.au/~cda...sv/ddtlnb1.htm