ĐỐI-THỌAI MƯỜI

HIỆN-THÂN

Vibhùtiyoga

40. Krishna: “Này Arjuna. Những thị-hiện thần-thánh như thế của Ta
không bao giờ chấm dứt. Những gì ta mới cho nhà ngươi thấy chỉ là
một ví-dụ của toàn-thể thị-hiện của Ta mà thôi.”
ĐỨC THẾ-TÔN

1. Này Tướng-quân. Một lần nữa hãy nghe lời nói Vô-thượng của Ta. Ta nói với nhà ngươi vì lợi cho nhà nguơi (Hitakàmyayà), và vì nhà ngươi là người Ta yêu mến.

2. Không có thần-linh nào hay đấng tiên-tri vĩ-đại nào biết được cội-nguồn (Prabhavam/ Àdis) của Ta. Thực ra nói chung, Ta là cội-nguồn của tất cả thần-linh (Suraganàs) và của tất cả những đấng tiên-tri vĩ-đại (Maharsìnàm).

3. Ai biết rằng Ta, đấng Vô-sinh (Ajam) và Vô-thủy (Anàdim), đấng Tạo-hóa của Thế-gian, thì người đó không lầm-lẫn và không xấu-xa khi sống giữa loài người1.

4. [Tất cả những đẳng-tính như]2 Thông-minh, hiểu-biết, không lầm-lẫn, kiên-trì, chân-thực, điều-ngự quan-năng, điều-ngự tâm-trí, vui, khổ, sinh, diệt, sợ-hãi và không sợ-hãi 3.

5. Bất bạo-động, công-bằng, mãn-nguyện (Tustis), đạm-bạc (Tapas), bác-ái, có tiếng tăm (Yasas), không có tiếng-tăm (Ayasas), cùng với rất nhiều định-mệnh của phù-sinh (Prthagvidhàs) đều đến từ Ta.

6. Bẩy vị đại tiên-tri thời cổ4 và bốn đức thế-tổ của nhân-loại (Manavas), tức là những người đã sinh ra nhân-loại trong thế-gian này đều đến từ Ta, đều do Tâm-trí Ta mà ra.

7. Ai biết rõ điều này là quyền-năng và ngôi-vị chúa-tể của Ta thị-hiện (Vibhùtim), người đó ở bên Ta nhờ Đạo Yoga trì-cửu (Avikampena). Điều này không còn hồ-nghi gì nữa (Samsayas).

8. Ta là cội-nguồn của tất cả (Prabhavas). Từ Ta vạn-vật cứ thế mà đi (pravartate). Nghĩ như thế, những người thông-minh, nhờ ơn thiền-định (Samanvitas), kính-ngưỡng Ta.


9. Những ai đã nghĩ đến Ta (Maccittàs), tập trung hơi thở về Ta, biết giúp nhau giác-ngộ (Bodhayantas), lúc nào cũng nhắc nhở đến Ta. Những người ấy an-vui (Ramanti) và hạnh-phúc vô-cùng.

10. Ai luôn luôn trì-cửu, ai kính-ngưỡng với lòng yêu qúi (Prìtipùrvakam), Ta ban cho người đó khả năng hiểu biết phân-tích chi li (Buddhiyogam) để người đó đến với Ta.

11. Vì thương-cảm (Anukampà) họ, cho nên ta hiện-hữu trong bản-thể của họ5 đê đập tan cái tối-tăm (Tamas) sinh từ ngu-lậu bằng ngọn đèn (Jnànadìpena) sáng-trưng của tri-thức.

ARJUNA thưa

12. Người là Đức Thế-Tôn Vô-thượng, là Miền (Dhàma) Vô-thượng, là Đấng Tinh-khiết Vô-thượng, là Tâm-linh Thần-thánh Vô-thượng, là Tạo-hóa5, vô-sinh và phù-trì vạn-vật (Viblum).

13. Cho nên các vị tiên-tri gọi Người là Đức Tiên-tri Nàrada thần-thánh trong tập Rig Vệ-đà. Họ cũng gọi Người là Thi-bá Asita Devala đã viết ra những bài thơ trong tập Rig Vệ-đà. Họ cũng gọi người là Học-gỉa Vyàsa, người có công san-định Kinh-ngữ Vệ-đà và Anh-hùng Ca Mahàbhàrata. Và bây giờ chính Người đang nói với tôi6.

14. Hỡi Đấng Thế-Tôn với mái-tóc đẹp tuyệt vời. Tất cả những cái ấy Người đã nói với tôi, và tôi tin là đúng. Bạch Đức Thế-Tôn. Quỉ-thần (Dànavàs) không thấy được sự thị-hiện (Vyaktim) của Người.

15. Bạch Đức Thế-Tôn. Chỉ có Người biết Người mà thôi. Người là Tâm-linh Vô-thượng, là Nguồn-sống của tất cả phù-sinh, là Đấng Chúa-tể của muôn-loài. Người là Tạo-hóa (Jagatpate) của tất cả thánh-thần (Devadeva).

16. Xin Người hãy cắt nghĩa đấy đủ cho tôi những Thi-hiện thần-thánh của Người (Àtmavibhùtayas), nhờ vào đó Người đã phù-trì (Vyàpya) thế-gian và đã sống ở Thế-gian.

17. Bạch Đức Thế-Tôn (Bhagavan). Làm sao tôi có thể biết Người trong lúc chuyên tâm thiền-định về Người? Trong cảnh giới nào của bản-thể để tôi có thể nghĩ đến Người?

18. Bạch Đức Thế-Tôn. Xin Người cắt nghĩa với đầy đủ chi-tiết (vistarena) cho tôi về quyền-năng thị-hiện của Người. Tôi mãi mãi khát khao (Trptis) nghe không biết chán về những lời Người dạy như mật trường-sinh bất-tử (amrtam).


ĐỨC THẾ-TÔN

19. Hãy nghe đăy! Ta sẽ giảng cho nhà ngươi nghe về những Thị-hiện Thần-thánh của Ta. Những Thị-hiện ấy rất quan-trọng, vì cảnh-giới của Ta vô-tận.

20. Ta là Đại-ngã, Đấng Thế-Tôn có mái tóc dầy, hiện-hữu trong tâm của muôn loài. Ta là lúc khởi-đầu, là điểm trung-giới, và cũng là hồi chung-cuộc của muôn loài.

21. Trong số bẩy vị thần-linh Àdityas 7 Ta là đấng Vishnu. Trong các nguồn-sáng Ta là mặt Trời rực-rỡ. Ta là Thần Bão-tố cao-đẳng Marìci của tất cả những vị thần Bão-tố khác 8. Trong tất cả những hộ-tinh về ban đêm, Ta là mặt Trăng.

22. Trong các tập Vệ-đà, Ta là tập bàn về Tiên-tửu (Sàma Veda). Trong các thần-linh Ta là Thần Chánh-pháp Indra (Vàsava). Trong các quan-năng Ta là trí-tuệ. Ta là í-thức của phù-sinh.

23. Trong số các thần Bão-tố Rudras9 Ta là thần hủy-diệt Samkara và Vittesa10 . Ta là thần thù-nghịch Yaksas, thần vĩnh-phúc Yaksas, thần lửa Pàvaka (Agni), và nhóm thần ngời-sáng Vasus. Trong những ngọn núi Ta là ngọn núi thiêng Meru 11.

24. Này Nam-tử Prithà. Hãy biết rằng Ta là Brhaspati, vị sư-trưởng của các giáo-sĩ gia-tộc. Trong số các tư-lệnh quân-đoàn Ta là Thần Chiến-tranh Skanda. Trong các miền ngập nước, Ta là đại-dương.

25. Trong số các đại tiên-tri, Ta là đấng tiên-tri bất-hủ cổ xưa Bhrgu 12. Trong những âm phát ra, Ta là nguyên-âm ‘Ôm’. Trong các hạnh hi-sinh, ta là lời cầu nguyện. Trong các bản-ngã bất-di bất-dịch, Ta là rặng Hi-mã Lạp-sơn.

26. Trong các cây cối, Ta là cây vả linh-thiêng. Trong các vị tiên-tri thần-thánh, Ta là Tiên-tri Nàrada. Trong số các nhạc-sĩ thiên-cung Gandharvas, Ta là nhạc-sĩ chính Citraratha của nhóm ấy. Trong số những tâm-tư hoàn hảo, Ta là hiền-gỉa Kapila 13.

27. Hãy biết rằng, trong những chiến-mã, Ta là thần-mã Uccaihsravas sinh ra từ tiên-tửu 14. Trong số những con voi trận của vương-tử, Ta là voi thần Àairàvata. Trong nhân-loại, Ta là Đấng Thế-Tôn.

28. Trong số các vũ-khí, Ta là lưỡi tầm-sét. Trong những loại bò, Ta là bò thiêng Kàmadhuk 15. Ta là thần khát-khao sinh-sản Kandarpa 16. Trong số những loài rắn, Ta là vua rắn Vàsuki.

29. Ta là rắn Ananta vĩnh-cửu 17. Ta là thủy-thần Varuna. Trong số các tổ-tiên, Ta là Bành-tổ Aryaman. Ta là thần-chết Yama.

30. Ta là thần Prahlàda biết bỏ nhóm Dàityas để quay về chính-nghĩa 18. Trong tất cả máy tính, Ta là Thời-gian. Trong các mãnh-thú, Ta là sư-tử. Trong các loài chim, Ta là con chim huyền-diệu Vàinateya.

31. Trong số những gì làm cho tinh-khiết, Ta là gió. Trong số anh-hùng, Ta là anh-hùng Ràma 19. Trong số loài thủy-quái, Ta là thủy-quái Makara. Trong những giòng sông, Ta là aí-nữ của hiền-nhân Jahnu (sông Hằng) 20.

32. Này Arjuna. Trong các hành-động sáng-tạo, Ta là điểm khởi đầu, là khoảng lưng chừng và là hồi chung cuộc. Trong các hiểu-biết, Ta là hiểu-biết về Đại-ngã Vô-thượng. Ta là luận-văn cho diễn-giả.

33. Trong bảng mẫu-tự, Ta là chữ ‘A’ và đại danh-từ đơn-giản của mọi chữ ghép. Ta chính là thời-gian vô-tận. Ta là Đấng Hoá-công (Dhàtà) quay mặt về bốn-phương tám-hướng.

34. Ta là thần-chết hủy-hoại tất cả. Ta là cội-nguồn của những gì sắp sửa sinh ra. Trong số nữ-tính, Ta là những từ giống cái như ‘tiếng-tăm’, ‘thịnh-vượng’, ‘khoa nói’, ‘kí-ức’, ‘minh-triết’, ‘can-đảm’, và ‘kiên-nhẫn’ 21.

35. Trong những điệu tụng kinh, Ta là lối tụng Brhatsàman 22. Ta là vần-thơ ba giòng tám chữ Gàyatrì 23. Trong các tháng, Ta là tháng Màrgasirsa 24. Trong bốn mùa, Ta là mùa xuân.

36. Ta là thú đỏ-đen của tên cờ-gian bạc lận. Ta là sự ngời-sáng của con người vĩ-đại. Ta là vinh-quang. Ta là nỗ-lực. Ta là tính tôt của mọi cái tốt 25.

37. Trong bộ-tộc Vrsnis 26, Ta là Vàsudeva (Krishna). Trong các nam-tử của đại-tộc Pàndu, Ta là Arjuna. Còn nữa, Trong số những bậc đại-hiền, Ta là hiền-gỉa Vyàsa 27. Trong số những thi-bá, Ta là Usanas 28.

38. Ta là quyền-lực của tất cả các nhà cai-trị. Ta chỉ đạo cho ai muốn đạt vinh-quang. Ta là sự yên-lặng của mật-tính, và là sự hiều biết của con người minh-triết.

39. Này Arjuna. Ta cũng là hạt-nhân của tất cả phù-sinh. Không gì tồn-tại mà không hiện-hữu trong Ta, dù luân-lưu hay bất-động.

40. Này Arjuna. Những thị-hiện thần-thánh như thế của ta không bao giờ chấm dứt. Những gì ta mới cho nhà ngươi thấy chỉ là một ví-dụ của toàn-thể những thị-hiện của Ta mà thôi.


41. Bất cứ cái gì con người được thị-hiện thì đều hiện-hữu, đầy vinh-quang và dũng-mãnh. Hãy hiểu rằng trong bất cứ trường-hợp nào con người cũng đến từ một phần vĩ-đại của Ta.

42. Này Arjuna. Kiến-thức bao-quát này có nghĩa gì đối với nhà ngươi không? Ta mãi mãi phù-trì toàn thể vũ-trụ này chỉ bằng một phần nhỏ bé của Ta thôi.
ĐỐI-THOẠI MƯỜI
GHI-CHÚ


1. Martyesu: Giữa loài người

2. Để cho câu này khỏi tối-nghĩa, tôi thêm vào [Tất cả những đẳng-tính như]

3. Câu này tôi dựa vào bản của Sri Sankaràcàrya (1983), trang 323.

4. Bảy vị tiên-tri thời cổ là: Kasyapa, Atri, Vasistha, Visvàmitra, Gotama, Jamadagni, và Bharadvàja. Manavas (Manus) được coi là vị đại-thánh ban luật Ấn-giáo và là tác-gỉa của bộ-kinh hậu Vệ-đà Mànava dharmasàstra.

5. Àdidevam: Tạo-hóa, tức Thượng-đế ban-đầu.

6. Trong câu này và một vài câu khác tôi cố í kết-hợp bản văn và chú-giải với nhau để làm rõ nghĩa.

7. Về sau bẩy vị thần này trở thành mười hai vị và được coi là những vị-thần tối-thượng.

8. Maruts: Là nhóm thần gây bão-tố giúp thần Indra giết con rồng dũng-mãnh ngoài không-gian, để mang nước xuống trần-gian.

9. Rudras: Nhóm thần bão-tố, vừa có tính hủy-diệt lại vừa có tính tái-tạo.

10. Vittesa: Cũng là thần Kubera, thần giàu-sang, thịnh-vượng.

11. Meru: Ngọn núi linh-thiên, như Olympus ở Hi-lạp.

12. Bhrgu: Vị tiên-tri thái cổ nổi tiếng vì đã đứng ra hoà-giải sự tranh-chấp của các thần-linh.

13. Vị hiền-giả sáng lập tông-phái triết-học Sàmkhya, cổ nhất của hệ-thống tư-tưởng Ân.

14. Uccaihsravas: Con ngựa của thần Indra, hay Thái-dương mã, sinh ra bởi tiên-tửu đến từ đại-dương. Tên ấy cũng có nghĩa là ‘tiếng hí vang to’.

15. Kàmadhul: Bò thần-thoại, có khả năng giúp chủ đạt được mọi điều mong ước.

16. Kandarpa: Cũng là Kàma, tức thần tình-ái.

17. Ananta: Mãng sà vương, uốn mình quanh trái đất, nên có nghĩa ‘vĩnh-cửu’,

18. Prahlàda: Tên một hoàng-tử trong nhóm Dàityas, kẻ thù của thần-linh. Prahlàda hồi chánh trở thành người đạo-hạnh thờ thần Vishnu.

19. Ràma: Anh-hùng trong thiên Anh-hùng Ca Ràmàyana, và cũng có thể là Parasuràma.

20. Jànavì: Con gái Jahnu, tức là sông Hằng (Ganges).

21. Trong Phạn-ngữ những từ liệt kê trong câu, ‘tiếng-tăm’ ...’kiên-nhẫn’ đều là danh-từ chỉ giống cái.

22. Brhatsàman: Một lối tụng kinh hướng về thần Indra

23. Gàyatrì: Vần luật của thơ ‘ba giòng, tám âm’.

24. Màrgasirsa: Tên tháng khi mặt trăng tiến vào chòm sao Mrga Siras (đầu hươu), tức vào khoảng tháng Mười-một hoặc Mười-hai. Ta nên lưu-í là tháng và mùa mà Krishna thích là Xuân và Thu.

25. Câu này cũng có nghĩa: ‘Ta là chân-tính của tất cả những người bàn về chân-tính.” Từ Sattvam có nghĩa ‘thiện’, ‘đức’, ‘chân-tính’.

26. Vrsnis: Tên bộ-tộc, nguồn gốc của Krishna.

27. Vyàsa: Người có công san-định những tập Vệ-đà, Anh-hùng Ca Mahàbhàrata, và là cụ của các vương-tử Pàndava trong Chí-Tôn Ca.

28. Usanas: Cũng có tên là Usanà, một thi-nhân và tiên-tri thời cổ.