kết quả từ 1 tới 20 trên 21

Ðề tài: Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh

    Lược thuật Tòa Thánh Tây Ninh
    Biên Soạn : T. L. THIỀN GIANG, MINH TÂM & THANH QUANG

    Mục Lục

    Bức Tâm Thư
    I.- Ngôi Cửu Trùng Đài
    II.- Ngôi Tòa Thánh
    III.- Nội Tâm Tòa Thánh
    IV.- Bát Quái Đài
    V.- Lịch Sử Kiến Trúc Tòa Thánh
    VI.- Các Cơ Quan Trong Nội Ô Tòa Thánh
    VII.- Ngội Hiệp Thiên Đài
    VIII.- Điện Thờ Phật Mẫu - Báo Ân Từ
    IX.- Cơ Quan Phước Thiện


    Bức Tâm Thơ

    KÍNH ĐỌC GIẢ,

    Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo CAO ĐÀI xuất hiện tại miền Nam nước Việt, ngoài 38 năm.

    Sự hiện diện của nền Tân Tôn giáo nầy đã làm cho thế giới quan tâm không ít...
    Tất cả sự huyền diệu và giáo lý của Đạo CAO ĐÀI đã được tiêu biểu đại cương tại Tòa Thánh Tây Ninh.
    Ngôi Tòa Thánh này có sự kiến trúc kỳ quan, tàng ẩn bao thể pháp vô vi, hữu vi tiêu chuẩn sự mầu nhiệm của nền Đạo CAO ĐÀI.
    Sự qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi nơi Tòa Thánh Tây Ninh có gì làm tiêu biểu?... Mục đích cứu cánh nền Đạo thế nào?... Những cơ quan trong Đạo ra sao?... Và lịch sử xây cất Tòa Thánh, chúng tôi đã lược giải phân minh trong quyển sách nầy...
    Thiết nghĩ, ngoài sự liên quan đến nền Đạo đây cũng là một thắng cảnh như muôn ngàn thắng cảnh trong nước Việt Nam, du khách ai cũng được tự do đến xem và nghiên cứu về sự tích của thắng cảnh đó và rồi cũng có thể diễn thuật lại trên sách, báo.
    Mục đích của chúng tôi là giúp đọc giả bốn phương tìm hiểu thêm thắng cảnh Việt Nam... Nên chúng tôi đã nghiên cứu kỷ những tài liệu quan trọng hầu khảo sát sự kỳ quan mới mẻ nầy... và đã đăng tải trên “Nhật báo Thủ Đô” ngoài một tháng.
    Nay lại có nhiều thơ bốn phương gởi đến cũng như được phần đông tín đồ Cao Đài Giáo khuyến khích chúng tôi in thành sách.
    Trước nguyện vọng quí vị quan tâm, chúng tôi kính cẩn đáp lại bằng sự hoàn thầnh quyển sách nầy.
    Chúng tôi hy vọng sẽ được chỉ giáo thêm những điều khiếm khuyết để lần tái bản sau nầy sẽ hoàn hảo hơn.


    Kính thơ,
    Nhà sách MINH TÂM, ngày 4-2-1963



    LƯỢC THUẬT TÒA THÁNH TÂY NINH
    Biên Soạn : T. L. THIỀN GIANG .MINH TÂM & THANH QUANG
    Nhà sách Minh Tâm Xuất bản và giữ bản quyền -1963-



    TÒA THÁNH TÂY NINH


    TÒA THÁNH TÂY NINH xây cất tại xã Long Thành, quận Phú Khương (huyện Hòa Thành ) thuộc tỉnh Tây Ninh.

    Vì TÒA THÁNH ở tỉnh Tây Ninh, nên quen gọi “TÒA THÁNH TÂY NINH”. Đúng hơn không phải mang tên “Tây Ninh”, mà là “TÒA THÁNH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ” hay “TÒA THÁNH CAO ĐÀI”.

    ĐƯỜNG VÀO TÒA THÁNH

    Muốn đến Tòa Thánh nầy, du khách phải đi xe đò từ Sàigòn về Tây Ninh, khoảng đường 100 cây số. Đến Tây Ninh, xe đò còn phải về chợ Thương Binh (nguyên chợ nầy là nơi phế binh Cao Đài ở, nên gọi là chợ Thương Binh) độ chừng 5 cây số ngàn, rồi mới đến cửa số 2 của Tòa Thánh.

    Tại sao gọi cửa số 2?

    Vì diện tích nội ô Tòa Thánh độ 1 cây số vuông, chung quanh có hàng rào xi măng, hoặc những con đường phân biệt nội ô và ngoại ô. Cứ cách khoảng đều nhau độ 300 thước, thì có một cửa ra, vào.

    Tính từ cửa số 1, cửa số 2, cửa số 3... cho đến cửa số 12. Danh từ mỗi cửa đặt tên theo số thứ tự. Những cửa nầy vừa kiến trúc hoàn thành được 2: cửa số 1 và cửa số 4 mà thôi.

    Muốn vào nội ô xem Tòa Thánh, du khách phải đi qua cửa số 1 tức cửa chánh Tòa Thánh. Như đã nói trên, cửa nầy vừa được kiến trúc xong. Điều mà du khách quan tâm là thể thức kiến trúc kiểu mới, lạ, chạm trổ hình Rồng và Hoa Sen, sơn phết các màu sắc rực rỡ.

    Trên mỗi cửa nầy đều có hàng chữ “ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ” khắc bằng Hán tự hoặc Việt ngữ. Cửa làm phân tam quan rõ rệt: Nam tả; Nữ hữu. Còn chính giữa rộng hơn hai bên, để các cuộc lễ quan khách ra, vào hoặc chạy xe.

    Cửa nào kiến trúc xong như cửa số 1 nầy, đều cũng chia ba nóc phân biệt trên ba lòng cửa tam quan. Nóc giữa cao hơn, có gắn 3 cổ pháp:

    1- Cuốn Xuân Thu của Nho giáo (Đạo Nho) sơn màu đỏ, có khắc Hán tự “Xuân Thu”.
    2- Cây Phất Chủ của Lão giáo (Đạo Tiên) sơn màu xanh.
    3- Bình Bát Du của Phật giáo (Đạo Phật) sơn màu vàng.

    Ba cổ pháp trên đây tượng trưng sự qui tam giáo (Đạo Nho, Đạo Tiên và Đạo Phật) đều đúc bằng xi măng chạm trổ một cách khéo léo.

    Bên tả và bên hữu, trên nóc thấp hơn. Mỗi nóc đều có đúc hình giỏ Hoa Lam là Bửu pháp của vị Long Nữ Đồng Tử.

    Hai cây cột cửa to lớn hai bên có chạm hai câu đối Hán tự:

    “Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục”
    “Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền”


    Ngoài hình rồng hay bông sen, cửa còn có chạm dây và trái Nho trong các khuôn. Sự thật, không phải Hội Thánh chạm rồng để linh động, chạm bông sen để tăng cường sự đẹp đẽ đâu. Trái lại, mỗi mỗi đều ngụ ý sâu xa, du khách trông vào chỉ thấy vẻ đẹp, nào biết đâu những gì bí ẩn.

    Ý NGHĨA HAI CHỮ LONG HOA


    Chạm Rồng Hán tự gọi “LONG”, là một loài thú trong tứ linh (long, Lân, Qui, Phụng) và Bông Sen Hán tự gọi “HOA”, trong Cửu phẩm Liên hoa của Đức Phật.

    Lấy hai chữ LONG và HOA ráp thành: “LONG HOA”, tiêu biểu mục đích cuối cùng của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là độ rỗi nhơn sanh đi đến hội LONG HOA, một cuộc đại hội các đẳng chơn hồn chúng sinh, do Đức THƯỢNG ĐẾ hiện nay tá danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ điều khiển, phán đoán tội lỗi chúng sanh một cách công bình, gọi là phán đoán Hội LONG HOA.

    Nên cửa chạm hình Rồng và Hoa Sen là ngụ ý làm mục tiêu cứu cánh của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vậy.

    Còn những nhành lá và chùm trái nho là ngụ ý làm tiêu chuẩn cho cả Tín đồ cùng các Chức sắc hành đạo hiểu rằng chi chi cũng lấy nền tảng Nho phong làm căn bản: Liêm, Sĩ, Lễ, Nghĩa v.v..., và còn có nghĩa là tiêu biểu thời kỳ nầy Nho tông chuyển thế (Thánh giáo) nên những nhành lá và chùm nho đó tượng trưng sự xuất hiện đến kết quả của Đạo Nho vậy.

    Trên nóc, ở giữa, còn có ba cái vòng liên đới với nhau, như ta thường thấy vẽ trên sách, báo mỗi khi đề cập đến thể thao. Nhưng đặc biệt ba cái vòng tròn nầy sơn màu khác nhau.

    - Màu vàng, tức màu Phật (tượng trưng Đạo Phật) gọi là Thái Thanh.
    - Màu xanh, tức màu Đạo (tượng trưng Đạo Tiên) gọi là Thượng Thanh.
    - Màu đỏ, tức màu Thánh (tượng trưng Đạo Nho) gọi là Ngọc Thanh.

    Thái thanh, Thượng thanh và Ngọc thanh nầy do câu “Lão quan ứng hóa Tam thanh” mà cũng tượng trưng Tam giáo qui nguyên, hiệp nhứt.

    Ngoài ra, cửa còn phụ hệ những chi tiết như hình chữ VẠN gắn những bức tranh sơn thủy tuyệt vời.

    Hình ảnh cửa còn linh hoạt, chói chan trước mắt.

    Đi vào, du khách thấy liền hai căn nhà nhỏ, đúc tường lợp ngói, nằm song song hai bên lộ. Hai căn nhà nầy để những người có phận sự ở giữ gìn trật tự. Hoặc đánh trống canh giờ.

    Kế đó, du khách thấy ngay một ngôi nhà phía bên tả, nằm phơi bóng tráng lệ, nguy nga trong nắng vàng man mác.

    I- NGÔI CỬU TRÙNG ĐÀI

    Ngôi nhà này là cơ quan trung ương của Hòa Thành Cửu Trùng Đài. Cơ quan nầy có nhiệm vụ truyền bá giáo lý Đại Đạo và phổ độ chúng sanh gọi là cơ quan hành pháp. Nhóm người làm việc nơi đây là những Chức sắc lớn, nhỏ; đẳng cấp phân minh, hiệp lại mạng danh là “Hội Thánh Cửu Trùng Đài”.

    Ngôi Cửu Trùng Đài


    Ngôi Cửu Trùng Đài nầy, nằm song song với ngôi Tòa Thánh, hình thức kiến trúc: nóc bằng, dạng khối chữ nhựt, thật đồ sộ và nguy nga. Ngôi nhà nầy chia ra làm hai từng: dưới và trên là lầu. Toàn than sơn phết nước vôi nhưng đã lam mờ trắng nhạt.

    Du khách lần bước vào xem. Trước ngôi Cửu Trùng Đài có để hai chiếc băng đá dài, dành cho du khách ngồi ngắm ra sân cỏ xanh... xa xa núi Bà Đen soi dáng.

    Nhìn vào ngôi nhà nầy, thấy những bàn ghế thật nhiều để có thứ tự và một dãy tủ đặt dựa vách tường. Trên trần nhà, thân các cây kèo đúc bằng xi măng đều có chạm hình dây, lá và trái nho quấn lấy nhau, sơn màu xanh, điểm những ánh đỏ lung linh.

    Mỹ thuật kiến trúc như thế, hẳn Hội Thánh cũng ngụ ý lấy cây nho tượng trưng nề nếp nho phong căn bản Đạo Đức trên mọi lãnh vực Liêm, Sĩ, Lễ, nghĩa, Khiêm, Cung v.v... Ngoài ra, từng nầy có chia nhiều phòng. Các phòng ấy là những viện làm việc như sau, trực thuộc dưới quyền điều khiển của ba Chánh Phối Sư ba phái:

    1- Phái Ngọc (những chức sắc phái nầy mặc đạo phục, áo mão màu đỏ tức phái Thánh). Dưới ba phẩm chức sắc cao cấp (Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư) thì có một vị Chánh Phối Sư cầm đầu điều khiển. Dưới quyền vị nầy có ba viện:

    a) Hòa Viện là viện để phán xét, răn phạt, hòa giải những chức sắc nhỏ và tín đồ phạm luật pháp răn cấm của Đạo.

    b) Lại Viện là viện dùng để chuyển tiếp giấy tờ, hồ sơ, thơ tín trong việc truyền giáo của những chức sắc phổ độ chúng sanh từ bốn phương gởi về, hoặc vâng lịnh thượng cấp ban hành giấy tờ thuyên bổ chức sắc đi hành đạo v.v...

    c) Lễ Viện là viện lo sắp đặt tế lễ mỗi khi rằm, ba mươi, hoặc lo các vấn đề: quan, hôn, tang, tế.

    Đại diện mấy việc nầy, mỗi viện trên hết có vị Thượng Thống. Dưới quyền điều khiển của vị nầy, gồm có: Phụ thống, Quản văn phòng, Bí thơ và Thơ ký lo các việc giấy tờ; đặc biệt viện nào phận sự riêng viện nấy.

    2- Phái Thượng (những chức sắc phái nầy mặc đạo phục, áo mão màu xanh) tức là phái Tiên.

    Phái nầy, dưới ba phẩm chức sắc cao cấp (Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư) thì có một vị Chánh Phối Sư cầm đầu điều khiển. Dưới vị nầy cũng có ba viện:

    a) Học Viện là viện dùng để chăm lo sự giáo dục trẻ em trong Tôn giáo, đồng thời cũng là cơ quan huấn luyện các chức sắc nhỏ trong Đạo. Công việc thường xuyên Viện nầy còn là kho chứa dụng cụ văn phòng như giấy, mực v.v... để cung cấp các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

    b) Y Viện là viện dùng để lo cung cấp thuốc men cho tín đồ và chức sắc, chức việc hành sự khi bịnh hoạn. Viện nầy còn liên đới trách nhiệm săn sóc trẻ con mồ côi, tế trợ đồng bào khi hoạn nạn ốm đau...

    c) Nông Viện là viện trông nom sự trồng tỉa để cung cấp về trung ương nuôi những người hiến thân trọn đời cho Hội Thánh. Viện nầy còn có nhiệm vụ lo phát triển mọi cơ sở đồn điền, rẫy bái trong các Phận đạo khắp nơi.

    Đại diện mỗi viện có vị Thượng Thống và dưới quyền điều khiển của mỗi vị nầy cũng có Quản văn phòng, Bí thơ v.v...y như phái Ngọc mà lo phận sự riêng biệt.

    3- Phái Thái (những chức sắc phái nầy mặc đạo phục, áo mão màu vàng) tức là phái Phật. Cũng dưới ba phẩm chức sắc cao cấp như đã nói trên, thì có một vị Chánh Phối Sư cầm quyền điều khiển. (Xin đọc giả lưu ý, dù mỗi phái trên phẩm Chánh Phối Sư có ba phẩm cao cấp hơn. Song chỉ có hai phẩm Chưởng Pháp và Đầu Sư là mỗi phái có một vị. Còn riêng về phẩm Giáo Tông chỉ có một người mà thôi).

    Dưới quyền Chánh Phối Sư phái Thái cũng có ba viện:

    a) Hộ Viện là viện chấp chưởng và gìn giữ tiền bạc của Đạo.
    b) Lương Viện là viện lo sự ăn uống cho cả chức sắc, chức việc và tín đồ hành sự trong những cơ quan trung ương.
    c) Công Viện là viện lo tạo tác, tu bổ hoặc kiến trúc các cung thự trong nội ô Tòa Thánh.

    Đại diện mỗi viện nầy cũng có những vị Thượng Thống v.v... nhưhai phái kia vậy.

    Tất cả các việc trực thuộc dưới quyền điều khiển của Chánh Phối Sư mỗi phái là 9 Viện. Nhưng, tại hạ tầng ngôi Cửu Trùng Đài nầy chỉ có 6 viện mà thôi. Còn các viện kia như Y Viện, Nông Viện, Công Viện thì được làm việc nơi khác hoặc xây cất riêng biệt – Như Nông Viện cách Tòa Thánh gần 800 thước.
    Sau khi quan sát và tìm hiểu hạ tầng ngôi Cửu Trùng Đài, du khách có thể lên tầng lầu xem. Trên tầng lầu nầy, chỉ có bốn phòng riêng biệt. Ba phòng dùng để ba Chánh Phối Sư thuộc ba phái làm việc. Còn một phòng để làm văn phòng Đầu Sư.

    Tóm lại, sự làm việc nơi ngôi Cửu Trùng Đài tổ chức có hệ thống đặc biệt.Dù những vị chức sắc, chức việc hay tín đồ, hằng ngày làm việc phải mặc áo dái và quần “bà ba”, toàn màu trắng; chơn đi dép hoặc guốc thôi.

    Rời Cửu Trùng Đài, du khách thấy bóng ngôi Tòa Thánh hiện ra, màu sắc rực rỡ, nhấp nhô muôn vàn thể thức tựa hồ những ánh kim cương...

    Du khách sẽ dừng chơn mơ màng đứng ngắm ngôi Tòa Thánh nằm phơi bóng đồ sộ nguy nga... trập trùng chói lọi sắc màu... Có những nóc cao vút, vượt lên không trung, chơ vơ giữa trời bát ngát...

    Bây giờ, du khách quan sát tỉ mĩ, nghiên cứu từ phương hướng, vị trí và hình thể, rồi sẽ lần lượt tìm hiểu nội dung cả một công trình mỹ thuật vĩ đại, bao hàm những sự bí ẩn, linh thiêng...

    Ngôi Tòa Thánh ở về phía Tây đô thị Sàigòn, đi đường bộ phải mất 105 cây số ngàn. Vị trí, ngôi Tòa Thánh xây cất tại xã Long Thành, quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh, cách tỉnh lộ số 13 độ 150 thước và cách tỉnh lỵ Tây Ninh 4800 thước.

    Last edited by mynhan; 29-10-2018 at 09:09 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 14-03-2011, 02:46 AM
  2. Quảng Ninh - Phong Thủy Và Chiến Trận Tâm Linh.
    By dienbatn in forum Các bài của DIENBATN
    Trả lời: 26
    Bài mới gởi: 09-11-2010, 10:28 AM
  3. Trả lời: 25
    Bài mới gởi: 11-10-2010, 01:01 PM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 01-09-2010, 12:24 AM
  5. Giới Thiệu Trang Web Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh
    By nguoi_vui_ve in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 01-09-2010, 12:23 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •