Đề tài này SMC đã đắn đo nhiều lần, cũng như có không ít bài trước kia đã nói rồi. Nay "nhai lại" như bò nhai cỏ, chỉ mong quý ĐH nếu có rãnh đọc, thì hãy bỏ qua tất cả những quan kiến mình có, chỉ đọc bài mà thôi. Sau đó hãy tư duy, ngồi thiền và suy nghĩ xem chỗ nào phù hợp, chỗ nào chưa phù hợp. SMC hoan hỷ khi chúng ta trao đổi trong Chánh ngữ và đây cũng là sở hành của một người đệ tử Phật.

Đi vào vấn đề, SMC nhận thấy thực trạng hiện nay chúng ta tranh cãi thế này - thế khác chắc phần lớn là do tư duy mỗi người nhìn nhận vấn đề. Ở đây, SMC không phân định đúng - sai mà chỉ muốn chúng ta có cái nhìn bao quát hơn ở nhiều khía cạnh. Đặc biệt là về cái gọi là: linh hồn, thần thức. Ngay trong Phật giáo, hiện nay, trong diễn đàn này, chắc cũng có nhiều người còn mơ hồ về cái "linh hồn" này, đặc biệt là các ĐH mới bước chân vào Tịnh Độ Tông. Vì bởi: hơn 50% người tu Tịnh Độ mà SMC có dịp tiếp xúc qua, đều cho rằng: sau khi chết, mình xuất hồn ra, đi về một thế giới khác!

Thế thì dưới góc độ của Đạo Phật, Đức Phật đã nói những gì... chúng ta hãy từ từ đọc và chiêm nghiệm thử xem nhé.

Ở đây nói rõ hơn, theo quan niệm linh hồn, sau khi chết chúng ta tuy là một người hay một loài vật khác nhưng vẫn có "ai đó" ở đấy, như anh A chết đi sau đó tái sinh, vẫn là anh A nhưng ở một hình thức khác. Thực sự theo Phật giáo thì không phải vậy, Phật giáo nói đến vô ngã, không có "ai" cả! Khi tái sinh, chúng ta không còn là "ai đó" nữa, mỗi kiếp sống, chúng ta là một người hoặc sinh vật khác, điều kết nối duy nhất giữa các kiếp sống ấy là kamma (nghiệp- hành) tàn dư, như ngọn lửa tàn của đống cháy này làm ra một vụ cháy khác mà thôi.

Ở đây ví dụ như chúng ta đấm vào tường thì cái đau (tái sinh) là hậu quả của hành động, chứ cái đau (sự tái sinh) không phải chính là hành động ấy (cú đấm). Đó là vô ngã. Không có linh hồn, không có thần thức, không có chủ thể cố định. Giống như khi một người nghiện thuốc chết đi, khi mới sinh ra anh ta không hề nghiện thuốc, nhưng do hậu quả của dòng nghiệp khi trưởng thành anh ta hút thuốc và nghiện trong kiếp sống mới, đó là hai con người hoàn toàn khác nhau, kiếp sống sau chỉ là hậu quả của nghiệp từ các kiếp sống trước.

Nếu chúng ta đấm thật mạnh vào tường, thì chúng ta sẽ nhận một cơn đau đớn khủng khiếp; nếu chúng ta vuốt ve, chúng ta sẽ nhận lại được sự êm ái. Đây là Nhân Quả (karma) và Luân Hồi (samsara) không hề có tư duy tôn giáo trong đó. Nếu chúng ta đấm nhất định chúng ta sẽ đau, nếu chúng ta vuốt ve chắc chắn chúng ta sẽ êm ái. Chúng ta có hành động (nghiệp) chắc chắn chúng ta sẽ có tái sinh, nhưng dẫu sao đó vẫn là trong sự luân chuyển vô cùng. Phật giáo không dừng lại ở đó.

*Karma: Nghiệp có nghĩa là Thân hành, Ý Hành, Khẩu hành. Hành động tạo ra kết quả thì gọi là Nghiệp.

*Samsara: tương tục, luân hồi (Luân tức là luôn luôn xoay chuyển và tiếp diễn. Hồi ở đây là trở lại, hành động trả lại cho chúng ta hậu quả)

Phật giáo ở một mức độ cao hơn nữa....Khi chúng ta chấm dứt Kamma, chấm dứt sự luân chuyển của dòng nghiệp thiện và ác do các kiết sử bám chấp sai lầm vào sự vật sự việc. Lúc mà dòng nghiệp không còn được tạo ra nữa, ấy là Tịch Tĩnh (Niết bàn). Những tác động cũ của dòng nghiệp vẫn sẽ tới khi năm uẩn còn tồn tại (tàn dư của kiếp sống trước), nhưng khi đã chấm dứt năm uẩn, chính là vô dư Niết Bàn - đó là nơi an ổn hoàn toàn, chính là giải thoát khỏi hai dòng nghiệp thiện và ác. Chính vì không có ngã, không có linh hồn, chúng ta mới đạt được giải thoát. Đừng hình dung thành quả của Phật giáo đó chính là trở thành một cái Ngã khác ở trên trời, hoặc trở thành một "ai đó" như vậy là không phải vô ngã, không phải nội dung Phật giáo.

Tựu chung chúng ta ở đây là kết quả của vô vàn hành động và nhân duyên nhưng không hề có một Linh hồn và chủ thể nào bên trong. Vậy ai Khổ, ai giải Thoát? Thực ra khi nói Ta Khổ là chỉ có phiền não Khổ. Hãy nhớ, chỉ có phiền não Khổ mà thôi, ngoài ra không có "ai" Khổ cả. Giải thoát là giải thoát khỏi phiền não, không cần có Ngã, chúng ta vẫn khổ và vì không có Ngã. Đây là điểm rất quan trọng... chúng ta ở đây chỉ là kết quả của các nhân duyên, đoạn tận các nhân duyên của phiền não chúng ta tìm thấy giải thoát, vốn dĩ chúng ta luôn Vô Ngã.