Tục thờ cúng tổ tiên: Chén nước trong soi lòng trinh bạch (Phần II)

... "Việc thờ cúng tổ tiên có phải để biểu hiện lòng hiếu thảo của đạo làm con hay chỉ là một niềm tin vào “năng lực huyền bí” của người chết? Tất cả những người tin đều cho rằng việc thờ cúng tổ tiên là một hệ thống đạo đức, và 2/3 trong số đó nói rằng họ cũng tin ông bà có khả năng siêu nhiên để tác động vào cuộc sống thường ngày, đi theo, bảo vệ con cháu, những người thân yêu của họ..."




Ông bà luôn luôn đi theo và bảo vệ con cháu...


Nguồn ảnh: Viettribune


Khi tôi hỏi bà Thúy về mối quan hệ của người sống và người chết, bà Thuý giải thích rằng khi ông bà còn sống, họ sống khôn; Sau khi chết, họ trở nên thiêng, “sống khôn chết thiêng”: Ông bà luôn ủng hộ cho con cháu mình và khi con cháu thỉnh cầu một điều gì đó thì tất nhiên ông bà sẽ giúp đỡ.

Bà Thúy tin rằng ông bà có thể bảo vệ được con cháu tại những thời điểm họ gặp nguy hiểm. Trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, không lâu sau khi bố bà Thúy mất, một trong những người anh trai của bà đã nhập ngũ và sau đó mất liên lạc với gia đình. Bà Thúy nói rằng đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, nhưng bố bà đã đóng một vai trò chủ chốt, không chỉ bảo vệ người anh đã nhập ngũ mà còn là cầu nối cho các thành viên của gia đình có thể liên lạc với nhau.


Bà Thúy nhìn tôi với một cái nhìn sâu sắc và nhắc lại câu nói mà trước đây tôi đã từng được nghe: “Dù con cái có đi đến bất cứ nơi nào thì bố mẹ luôn theo đến đấy”. Bà gật gù: “Đúng, ông bà luôn luôn đi theo, bảo vệ và giám sát con cháu mình. Họ luôn che chở cho con cháu mình”. Bà Thúy nói với tôi rằng bà thường nói chuyện với bố mẹ ở ngoài mộ và ngay trên chính bàn thờ trong nhà mình. Bà thường kể cho họ nghe những sự kiện của gia đình và xin họ những lời khuyên.


Vậy, việc thờ cúng tổ tiên có phải để biểu hiện lòng hiếu thảo của đạo làm con hay chỉ là một niềm tin vào “năng lực huyền bí” của người chết? Tất cả những người tin đều cho rằng việc thờ cúng tổ tiên là một hệ thống đạo đức, và 2/3 trong số đó nói rằng họ cũng tin ông bà có khả năng siêu nhiên để tác động vào cuộc sống thường ngày, đi theo, bảo vệ con cháu, những người thân yêu của họ.


Khi tôi đến làng Đình Bảng, bà Thúy và các anh em mình đã góp tiền để xây cho cha mẹ một ngôi mộ đẹp và rất khang trang. Khi đã khá thân nhau, bà rủ tôi đi thăm mộ và cho phép tôi chụp ảnh. Chúng tôi đi xe đạp đến khu nghĩa trang, một vùng đất có rất nhiều ngôi mộ được xây bằng xi măng ở cạnh những cánh đồng lúa, được sắp xếp theo logic của môn bói đất (bói bằng những hình vẽ trên mặt đất).

Mặc dù có nhiều ngôi mộ mới được tu sửa, nhưng ngôi mộ của bố mẹ bà Thúy là một công trình xây dựng lớn nhất, đẹp nhất ở khu nghĩa trang. Sự giản dị, kiểu kiến trúc có sự kết hợp đá cẩm thạch đen giống với lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Bà Thúy nói với tôi: Ngôi mộ màu đen vì đó là màu của sự tang tóc, chết chóc và thương tiếc. Nếu dùng màu khác sẽ không đẹp và không phù hợp.


Để chuẩn bị chụp ảnh, bà Thúy bỏ dép và leo lên trên ngôi mộ, đánh xi cho đến khi bề mặt nền đá hoa sáng lên, tiếp theo, bà dọn sạch cỏ dại mọc xung quanh, sắp xếp lại mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp. Sau đó bà búi lại tóc, đứng thẳng người, thắp hương và bảo tôi chụp ảnh khi bà đang cúi đầu khấn.


Ngay sau khi lấy ảnh về, bà Thúy chọn một cái, phóng to, treo trong phòng khách với mục đích cho khách khứa hoặc cho bố mẹ mỗi buổi sáng đến thăm bàn thờ, qua khói hương sẽ nhìn thấy bức ảnh ngôi mộ rộng rãi của mình và để họ biết rằng họ có một đứa con gái vẫn luôn quan tâm đến họ.


“Rất nhiều người tự hào vì “nó” là ngôi mộ đẹp nhất làng”, bà Thúy nói. Và ngôi mộ của bố mẹ bà Thúy còn chứa đựng một vài thông điệp:


Đầu tiên, nó cho thấy sự mẫu mực, trách nhiệm của một người con đối với bố mẹ mình, đó là bản chất tốt đẹp của con người.


Thứ hai, để xây dựng ngôi mộ này bà đã phải bỏ ra một số tiền không ít, chứng tỏ sự thành công về kinh tế và bản chất hiếu thảo quên mình vì người khác của bà.


Thứ ba, cứ cho rằng hiện tại bà chỉ sống với một số tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ và một số công việc lặt vặt thì ngôi mộ lớn kia cũng chứng tỏ với mọi người rằng bà có một mối quan hệ xã hội rất tốt, một gia đình sống có tình nghĩa và hào phóng.




Cuối cùng, ngôi mộ cũng cho thấy bà có một mối quan hệ tốt đẹp với những người đã khuất. Ngôi mộ chính là nơi trao đổi tình yêu giữa bố mẹ và bà.


Gần cả cuộc đời bố mẹ bà Thúy đã phải sống trong nghèo đói và chiến tranh, đặc biệt bố bà chết trẻ và xa rời thế giới mà không một lần được nhìn thấy cuộc sống hòa bình. Bây giờ các anh em bà đều có cuộc sống khá sung túc, bà Thúy có một ngôi nhà mới, khang trang, ăn no, mặc đẹp và hàng năm còn tổ chức đi nghỉ mát cùng bạn bè. Bà cũng như những người sống sót sau cuộc cách mạng nhận thức được rằng, nền hòa bình mà họ đang được hưởng là nền hòa bình được xây dựng trên nước mắt và xương máu của cha mẹ, của những người đi trước. Do vậy, bà tìm mọi cách để bù đắp cho bố mẹ bằng cách cố gắng “nâng cao cuộc sống của họ dưới suối vàng”, bà chắc chắn rằng đời sống vật chất của bố mẹ không lạc hậu hơn so với đời sống trên dương thế của bà.


Sau buổi thăm mộ hai ngày, tôi ngồi với bà Thúy trong phòng khách để hỏi bà về những nghề truyền thống tổ tiên để lại trong làng. Bà Thúy làm thêm cho một công ty sản xuất thuốc lá địa phương để bổ sung vào số tiền trợ cấp ít ỏi của chính phủ. Trên nền nhà lát đá hoa bóng loáng, bà trải một cái chiếu để ngồi, trên chiếu đặt một cái giỏ đầy những mẩu thuốc lá đã dùng còn sót lại. Bà vừa làm việc vừa nói chuyện với tôi. Tôi hỏi bà, liệu có quy định gì khi xây mộ cho người Việt không? “Cái đó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người”, bà bắt đầu:


Nếu nhà bạn giàu, thì làm mộ đẹp và to. Nếu nghèo thì làm nhỏ. Nếu gia đình nhiều con và có điều kiện góp nhiều tiền thì làm mộ to, nếu ít con, và chỉ có thể góp ít thì làm nhỏ. Không có luật nào quy định về cái này.


Nếu một người rất nghèo và chỉ có thể xây dựng một ngôi mộ rất đơn giản thì liệu mọi người có buộc tội người đó bất hiếu? – tôi hỏi.


Không, đó không phải là bất hiếu. Đó là do hoàn cảnh kinh tế. Ngày nay có rất nhiều người có cuộc sống khó khăn, không đủ ăn, thậm chí họ không thể xây cho bố mẹ mình một ngôi mộ bằng xi măng nhưng cũng không ai gọi họ là bất hiếu. Chỉ có những người có của ăn của để, sống một cách thoải mái nhưng mộ của bố mẹ lại quá tồi tàn thì sẽ bị coi là bất hiếu. Ngôi mộ chính là một ngôi nhà cho người chết, và quả thật không tốt nếu một ai đó xây một ngôi nhà mới khang trang để ở trước khi xây một nơi an nghỉ thoải mái cho bố mẹ, ông bà.


Với sự phát triển kinh tế, sự giàu lên của các tầng lớp xã hội và sự phát triển của công nghệ đã giúp cho con cháu có điều kiện “chăm sóc” những người thân đã mất của mình hơn. Những người nông dân nghèo ở các làng quê ngày xưa sau khi chết được con cháu “cúng” cho những bộ quần áo xa xỉ của các quan chức thời phong kiến. Công nghệ xử lý ảnh cho phép làm lại những tấm ảnh chân dung đã trở nên rất phổ biến: Hình ảnh người đàn ông mặc những bộ quần áo lộng lẫy, đầy uy quyền, giống với vua chúa, quan lại ngày xưa. Những người phụ nữ giàu có, mặc những bộ quần áo lụa rộng và ngồi trên những cái ngai gỗ được chạm trổ tinh vi, hoặc người phụ nữ trẻ, yểu điệu trong trang phục áo dài thướt tha … đã không còn xa lạ nữa.


Bàn thờ của nhà bà Thúy có hai bức ảnh chân dung. Bên trái là tấm ảnh màu của mẹ bà, được chụp không lâu trước khi mất. Bên phải, một bức ảnh đen trắng có vết ố là bố bà, ông đứng một mình, dáng đầy tự hào và lịch lãm trong bộ áo dài bằng lụa đen của quan và các chức sắc ngày xưa. Một lần, khi tôi đến, bà Thúy lấy cho tôi xem bức ảnh gốc của bố bà. Và tôi đã rất ngạc nhiên thấy rằng nó hơi khác so với bức ảnh bà treo trên bàn thờ. Bức ảnh gốc là ảnh đen trắng, chụp cả gia đình bà đứng thành một nhóm và được chú thích phía sau là “Bố, mẹ và chị Thúy, 1951”. Bố bà, đứng thoải mái nhưng không phải mặc đồ lụa mà là một bộ đồ nông dân bằng vải thô. Bà Thúy giải thích rằng bà đã thuê một kĩ thuật viên máy tính ở Hà Nội để tạo ra một bức ảnh mới, họ cắt mặt ông từ bức ảnh gốc của gia đình và dùng công nghệ để xử lý và tạo ra bức ảnh người đàn ông mặc áo lụa đang có trên bàn thờ.



Tục thờ cúng tổ tiên: Chén nước trong soi lòng trinh bạch (Phần III)



Vào ngày 20 tháng 3 âm lịch năm 2001, tại nhà của ông Nguyễn Thạc Sung, nằm trên đường đi vào nhà bà Thúy, rất đông người. Ông Sung là một thầy giáo dạy toán đã về hưu, thuộc chi cao nhất trong dòng họ Nguyễn Thạc, còn gọi là trưởng họ. Đó là vị trí mà ông sẽ nắm giữ cho đến lúc chết, sau đó con trai lớn của ông sẽ kế tục. Ông mặc một cái áo vét màu xám, quỳ trên một cái chiếu trước bàn thờ và cầu khấn.



Đình Bảng


Những người họ hàng nam đến từ tỉnh Nghệ An đứng xung quanh mép chiếu, im lặng với vẻ tôn kính, và muốn tìm hiểu những nghi thức hoàn toàn xa lạ với họ. Ngày 20 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ của dòng họ Nguyễn Thạc và hôm nay là có một sự kiện lớn lôi cuốn hơn 200 khách, đó là khôi phục dòng họ...

Sau khi ông Sung hoàn thành các lễ nghi đầu tiên, ba người đàn ông trong bộ áo thêu bước vào giữa chiếu. Họ dường như rất xấu hổ và ngập ngừng với vai trò của mình. Một người cầm một mảnh giấy được xé ra từ quyển vở học sinh, và đọc lầm bầm những gì đã được chuẩn bị trong đó. Những người đàn ông hội ý với nhau và thỉnh thoảng liếc qua ông Sung, bây giờ đang ở ngoài chiếu, để kiếm tìm một sự tán đồng.

Mỗi lần có một hành động sơ suất, thì ông Sung từ đám đông hô to “không được”, một cuộc hội ý nhanh chóng lại diễn ra để giải quyết vấn đề và các nghi thức lại tiếp tục. Ngay sau khi công việc của ba người đàn ông kết thúc thì những nghi lễ cũng kết thúc và tâm trạng ai nấy đều nhẹ đi chút ít. Ngoài sân, một đám đông tụ tập xung quanh một người đàn ông mảnh khảnh nắm trong tay một bản copy là bản gia phả mới nhất của gia phả dòng họ. Bản gia phả đầu tiên của dòng họ Nguyễn Thạc được viết bằng chữ Hán từ năm 1733. Nó được cập nhật định kì và có sự bổ sung trong những năm 1905, 1933 và 1998 thế kỉ 20. Năm 1999, nó được Viện Hán Nôm dịch sang tiếng Việt


Cuối cùng những người tham dự buổi thờ cúng bắt đầu ngồi vào các mâm cỗ. Bữa cỗ thịnh soạn có thịt và rượu trắng. Ông Sung cầm cái micro và nói một vài lời, nói đến tổ tiên trước, rồi đến Thành hoàng làng, sau đó đến những người bà con đang sống. Tiếp theo, ông giới thiệu ba người đàn ông đã thực hiện những thủ tục nghi lễ buổi sáng, bây giờ mặc quần áo bình thường, giải thích rằng họ là những người đến từ Nghệ An, đã đi 5 tiếng đồng hồ bằng ô tô đến đây xin được gia nhập lại vào dòng họ.


Chuyện kể rằng năm 1750, một thành viên của dòng họ Nguyễn Thạc đã được phong một chức quan trong đội quân cẩm vệ và đóng ở làng Sơn Lâm thuộc tỉnh Nghệ An. Vị quan này đã cưới một người con gái địa phương làm vợ và họ ở lại Nghệ An, sinh con đẻ cái, hầu hết đều là những người nông dân nghèo nhưng trung thực. Cuối cùng, họ mất liên lạc với quê gốc là làng Đình Bảng. Cho mãi đến khi thời kì đổi mới bắt đầu những người mang họ Nguyễn Thạc ở Sơn Lâm mới biết rằng họ còn có những người anh em xa ở tỉnh Bắc Ninh. Ông Ngà, một trong những người khách đến từ Nghệ An kể với mọi người:


Qua các thế hệ, dòng họ Nguyễn Thạc ở Sơn Lâm là dòng họ có uy quyền nhất, luôn giữ gìn nề nếp gia đình và phong tục của ông bà. Nhưng nhờ giới truyền thông và các phương tiện hiện đại mà dòng họ Nguyễn Thạc chúng tôi ở Sơn Lâm biết rằng vẫn có một dòng họ Nguyễn Thạc khác ở làng Đình Bảng, đấy là dòng họ gốc, lớn hơn ở Sơn Lâm chúng tôi nhiều. Cũng cần nói thêm, dòng họ Nguyễn Thạc ở làng Đình Bảng có xấp xỉ 1000 thành viên, chiếm 1/10 tổng số dân trong làng.


Năm 1990, một nhóm người từ Sơn Lâm đến Đình Bảng và nhận họ. Đến năm 1997, dòng họ Nguyễn Thạc đã tổ chức một cuộc họp ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều chi khác nữa, và năm 1999, một nhóm người dòng họ này từ Đình Bảng đến Sơn Lâm. Cuối cùng, vào ngày 20 tháng 3 âm lịch năm 2001, những người già thuộc 3 trong 4 chi của dòng họ Nguyễn Thạc ở Sơn Lâm gặp nhau ở Đình Bảng để tham gia một buổi lễ tưởng nhớ tổ tiên gốc gác của mình.

Ông Ngà nói với các vị khách: “Cuối cùng hôm nay, chúng ta cũng có cơ hội gặp nhau, trao đổi ý kiến và làm cho mối quan hệ trong dòng họ thêm thân thiết”. Ông cũng nói lên niềm hi vọng vào thế hệ tương lai của con cháu ở cả hai nơi sẽ cùng gìn giữ và phát huy truyền thống của ông cha để lại.




Theo bản gia phả gốc của dòng họ Nguyễn Thạc được viết năm 1733 thì người sáng lập ra dòng họ là một người đàn ông thanh liêm chính trực, giàu tình cảm, Nguyễn Thạc Bác. Ông có hai người con, một con gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Long và một con trai tên là Nguyễn Thạc Căn. Người con gái trở thành vợ lẽ của chúa Trịnh Kiểm và người con trai trở thành quận công phục vụ cho chúa Trịnh, và họ là những công thần trong triều Lê cai trị miền Bắc Việt Nam thế kỉ 16. Kể từ sau đó, trong dòng họ có rất nhiều người đỗ đạt cao và được nắm giữ các chức vụ quan trong triều, được thăng tiến và họ được xem là những người ngay thẳng và chính trực.


Nguyễn Thạc Bác là tổ tiên của dòng họ Nguyễn Thạc nhưng ông lại chỉ là một hình ảnh không quan trọng trong việc phát triển dòng họ. Trái lại, con gái ông, vương phi Ngọc Long mới là người đóng vai trò chủ đạo trong sự lớn mạnh của gia đình. Trong câu chuyện đầu tiên mà trưởng họ Nguyễn Thạc Sung kể với tôi về gia đình ông là câu chuyện về vương phi Ngọc Long.


Chuyện kể rằng vào năm 1559, khi Trịnh Kiểm, lúc đó là một vị quan có quyền lực nhất trong triều đình nhà Lê đi qua khu vực đồng bằng sông Hồng với đoàn tùy tùng của mình thì bất chợt gặp một cô gái đang cắt cỏ, vừa làm vừa hát


Trịnh Kiềm nhìn thấy một cảnh tượng rất lạ: Bất kể cô gái đi đến đâu thì những đám mây cũng đi theo trên đầu cô. Thấy những điều kì lạ như vậy, chúa Trịnh Kiểm đã gọi cô gái lại. Lúc này ông mới thấy gương mặt người con gái rất đẹp và cô đối đáp hết sức thông minh, do vậy ông đã đặt cô lên ngựa và mang về kinh đô Thăng Long.


Trong lúc ấy, người em trai của cô đang cày bừa ngoài đồng, nghe dân làng nói rằng có một đoàn quân binh đã đến bắtchị gái mình! Ngay lập tức anh vác cày đuổi theo. Chúa Trịnh Kiểm thấy người thanh niên này thật dũng cảm, và phong cho anh một chức quan trong quân đội. Càng ngày người thanh niên càng bộc lộ mình là một người thông minh, tài giỏi. Ông được thăng chứcquận công và trở thành người có quyền lực lớn thứ hai trong triều.


Một buổi tối hội làng, trước ngày diễn ra cuộc họp của dòng họ Nguyễn Thạc 20 tháng 3 âm lịch một ngày, bà chủ nhà nắm lấy tay tôi và kéo ra cửa: “Chúng ta đến đền vương phi đi!”. Khi tôi hỏi tại sao, bà chỉ trả lời “Đây là dịp để các con gái và con dâu dòng họ Nguyễn Thạc gặp nhau!” rồi bà đưa cho tôi cầm một túi nho đầy. Buổi tối hơi lạnh và ẩm ướt, những người phụ nữ quấn khăn quàng cổ, áo cộc tay sẫm màu đứng đầy sân đền. Bên trong, một vài người đàn ông lớn tuổi ngồi bên cạnh bàn, uống trà và nhận tiền “công đức” từ những người hảo tâm rồi lại ghi chép vào sổ.

Ánh sáng ấm áp của các cây nến tràn ngập cả 3 bàn thờ, trên mỗi bàn có một bức tượng vương phi quét sơn bóng. Hoa quả đủ màu sắc, những nắm cơm được bọc trong giấy đỏ, những gói bánh quy dừa, đồ cúng được sắp xếp đầy xung quanh bàn thờ. Khi tôi quan sát mọi thứ thì bà Hoàng, chủ nhà tôi sắp nho lên bàn thờ và thắp hương. Sau đó, chúng tôi ra ngoài sân gia nhập với nhóm những người phụ nữ khác và một nhóm đàn ông đang ngồi trên chiếu, tham gia vào những chuyện tầm phào cho đến khi hương tàn và đồ cúng của ai người nấy lại nhận về như lộc của tổ tiên.


Các nghi lễ buổi tối là để tưởng nhớ công ơn của những người phụ nữ trong dòng họ. “Tối nay, con gái và con dâu dòng họ Nguyễn Thạc đều phải làm đồ cúng ở đây”, một người đàn ông lớn tuổi nói với tôi như vậy. Khi tôi hỏi tại sao, ông nói “vì con gái và những người vợ của dòng họ Nguyễn Thạc có rất nhiều công lao với dòng họ”. Ông Sung giải thích thêm: “Tổ tiên cho rằng đàn ông và phụ nữ trong dòng họ phải bình đẳng do vậy, con gái và con dâu cũng phải bình đẳng”.


Vương phi Ngọc Long là người góp phần làm nên sự thành công trên đường công danh của em trai bà, và đây cũng chính là mốc son đầu tiên đánh dấu sự phát triển của dòng họ. “Vương phi đã đưa anh vào triều nên anh mới có thể phát triển tài năng và trở thành quận công. Cho dù anh ta có tài và may mắn đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu không có vương phi thì anh ta cũng không thể có cơ hội được phong quận công”, ông Sung lập luận. Và những người phụ nữ trong dòng họ tiếp tục đóng góp công lao làm nên danh tiếng của dòng họ ngày nay. Cho đến bây giờ, ai cũng phải thừa nhận rằng con gái của dòng họ Nguyễn Thạc thật thông minh và khéo léo. Rất nhiều các biệt thự cao tầng ở đây đều thuộc quyền sở hữu của những người phụ nữ mang dòng họ Nguyễn Thạc.


Cũng nhờ những câu chuyện mà mọi người kể tối hôm đó tôi được biết vương phi Ngọc Long đã xây dựng ngôi đền này, dân làng vẫn gọi là đền" vương phi” để tưởng nhớ bố mẹ và ông bà của bà.