Đang ngồi phía sau chính điện, chợt thấy một người con gái, một phật tử ở trong chùa đi ngang trước mặt. Người con gái này có một gương mặt rất nhân hậu, nếu mà lớn tuổi người ta hay kêu là phúc hậu, còn bên đạo Thiên Chúa hay kêu là thánh thiện. Chợt thầm nghĩ trong lòng giống như là bồ tát tái sinh. Sao có những người nhìn vào khuôn mặt là mình nghĩ ngay đến việc họ theo đạo Phật, giống như trên mặt hiện lên chữ tu. Chợt nghĩ tới khuôn mặt của mình, nhiều lúc rất mắc cười. Có khi tôi nói với ai đó: tôi là người đi tu nè. Là người ta phá lên cười, mày mà tu cái gì.

Chùa có đãi cơm chay buổi trưa vào lúc 11g, nhà ăn nhìn rất rộng và thoáng mát. Đáng tiếc là tôi vừa ăn sáng xong nên chưa thấy đói. Không có cơ hội được thưởng thức tài nấu ăn của các đầu bếp ở chùa.

Tôi đi ra phía tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, thắp một cây nhang, và ngồi xem mọi người thắp nhang. Có người thắp nhang xong, xin nước uống. Hầu như ở rất nhiều chùa, nơi đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thường có khói hương nghi ngút, mọi người đến thắp nhang cầu xin Bồ Tát phù hộ cho mình.

Tôi ngồi xem, và nói chuyện với Bồ Tát.

Tôi hỏi: ủa, vậy ai đến thắp nhang mình cũng phù hộ, giúp đỡ người ta à. Không, cũng tùy người chớ, người có thiện tâm, làm nhiều việc phúc đức mới được giúp đỡ. Tôi định hỏi sao biết ai tốt ai xấu, nhưng cảm thấy hỏi vậy là thừa. Chuyện đó đối với Bồ Tát là quá nhỏ.

Tôi hỏi: ủa, vậy không công bằng lắm. Tự nhiên một người có chút phúc đức, rồi biết đến cửa Phật, biết đến thắp nhang cầu xin, thì lại được phù hộ. Còn những người tuy có nhiều phúc đức nhưng vì lý do gì đó, họ không biết đến để mà cầu xin, thì lại bị thiệt thòi. Không, cũng không hẳn việc giúp đỡ là một món quà từ bên ngoài ban cho. Nó gần như là lấy của chính họ cho chính họ. Tôi tự giải thích với lòng mình rằng: cũng giống như một người sắp chết đói, họ cầu xin và được giúp đỡ có người đem đến cho họ một gói mì tôm. Sau này, khi đã giàu có, họ đem gói mì tôm đó trả lại, ví dụ như ủng hộ đồng bào lũ lụt một thùng mì tôm. Chẳng qua là Bồ Tát lấy một mì tôm của họ trong tương lai để cho họ, chứ gói mì tôm đó chẳng phải của Bồ Tát. Nhưng mà ý nghĩa của nó tại hai thời điểm thì khác nhau rất nhiều. Cũng giống như câu nói: một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Tôi nói: ủa, nếu vậy người đã có nhiều phúc đức mà biết tiếp tục làm phúc, rồi cầu xin, thì sẽ được rất nhiều lợi ích. Thì chính xác là vậy. Sau này, tôi vẫn thường nói vui rằng, đầu tư vào việc thiện và cửa Phật là cách đầu tư sinh lời nhiều nhất.

Ngồi xem Bồ Tát làm việc. Chỉ một lúc mà biết bao nhiêu người đến thắp nhang, phải xem họ tốt xấu thế nào, rồi xem họ cầu xin cái gì, rồi tùy vào đó mà giúp đỡ họ nhiều ít thế nào. Công việc thấy rất mệt. Tôi hỏi làm việc nhiều như vậy có thấy mệt không. Thì đó là công việc, và cũng là phát nguyện của Quan Thế Âm Bồ Tát lắng nghe và giúp đỡ mà. Tôi càng nhận ra một điều rằng, mọi người ở cõi vô hình, cho dù địa vị như thế nào đi nữa, vẫn có những buồn vui, tâm tư-tình cảm-suy nghĩ như mỗi con người chúng ta. Hiểu và cảm thông, càng thấy khâm phục suy nghĩ và phát nguyện hướng đến chúng sanh của mọi người. Lòng chợt nghĩ đến những câu chuyện đọc được ở đâu đó về những Bồ Tát bằng xương bằng thịt giữa đời thường.