kết quả từ 1 tới 20 trên 34

Ðề tài: Tìm hiểu về TĐGCL

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #6

    Mặc định

    11. VẤN: Bạch Cha, chúng con thấy trong một số bài giảng, Cha thường tỏ ra buồn khổ, lo lắng, khóc than việc chúng con mê trần, không lo tu tiến, không lo trở về với Đại Hồn Cha, Cha đau khổ, lo chúng con chậm trễ, rớt rơi không về được! Thưa Cha, trước đây Cha có nói về định luật tiến hóa, về những lực kích động và phản động, những lực này sẽ tác động tự nhiên lên linh hồn để chúng con tiến. Như vậy, thì nếu chúng con có mê trần hoặc trầm luân rớt rơi thì đấy cũng nằm trong định luật, và rồi đến một lúc nào, chúng con cũng được dẫn tiến, kéo đi lên để hoàn tất chu kỳ tiến hóa theo định luật thiên nhiên. Đã vậy, thì tại sao Cha phải đau khổ lo lắng vì việc trầm luân của chúng con?
    ĐÁP: Con nói vậy có phần đúng, nhưng con chưa hiểu rõ, đây để Cha tạm diễn tả thêm cho các con hiểu Thượng Đế hơn. Điều con vừa đề cập về sự tiến hóa của linh hồn theo định luật thiên nhiên, Cha phải hiểu chứ con, thế tại sao Cha lại đau khổ lo lắng, khi chúng con bị chậm trễ rớt rơi? Thật sự, trong Thượng Đế có những trạng thái vô cùng phức tạp, khó có thể dung ngôn ngữ giới hạn của trần gian để diễn đạt cho chính xác. Thôi thì Cha tạm giải thích rằng, vì trong Cha luôn luôn có những trạng thái dị biệt diễn ra cùng một lúc, đại khái như sau:
    �� Cha thấy cái thấy của Tiểu Ngã hay Tiểu Hồn, tức là Cha có cảm giác bị vùi dập, khổ nhục, đọa đày, khảo đảo bởi nghiệp lực, trầm luân trong tối tăm đau khổ của trần gian.
    �� Cha cũng thấy cái thấy của Đại Ngã tức Đại Hồn Cha, nhìn xuống Tiểu Hồn con, theo dõi những bước tiến của nó. Lo lắng, chăm sóc nó, hiểu cái ngu muội của nó. Lo âu khi nó ù lì bê trễ. Nóng ruột, xót xa, sợ nó không theo kịp bánh xe tiến hóa của càn khôn. Đau khổ khi nhìn nó bị bê trễ, bị kẹt lại, bị rớt rơi không hoàn tất chu kỳ tiến hóa của nó theo đúng hạn kỳ. Sự kiện này, tạm ví như những sĩ tử bê trễ không chịu học bài kịp cho khóa thi, phải bị rớt lại, bị chậm trễ. Nhứt là trong giai đoạn này, tức là giai đoạn vô cùng quan trọng, là ngươn cuối cùng của Thiên Địa, là khóa thi chót của những khóa thi. Nếu các thí sinh lần này không được đề tên bảng hổ, có nghĩa là các Tiểu Hồn không đủ trình độ hiểu biết, để được tuyển vào kỷ nguyên Thánh Đức, phải bị kẹt rớt lại, bị cô đọng chậm trễ, và phải chờ trong bảy ức niên nữa mới có cơ hội tiến hóa. Thế nên với cái thấy này, Cha phải lo âu và nỗ lực tối đa để đốc thúc chúng con tiến lên, chuyển mọi phương tiện đến với các con để các con nương đó mà tiến, kêu gọi bằng mọi cách, để các con đi kịp ngày giờ. Giai đoạn tới đây, khi Cha thật sự ra mặt dưới cõi trần: đây sẽ là giai đoạn chuyển tiếp để báo tin, dọn đường và chuẩn bị kỷ nguyên Thánh Đức.
    Đấy là lúc mà các con phải lo chạy nước rút, để kịp thời ứng thi và được tuyển chọn vào Cơ Thánh Đức. Nhưng nếu Cha có cái thấy của Tiểu Ngã, rồi có cái thấy của Đại Ngã, đồng thời lúc đó, Cha cũng có cái thấy của Vô Ngã, hay chơn lý Vô Cùng. Thấy cái thấy của Vô Ngã hay chơn lý Vô Cùng tức là Cha có trạng thái không không như như. Thượng Đế bằng cái thấy này thì Tiểu Hồn có tiến hóa tốt, nhanh hoặc tiến kịp kỳ, cũng nằm trong chơn lý. Mà nó có rớt rơi, bị kẹt lại trong ngu muội, tối tăm thì cũng trong chơn lý mà thôi! Vì trong chơn lý có cả trược lẫn thanh, ngu muội lẫn sáng suốt. Tiểu Hồn con rơi vào chỗ nào, lọt vào khía cạnh nào, tiến tới giai đoạn nào, cũng nằm trong chơn lý. Tiểu Hồn con có ở chỗ trược hay thanh, ở chỗ ngu muội hay sáng suốt, cũng nằm trong một thành phần của Thượng Đế mà thôi. Nếu có bị kẹt rớt lại cái khối ngu muội tối tăm trọng trược của càn khôn thì sự đó cũng tốt, cũng cần thiết cho định luật tiến hóa. Vì định luật tiến hóa cũng cần khối trược chớ con! Sự hiện hữu của khối trược đóng góp và hỗ trợ cho sự tiến hóa của càn khôn luôn luôn. Thiếu nó, bánh xe tiến hóa không chuyển được, guồng máy Âm Dương Trời Đất không vận hành được, và đấy là sự hủy diệt của Trời Đất vậy.
    Cha vừa tạm diễn tả phần nào, vài cái thấy trong vô lượng cái thấy của Thượng Đế. Trong Thượng Đế, vô lượng cái thấy đó vừa tương quan, vừa dị biệt. Và những cái thấy đó đều cùng một lúc. Những trạng thái này đã thể hiện cùng một lượt, vừa có cả sự đối kháng, sự tương phản, lẫn sự hòa điệu với nhau, để hình thành cái minh triết vô cùng tận của Đấng Tối Cao, mà không một ngôn ngữ nào có thể diễn đạt được.
    Cho nên, Thượng Đế động mà tịnh cùng một lúc, Ngài lo mà không lo, khổ mà không khổ, ngu muội mà sáng suốt là vậy đó con! Đó là chơn lý hằng hữu. Trong động có tịnh, trong tịnh có động là vậy! Chỗ này cao siêu phức tạp, các con chỉ nghe mà chưa chứng nghiệm thì khó hiểu thật sự. Thôi thì con chỉ ghi nhận vài ý niệm sơ lược vậy.

    12. VẤN: Thưa Cha, Cha vừa giảng cho chúng con những điều mà chúng con chưa hề thấy các kinh sách hay các nguồn triết lý đề cập đến. Chúng con vẫn thường nghe các tôn giáo rao giảng Thượng Đế là tượng trưng cho toàn thiện, toàn mỹ và ma quỷ ác trược tượng trưng cho sự xấu xa ác trược chính là kẻ thù của Thượng Đế. Vậy xin Cha giảng cho chúng con rõ điều này.

    ĐÁP: Này con, con nên hiểu, các tôn giáo đều không là chơn lý, chỉ là những phương tiện của chơn lý mà thôi. Phật, Chúa, Lão Tử, Khổng Tử hay tất cả những giáo chủ của các tôn giáo khác, đều được lịnh Thượng Đế cho sứ mạng xuống thế, để rao giảng điều tốt lành, thể hiện những màu sắc khác nhau của chơn lý, hầu tùy duyên trợ hành, tùy phương tiện mà hướng dẫn nhơn loại phấn đấu vươn lên.
    Mỗi một tôn giáo là một khía cạnh, là một màu sắc của chơn lý, nó chỉ nói lên phần nào của chơn lý mà thôi. Không tôn giáo nào diễn đạt hết chơn lý con. Vì chơn lý tức Thượng Đế là nguyên lý vô cùng không thể diễn đạt, không thể nghĩ bàn. Các tôn giáo chỉ nói về chơn lý hay Thượng Đế một cách phiến diện, chỉ tả Thượng Đế ở khía cạnh thiện, ở khía cạnh sáng, ở khía cạnh thanh thôi.
    Vì tôn giáo xuất hiện có nhiệm vụ đóng góp sức mạnh vào cái lực lượng sáng suốt tốt lành trong thiên nhiên để hỗ trợ và kích động nhân loại đi lên sự sáng, sự tốt lành. Cho nên, tôn giáo chỉ đề cập về chơn lý ở khía cạnh sáng đẹp. Nhưng đến nay, ngươn cuối đã lụn tàn, Cơ Tận Diệt sắp đến, Cha quyết định xuất hiện đến với trần gian, để nói lên chơn lý siêu thượng thừa, mở thêm trí cho trần gian biết về Thượng Đế, về chơn lý, hầu các con tiến hóa nhanh hơn. Dĩ nhiên, Cha cũng không thể nói hết về Cha, vì ngôn ngữ thì giới hạn, mà Cha thì vô cùng. Vả chăng muốn hiểu Cha, các con phải là Cha, phải trở về tới ngôi Cha, hòa điểm linh quang của con với Đại Khối Linh Quang, hòa Tiểu Hồn vào Đại Hồn của vũ trụ, đấy là lúc Tiểu Hồn con đủ sáng để hợp nhất với Thượng Đế, con là Thượng Đế, ở ngôi vị của Thượng Đế, chừng con chứng nghiệm được trạng thái đó, con mới hiểu thế nào là Thượng Đế mà thôi!
    Cho nên, Cha cho rõ, ma quỷ là kẻ thù của Thượng Đế nhưng ma quỷ cũng là Thượng Đế luôn con! Hai trạng thái này phải thể hiện cùng một lúc trong Cha. Thật vậy, Cha ở khía cạnh thanh thì ma quỷ là kẻ thù. Cha ở khía cạnh trược thì Cha chính là ma quỷ! Chứ con tưởng ma quỷ, khối ác trược từ đâu? Từ Thượng Đế mà ra! Nó là con đẻ của Cha, hay nó chính thật là Cha chứ ai? Thằng ma quỷ này phải ở trong chơn lý chớ con! Nó cần thiết cho sự tồn tại đời đời của chơn lý bất biến, phải có nó định luật tiến hóa mới vận chuyển. Vậy phải chăng ma quỷ cũng là cái đẹp, là sự thiện lành, vì nó hỗ trợ cho định luật tiến hóa, nó đóng góp cho sự sống đời đời của càn khôn? Như vậy, để các con hiểu rằng, không phải vì Thượng Đế là kẻ thù của ma quỷ nên Thượng Đế được toàn thiện, toàn mỹ, nhưng chính thực Thượng Đế làm cả con ma con quỷ, Ngài mới thực toàn thiện, toàn mỹ đó con! Nếu Ngài không làm ma quỷ, nếu Ngài không ác trược thì đấy là sự hủy diệt của chơn lý bất biến. Do vậy, phải chăng nhờ Ngài ác trược Ngài mới được thật toàn thiện và nhờ Ngài xấu xa Ngài mới được thật toàn mỹ?
    Cho nên, muốn là đấng toàn thiện, toàn mỹ, thì Ngài phải vừa chống ma quỷ vừa làm cả ma quỷ luôn con!

    13. VẤN: Bạch Cha, chúng con là Tiểu Hồn do Cha chiết hồn Cha ra, giống y như Cha, Cha bảo chúng con chính thật là Cha, là Tiểu Thượng Đế không khác gì Thượng Đế. Cha vừa nói Cha phải làm cả ma quỷ, Cha mới được toàn thiện, toàn mỹ, toàn giác, toàn năng. Thế sao, chúng con một Tiểu Thượng Đế giống Cha, chúng con lại không thể làm ma quỷ, vì như vậy chúng con sẽ chìm đắm trong ngu muội ác trược, xấu xa, để rơi vào cõi Địa Ngục luôn chớ không thể giác, thiện, mỹ như Cha?

    ĐÁP: Này con ơi, con chưa nhận định đúng sự việc rồi. Đây Cha giảng rõ, chúng con chính là những Tiểu Thượng Đế, những Tiểu Vũ Trụ. Trong chúng con có bản chất ma quỷ cũng như bản chất tốt lành không khác gì Cha. Nhưng tại sao con không thể làm ma quỷ để được tận thiện, tận mỹ như Cha? Tại sao? Sự thật không phải không làm được, nhưng con chưa biết làm y như Cha, thì đúng hơn! Vì con chưa đủ minh triết đó con!
    Con nên nhớ, trong Thượng Đế có trược nhưng có thanh, có ác nhưng có thiện, có ngu muội nhưng có sáng suốt. Ngài vừa là ma quỷ khảo đảo, vừa không là ma quỷ để chống lại với ma quỷ, và đồng thời, Ngài cũng thấy biết cả hai trạng thái đó, dụng cả hai trạng thái đó cho mục tiêu tiến hóa của Ngài, tức là của càn khôn, vì vậy, Ngài tiến hóa luôn luôn, và Ngài hằng hữu đời đời.
    Còn con, nếu con muốn bắt chước Ngài, được chứ con, vì bản chất cấu tạo của con không khác gì Ngài. Trong con có bản chất ác trược ngu muội của ma quỷ, đấy là phần phàm ngã của con đó, và bản chất tốt lành sáng đẹp tức là phần chơn ngã của con đó. Thế thì, con hãy làm như Thượng Đế, tức là biết chi phối phần sáng suốt của con vào phàm ngã, và sử dụng sự khảo đảo của con ma phàm ngã vào mục tiêu tiến hóa của con đi!
    Vì lực ác trược ma quỷ khảo đảo trong càn khôn là để giúp càn khôn tiến hóa. Vậy con ma phàm ngã trong Tiểu Vũ Trụ của con, nó là một thành phần của con, nó dấy loạn lên khảo đảo con, là cơ hội để con học hỏi tiến hóa, con hãy sử dụng nó, để rèn luyện con, giúp con học Bi, Trí, Dũng, học trau dồi ý chí của con thành vô cùng tận, hợp nhất với ý chí của Thượng Đế. Cái con ma phàm ngã có trong bản chất của con là một công cụ rất tốt giúp chơn ngã phát triển, để giúp Tiểu Hồn con tiến hóa trở về ngôi Thượng Đế. Nhưng chính vì con chưa đủ ý chí, chưa đủ minh triết để nhận định, con còn yếu đuối ngu muội, con không biết nhận diện chân thực cái phàm ngã của con, con không nhìn chính xác vai trò của phàm ngã trong con.
    Thế nên, khi phần ác trược trong con dấy loạn, con không đủ sáng suốt để biết sử dụng con ma phàm ngã và tiến hóa, con lại để nó sử dụng con, nó lấn áp con và chiếm con hoàn toàn. Vậy là trong con, lúc đó, chỉ có phần ngu muội ác trược mà không có phần sáng suốt, chỉ có trạng thái ma quỷ, chớ không có trạng thái “không là ma quỷ”, do đó mà Tiểu Hồn con rơi vào ác trược, ngu muội, xấu xa, vì con bị phần ngu muội xấu xa chiếm con. Khi trong con chỉ có trược, không có thanh, chỉ có tối, không có sáng, tức là con không đủ bản chất của Thượng Đế nữa, con không còn giống y như Thượng Đế với đầy đủ tính của Ngài nữa. Lúc ấy, con chỉ giống một khía cạnh của Thượng Đế mà thôi. Đó là khía cạnh trược của Ngài. Thế nên, con phải rơi vào khía cạnh đó, tức là rơi vào khối ác trược của càn khôn hay cõi Địa Ngục vậy.

    14. VẤN: Thưa Cha, Cha bảo Tiểu Hồn con giống y như Cha, thế tại sao Cha có minh triết, có sáng suốt, vừa làm ma quỷ để khảo đảo, vừa sáng suốt chống lại ma quỷ, và biết sử dụng ma quỷ cho sự tiến hóa, còn bản chất chúng con giống y như Cha, tại sao chúng con lại không có chỗ minh triết của Cha để biết sử dụng phần ác trược như Cha để phải bị nó khống chế?

    ĐÁP: À, điều này con hỏi cũng đúng! Đây, Cha tạm giải thích. Con nói đúng. Trong Tiểu Hồn phần trược, phần thanh, phần sáng suốt, phần ngu muội giống y như Cha. Thế vì sao Tiểu Hồn lại không biết chế ngự phần trược, không biết sử dụng nó để tiến, mà để cho nó chế ngự?
    Là vì Tiểu Hồn con, khi phân ly với Đại Hồn, từ trên thanh nhẹ xuống cõi trần trược, nó liền bị chất khí nặng nề ô trược của cõi hồng trần trược hóa nó đi, và Tiểu Hồn bị ô nhiễm phải đánh mất phần sáng suốt nguyên thủy của nó. Ý chí sáng suốt của nó ở giai đoạn này bị lu mờ và do đó phần phàm ngã của nó dễ dàng lấn át nó, khống chế nó. Giai đoạn này là giai đoạn nó phải học trược, học làm điều ác trược sái quấy, tạo nghiệp lực để bị trả quả, để học hỏi tiến hóa như Cha đã giảng trước đây. Rồi dần dần, qua bao kiếp trầm luân, nó từ từ vươn lên, nhờ cái lực tốt lành có trong thiên nhiên, và nhờ những phương tiện tốt lành mà Cha chuyển đến với nó, để kéo nó tiến lên, nó sẽ phải học phấn đấu vươn lên, để từ từ gầy lại cái sáng suốt nó đã mất, và đạt dần dần cái ý chí đã bị lu mờ trong nó. Cái sáng suốt đó sẽ phải phát triển dần dần trên đường đi, cho tới khi đủ sáng để hòa vào làm một với cái khối sáng vô cùng của vũ trụ.
    Đấy là lúc mà Tiểu Hồn con đã trở về hợp nhất với Đại Hồn Cha.

    15. VẤN: Thưa Cha, nếu như vậy thì những sái quấy tội lỗi của con người có đáng được trách móc kết án trước sự phán xét của công lý loài người cũng như trước công lý của Thượng Đế chăng, khi mà những sai lầm của nó đều nằm trong định luật tự nhiên và trong sự xếp đặt của ý chí Thượng Đế?

    ĐÁP: Này con ơi, phải nói rằng trước công lý của Thượng Đế thì những tội lỗi sái quấy của con người đáng trách mà không đáng trách. Tại sao không đáng trách? Vì Ngài hiểu tội lỗi ác trược, vốn dĩ nằm trong bản chất của Tiểu Hồn là một chiết thân của Ngài, nó bừng dậy khảo đảo và khống chế Tiểu Hồn khi Tiểu Hồn bị lu mờ ý chí sáng suốt.
    Sự lu mờ này do ý chí sắp đặt của Ngài và do sự vận chuyển của định luật tự nhiên. Do định luật tự nhiên vận chuyển nghĩa là sao? Là khi Tiểu Hồn của Thượng Đế xuống tới cõi nặng trược, ý chí sáng suốt của nó phải bị lu mờ vì chất khí nặng nề của cõi hồng trần. Do ý chí xếp đặt của Thượng Đế là sao? Là vì Thượng Đế muốn Tiểu Hồn Ngài bị ô nhiễm, đi vào nặng trược phải chịu mất cái sáng suốt của nó để học trược nếm trược, rồi bị ác trược khảo đảo nó, khiến nó đau khổ trầm luân, cho tới khi nó thấm nhuần cái trược, nó sẽ lần bước sang học cái thanh. Giai đoạn học thanh này là giai đoạn mà Tiểu Hồn sẽ vun bồi lại sự sáng suốt mà nó đã mất, cho đến khi nó đạt lại được hoàn toàn.
    Thế nên, Thượng Đế phải hiểu tội lỗi từ trong bản chất của tội lỗi, để không kết án nó! Nhưng rồi ở khía cạnh khác, tại sao Thượng Đế lại trách cứ lại kết án những điều tội lỗi ác trược của con cái Ngài? Vì sao? Vì con ơi, Thượng Đế phải trách cứ nó, phải kết án nó, để đốc thúc sự tiến hóa của nó chứ con! Không những trách mà còn phải răn phạt nó nữa! Răn phạt Tiểu Hồn của Ngài, tức Ngài răn phạt chính Ngài đó thôi! Ngài trừng phạt Tiểu Hồn Ngài qua luật Nhơn Quả, và nhờ luật Nhơn Quả giáo dục, để giúp Tiểu Hồn tiến hóa.
    Cho nên, Thượng Đế trừng phạt, trách cứ, kết án tội lỗi để kích thích Tiểu Hồn tiến hóa đi lên. Ngài muốn Tiểu Hồn học trược, biết trược, rồi lại phải học thanh, học ác rồi học thiện, học tối rồi học sáng, để sau cùng, hiểu biết những thứ đó, Tiểu Hồn sẽ đạt lại đầy đủ bản chất Thượng Đế của nó. Cho nên, Ngài cho Tiểu Hồn đi vào trược, học ác trược, rồi lại phải chỉ trích, lên án tội lỗi ác trược. Cho nó thấy rằng ác trược là điều xấu xa, sai lầm, phải chuốc lấy đau khổ, thảm họa, khi trầm luân trong đó, kêu gọi nó từ bỏ cái đó, lên án cái đó, để Tiểu Hồn từ từ sợ điều ác trược, chán ghét nó để từ bỏ nó, hầu tiến sang bài học tốt hơn, cao hơn, để thuận theo dòng tiến hóa. Nếu cho Tiểu Hồn xuống học trược rồi không dắt dẫn nó, không có lực đối kháng lại cái trược để kéo nó lên bằng sự ca ngợi điều thiện lành, điều cao cả, bằng chỉ trích lên án điều ác trược, xấu xa, tội lỗi, thì Tiểu Hồn sẽ chìm đắm mãi trong cõi ác trược, sẽ giậm chân tại chỗ trược mà không tiến sang để học cái khác hơn. Sự kiện này không khác chi học trò đi học, cứ học mãi bài đó mà không chịu học bài khác cao hơn, vì không ai nhắc nhở đốc thúc nó. Thế thì trình độ nó phải bị kẹt tại đó, phải ở lại mãi lớp đó và bị đẩy lùi bởi dòng tiến hóa mà thôi.
    Cho nên, Thượng Đế không lên án tội lỗi vì minh triết và Ngài lên án tội lỗi cũng vì minh triết nữa! Vì vậy, Ngài lên án điều ác trược mà vẫn hiểu, và Ngài hiểu nhưng Ngài vẫn lên án. Lên án vì cần thiết, vì phải chăn dắt, phải đốc thúc các Tiểu Hồn của Ngài tiến hóa thôi, Ngài lên án nó vì minh triết, nhưng cũng vì tình yêu của Ngài: vì yêu mà trừng phạt, vì yêu mà lên án. Thế nên, khi các con đã hiểu chỗ này rồi, Trí các con ngộ được chơn lý này rồi, thì tính Bi trong con sẽ phát triển rộng hơn, con sẽ nhìn sự việc đúng hơn. Với chính con, con sẽ lên án gắt gao khi con sái quấy, để con khỏi bị chậm trễ, khỏi bị kẹt mãi trong sự ngu muội và bị đào thải bởi dòng tiến hóa, con sẽ rán tránh điều sai lầm sái quấy, ác trược để gia tốc sự tiến hóa của con, con sẽ rán làm toàn điều tốt lành cao cả, để học thanh học sáng, để đạt lại dần dần cái phần sáng suốt trong con, mà con đã đánh mất.
    Và rồi, với đồng loại, con sẽ nhìn đồng loại bằng cái nhìn phóng khoáng và rộng rãi hơn. Con sẽ không nhìn kẻ tội lỗi sái quấy bằng đôi mắt khắt khe, bằng một trái tim hận thù khinh ghét. Vì nếu con tránh được điều sái quấy mà nó đang phạm, ấy là con đã học qua bài đó rồi, con đã từng phạm và từng xấu xa y như nó. Nếu con hiểu được điều tốt lành mà nó vẫn chưa hiểu, tâm hồn nó còn kẹt trong xấu xa đê tiện, con đừng vội tự mãn, hài lòng với con người mình và khinh ghét kẻ sái quấy tội lỗi. Vì con ơi, khi con thấy mình tốt hơn nó, con nên nhớ rằng, con đã từng không khác gì nó, con đã phải trải qua chỗ nó đang đi, con đã phải học điều nó đang học, và nếu con đã vượt qua chặng đó rồi, thì đấy không phải là một lý để con tự mãn và khinh ghét nó.
    Kẻ sái quấy ấy, tự bản chất nó chẳng khác gì con, giống y như con, chỉ có điều nó xuống sau, nên nó đi sau con đó thôi! Khi đứa em con ra đời sau con, thì việc nó nhỏ tuổi hơn, khờ dại hơn, học lớp thấp hơn, có phải lý do để con khinh nó không? Nếu một kẻ đồng loại của con còn chưa chịu hiểu hay chưa hiểu được những điều tốt lành cao cả mà con hiểu được ấy là vì nó còn kẹt trong bài học trược của nó, nó chưa đủ thấm bài đó, và chưa đủ ý lực để vượt khỏi bài đó. Và nếu nó có bị chậm trễ, ngụp lặn, trì trệ mãi chỗ nó đang học mà chưa thoát ra được, thì đấy là điều bất hạnh xót xa cho nó, con nên yêu thương và tận tâm giúp nó trong khả năng hiểu biết của con hơn là khinh ghét nó! Và nếu cần trách cứ lên án để giúp kẻ đó hiểu sự sái quấy của nó thì cũng phải làm thôi!
    Nhưng con nên nhớ rằng, sự lên án của con không được phát xuất từ lòng khinh ghét thù hận mà phải từ những rung động thuần khiết của trái tim thương yêu và của trí tuệ sang suốt thật tâm giúp nó tiến hóa. Cha cho con rõ, nếu con lên án nó mà long con khinh ghét thù hận nó, thì có nghĩa là sự lên án này phát xuất từ ngu muội, từ những chất liệu xấu xa của con ma phàm ngã đó thôi. Tư tưởng con lúc đó rung động nặng nề trọng trược, ấy là cái nhân độc sẽ nảy sinh và hình thành cái quả độc xấu mà con phải hoàn toàn gặt lấy. Vì tư tưởng con nặng trược, thì chắc chắn, sẽ hút điều nặng trược đến với con. Hay nói ngược lại, khi con phóng ra một tư tưởng nặng trược, xấu xa thì điều xấu xa sẽ dội ngược trở lại khảo đảo con, theo sự tác động của luật nhân quả. Con có thể sẽ gặp lại những gì mà kẻ con khinh ghét đang gặp, đang chịu để con biết cảm thông kẻ sái quấy đó. Điều này sẽ dạy cho con biết giữ tư tưởng con tốt lành, dạy con bớt khắt khe kiêu ngạo, biết yêu thương hơn, biết mở rộng tâm hồn đối với đồng loại. Nhờ mở rộng tâm hồn hơn, trí con mới hiểu biết hơn, mới sáng hơn con. Và ngược lại, khi trí con hiểu hơn, thì tự nhiên, con biết mở rộng tâm hồn con ra thêm vậy!

    16. VẤN: Thưa Cha, Cha nói rằng khi cần trách cứ, lên án thì phải làm. Nhưng có điều khi lên án kẻ sái quấy, thì lòng mình phải yêu thương sáng suốt muốn giúp kẻ đó tiến. Thưa Cha, vấn đề ở đây là những trường hợp kẻ lên án nghĩ mình thương, nghĩ mình lên án cá nhân sái quấy kia, để giúp cá nhân tiến, trong tâm có ý tốt như vậy, nhưng thật ra, sự lên án lại sai lầm. Kẻ bị lên án chịu sự phê phán bất công. Như vậy, thì luật nhân quả có tác động lại điều xấu cho một kẻ đã hành động có ý tốt hay không?

    ĐÁP: À, con hỏi trường hợp này Cha sẽ giảng rõ hơn. Cha đã nói, sự lên án phải phát xuất từ tình yêu thương và sự sáng suốt. Nhưng ở trường hợp này, kẻ lên án có thể vì thương nhưng lại thiếu sáng suốt. Thiếu sáng suốt mà tin rằng mình sáng suốt và đã lên án sai. Trường hợp này luật nhân quả có tác động xấu với kẻ lên án sai chăng? Có chứ con! Hành động sai với ý tốt nhưng thiếu sáng suốt thì luật nhân quả vẫn tác động để dạy kẻ sai lầm hiểu biết hơn.
    Vì luật nhân quả chính là luật tiến hóa của vũ trụ, nó giúp con người học hỏi luôn luôn, để hiểu biết tiến hóa, một hành động sai vì thiếu hiểu biết sẽ nhận lại quả báo ứng, để dạy Tiểu Hồn hiểu sự sai lầm của mình, để mở trí thêm, sáng suốt thêm. Quả báo ứng sẽ dội lại nặng hay nhẹ tùy theo tình ý của trường hợp sai lầm đó, để dạy Tiểu Hồn. Con hành động sai với ý tốt, quả báo sẽ dội nhẹ hơn khi con hành động sai với ý xấu. Vì kẻ làm sai với ý xấu đã ngu muội hơn, trược hơn kẻ hành động sai với ý tốt, nên phải chịu quả báo nặng hơn. À, ở đây, Cha thấy chúng con băn khoăn ở chỗ có thể các con có ý tốt muốn giúp kẻ khác tiến, nhưng làm sao để biết sự lên án của mình có đủ sáng suốt đúng đắn không? Vì phần đông ai cũng cho mình là đúng trong chủ quan của mình. Nghĩ rằng đúng mình mới làm, nhưng lỡ nó không đúng mình phải chịu quả báo.
    Cha thấy, ở đây, các con đều là những đứa đang tu học, muốn tránh quả báo, sợ tạo nghiệp rồi phải trả. Các con ngại điều này cũng phải. Vì người tu, khi đã thức giác muốn tìm đường đi lên, tiến tới chỗ sáng suốt, phải cố tránh vay thêm nghiệp, tạo những nhân xấu rồi phải chịu trả quả. Điều này sẽ làm trì trệ, gây khó khăn rất nhiều cho con đường đi lên của người tu học.
    Thế nên, trước một sự việc mình muốn phê phán, lên án, làm sao để chắc mình sáng suốt, mình không phê phán sai? Này các con, Cha cho con rõ, nếu biết sợ vay nghiệp dữ, tạo quả báo, thì hãy nghe Cha nói, chỉ khi nào con có trình độ sáng suốt khá cao, mắt thứ ba của con tức huệ nhãn đã mở tới trình độ con có thể thấy được những rung động của những luồng song tư tưởng phát ra. Con thấy được hình dạng màu sắc của nó và định được những tư tưởng tốt xấu trược thanh, thì khi ấy con mới chắc chắn hơn ở nhận định của con và chỉ khi ấy con mới lên án và phê phán. Vì giai đoạn này, Bi và Trí trong con đã ở trình độ khả dĩ có thể phê phán, để lên án một sự việc, một cá nhân mà chắc rằng sự lên án, sự phê phán đó, phát xuất từ bác ái và trí tuệ.
    Khi con chưa mở được huệ nhãn, chưa thấy được điển, chưa thấy được hình dạng màu sắc của tư tưởng thì thôi, tốt hơn, không nên phê phán ai, lên án ai. Những nhận định, những phán đoán của con lúc đó, khó thể sáng suốt đúng đắn được. Cha đã từng nói với các con, phán xét sai một người là tạo nghiệp khảo mình. Khi trình độ chưa minh, chưa đủ để phán đoán có khi sái quấy, mà lỡ nghĩ điều sái quấy cho người, phải mang ý nghiệp. Ý nghiệp thể hiện qua lời nói trở thành khẩu nghiệp. Ý nghiệp thể hiện qua hành động trở thành thân nghiệp. Nếu cái nghiệp này tràn lan gây một tầm ảnh hưởng lớn rộng, kéo theo nhiều sai lầm khác, thì nghiệp càng dày càng sâu, quả báo càng lớn, rồi phải chịu tác động bởi luật Trời, bởi luật nhân quả để dạy phần hồn học hỏi tiến hóa mà thôi!
    Vì vậy, khi con chưa mở huệ nhãn, con chỉ nên giúp kẻ sái quấy tiến hóa bằng cách cầu nguyện, chúc phúc nó mau sáng, để nó hiểu sự sái quấy của nó. Thay vì, lên án phê phán nó, con hãy gửi đến nó những tư tưởng tốt lành, chúc phúc cho chân ngã, cho bản chất sáng suốt của Thượng Đế trong nó vượt lên làm chủ, chỉ huy điều khiển phần lục căn lục trần, để nó chóng hiểu những sai lầm của nó, hầu sớm thoát qua chỗ tối tăm mà nó đang chìm đắm. Nếu con thật tâm muốn giúp kẻ sái quấy, con hãy gởi thường xuyên những tư tưởng thiện lành nói trên đến với nó. Sự rung động, những luồng tư tưởng tốt đẹp phóng đến với nó thường xuyên, bằng ý chí sáng suốt của con, đến một lúc nào, sẽ tạo thành một sức mạnh tốt giúp nó, ảnh hưởng nó ít hay nhiều tùy theo sức mạnh tâm linh của kẻ phóng đi.
    Tóm lại, trước một kẻ sái quấy, thay vì lên án nó, con sẽ chúc phúc cho nó. Điều này là một lối xử sự khôn ngoan sáng suốt, vừa giúp con tránh tạo nghiệp quả, vừa giúp con gầy thêm công quả. Vì Cha cho rõ, làm công quả này, cũng là lập hạnh bố thí Ba La Mật. Và bố thí không phải chỉ bằng vật chất mà bằng tinh thần nữa. Lối ban rải tư tưởng tốt lành này còn có giá trị cao hơn những bố thí vật chất cho kẻ thiếu. Vì kẻ sái quấy cũng đang đói thiếu sức mạnh tinh thần, đói thiếu sự sáng suốt. Con hãy ban rải những tư tưởng sáng suốt tốt lành với tấm lòng yêu thương mong cho nó hiểu biết. Khi nó sáng suốt nó sẽ bớt sái quấy. Bớt sái quấy, dĩ nhiên nó đỡ tạo nghiệp đến khảo nó khổ hơn. Đấy mới là biết cứu khổ thật sự một con người. Cho nên, không một công quả nào có giá trị bằng công quả bố thí sự sáng suốt để giúp kẻ khác tiến hóa. Lối bố thí này thực đáng kể trước Thượng Đế và trước linh hồn con. Hành nó, con vừa giúp kẻ khác tiến hóa, con vừa giúp con tiến hóa. Vì con càng bố thí sự sáng suốt con càng nhận được sáng suốt, càng ban rải nhiều điều tốt lành thì càng nhận điều tốt lành đến với con thôi!

    17. VẤN: Thưa Cha, Cha đã giảng bản chất của Thượng Đế có cả trược, thanh và ở mọi trạng thái. Như vậy trong Thượng Đế có cả tánh tham, sân, si. Thế tại sao các tôn giáo lại khuyên răn chúng con phải diệt tham, sân, si. Vậy chẳng hóa ra là khuyên chúng con làm mất đi bản chất Thượng Đế của chúng con sao?

    ĐÁP: À, thực ra điều này ở đây hầu như triết lý các tôn giáo chưa giải rõ chỗ này cho các con hiểu, vì các tôn giáo chỉ đứng ở một khía cạnh để nhìn về khía cạnh khác của chơn lý. Ở đây, Cha sẽ giảng để con rõ hơn.
    Các con nói đúng, trong Thượng Đế phải có tất cả tính tham, sân, si chớ con. Ngài không thiếu một tính gì. Nếu Ngài còn thiếu một tính gì thì làm sao Ngài có thể phong phú vô cùng tận? Thế thì tại sao, các tôn giáo lại lãnh sứ mạng của Ngài để kêu gọi con người từ bỏ những tính tham, sân, si hầu được về cõi sáng?
    Tham là gì? Là ham muốn. Sân là gì? Là nóng giận. Si là gì? Là mê muội. Khi khuyên các con diệt tham, sân, si, các tôn giáo đã đứng chỗ thiện mà nhìn chỗ ác, đứng chỗ sáng để nhìn chỗ tối, đứng chỗ thanh để nhìn vào chỗ trược. Thế nên, muốn con được sáng thì phải khuyên con bỏ tối, nếu muốn con thanh thì phải khuyên con bỏ trược. Việc này cũng đúng thôi! Nhưng Cha sẽ giải thích cho con rõ hơn. Cha sẽ cho các con hiểu rằng, vấn đề ở đây không phải là diệt mất tính tham, sân, si
    của con mà là con sẽ học tham, sân, si theo một hình thức khác.
    Thật vậy, Tiểu Hồn con xuống đây đi học, học trược rồi học thanh. Thế nên, khi con ngụp lặn trong cái trược là lúc con được học tham, sân, si theo kiểu trược. Tham kiểu trược là con ham muốn điều nặng trược. Sân kiểu trược là con phản ứng chống đối điều gì không vừa ý theo cách nặng trược.
    Si kiểu trược là con si mê điều nặng trược, và như vậy, con sẽ đắm đuối trầm luân trong ác trược. Nhưng học trược rồi phải học thanh chớ con!
    Con đã học bài đó, biết bài đó, thì bây giờ, phải học bài khác hơn để mở trí biết hơn! Và bây giờ để học thanh, con sẽ từ từ đi vào cái thanh.
    Như vậy, không phải con sẽ từ bỏ tham, sân, si nhưng là học tham, sân, si theo kiểu thanh. Học Tham kiểu thanh tức là ham muốn điều thanh nhẹ. Học Sân kiểu thanh là phản ứng chống đối điều gì không vừa ý, theo cách thanh nhẹ. Và học Si kiểu thanh là con sẽ tập mê si điều thanh nhẹ tốt lành vậy. Khi một vị Phật phế bỏ mọi sự trần gian, đạt đến Niết Bàn, đấy không có nghĩa là Phật diệt mất bản chất tham, sân, si! Thật sự, Phật đang thể hiện bản chất tham, sân, si ở khía cạnh thanh nhẹ. Vì phải chăng Phật cũng đang tham sự sáng suốt? Đang mê sự thanh tịnh, như như, an lạc? Và phải chăng, nếu ai có ý hay hành động chọc giận Phật, Phật sẽ phản ứng chống đối lại bằng cách ban rải cho kẻ đó chút ân điển sáng suốt, để giúp kẻ ấy mau hiểu biết tiến hóa đi lên?
    Tóm lại, để tiến hóa, để được sáng không có nghĩa là con diệt mất bản chất tham, sân, si của con, mà con phải thăng hoa nó lên, phát triển nó ra, tìm biết nó thêm ở những khía cạnh khác, cho đến khi con thật sự biết nó. Con đã học lớp một, muốn lên lớp hai thì con phải bỏ lớp một thôi. Con đã nếm nó, biết nó ở khía cạnh trược thì giờ đây, con hãy bỏ khía cạnh đó, và bắt đầu học nếm nó, tìm hiểu nó, thấy nó ở khía cạnh khác để phát triển trí tuệ dần dần, cho đến khi trí con được phát triển toàn diện đến vô cùng tận. Rốt rồi, khi về tới Ngôi Thượng Đế, hợp nhất cái biết của con với cái minh triết vô cùng của Đấng Tối Cao, con sẽ thấy cuộc hành hương đăng đẳng của con, từ khi xuống thế cho đến ngày về, là một cuộc hành trình để học tham, sân, si, để biết tham, sân, si thật sự và phát triển tham, sân, si cho đến vô cùng tận.
    Vì Cha cho rõ, Thượng Đế tham, sân, si vô cùng tận. Ngài tham, sân, si nhất càn khôn và bất cứ một thể tính nào, một bản chất nào, một trạng thái nào, Ngài cũng đều phải nhất. Vì ở một địa hạt nào Ngài nhường bước, thì Ngài không là chơn lý tối thượng nữa! Thật vậy, trong càn khôn này, không ai tham bằng Thượng Đế, vì Ngài chiếm hữu hết vũ trụ, không có cái gì Ngài không chiếm hữu.
    Và có ai si mê như Ngài, vì Ngài vừa mê trược, vừa mê thanh, si mê đủ mọi trạng thái cho đến vô cùng. Nếu Ngài chỉ mê cái trược, không mê cái thanh, hay ngược lại, chỉ mê cái thanh mà không mê cái trược, thì cái nguyên lý vô cùng phải mất quân bình và sụp đổ tức khắc.
    Rồi thử hỏi, có ai sân bằng Thượng Đế? Ngài nóng giận nhất càn khôn thôi! Ngài chính là dương, là lửa, là nguồn nóng của càn khôn vũ trụ. Ngài chính là kẻ giận dữ, ưa chống đối, thịnh nộ nhất càn khôn. Ở khía cạnh trược, Ngài chống đối cái thanh. Ở khía cạnh thanh, Ngài chống đối cái trược.
    Lực trược trì thanh xuống. Lực thanh kéo trược lên. Thanh và trược chống đối nhau, xô đẩy nhau, hấp dẫn nhau, những trạng thái này diễn ra một lượt, vừa đối kháng, vừa dung hợp, vừa hài hòa để hình thành cái khối minh triết vô cùng, cái khối sinh động vô cùng, cái sức mạnh mãnh liệt vô biên vận chuyển càn khôn tiến hóa đời đời và bất biến... Chỗ này cao siêu và phức tạp, các con phải chứng nghiệm trạng thái đó, các con mới hiểu, Cha giảng bằng ngôn từ cho chúng con tạm biết ý niệm vậy thôi.
    1 Hài hòa: Thỏa thuận, hòa hợp.
    Cho nên, chúng con thấy rõ trong Thượng Đế cái gì cũng phải có, có cùng một lúc, thể hiện lên một lượt, và cái gì cũng là chơn lý. Tính Tham của Ngài là chơn lý, vì nếu có một thứ gì Ngài không chiếm hữu, có một thứ gì ở ngoài quyền lực của Ngài, thì Thượng Đế không còn là chơn lý tối thượng nữa. Tính Sân của Ngài là chơn lý. Nếu thiếu nó càn khôn sẽ không còn sự sống, không còn vận chuyển và không còn tiến nữa. Tính Si của Thượng Đế là chơn lý. Nếu Thượng Đế không có nó tức càn khôn không có trạng thái mê muội. Khi càn khôn thiếu trạng thái mê muội nó sẽ không vận hành không tiến hóa được, thì đấy là sự tan rã của guồng máy âm dương Trời Đất vậy!

    18. VẤN: Bạch Cha, tính nào Cha cũng có, trạng thái nào Cha cũng có, Cha luôn luôn sinh động, như vậy, Cha làm sao được thanh tịnh!

    ĐÁP: Này con, Cha là một khối sinh động vô cùng tận. Vì Cha là Đấng Toàn Giác nên trạng thái nào Cha cũng có, nếu Cha không biết đến trạng thái nào sao gọi Cha toàn giác? Vì Cha là Đấng Toàn Năng, nên Cha phải làm hết mọi thứ, chuyện gì Cha cũng làm. Nếu Cha không làm một chuyện gì sao gọi Cha toàn năng? Trạng thái nào cũng có, chuyện gì Cha cũng làm, do đó Cha phải là thằng cực động. Song chính vì Cha cực động nên Cha thành cực tịnh luôn con!
    Con hãy hình dung, nếu một vật đứng im trước mắt con, con sẽ thấy nó rõ rệt. Khi nó bắt đầu di động, con sẽ khó thấy nó hơn một chút. Khi nó chuyển động ở một tốc lực nhanh, con sẽ thấy nó ẩn ẩn, hiện hiện, không còn rõ nữa. Và khi nó chuyển động với một tốc lực nhanh hơn tốc lực mà đôi mắt con có thể kiểm soát được, thì vật ấy bỗng trở nên như biến mất, như vô hình, con không còn thấy được nó nữa. Vậy, phải chăng vật có rồi thành không? Nói hiện tượng này để con tạm phần nào hình dung Thượng Đế. Vì Thượng Đế ở trạng thái cực động và động đến một vận tốc kinh hồn, nên Ngài trở thành hư không vắng lặng, cực thanh cực tịnh đó con.
    Cho nên, “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc là vậy.” Có mà không, không mà có, trong cái không nó có cái có, trong cái có nó có cái không. Vì vậy, con đừng ngộ nhận rằng hư không là một khối trống rỗng chẳng có thứ gì, chẳng có cảm giác gì, chẳng có trạng thái gì, thế thì cái hư không đó, có gì hay, đẹp, có gì quyến rũ để đạt tới đó đâu?
    Các con lầm to rồi! Thực sự, hư không là một khối sinh động, mãnh liệt vô biên, đến mức độ nó trở nên cực thanh tịnh, không không, như như vô cùng tận. Do vậy, nó không rỗng tuếch mà bao gồm mọi thứ, mọi tính, mọi trạng thái từ trược tới thanh, gồm cả Địa Ngục, trần gian, Niết Bàn v.v... Nó gồm mọi cảnh sắc sinh động, không thiếu một thứ gì. Có như vậy hư không mới là một nguyên lý vô cùng, là chơn lý tối thượng, là Thượng Đế đó con! Vì chơn lý tối thượng gồm mọi trạng thái trược, thanh, ác, thiện, tối, sáng v.v...
    Nếu hư không là chơn lý tối thượng thì hư không phải gồm hết những thứ đó chớ con! Cho nên nguyên lý vô cùng tức chơn lý tối thượng, cũng gọi là Thượng Đế và cũng là hư không đó! Thượng Đế cũng có tên là Đấng Hư Không! Thế nên, ở ngôi của Đấng Hư Không, Cha hưởng vô cùng tận, Cha nếm hết, hưởng hết, biết hết mọi cảm giác, mọi trạng thái, mọi cảnh sắc cùng một lúc, và trạng thái “Động cực Động” mà “Tịnh cực Tịnh” này thật đẹp đẽ, thật tráng lệ, thật tuyệt diệu, thật kỳ ảo, vô lượng vô biên, mà không một ngôn ngữ, không một bút mực nào nói lên hết được. Mọi diễn tả đều phải bất lực trước hư không!
    Và nếu hư không diễn tả ra được, thì đó chẳng còn là chơn lý bất khả2 tư nghị3 rồi! Những cái này thật cao siêu, các con rán có một chút ý (2 Bất khả: Không thể. 3 Tư nghị: Bàn thảo công việc.) niệm về nó, vì chỉ khi con về ngôi Cha chứng nghiệm nó, con mới thật hiểu nó mà thôi!

    19. VẤN: Thưa Cha, Cha hưởng vô cùng tận, vậy Cha có cảm giác đau khổ không?

    ĐÁP: Phải có chớ con, Cha không thiếu một cảm giác gì! Cha vui vô cùng tận và cũng khổ vô cùng tận. Nhưng có điều Cha hưởng cái vui và cái cảm giác khổ đó, Cha cũng hưởng luôn. Các con để ý Cha dùng chữ “hưởng khổ.” Cho nên, khổ trở thành là một cảm giác, một trạng thái cần thiết để đóng góp vào cái lạc thú vô cùng tận của Cha, và nó cũng không thể thiếu cho sự sống còn của chơn lý tối thượng vậy.

    20. VẤN: Thưa Cha, trong một quyển sách do ông Tư (Đỗ Thuần Hậu), ông Tổ môn phái Vô Vi, đã có viết rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế ở ngôi thứ hai, còn Đức Hắc Bì Phật Tổ nắm quyền chủ tể âm dương ở ngôi thứ nhứt. Vậy xin Cha cho chúng con hiểu rõ điều này.

    ĐÁP: Hắc Bì Phật Tổ nắm quyền chủ tể âm dương chính là Cha ở Ngôi Thái Cực đó thôi con. Danh Hắc Bì Phật Tổ cũng là danh của Cha nữa.
    Hắc Bì Phật Tổ hay Huyền Khung Cao Thượng Đế Đại Thiên Tôn, hay Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Thiên Tôn v.v... cũng là Cha! Cha có vô số danh. Bên Cao Đài Giáo, Cha còn tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hay Phước Đức Tiên Ông Kim Viết Cao Đài v.v... nữa đó con! Cho nên, nếu chúng con muốn tưởng Cha, muốn niệm danh Cha, chúng con có thể niệm: “Nam Mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Đại Thiên Tôn” hay “Nam Mô Hắc Bì Phật Tổ” v.v... đều được cả, miễn rằng khi con niệm danh đó, ý con tưởng nhớ đến đấng tạo hóa muôn loài là được rồi.
    Last edited by dienthoai; 08-05-2011 at 11:41 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. TRuyện về bùa lỗ ban(sưu tầm)
    By nghichngom85 in forum Thế Giới Bùa Ngải
    Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 08-01-2012, 05:49 PM
  2. BÍ MẬT THÚ VỊ VỀ LINH HỒN LUYỆN NGỤC
    By satyaa in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 28-04-2011, 10:26 PM
  3. AI hiểu biết về kiếm thuật TQ cho em làm quen.
    By silksword in forum Hỏi Đáp, Tư Vấn
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 25-03-2011, 02:09 PM
  4. Tìm về kinh đô bị chôn vùi 400 năm trước
    By KhangThien in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 09-02-2011, 10:32 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •