TẠI SAO PHẢI NIỆM PHẬT ?



Người xưa nói: “Ngồi buồn lo nghĩ vẩn vơ, lo cau trổ muộn, lo già hết duyên” hoặc “Nhàn cư vi bất thiện”. Đức Phật dạy: “Tâm chúng sanh là tâm viên, ý mã”. Tâm viên là tâm như con khỉ, leo trèo nhảy nhót không mệt mỏi. Ý mã là y như con ngựa chạy rong không ngừng nghỉ.



Kinh Pháp cú nói: “Tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác các pháp”.

Liên tông Thập nhị Tổ Triệt Ngộ đại sư nói: “Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Vì tâm thể vô niệm chỉ có chư Phật chứng đắc, còn từ Đẳng giác Bồ Tát trở về trước đều thuộc hữu niệm. Phàm khởi một niệm, nhất định sẽ rơi vào một trong mười cõi, vô niệm thì vượt ngoài mười cõi. Vì không một niệm nào vượt ra khỏi mười pháp giới. Cho nên vừa khởi một niệm tức là đã có một duyên thọ sanh, như sau:

- Nếu tâm này tương ứng với lòng đại từ đại bi bình đẳng, công đức y chánh(9), cho đến hồng danh vạn đức (A Di Đà Phật), tức là đã niệm pháp giới Phật.

- Nếu tâm này tương ứng với tâm Bồ Đề, Lục độ vạn hạnh, tức đã niệm pháp giới Bồ Tát.

- Nếu tâm vô ngã tương ứng với mười hai nhân duyên tức đã niệm pháp giới Duyên Giác.

Nếu tâm vô ngã quán xét Tứ đế, tức đã niệm pháp giới Thanh Văn.

- Hoặc tâm này tương ứng với Tứ thiền, Bát định cho đến Thập Thiện Thượng phẩm, tức đã niệm pháp giới Thiên.

- Nếu tâm tương ứng với ngũ giới, tức niệm pháp giới Người.

- Nếu tu tập các pháp ngũ giới, Thập thiện mà trong tâm còn sân hận, kiêu mạn, thắng thua, tức rơi vào pháp giới Tu La.

- Nếu dùng tâm yếu kém niệm Thập ác hạ phẩm, tức rơi vào pháp giới Súc sanh.

- Nếu dùng tâm nửa yếu kém, nửa mạnh mẽ tương ứng với trung phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Ngạ Quỷ.

- Nếu với tâm mạnh mẽ tương ứng với thượng phẩm Thập ác thì liền rơi vào pháp giới Địa ngục”.

Con người sau khi thân hoại mạng chung, nghiệp lực nào mạnh nhất sẽ đưa đi tái sanh ở cảnh giới tương ứng (gọi là nghiệp lực chiêu cảm). Ví như, cái cây bình thời nghiêng về hướng nào, khi đổ sẽ ngã về hướng đó. Người nào biết rõ lý lẽ và lời dạy trên của Đức Phật và chư Tổ mà không niệm Phật thì chưa từng có. Vậy phải niệm Phật để về cảnh giới Phật (tránh rơi vào chín cảnh giới kia).

Liên Trì Cảnh Sách nói: “Một câu Nam Mô A Di Đà Phật là mục đích chủ yếu mà Phật thị hiện nơi cõi ô trược này cũng là đại pháp vô thượng thông suốt bổn nguyện của đức Phật. Đó cũng là tinh hoa trí tột của ba tạng giáo điển. Một câu Nam Mô A Di Đà Phật vượt lên trên tất cả pháp Giáo, Thiền, Mật và Luật học, nhiếp tất cả pháp môn”.

Vả lại, pháp môn niệm Phật dễ tu, dễ chứng, hợp thời cơ như đã trình bày ở phần Một, và là pháp môn mà tất cả chư Phật trong ba đời mười phương phải thực hành để thành Phật (Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội).

Trích “Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Ðảm Vãng Sanh”