TẠI SAO CHƯA QUI NHỨT ĐƯỢC CÁC CHI PHÁI?


Các bậc tiền bối trong Đạo Cao Đài đã có những cố gắng liên tục để đưa các chi phái trở về hiệp nhứt với nguồn gốc ban đầu là Tòa Thánh Tây Ninh. Thế nhưng những cố gắng ấy đã trải qua nửa thế kỷ vẫn chưa thành công trên thực tế. Tại sao? Khởi đầu, một số chức sắc ở họ Đạo Cầu Kho công khai bày tỏ thái độ không tuân hành theo những nghi tiết Đại Đàn, Tiểu Đàn do Tòa Thánh Tây Ninh ban hành với lý do chờ những bậc trí thức tài giỏi hơn xem xét lại. Trước thái độ ấy Ngài Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung trả lời:" Tôi cầu khẩn ai thông minh trí thức về Tòa Thánh giúp việc đặng đem tài trí ra giúp Đạo giúp Đời. Ai còn thế sự ràng buộc thì đặng dâng ý kiến” Mục đích là để giữ cho nền Đạo thuần một gốc mà thôi. Lời yêu cầu này không kết quả, phái Cầu Kho vẫn thành hình khoảng 1930.

Hiện tượng phân hoá tổ chức Đạo Cao Đài thành nhiều chi phái tiếp diễn như một phong trào trên toàn quốc, trong khi tại Tòa Thánh Tây Ninh Đức Phạm Hộ Pháp dùng quyền thống nhất chánh trị Đạo do Đại Hội Nhơn sanh và Đại Hội Hội Thánh năm 1935 ủy thác cho Ngài hành xử để đối phó với cơn loạn Đạo rộng lớn. Thoạt đầu cơ bút chi phái đưa ra Thánh giáo giải thích rằng Đức Chí Tôn lập ra 12 chi phái, lấy con số 12 là con số huyền bí của Thầy làm điểm tựa của đức tin và coi đó là Thiên cơ, phải có đủ 12 chi phái mới hoàn tất chu trình phát triển của tổ chức Đạo Cao Đài. Thế nhưng lịch sử hình thành các chi phái không dừng lại ở con số 12 như người ta mong đợi mà vẫn cứ tiếp diễn đến chi thứ 13, 14,15…

I. CÁC PHONG TRÀO THỐNG NHỨT CHI PHÁI

Kể từ năm 1936 đến trước ngày giải phóng 30-4-1975, nhiều tín đồ Cao Ðài nhiệt tâm lo âu sự phân chia Chi phái của nền Ðại Ðạo nên đã đứng ra lập nhiều cơ quan vận động qui hiệp các Chi phái, mặc dầu không thành công nhưng cũng gây được tiếng vang tốt trong dư luận, xin lần lượt kể ra:

■ Năm 1936, một đàn cơ mà Liên Hoa làm đồng tử, Ơn Trên dạy lập một tổ chức gọi là Cao Ðài Ðại Ðạo Liên Ðoàn đặt trụ sở tại Thánh Thất Cầu Kho. Một số vị được bầu vào Ban Chưởng quản: Ðốc phủ Nguyễn Văn Kiên làm Hội Trưởng, ông Cao Triều Phát làm Phó Hội Trưởng,... nhưng tổ chức nầy không làm được việc gì vì nội bộ bất đồng ý kiến.

■ Cũng năm 1936, quí vị Nguyễn Phan Long, Ðoàn Văn Bản, Trần Quang Nghiêm, Trần Văn Quế, hợp nhau lập ra Liên Hòa Tổng Hội để tổ chức các cuộc Hội Long Vân vận động hòa hiệp các Chi phái. Liên Hòa Tổng Hội tổ chức được 12 Hội Long Vân, nhưng các Chi phái rất thờ ơ trong việc hòa hiệp.

■ Năm 1945, ông Cao Triều Phát lập Cơ Quan Cao Ðài Hiệp Nhứt, sau có ông Lê Kim Tỵ và Bùi Văn Nhàn tiếp nối, nhưng công việc không được nhiều người hưởng ứng.

■ Năm 1952, ông Nguyễn Bửu Tài cùng với quí ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Quế lập ra Cơ Quan Cao Ðài Qui Nhứt, nhưng cũng không qui tụ được nhiều người.

■ Năm 1964, ông Trần Văn Quế lập ra Phái Ðoàn Thiện Tâm, tiếp xúc với Hội Thánh TTTN thảo luận việc thống nhứt các Chi phái, được Hội Thánh TTTN ủng hộ. Công việc thấy có kết quả bước đầu, nhưng sau đó không tiến thêm được.

■ Năm 1969, ông Phan Khắc Sửu (đạo hiệu Huỳnh Ðức) lại cầm đầu một Phái đoàn đông đảo gồm 72 đại diện một số Hội Thánh Chi phái lên Tòa Thánh Tây Ninh họp để thảo luận vấn đề thống nhứt Chi phái. Ông Phan Khắc Sửu dùng uy tín bên Ðời và bên Ðạo của ông gây được một phong trào lớn, có tánh cách qui mô. Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh hợp tác thảo luận, đạt được một số nguyên tắc chung.

■ Năm 1972, Hội Thánh cử Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa làm đại diện mời lãnh đạo các Chi phái họp tại TTTN để tiếp tục bàn về sự qui hiệp các Chi phái. Ðược biết, trong Hội Thánh TTTN, Ngài Bảo Ðạo Hồ Tấn Khoa có đại nguyện thống nhứt các Chi phái, nên Hội Thánh cử Ngài lo công việc thống nhứt nầy thì rất hợp với ý nguyện của Ngài. Các Chi phái hưởng ứng lời mời nên lên họp tại Tòa Thánh Tây Ninh rất đông. Hội nghị bước đầu đạt thỏa thuận gồm 5 điểm:

1. Làm sáng tỏ danh Ðại Ðạo của Ðức Chí Tôn trong và ngoài nước, y theo Chơn truyền Luật pháp của Ðạo (Tân Luật, PCT, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

2. Tương thân tương trợ, tương ái tương liên trong phạm vi đạo đức.

3. Không làm Chánh trị, không lập Quân đội.

4. Bành trướng sâu rộng cơ phổ độ trong và ngoài nước, hiệp sức mở mang công việc văn hóa và từ thiện phục vụ nhơn sanh.

5. Tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức nội bộ của mỗi Chi phái cho tới ngày Ðức Chí Tôn phán đoán.

Hội Nghị thành lập được một Hội Ðồng Vận Ðộng Thống Nhứt ÐÐTKPÐ mà Ngài Hồ Tấn Khoa được bầu làm Trưởng Ban Thường Vụ Lâm thời. Hội Ðồng tổ chức được vài cuộc viếng thăm thân hữu trụ sở của vài Chi phái, rồi đến ngày giải phóng, Hội Thánh và các Cơ quan của Ðạo Cao Ðài ở khắp nơi đều bị giải thể.
Qua các điểm vừa trình bày trên, chúng ta nhận thấy việc qui hiệp các Chi phái của Ðạo Cao Ðài, tuy có nhiều cố gắng của Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh và của một vài Chi phái, nhưng cuối không đạt được tiến bộ quan trọng nào.

II. TẠI SAO CÁC CHI PHÁI CHƯA CHỊU QUI NHỨT?

Ðây là một câu hỏi được đặt ra trong lòng của những tín đồ hiết tha với sự phát triển của mối Đạo Trời. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” Nhưng, dường như càng vận động thống nhứt, càng có sự dạy dỗ khuyên lơn, khuyến cáo của chư Thiêng liêng chừng nào, thì chia rẽ lại càng trầm trọng hơn chừng nấy.

Ai cũng nói hãy vì Thầy, vì Đạo, vì Chúng sanh nhưng xin soi xét kỹ lại lòng mình, quan sát kỹ hành vi của mình. Nếu thật sự vì Thầy, hãy ghi khắc lời Thầy dạy:

Nếu thật sự vì Đạo, hãy chơn thành khắc phục lòng tự ái, tự đại, tự tôn. Có nhiều vị nghe phải nhập môn lại nơi Đền Thánh hoặc Thánh Thất của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì bất mãn, do dự. Xin chư vị hiểu rằng xác phàm này là tạm bợ, linh hồn kia còn phải luân hồi sinh tử, mỗi kiếp mang một thể xác khác nhau, trải qua vô số kiếp để tiến hóa và giải thoát khỏi con đường luân hồi sinh tử đó. Đức Đại Từ Phụ chỉ cho mình con đường sống, sao lại vì chút tự ái cỏn con mà lạc mất đường về ? Đầu thai kiếp khác, nếu có may mắn gặp lại Tam Kỳ Phổ Độ, chư vị cũng đã lỡ mất kỳ Đại Ân Xá rồi ! Còn nếu thật sự vì Chúng sanh, xin chư vị xét lại trách nhiệm mình khi dẫn dắt nhơn sanh đi lạc lối. Lúc mới khai đạo, tất cả các chư vị tiền khai đều cùng nhau chung tay góp sức để giúp Thầy lập đạo, tin tưởng nơi nhau, một lòng một dạ lo phát triển mối Đạo Trời để người người hiểu được nền giáo lý minh triết và cao thượng, đồng thời thay mặt Thượng Đế gửi Hồng Ân đến từng người khi họ nhập môn vào Đạo. Đức Chí Tôn dạy: Đạo khai trễ một ngày là hại cho nhơn sanh một ngày. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, chư vị đã quên lời dạy khẩn thiết đó, vì sự nghi kỵ bất mãn cá nhân nên ra đi, không còn tha thiết với lời nguyện “phổ độ chúng sanh nữa”!

"Bụng muốn phân chia hỏi bởi ai?"

Các nguyên nhân tạo nên chi phái cũng là các nguyên nhân chưa qui nhứt được. Lợi dụng sự bất mãn cá nhân, người ngoài tìm cách ly gián và xúi giục lập chi phái để đem những ý đồ chính trị vào cửa Đạo. Trong thời kỳ bị đô hộ bởi thực dân, trước sự lớn mạnh của nền tôn giáo xuất phát từ nước nhỏ như nước Việt Nam, chính quyền Pháp đương nhiên sẽ không tin vào nền triết thuyết cao cả của Thượng Đế. Họ gán ghép cho Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh tội “một nhóm chính trị mưu đồ phục quốc”. Để có thể tiêu diệt Đạo Cao Đài, họ tìm mọi biện pháp chia để trị, giam cầm những chức sắc lãnh đạo, bắt bớ tín đồ, đóng cửa Đền Thánh đồng thời hứa sẽ dễ dãi tạo điều kiện thuận lợi cho những vị chịu tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh...

Chia rẽ có thể làm chậm sự tiến triển của nền Ðại Ðạo, chứ không khi nào diệt được Ðạo, vì sáng lập ra Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là Thượng Ðế, mà Thượng Ðế là vô vi, quyền năng tuyệt đối. Phá thì được chớ muốn diệt chắc chắn là không được rồi.

Có hai thành lũy chưa vượt qua được nằm sẵn trong lòng người khiến công cuộc vận động các chi phái hiệp nhứt cùng nguồn cội của Đạo chưa thành công được là :

- Nạn áo mão quyền hành thuộc lãnh vực nghi thức Đạo giáo.

- Nạn thần quyền đức tin thuộc lãnh vực triết lý giáo điều.