kết quả từ 1 tới 20 trên 97

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #5

    Mặc định

    Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”
    Đền Cờn là một trong 4 di tích nổi tiếng của xứ Nghệ, là một di tích văn hoá kiến trúc nghệ thuật, một danh thắng của xứ Nghệ xưa nay, một địa chỉ văn hoá tâm linh nổi tiếng. Ngày 29/01/1993 Bộ Văn hóa - Thông Tin ra quyết định số: 68/QĐ - BVHTT công nhận Đền Cờn là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

    Đền Cờn(Nghệ An),
    Đền Cờn là ngôi đền cổ kính nằm cuối giòng Mai Giang bên cửa lạch Càn nên người địa phương còn gọi là Đền Càn. Cửa lạch nầy là ranh giới thiên nhiên giữa hai vùng đất: phía Bắc núi non hiểm trở, phía Nam là đồi cát nhô cao, thỉnh thoảng xen vào một vài ngọn núi thấp trải dài đến lạch Quèn.
    Từ Lộc Thủy thuộc xã Quỳnh Bảng về hướng Bắc khoảng bảy cây số đến tận cùng bãi Ngang sẽ gặp lạch Càn. Qua cửa Càn về phía Bắc là làng Trắp nép mình dưới chân núi Xước bên cạnh núi Voi. Đó là một dãy núi đồi nối dài từ Trường Sơn ra tận bờ biển. Nước nguồn từ dãy Trường Sơn tập trung về vùng rừng núi Văn Lâm rồi chảy qua bến Nghé (xã Quỳnh Thắng), xuôi giòng xuống Hoàng Mai, đi qua làng Trắp và đổ vào lạch Càn, nơi đó cùng với nước sông Mơ lưu chuyển từ lạch Quèn tới để cùng nhau xuôi giòng ra biển. Từ cửa Càn nhìn ra biển, ta có thể thấy hòn Mê ở phía Bắc và hòn Ói ở phía Nam nhô lên giữa biển, cách đất liền không xa. Hòn Mê to hơn hòn Ói."Lịch Triều Hiến Chương Loại Chú" của Phan Huy Chú ghi: cửa Cờn là một trong năm cửa biển vùng phủ Diễn Châu (nay là huyện Đông Thành, Quỳnh Lưu). Trong năm cửa biển này, cửa Cờn được sử sách nhắc nhiều nên được nhiều người biết tiếng; tại cửa biển không những nầy có ngôi đền thờ "Bà chúa" rất danh tiếng, mà còn có nhiều biến cố lịch sử...

    Thế kỷ thứ 13 thời Nhà Trần, Thượng tướng Thái Sư Trần Quang Khải đã đánh nhau tại đây với quân Toa Đô. Cuối đời Nhà Trần (TK 15), tướng Nguyễn Cảnh Di và Đặng Tất lập căn cứ quân sự ở vùng rừng núi Hoàng Mai để chống trả quân Nhà Minh xâm lược. Quân Minh thất bại nặng nề, một số tướng tá bị Phạm Đình Trọng bắt sống. Trong lịch sử, nhiều trận đánh đã diễn ra dưới chân núi Xước hoặc trên giòng Mai Giang, cho nên dân gian mới có câu hò: Quỳnh Lưu chiến địa Mai Giang huyết hồng...Cửa Cờn cũng là nơi dừng chân của các đạo quân Nhà Trần, rồi Nhà Lê, Chúa Trịnh vượt biển đi đánh Chiêm Thành hoặc đi dẹp loạn quân phía nam đất nước... Năm Hồng Đức thứ ba (1471) vua Lê Thánh Tông đánh quân Chiêm chiến thắng trở về. Thuyền rồng đi đến Cửa Biện (Bạng) thuộc Thanh Hóa, bỗng gió thổi mạnh, đành phải trở lại Cửa Cờn. Vua vào đền Cờn dâng lễ tạ thần Tứ Vị. Đêm đó vua nằm ngủ mơ thấy nữ thần phán rằng: "Bất năng tế độ nhân, phản dị hoa nhân". Thức dậy vua cho đó là lời than thở của bậc trung nghĩa, bèn cho lập đàn tế lễ và ban hiệu "Tiết nghĩa – nhất nhũ nhị nương" (một bà mẹ có con và hai người con gái tiết nghĩa). Sách "Đại Nam nhất thống chí" có ghi: Nơi đoàn thuyền của vua bị gió Đông thổi ngược chiều nên phải quay trở lại, nay đổi tên là Đông Hồi, tức là Hồi Châu – Quỳnh Lập ngày nay. Đền Cờn được xây cất vào năm 1235, đời nhà Trần để thờ Đức Thánh Mẫu và Tứ Vị Thánh Nương (nữ thần bảo vệ phù hộ cho những người làm ăn sông nước). Đền Cờn đứng đầu bốn đền nổi tiếng nhất của miền Hoan Diễn: "Nhất Cờn nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng".

    Đền Cờn tọa lạc dưới chân đồi cao phía sau lạch Càn, bên bờ sông Mai uốn khúc.Mênh mông nước biển mây trời, Giòng sông soi bóng đền đài nguy ngaCửa Cờn là chỗ sông Mai tiếp nhận nước sông Mơ từ lạch Quèn chảy tới rồi cùng đi ra biển. Đối diện với đền, bên kia sông Mai, phía Tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô phía Bắc như con rồng to đang uốn mình trước khi nhào xuống biển. Phía sau đền có hai đồi cát nhô cao giăng dài như hai cánh phượng hoàng muốn cản ngăn sóng biển gió Đông. Theo địa lý – phong thổ thì đền Cờn được xây theo thế đầu chim phượng. Hai "mắt phượng hoàng" là giếng Đò và giếng Đình trên hai ngọn đồi phía sau đền. Đền Cờn từ một miếu nhỏ thờ "Bà chúa" cho đến khi trở thành một ngôi đền thờ Tứ Vị đã qua biết bao đổi thay. Sự hiện hữu của cái miếu nhỏ đầu tiên được thêu dệt bằng một câu chuyện huyền thoại: Một nàng công chúa bên Tàu, vì thất tình hay vì oan ức, nhảy xuống biển tự tử. Nhưng Trời Phật công minh đã biến nàng thành khúc gỗ trôi dạt vào lạch Cờn. Dân làng Kẻ Càn trông thấy khúc gỗ, nhưng coi thường, trẻ em dùng làm phao để bơi lội chơi đùa trên sông. Sau một thời gian, khúc gỗ ấy theo nước thủy triều trôi ra biển, rồi bềnh bồng trôi dạt đến vùng biển núi Qui Lĩnh (hòn Ói) thuộc làng Phú Đa (Phú Lương). Có người đưa khúc gỗ về nhà để bửa ra làm củi. Khi lát dao đầu tiên chạm vào khúc gỗ, người đó hoảng hồn vì thấy máu từ khúc gỗ chảy ra. Tin đồn về chuyện lạ loan nhanh khắp làng. Dân Phú Đa lập miếu thờ khúc gỗ thần. Từ đó cả làng làm ăn phát đạt, cá mú được nhiều, bình an giàu có. Dân làng Kẻ Càn nghe biết chuyện đó rất hối tiếc, bèn lập kế lấy lại khúc gỗ thần. Một đêm, dân làng Kẻ Càn chia làm hai nhóm, đường thủy và đường bộ cùng xuống Phú Đa đánh cướp gỗ thần để đưa về thờ. Khi cướp được khúc gỗ đưa về tới cửa Ngâm thì dân Phú Đa đuổi kịp. Hai bên tranh cãi dành nhau khúc gỗ. Dân Phú Đa thắng cuộc. Họ đem khúc gỗ trở về miếu thờ. Dùng bạo lực bất thành, dân Kẻ Càn làm đơn khiếu nại lên triều đình. Vua Trần Nhân Tông sai quan đại thần đến tận nơi xét xử. Sau khi nghe đôi bên biện bạch, quan lớn phán: Mỗi làng một hương, đốt thấy khác thường thì cho thắng kiện! Làng Kẻ Càn thắng kiện. Họ bèn lập miếu thờ Bà chúa tại cồn Quạ, vì thế dân địa phương cũng thường gọi là Đền Quạ; sau nầy đổi là Cần Miếu, tức là Đền Cờn ngày nay. Từ đó, hàng năm vào cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, dịp Tết Nguyên Đán dân làng Phương Cần tổ chức Hội Đền Cờn để diễn lại sự tích gỗ thần thuở xưa. Dân làng gọi đó là "trò lề phát tích".

    Ngày mồng Một Tết Âm lịch, lễ hội mở màn bằng thuyền du xuân trang trí hoa, cờ lộng lẫy. Chiêng tiếng trống vang một góc trời. Hội chính thức được tổ chức vào ngày 21 tháng Giêng, bằng một trận "thủy chiến" có quân xanh, quân đỏ giao chiến trên một dãi đồi núi hiểm trở kéo dài 10 cây số từ làng Phú Đa đến làng Phương Cần. Những chàng trai khỏe mạnh đóng khố chít khăn cầm búa rìu, giáo mác khác nhau để phân biệt người của giáp nào. Khi lâm trận phải mang "vũ khí" là đòn khiêng, dây, chạc, gậy gộc. Trận giả nầy cứ ba năm được tổ chức một lần và gắn liền với truyền thuyết dựng đền lập miếu. Tại hội đền, các trò chơi như múa sênh tiền, du tiên, đấu vật, đánh cờ người, đốt pháo bông, đua thuyền rồng, hát tuồng, diễn kịch, hát chèo... diễn ra sôi nổi hào hứng thu hút nhiều khán giả và diễn viên tham gia. Người dân địa phương tin rằng năm nào giáp tam (đội 3) thắng trong trò chơi đánh trận giả – cũng được gọi là chạy Ói – thì năm đó biển lặng sóng yên thuyền chài đánh được nhiều cá, đời sống no đủ an hòa. Sau nghi lễ và các trò chơi là lễ cúng tế thể hiện niềm tin dân gian như lễ cầu lộc, tạ ơn, cầu phồn thực...

    Để diễn lại sự tích khúc gỗ thần còn có lễ rước thuyền du xuân: Sáng mồng Một Tết, hai thuyền Ngự, trên đó đặt kiệu sơn son thếp vàng cũng được gọi là Nhà Vàng và bài vị vua Đế Bính cùng các thần. Chung quanh hai thuyền Ngự có bốn thuyền chèo hộ tống đi du xuân. Từ cửa đền Cờn thuyền du xuân đến Cồn Mò Cua rồi xuôi ra cửa lạch chèo về phía hòn Ói. Đoàn thuyền dừng lại một lát ở các chỗ theo tương truyền khúc gỗ thần đã dạt vào đó, rồi chèo tiếp cho đến khi đến gần hòn Ói thì chèo quay trở lại và về đền. Ngoài ra còn có các nghi thức lễ khác như lễ tế trâu, tế trầu, tế bánh được cử hành trong các ngày kế tiếp sau đó...Đền Cờn cũng nổi tiếng là nơi thờ Tứ Vị thần rất linh thiêng. Bốn Vị thần được thờ kính tại Đền Cờn được biết qua nhiều chuyện truyền khẩu trong dân gian và đặc biệt là trong cuốn "Đại Càn Thánh Mẫu ngọc phả" hiện còn lưu trữ tại đền thờ Tứ Vị ở làng Quần Phương (Nam Định). Sách viết: "Mẫu (Dương Thái Hậu vợ vua Tống Đoan Tông) nghe tin vua mất, kêu trời nói: "Ta vất vả tới đây là vì một chút dòng máu họ Triệu. Đến nay thì không mong gì nữa"! Nói xong bà ngất đi. Thế Kiệt bèn rước Mẫu và ba vị công chúa định chạy về Quảng Đông. Nhưng gặp gió bão. Thế Kiệt chết đuối. Lúc bấy giờ mênh mông mặt nước, chìm nổi hãi hùng. Bỗng thấy có rồng hộ giá. Mẫu và ba vị công chúa trôi dạt tới biển Cờn Hải thì may mắn gặp được một vị sư già chùa Qui Sơn cứu sống rồi cho ở nhờ tại đó. Khi hay biết được nguồn gốc lại càng cung kính mến yêu. Nhưng Mẫu thì nghĩ sự đã qua, buồn Bắc khuyết xa xôi mù mịt, sống nhờ nơi đất khách, tưởng Tây Thiên gần gủi đâu đây. Núi nầy ở giữa biển, trong vùng hải đảo ít người qua lại. Vị sư già trụ trì ở đây đã lâu. Dù ngọc bích không có vết xước ở chốn cảnh thiền, song con mắt tục vẫn ngờ vực. Bấy giờ có vài sư loại xoàng vẫn lấy sự thường bàn tán. Sư già không biện bạch được, bèn thầm nguyện chốn phật tiền, buồn sầu và hối hận rồi nhảy xuống biển để nêu rõ chí hướng. Mẫu nói với ba vị công chúa rằng: "Thù nước không trả được. Dòng dõi không thể kéo dài. Ta nhờ vào người để sống mà lại buộc người vào cõi chết, thì tiếc gì chút sống thừa". Rồi cùng nhau nhảy xuống biển mà chết. Xác trôi lại cửa Cờn Hải. Bấy giờ là ngày mồng 7 tháng Giêng. Sau khi mất, Thượng Đế phong cho Mẫu là "Nam Hải Phúc Thần" cai quản mười hai cửa biển. Ba vị công chúa cũng được thờ phụ cùng với Mẫu. Từ đó thiêng liêng lừng lẫy. Các nơi ven biển đều lập miếu thờ. Phàm các hành nhân dù phương nam hay phương bắc đều tới cầu đảo và thấy có ứng nghiệm rõ rệt". Tương truyền rằng: Niên hiệu Hùng Long thứ 20 (1312), đời vua Trần Anh Tông, khi vua đi đánh Chiêm Thành, dừng chân ở cửa Cần Hải. Đêm mơ thấy một vị Nữ Thần xưng là người nước Triệu Tống, có bốn mẹ con. Do khốn đốn vì sóng gió, nên trôi dạt đến đây được Thượng Đế phong làm hải thần đã lâu rồi, xin cho đi phò giúp việc quân. Tỉnh giấc, nhà vua cho đặt tế lễ rồi cất quân. Thuyền vua đi, sóng yên biển lặng. Chiến thắng trở về. Vua truy phong là "Quốc Mẫu Vương Bà Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần" và lập đền thờ tháng năm phụng sự. Vua còn ra sắc cho cư dân ven biển lập đền thờ tự. Nhân dân đội ơn phúc huệ. Cửa Cờn ở Nghệ An, cửa Tương ở Quảng Nam, cửa Triều ở Thanh Hóa, cửa Lác ở Nam Định cũng rất linh thiêng... Trong dân gian còn có nhiều chuyện truyền khẩu khác nói về bốn vị thần được thờ kính tại đền Cờn...Sách "Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Ngọc Phả Lục" cho biết: hoàng hậu, hai công chúa và bà cung phi đó là Hồng Đại Nương (Hoàng hậu), Hồng Mai, Hồng Hạnh (công chúa) và Hồng Thị (cung nữ). Theo sách này, nhà sư không hề muốn tư thông ân ái với bà hoàng hậu, nhưng vì sự hiểu lầm nghi oan của người đời, nên sư quyết định tự tử. Năm 1312 vua Trần Anh Tông, hiệu Hưng Long thứ 20 truyền cho đại thần triều đình trùng tu lại Cần Miếu để thờ Tứ Vị và đồng thời ban sắc chỉ hằng năm tổ chức quốc lễ tại đền nầy. Vua còn ban cho đền Cờn vinh dự là "Quốc Gia Nam Hải Đại Càn, Thánh Nương Tứ Vị thượng đẳng tối linh Thần".

    Ngôi đền được kiến thiết lại gồm có ba gian, bốn vì lợp ngói, cửa ra vào thượng song ba bản. Đền lúc bấy giờ chỉ có một tòa gọi là Thượng Điện, trong đó đặt bài vị các Thánh. Năm Hồng Đức thứ hai (1471), vua Lê Thánh Tông truyền xây thêm Tòa trong và Hạ Điện của đền chính, tức Thượng Điện. Tòa Trung Điện nằm dọc, có ba gian và bốn vì, bốn hàng cột. Tòa Hạ Điện nằm ngang có ba gian, bốn vì, hai bên thưng ván tốt. Hai tòa nầy gắn liền với tòa Thượng Điện phía trước làm thành hình chữ công. Đức vua cũng cho xây Đền Ngoài trên núi Hùng Vương (người địa phương gọi là Núi Thằn Lằn). Đền Ngoài nầy gồm có ba tòa nhưng qui mô nhỏ và đơn giản hơn đền chính. Đến đời vua Lê Thánh Tông, gỗ thần được dùng tạc thành tượng các thần thờ ở Thượng Điện. Trung Điện là nơi đặt bài vị thần Tứ Vị. Còn Hạ Điện là nơi đặt bài vị của các trung thần. Dưới thời vua Cảnh Trị (Lê Huyền Tông), các tòa thượng, trung và hạ được trùng tu sửa chữa lại và thêm Tòa Ca Vũ là nơi để tế lễ hát xướng tụng kinh. Sau đó Tòa Ca Vũ nầy lại được trùng tu và hoàn chỉnh dưới thời Cảnh Hưng thứ ba mươi, tức vua Lê Hiển Tông (1769). Vua truyền phải sửa lại Tòa Ca Vũ theo lối kiến trúc tứ trụ, tứ linh. Lòng nhà dài 15,15m, rộng 7,5m, có 6 vì và mỗi vì có 4 cột bằng gỗ lim. Tường xây gạch và lợp ngói mũi hài, rui đóng liền nhau. Bốn khóa ngang chạm trổ các hình lưỡng long chầu nguyệt, cửu long tranh châu, long li quy phượng và hổ phù với rồng ngậm ngọc. Nhiều bộ phận khác cũng được trang trí, chạm trổ một cách tinh vi mỹ thuật. Đầu các cột chính của ba gian giữa có chạm lưỡng long chầu nguyệt, phượng múa rồng chầu và cá chép hóa rồng. Các đuôi xà kèo ngoài hiên có chạm các hình long mã phù đồ, phượng hàm thư đang múa, rồng cuốn thủy có cá chép đang ngoi lên, long quy và lưỡng long đang vườn đuổi nhau trông rất ngoạn mục. Ngoài vườn có hoa, cây cảnh, hồ sen tuyệt đẹp... Đời vua Gia Long thứ sáu (1807), vua ban chiếu chỉ đựng Tòa Nghi Môn và trùng tu nhiều phân bộ của đền. Vua Tự Đức (1848-1883) cho xây lại hoàn chỉnh Đền Ngoài và canh tân sửa lại những nơi hư hỏng của đền chính. Về những sinh hoạt tổ chức tế tự trong đền cũng có nhiều thay đổi theo luật tiến hóa của thời gian hoặc vì thời thế bắt buộc. Từ những nghi lễ đơn sơ đến những lễ hội tưng bừng như ngày nay. Ban đầu khúc gỗ thần chỉ được bọc trong tấm vải lụa quí và hằng năm được thay vải lụa mới đặt nơi cao trọng nhất để dân kính viếng. Vải lụa cũ đã dùng bọc gỗ thần được cắt nhỏ chia cho các thiện nam tín nữ dùng như bùa chú hộ mệnh... Khi đền đã được nới rộng tân trang thành ba tòa nhà (Hạ Điện, Trung Điện và Thượng Điện) thì gỗ thần được dùng tạc tượng các thần thờ trong Thượng Điện, nơi đó không ai được phép vào, chỉ có thượng sư trong chức vụ cúng tế trong đền được vào mà thôi. Và từ đó thiện nam tín nữ đến kính viếng khấn xin chỉ có phép ở Tòa Ca Vũ thắp nhang khấn vái khẩn cầu mà thôi. Theo như những cụ lớn tuổi làng Cờn kể lại thì vị sư phụ trách việc cúng tế được vào Thượng Điện là vị trưởng thượng có uy tín, đức độ, được mọi người vị nể kính trọng. Ngoài lộc Phật ra, cụ còn được dân làng cấp bổng. Vị sư trưởng thượng nầy có trách nhiệm chu toàn việc tế tự một cách xứng đáng.Tháng 9 năm 1966 máy bay Mỹ dội bom phá hủy hoàn toàn ba tòa nhà chính, và nhiều đồ vật có giá trị văn hóa lịch sử của đền! Chỉ còn lại Tòa Ca Vũ và Nghinh Môn xiêu vẹo rạn nứt. Tháng 9 năm 1993 đền Cờn được Nhà nước công nhận và cấp bằng di tích văn hóa lịch sử, cho trùng tu đền và tổ chức cúng bái hương nguyện. Xã Quỳnh Phương sửa sang tu bổ lại Tòa Ca Vũ (Nhà Bái Đường). Các tượng Phật, tượng đá, đồ tế khí... bị thất lạc được các bô lão tìm kiếm đưa về đền. Nghinh Môn cũng được sửa lại.

    Việt kiều cũng về thăm viếng, du khách đến tham quan đền Cờn ngày càng đông. Trước nay, muốn viếng đền Cờn người ta phải đi thuyền hoặc đi bộ lội sông. Đáp ứng nhu cầu du lịch và mở mang kinh tế, năm 1999 chính quyền đã khánh thành xây cầu Cờn bắc qua Mai Giang dài 200m và một con đường tráng nhựa nối liền Quốc lộ 1. Mong rằng một ngày không xa, đền Cờn sẽ được xây dựng lại đúng với kiến trúc nguyên thủy của nó, xứng đáng là một di tích lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. (Nguồn Vietnamnet)
    Last edited by binhhanif; 12-03-2010 at 12:07 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Offline HCM
    By Love_Tamlinh in forum Hội quán - Giao lưu - Gặp mặt thân mật
    Trả lời: 265
    Bài mới gởi: 18-05-2024, 04:02 PM
  2. Hội quán HCM Offline
    By vampire2001vn in forum Hội quán - Giao lưu - Gặp mặt thân mật
    Trả lời: 43
    Bài mới gởi: 06-09-2008, 01:10 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •